Quyết lòng tìm đến Linh Sơn

Cập nhật: 18/10/2022

Bài sám Pháp hoa phần đầu nói về Tịnh độ, phần hai nói về Thiền tông là phương pháp tu thiền chủ trương hướng nội.

Quyết lòng tìm đến Linh Sơn

Tu Tịnh độ thường được hiểu là hướng ngoại, tức hướng về Đức Phật Di Đà, hay nói chính xác, giai đoạn đầu chúng ta phải cầu học. Thật vậy, khi xuất gia, Phật Di Đà cũng được Bảo Tạng Như Lai dạy rằng phải cầu học với tất cả chư Phật mười phương, học hiểu biết của người trước và người đương thời, sau đó chúng ta mới có hiểu biết của riêng mình. Nhưng cầu học bên ngoài xong, trở về cũng phải thiền định, tức là suy nghĩ những pháp mà mình đã học được để chọn con đường mình đi, quyết định việc mình làm.

Vì vậy, sau khi tham học với chư Phật mười phương, Đức Di Đà quyết định xây dựng Cực lạc trên căn bản phải có người tốt, giỏi hợp tác mới làm nên việc lớn. Ngài chọn người có năng lực, có hiểu biết, có đạo đức hợp tác với Ngài là Thường Tinh Tấn Bồ-tát và Đại Thế Chí Bồ-tát. Và người thứ ba là Bồ-tát Quan Âm ở Ta-bà cũng chọn người giỏi, tốt đưa về Cực lạc.

Thiết nghĩ pháp môn Tịnh độ có nghĩa là chúng ta cầu học, vì tu mà không cần học thì điều này rất hiếm người được. Ngoại trừ Đức Phật Thích Ca sanh lại cuộc đời này, Ngài tự khám phá ra chân lý.

Pháp môn Tịnh độ thích hợp với người Việt Nam từ xưa đến bây giờ, nhưng cốt lõi tịnh độ theo Pháp hoa là kết hợp tịnh độ và thiền định, phần nào chúng ta áp dụng tịnh độ, phần nào áp dụng thiền. Thể hiện ý này, Tổ Vĩnh Minh nói rằng thiền mà có tịnh độ giống như hổ thêm cánh sẽ dễ đạt kết quả.

Học tịnh độ xong, chúng ta qua thiền mở đầu bằng câu: “Quyết lòng tìm đến Linh Sơn. Cầu xin chư Phật hiện thân độ đời”. Vì đã học hiểu giáo nghĩa rồi, chúng ta cố tìm về bản thể sự vật. “Linh” là chân linh, “Sơn” là thân tứ đại của chúng ta là vật chất. Tìm tận nguồn của vật chất coi nó là gì và chúng ta phát hiện được đó là chân linh của mình. Điều này là căn bản của đạo Phật, vì Đức Phật Thích Ca đã trải qua quá trình tư duy thiền định dưới cội bồ-đề, chứng Pháp thân, thành Phật.

Vì vậy, có thể khẳng định thiền là căn bản của đạo Phật. Thiền nghĩa là sự hiểu biết trong tĩnh lặng, không phải hiểu biết học từ bên ngoài là kiến thức. Thể hiện yếu lý này, ngồi thiền là tìm về cội nguồn của tất cả các pháp, tìm về cội nguồn của con người thật của chúng ta, tức hướng nội để hiểu biết thực sự chúng ta từ đâu đến thế giới này và khi chết, chúng ta về đâu. Vì thế giới chúng ta đang sống là thế giới sanh diệt, nên phải tìm ngoài thế giới sanh diệt có gì nữa hay không và chính Đức Phật Thích Ca đã làm như vậy. Phương thức tu này Đức Thích Ca đã áp dụng có kết quả, Ngài mới dạy chúng ta, đương nhiên chúng ta phải thực hành để có được kết quả như Phật.

