Chương 2: Logic học Phật giáo

Cập nhật: 18/10/2022

Môn Logic học Phật giáo dạy chúng ta tư duy đúng đắn, nhận thức đúng đắn, đồng thời cũng dạy chúng ta diễn đạt tư duy và nhận thức đó một cách có sức thuyết phục, có lý lẽ.

Chương 2: Logic học Phật giáo

CHƯƠNG II
    LOGIC HỌC PHẬT GIÁO

 

I. ĐỊnh nghĩa môn Logic hỌc và nhỮng lỢi ích thiẾt thỰc 

a) Định nghĩa:

Logic học là môn khoa học nghiên cứu về các quy luật và hình thức của tư duy hướng về việc nhận thức đúng đắn hiện thực. Môn Logic học Phật giáo dạy chúng ta tư duy đúng đắn, nhận thức đúng đắn, đồng thời cũng dạy chúng ta diễn đạt tư duy và nhận thức đó một cách có sức thuyết phục, có lý lẽ.

b) Những lợi ích thiết thực:

Tự mình tư duy và nhận thức đúng đắn là điều mà Phật giáo gọi là Tự ngộ. Còn diễn đạt tư duy và nhận thức đúng đắn đó cho người khác nghe, đọc để thuyết phục họ, thì Phật giáo gọi là Ngộ tha, tức là giác ngộ cho người khác. Như chúng ta đều biết, hai sự nghiệp tự ngộ và ngộ tha mà làm được đến nơi đến chốn, làm đến chỗ viên mãn, thì chúng ta sẽ thành Phật.

Lợi ích cuối cùng của Logic học là tự giác và giác tha, chính là lợi ích cao nhất của hàng Bồ tát. Và lợi ích này, nếu thành tựu viên mãn, thì nhà Logic học sẽ thành Phật.

Những lợi ích khác của Logic học: Nói lợi ích tự giác và giác tha hay tự ngộ và ngộ tha là nói chung, nói theo bộ luận nổi tiếng của Ngài Thương Yết La Chủ  (Sankarasvamin): “Tất cả mọi hành động thành công của con người đều bắt đầu bằng nhận thức đúng đắn” (All successful human action is preceded by right knowledge). 

Câu này mở đầu bộ luận “Nyãya bindu”. (Một giọt lôgic) của Luận sư Dhramakĩrti (Pháp xứng).

Dharmakĩrti không nói tự giác hay giác tha, mà nói tới “mọi hành động cụ thể của con người”. Thí dụ, viết luận văn tốt nghiệp, luận văn cao học .v.v.. thậm chí cả tới những chuyện rất thế tục và tầm thường như đi buôn, tiếp thị, quảng cáo, yêu đương… cũng đều cần có nhận thức đúng đắn mở đầu.

Tình hình có quá nhiều gia đình tan vỡ, nhiều vụ ly dị, những chuyện bi thảm như tự tử vì thất tình v.v.. chứng tỏ là rất nhiều đôi trai gái không nhận thức vấn đề yêu đương một cách đúng đắn. Tại sao, khi đôi trai gái chưa thành vợ thành chồng, thì chàng trai là thiên thần đối với cô gái, cô gái là nàng tiên, hay ít nhất cũng là nàng Kiều thơ mộng đối với chàng trai, nhưng chỉ cần vài tháng sống như vợ chồng thì chàng trai biến thành quỷ dữ, còn cô gái lại biến thành sư tử Hà Đông? Tại sao? Luận sư Dharmakĩrti sẽ trả lời là do nhận thức về yêu đương không đúng đắn từ ban đầu.
Đối với ngoại ngữ cũng vậy, cần có nhận thức về mục đích và phương pháp học ngoại ngữ thì học ngoại ngữ mới thành công tốt đẹp.

Cần phải nhớ tốt, mà muốn nhớ tốt phải biến học thành niềm vui. Học mà lo sợ, sợ thầy, sợ cô, sợ khi đi thi thì làm sao mà nhớ tốt được. Nhà văn hào Nga Dostoviesky nói ông chỉ nhớ rõ những quãng đời vui và hạnh phúc của đời ông mà thôi….Các ông thầy Do Thái dạy kinh Thánh Torah cho trẻ em, trước khi bắt đầu giảng kinh thì nhỏ một giọt mật vào đầu trang sách để báo trước cho các em biết Kinh Torah ngọt như mật vậy, các em phải vui mà nghe, mà học, có như vậy mới dễ nhớ lời dạy của Thượng đế…Một Phật tử, khi hành thiền niệm hơi thở ra vào, cũng niệm những câu: “Với tâm hân hoan tôi thở vô, với tâm hân hoan tôi thở ra, với tâm định tĩnh tôi thở vô, với tâm định tĩnh tôi thở ra “ và cuối cùng “ Với tâm giải thoát, tôi thở vô, với tâm giải thoát ,tôi thở ra…”.

