Nguồn gốc và ý nghĩa Vu Lan Báo Hiếu

Cập nhật: 28/08/2023

Lễ Vu Lan Báo Hiếu của Phật giáo từ lâu đã trở thành một trong những ngày lễ mang đậm nét nhân văn, đồng thời qua đây còn làm rạng rỡ  đạo lý đền ơn đáp nghĩa của dân tộc.

Nguồn gốc và ý nghĩa Vu Lan Báo Hiếu

Chúng ta đã từng nghe

“Tiết tháng bảy mưa ngâu sụt sùi, thương nhớ mẹ.

Hỏi Vu Lan hương trầm quyện tỏa, nim ân cha”.

Đó chính là một trong những truyền thống đạo đức “Uống nước nhớ nguồn”,  “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc ta. Báo hiếu, báo ơn tổ tiên, ông bà, cha mẹ là một trong những lời cảm ơn quan trọng nhất trong cuộc đời của mỗi con người. Cho nên, mỗi khi nhắc đến những ngày của tháng bảy thì lúc bấy giờ tất cả những người con Phật của chúng ta sẽ vô cùng hân hoan để mà chào đón. Như một nhà thơ đã từng nói:

“Trung nguyên ngày hội vọng Vu Lan. 

     Bến giác chiều thu sóng đạo ngàn. 

   Những ai là kẻ mang ơn nặng. 

    Đều vận lòng thành đón Vu Lan”.

Hay như bài thơ:

Tháng bảy mùa thu lá rụng vàng.

         Ấy mùa nhân loại đón Vu Lan.

   Bâng khuâng chạnh nhớ ơn sanh dưỡng.

        Thổn thức tâm con ngấn lệ tràn”. 

Bài thơ trên như một lời nhắc nhớ về ý nghĩa của ngày lễ Vu Lan Báo Hiếu của Phật giáo từ lâu đã trở thành một trong những ngày lễ mang đậm nét nhân văn, đồng thời qua đây còn làm rạng rỡ  đạo lý đền ơn đáp nghĩa của dân tộc. 

Và đặc biệt, chúng ta thấy trong mùa dịch, tất cả các chùa đang chuẩn bị một mùa lễ Vu Lan đặc biệt hơn so với những năm trước đây. Thông qua đó chúng ta hiểu rằng vào mùa Vu Lan Báo Hiếu tất cả mọi người sẽ bắt đầu tất bật, khẩn trương chuẩn bị các vật phẩm cúng dường với một tâm thế hạnh phúc, biết ơn… Tâm thế hoan hỷ đó là điều mà chúng  ta học từ nơi Tôn giả Mục Kiền Liên sắm sanh lễ vật đủ đầy để mà cúng dường cho Chư Tăng trong mùa Tự Tứ sau khi ra hạ. Nhờ sức chú nguyện của chư Tăng để cầu nguyện cho ông bà, cha mẹ để giúp chúng ta thể hiện lòng hiếu ân, tấm lòng đền đáp đối với ông, bà, cha, mẹ cũng như sự đền đáp  đối với cái nghĩa của dân tộc. 

Đề cập đến Tôn giả Mục Kiền Liên đó là một vị Tôn giả mà ngày xưa sau khi Ngài biết mẹ mình đã bị đọa vào trong đọa xứ, vì làm rất nhiều điều ác, vì lý do đó cho nên Ngài đã đi xuất gia và tu đạo, mong mỏi nhờ vào con đường xuất gia đó có thể báo hiếu và giúp mẹ mình thoát khỏi cảnh khổ bị đọa. Đây cũng chính là một trong những phương cách gọi là báo hiếu đối với cha và đối với mẹ. Vì vậy, với phương cách ngày xưa Tôn giả Mục Kiền Liên đã từng làm để báo hiếu báo ân đến đấng sinh thành. Ta có thể thực hiện được một ngày lễ Vu Lan Báo Hiếu bằng cách đến chùa hoặc ta tự tu ở tại nhà của chúng ta, tại tư gia của chúng ta. 

