Tương quan Phật giáo với Triết học và Khoa học

Cập nhật: 25/06/2019

Phật tử chúng ta phải tìm hiểu, nghiên cứu, nhận định đúng đắn những điểm tương quan và điều dị biệt để ứng dụng đạo Phật theo tinh thần Chân-Thiện-Mỹ và luôn luôn lấy hành động làm khởi điểm, lấy học tập, kinh nghiệm làm phương tiện và lấy tu chứng làm cứu cánh giải thoát.

Tương quan Phật giáo với Triết học và Khoa học

Đạo Phật là đạo giác ngộ, chỉ rõ nguyên nhân đau khổ hiện tại là do vô minh cấu tạo, muốn thấy hạnh phúc phải lấy trí giác và từ bi làm căn bản.
Vậy Phật tử chúng ta phải tìm hiểu Giáo pháp, cùng nhau tu học để bảo vệ niềm tin chân chánh. Chúng ta cần phải hiểu qua ý nghĩa mục đích của Phật pháp là một giáo dục, nhờ đó mà con người có thể tự giải thoát. Đồng thời chúng ta cũng tìm hiểu sự tương quan giữa triết học Phật giáo, triết học Tây phương và triết học Đông phương với khoa học như thế nào?

I. Phật giáo

Trước hết, Phật tử chúng ta cần hiểu Phật giáo là gì? Phật giáo là con đường tiến chung cho nhân loại, chúng sanh trong pháp giới bao la. Phật giáo không riêng gì về một ngành khoa học nào, Phật giáo bao gồm tất cả, như trong Bát chánh đạo nếu khai triển toàn diện các bộ môn học, chính các bộ môn ấy là phương tiện giải thoát và đưa nền văn minh hiện đại trên đường hướng như thật đạo. Đó là Bát chánh đạo:

- Chánh tri kiến: Bộ môn Khoa học như thật (giải thoát).
- Chánh tư duy: Bộ môn Triết học như thật.
- Chánh ngữ: Bộ môn Ngôn ngữ học như thật.
- Chánh nghiệp: Bộ môn Chính trị học như thật.
- Chánh mạng: Bộ môn Xã hội học như thật.
- Chánh tinh tấn: Bộ môn Đạo đức học, Luật học như thật.
- Chánh niệm: Bộ môn Đạo học, Tâm lý học và Phân tâm học như thật.
- Chánh định: Bộ môn Tôn giáo học và Thiền học như thật.

Tất cả tám con đường chân chánh này hỗ tương liên hệ mật thiết với nhau, tương dung tương nhiếp với nhau đưa đến sự giải thoát toàn diện cá thể và tập thể cho con người và xã hội. Phật giáo cũng không hẳn chỉ nằm gọn trong những kho tàng Kinh, Luật, Luận. Phật giáo là chân lý. Điều chúng ta cần phải hiểu giáo lý của đức Phật ví như chiếc bè đưa người qua sông, Chánh pháp còn phải bỏ đi huống là phi pháp: “Tri ngã thuyết pháp, như phiệt dụ giả, Pháp thượng ưng xả, hà huống phi pháp” (Kinh Kim Cang).
Phật giáo xây dựng cho con người từ khả năng thông thường đến tiến bộ văn minh như thấy từ sự mê mờ chuyển thành khai sáng. Phật giáo không chỉ đóng khung trong phạm vi mà Phật giáo là những phương thuốc thần diệu để chữa bịnh mê mờ đau khổ của chúng sanh. Phật giáo ra đời hóa giải tất cả mâu thuẫn tranh chấp thiên hình vạn trạng để quy trình về một mối trung đạo. Vậy Phật giáo là tất cả mọi chân lý, nền tảng của tất cả mọi triết học và khoa học nhân loại.

II. Phật giáo và Triết học

Trước khi đề cập đến triết học, chúng ta phải xác định giữa nền triết học Đông và Tây như thế nào? Triết học Đông chủ trương tổng hợp để đi đến bản thể. Triết học Tây chủ trương đi từ phân tích đến bản thể.
Tất cả những khái niệm gì có ở trong triết học Âu Tây chúng ta đều thấy có ở trong Phật giáo. Phật giáo chúng ta có Thiền tông chủ trương chứng nghiệm bản thân bằng tịch tịnh, bằng vô ngôn. Tây Âu đã thấy giá trị của Zen Nhật Bản. Toàn bộ giáo lý Phật giáo có mười mấy tông phái và tám vạn bốn ngàn pháp môn. Bởi lẽ, thời đức Bổn Sư Thích-ca còn tại thế dạy chúng ta cũng “tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên” mà vận dụng từng pháp môn trong 84.000 pháp môn để diệt trừ 84.000 phiền não mà thôi. Bàn đến triết học Phật giáo, chúng ta thấy thuyết thứ nhất về sự chuyển hóa từ bản thể nội tại (être immanent) đến cõi vạn hữu vạn pháp, là thuyết Duyên khởi nghiệp cảm. Chúng ta phải cảm nhận rằng Phật giáo là một triết thuyết nội tại (philosophie de I’immanence). Duyên khởi Nghiệp cảm căn bản lý thuyết là Tứ diệu đế và Thập nhị nhân duyên.