Nói chung lại một câu, làm bất cứ công việc gì, chúng ta phải biết tìm niềm vui ở đó, thì làm công việc đó mới thành công mỹ mãn.
Nói cách khác, nhận thức đúng đắn sẽ giúp chúng ta thành công và vượt qua khó khăn. Trong sách Phật giáo Thiền Tây Tạng bằng Anh ngữ, thường hay dùng từ effortlessly, nghĩa là không phí sức, không có khẩn trương cố gắng, không bị ức chế vì cố gắng. Như vua Trần Nhân Tông, nói chuyện tu hành, mà lại viết: Cơ tắc xan hề, khốn tắc miên. (Hễ đói thì ăn, mệt ngủ liền).

Một câu hỏi: Vì sao Dharmakĩrti bắt đầu bộ luận “Nyãya bindu” bằng nghiên cứu nhận thức luận còn ngài Thương Yết La Chủ thì bắt đầu bộ luận của mình bằng Năng lập, Năng phá, nhằm mục đích ngộ tha? Rõ ràng, trình tự viết hai bộ luận có khác nhau. Vì sao vậy ?

Tuy nhiên, nếu đọc cả hai bộ luận, chúng ta sẽ thấy ngài Thương Yết La Chủ, tuy bắt đầu bằng Năng lập, Năng phá với mục đích ngộ tha, rồi tiếp sau là hiện lượng, tỷ lượng với mục đích tự ngộ. Nghĩa là cả hai mục đích tự ngộ và ngộ tha đều thành tựu, nhưng mục đích ngộ tha đặt ra trước.

Còn Dharmakĩrti tuy đầu tiên bàn về vấn đề nhận thức, nhưng sau hai chương I và II bàn về nhận thức cảm quan (sense perception), và nhận thức suy lý (inference), lại dành cả chương III để bàn về tam đoạn luận (syllogism), nhằm mục đích ngộ tha.

Chúng ta biết đạo Phật xuất hiện không phải trong khoảng không của sa mạc, mà là trong một bối cảnh lịch sử - xã hội với Bà la môn giáo ngự trị trong lĩnh vực tư tưởng và tín ngưỡng. Với sự xuất hiện của Phật giáo, toàn bộ các cơ sở lý thuyết và tín ngưỡng của Bà la môn giáo với những triết phái đi kèm (6 darsanas – tức sáu học thuyết chính thống tán thành quyền uy của sách Thánh Veda) bị một chấn động lớn, và buộc phải xét lại, cải tiến cơ sở lý thuyết và tín ngưỡng của mình.

Trong cuốn “Triết học Ấn Độ” tập 2, Tiến sĩ Radhakrishnan viết: “Kỷ nguyên Đức Phật là suối nguồn vĩ đại của tinh thần triết học Ấn Độ…. Sự chống đối của đạo Phật và đạo Jain …tạo ra một kỷ nguyên trong lịch sử tư tưởng Ấn Độ, vì cuối cùng nó làm giải thể, tan vỡ phương pháp chủ nghĩa giáo điều, và giúp đề xuất một quan điểm phê phán. Đối với các tư tưởng gia Phật giáo lớn, Lôgic học là kho vũ khí chủ yếu, tạo ra những vũ khí phê phán hủy diệt phổ biến….

Phật giáo phục vụ như liều thuốc tẩy, quét sạch tâm thức khỏi những hậu quả xơ cứng của những trở ngại cổ xưa… Các trường phái bảo thủ bắt buộc phải hệ thống hóa quan điểm của họ và bào vệ chúng một cách lôgic. Mặt phê phán của triết học cũng trở thành quan trọng như mặt tư biện….” 

Đoạn câu Anh văn trích dẫn: “The age of Buddha represents the great spring tide of philosophic spirit in India… the revolt of Buddhism and Jain…. Forms an era in the history of India thought, since, it finally exploded the method of dogmatism and helped to bring about a cricical point of view. For the great Buddhist thinkers, logic was the main arsenal, where were forged the weapons of universal destructive criticism. Buddhism serves as a cathartic in clearing the mind of the cramping effects of ancient obstructions…. The conservative schools were compelled to codify their views and set forth logical defences of them. The critical side of philosophy became as important as the speculative….”.
(Indian philosophy- Radhakrishnan- volumn II, p.17
)

Không những vào thời Phật Thích Ca thuyết pháp và trình bày giáo lý Phật giáo, mà lâu về sau, sau khi Bà la môn giáo và các triết phái chính thống điều chỉnh và cải tiến cơ sở triết học và tín ngưỡng của mình, các cuộc tranh luận vẫn tiếp tục kéo dài giữa các triết phái thuộc giòng chính thống (astika) và Phật giáo.