Và Ban Hoằng pháp Trung ương của Giáo hội cũng đã tổ chức nhiều khóa tu ở trên mạng (ứng dụng công nghệ vào công cuộc hoằng pháp mang đến sự lợi tha cho những người con Phật) giúp Phật tử có thể an tâm tu tập tại gia theo sự hướng dẫn, góp sức từ các vị giảng sư trong Ban Hoằng pháp để chúng ta viên mãn một ngày tu. Và từ đó ta lấy công đức của một ngày tu đó để ta hồi hướng, báo hiếu cho cha mẹ, cho người thân và cho tất cả mọi người. Đức Phật đã từng dạy đó chính là Bốn Trọng Ân. Vậy nên ta hãy theo gót của Tôn giả Mục Kiền Liên nỗ lực để tu tập. Đồng thời, ta cũng cố gắng, nỗ lực học thêm từ nơi Tôn Giả Mục Kiền Liên, đó là sau khi thành tựu đạo quả thì hồi hướng công đức về cho cha mẹ, người thân. Đặc biệt đó là hồi hướng công đức về cho đấng sinh thành để giúp cha mẹ và người thân của mình có thể chuyển hóa tâm thức, để tất cả mọi người đều có thể xa dần tất cả mọi ác nghiệp, không rơi vào trong đọa xứ ví như vần thơ:

“Chiều nay theo dấu Mục Kiền Liên.

Con muốn tìm ra bóng mẹ hiền.

Cánh nhạn tung trời nơi viễn xứ.

Vu Lan mang nặng nỗi u huyền”.

Sự tích lễ Vu Lan xuất phát từ đất nước Ấn Độ, bắt nguồn từ một vị Tôn giả Mục Kiền Liên và lễ đó được gọi là "Cứu đảo huyền, giải thống khổ" hay còn được diễn giải là Cứu cái khổ treo ngượcPali ngữ gọi là Ullambana, đất nước Trung Hoa phiên âm là Vu Lan Bồn, gọi tắt đó là lễ Vu Lan.

Tôn giả Mục Kiền Liên là một vị A-la-hán, nhưng Ngài còn có một tên khác gọi đó là Đức Đại Hiếu Mục Kiền Liên. Bởi vì Tôn giả đã cứu mẹ mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Nhờ sự tu tập, sau khi thành tựu quả vị A-la-hán, Ngài có khả năng nhìn thấu được sáu nẻo. Ngài bèn đi tìm kiếm mẹ mình rơi vào chốn nào. Ngài tìm từ nơi cõi Trời, đến cõi người, thế nhưng Ngài cũng không thấy được mẹ của mình. Cuối cùng Ngài đã nhận ra mẹ của mình đang ở trong cõi của ngạ quỷ và đang chịu đói, chịu khát. Với tình thương của một người làm con, Ngài đã can đảm mang bát cơm của nhân gian xuống cho mẹ của mình, thế nhưng lúc bấy giờ chúng nó thấy trong bản kinh đã nói rất rõ:

       “Cơm đưa chưa tới miệng đà,

 Hóa thành than lửa nuốt mà đặng đâu”,

Bà Thanh Đề không thể thọ dụng được bát cơm mà người con hiếu thảo Tôn giả Mục Kiền Liên đã mang xuống. Tôn giả đã khóc ròng và nỗi khổ, niềm đau nói sao cho hết, cho nên Ngài mới trở về gặp Thế Tôn tìm phương cứu mẹ. Ngài đã khóc ròng con tu bao nhiêu năm trời, con cứ tưởng rằng con có thể cứu được mẫu thân, nhưng hôm nay con lại không làm được gì giúp cho mẹ con vượt qua nỗi khổ, niềm đau đó. Cho nên, xin Thế Tôn hãy chỉ dạy cho con một phương pháp để cứu giúp mẹ của con. Ngài đã được Thế Tôn chỉ hãy làm một lễ Ullambana - Cứu một cái khổ treo ngược (Giải Đảo Huyền). Tôn giả Mục Kiền Liên không thể nào cứu được mẫu thân bởi vì tội nghiệp của mẹ Ngài quá nặng, quá sâu dày, tức là gốc Tham, Sân, Si là quá nặng và với sự Tham, Sân, Si đó thì một mình Ngài muốn hóa giải để khiến cho mẹ của Ngài buông bỏ lòng tham lam, sân hận, si mê và tà kiến là không dễ dàng. Vì vậy, sắm sanh lễ vật đủ đầy để chờ đến ngày Tự Tứ mà cúng dường cho chư Tăng và nhờ sức chú nguyện của chư Tăng để mà hóa giải các nghiệp bất thiện sâu dày. 