Ảnh tác giả

Thiền nghĩa là sự hiểu biết trong tĩnh lặng, không phải hiểu biết học từ bên ngoài là kiến thức. Thể hiện yếu lý này, ngồi thiền là tìm về cội nguồn của tất cả các pháp, tìm về cội nguồn của con người thật của chúng ta, tức hướng nội để hiểu biết thực sự chúng ta từ đâu đến thế giới này và khi chết, chúng ta về đâu.

Hòa thượng Thích Trí Quảng

Tư tưởng tìm về điểm phát xuất của con người và chết về đâu đã có trong triết học Ấn Độ với hai trường phái đối nghịch nhau. Một là phái hữu thần quan niệm rằng con người do thượng đế sanh ra và sau khi chết sẽ lên thiên đường hay xuống địa ngục tùy thuộc vào quyền quyết định của thượng đế. Hai là phái vô thần không tin vào sự hiện hữu của thần linh và họ chủ trương sống hưởng lạc thỏa thích, không sợ tội lỗi, không cần bận tâm vì chết là hết.

Đức Phật dạy rằng thiên đường hay địa ngục là giả tưởng do con người nghĩ ra. Trải qua quá trình tu hành, lặn sâu vào bản thể sự vật, Đức Phật phát hiện thiên đường và địa ngục do nghiệp của con người chiêu cảm mà thành. Nếu đã tạo nghiệp ác, tội lỗi phải chiêu cảm quả địa ngục.

Địa ngục đầu tiên thể hiện rõ nét trong cuộc sống hàng ngày là tâm buồn giận lo sợ của con người. Thuở nhỏ tôi có đọc câu chuyện một người hỏi thiền sư về thiên đường, địa ngục. Thiền sư hỏi ông làm nghề gì. Ông thưa rằng làm nghề vệ sĩ. Ngài nói tôi thấy ông giống tên ăn mày, ai mà dám thuê ông. Ông liền nổi nóng rút gươm định chém. Thiền sư nói đó là cánh cửa địa ngục vừa mở. Ông ngộ ra vội cúi đầu đảnh lễ ngài. Thiền sư nói đó là cánh cửa mở ra thiên đường.

Thiên đường, địa ngục mở ra từ tâm con người và hành động của con người. Hễ tham, sân, si thì địa ngục mở, tu thiền thấy được như vậy.

Đầu tiên, ngồi thiền, Phật quan sát sự vật trong kiếp này cho đến kiếp trước và nhiều kiếp trước nữa. Chúng ta tu thiền dễ nhận thức điều này để đánh giá kết quả. Vì vậy, Phật dạy những gì mà chúng ta làm trong quá khứ hiện ra trong thân và tâm chúng ta hôm nay gọi là nghiệp duyên quá khứ. Nếu quá khứ đã học và tu thì hiện thân này chúng ta có hiểu biết về Phật pháp và thể hiện tính cách của người tu vượt trội hơn người khác.

Điển hình là Hòa thượng Trí Tịnh chưa xuất gia mà Hòa thượng Vạn Linh nhìn ngài nói vị này đời trước đã là Hòa thượng, đời này sẽ tu cũng là Hòa thượng. Vì Hòa thượng Vạn Linh tu thiền có chiều sâu, nhìn bề ngoài mà biết nghiệp duyên từ quá khứ, đời trước ngài là Hòa thượng Pháp sư, đời này cũng là Hòa thượng Pháp sư.

Vì vậy, kinh Đại thừa như kinh Pháp hoa 28 phẩm, Hòa thượng thuộc lòng dễ dàng, vì kiếp quá khứ, Hòa thượng từng tu, từng thuộc rồi, đời này tự nhiên thuộc được kinh. Hoặc tôi gặp một số tam tạng Pháp sư Miến Điện, Thái Lan, Sri Lanka, các vị này thuộc lòng kinh, luật, luận tiếng Pali, vì đời trước đã tu rồi, thuộc lòng tam tạng rồi, đời này tái sanh, tự nhiên hiểu biết và nhớ kinh hơn mọi người. Đó là nghiệp duyên quá khứ dẫn đến cuộc sống hiện tại tương ưng.

