Nhân Duyên Kỳ Ngộ

Cập nhật: 15/06/2019

Tám sáu năm xuân mãn hoa khai Bước du hóa trọn đường tự tại Miền Cực lạc Người quy bổn vị Xứng bậc thầy trưởng tử Như Lai.

                                               Sáng hôm nay trời trong xanh nắng nhạt

                                           Giác linh đài Thầy nhẹ gót chuông mây

                                           Đốt nén hương con kính cẩn nguyện cầu

                                           An Lạc quốc Người về vô thượng phẩm

Trước giác linh hòa thượng thượng Hiển hạ Pháp húy Nhựt Sáng, cố Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN, cho con đôi lời bộc bạch với bậc thầy khả kính từng nâng đỡ con trên bước đường tu học. Con còn nhớ rất rõ những ngày được cùng hòa thượng trong các công tác Phật sự, con học được rất nhiều kinh nghiệm quý giá.

Ngày 22 /9 /1974, công bố danh sách Mặt trận Nhân dân Cứu đói trung ương, có các thành phần đại biểu tôn giáo, nhân sĩ trí thức, Phật tử tham gia, hòa thượng được suy cử làm Chủ tịch Mặt trận. Con vui mừng biết bao vì hòa thượng thực hiện được lời Phật dạy, dang đôi tay bạt ngàn với lượng từ bi cứu giúp chúng sanh còn đang đói khổ.

Khi Ban Liên Lạc Phật giáo yêu nước Tp. HCM được thành lập vào ngày 7/8/1975, hòa thượng đảm nhận Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư Ký, con là Ủy viên được cùng hòa thượng trong công tác Phật sự. Đến tháng 10 năm 1976, hòa thượng vì bệnh duyên, nên giao chức Tổng Thư Ký Ban Liên Lạc Phật giáo yêu nước TP. HCM cho Thượng tọa Thích Từ Hạnh, và nghỉ dưỡng ở nông trường Đồng Tháp do sư chú con là Thầy Thiện Lý ủy viên Ban Liên Lạc Phật giáo yêu nước TP. HCM làm giám đốc, thuộc xã Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An (nay là huyện Tân Hưng, tỉnh Long An).

Hai năm hòa thượng dưỡng bệnh ở nông trường, con vui mừng khôn xiết vì được cơ hội gần gũi. Hòa thượng đã trao dồi kiến thức Phật pháp và bồi dưỡng cho con công tác quần chúng. Hòa thượng dạy con năm bước công tác của Bác Hồ là điểu tra, nghiên cứu, tổng hợp, tuyên truyền giáo dục thực hiện. Bên cạnh đó, hòa thượng hay nhắc đi nhắc lại yếu tố thành công là luôn biết đoàn kết trong tăng đoàn, không được phân biệt vùng miền… đó là những lời dạy thiết thực đã giúp con thành công trong các hoạt động lợi ích quần chúng về sau.

Trong cách xưng hô của hòa thượng, con như nghe một tình thương nhiệt huyết. Có lúc, hòa thượng gọi con lại và nói “tôi nói Đại đức nghe” con thấy một tình thương ấm áp tình người thầy lo cho đàn hậu bối, có khi thì “tôi nói Ông nghe” nghe như tình cha thân mật đang dạy cho con. Cách dạy của hòa thượng vô cùng chân thật, dễ hiễu, dễ tiếp thu.

Có lần hòa thượng dạy con câu thơ của Hương Hải thiền sư:

                                           “Nhạn quá trường không, ảnh trầm hàn thủy

                                             Nhạn vô lưu tích chi ý, thủy vô lưu ảnh chi tâm.”

                                           (Nhạn bay qua tầng không, bóng chìm dưới đáy nước.
                                               Nhạn không để lại vết. Nước không hề lưu bóng
)

Rồi hòa thượng giải nghĩa, nhưng thấy con chưa thấu triệt, hòa thượng lại nói thêm câu của vua Trần Nhân Tông:

                                        “Phong lai sơ trúc, phong khứ nhi trúc bất lưu thinh

                                          Nhạn quá hàn đàm, nhạn khứ nhi đàm vô lưu ảnh”

                     (Gió qua lay trúc, gió đi rồi nhưng không lưu giữ âm thanh

                   Nhạn lướt mặt hồ, nhạn qua rồi mà hồ không lưu bóng hình)