Về triết học siêu hình, Phật giáo không đặt vấn đề siêu hình ngoại tại tức là không đặt vấn đề nguyên lý siêu hình, hữu ngã hay vô ngã là không nói các chuyện mà Nho giáo gọi là Thái cực, nhà triết học Hégel gọi là Tuyệt đối ý (idée absolue), Bà-la-môn gọi là Brahma. Trong Nghiệp cảm duyên khởi căn bản lý thuyết là Tứ diệu đế và Thập nhị nhân duyên. Căn bản này là căn bản chung cho cả triết học Phật giáo (système philosophique Bouddhique) nói chung.

Tứ diệu đế là bốn đế. Đế là gì? Là chân lý căn bản của một học thuyết Triết học Phật giáo. Khổ đế là chơn lý thứ nhất, cũng như Karl Jaspers gọi là Giới cảnh mà jaspers gọi là (situation limité) hàm ý gì?
Phật giáo lo cho con người trước nên nói ngay về con người. Phật giáo nói ngay về con người hiện hữu rồi chuyển hóa các “dòng sinh mệnh của mình do Nghiệp, xem Nghiệp biết người”. Cũng như nhà triết học Sartre nói rằng con người là tổng số những hành vi của mình (I’homme est la somme de ses actes… I’homme n’est qe sa biographie), câu nói sau phát sinh từ nhà triết học Nietzshe, Sartre, lấy làm ý tưởng của mình. Cũng như Hégel đã nói: hiện hữu đã là hiện hữu (être, c’est avoir été) nghĩa là khi con người đã chết, thì yếu tính cuộc đời người ta mới hiện ra, Phật giáo gọi là Cận tử nghiệp và cổ nhân Á Đông nói cái Quan Định luận. Theo quan điểm của Phật giáo, vì Dục mà gây Nghiệp, vì Nghiệp mà Khổ. Con người khổ, đó là một chân lý không ai chối bỏ được, nó hiển nhiên như một định lý toán học, chính cái khổ ấy mà nó hữu hạn hóa cuộc đời nhân sinh. Vậy chúng ta phải tìm cho ra lý do của sự khổ rồi diệt khổ, chỉ có thế mà thôi. Karl Jaspers cũng nói rằng cái chết, cái đau thương… cũng là những sự kiện nó hữu hạn hóa nhân sinh, những sự kiện ấy nó nằm trong cái “đế” mà Jaspers gọi là Giới cảnh (situation limité) như đã trình bày trên đây.

Tập là gì? Tập là sự tập hợp. Tập hợp những yếu tố mà ta gọi là cái “dây tương quan”, nó ràng buộc tất cả những “thực thể” (entité) tích lũy trong cái dòng nhân sinh cá nhân (biệt nghiệp), hay đoàn thể (cộng nghiệp). Nhưng đã biết Tập là gì thì phải diệt dục đi, diệt cái “dây” nghiệp. Muốn thế, phải theo một kỷ luật là Bát chánh đạo.

Vậy Phật giáo chúng ta có bốn đế căn bản, bốn chân lý căn bản (vérités fondementables, fomdements) thì nhà triết học Heidegger cũng có những đế, nghĩa là chân lý căn bản của triết thuyết của ông mà tiếng Pháp gọi là existentiaux, tiếng Việt chúng ta tạm dịch là “hiện hữu tính”. Hiện hữu tính là cái yếu tính của cái mà nhà triết học Heidegger gọi là Dasein, tiếng Pháp là Réalité humaine (nhân thể), Sartre gọi là Pour-soi mà chúng ta tạm gọi là tự tính (nói rộng ra, Nhân sinh tính ấy là tính chất của nhân sinh là:

