Người mang trí tuệ với nhân gian

Cập nhật: 29/07/2023

Khi chúng ta chí thành kính ngưỡng đến Đức Phật thì chúng ta phải biết làm sao vận dụng đúng trí tuệ sáng suốt của Người sau khi thành tựu Đạo quả Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác vào cuộc đời thế tục này, đó cũng là cách đền đáp tam bảo, trả ơn trời đất và giúp chúng ta sống an lạc, hạnh phúc.

Người mang trí tuệ với nhân gian

Trong Kinh Pháp Cú có một bài kệ như thế này:

       “Hạnh phúc thay Đức Phật ra đời,

          Hạnh phúc thay giáo pháp cao minh

         Hạnh phúc thay chúng Tăng hòa hợp

         Hạnh phúc thay tứ chúng đồng tu”.

Ngày rằm tháng Vesak hàng năm, không chỉ Phật tử Việt Nam mà tất cả triệu triệu trái tim của những người con Phật khắp thế giới đều hướng đến ngày đại lễ quan trọng trong Phật giáo “Ngày Phật Đản sinh”.

Sự kiện Đản sinh của đức Phật được diễn tả như hoa linh thoại mấy nghìn năm mới trổ hoa một lần, và mỗi lần hoa linh thoại nở thì lúc bấy giờ có một bậc vĩ nhân xuất hiện giữa nhân gian. Sư kiện đó, không ai khác chính là khi Thái tử Tất-đạt-đa (Siddhartha), người đã xuất hiện tại vườn Lâm Tỳ Ni. Khi ấy, trời, người đều reo vang, hân hoan chào đón những bước chân đầu tiên của Ngài đi vào nhân thế và mang trí tuệ trong triết lý Phật giáo đến với nhân gian.

Trong một bài Sám đã ghi lại nguyên nhân Phật xuất hiện giữa thế gian này:

       “Không nở sinh linh thiếu phước
      Nặng kiếp luân hồi đêm dài tăm tối”.

Chúng sinh đang sống trầm luân trong bể khổ của thế gian, vì thiếu phước, vì nghiệp lực mà nặng kiếp luân hồi, và vì thiếu trí tuệ nên không nhận ra vô thường, phải sống dài trong tăm tối. Để chúng sinh không còn phải sống khổ đau và phiền não, để chúng sinh không còn phải trôi lăn trong vòng quay của lục đạo luân hồi, và vì tấm lòng từ bi không thể nghĩ bàn mà đức Thế Tôn đã xuất hiện.

Từ nơi kim khẩu của đức Thế Tôn đã kể lại cho chư Tăng cũng như là cho tất cả mọi người rằng Ngài đã xuất thân tự nơi cõi Trời-đâu-suất-đà-thiên. Và từ đó Ngài đã hạ phàm đi vào trong nhân gian, như trong kinh được đề cập “Này các Tỳ-kheo, thế gian sẽ có một người, mà người đó mang lại cái lợi ích hạnh phúc, an vui cho số đông loài người, đem lại lợi ích hạnh phúc an vui cho chư thiên và cả loài người. Đó là một bậc A-la-hán, một bậc Chánh đẳng Chánh giác”. Không phải ai cũng thấu rõ điều này, nhưng một điều chúng ta có thể hiểu được đó là đức Thế Tôn là một Người hiểu biết chân chánh tối thượng, mà trên thế giới này chúng ta không thể nào tìm thấy được người nào khác.

Vì đức tin không thể xoay chuyển, ta đến chùa nghe lại giáo pháp của đức Thế Tôn, mong muốn thanh tẩy tâm hồn và thân thể thế tục để không còn phải bị nặng kiếp luân hồi, không còn rơi vào những ngày sống tăm tối, vì thiếu hai bồ tư lương trí tuệ và phước báu, ví như có những người sinh ra đã không có đủ tứ chi, hoặc sống trong cõi lầm mê, có đủ tay, chân lại làm những điều không tốt. Ví dụ như ở Ấn Độ ngày xưa, nếu những ai trộm cắp, nếu bị dân làng gặp, sẽ chịu tội chặt hết tay. Người Ấn Độ xưa không chấp nhận Luật pháp bảo vệ và để cho người phạm lỗi có cơ hội để mà sửa sai. Vì thương chúng sinh ngu si, còn bị chi phối bởi tham, sân, si, Đức Thế Tôn chọn sinh ra ở thế gian, là con của vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Ma-da (Maya) ở tại thành Ca-tỳ-la-vệ. Ngài đến nhân gian, thị hiện cõi ta-bà, thắp lên ngọn đuốc của trí tuệ bằng phương tiện nói pháp, mang ánh sáng đến với trần gian, cho những sinh linh thiếu phước báu.

Chúng ta là những người vô minh chưa nhìn rõ được hạnh phúc của thế gian, tự mình làm khổ cho chính bản thân mình, nên từ đó làm cho chúng ta thiếu những phước lành và không biết cách tạo phước báu. Có rất nhiều Phật tử thắc mắc rằng “Vì sao lại có những người ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, không nhà, không cửa…”. Đó là bởi vì kiếp trước họ vẫn chưa biết đến ánh sáng trí tuệ của Đức Như Lai. Chính vì vậy, Người đã đi vào trong nhân thế để dạy cho chúng ta phải có gieo Phước thì khi ta đi đến đâu cũng có nhà, có cửa, có con cái, ăn mặc đầy đủ và không rơi vào hoàn cảnh gọi là sinh linh thiếu phước.

