Bốn Chất Liệu Chánh Niệm

Cập nhật: 17/07/2019

Bốn chất liệu chánh niệm trong Phật giáo giúp con người tăng trưởng thêm kháng thể bảo vệ thân và tâm. Tất cả mọi lo âu, sợ hãi, căng thẳng, bất an đều biến mất, không bao giờ trở lại nữa.

Con người luôn sống với tâm vọng tưởng lầm chấp chạy theo những ham muốn của thế gian nào là tài, sắc, danh, thực, thùy hay là những ham muốn của cảm xúc đối với sắc, thanh, hương, vị, xúc khiến chúng sanh suy giảm giá trị đạo đức và chìm đắm trong ba cõi, sáu nẻo luân hồi.                                 

Đức Phật đã nhấn mạnh thiền, hay sự tu dưỡng tâm (bhavana) là con đường để dẫn đến sự giác ngộ và giải thoát.  Và công cụ và mục tiêu để tu thiền chính là sự chú tâm tỉnh giác hay gọi là chánh niệm. Chánh niệm là chất liệu quan trọng nhất, là công cụ quan trọng nhất, để con người tỉnh tâm nhìn thấy đúng sai giữa cuộc đời. Và thế nào là bốn chất liệu chánh niệm.

  1. Chánh niệm về Thân

                     a.  Chánh niệm về hơi thở

Đức Phật khuyên chúng ta nên bắt đầu hành thiền minh sát với chánh niệm dựa trên hơi thở. Quán sát hơi thở với chánh niệm có thể giúp ta biết nhiều điều về việc tâm vận hành như thế nào. Ta thấy tâm được an tĩnh, giải tỏa căng thẳng. Do đó, chỉ với việc quán sát hơi thở, ta thấy rằng ngay chính với một ước muốn nhỏ về sự thường hằng trong một thế giới vô thường, cũng có thể đưa đến khổ. Hơn thế nữa, vì không có một bản ngã nào để làm chủ tình thế, ước muốn được an tĩnh và giải tỏa căng thẳng sẽ luôn khiến ta cảm thấy bất lực. Tuy nhiên, nếu ta thư giãn tâm để quán sát hơi thở mà không mong cầu sự an tĩnh hay tránh né căng thẳng đã phát sinh, chỉ trải nghiệm sự vô thường, khổ, và vô ngã của hơi thở, tâm sẽ trở nên bình an, thanh tịnh.

Mỗi khi tâm trở về lại với hơi thở, nó trở về với một tri giác sâu lắng hơn về vô thường, khổ và vô ngã. Như thế, qua sự quán sát không phân biệt, không chấp vào các sự kiện này, tâm đã nhận thức được rằng các uẩn này – sắc, thọ, tưởng, hành, và thức – chỉ hiện hữu vì mục đích để đạt được tuệ giác sâu xa vào trong thực tại của thân và tâm. Chúng không phải có mặt ở đây để ta bám víu vào chúng.

                     b.   Chánh niệm về các tư thế

Chánh niệm về các tư thế có nghĩa là đi, đứng, nằm, ngồi với sự chú tâm đầy chánh niệm. Có lẽ ta sẽ tự hỏi, “Có gì trong các hoạt động này để ta phải chánh niệm đến? Khi đi, ta đi. Khi ngồi, ta ngồi. Khi nằm xuống, ta nằm xuống. Ta biết ta đang làm gì. Vậy, ta có thể đạt được tri kiến hay tuệ giác đặc biệt gì khi chú tâm vào các hành động này?” Khi chánh niệm về các oai nghi của thân, ta sẽ nhận thấy rằng các chuyển động vật lý luôn biến đổi ngay nếu như ta đang cố giữ thân yên. Tim vẫn đập, nhiệt tỏa đi khắp cơ thể, phổi phình lên, xẹp xuống. Hãy chánh niệm về sự vô thường của chúng. Ta có thể nhận thấy rằng, đối với các chuyển động bên ngoài thân, ta còn có chút ít kiểm soát, nhưng hoàn toàn không thể làm gì đối với các chuyển động vi tế bên trong thân. Sự bất lực này khiến ta bức xúc. Nhận thức được như thế, ta vun trồng tuệ giác về bản chất khổ và vô ngã của các chuyển động nơi thân.