  1. Đế thứ nhất: Sự khổ, sự cô đơn (déréliction). Tại sao vậy, văn thi Việt Nam chúng ta thường nói: “Con người bị ném ra giữa chợ đời…” thật đúng để tả cảnh con người hình như bị “Thượng đế” bỏ rơi ra đó. Đó là một chuyện phi lý, phi lý cũng như ở Phật giáo chúng ta, chúng ta nói rằng con người khổ, muốn tránh khổ mà cứ theo lời tà, sự ác thì khác nào như ong dại, đập đầu vào cửa kính để tìm lối thoát thân, cầu yên vui trong cảnh sắc thanh, cũng như lỗi mê lầm tưởng rằng uống nước mặn, hòng mong đỡ khát.
    Vì sao khổ? Vì dục vì nghiệp? Vậy tại sao có dục, có nghiệp? Chính tại vì vô minh, hay tại có thức là đầu mối của sai biệt! Tại sao? Nếu chúng ta bạch với Phật tổ, thì Ngài sẽ dạy đại khái rằng Nhân sinh là thế, vạn hữu là thế, con người là khổ thì lo diệt khổ.
  2. Đế thứ hai: Tức là tập đế của Phật giáo nêu nguyên nhân của sự khổ mà nhà triết học Heidegger gọi là sự chết. Chính vì cái đế ấy mà trong triết học Heidegger có cái lý rằng con người là Tứ hướng (être-pour-la-mort) rất ngộ nghĩnh.
  3. Đế thứ ba: Tức là diệt đế của Phật giáo mà Heidegger gọi là Thời chất - tiếng Pháp gọi là Temporalité. Thời gian đây không phải là thời gian của âm lịch, dương lịch mà là thời thức (conscience du temps) hay ý thức thời (temps de la conscience), Heidegger gọi là Bản thể thời (temps ontolo gique), cái tâm con người nó hướng ngoại, phóng thể, hướng thượng để đi cho đến bản thể, thời gian chỉ hiện hữu với ý thức con người mà thôi. Về phương diện Thời chất (temporalité) của Heidegger gọi vấn đề Xuất chất (ek-stase) gồm ba giai đoạn: Quá khứ, hiện tại và tương lai liên tục với nhau gây ra vấn đề Sử tính (historicité) trong cá nhân, chúng ta thấy cái “dòng” vô hình ấy nó “giữ” cái nhất tri trong cuộc đời cá nhân một kiếp hay luân hồi, cũng như giai thoại Nageséna trong kinh Milindapanha. Trong giai thoại đó, thầy Nagaséna chứng minh rằng: cô con gái lớn về nhà chồng tức là cái “thực thể”, cô gái bé (entité) nhỏ con ngày xưa đã lớn lên, thì trước sau gì, quá khứ hay hiện tại hay tương lai (conscience du temps) bé con và nàng thanh nữ về nhà chồng là một người và luôn thể, thầy Nagaséna nói thể để chứng minh rằng một danh sắc hoàn thành một nghiệp thì danh sắc khác sẽ chiếu tính chất nghiệp đó mà phát sinh trong tái sinh. Có thể hiểu, thời tính này là cái thời gian sinh học mà y học hiện đại xác định bằng một thuật ngữ mới: tuổi sinh học.
  4. Đế thứ tư: Là Đạo đế của Phật giáo thì Heidegger gọi là Sự tự do (liberté). Đây là sự Tự do của tất cả học thuyết Hiện sinh thường đề cập tới. Con người không tù hãm, không phụ thuộc vào bản chất tiên thiên (essence à priori), cái mà Nho giáo gọi là Minh đức, Lão giáo gọi là Đạo, Hégel gọi là Lý tính. Con người có tự do hành trình của ý thức, có hai cực, đúng như Dostoeivsky thường nói là “cực” thấp nhất là cõi cơ thể hữu chất mà Sartre gọi là Facticité và “cực” cao nhất là “cõi” mà Phật giáo chúng ta gọi là Niết-bàn, Nho giáo gọi là Thiên lý… và triết học Phật, Lão Trang gọi là Chân không (Chân không chứ không phải là cái không đối với cái Có trong đời sống thông thường) và là cái tự do tuyệt đối và toàn diện (liberté absolue et intégrale). Cái tự do ấy nó biến thể: con người phải sử dụng cái tự do ấy để sống một đời sống Chân sinh (vie authentique) còn nói đến quá trình hiện tượng hóa (phéno ménolo gique) về con người theo Phật giáo, thì cái mà quá trình ấy nó nằm gọn trong quá trình Thập nhị nhân duyên.
    Chúng ta biết rằng khi mâu thuẫn nội tại (contradiction interne immanence) phát sinh, thì vô minh hiện ra (sau khi niệm phát khởi). Thế quá trình diễn hành là gì? Nếu không phải là chuyển và diễn! Bản thể, vì vô minh, hành, động, phải chuyển đã, rồi cái “dây” hành trình mới khởi, và mọi tương quan hiện hữu. Khi thức hiện ra là có chất: chấp chủ-khách, trong-ngoài, không-có, thiện-ác… Nói tóm lại là chấp Nhị nguyên tánh (dualité) của chính chủ thể ý thức của vạn hữu (Nhị nguyên tánh ấy hữu tức là đối đãi với chủ thể ý thức: Sujet connaissant, sujet conscient, đối với các tâm vọng động, vọng niệm…). Vì chấp (do thức) cho nên chấp có tâm, có vật, có tinh thần, vật chất, có hình, có tên nghĩa là có danh sắc cấu tạo luôn cả yếu tính hay bản chất các vật (essence, être; nature). Và Lục nhập ra đời. Lục nhập là năm giác quan và trí để biết cõi khách giới hiện tượng, cõi mà nhà triết học Kant gọi là Phénomène. Platon gọi là Khả giác (monde sensible) (hiện tượng đây không phải là Phénomène) của Husserl, giáo tổ Hiện tượng luận hiện đại (Phénomèologie Husserlienne). Và đồng thời, chủ thể ý thức Xúc tức là tiếp xúc với khách giới (nhiên giới, vật giới, tha nhân giới). Việc đó gây ra Thọ là cảm giác. Đã “gặp” rồi thì thương, yêu, mến, quý tức là Ái. Đã thích thì chủ thể muốn giữ làm của riêng cho nên Thủ, để mà có Hữu mà có, mà cất, mà giấu. Sự sống (sanh) cứ thế tiếp diễn ra mà luân chuyển (luân hồi) cho đến già và chết là Lão Tử.