        Hơn nữa, điều khiến Đức Phật phải xuất hiện trong cuộc đời này còn là vì “Nặng kiếp luân hồi”. Hết thảy chúng sinh trên thế gian này từ vô thỉ kiếp đến nay trôi lăn trong lục đạo. Tương lai sau khi thọ mạng dứt, chúng ta đi đâu và về đâu không ai dám nói trước. Thế nhưng, người ở thế gian thì họ quan niệm “chết là hết”. Nên có những người vì quá khổ, họ đã tự kết liễu đời mình, tìm đến cái chết để giải thoát cuộc đời mình. Nhưng đó là một sai lầm rất nghiêm trọng làm tổn hại phước báu của chính chúng ta. Cuộc sống người đó đang khổ vì các tội lỗi và nghiệp của quá khứ chưa tan, bây giờ lại ngăn cản sự sống, mang tội giết chính mình, đó là thêm một cái tội nên nghiệp chồng nghiệp càng thêm khổ. Chúng ta, khổ tức là trong đời kiếp nào trong quá khứ (hoặc có thể hiện tại) mình đã mắc nợ người khác mà chưa trả, giờ đây vì khổ mà tự hủy hoại bản thân là đang chạy trốn, nên nghiệp (nợ) vẫn còn nên phải trả ở những đời sau. Đây chính là một cái kiếp sống luân hồi, có nghĩa là chúng ta không thể trốn tránh nghiệp được. Nhưng nhiều người lại không tin điều đó, họ cho rằng chết là hết và qua đời sau sẽ tái sinh trở lại, nhưng họ không biết lựa chọn kết thúc cuộc đời mình như vậy thì một kiếp sống khác mở ra vẫn sẽ khổ sở vô cùng. Còn Phật tử nào mà có nhà cao, cửa rộng và sang trọng, đủ ăn đủ mặc… là những vị có trí tuệ hiểu biết lời của Phật dạy: biết tu tâm dưỡng tánh cho nên đời này mới an ổn và tốt đẹp. Mỗi một người đều có cuộc đời khác nhau, vì chúng ta tạo nghiệp khác nhau, do vậy nên mỗi người một mảnh đời một cuộc đời khác nhau. Đây chính là nhân mà chúng ta đã gieo trong quá khứ và tất cả hạnh phúc hay khổ đau của hiện tại là quả ta vốn dĩ phải đón nhận. Và chúng ta nên đón nhận tất cả mọi sự xảy ra với mình bằng cái nhìn mọi sự đều vô thường, bằng thái độ tích cực và cái tâm trong sáng. Đặc biệt, khi chúng ta chí thành kính ngưỡng đến Đức Phật thì chúng ta phải biết làm sao vận dụng đúng trí tuệ sáng suốt của Người sau khi thành tựu Đạo quả Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác vào cuộc đời thế tục này, đó cũng là cách đền đáp tam bảo, trả ơn trời đất và giúp chúng ta sống an lạc, hạnh phúc.

Và có bốn điều mà khiến cho tất cả mọi người bị rơi trong luân hồi nhiều đời nhiều kiếp:

Điều thứ nhất đó là ta bị rơi vào trong cái ham muốn quá lớn, đó là lòng tham lam. Nhưng cũng có nhiều người rất giàu, họ là tỷ phú, triệu phú thì họ bảo con có đầy đủ tiền bạc thì đâu có tham. Nhưng thực tế không phải như vậy “tham” ở đây có 5 loại: tham tài sản, tham sắc đẹp, tham danh lợi, tham ăn, tham ngủ nghỉ chỗ sang trọng. Ví dụ: có những người thích ngủ li bì từ sáng đến chiều tối và đó chính là lòng tham, hay có những người ra đường là phải sửa soạn đẹp, vẽ chân mày, trang điểm… Chúng ta đang làm đẹp cho thân này nhưng chúng ta lại bị vô minh, ta lại không thấy rõ cái thân thể này từ đâu tới? Những ai có trí tuệ sẽ mới nhìn ra thân này không phải của ta, thân này là do năm thứ hợp lại hình thành, Đức Phật đã chỉ rõ năm yếu tố đó là sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Đối với các nhà triết học thì họ nói con người hình thành bởi hai yếu tố một là vật chất, hai là tinh thần. Và năm yếu tố mà Đức Phật nói được chia sẻ rõ ràng hơn, chính là yếu tố của vật chất và yếu tố của tinh thần.

Và bốn yếu tố thuộc về mặt tinh thần (thọ, tưởng, hành, thức) được nhắc ở trên cũng là một trong những điều dẫn con người đến khổ đau và luân hồi. Thọ là cảm thọ của mỗi con người, tưởng là nhận thức của mỗi chúng ta, hành là sự dao động của tâm lý, thức đó là sự phân biệt và nhận biết của tâm ý về các giác quan hay sáu căn đó là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý của chúng ta. Và bốn yếu tố thuộc về mặt tinh thần cũng là một trong những điều thứ hai dẫn con người đến khổ đau và luân hồi. Đức Phật đã chỉ ra rất rõ và để cho mọi người nhận ra thân thể này là do các yếu tố ấy tạo nên. Vì vậy, chúng ta muốn bệnh là sẽ bệnh, muốn đau sẽ đau, nó sẽ điều khiển thân thể của chúng ta. Tuy thân thể này là của chúng ta nhưng đôi lúc chúng ta không thể kiểm soát được. Mặc dù một trong số đó là những cái duyên nhưng thực tế chúng ta không thể điều khiển được. Cách để biết những điều này chính là trí tuệ của Đức Phật. Vì Ngài là bậc Chánh đẳng, Chánh giác, Người có trí tuệ nhìn và thấu rõ hết tất cả mọi việc của thế gian. Vậy Phật tử chúng ta có trí tuệ không? Nếu như chúng ta biết lắng nghe lời Phật dạy, tự mình quan sát và nhìn sâu vào bản thân của chính mình, chúng ta dần sẽ có được trí tuệ. Khi nói đến điều này, một minh chứng rõ ràng nhất là bản thân của các thầy. Trước khi đi tu, các thầy cũng giống như quý vị, vì trước đó chúng tôi không được học giáo lý của Đức Phật đến nơi đến chốn, không hiểu hết được lời Phật dạy. Nhưng mà khi vào chùa và bắt đầu tu học, các thầy mới học và tìm hiểu sâu về giáo lý và lời Phật dạy. Sau đó mới ngỡ ngàng nhận ra nhiều điều: tưởng thân này là của tôi và bản thân luôn bị cái tôi, bản ngã chiếm giữ. Nhưng cuối cùng, thân này cũng không phải của tôi và cái tôi cũng không có… Tất cả mọi người chúng ta đều bị vô minh che lấp và vì điều đó nên chúng ta đã gây ra biết bao nhiêu tội lỗi và sẽ mãi đi vào trong luân hồi. Đây là yếu tố dính mắc vào yếu tố “tham lam” và nhân tham rồi ta dính vào “chấp”. Chúng ta chấp vào cha mẹ, anh em, gia đình, tiền tài, danh vọng… Chẳng hạn như một ai đó có thể đụng đến chúng ta nhưng không được phép đụng vào cha mẹ hay người thân của ta. Chúng ta sẽ quyết liều mình, bất chấp tất cả khi điều đó xảy ra. Tuy nhiên, người thân của chúng ta trong đời này là những người có duyên với chúng ta từ một kiếp sống nào đó và ở kiếp sống này tái sinh vào chung một nhà.