Sức chú nguyện của chư Tăng là gì? Ta có thể hiểu rằng không phải bà Thanh Đề sẽ được thoát tội nhờ vào sức chú nguyện đơn thuần từ sự cố gắng của một mình Tôn giả Mục Kiền Liên. Thế gian có câu: “Bụt nhà không thiêng” giống như trường hợp của Ngài Tôn Giả Mục Kiền Liên, Ngài hoàn toàn có thể cầu nguyện cho mẹ của mình, nhưng mà trong phạm vi khuôn khổ của một gia đình thì Ngài bị giới hạn bởi vị trí hiện thời là một đứa con trong gia đình, cho nên rất khó thuyết phục, chuyển hóa người trong thân trong nhà. Vì vậy, để bà Thanh Đề có thể giải thoát thì cần sức chú nguyện của chư Tăng, đặc biệt là thần lực của đức Phật, thần lực của chư vị Bồ tát, thần lực của chư vị A-la-hán, mỗi người một lời khuyên, từ từ kiên nhẫn cảm hóa tâm tánh của bà Thanh Đề dần dần chuyển hóa, ở thế gian gọi là “Mưa dầm thấm đất”. Cuối cùng, nhờ sức chú nguyện đó mà bà Thanh Đề đã chuyển hóa được tâm tham lam, bỏn xẻn, keo kiệt… và thoát ra khỏi loài ng quỷ.

Điều quan trọng hơn là để thoát ra khỏi ng quỷ không phải dựa vào sức chú nguyện của chư Tăng. Vì thật ra đó cũng chỉ là những lời khuyên từ các vị chư Tăng đã chứng quả A-la-hán, mà bản thân của bà Thanh Đề phải có một sự tự giác, nghĩa là bà thấy rõ đây là điều không tốt, đây không phải là điều có thể đem tới bình an, hạnh phúc. 

Ngày hôm nay, chu1bg ta nương nhờ theo sức chú nguyện của chư vị A-la-hán, các Ngài đã tu tập và giải thoát, các Ngài đã truyền dạy lại rằng chúng ta chỉ cần buông bỏ lòng tham, tất cả sân hận, si mê, ganh ghét, đố kỵ… thì chúng ta sẽ tự mình giải thoát. Và đây cũng là một trong những ý nghĩa đặc biệt mà ngày Vu Lan đã trở thành một lễ lớn diễn ra hằng năm cho tất cả mọi người.

Tổ chức lễ Vu Lan hằng năm cũng chính là nhắc nhớ lời Phật dạy, để những lời chân chánh, chân lý ấy luôn tồn tại trong tâm thức của mỗi người học Phật. Từ đó, tâm thức chúng ta được vững vàng, không chạy theo ma lực của năm dục (tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, nghỉ ngơi).

Vì sao chúng ta cần giữ tâm không bị lung lạc bởi ma lực? Bởi vì chúng sẽ khiến ta bồn chồn, bất an, mất ăn mất ngủ, thậm chí quên cả công ơn cha mẹ. Chỉ khi tâm tỉnh thức, nhớ công ơn cha mẹ trong từng ngày, từng phút mới khiến cho thế gian bớt đi những câu chuyện buồn về tình phụ mẫu. Ông bà ta có câu:

Công cha mẹ sánh bằng trời bằng bể,

  Con nuôi cha mẹ kể tháng kể ngày...".

Đây là lời dạy từ rất lâu của ông bà tổ tiên, nhưng luôn là bài học mới cho những người chưa biết ghi nhớ ân cha nghĩa mẹ. Công ơn sinh thành dưỡng dục rộng lớn bằng trời bể, từ khi chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau đến lúc ẵm bồng chăm sóc và trưởng thành, lập gia đình. Tình yêu thương vô bờ bến đó được đúc kết trong những câu thơ mộc mạc mà ai ai cũng đều được nghe qua:

“Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.”