Mục tiêu của Luận sư Dignãga khi sáng lập môn Logic học Phật giáo là phục vụ cho cuộc tranh luận kéo dài giữa đạo Phật và các triết phái chính thống của Bà la môn giáo, do đó mà yêu cầu ngộ tha, giác ngộ cho người khác chiếm vị trí ưu tiên. Vì vậy, trong sách Logic học Phật giáo hay dẫn chứng nhiều ví dụ lấy từ cuộc tranh luận đó. Tuy rằng, Dignãga lấy mục tiêu ngộ tha làm chính, nhưng ông cũng không quên tầm quan trọng của nhận thức luận, mà hai công cụ chính là hiện lượng và tỷ lượng.
Các nhà tư tưởng lớn của Phật giáo đã dùng vũ khí của Nhân minh học để phản bác các triết phái chính thống của Ấn Độ giáo, và nêu cao lập trường, quan điểm của mình. Luận sư Dignãga khi sáng lập ra môn Logic học Phật giáo, chính là nhằm để cho cuộc tranh luận giữa Phật giáo và các triết phái của Bà la môn giáo được tiến hành nghiêm túc, có lý có lẽ, không thể có chuyện cãi chày cãi cối, như đã từng xảy ra ở Hy Lạp thời cổ đại với phái Ngụy biện (Sophists). Yếu tố này giải thích vì sao bộ luận của ngài Thương Yết La Chủ bắt đầu bằng các câu “ năng lập dữ năng phá…”, với mục đích ngộ tha.

II- VỀ tính chẤt khó hiỂu, khó hỌc cỦa môn Logic hỌc PhẬt giáo

Môn Logic học là một trong 5 môn học của các trường Đại học Phật giáo ở Ấn Độ, khi Phật giáo còn ở vào thời kỳ thịnh trị tại xứ này. Logic học là môn học, có thể nói rất có giá trị thực tiễn, vì nó dạy chúng ta tư duy và lập luận đúng đắn, có sức thuyết phục. Tuy nhiên, những cái khó của môn Logic học Phật giáo gồm:

- Thứ nhất, sách Logic học Phật giáo hay dẫn chứng những ví dụ liên quan đến cuộc tranh cãi kéo dài giữa Phật giáo và các Triết phái thuộc phái chính thống Astika của Ấn Độ giáo. Muốn hiểu những ví dụ dẫn chứng đó, chúng ta không thể không biết qua về triết Ấn, nhất là 6 triết phái chính thống của Ấn Độ giáo tức là các triết phái Nãya- Vaisẽsika, Sãnkhya - Yoga, Pũrva Mimãmsa và Uttara Mimãmsa (học phái này về sau có tên gọi quen thuộc là Vedãnta). Đó là cái khó thứ nhất.

-Cái khó thứ hai thuộc về từ ngữ. Bộ môn khoa học hay triết học nào cũng có kho từ ngữ của nó. Môn Logic học Phật giáo lại dùng nhiều từ ngữ của triết phái Chánh lý, tức triết phái Nyãya của Ấn Độ giáo: một từ ngữ, nhưng Phật giáo hiểu khác, phái Nyãya tức là phái Logic học của Ấn Độ giáo lại giải thích khác. Khi nghiên cứu, chúng ta không thể lẫn lộn các khái niệm và từ ngữ của Logic học Phật giáo và Logic học của Ấn Độ giáo.

-Cái khó thứ ba thuộc về văn dịch Hán và Hán – Việt. Khi người dịch là Ngài Huyền Trang thì không ai dám chữa cả, dù ngài Huyền Trang dùng từ khó hiểu mấy đối với chúng ta là người hiện đại. 

III- SỰ khác biỆt giỮa Lôgic hỌc PhẬt giáo và Lôgic hỌc phương Tây

Đại diện điển hình của Lôgic học phương Tây là Lôgic học hình thức của Aristotle, sau này được bổ sung và cải tiến bởi Lôgic học của học phái Khắc Kỷ (Stoiciens) và Lôgic học toán.

Trong bài này, chủ yếu giới thiệu những nét cơ bản của Lôgic học hình thức của Aristolte. Aristotle là học trò của Triết gia Platon. Ông cũng là thầy dạy của hoàng đế Alexander vĩ đại. Ông sinh năm 382 và mất năm 322 trước Công nguyên.

Công thức luận lý hình thức của ông bắt đầu bằng hai tiền đề và từ hai tiền đề đó rút ra hai kết luận thích đáng.

Tiền đề thứ nhất gọi là Đại tiền đề (major premise) như nói:

Tất cả mọi người đều phải chết.