Như vậy, Phật giáo dạy chúng ta sự chứng ngộ bản thân bằng thể nghiệm tâm linh (empirisme, transcendal) chứ từ chối sự tham dự thuyết minh bằng Duy Lý học và Duy Lý tính (rationalisme, rationalite) của Lý tính (raison), chúng ta biết vậy mà cầu chứng ngộ mà thôi.
Lại nữa, nhà triết học Herakleitos chủ trương thế giới Hữu hình hay Vô hình luôn luôn biến động di dịch như dòng nước chảy. Nó không bao giờ như nhau trong khoảnh khắc trước sau. Sự biến dịch này là một luật, một đặt tính thiên nhiên chung cho thế giới Vô hình và vật Hữu hình. Nhà Tâm lý học william James cũng nói “Sinh hoạt hiện tượng Vật lý và Tâm lý như dòng nước chảy mà các phần tử không đứng bên cạnh nhau, song liên tiếp thâm nhập với nhau…”.

Herakleitos đồng quan niệm như đức Phật, không thừa nhận quyền lực của siêu nhiên. Ông cho họ cùng chung trong vấn đề biến dịch cũng như các loại hữu tình sinh mệnh khác kể cả Thượng đế. Nhà triết học Herakleitos với tư tưởng biến dịch của ông đã nhận thức về chơn lý vô thường như trong giáo lý của đức Phật dạy “Vạn vật vô thường biến chuyển” (everything is impermanent).
Hai tư tưởng triết học chuyển dịch giống nhau, Herakleitos giác ngộ các hiện tượng di dịch biến động, đồng quan điểm với triết thuyết vô thường của đức Phật. Tuy nhiên, chúng ta phải lưu ý rằng Herakeitos không tìm ra cái “tánh Chơn thường trong các pháp vô thường biến dịch”.
Đồng thời Herakleitos còn tin tưởng mạnh mẽ vào thuyết Nguyên nhân (cause) và Kết quả (effect). Cho nên, ông cảm thấy hành động của một người có thể gây ảnh hưởng đến bản tánh và vận mệnh của họ trong hiện tại và tương lai. Thượng đế và thần linh không liên hệ gì đến nhân quả của con người. Triết thuyết này rất giống với triết lý Karma (nghiệp báo) của Phật giáo. Đức Phật thường nhấn mạnh do hành động (action) của con người mà quyết định vận mệnh tồn vong, sang hèn, tốt xấu của họ, chứ không phải sự định đoạt của Phạm thiên, Thượng đế hay Thần linh chúa tể nào khác.

Cũng như tư tưởng của Arthur Schopenhauer giống triết học khổ đế và tập đế của Phật học. Ông Schopenhauer quan niệm đời sống đầy đau khổ. Cái khổ não không những đưa đến cho loài người mà cả các loài khác nữa. Ông suy nghiệm và biện chứng, đầu mối và nguồn gốc của khổ não là vì con người tham sống, thích sống và yêu sống (The Will to life). Quan điểm của ông Shopenhauer chỉ nhận thức kết quả đau khổ sầu não của nhân loại và một phần cái nguyên nhân tại sao con người khổ não. Tư tưởng của ông đến đây bị cắt đứt, ông không tìm ra lối thoát để hướng dẫn nhân loại làm sao để vượt qua vòng đai quằn quại đau khổ. Tuy thế Arthur Shopenhauer đã giác ngộ một phần nào về chân lý Diệu đế của Phật giáo.

Ta thấy rằng, Arthur Shopenhauer chỉ nhìn cuộc đời như bể khổ mà nhân loại đang hụp lặn giữa dòng nước chảy vô biên, giữa đại dương mênh mông không còn cách nào sống được và cũng không đủ nghị lực bơi vào bờ để thoát chết. Phật giáo cũng quan niệm cuộc đời là bể khổ như sống trong nhà lửa mà nhân loại đang hụp lặn. Tuy nhiên, Phật giáo đã tìm lối thoát và đã hướng dẫn phương pháp để thoát ly cảnh giới đau khổ, đó là bốn chân lý Khổ, Tập, Diệt, Đạo.

Tư tưởng nhà triết học Von Hartmann chủ trương, triết học của sự sống (philosophy of life) trình bày qua tư tưởng của ông những sắc thái lạc quan, ông tin tưởng qua những sắc thái lạc quan, ông tin tưởng triết học phải là một thứ cung cấp cho đời sống cần nâng cao tinh thần trí thức, dần dần đưa đến chỗ hoàn toàn hiểu biết. Ông tin tưởng tâm linh và trí tuệ con người có thể tiến đến hoàn hảo. Con người không thể nhắm mắt để tham sống, chuộng sống, mến sống mà con người phải có nghị lực chiến thắng tâm tham muốn đen tối phẩm cách hóa sinh hoạt nhân loại đến chỗ cứu cánh. Ông cũng tin tưởng tâm linh và trí tuệ con người có thể tiến đến hoàn hảo.