Từ lý này, ta sống trong hiện tại, ngồi thiền, quán tưởng biết kiếp quá khứ của mình. Điều này dễ thấy nhất.

Quán tưởng biết quá khứ và biết quá khứ dẫn đến hiện tại thì thiền sư làm gì? Vì quá khứ đem hết về hiện tại khiến chúng ta nhìn thấy được thực tế cuộc sống của mình và cả cuộc sống của những người xung quanh mình, biết rõ đây là nhân duyên từ quá khứ. Cụ thể là những người tốt, hay những người xấu với chúng ta một cách tự nhiên. Người xấu với chúng ta dù chúng ta cố gắng làm họ có thiện cảm cũng rất khó. Còn người tốt với chúng ta, dù mình xua đuổi họ cũng hết lòng với mình. Vì vậy, nhìn cách xử sự trong hiện tại mà biết quá khứ đã từng là người thù nghịch hay là người tốt với chúng ta. Như vậy, gặp lại nhau trong kiếp sanh tử luân hồi mà người đời gọi là quả đất tròn thế nào cũng gặp lại.

Oan gia nghiệp chướng thường đi theo nhau sát nút một cách mãnh liệt bất kể thời gian từ quá khứ đến hiện tại lâu xa đến đâu. Thật vậy, tiền thân của Ngộ Đạt quốc sư làm quan đã xử oan Triệu Thố. Sau đó, ông từ quan và xuất gia tu hành miên mật từ đời Hán đến đời Đường, trải qua thời gian rất dài, mà vong hồn của Triệu Thố vẫn đeo sát ông để trả thù. Cuối cùng, ông cũng phải trả quả báo này.

Đức Phật Thích Ca cũng nói trong một kiếp quá khứ, Ngài là hiệp sĩ từng giết tên cướp biển để cứu 500 thương thuyền. Nó bám sát theo Ngài cho đến khi Ngài thành Phật mà nghiệp báo vẫn không thể xảy ra, vì đạo lực của Phật quá cao, được Hộ pháp thiện thần ủng hộ.

Dù việc tốt hay xấu đã trải qua trăm ngàn muôn ức kiếp trước vẫn không mất, khi có đủ nhân duyên thì quả báo sẽ thành.

Đức Phật quán sát xã hội đương thời, biết rõ không sai lầm ai thương, ai ghét, ai phá hại Ngài. Và khi thiền định chứng được pháp này sẽ hóa giải được nghiệp của chúng ta, thực chất của người tu khác hơn người phàm ở điểm này.

Thật vậy, người vô minh, nghiệp chướng trần lao thấy không chính xác gọi là vô minh duyên khởi, nghĩa là khởi lên từ tham vọng, bực tức, chắc chắn quả báo tới. Nhưng từ tâm chơn như duyên khởi như Phật thâm nhập cùng tột các pháp là tâm chơn như bất động. Bấy giờ sức sống của người tỉnh giác hoàn toàn vượt lên trên động loạn của thế gian, vượt lên trên sanh diệt của cuộc sống là chứng quả Vô sanh và từ Vô sanh khởi lên gọi là chơn như duyên khởi. Kinh Hoa nghiêm gọi là tánh khởi, tức từ tự tánh thanh tịnh khởi lên, nên thấy cuộc đời chính xác đúng theo nhân quả.

Đức Phật đã thâm nhập bản thể các pháp thấy Ngài từ Không mà hiện lên Có, nên Phật dạy tu thiền, chúng ta lần từ bên ngoài vào bên trong. Bên ngoài, chúng ta học hết các kinh điển Phật dạy, học hết các pháp môn để chúng ta biết, nhưng phải vào thiền quán, chúng ta quán tưởng theo các kinh đã học mới thấy đúng thật tướng của các pháp.

Thể hiện ý này, tôi khởi đầu bằng câu: “Quyết lòng tìm đến Linh Sơn” là tìm khởi nguồn của mình từ đâu để mình có thân tâm sanh diệt này.