Thứ hai là Tiểu tiền đề (minor premise), như nói:

Socrates là người 

Thứ ba là kết luận hay đoán án, rút ra từ hai tiền đề trên:

Socrates là người cho nên ông ta cũng chết.

Tất nhiên, chúng ta giả định là đại tiền đề và tiểu tiền đề đều chính xác, đó là điều kiện tiên quyết, Bởi lẽ, có trường hợp, kết luận có thể rất đúng, rút ra một cách thích đáng từ hai tiền đề. Nhưng hai tiền đề này lại sai. Một ví dụ để minh họa:

  • Đại tiền đề: Trái đất là hình vuông.
  • Tiểu tiền đề: Cái gì vuông đều tròn.
  • Kết luận: Do đó trái đất là tròn.

Ai cũng có thể thấy hai tiền đề sai như thế nào rồi. khi lập luận Aristotle thiên về kiểu thức các mệnh đề hay luận thức đều theo mô hình chủ ngữ - vị ngữ. Như nói: Mọi người/ đều phải chết. Mọi người là chủ ngữ, đều phải chết là vị ngữ. Hay trong câu: Socrates/ là người. Socrates là chủ ngữ, là người là vị ngữ.

Có thể vì Aristotle không thích toán học, cho nên ông không dùng mô thức toán để lập luận, đơn giản hơn.

Một con đường thẳng trên có điểm A, B, C. Và A đứng giữa B và C. Bây giờ hãy thêm một điểm D ở bên ngoài C. Chúng ta có chuỗi các điểm D, B, A, C. Chúng ta có thể kết luận ngay là  A nằm giữa D và C.

Hãy đem tam đoạn luận (syllogism) gồm ba thành tố đại tiền đề, tiểu tiền đề và kết luận của công thức Aristotle, so sánh với công thức ngũ chi tác pháp của triết phái Nyãya, và tam chi tác pháp của Dignãga, Phật giáo. Chỉ cần đưa ví dụ minh họa, là thấy ngay sự khác biệt.

Trong đại tiền đề của lập luận của Aristotle:

Tất cả mọi người đều phải chết, rõ ràng đó là một khái quát hóa mà mọi người đều đồng thuận.

Còn trong lập luận của Nhân minh, dù là cũ hay mới, thì mệnh đề đầu tiên gọi là Tôn, lại chính là đề tài tranh chấp giữa bên lập và bên phá, tức là giữa người lập thuyết và người phản bác, như nói :

Tôn: Trên núi đàng xa có lửa.

Nhưng vì đúng đàng xa làm sao thấy được có lửa, cho nên người nghe phân vân, hay ít nhất cũng nói điều nghi của mình: Lửa có thấy đâu?

Người lập thuyết bèn nói: Bởi vì có khói um lên.

Khói là thành tố thứ hai, cũng gọi là thành tố trung gian (the middle term). Đó là thành tố quan trọng nhất của tam đoạn luận của Logic học Phật giáo, bởi vì nó chứng minh cho mệnh đề: Trên núi đàng xa có lửa.
Hai bên có đồng thuận là đồng thuận thành tố trung gian này. Đúng là trên núi có khói, ai cũng thấy.

Bên lập bèn nói tiếp: Bất cứ ở đâu có khói là có lửa, cũng như bất cứ ở đâu có lửa là có khói. Về điểm này, thì cả hai bên lập và phá đều đồng thuận, cũng giống như đại tiền đề trong lập luận của Aristotle. Đó là một khái quát hóa từ rất nhiều hiện tượng đã được quan sát: Ở đâu có lửa là có khói. Đó là một thao tác quen thuộc của tư duy gọi là quy nạp (induction). Nghĩa là từ rất nhiều hiện tượng cụ thể, cá biệt quy nạp thành một khái quát chung, gọi là generalization.

Các mệnh đề như: “Tất cả mọi người đều phải chết.” (Aristotle) hay như: “Ở đâu có khói là có lửa và ngược lại cũng vậy”., cũng đều là những khái quát, quy nạp nhiều hiện tượng, sự vật hay quá trình cá biệt và cụ thể.

Và cả hai luận lý học phương Tây và luận lý học phương Đông (Ấn Độ giáo và Phật giáo) cũng đều rút ra kết luận. Một bên (Aristotle) thì rút ra từ hai tiền đề đại và tiểu, và một bên (phương Đông) thì rút ra từ thành tố thứ hai là Nhân, tức là cái dấu hiệu logic liên hệ tất yếu với sự vật, hiện tượng hay quá trình bị che dấu, mà cảm quan không nắm bắt được trực tiếp, như lửa trong trường hợp ở trên núi đàng xa. Khói là cái Nhân, cái dấu hiệu logic, giúp chúng ta biết là trên núi có lửa, mặc dù chúng ta không trực tiếp thấy có lửa.

Chia sẻ
Bài viết liên quan