Ví dụ: kiếp trước người này là người hàng xóm nhưng mà do mình với người đó có duyên cho nên đời này họ đầu thai vô làm con của mình. Nói đến điều này, tôi sẽ chia sẻ cho quý vị một câu chuyện về một nhà sư đi khất thực. Trước tiên, quý vị cần hiểu rằng nếu các vị cúng dường cho nhà sư thì sẽ góp phần nuôi dưỡng nhà sư tu tập, như vậy công đức sẽ rất lớn. Khi nhà sư đó đến nhà Phật tử để khất thực, trong lúc chờ thức ăn, thì có một con ngỗng đã nuốt nhầm một viên kim cương của nhà vua Ba-Tư-Nặc. Tức là vào thời của Đức Phật, vua Ba-Tư-Nặc đã gửi viên kim cương này cho vợ chồng thợ kim hoàng gia công để chế tác thành sợi dây chuyền kim cương. Hôm ấy, khi nhà sư đến khất thực thì vợ chồng thợ kim hoàng đang chặt thịt, máu văng lên viên kim cương, nên con ngỗng nghe mùi lại ngỡ viên kim cương là thức ăn mới nuốt nhầm. Khi đó người thợ kim hoàn lại phát hiện mất viên kim cương, ông nảy sinh nghi ngờ nhà sư vì khi đó chỉ có hai vợ chồng ông và nhà sư ở đó. Giá trị của viên kim cương rất lớn, ông vô cùng hoảng hốt, sau đó đổ lỗi, đánh đập nhà sư vì nghĩ nhà sư đã lấy cắp. Khi ấy, nhà sư bị thương, máu bắt đầu tuôn ra, con ngỗng nghe mùi máu tanh nên bất ngờ chạy đến, người thợ kim hoàn theo quán tính đã lỡ tay đánh chết con ngỗng. Lúc bấy giờ, nhà sư mới nói là do con ngỗng đã lỡ nuốt nhầm viên kim cương, nếu ông không tin có thể mỗ bụng ngỗng ra để kiểm tra. Ông thợ kim hoàn bất ngờ hỏi nhà sư vì sao lúc đầu đổ oan vị sư không nói. Đây là lòng từ bị của nhà sư, vì dù là một con ngỗng thì nó cũng là một sinh mạng, nhà sư không nỡ đoạt mạng nó, nên chấp nhận bị đổ oan và chịu mọi đòn roi thay nó. Và khi con ngỗng nghe mùi máu tanh (vì tưởng lầm là thức ăn) mà chạy đến để rồi bị đánh nhầm nên mất mạng, đó là nghiệp duyên của nó đã hết. Lúc bấy giờ, các thầy mới nói cho ông thợ kim hoàn biết sự thật, ông vội lấy dao, mổ bụng con ngỗng ra thì thấy đúng là cái viên kim cương nằm trong đó. Ông lập tức quỳ gối dưới chân của nhà sư và xin sám hối, vì bởi vô minh che lấp nên không nhìn thấu được mọi việc, không hiểu được về lòng từ bi của một nhà sư lại lớn như thế: “Con xin sám hối vì không biết, con vô minh nên không đủ trí tuệ để nhìn ra đâu là đúng và đâu là sai, không hiểu được về lòng từ bi của một nhà sư vì thương sinh mạng của một con vật mà chấp nhận hy sinh bản thân mình để cứu chúng”. Tại sao các thầy vì thương tất cả các sinh mệnh dù là người hay con vật, ngay cả con kiến, con muỗi, các thầy cũng không nỡ giết, vì đó cũng là những sinh mệnh. Dòng đời của mỗi con muỗi chỉ trong ba ngày, ngày đầu sinh ra là lăng quăng, sau đó nó trưởng thành và tới ngày thứ ba thì già và cuối cùng nó chết. Vì thế, các nhà sư không nỡ giết, cố gắng cho nó sống. Thế nhưng nhiều người đã chia sẻ: “Thầy ơi nó sống thầy có thể chết”. Vì có loài muỗi thường và muỗi độc (gọi là Linh muỗi). Nếu bị những loài muỗi độc chích thì chúng ta sẽ bị nhiễm bệnh và nguy hiểm đến tính mạng. Điều này minh chứng cho chúng ta hiểu rằng, từ bi là tốt, vì nó sẽ làm cho tất cả mọi thứ đều trở nên an ổn, thế nhưng chính người từ bi đó lại khiến bản thân rơi vào nguy hiểm thì đó là hành vi của người có từ bi nhưng không có trí tuệ. Tóm lại, chúng ta cần có trí tuệ thì mới bắt đầu sinh khởi lòng từ bi, còn nếu không chúng ta chỉ rơi vào trong một cái lầm chấp và càng thấp. 