Phật nói Ngài đã tư duy vấn đề này lâu lắm, không biết Ngài từ đâu hiện lên sanh diệt và được một Bồ-tát lớn hiện thân làm quỷ Dạ-xoa mách bảo bằng cách đọc một câu kệ: “Chư hạnh vô thường thị sanh diệt pháp”, tức tất cả việc làm của chúng ta trên cuộc đời, tất cả suy nghĩ, tính toán, hiểu biết của chúng ta thuộc vô thường, nằm trong pháp sanh diệt.

Trong thiền định, Ngài nghe câu này hay quá rằng tất cả việc làm và suy nghĩ của chúng ta đều ở trong sanh diệt, như vậy chúng ta theo đuổi nó thì chúng ta chết, nó cũng mất hết, quả là uổng công. Ý này được Phổ Hiền nhắc rằng những gì chết mà đem theo được thì nên tích cực tu hành, cái không đem theo được là của sanh diệt, chết là cái này mất. Giống như Phật tử ngủ mơ thấy mình làm việc này việc nọ, thức dậy đâu còn gì, chỉ là giấc mộng thôi. Vì vậy, cuộc đời là giấc mộng dài, ngủ là giấc mộng con, tất cả diễn ra trong cuộc sống này đều là mộng, đây là sanh diệt pháp.

Phật nghe hay quá và nhìn lên thấy quỷ Dạ-xoa nói câu này, Ngài tự nghĩ tại sao quỷ Dạ-xoa lại biết được ý hay như vậy và Ngài hỏi còn gì nữa không. Dạ-xoa nói còn câu thứ hai, nhưng ta đói quá, phải ăn thịt ngươi rồi sẽ nói tiếp. Phật bảo ông nói ngay đi, tôi nghe được rồi thì ông ăn thịt tôi cũng được, tôi không cần mạng này vì đây là pháp sanh diệt thì sớm muộn gì tôi cũng chết, không tiếc thân này, nhưng tiếc chết mà không nghe được pháp.

Dạ-xoa đọc tiếp: “Sanh diệt diệt thời tịch diệt vi lạc”. Nghĩa là tu hành, chấm dứt sanh diệt, tức lòng chúng ta không nghĩ đến thân này, không nghĩ bất cứ việc gì thì cảnh tịch diệt sẽ hiện ra. Bây giờ có nói sự thật cũng không biết, vì người có mắt mới thấy ánh sáng, thấy sự vật. Vì vậy, cần có mắt, tức cần phải ngộ được pháp tịch diệt thì tánh sáng của chúng ta mới hiện ra, mới biết sự thật.

Bây giờ chúng ta tu mù, tu trong đêm tối, nên nỗ lực, quyết lòng tìm chỗ không sanh diệt để chứng được quả Vô sanh thì thế giới Vô sanh hiện ra cho chúng ta là chơn như thật tướng, tức trở về tánh sáng suốt muôn đời của chúng ta, chúng ta sẽ thấy được sự thật. Chưa đến chỗ này, nói gì cũng không đúng. Chân lý đòi hỏi phải nắm bắt được, phải thấy được, phải biết, không thể nói được. Vì vậy, Phật dạy rằng những gì Ngài nói đều là phương tiện để chúng ta nhận ra chân lý, còn nhận ra chân lý thì tự người đó phải nhận ra, không ai dạy được.

“Quyết lòng” là người tu quyết tâm, không sợ chết, giống như Phật khởi đầu nghe pháp của Dạ-xoa rồi chết cũng được, nghĩa là quý pháp hơn thân mạng.

Tu quyết lòng tới tận cùng của sanh diệt là thân tâm này chết mới tận cùng sanh diệt thì tịch diệt kia mới hiện ra. Nhưng thực tế cho thấy phần lớn người ta chết là thân chết, nhưng tâm họ không chết vì tâm vẫn muốn sống, vẫn lưu trữ những thiện ác của đời này và nhiều đời trước, tức tiềm thức vẫn còn hay a-lại-da thức chất chứa đầy đủ tất cả những gì đã gom góp trong quá khứ vẫn hiện hữu. Tất cả những kiến thức mà chúng ta học đều ở trong tiềm thức, khi chúng ta ngủ thì tiềm thức này mở ra.