Núi Thái Sơn cao sừng sững, vượt cả trời xanh, có thể che bóng mát cho con cái từ nhỏ đến lớn. Bởi với cha mẹ, con cái luôn là đứa con khờ dù bao nhiêu tuổi. “Nước trong nguồn” chảy mãi, không bao giờ cạn như tình yêu thương vô bờ bến của mẹ dành cho con.

Khi con còn nhỏ, cha mẹ sẵn sàng trả lời bất kỳ câu hỏi nào của con và bất kể bao nhiêu lần. Đến khi cha mẹ lớn tuổi, đầu óc không còn minh mẫn, lãng tai thì con cái lại không kiên nhẫn để giải thích. Khi ta chưa già, ta không hiểu được vấn đề của người già, đến khi ta già đi, ta ở trong trường hợp của cha mẹ thì lúc đó mọi chuyện đã muộn màng.

Cha mẹ càng ngày càng lớn tuổi, sức khỏe yếu đi, có người 70 tuổi mới suy sụp, có người chỉ 50 tuổi đã bệnh tật quấn thân. Một trong những nguyên do chính là lao động vất vả vì con vì cái. Ví như trường hợp của một gia đình ở Ấn Độ, người cha phải làm lụng vất vả để tích trữ của hồi môn cho con gái đi lấy chồng. Nếu không có, con gái sẽ trách móc cha mẹ mình, vì không thể gả đi được. Có bốn cô con gái người cha sẽ vất vả gấp bốn lần, từ đó sinh ra kiệt sức và qua đời. Người mẹ không còn cách nào cũng mua thuốc chuột, đổ vào cháo để tự vẫn cùng với cả gia đình. Đây là một câu chuyện buồn và báo chí Ấn Độ đã lên án về vấn nạn này.

Câu chuyện trên là một lời cảnh tỉnh cho những người con chưa biết nhớ ơn cha nghĩa mẹ. Đừng vì sợ gia đình chồng, gia đình vợ mà nỡ lòng đuổi mẹ già về quê, mặc cho mẹ mình đã bôn ba từ quê xa lên thăm con, thăm cháu. Hay một vài món quà vào ngày sinh nhật mỗi năm cũng chỉ là một phần nhỏ trong sự đền đáp công ơn. Tấm lòng hy sinh của cha mẹ vô bờ bến và không thể kể hết, dù đời này kiếp này ta cũng khó lòng trả hết. Bởi vậy nên ghi nhớ và đền đáp công ơn đó mỗi ngày, mỗi phút. Đây cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng trong lễ Vu Lan.

     “Ngày tháng bảy bao la nhung nhớ

Lễ Vu Lan thương vỡ cơn mưa

         Trăng ơi màu trắng ngày xưa
Nhớ cha thương mẹ đêm thâu khóc thầm”.

Kể từ khi Phật giáo được truyền vào Việt Nam, ngày lễ Vu Lan được tổ chức vào ngày rằm tháng bảy âm lịch hàng năm. Ngày này trở thành một truyền thống của tinh thần báo hiếu, báo ân, phù hợp với tín ngưỡng thờ tổ tiên thiêng liêng của những người dân Việt. Ngày nay, truyền thống tốt đẹp đó được tôn vinh lên một bậc. Từ “lễ” trở thành “hội”, được tổ chức kéo dài trong một tuần đến nữa tháng. Thời gian lễ hội được tăng lên tạo điều kiện thuận lợi để những người con đi làm xa kịp trở về.

Trong mùa lễ hội thù thắng này, chúng ta được nghe thuyết pháp để từ đó thắp lại trong tim mình tình yêu thương đối với hai đấng sinh thành - những người đã hy sinh thân mình để cho ta tồn tại giữa nhân gian. Không chỉ nhắc nhớ những người con, vào dịp lễ này, nhờ vào sức chú nguyện của chư Tăng sẽ đánh động tâm thức của những người cha, người mẹ cả đời vất vả nuôi con nhưng lại tạo ra những nghiệp ác vì bị dính mắc vào tham-sân-si, giúp cho cha mẹ được một đời sung sướng. Đây là bổn phận và cách trả ơn của người làm con, học từ Tôn giả Mục Kiền Liên.

