Nguyện Làm Hộ Pháp Tướng Quân: Tâm Minh - Lê Đình Thám

Cập nhật: 21/06/2019

Cư sĩ đã từ trần ngày 23-04-1969 (tức ngày mồng bảy tháng ba năm Kỷ Dậu) tại Hà Nội, thọ 73 tuổi, nhưng vai trò “hộ pháp tướng quân” là người cư sĩ luôn đi đầu trong các hoạt động chấn hưng Phật giáo tại Việt Nam sẽ vẫn còn tồn tại trong lòng người con Phật hôm nay cho đến ngàn sau.

I. CƠ DUYÊN HỌC PHẬT

Cư sĩ Tâm Minh – Lê đình Thám, tự Châu Hải được sinh ra trong một gia đình quyền quý nhiều đời làm quan, thừa hưởng tố chất của cụ Đông các Điện đại học sĩ sung chức Binh Bộ Thượng Thư Lê Đỉnh (triều Tự Đức), và cụ kế-thất Phan Thị Hiệu, nên sớm nổi tiếng thần đồng và là một danh kỳ hữu hạng tại quê nhà chánh quán làng Đông Mỹ (Phú Mỹ), tổng Phú Khương, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Cư sĩ tốt nghiệp Thủ khoa Đông dương Y sĩ khóa năm 1916 tại Trường Cao đẳng Y khoa Đông dương Hà Nội, và Y khoa Bác sĩ ngạch Pháp quốc khóa năm 1930 tại Y khoa Đại học đường Hà Nội, trong thời điểm phong trào vua Duy Tân khởi nghĩa thất bại. Cư sĩ vô cùng đau xót khi biết anh mình tốt nghiệp Á khôi Đông dương Y sĩ khóa đầu tiên năm 1915 tại Trường Cao đẳng Y khoa Đông dương, Hà Nội, được bổ-nhiệm Y sĩ điều trị tại bệnh viện Hội An (Quảng Nam), tham gia Việt Nam Quan Phục Hội, cùng với cụ Trần Cao Vân, Thái Phiên, Phan Thành Tài...phụ trách lãnh đạo Phong Trào vua Duy Tân khởi nghĩa tại Nam Ngãi và bị thực-dân Pháp bắt đày lên Ban Mê Thuột năm 1916, cuối cùng không chịu nổi sự tủi nhục và đày ải khắc nghiệt của viên Công sứ Thực dân Sabatier nên Y sĩ đã uống Cyanure de Mercure để tự sát năm 1919, hưởng-dương 26 tuổi.

Chuyện đau buồn khác tiếp tục xảy ra, khi nghe tin cụ Phan Chu Trinh mất,  cư sĩ và những người yêu nước khác, đã làm lễ truy điệu tại nơi đang làm việc, tỉnh Quảng Nam. Mật thám Pháp tình nghi theo dõi nên chuyển cư sĩ ra làm việc ở Hà Tĩnh. Sau đó, thuyên chuyển công tác phục vụ tại các Bệnh viện Bình Thuận, Sông Cầu, Qui Nhơn, Tuy Hòa (1916 -1923), ngoài công tác chuyên môn, cư sĩ chán nản chỉ lo học hỏi và nghiên cứu thêm về Nho, Y, Lý, Số.

Trong một dịp viếng chùa Tam Thai (Ngũ Hành-Sơn) được đọc bài kệ ghi trên vách chùa, mà cư sĩ chú ý đến Phật Giáo. Đây là lần đầu tiên ông tiếp xúc với triết lý Phật giáo, mặc dầu thời điểm lúc ấy chưa cho phép cư sĩ đến gần với cửa thiền, nhưng bài kệ của Lục Tổ Huệ Năng đã gieo vào tâm thức một ấn tượng sâu sắc về đạo Phật:

Bồ-Đề bổn vô thọ,                                                 Bồ đề vốn chẳng cây     
Minh-cảnh diệc phi đài,                                        Gương sáng cũng không đài
Bổn lai vô nhất vật,                                               Xưa nay không một vật
Hà xứ nhã trần-ai.                                               Bụi trần bám vào đâu?

Năm 1028, khi có cơ duyên lên chùa Trúc Lâm thỉnh giáo hòa thượng Giác Tiên về thâm nghĩa bài kệ chùa TamThai, cư sĩ tìm thấy ánh đạo phát tâm cùng thượng tọa Thích Mật Khể nghiên cứu giáo lý, học hỏi kinh điển, tụng kinh niệm Phật và phát nguyện trường trai, làm lễ Quy Y, thọ Ưu Bà Tắc giới, có pháp danh là Tâm Minh, pháp tự là Chiêu Hải.