Hoặc như câu của cư sĩ Bàng Uẩn:

                                      “Đản tự vô tâm ư vạn vật

                                       Hà phương vạn vật thường vi nhiễu”

                                      (Đối với muôn vật thường vô tâm

                                       Nào ngăn muôn vật nhiễu hại ta)

          Hòa thượng chỉ cho con biết cách thức tu tập như câu:

                           “Vạn sự giai không minh Phật tánh

                            Nhứt trần bất nhiễm kiến Thiền tâm”

               (Thấy tất cả pháp đều là không, thì sáng tỏ Phật tánh

                 Một niệm trần không đắm nhiễm, thì thấy rõ Thiền tâm)

Hoặc:

                                           Kiến sắc phi can sắc, văn thinh bất thị thinh

                                      Sắc thinh vô quái ngại, thị đáo pháp vương thành. (Chứng đạo ca)

                                   (Thấy sắc chẳng phải sắc, nghe tiếng chẳng phải tiếng

                                       Sắc, tiếng đều không ngại, sẽ đến pháp vương thành)

Ngay cả trong lúc ăn cơm, hòa thượng cũng dạy: “Tam đề, ngũ quán”

“Ngũ quán nhược minh kim dị quá,
Tam tâm dị liễu thủy nan tiêu”,

Có nghĩa là “nếu phép ngũ quán được liễu thông, thì dù có ăn vàng đi chăng nữa thì vàng đó cũng được tiêu hóa, ngược lại nếu ba tâm kia không hiểu rõ dù có uống một giọt nước nhỏ, nước kia cũng không thể tiêu được.

          Khi làm công tác Phật sự cũng là tu tập, thì hòa thượng dạy:

                                       Tâm hành từ thiện hà tu nỗ lực khán kinh

                                     Ý dục xan tham khống đọc Như Lai Tam tạng.

                                      (Tâm hành từ thiện đâu cần ráng sức xem kinh

                                     Ý khởi tham muốn uổng đọc Như Lai Tam tạng)

Hoặc:

Tác phước vị vi thiện, phúng kinh vị vi nguyện, bất như đương quyền hành phương tiện, vạn sự môn trung phương tiện đệ nhứt.

(Làm phước chưa thật sự tốt, tụng kinh chưa thật sự nguyện, chẳng bằng thiện quyền làm việc đúng pháp, vạn sự trên đời nếu làm đúng là pháp phương tiện đệ nhứt)

Hòa thượng gieo vào tâm con lòng yêu nước yêu dân tộc, thông qua những trang sử vàng chói lọi của cha ông tiền bối. Đối với công hạnh chư Tổ trong phong trào chấn hưng Phật giáo, hòa thượng thường kể về:

Hòa thượng Lê Khánh Hòa (chùa Tiên Linh, Bến Tre), năm Canh Thân (1920)  vận động thành lập “Hội Lục Hòa Liên Xã” để đoàn kết chư Tăng trong ngày giỗ Tổ ở các chùa và phát động phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam Kỳ. Đáp ứng được nguyện vọng hoài bão lâu nay ấp ủ cùng với tinh thần tương thân đúng pháp Phật trong giới tăng sĩ, hòa thượng đã hoan hỉ đồng thuận và còn lo mở trường gia giáo để đào tạo tăng tài hầu đảm nhiệm trọng trách hoằng dương chánh pháp dìu dắt người sau. Bên cạnh đó, hòa thượng còn cần mẫn dịch Kinh, Luật, Luận bằng chữ quốc ngữ để phổ cập trong mọi tấng lớp quần chúng nhân dân.

Đến năm 1923, “Hội Lục Hòa Liên Xã” được mở rộng khắp Nam Kỳ, thành lập với cái tên “Hội Lục Hòa Liên Hiệp”, nhằm tập hợp “chư sơn thiền đức” những tăng sĩ có hoài vọng duy trì nền tảng Phật giáo Cổ truyền, sống theo tinh thần “Sáu pháp hòa kính”. Nhờ phong trào chấn hưng của Tổ Khánh Hòa, chư Sơn thiền đức dòng Lâm Tế Chánh Tông đời 39 và dòng Lâm Tế Gia Phổ đời 40 của thập niên 1930 đã sản sinh ra những bậc kỳ tài, lương đống của Phật giáo. Thời này lưu truyền có “Tứ trụ thiền gia” là “Nhất Chiếu, nhì Linh, tam Không, tứ Đạo”. Đó là:

  1. Hòa thượng Thích Thiện Chiếu (chùa Linh Sơn, Cô Giang, Q. 1).
  2. Hòa thượng Thích Pháp Linh (Tổ Đình Linh Nguyên, Đức Hòa, Long An).
  3. Hòa thượng Thích Thái Không (chùa Tiên Linh, Bến Tre).
  4. Hòa thượng Thích Thành Đạo (chùa Vĩnh Tràng, Mỹ Tho, Tiền Giang).

Những thập niên 1960, dòng Lâm Tế Gia Phổ đời 41, lại lưu truyền những bậc thiền gia tài giỏi khác:

v Tỉnh Tiền Giang có “Tam Thông”:

  1. Hòa thượng Thích Huệ Thông, (chùa Bửu Lâm, Mỹ Tho, Tiền Giang).
  2. Hòa thượng Thích Bửu Thông (chùa Kế Ân, Cái Bè, Tiền Giang)
  3. Hòa thượng Thích Từ Thông (chùa Phù Châu, Cái Bè, Tiền Giang).

          v Tỉnh Bến Tre có “Tam Hiển”:

  1. HT. Thích Hiển Tu (chùa Xá Lợi, Q.3, TP.HCM) có thời gian hoạt động tại Bến Tre.
  2. HT. Thích Hiển Tánh (chùa Long Đức, Bến Tre).
  3. HT. Thích Hiển Pháp (Chùa Viên Minh, Bến Tre).

Hưởng ứng lời kêu gọi của chủ tịch Hồ Chí Minh toàn quốc kháng chiến (1945), chư Tăng trẻ từ 22 đến 30 tuổi đã tình nguyện dấn thân:

                                             “Cởi áo cà sa khoát chiến bào

                                               Quên mình vì nước xá chi bao

                                                Mô Phật! quyết không dung quốc tặc

                                                Từ bi há chẳng dạ anh hào

                                                Dang tay la hán bồng cây súng

                                                Lột chuổi Bồ Đề đở ngọn đao

                                                Mõ sớm chuông chiều xin gác lại

                                                Lời kinh tiếng kệ hẹn mai sau.”

Hòa thượng Thái Không (chùa Long Phước), giáo thọ sư trường Phật học Lưỡng Xuyên (Trà Vinh) đã âm thầm hoạt động và hô hào tăng sinh trường hãy:

                                                “Cởi áo cà sa khoát chiến bào

                                                  Giã từ thiền viện lướt binh đao

                                                  Câu kinh tiếng kệ chờ khi khác

                                                  Cứu nước thương dân dễ đợi nào”

Phong trào yêu nước đã lan rộng 21 tỉnh miền Đông và miền Tây. Trong đó có các chư sơn trên 30 tuổi vẫn tình nguyện tham gia như HT. Thái Không, HT. Hoàng Không (Trà Vinh), HT. Định Long (Châu Đốc), HT. Hưng Từ (Bình Tuy), HT. Thiện Tài (Đồng Tháp), HT. Pháp Tràng (Tiền Giang), HT. Pháp Thân (Cần Thơ), HT. Pháp Nhạc (Sài Gòn Chợ Lớn), HT. Bửu Đăng, HT. Pháp Dõng (Gia Định), HT. Thiện Hương và HT. Thiện Thắng (Thủ Dầu Một), HT. Huệ Thành (Biên Hòa), HT. Huệ Phương (Sa Đéc), HT. Huệ Tánh (Tây NInh), HT. Thành Lệ (Bến Tre), HT. Thành Nghiêm (Bến tre), HT. Thiện Hào (Bà Rịa)...  Để thống nhất lãnh đạo tổ chức lực lượng Phật giáo cứu quốc toàn Nam Bộ, Sư Tam Không (tức ht. Thích Minh Nguyệt sau này) thay mặt Ban Tổ Chức đứng ra triệu tập đại biểu về chùa Thiền Kim, xã Mỹ Quý, Đồng Tháp Mười hội nghị từ ngày 15-17 tháng 4 năm 1947. Hội nghị nhất trí bầu ra Ban Chấp hành Hội Phật giáo Cứu quốc Nam Bộ chính thức.