  Điểm thứ ba khiến cho chúng ta bị đọa, đó là không chịu tin vào những điều mà Đức Phật nói và chúng ta chỉ tin những gì khi mắt thấy, tai nghe. Nhưng đôi mắt thế gian chưa chắc đã thấy hết, tai chúng ta nghe cũng chưa chắc đã là đúng. Ví dụ như câu chuyện của nhà sư đã nêu ở trên. Sau này, các nhà sư theo Đức Phật tu học, đã thắc mắc và thỉnh xin lời khai thị từ Đức Thế Tôn để không bị rơi vào tà kiến, nhận định sai lầm rằng nhà sư trong câu chuyện làm như vậy để bị đánh là đáng vì không chịu nói ra sự thật với người thợ kim hoàn từ ban đầu, cũng như để hiểu về sự từ bi của Nhà sư vì thương một con vật, vì để bảo vệ sinh mệnh của con vật ấy mà chấp nhận hàm oan.

Tiếp nối câu chuyện về nhà sư và gia đình người thợ kim hoàn, Đức Phật nói sau khi chết con ngỗng đi vào trong bào thai của người vợ thợ kim hoàn, bởi vì con ngỗng sống có tình, có nghĩa, sống tốt, nên sau khi chết thì nó sẽ được tái sanh trở lại kiếp người. Điều đó thật sự rất khó tin nhưng nếu lúc bấy giờ ta dùng trí tuệ thì mới thấu rõ. Còn người vợ là người luôn một lòng tin tưởng vào nhà sư và nói: “Đây là thầy của tôi 12 năm trời đã từng đến nhà, và tôi tin tưởng hoàn toàn vào thầy của tôi không bao giờ tham”, và từ niềm tin đó, tôi giữ trọn vẹn ý nghĩ tốt đẹp về thầy ấy, Đức Phật nói sau này cô ấy sẽ về cõi trời. Còn đối với ông thợ kim hoàn mặc dù đã sám hối và được nhà sư tha lỗi, nhưng nghiệp của ông vẫn phải bị đọa vào địa ngục và chịu khổ. 

Từ đó Đức Phật mới nói với các nhà sư: nếu các nhà sư mà biết gieo trồng các pháp vô lậu thì tương lại các nhà sư sẽ được tái sanh vào Niết bàn, về cảnh giới an lành và lợi lạc (Đức Phật đã mở ra con đường để cho tất cả các thầy, các nhà sư tu và gieo trồng những điều tốt đẹp thì sau này sẽ gặt hái điều tốt đẹp là vào cảnh giới an lành và lợi lạc).

 Vì vậy, các Phật tử không nên để mình rơi vào tà kiến và tập tin tưởng hoàn toàn vào lời Phật dạy (nghĩa là khi ta chết không có nghĩa là hết mà chúng ta sẽ luân chuyển trong sáu cõi, trồi lên tụt xuống, cuối cùng cũng rơi vào trong cái vòng luẩn quẩn). Cho nên, ta cần phải phá bỏ tà kiến, không nghe những gì mà người khác nói, ngay cả lời của Đức Phật). Ngài nói như vậy để yêu cầu các đệ tử của Ngài phải kiểm chứng đến nơi đến chốn thì mới đem lòng tin tưởng. Nếu như điều nào không đúng, thì chúng ta không nên tin một cách mù quáng, không phải vì Đức Phật là một bậc Tối thắng Chánh đẳng, Chánh giác nên chúng ta phải tin mà không kiểm chứng. Ta nên thực hành lời Phật dạy, chúng ta thực hành và kiểm chứng, chứng nghiệm làm như vậy có tốt hay không, và khi nào tốt chúng ta làm tiếp, nếu như không tốt thì chúng ta không nên tin và chấp nhất làm theo nữa. Rất nhiều người đã thử và sau khi thử xong, cuối cùng đã chọn cho mình một con đường, đó là xuất gia. Bởi vì họ thấu suốt, giữa thế gian này có gì đẹp hay tuyệt đối hoàn hảo để mà lưu luyến, họ hiểu bởi vì 5 loại tham đó gây ra nhiều sai lầm rất lớn. Vì họ chấp nhận và nhìn rõ được bản chất cuộc đời này là vô thường, khi ta chết đi, từ một thế giới này sang một thế giới khác, từ một cõi này sang một cõi khác, không có ai mang theo được cái gì, cả đời chúng ta phấn đấu nhưng cuối cùng cũng chẳng được gì.