Thí dụ lúc tôi mới tu, ngủ mơ thấy những việc đáng sợ, vì tôi sanh trong thời chiến tranh, bị cảnh chết chóc ám ảnh, nên ngủ mơ thấy mình và người thân bị giết, đó là cảnh tượng từ tiềm thức trỗi dậy, lưu xuất. Nhưng nhờ lạy sám hối, tu hành, nghiệp tiêu lần, về sau nằm mơ là thấy Phật, giảng kinh, thuyết pháp.

Vì vậy, ta biết tiềm thức hay a-lại-da thức rất quan trọng và không chết, nó sẽ mang đi qua đời sau, nếu chưa đi sang đời sau thì sẽ làm ma quỷ trong thế gian này. Thể hiện sự ghim giữ trong lòng, có người nói sống để dạ, chết mang theo, là không chịu nổi sự tức giận, nhưng không dám nói ra, để lại trong lòng và mang sang đời sau, gặp lại sẽ trả thù.

Trong kinh Pháp cú nói có bà già bị ba thương gia lường gạt, giận quá thề rằng nay ta yếu thế, bị các ngươi ăn hiếp, nguyện kiếp sau gặp các ngươi ở đâu, ta cũng phải trả mối thù này. Đời sau sanh ra, vì hận quá nên bà này làm con bò. Trong ba người kia, một người sau đó hối hận, đi tu. Một người tái sanh làm nông dân. Và oan gia đời trước gặp lại, trong cùng một ngày, con bò húc chết ba người. Vua Tần Bà Sa La đến hỏi Phật việc này, vì Phật có tôn danh là Thế gian giải, điều gì trong thế gian, Ngài cũng biết rõ từ quá khứ đến hiện tại.

Phật kể con bò đời trước là bà già nghèo khó. Ông Sa-môn bị bò húc chết là một trong ba thương gia hối hận rồi đi tu, nhưng vẫn phải trả quả là ôm bát đi khất thực bị bò húc chết. Ông nông dân cũng bị bò húc chết. Đứa con của chủ bò, bán con bò và treo đầu con bò trên cây, ngồi ngủ dưới gốc cây, bị đầu con bò rớt xuống cắm vô đầu chết luôn. Như vậy, hồn ma chết rồi mà cũng giết cho đủ những người thù, thật đáng sợ.

Tất cả hiện tượng trong trời đất đều liên hệ tới nhân quả. Tu thiền, quyết lòng tìm đến Linh Sơn là thấy bằng chân linh, tức thấy bằng trực giác thì tự nhiên nhìn thấy là biết. Cái biết này chỉ có trong khi tu, không có trong sách vở.

Phật dạy ngoài sách vở, người ta có hiểu biết khác mà cao nhất là biết trong thiền định có Chánh niệm, Chánh định nhìn sự vật bằng trực giác nên biết. Thứ hai, người có niềm tin với quỷ thần, trời Phật, nên họ thường được quỷ thần báo mộng. Ông bà tổ tiên chết, hiện lại báo mộng cho biết việc xảy ra thế nào.

Đi tới chơn không là Bát-nhã, tức trí tuệ và tiến đến tận cùng của giác ngộ, theo Phật dạy phải dùng ba xe ra khỏi Nhà lửa gồm có Thanh văn, Duyên giác và Bồ-tát. Trước hết, người quyết tâm tu, bỏ tất cả mọi việc, cuối cùng cũng chạy ra khỏi Nhà lửa. Bỏ bằng cách nào? Việc trái hay phải cũng phải bỏ, vì nhớ làm sao tu được. Vì vậy, tu thiền mà biết nhiều việc thì đọa, không tu được.

Tất cả hiện tượng trong trời đất đều liên hệ tới nhân quả. Tu thiền, quyết lòng tìm đến Linh Sơn là thấy bằng chân linh, tức thấy bằng trực giác thì tự nhiên nhìn thấy là biết. Cái biết này chỉ có trong khi tu, không có trong sách vở.