Tư tưởng của Hartmann tiến xa hơn Arthur Shopenhauer một bước là ông quan niệm khổ não của con người có thể tiêu diệt khi con người có một nhận thức cao trở về vô ý thức (unconscious) nơi phát xuất đầu tiên. Tư tưởng này cũng như Diệt đế trong Tứ diệu đế của Phật giáo, đức Phật đã dạy: “Nhờ trí tuệ, nhờ sự hiểu biết chơn chánh trong Bát chánh đạo của nguyên lý Tứ diệu đế, không tạo thêm nhân tội lỗi nữa, đồng thời thực hiện tâm niệm và hành động tốt đẹp thiện mỹ”. Cũng như trong Duy thức học nói Alaya (A-lại-da) dần dần huân tập thiện tánh đến khi nào nó được thuần tịnh. Ác khí trong thức A-lại-da sẽ bị đánh đuổi. Lúc bấy giờ, thức ô trược được chuyển thành trí sáng suốt.

Tuy nhiên ông Hartmann không nhận chân được lối thoát và chỉ vẽ cho nhân loại đến một mục đích cụ thể. Tư tưởng của ông đặt ra như là một giả thuyết đau khổ toàn diện nhân loại mà ông đề cập đến chỉ còn trong tư tưởng mơ mộng, mờ mịt thiếu lối thoát trong tương lai.
Đối với Phật giáo, đức Phật vạch rõ con đường đi và mỗi cá nhân tự giải thoát “hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi” ngay bây giờ cho đến khi nào xiềng xích khổ não không còn vướng víu vào mình được, chứ không phải đến khi nào toàn diện nhân chủng thoát ly một lần như Hartmann tưởng tượng.

Phật giáo khuyên con người ngăn ngừa cái hậu quả không tốt do việc làm, lời nói, ý nghĩ gây ra. Nếu tự ta đủ khả năng chận đứng tất cả những chướng ngại làm ngăn chặn bước tiến tinh thần hữu lý thì chúng ta sẽ được giải thoát trong tương lai, và ngay cả trong đời hiện tại này như đức Thế Tôn đã dạy: “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”.

Các triết gia đề cập trong bài này có những quan điểm tư tưởng giống triết học Phật giáo bằng cách này hay cách khác hoặc sâu hoặc cạn, một triết gia người Pháp là Henri Bergson cũng có nhiều điểm tương tự giữa tư tưởng triết học của ông với tư tưởng Phật giáo.
Bergson nhấn mạnh tư tưởng triết học của ông và giải thích sự sống như một dòng biến chuyển (flow of events) hơn là một đồ vật (a set of things) đặt một chỗ. Quan niệm này giống Phật giáo, quan niệm vũ trụ tràn đầy trạng thái biến chuyển. Quan niệm Bergson như đức Phật đứng về quan niệm tâm lý hơn vật lý.

Lại nữa, Bergson nói: “Chỉ có con người mới có lý trí, mà cũng chỉ có con người mới có trí tuệ hơn các loài khác”. Ông quan niệm trí năng hoặc trí tuệ vừa làm cho nhân loại tiến tới tốt đẹp cao thượng mà cũng là cái vừa có tính cách làm hư xã hội, gây ý nghĩ băn khoăn, chán nản, lo âu.
Quan niệm và trí năng của Bergson giống như cái lokikacitan (Thế tục tâm) trong Phật giáo. Thế tục tâm là gì? Thế tục tâm là cái trí năng của phàm tục phân biệt theo tục lụy trần thế. Nhưng Bergson phiền trách cái trí năng của nhân loại như một loại dụng cụ để chứng minh chân lý, mà ông hiểu rằng ngoài cái trần tục tâm có một cái tâm thanh tịnh trí tuệ sáng suốt. Đức Phật chỉ cho nhân loại hiểu có hai thứ tâm. Một là tâm phân biệt đứng trên phương diện tác dụng của tâm mà nói; tâm vô phân biệt đứng trên cái thể của tâm mà nói. Cái tâm trước gọi là cái tâm phàm phu hay thế tục tâm (lokakicita), còn tâm sau gọi là xuất thế tâm hay Thánh tâm (lokakicita racitam) tuyệt đối.
Phật dạy con người muốn trở về trí huệ thanh cao (supramudane mind) cần phải rèn luyện tâm linh, tập trung tư tưởng hướng về thiền Nageséna (Jhara) để dần dần ly trừ ảo tưởng chấp ngã “tự tịnh kỳ ý” (kinh Pháp cú). Còn Bergson nhận chân trí huệ là dụng cụ để chứng minh chân lý. Nếu ông Bergson hiểu thêm lên một tầng trí tuệ nữa thì cũng không phiền trách cái trí tuệ của con người.
Con người có một khả năng tự tác, tự đào tạo con người mà Phật giáo gọi là tự giác, tự ngộ. Bergson chủ trương trực giác. Qua cuộc khảo sát ấy con người có tự do ý chí. Con người mất tự do tức là con người thiếu khả năng tiến tới chân lý. Phật giáo dạy cho chúng ta biết rằng chấp ngã là một tai hại như sợi dây ràng buộc, trói con người tù túng một chỗ. Cần dẹp cái tâm trạng quan niệm chấp trước đó để tự giải thoát về cái ngã thực tướng. Cũng như Bergson nói con người phải có tự do ý chí. Có cái hoàn cảnh tự do chính là lúc mà chính là sự hành động biểu dương cái chơn tướng của mình vậy. Tuy nhiên, Phật tử chúng ta cũng nên hiểu rằng tự do không có nghĩa là làm theo sở thích ý muốn của cá nhân mình, vì sở thích của con người nhiều khi sai lầm, không hợp với chân lý, với lẽ phải chung. Ý niệm của Bergson muốn mỗi con người phải được tự do ý niệm, nhưng ông không vạch rõ ý niệm tự do như thế nào để đạt đến cái chơn ngã. Vì con người hiện nay thường lợi dụng danh từ tự do cho nên đôi khi họ làm cho đời sống họ không còn ý nghĩa của nhân luân nữa. Đối với Phật giáo, đức Phật không những tôn trọng tự do ý chí, mà còn nói cho mọi người phải được tự tại. Nhờ tinh thần tự tại, con người mới đủ điều kiện căn bản phát huy khả năng trí tuệ vô biên, dập tắt được những tính xấu, tham ô, dục vọng. Ngài còn đưa ra phương pháp làm cho con người được tự tại giải thoát như trong ba mươi bảy phẩm trợ đạo Bồ-đề.