Nói đến đây, thầy nhớ đến câu chuyện của một vị vua rất trẻ chết năm 39 tuổi, vua Alexander Đại Đế. Ông được ví như một chiến binh vĩ đại được thế giới công nhận, ông đã mở ra các cuộc chiến tranh vì tham vọng hợp nhất châu Âu và các châu lục khác dưới sự thống trị của mình. Những cuộc chiến do ông lãnh đạo đều đánh đâu thắng đó, mở rộng bờ cõi bằng những cuộc chiến tranh cho tới tận châu Á. Mỗi một bước ông đi qua là đất nước đó phải tan nát và ông mua không biết bao nhiêu nô lệ, chiếm không biết bao nhiêu tài sản. Nhưng đến lúc 39 tuổi, ông đổ bệnh đột ngột và cho gọi tất cả các thầy thuốc từ châu Âu, tới châu Á nhưng không có thầy thuốc nào chữa trị nổi. Và cuối cùng ông biết giờ phút của mình đã sắp hết và ông để lại di chúc rằng: thứ nhất là hãy để quan tài của ông khoét hai cái lỗ, thứ hai là để các vị thầy thuốc khiêng quan tài của ông đi và thứ ba là bao nhiêu tài sản mà ông gom góp trong những cuộc chiến tranh đó hãy phân phát từ nơi hoàng cung của ông đang ở trải dài cho đến tận nơi chôn cất ông. Lúc bấy giờ cận thần không thể hiểu, di chúc này đối với người đời thật sự không thể hiểu nổi. Vì vậy mới hỏi nhà vua 3 di nguyện đó có ý nghĩa gì, thì ông mới giải thích rằng: Hai lỗ khoét ấy để ông đưa hai bàn tay ra và nói cho thế gian là tôi đã từng chinh chiến biết bao năm, có bao nhiêu tài sản nhưng mà cuối cùng giờ phút lâm chung, bàn tay tôi vẫn không nắm được gì (tức là ông muốn nhắc nhở cho tất cả mọi người như vậy). Gọi các thầy thuốc khiêng quan tài vì tôi muốn nói cho tất cả mọi người biết, đừng nghĩ rằng ai đó có thể vượt qua được cái chết dù có qua biết bao nhiêu thầy thuốc, dù thầy thuốc có giỏi bao nhiêu cũng không thể nào làm cho người đó không chết, chết là một quy luật, đừng ảo tưởng rằng các thầy thuốc giỏi sẽ có thể giúp chúng ta vượt qua cái chết. Nếu nhìn bằng cái nhìn trí tuệ ta sẽ thấy một sự nhắn nhủ của vị vua ấy với thế gian rằng nếu con người thế gian không nhìn thấy những điều trên, đồng nghĩa chúng ta củng sẽ không sửa soạn cho chúng ta một chuyến đi xa an ổn và tốt đẹp nhất. Ví như nếu chúng ta có sự chuẩn bị từ trước, sửa soạn hành trang cho chuyến đi xa có thể diễn ra bất cứ lúc nào, chúng ta sẽ năng làm các điều tốt, vì nếu lỡ có ra đi thì ta cần để lại một chút tình gì đó cho nhân loại trong nhân gian. Còn nếu không, khi vô thường đến, chúng ta sẽ ra đi mà chưa kịp làm điều gì khác, vậy thì thật vô nghĩa cho một lần đến với nhân gian này.

Điều thứ ba mà ông muốn nhắn nhủ đó là vàng bạc chỉ là vật ngoài thân, nên sau khi chết rồi, phần dành cho gia đình sẽ chu toàn, và tất cả những phần còn lại của ông phải rải hết toàn bộ trên đường phố và ai muốn lấy bao nhiêu cứ lấy. Nhiều lúc chúng ta mơ mộng cố gắng kiếm tiền cho thật nhiều, nhưng mà có nhiều người kiếm tiền chưa kịp thủ hưởng thì đã ra đi, rời khỏi thế gian này bằng một nghiệp lực nào đó. Cũng có rất nhiều người dành thời gian thụ hưởng cho cái thân xác thế tục này thì chỗ đó cũng là một sai lầm, sai lầm về thụ hưởng, thưởng cho cái xác thân ngũ uẩn này nhưng mà nó không phải là tôi hay chúng ta, không phải là của tôi hay chúng ta và nó cũng không phải là cái tôi của chúng ta mà là tự ngã của tôi hay của chúng ta mà thôi. Sự cung phụng cho cái xác thân này cũng đồng thời là cung phụng cho đất, nước, gió, lửa, cho chính nó sung sướng, ăn nhiều, ngủ nhiều… Ví như nhiều người còn tự hào là mình có tâm hồn ăn uống, để che đậy lòng tham ăn uống, nhưng thực tế, đấy chính là bản chất tham ăn. Như vậy đây chính là sai lầm của chúng ta trong cuộc đời, vì thiếu trí tuệ cho nên ta không hiểu hết.

Điều thứ tư khiến chúng sinh vẫn trầm luân trong luân hồi khổ đau, và cũng là lý do để Đức Thế Tôn phải xuất hiện giữa thế gian là để giáo hóa chúng sinh, giúp họ nhận ra bản thân đang sống trong màn đêm tăm tối, nhưng vì vô minh che lấp mà chúng ta không nhận ra điều đó. Thế nhưng, hãy thử suy xét và nhìn vào việc làm của chúng ta hằng ngày, trong quá khứ và hiện tại, ngẫm lại lời nói, suy nghĩ, hành động của chính chúng ta trước khi trở thành Phật tử thuần thành có đức tin không thể xoay chuyển với Tam Bảo và sự tu học nghiêm túc các giáo lý của Đức Phật, ta sẽ nhận ra phần lớn chúng ta trước đây làm bất cứ việc gì cũng vô minh, nói điều gì cũng làm khổ người khác, suy nghĩ gì cũng mang nhiều tà kiến… đây là những chỗ tăm tối mà Đức Phật nhắc đến. Nhưng nếu chư Phật tử thấu rõ, các vị biết lên chùa tụng kinh, niệm Phật… đây là việc làm đúng đắn, là sáng suốt, vì khi đến chùa chúng ta luôn nhớ nghĩ đến Đức Phật, không nghĩ đến điều gì khác thì tâm chúng ta sẽ được an tịnh. Có thể thời gian đầu đi chùa, ngồi trên chánh điện nhưng tâm vẫn còn nghĩ những dục lạc giữa thế gian, nhưng nếu đi được một thời gian tâm của chúng ta bắt đầu thuần lại và an ổn hơn. Từ đó bắt đầu thấy rõ, dần dần thích tụng kinh mỗi ngày, giống như ta ăn cơm vậy, nếu không ăn sẽ thấy khó chịu. Tương tự như vậy đi chùa tụng Kinh, niệm Phật đó chính là thức ăn của tâm, người nào mà cho thân ăn rồi mà chưa cho tâm ăn, thì tâm sẽ sinh ra những suy nghĩ luẩn quẩn hay những hành động sai lầm, cho nên vô hình chung chúng ta để thân tâm của chính mình rơi vào trong tăm tối. Vì thế, ta cần hiểu biết điều đó bằng trí tuệ.