Tu thiền, Phật dạy bỏ hết để tâm lắng yên, lắng từ ngoài vào vòng trong. Thực tập pháp này, tôi thấy rõ Phật dạy lắng yên là vượt qua năm tầng của ngũ uẩn ngăn che. Đầu tiên chúng ta có thân vật chất thì chúng ta bị vật chất ngăn che là vòng một phải xóa bỏ nó trước.

Phật nói hàng Bồ-tát còn mê khi cách ấm, tức tái sanh mang ngũ ấm thân, Bồ-tát cũng bị ngũ ấm ngăn che, nhưng lòng các Ngài thanh tịnh rồi nên phá ngũ ấm tương đối dễ. Thật vậy, chúng ta thấy người tu được không ham tiền bạc, danh lợi, vì lòng họ đã sạch rồi. Còn thân ngũ uẩn này bị xã hội tác động, họ chỉ vướng một chút thôi, nhưng lòng họ không có, nên họ bỏ dễ.

Điển hình như Phật khi còn là thái tử, người ta cũng nhồi nhét cho Ngài đủ thứ, tìm cái hấp dẫn nhất dâng lên Ngài nhưng Ngài không thích, chỉ thích ngồi yên, không bị việc xung quanh quấy rầy để Ngài có sức tập trung thiền quán, vì Ngài là Phật hiện lại, tức cốt lõi bên trong là Phật.

Khi chúng ta thực tu dễ bỏ tất cả mọi việc thế gian. Ý này Sĩ Đạt Ta được đạo sĩ Kamala nhắc Ngài nhớ bỏ tất cả hiểu biết khôn dại của cuộc đời, đừng để nó tác động. Riêng tôi đôi khi cũng mắc phải, nhưng biết nó, mình trừ liền. Còn biết khôn dại thì người nói sai, mình khó chịu. Người nói mặc người. Mình có hiểu biết của mình, để họ nói lại, không cần đính chính, được như vậy cũng khá rồi.

Thực tập pháp quên mọi việc, quên ăn uống, quên đi khất thực, Sĩ Đạt Ta ngồi sững, quên cả sự sống là quên pháp sanh diệt thì pháp tịch diệt hiện ra nên Ngài chứng quả Ly sanh hỷ lạc, là tu thiền phải tập sống ngoài sự sống. Sống trong sự sống là vẫn ở trong sanh diệt, chẳng có gì.

Không quan tâm tới ăn ngủ, không quan tâm tới sống chết mới vượt ra sống chết là bước đầu cắt đứt đời sống vật chất mới có đời sống nội tâm.

Trong ngũ ấm ma, đầu tiên phá sắc ấm trước, vì thân làm khổ chúng ta, làm sao không bị thân chi phối. Kamala dạy tu sao mà đói không biết đói, lạnh không biết lạnh, nói cách khác, không bị đói khát nóng lạnh hành hạ, làm khổ mình.

Phật dạy phải phá ngũ ấm ma thì tuệ mới sanh, kẹt ngũ ấm ma là còn kẹt vô minh. Tu thiền phải thể nghiệm được điều này.

Vì vậy, quyết lòng tìm đến Linh Sơn, đầu tiên quên ăn ngủ. Quý vị áp dụng thử, tập trung tất cả cho tu hành, mình không thấy đói. Phật thiền định, nhịn đói đến da bụng dính với xương sống mới làm Phật. Hòa thượng Trí Quang tuyệt thực 100 ngày.

Trước tiên, chúng ta phải xóa sự chi phối của vật chất, tức xóa bốn tướng đói, khát, nóng, lạnh. Xóa bốn sự tác động này xong, chúng ta vào tầng thứ hai là thọ ấm ma thì thọ ấm không có đối tượng nên nó không tác động được.

Thật vậy, chúng ta có thân người, có sáu giác quan để tiếp xúc, chúng ta mới biết. Nhưng xóa sự tác động của thân người, nói đơn giản là chúng ta quên hẳn cái thân này thì ngồi thiền, ta không thấy, không nghe là đã phá được thọ ấm ma.