Hòa thượng còn động viên và giới thiệu con qua hoạt động Thành Đoàn TP. HCM. Vào tháng 8 năm 1978, tham dự Đại hội Liên Hiệp Thanh niên Tp. HCM, con được đề cử Phó Chủ tịch Hội Liên Hiệp Thanh niên TP. HCM phụ trách Thư ký Chi hội Thanh niên Phật giáo Tp.HCM.

Theo tiếng gọi thanh niên vì tổ quốc, ngày 25 tháng 9 năm 1978, Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh, Thành Đoàn TP. HCM tổ chức đợt công tác xây dựng tuyến phòng thủ biên giới Tây Ninh gồm 600 đoàn viên ưu tú của 17 quận/huyện trong TP. HCM, Chi hội Thanh niên Phật giáo chúng con tham gia 22 người. Đến ngày 3 tháng 10 năm 1978 đoàn công tác dã hoàn thành xuất sắc trở về. Con được cử báo cáo thành tích trước chư Tôn đức Tăng Ni Phật giáo thành phố tại chùa Xá Lợi. Hòa thượng Thích Trí Thủ đứng lên khen ngợi Chi hội Thanh niên làm nở mặt Phật giáo, và ngài dạy thêm Ban Liên Lạc Phật giáo yêu nước thành phố mở tiệc liên hoan mừng thanh niên Phật giáo đã làm được việc có ý nghĩa. 

Ngày 20 tháng 11 năm 1978, Mặt trận Tổ Quốc TP. HCM lập Ban Chỉ Huy chung xây dựng tuyến phòng thủ thành phố HCM, con được cử làm Phó Ban Chỉ Huy chung cùng giới Phật giáo Tăng Ni Phật tử hơn 1500 người xây dựng công trường Quân sự Bảo vệ TP. HCM cho đến khi chiến sự Tây Nam chấm đứt.

Tất cả những thành tích mà con có được là nhờ công hòa thượng dạy dỗ. Tuy nhiên sau đó, do “nhứt niệm bất giác” con từ chối tiếp tục tham gia Thanh niên Phật giáo, vả lại cũng không nói rõ lý do. Hòa thượng biết được, khuyên con và dạy nhiều điều hay lẽ phải “Bất căng tế hạnh, chung lụy đại đức” nghĩa là “Chẳng giữ gìn nết nhỏ, sẽ làm hại đức lớn”, mà con lại không hiểu, để rồi mỗi khi nhớ lại con thấy tâm trạng mình ân hận như câu đề trên bia ký nhà chí sĩ Nguyễn Trường Tộ:

                                             Nhất thất túc thành thiên cổ hận

                                             Tái hồi đầu thị bách niên cơ

                                           (Một bước sa chân nghìn đời ân hận

                                            Ngoái đầu nhìn lại thân đã trăm năm.)

Lời dạy văng vẳng còn đó, mà bóng hình hòa thượng giờ mãi mãi đi xa. Trên xe đưa tiển hòa thượng về Chùa Pháp Thanh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre theo đường cao tốc, xe chỉ chạy tốc độ 50 km/h, mà con còn trách tài xế chạy nhanh quá, vì tâm con vẫn đang mong thời gian chầm chậm trôi qua để con gần hòa thượng thêm nữa. Gần hòa thượng bao lâu là con thấy mình thêm tăng trưởng Phật pháp và phát huy đạo hạnh. Đối với con được gặp hòa thượng là nhân duyên kỳ ngộ. Điều con chưa từng suy nghĩ tới trong đời, nhưng may mắn cho con đó chính là hiện thực.

Giờ đây, hòa cùng dòng người đưa tiễn, con ngậm ngùi kính nguyện giác linh hòa thượng về cõi vô tung bất diệt, sớm tái hiện Đàm hoa, trở lại chốn Ta Bà, tùy duyên độ chúng sanh.

                                                Tám sáu năm xuân mãn hoa khai

                                                 Bước du hóa trọn đường tự tại

                                                 Miền Cực lạc Người quy bổn vị

                                                 Xứng bậc thầy trưởng tử Như Lai.

 

                                                                      Hòa thượng Thích Huệ Xướng

Chia sẻ
Bài viết liên quan