Khi chúng ta thiếu trí tuệ Phật giáo, chúng ta khó mà phân định được cái nào là thật và cái nào là giả, cái nào là cuộc sống an lạc, cái nào là chịu sự chi phối của tham, sân, si… Khi chúng ta quan sát cuộc sống thế tục, ta dễ dàng nhận ra rõ ràng, phần lớn con người trong xã hội đang vật lộn với cuộc sống thế tục, lo ăn mặc, chỗ ở, tài chính, công việc, địa vị xã hội, thậm chí họ tranh giành với nhau để có một cuộc sống tốt đẹp và hào nhoáng hơn. Để sở hữu một cuộc sống hoàn hảo và đầy đủ họ sẵn sàng bỏ quên tất cả chỉ để lao đầu vào guồng máy công việc từ giờ này qua giờ khác, từ ngày này qua ngày khác, từ năm tháng này qua năm tháng khác… họ quay cuồng trong vòng quay của cơm, áo, gạo, tiền, vật chất và sự tận hưởng sung sướng thế gian, không thể nào thoát ra được những phiền não và bộn bề đó.

Chúng ta cần hiểu biết theo chánh pháp, nghiệp của chúng ta mới là thật, nó sẽ đi với chúng ta cùng trời cuối đất. Khi ta còn hiện hữu trên cõi đời này, tất cả cũng là do nghiệp cũ còn vương. Và chúng ta sẽ có một đời sống tốt đẹp hay không tốt đẹp là do nghiệp chi phối. Và chính nghiệp lực dẫn chúng ta đi vào bể khổ thế gian… Và theo như lời dạy từ Đức Phật, những người có sự tu tập tinh tấn thì họ sẽ có đủ khả năng làm chủ nghiệp của chính mình, chuyển hóa nghiệp cho chính bản thân. Nghiệp chính là thai tạng và nghiệp chính là nơi nương tựa, điểm tựa của họ. Ta thấy rằng, Phật pháp thật sự nhiệm màu, mặc dù thân thể này của chúng ta là do nghiệp dẫn nhưng khi ta có sự tu tập để khai mở trí tuệ, có trí tuệ, thì ta sẽ có thể chuyển nghiệp, làm thành nghiệp tốt (có 3 loại nghiệp là thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp).

 Sự tu sẽ giúp chúng ta ý thức được thân này phải làm những điều tốt đẹp, luôn sinh khởi những ý niệm tốt lành, miệng luôn nói những lời dễ thương, không bao giờ nói lời sai trái thì chúng ta sẽ không còn sống trong đêm dài tăm tối, mà sẽ an lạc trong từng giây phút hiện tại.

Ví dụ minh chứng cho sự chi phối của nghiệp lực từ thân, khẩu, ý. Ở thế gian này có rất nhiều người mở miệng ra chửi người này hay mắng người kia, nói xấu người khác. Đặc biệt, khi họ chửi mắng người khác, mà người chịu sự chửi mắng của họ luôn nhẫn nhịn và im lặng thì họ sẽ có cảm giác hãnh diện, tự cao, và khoe khoang với mọi người, vì nghĩ rằng mình làm như vậy là hay và rất vui vẻ vì đã chiến thắng trong một cuộc cãi vã, tranh luận… Họ cho rằng nếu thua thì khổ lắm vì sẽ rất uất ức, tức giận, tủi nhục… Thế nhưng sau sự hạnh phúc và cảm giác chiến thắng đó, những người được gắn mác là đang chiến thắng đó, họ lại ăn ngủ không yên vì họ sợ bị trả thù. Ở thế gian có một câu nói như thế này: Nếu như mình thắng cái kẻ mà yếu hơn mình thì mình sẽ không có người giúp đỡ, khi gặp họa tai không có ai giúp đỡ mình. Nếu như lúc nào mình cũng muốn thắng cái người yếu hơn mình hay đi hơn thua với bạn và người thân bên cạnh mình thì đến cuối cùng sẽ sống một cuộc đời cô độc không có bạn bè, người thân. Nhưng vì vô minh, họ gần như không nhận ra những câu nói đó, hành động đó, khởi tâm ý đó sẽ khiến họ tạo nên một nghiệp mới đó là khẩu nghiệp hay nghiệp về thân và ý. Và đôi khi nghiệp đó sẽ khiến họ bị đọa, vì nếu không chịu sám hối thì nghiệp bắt đầu chồng thêm nghiệp và ta không còn một con đường nào để mà giải thoát.

Trong nhà Phật không có chữ thua, mình không cần phải chiến thắng ai, không cần hơn thua hay tranh giành với ai, cho nên mình sẽ luôn nhận được phước báu khi gặp khó khăn hay phiền não, sẽ luôn có bạn bè, người thân bên cạnh san sẻ, giúp đỡ mình. Đối với người tu họ chỉ có tụng Kinh, niệm Phật, làm lành, cúng dường, họ không có chữ thắng hay chữ thua.

Qua đó, ta hiểu rằng với người trí, họ sẽ khái niệm chữ thắng hay thua theo một cách khác. Ví dụ: có người tuyên bố rằng tôi thắng rồi. Lúc bấy giờ nhà vua vô tình đi ngang, vua bất ngờ hỏi ông thắng gì, trong khi ông không ra chiến trận, ông đâu có chiến thắng quân xâm lược… Khi đó ông ấy mới nới với nhà vua là con thắng được tâm của con. Vì ở đây người này thể hiện cho một người có sự tu tập và hiểu biết trí tuệ, ông ấy hiểu tâm ích kỷ, ghen ghét, nhỏ nhen bình thường rất khó để kiềm chế.