Với ý nghĩa thiêng liêng đó, lễ Vu Lan không chỉ là lễ hội của Phật giáo mà trở thành một lễ hội không thể thiếu của người Việt và được ca ngợi trong những vần thơ:

“Vu Lan đến bao trái tim thổn thức
Vu Lan về hoa đạo nở thơm lừng
  Vu Lan ơi nét đẹp thật chơn thường
    Cho nhân loại tìm về trong ánh đạo.”

Lễ hội Vu Lan nhắc nhớ tình yêu thương con người, giúp mọi người biết yêu thương lẫn nhau, con thương cha mẹ và ngược lại. Tình yêu thương cha mẹ được thể hiện bằng sự chăm lo vật chất và tinh thần, là hành động niệm Phật, hồi hướng để những đứa con đi lạc được tỉnh giác. Tình yêu thương cha mẹ của con cái thể hiện qua việc mời chư Tăng thuyết pháp khai thị cho cha mẹ của mình. 

“Vu Lan kinh gọi ngàn phương
Hiếu ân con trẻ vấn vương trong lòng
Áo con cài đóa hoa hồng
Thắm tươi tình mẹ như đồng lúa xanh.”

Một trong những nghi thức đẹp trong ngày lễ Vu Lan chính là cài hoa hồng lên ngực áo. Hoa hồng tượng trưng cho tình yêu thắm thiết mà cha mẹ dành cho con cái. Người con cài lên ngực đóa hồng chính là con xin nhận tấm lòng của cha, của mẹ và hứa nhớ ơn nghĩa sinh thành, dưỡng dục này.

Màu sắc hoa hồng được quy định như sau: Hoa hồng màu trắng dành cho những người mất cả cha lẫn mẹ. Hoa màu hồng dành cho những người còn mẹ hoặc cha. Hoa hồng màu đỏ dành cho những người may mắn còn cả hai vị Phật này (theo kinh Phật đã tôn vinh về đấng sinh thành).

Mỗi người khi cài hoa hồng sẽ có những cảm xúc khác nhau. Với những người được cài hoa hồng đỏ, đó là niềm hãnh diện lớn. Với những người cài hoa trắng là sự nuối tiếc. Bởi trong cuộc sống này, không ít lần ta đã làm cho cha mẹ phiền lòng.

Vì vậy, để không tiếc nuối, khi còn cha, còn mẹ, ta đừng làm mẹ khóc cha buồn “Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc, đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không”. Đây cũng chính là bổn phận của người làm con, bổn phận nỗ lực tu tập, học theo Tôn giả Mục Kiền Liên hồi hướng công đức cho cha mẹ. Những lời kinh, tiếng kệ, thần lực từ Thế Tôn và trợ lực từ chư Tăng là lời nhắc nhở để cha mẹ chúng ta quay trở về với con đường lành, không rơi vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.

“Hạ tàn hoa lá đổi thay

Thu về lộng gió hương bay ngát rừng

Vu Lan báo hiếu đón mừng

Ngày xuân Phật giáo tưng bừng khắp nơi”.

Vu Lan báo hiếu chính là ngày xuân của Phật giáo, ngày xuân trong tâm thức của những người con Phật. Bởi ngày này mang lại niềm an vui, lợi lạc, không có sân hận, không tham lam. Trong sự vui vẻ hoan hỷ đó, ta tĩnh tâm và nhớ đến bốn nguồn ân đức: công ơn ông bà, cha mẹ; các bậc sư trưởng; ông bà tổ tiên và những anh hùng đã hy sinh và cuối cùng là bạn bè, đồng loại. Hai đấng sinh thành cho chúng ta hình hài, thầy cô giáo hay bậc Tôn túc cho chúng ta trí thân huệ mạng, cho chúng ta con đường tu tập, dẫn dắt ta đi trên con đường đúng đắn hướng đến sự tốt đẹp. Bạn bè, mọi người giúp ta có cái ăn, cái mặc. Bởi trong cuộc đời, ta sống với mọi người trong mối quan hệ tương hỗ. Chúng ta có cơm ăn là nhờ người trồng lúa, chúng ta có áo mặc là nhờ người dệt vải.