III. Khoa học và Phật giáo

Đi vào lãnh vực khoa học, chúng ta nhận thấy khoa học chỉ căn cứ vào hiện tượng để tìm chân lý, hoặc nói cách khác khoa học chỉ nương vào hiện tượng của vật bên ngoài để phân tích nghiên cứu tìm hiểu muôn vật để giúp thêm vào những phát minh nào đó.

Trong thực tại, chúng ta nhận thấy có nhiều vấn đề khoa học không thể giải quyết được như vấn đề giá trị con người thức giả, vì khoa học bao giờ cũng có tính chất chuyển biến và chính một vài nhà thông thái đã chú ý nói rõ tính cách chuyển biến thích hợp đáp ứng theo nhu cầu của nhân loại trong một thời đại chứ chưa phải là chơn lý tuyệt đối.

Tuy nhiên, khoa học cũng có những điều trùng hợp tương quan với Phật giáo như: khoa học toán, vật lý, điện tử hiện tại… với một trình độ tinh vi nhất đã giúp cho yếu lý này phát minh như người ta thường nói rằng tinh thần Phật giáo rất khoa học thì ngày nay khoa học toán, vật lý, điện tử giúp chúng ta thiết lập định đề (Postulat) ấy là tinh thần (seprit) và vật chất (matère). Không phải là hai thực thể (entités) riêng biệt nữa mà là khí (énergie) loãng là năng lực tinh thần (ý chí) và khí cô đọng là vật chất hai thực thể lý và khí trong quan điểm triết học Trung Quốc thời cổ đại.
Về Phật giáo, cái lượng tử mà chúng ta đề cập ấy là cái nguyên tử (khái niệm không khả giác) hay lượng tử là nguyên tử hay nhân của nguyên tử.

Nói một cách khác, lượng tử là A-lại-da hay chủng tử tàng chứa trong A-lại-da, chúng ta có thể kết luận rằng về “mặt” vô lậu chủng tử và “mặt” hữu lậu chủng tử là hai phương diện của một thực thể. (entité ontologique chứ không phải là thực thể tâm lý là entitépsychologique) cũng như Âm Dương là hai mặt của thực thể Thái cực, cũng như cái Dasein (mức thấp) của Heidegger có hai mặt chủ thể ý thức và “khách giới” đối tượng, cũng như cái cơ cấu Chủ khách tính (structurenéoticonoematique) của Husserl là Giáo tố hiện tượng luận hiện đại, khi mà con người, sau khi “loại” (réductiong phénomenologique) của lớp eidos đạt đến Chủ tính thuần túy và Khách tính thuần túy (ở mức thuần túy gọi là apodicticité) và nếu chúng ta lấy một ẩn dụ là đồng xu hai mặt dẫn dụ cho cái thức của Duy thức luận có hai mặt Chân và Vọng.

Hai ba ngàn năm về trước, khi các bậc A-la-hán và Bồ-tát đặt vấn đề tế vi chủng tử thì bên Âu Tây vào thời tiền Socratique (époques présocratique) có hai triết gia đặt một cách phôi thai vấn đề nguyên tử (atomes) làm khởi điểm (đúng như các triết tư tưởng gia hiện đại quan niệm) cho khoa học vật lý toán điện hiện đại: hai ông Héracclite và Epicure đã quan niệm như sau:
a- Yếu tính vạn hữu và vạn hữu là động (người ta không bao giờ tắm hai lần trên một dòng sông)
b- Vạn hữu lúc nào cũng đương chuyển động, sanh thành (devenir, trái lại Parménide và nhóm triết gia Eléates (540 trước Tây lịch) thì lại cho rằng sự chuyển động của vạn hữu chỉ là sản phẩm của ảo ảnh và vạn hữu bất động (ông ta có nói một câu bất hủ và mờ tối là: Hữu thể hiện hữu, còn phi hữu thể không hiện hữu (L’être est, et le Mon-être n’est pas).