Một ví dụ khác về sự chiến thắng tâm của người có trí tuệ. Có rất nhiều người vẫn không thể nào chiến thắng nổi nội tâm của mình, dù phát nguyện ăn chay ngày Rằm nhưng khi thấy thịt vẫn thèm và quên đi sự phát nguyện vừa rồi. Và cũng có những người cho dù có thèm đi chăng nữa, nhưng họ nhờ định lực của sự tu tập mà quân bình được cảm xúc, chiến thắng được cái tâm mong cầu bữa ăn mặn của mình để giữ cho ngày chay đó được trọn vẹn. Vì lẽ đó mà chiến thắng chính mình mới quan trọng, chiến thắng người khác mới dễ mang tai họa tới. Cho nên Phật tử phải dùng trí tuệ để nhìn mọi sự vật, sự việc trong đời. 

Trong một bài sám Đức Phật đã dạy rất rõ: “Trầm hương xong khắp, trí tuệ sinh khởi, Pháp giới sẽ được thanh tịnh”. Ý nghĩa của câu sám đó là tất cả chúng sinh lắng nghiệp trần, khi trầm hương xông đốt, tỏa khắp chính là giới, định, tuệ. Khi chúng ta đến chùa thắp nén hương, chúng ta muốn được giải thoát, không bị vô minh che lấp, không rơi vào tà kiến thì tự chúng Ta phải độ cho ta. Hoặc nhiều người cầu xin Phật nếu sau này con khổ, xin Phật cứu con. Phật bảo ta đã cứu con rồi, Ta đã chỉ rõ cho con bài thuốc chữa trị, Ta đã cho các con phương tiện để gieo trồng đó là các pháp. Ví như trong các pháp có pháp cúng dường là một trong những pháp cao của hàng Bồ tát. Nếu như muốn giàu, có nhà cửa hãy đi bố thí, nếu như thiếu ăn, thiếu mặc hãy đi bố thí… Đức Phật đã dạy, đã chỉ dẫn, đã dùng trí tuệ để mà chỉ dẫn tất cả. Nhưng quan trọng là chúng ta có thực hành hay không, có làm hay không mà thôi. Đức Phật chỉ ra đây là đám ruộng, con muốn có của ăn, mặc, vật chất đủ đầy con phải gieo trồng và lao động chăm chỉ để có vụ mùa bội thu và con sẽ được giàu có giống như mọi người. Nhưng chúng ta không làm mà đến chùa lạy Phật để cầu Phật cho đủ đầy vật chất là không phải hành vi của người có trí tuệ. Nếu chúng ta muốn giàu có, tự mình phải gieo trồng, không thể để Phật gieo trồng sẵn cho mình. Bởi vì “Ai ăn nấy no, ai tu nấy chứng”, cho nên chúng ta phải tự nỗ lực không thể nhờ vả bất cứ ai. Và chúng ta cũng không cần sợ hãi sẽ có ai đó cướp đi phước báu của mình, hay tìm mọi cách thay đổi, quán đổi điều đó. Bởi vì khi một người nào đó mà đã gieo trồng phước báu. Lúc bấy giờ có ai đó ghét mình muốn lấy đi tất cả của mình, muốn dìm mình xuống… cũng không thể thực hiện được. Đức Phật từng nói rằng, hãy nhìn một cái váng dầu bị đổ trên mặt nước, các vị lấy cái ván dầu đó dìm xuống dưới đáy nước thì có được không? Nó vẫn nổi phải không, đó là một quy luật đối với người mà đã gieo trồng phước báu, sẽ không ai lấy được, trộm được… Đây là một trong những khi chúng ta lấy trí tuệ để thấy rõ và chúng ta không cần phải lo và cũng không cần phải sợ, quan trọng hãy làm các điều tốt, hãy làm các điều thiện, lấy trí tuệ để biết đây là việc thiện và bố thí cũng phải có trí tuệ.

Đôi khi bố thí sẽ được trở thành sai lầm, ví dụ như ta bố thí cho một người tốt thì chúng ta tăng trưởng phước báu, nhưng nếu bố thí cho một người nghiện ma túy chúng ta sẽ bị liên lụy (cộng nghiệp bất thiện)… Nên có nhiều người than trách vì sao tôi bố thí rất nhiều nhưng vẫn khổ, chúng ta bố thí cho một người tội lỗi, đây được xem là việc đồng phạm nên bố thí sai lầm. Cuối cùng chúng ta cũng bị đọa, nên phải nghĩ, nói, hành động bằng trí tuệ, có nghĩa Bi phải đi liền với Trí tuệ, vì Từ bi là tốt nhưng mà không có Trí tuệ cuối cùng sai lầm nhiều hơn, khổ đau nhiều hơn.