Phật dạy phải phá ngũ ấm ma thì tuệ mới sanh, kẹt ngũ ấm ma là còn kẹt vô minh. Tu thiền phải thể nghiệm được điều này.

Mahavira là giáo chủ Kỳ-na giáo nhập định, 500 xe chạy qua, ông không thấy, không nghe, không biết. Thực tu cũng phải thực tập pháp này. Nếu ngồi sững đó, nhưng việc xảy ra vẫn biết là chưa nhập định. Còn người tu nghe, nhưng không để ý, nên không biết, những thị phi phải trái hơn thua của cuộc đời, mình không biết.

Chuyện của mình là thời gian ngắn quá, nhưng đường tìm đến Linh Sơn còn dài, việc còn nhiều, mặc cuộc đời, không quan tâm. Đa số người tu thiền chỉ quan tâm việc của mình thôi, giống như Tổ Huệ Năng vậy. Người nào tu đúng như vậy, tôi tin chắc chắn sẽ có được kết quả trong cuộc đời này là tuệ giác cao hơn người bình thường, đời sống cao hơn người bình thường, chưa nói đến việc thành Phật.

Phá được thọ ấm vì ta đang suy nghĩ thoát khỏi sanh tử thì ngoài sanh tử này, mình là gì, mình từ đâu đến đây và chết về đâu; đó là thoại đầu “Sanh tử sự đại”. Sanh tử là việc lớn nhất, chuyện khác nhỏ bỏ qua, chỉ quan tâm đến việc sau khi chết và trước khi sanh.

Xóa sắc uẩn và thọ uẩn là phá được hai tầng ngăn che mình. Tu theo Phật, đạt đến chỗ này là thấy chân lý lờ mờ, chưa chính xác và nghe loáng thoáng lời Phật thì cũng khá rồi. Được như vậy, phá luôn tầng thứ ba là tưởng uẩn. Tưởng này mất, vì thế giới Cực lạc, Phật Thích Ca, Quan Âm Bồ-tát hiện ra cho mình lờ mờ, nên mọi cái tưởng hơn thua phải trái tiêu mất luôn.

Thật vậy, thế giới của Phật, Bồ-tát xuất hiện lờ mờ thì thế giới sanh diệt này cũng mất. Do đó, người niệm Phật thấy được Cực lạc hiện ra lờ mờ nhờ tập trung cao độ, quên sắc, thọ, tưởng, hay không bị sắc, thọ, tưởng chi phối. Người tu thiền thì thế giới Phật đã hiện ra cho mình lờ mờ, kinh Pháp hoa gọi là vượt được 300 do tuần đường hiểm, còn lại về sau nhẹ hơn.

Xóa sắc, thọ, tưởng, còn lại hành uẩn và thức uẩn. Thức uẩn là cái kho lưu trữ tất cả mọi việc của mình nhiều đời, nhưng mình đem pháp và Phật vô xóa sạch trần tâm, nên thức của chúng ta sạch lần là quên lần mọi việc thế gian.

Lúc trước, việc thế gian mình để ý 100%, nhưng nay còn 50%, 40%, 10% cho đến thức sạch hoàn toàn là tới đệ bát địa Bồ-tát, a-lại-da thức chuyển thành Bạch tịnh thức là chúng ta sống ở trần gian nhưng tiềm thức không có gì của trần gian. Người tu thiền gọi là đi hỏng đất, cuộc đời không dính đến họ. Thiền sư sống thanh thản, vui buồn trần gian không dính vô họ. Chúng ta thấy người nào đối với cuộc đời mà họ thanh thản, dù họ không tu là biết họ coi nhẹ việc trần gian. Phá được ba tầng ngũ ấm ma là chứng ba phần Pháp thân: giới, định, huệ. Chúng ta thấy họ khác hơn người thường, đạo đức của họ cao hơn, trí của họ sáng hơn và tánh hiền lành hơn.

Chia sẻ
Bài viết liên quan