Tri ân và báo ân là việc làm của một con người tốt đẹp như lời đức Phật nói trong kinh Hoa Nghiêm rằng, trên cuộc đời này nếu ai mà có tri ân và biết ơn đây mới đúng là con người tốt đẹp, người sống giữa cuộc đời mà không biết tri ân, không biết báo ân thì người này dễ đi vào con đường xấu và rất khó để trở thành một con người tốt đẹp. Bởi vì bản chất của con người là lấy chữ hiếu làm đầu. Khi một người biết yêu thương cha mẹ, họ sẽ biết yêu thương người khác và ngược lại, khi đến cả đấng sinh thành mà họ vẫn không chăm lo, săn sóc thì rất khó dành tình cảm cho một người xa lạ.

Chữ hiếu đối với người tu tập mang ý nghĩa rộng lớn. Người tu tập rèn luyện bản thân, giữ gìn giới, sống đời phạm hạnh, đem trí tuệ của mình để hướng dẫn, hồi hướng, độ cho cha mẹ, cửu huyền, khai mở cho dòng họ bỏ ác làm lành, chuyển hóa nghiệp và có đời sống an vui, lợi lạc. Đó là đại hiếu của người tu, là báo hiếu về mặt tinh thần.

Theo quan niệm của người Ấn Độ, râu và tóc vô cùng quan trọng. Vậy những khi trong gia đình có người mất, họ sẽ cử người cạo tóc, cạo râu để thọ tang và cầu nguyện cho người đã qua đời. Đây là truyền thống báo hiếu của Ấn Độ. Cũng như vậy, những nhà sư cạo tóc, từ bỏ một phần mà người đời rất quý, họ phải “cắt ái - từ thân” để xuất gia tu hành, hướng tới con đường tỉnh thức cho bản thân, cho họ hàng và cha mẹ, gia đình. Như vậy, suy nghĩ những người tu hành là bỏ cha mẹ, không báo hiếu được là chưa đúng.

“Chơn như Đạo Phật rất mầu,

Tâm trung chữ Hiếu, niệm đầu chữ Nhân

Hiếu là độ được song thân,

Nhân là cứu vớt trầm luân muôn loài.

Thái tử Tất-đạt-đa rời bỏ cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con thơ để đi tìm đạo. Đến khi thành đạo, đức Phật quay trở về độ cho công chúa Da-du-đà-la, La-hầu-la và rất nhiều người trong dòng họ Gotama, tất cả đều đi xuất gia và chứng quả, trở thành các bậc tthánh. Về phương diện vật chất, đức Phật tự mình khiêng nhục thân của vua Tịnh Phạn, dù lúc đó Ngài đã được là Bậc Chánh Đẳng Chánh Giác.

Trong thời đại ngày nay, chữ hiếu được đề cao, tinh thần hiếu hạnh được biểu dương mạnh mẽ. Dù là người giữa thế gian hay người xuất gia, chữ hiếu luôn giữ vị trí quan trọng. Đó là truyền thống giá trị đạo đức cao cả. Vu Lan là dịp để mỗi năm chúng ta nhìn lại mình, nhìn lại những việc làm báo hiếu của mình với cha mẹ từ vật chất đến tinh thần. Mở rộng ra, Đại lễ Vu Lan kêu gọi ý thức xã hội về tinh thần đền ơn đáp nghĩa của đức Phật, khuyến khích con người tri ân, đền ơn bốn nguồn ân đức, đó là tri ân và đền ơn cha mẹ sinh thành; thầy cô giáo những người dạy dỗ, truyền đạt tri thức cho con người; tri ân các bậc tiền bối đã dựng xây đất nước, các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh mang lại độc lập, chủ quyền thiêng liêng cho toàn đất nước và cuối cùng là tri ân chính đồng loại con người.

                Thượng tọa Thích Nguyên Hạnh

Chia sẻ
Bài viết liên quan