Đến Démocrite (là cha đẻ của phái Duy vật cổ sơ) (640 TTL), giáo chủ của phái nguyên tử luận (atomisme), ông đưa ra lý thuyết vạn vật phát sinh từ nguyên tử. Hiện tượng là một khối bất phân (masse indivisable ou ou ato), nguyên tử là một lượng tử (corpuscule) lưu hành trong cõi không rỗng (le vide). Démocrite cho rằng hữu trong vạn hữu hiện ra như sau này: những thuộc tính khả giác như mùi, vị, sự nóng, sự lạnh, màu sắc… là những cái khả giác của những hữu bên trong, hay sau cái khả giác ấy tiềm ẩn một thực tại: là những nguyên tử. Vạn hữu phồn tạp chỉ là những sự tập hợp (argégat) những nguyên tử đồng bản chất, chỉ có thứ tự, quan trọng, dung tích, kích thước… là khác thôi. Mỗi một lượng tử (corpuscule) ấy không có một tính khả giác nào, và chỉ có các chiều dài, ngắn, cao, thấp… mà thôi. Nghĩa là nó có Hình và Lượng to hay nhỏ (grandeur et fon ne). Mỗi một nguyên tử như vậy tự nó, nó hiện hữu (đúng như cái en-do của Sartre), nó không do đâu mà phát sinh cả và nó không bao giờ chết (ils sont impérissables) đúng như chúng ta đã nói tới lượng tử trong vấn đề luân hồi.

Như vậy, Démocrite đã chứng minh lượng tử không bao giờ diệt (hay nguyên tử). Phật giáo quan niệm hình hài cụ thể khi chết có thể tan ra nhưng chủng tử (nhất là tâm tư không bao giờ diệt), đúng như TT. Mật Thể đã viết trong thế giới quan Phật giáo, xb 1967: “Trong vũ trụ chẳng có cái gì là mất hẳn, từ một hiện tượng này qua một hiện tượng khác, chỉ là một sự thay đổi về hình thái, cho nên mất rồi lại có. Người ta chết đi rồi tập hợp một đời sống khác và theo Phật giáo nhân sinh là một cuộc tập hợp của quá khứ, rồi do tập hợp hiện tại làm nguyên nhân cho cuộc tập hợp về tương lai. Cái chủ lực làm ra tập hợp ấy là nghiệp thức”. Vấn đề nghiệp quả và luân hồi cùng vấn đề lượng tử, chúng ta thấy chúng nó không siêu hình một chút nào, mà trái lại có thể thuyết minh bằng những nguyên lý khoa học, phát sinh từ 2500 năm về trước với Démocrite trong vấn đề nguyên tử và đương tiến hành ngày nay dưới nhãn hiệu vật lý điện tử hiện đại mà kinh Phật càng ngày càng thể hiện rõ bố cục cấu tạo.

Và cách đây 2500 năm, đức Phật Thích-ca dùng Thiên nhãn minh nhìn thấy trong chén nước có vô số vi trùng nhưng lúc đó khó mà người ta tin được. Ngày nay, bác sĩ Pasteur đã phát minh ra kính hiển vi mới nhìn thấy vi trùng trong chén nước, điều đó chứng minh lời nói đức Phật đúng với khoa học thực nghiệm chính xác.

Ông Ostwald là một nhà hóa học Đức đề xướng thuyết Động năng (energism). Ông quả quyết không vật kiện gì là cứu cánh vững chắc mang danh là chất cứng đại (solìd matìere) mà không bị tan vỡ. Các khoa học gia ngày nay cho rằng tất cả vũ trụ vật thể liên quan đến luồng sóng sức mạnh. Luồng sóng này có hai loại: luồng sóng kết hợp gọi là sắc chất, luồng sóng phân tán gọi là quang tuyến hay ánh sáng (những vật thể to lớn khi đem nghiền nát thành mảnh nhỏ đến khi như vi trần). Đó là kết quả luồn sóng phân tán và tự do tung hoành trong không gian. Về Phật giáo, đức Phật thuyết minh học thuyết Vô thường biến chuyển, sự cấu tạo vũ trụ vật lý do các nguyên tố: đất, nước, gió, lửa, hư không (không khí), linh thức (giác tính hay linh tri).

Tất cả sáu công năng trên đang bay biến tràn đầy vũ trụ nên gọi là Lục đại Duyên khởi, lại tự nó làm nguyên nhân cho nhau mà sinh ra vạn hữu. Tính chất công năng của sáu đại ấy rất tinh tế không phải là hình thức thô sơ, hay những nguyên tố điện tử của nhà khoa học.

Theo Phật giáo sáu yếu tố khác nhau là quan niệm có một bản thể bình đẳng như nhất gọi là Không tướng hay chân không, như trong Bát-nhã Tâm kinh ghi “Thị chư pháp không tướng, bất sanh bất diệt” vậy. Nhưng nhà khoa học chưa giải thích được vấn đề giá trị con người. Đành rằng phát minh khoa học có phần giúp ích cho đời sống nhân loại rất nhiều, chẳng hạn khoa học không gian đã sáng chế phát minh lên đến sao Hỏa, sao Mộc, tính được vòng quay của quả địa cầu, những phương tiện truyền tin tối tân, di chuyển tiến bộ vượt bậc v.v… hoặc khoa học đã tìm được nhiều thế giới hữu hình khác. Chúng ta cũng thường được nghe trong kinh A-di-đà, đức Thế Tôn đã nói có rất nhiều thế giới “tam thiên đại thiên thế giới”. Cách đây 2500 năm, lời nói của đức Phật người ta khó mà tin được, ngày nay nhờ khoa học không gian để chứng minh lời nói của đức Phật là đúng với sự thật.