Trong khi chú tâm đến những chuyển động của đi, ta cũng nhận biết được các dòng tư tưởng thay đổi không dừng. Khi đang đi, ta có thể cảm thấy sợ hãi, lo lắng, căng thẳng, ham muốn, giận dữ, ghen tức, hay tham đắm. Trong đầu ta có thể phát khởi ý nghĩ, “Ta đang kinh hành rất chánh niệm. Ta mong là mọi người đều nhận thấy ta đang tiến bộ thế nào.” Những suy nghĩ như thế phát xuất từ lòng tự hào hay lòng ham muốn. Trước tiên ta phải chánh niệm đối với chúng. Nếu chúng không qua đi, ta áp dụng những phương pháp dùng để chế ngự các trạng thái tâm bất thiện. Sau đó ta tiến tới việc làm tăng trưởng các hoạt động tâm thiện bằng cách buông bỏ lòng tham và sân và vun trồng tình thương, lòng hoan hỷ và xả. 

                   c. Chánh niệm về các bộ phận cơ thể

Quán sát các bộ phận của thân giúp ta chấm dứt mọi quan niệm sai lầm về thân. Khi ta phân chia thân thành nhiều bộ phận, ta sẽ thấy thân và các bộ phận của thân đúng như chúng thật là. Thường chúng ta không nhìn thân với cái nhìn phân tích như thế. Chúng ta ít khi nghĩ đến các bộ phận của thân trừ khi có điều gì trục trặc hay khi bị đau nhức. Đức Phật đã nói đến phương pháp chánh niệm này bằng một thuật ngữ “đi ngược dòng.” Nghĩa rằng đi ngược lại với cách mà ta thông thường nghĩ về thân. 

Người ta thường có cảm giác không ghê tởm khi nghĩ về một số bộ phận trong thân. Họ không nề hà mang các bộ phận này trong thân và coi chúng rất quý báu. Chấp vào các bộ phận nào đó của thân, coi chúng như là đẹp đẽ, thường hằng, hoặc họ cảm thấy kiêu hãnh về vẻ ưa nhìn của mình, về sức khỏe tốt hay về sức lực của họ. Phương pháp chánh niệm có thể giúp ta gạt bỏ được những ảo tưởng đó. Nó giúp ta quán xét thân như thật mà không gớm ghiếc hay bám víu vào đó. 

Đức Phật dạy chúng ta nên có cái nhìn giống với cách một nhà sinh vật học quán sát thân. Nhà sinh vật học sau khi mổ xẻ một con vật thấy rõ ruột gan con vật phơi bày. Trái lại, người ấy muốn nhìn xem các bộ phận ấy là gì, hoạt động ra sao. Sự khách quan khoa học này giúp cho nhà sinh vật học nhìn các bộ phận này như chúng thật sự là, mà không thêm vào đó bất cứ ý niệm tình cảm hay sự lãng mạn nào. Chúng ta cần vun trồng sự buông xả này khi chúng ta chánh niệm. 

Chánh niệm về thân như là một tập hợp của những bộ phận luôn thay đổi cũng giúp ta chế ngự được kiết sử tham dục hay sự chấp thân. Ta thấy rằng những sự thay đổi này xảy ra cho tất cả mọi thân người. Ta sẽ thấy rằng không có gì thường hằng, bền vững về cái thân mà ta lâu nay vẫn hằng bám víu. 