Gieo một hạt giống xuống đất, phải làm sao cho hạt giống đó được nảy mầm. Chúng ta cần cân nhắc các yếu tố xem đất đai có phù hợp hay không, thành công hay thất bại là phải đi đôi với trí tuệ. Muốn vụ gieo trồng tốt phải cày đất lên, phải cho hạt giống đủ ánh nắng, nguồn nước, không có côn trùng gây hại thì hạt giống ấy mới nảy mầm và phát triển được. Chúng ta gieo trồng hạt giống bố thí thì tâm bố thí đến đâu thì phước báu đến đó, và phải có đủ điều kiện tốt để chúng nảy mầm. Đây là một trong những vấn đề chúng ta thấy trí tuệ vô cùng quan trọng với tất cả mọi người và đây là điều mà tất cả mọi người cần phải thấy rõ, bởi vì nếu chúng ta không thấy rõ, không có trí tuệ chúng ta sẽ mắc phải sai lầm. Nhưng bằng cách nào để chúng ta có thể tăng trưởng trí tuệ? Phải có trầm hương đốt xông khắp Pháp giới, hương này không phải là hương nhang mà chính là năm loại hương, gồm: một là Giới hương, hai là Định hương, ba là Tuệ hương, bốn là Giải thoát hương và năm đó là Giải thoát tri kiến hương. Chúng ta phải thắp năm loại hương này, tức là năm loại hương tu tập, nó sẽ lan tỏa hương khắp nơi và dẫn chúng ta đến gần hơn, hiểu rõ hơn về Tri kiến Phật nhờ vào sự khai mở Trí tuệ. Ví dụ: người nào thường xuyên tụng Kinh thường rất thơm, nói lời hòa nhã, nó xuất phát từ tự nhiên nhờ mình tụng Kinh với âm thanh phát ra mỗi ngày, nên một thời gian sau miệng chúng ta nó thoang thoảng như mùi sen, đó là do tu tập mà thành. Đây là một điều mà không dễ để cho người khác tin. Hoặc những người tu tinh tấn thì về sau khuôn mặt sẽ sáng, dễ nhìn, dáng rất đẹp, lại thông minh… Cũng có nhiều trường hợp, có nhiều người đẹp giữa thế gian, mà người này đời này không có tụng Kinh, cũng không hay đi Chùa Lễ Phật, hoặc có những người sinh ra đã giàu có, đủ đầy vật chất nhưng họ lại không thường bố thí… Người thiếu trí tuệ nhìn thấy họ sẽ nghĩ vì sao người đó được trời đãi cho giàu có, xinh đẹp, thông minh… còn mình thì không, thật sự họ được như vậy, đó là do đời trước họ có bố thí nên trong kiếp này, được hưởng quả ngọt, được thu hoạch căn lành.

Vì vậy, Đức Thế Tôn đã dạy rằng muốn có quả tốt hãy gieo nhân lành. Phải giữ giới, đừng làm các điều xấu, nên làm các điều khiến cho chúng sanh an vui, lợi lạc, đã là Phật tử thì không được sát hại chúng sinh vì không sát hại chúng sinh thì ít bệnh, ít đau, đó là giới thứ nhất.

Giới thứ hai là không có trộm cắp, lấy của không cho, thì cả đời giàu có, không bị mất mát tiền của. Ví như lâu lâu chúng ăn nghe nói có người bị mất chiếc xe hơi, xe mô tô hay mất cái này, mất cái kia, tất cả đều là do nghiệp bất thiện của chúng ta trong quá khứ tạo nên bây giờ nhận hệ quả. Cũng có nhiều người họ chia sẻ rằng con có từng làm điều đó hay không, có tạo nghiệp đó hay không, con không thể nhớ rõ ràng những chuyện từ trong quá khứ… Thế nhưng, ngay cả khi con không nhớ những nghiệp đạo tạo tác nên thì chúng ta cũng phải trả nghiệp đó mà thôi, chỉ là trả bằng cách nào và như thế nào, nặng nhẹ hay lớn nhỏ là do sự tu tập chuyển nghiệp và sự sám hối từ ta ngay bây giờ.

Giới thứ ba là không có tà dâm, tà hạnh, có nghĩa rằng hãy mang hạnh phúc đến cho người, đừng làm cho người khác khổ đau, thì trong cuộc đời này chúng ta sẽ có một gia đình hạnh phúc. Và nếu có ai đó phá vỡ hạnh phúc gia đình mình cũng là do nghiệp của mình trong quá khứ đã tạo nên do vô minh, lầm lỗi.

Giới thứ tư đó là không được nói dối trong bất cứ trường hợp nào, chúng ta cần phải nói những lời chân thật, chỉ ngoại trừ trường hợp bất khả kháng, nói dối để mà cứu người nên phải làm vậy, thì chỗ này đã trở thành lời nói dối thiện ý.

Giới thứ năm đó là không uống rượu để giữ cho tinh thần, cơ thể vật lý luôn tỉnh táo, khỏe mạnh và hành động có trí tuệ.

Người nào giữ được giới luật mà Đức Phật đã khai thị, chỉ dẫn sẽ có một đời an lạc, luôn sống trong Chánh pháp. Sự giữ gìn giới nguyện đó sẽ sinh ra định lực, từ bi và trí huệ, thành tựu được quả vị giác ngộ, giải thoát để không còn phải trôi lăn trong sáu cõi luân hồi sau khi thọ mạng dứt. Còn ngay trong đời sống thế tục này, người có sự giữ giới, thực hành hạnh bố thí, tu tập tinh tấn, sẽ có cuộc đời tự tại giữa thế gian, giống như Quán Thế Âm Bồ Tát được gọi đó là Quán Tự Tại; cao hơn nữa đó là giải thoát, giải thoát tri kiến có nghĩa là giống như Đức Thế Tôn có thể mang theo Giáo pháp đến mọi nơi để giúp cho tất cả mọi người thoát ra khỏi u mê, tăm tối, mở ra một cuộc đời an lành, lợi lạc, hạnh phúc, an vui. Đặc biệt, giúp cho chư Tăng Ni, Cư sĩ, những người con Phật có được Trí tuệ và lòng Từ bi để tiếp nối giáo lý của Đức Phật và mang nhiều lợi lạc hơn cho thế gian này, đây là một trong những yếu tố cao nhất của Trí tuệ Đức Như Lai. Mỗi một người con Phật hãy tự trở thành một phương tiện thiện xảo chuyên chở Giáo lý và Trí tuệ của Đức Phật đến với thế gian này thông qua sự thực hành, giữ giới, bố thí của chính mình.

                              Thích Nguyên Hạnh

 

Chia sẻ
Bài viết liên quan