Ngày nay, các nhà khoa học hiện đại đã xác nhận những sự tương quan Phật học, khoa học như:
Nhà vật lý Hoa kỳ Albet Einstein (1879-1955) khám phá thuyết tương đối được giải Nobel về vật lý đã nói: “If there is any religion that would cope with modern scientific needs it would be Buddhism” (Nếu có một tôn giáo nào có thể đương đầu với khoa học hiện đại thì tôn giáo đó phải là Phật giáo). Nhà thi sĩ, ký giả Anh, tác giả tập thi ca “Ánh sáng Châu Á” diễn tả cuộc đời và giáo lý của đức Phật xuất bản năm 1879 đã phát biểu: “I have often said, and I shall again, that between Buddhism and modern science there exists a close inellectual bond” (Tôi đã thường nói và tôi sẽ nói mãi, nói nữa giữa Phật giáo và khoa học hiện đại có quan hệ tinh thần khắn khít). (Sir Edwin Arnoid). Nhà toán học, vật lý và triết học gia Pháp là Blaise Pascal (1623-1662) đã viết “Con người vĩ đại hơn sức mạnh mù quáng của thiên nhiên vì lẽ cả đến khi nghĩ rằng con người bị hủy diệt bởi những sức mạnh ấy, con người vẫn giữ được cao cả hơn bằng sự hiểu biết các sức mạnh ấy”.

Lại nữa, Phật giáo mang sự thật xa hơn nữa: Phật giáo cho thấy bằng phương thức hiểu biết, con người có thể kiểm soát được mọi trạng huống của mình. Con người có thể ngưng, thoát khỏi bị nghiền nát bởi sức mạnh thiên nhiên và sử dụng những luật của sức mạnh thiên nhiên để tự mình đứng lên chống đỡ.

Luật gia Anh Christmas Humpreys đã diễn tả: “Buddhism is, on the contrary, a system of thought, a religion, a spiritual science and a way of life, which is reasonable, practical and all-embracing. For 2500 years it has satisfied the spiritual needs of nearly one-third of mankind. It appeals to the West, insists on self-reliance coupled with tolerance for the other's points of view, embraces science, religion, philosophy, psychology, ethics and art, and points to man alone as the creator of his present life and sole designer of his destiny” (Phật giáo, ngược lại, là một hệ thống tư tưởng, một tôn giáo, một tinh thần khoa học, một lối sống hữu lý, thực dụng và bao quát. Trong 2500 năm, Phật giáo đã thỏa mãn nhu cầu tinh thần của gần một phần ba nhân loại. Tôn giáo này lôi cuốn Tây phương; nhấn mạnh về lòng tự tin đi đôi với sự bao dung đối với quan điểm của người khác; bao quát khoa học, triết học, tâm lý học, đạo đức và mỹ thuật; chỉ rõ con người là kẻ sáng tạo ra chính cuộc đời này của mình và là kẻ thiết kế duy nhất của số phận mình).

Nhưng một số phương diện khác khoa học đã đi lầm, đã quá lợi dụng vật chất phát minh ra nhiều cơ khí giết chết người gây họa chiến tranh tàn khốc cho nhân loại và khoa học dù tài giỏi đến đâu cũng không thể gạt khỏi những hạt lệ thương tâm của lòng người thiếu phụ nhất là bà mẹ Việt Nam đang quằn quại rên rĩ thương tiếc đau thương cho những đàn con không mồ xương thây, không trọn mấy mươi năm về trước.

Nhiều nhà bác học ở Âu Tây đã kết tội khoa học văn minh vật chất chỉ đưa con người đến chỗ chết, đưa người ta vào con đường khủng hoảng trụy lạc. Bác sĩ, Allexis Carcel đã từng than thở: “Nếu các nhà khoa học của thế kỷ trước đây chịu khó nghiên cứu tâm hồn con người, thì văn minh không bị khủng hoảng như ngày nay”.

Heidegger nhà triết học trứ danh người Đức đã phủ nhận sự vắng mặt của Thượng đế và sự phục hồi Nội tính thể, kêu gọi chúng ta trở về với tư tưởng thiền định (pensée médiante) và từ bỏ tư tưởng tính toán của tổ chức kinh doanh, mỹ thuật, kỹ nghệ, cơ khí, chính trị, khoa học… để tự cứu mình và giải thoát lấy mình đúng như lời Phật dạy: “Các người hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”. Lời thuyết pháp tuy vắn tắt nhưng cũng đủ khẳng định rằng đạo Phật đầy tinh thần độc lập và tự chủ.
Tóm lại: Triết học và khoa học đối với Phật giáo có một phần tương quan nhưng cũng có dị biệt. Phật tử chúng ta phải tìm hiểu, nghiên cứu, nhận định đúng đắn những điểm tương quan và điều dị biệt để ứng dụng đạo Phật theo tinh thần Chân-Thiện-Mỹ và luôn luôn lấy hành động làm khởi điểm, lấy học tập, kinh nghiệm làm phương tiện và lấy tu chứng làm cứu cánh giải thoát.

                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                              Nguyên Lam

Chia sẻ
Bài viết liên quan