  1. Chánh niệm về Thọ

Cảm thọ là một hiện tượng không có tự tính, chúng đến và đi tùy theo duyên. Khi biết về ba loại cảm thọ: Lạc – Khổ - bất lạc bất khổ và cách chúng vận hành, thì ta có thể ngăn chặn các yếu tố dẫn đến những trạng thái tâm đau khổ, phiền muộn chỉ bằng cách thư giãn và thay đổi thái độ của chúng ta. Như thế, tâm ta sẽ giữ được sự dễ chịu và trong sáng.

Chúng ta thường đổ thừa cho ngoại cảnh hay tha nhân khiến ta cảm thọ thế này hay thế kia. Tuy nhiên, nếu chúng ta quán sát các cảm thọ dễ chịu hay khó chịu của mình một cách đầy chánh niệm, ta sẽ thấy rằng chúng không đến từ đối tượng mà ta cảm nhận nhưng đến từ chính trạng thái tâm hay quan điểm, thái độ của chúng ta.

Với chánh niệm quán sát sự sinh khởi và hoại diệt của cảm thọ giống như cách ta quán sát dòng tư tưởng qua đi trong đầu. Chúng ta tiếp tục thực hành như thế trong cuộc sống đời thường. Dầu khi  tham gia vào các hoạt động thường ngày, bất cứ khi nào một cảm thọ phát sinh đủ mạnh để tâm phải hướng đến, thì ta quán sát nó. 

Khi chúng ta trở nên chánh niệm về các cảm thọ của mình, thì chúng ta không còn phản ứng một cách thiếu chánh niệm đối với chúng. Chúng ta trở nên khéo léo hơn. Nếu một lạc thọ phát sinh, chúng ta có thể kiềm chế yếu tố tiềm ẩn của lạc thọ - tham. Khi một khổ thọ phát sinh, chúng ta cũng có thể kiềm chế yếu tố tiềm ẩn của loại cảm thọ đó –sân hay sự chống đối. Nếu một cảm thọ trung tính, chúng ta có thể ghi nhận điều đó và không cho phép yếu tố tiềm ẩn của cảm thọ trung tính -si- xuất hiện.

Khi chánh niệm đưa ta đến chỗ nhận thức được rằng những gì ta gọi là “ngã” hay “linh hồn” luôn biến đổi, luôn chịu ảnh hưởng của vô thường thì cảm giác mà ta có được là trung tính. Cảm giác đó toàn vẹn, không phân biệt và không si mê. Ta cảm thấy tĩnh giác, quan tâm muốn biết điều gì sẽ xảy ra kế tiếp. Ta sẽ không rơi vào trong cái bẫy của tình cảm như thế này hay như thế nọ -không ham muốn cũng không ghét bỏ- mà duy trì chánh niệm và tâm xả. 

  1. Chánh niệm về Tâm

Chánh niệm về tâm chỉ sự quán sát những trạng thái tâm khác nhau sinh khởi và hoại diệt – tâm tham hay không tham, tâm sân hay không sân, tâm vô minh hay sáng suốt, hẹp hòi hay cởi mở, tâm vọng tưởng hay chánh niệm, tán loạn hay định tĩnh, tâm phát triển hay trơ lỳ, ràng buộc hay giải thoát.

Không thể tách thức ra khỏi các trạng thái tâm và đối tượng tâm vì chúng sinh khởi và hoại diệt cùng với nhau. Tuy nhiên, ta có thể ghi nhận khi thức bị chi phối bởi các trạng thái tâm tiêu cực như là tham, sân, si, hôn trầm, trạo cử, hay các trạng thái tích cực như là bi mẫn, kiên nhẫn, hay từ ái. 

Hơn thế nữa, ta sẽ khám phá ra rằng không có một tự tính thường hằng nào; không có ai đang điều hành bộ máy cả. Tất cả đều chuyển biến, tất cả đều như dòng chảy, tất cả đều ở trong một quy trình. Trong thực tế, ta chỉ là dòng chảy không dừng của từng sát na tâm thức biến chuyển. Vì không thể kiểm soát quy trình này, ta không có chọn lựa nào hơn ngoài việc buông xả. Khi buông xả, ta trải nghiệm được niềm vui, và có thể trong một giây phút thoáng qua nào đó ta sẽ nếm trải được sự giải thoát và hạnh phúc là mục đích của con đường đạo. Lúc đó ta sẽ biết rằng tâm này cũng có thể dùng để đạt được tuệ giác. 

  1. Chánh niệm về Pháp

Chánh niệm về pháp hay đối tượng của tâm - ở đây có nghĩa là chánh niệm về tất cả các hoạt động tâm thức như kiết sử, chướng ngại, ngũ uẩn, những yếu tố của sự giác ngộ, và Tứ Diệu đế... 

Sự thực hành  chánh niệm không chỉ giới hạn trong lúc ta tọa thiền tu tập. Dù đang làm gì, ta cũng có thể ý thức về bất cứ hoạt động tâm linh nào khi nó phát khởi. Khi ta cố gắng để duy trì chánh niệm liên tục trong ngày, các hoạt động tâm linh bất thiện dần dần ít xảy ra hơn, và các trạng thái tâm thiện thường xuyên có mặt. Vì ta không phải mất nhiều thời gian đắm chìm trong những suy nghĩ tiêu cực, ta càng dễ nhận biết mọi hoạt động của tâm. 

Với tâm chánh niệm ta đã phân biệt được các pháp thiện và bất thiện. Ta đã quán sát được các đặc tính của những đối tượng mà ta tiếp xúc, đó là vô thường, khổ, và vô ngã. Qua các nỗ lực này, ta đã phát triển được thói quen luôn tìm kiếm sự thật. Với tâm chánh niệm mạnh mẽ, ý hướng thiện sinh khởi để quán xét trọn vẹn từng kinh nghiệm mà ta đã trải qua.

Khi tự tính vô thường của vạn pháp đã trở nên rất rõ ràng, ta không còn hy vọng rằng giây phút kế tiếp sẽ khác đi. Khi bản chất không như ý, khổ của pháp bắt đầu trở nên rõ ràng, ta không còn ước muốn rằng giây phút kế tiếp sẽ được như ý. Khi bản chất vô ngã, không thể kiềm chế, không có cá thể của vạn pháp trở nên rõ ràng, ta không mong đợi rằng giây phút kế tiếp có thể khác. Do biết xả ly, tâm không còn dấu vết nào của lòng ham muốn, muốn nhìn mọi vật bằng cách nào khác hơn như sự thật về chúng. Tâm hoàn toàn thể nhập với chân lý. Đó là cách Tứ Diệu đế và Thất giác chi vận hành cùng nhau. Ta nhìn thấy chân lý khổ, nguồn gốc của khổ, sự đoạn diệt khổ và con đường giải thoát khổ mà ta đã tiến bước cho đến bây giờ. 

Tóm lại, bốn chất liệu chánh niệm trong Phật giáo giúp con người tăng trưởng thêm kháng thể bảo vệ thân và tâm. Tất cả mọi lo âu, sợ hãi, căng thẳng, bất an đều biến mất, không bao giờ trở lại nữa. Không còn có sự ham muốn, bám víu vào bất cứ điều gì. Chúng ta sống trong một sự hòa hợp toàn vẹn, hoàn toàn thăng bằng. Tất cả mọi giác quan của chúng ta đã được rèn luyện, mài dũa. Chúng ta vẫn ăn, uống, nói, đi, và sử dụng thân tâm, nhưng với tâm đầy chánh niệm, đầy ý thức. Tuệ giác tạo cho chúng ta tình thương yêu, lòng bi mẫn, và tâm hoan hỷ vẹn toàn. Hãy tận hưởng sự hoàn toàn xả ly, chúng ta không còn bị những thăng trầm của cuộc đời làm xao động. 

                                                                                             TT. TS. Thích Nguyên Hạnh

Chia sẻ
Bài viết liên quan