II. VAI TRÒ  HỘ PHÁP TƯỚNG QUÂN

Với tinh thần cầu học Phật pháp, cư sĩ thọ giáo với hòa thượng Thích Phước Huệ (chùa Thập Tháp, Bình Định). Trong suốt hai năm (1929-1932) với thầy, cư sĩ nhìn thấy “cảnh nước mất nhà tan” còn hàng Tăng đồ đều ít học; đồng thời chịu ảnh hưởng phong trào chấn hưng Phật Giáo Trung Hoa của Ngài Thái Hư pháp sư qua sách báo Hải Triều âm…, cư sĩ phát tâm với vai trò hộ pháp chấn hưng Phật giáo nước nhà. Cư sĩ đứng ra triệu tập 18 vị đồng học, thảo điều lệ xin thành lập Hội An Nam Phật Học, đặt trụ sở đầu tiên tại chùa Trúc Lâm, do cư sĩ làm Hội trưởng, dưới sự chứng minh sáng lập của quý chư đại lão hòa thượng Thích Phước Huệ, Thích Giác Tiên, Thích Giác Nhiên, Thích Tịnh Hạnh, Thích Tịnh Khiết. Cư sĩ bắt đầu thuyết pháp tại chùa Từ Quang, giảng giải kinh luận tại tư thất cho một số tín hữu nhiệt tâm cầu đạo (quý hòa thượng Thích Giải Ngạn, Sư bà Thích Nữ Diệu Không, thượng tọa Thích Minh Châu, lúc chưa xuất gia, đều được nối tiếp đào tạo trong những khóa giảng này.

Đối với các cư sĩ xưa nay chỉ là vai trò người hộ trì vật thực bố thí giúp cho Tam bảo được trang nghiêm, cho chư Tăng được yên tâm tu trì, như câu:Phật pháp xương minh do Tăng già hoằng hóa, thiền môn nghiêm tịnh nhờ đàn việt phát tâm”. Tuy nhiên, “Tăng già hoằng hóa” lại đề cập đến bốn chúng đệ tử của Phật gồm: Tỳ kheo, tỳ kheo ni, cư sĩ nam và cư sĩ nữ. Như vậy bất cứ ai cũng có vai trò hộ pháp “hoằng hóa”. Nhưng vai trò hộ pháp tướng quân thì hiếm gặp. Thời Phật còn tại thế, trong số các đại đệ tử, gian nguy không sờn chí, khó khăn không nản lòng, suốt cuộc đời cống hiến cho đạo pháp, nên tôn giả Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên được xưng là hai vị tướng quân Chánh Pháp đã giúp đức Phật rất nhiều trong việc hoằng dương chánh pháp.

Cư sĩ Tâm Minh – Lê đình Thám đã làm được rất nhiều trong việc hoằng dương chánh pháp trong phong trào chấn hưng Phật giáo tại Việt Nam. Với nhiệm vụ người bác sĩ, cư sĩ đảm đương luôn cả việc đem chánh pháp vào đời. Cư sĩ nhiệt tình cống hiến cho Hội bắt đầu truyền đạo với nhiều hình thức:

- Thuyết pháp mỗi nửa tháng cho tín đồ nghe tại chùa Từ Quang.

- Thành lập đoàn Thanh Niên Đức Dục (Phật học).

Về sau, cư sĩ thực hiện nhiều công tác Phật sự lớn hơn:

*  Khởi công trùng tu tổ đình Từ Đàm làm trụ sở Trung ương của Hội. 

* Cử hành Đại Lễ Phật Đản (mồng tám tháng Tư Âm lịch) đầu tiên vô cùng trọng thể tại chùa Diệu Đế, gây ảnh hưởng lớn lao trong mọi giới. 

* Chủ trương xuất bản nguyệt san Viên âm, cơ quan ngôn luận và truyền bá giáo lý của Hội do cư sĩ làm chủ nhiệm kiêm chủ bút. Từ năm 1930, bắt đầu xuất hiện những bài viết của ông trên tờ nguyệt san Viên Âm. Ông tự tay viết cả truyện ngắn (ký tên T.M), truyện dài (ký tên Châu Hải) và truyện hài hước (ký tên Ba Rảm).

* Thiết lập cơ sở đào tạo Tăng tài: Cấp Trung – sơ đẳng Phật học tại chùa Bảo Quốc do hòa thượng Thích Trí Độ làm đốc giáo, các học tăng có quý hòa thượng Thích Thiện Hòa, hòa thượng Thích Thiện Hoa, thượng tọa Thích Thiện Siêu, thượng tọa Thích Trí Quang, thượng tọa Thích Thiện Minh, thượng tọa Thích Trí Tịnh, thượng tọa Thích Nhật Liên..., cấp Đại học tại chùa Tây Thiên do hòa thượng Thích Giác Tiên là đốc giáo, còn cư sĩ phụ trách giảng diễn về Luận học và Triết lý Đông, Tây có các nghiên cứu sinh như quý hòa thượng Thích Đôn Hậu, hòa thượng Thích Trí Thủ, hòa thượng Thích Mật Hiển, hòa thượng Thích Mật Nguyện, hòa thượng Thích Mật Thể... 

*  Xúc tiến thành lập các Tỉnh hội, Chi hội, Khuông hội khắp nơi tại khu vực miền Trung, mở đầu là Tỉnh hội Thừa Thiên Huế, Đà Nẳng, Quảng Nam...

Năm 1934, tuy việc chuyên môn, việc Hội, việc báo chí, việc Phật học viện rất bề bộn, nhưng cư sĩ không lúc nào xao lãng sự học, sự tu và sở trường của cư sĩ là giảng diễn Phật pháp. Chính nhờ lối giải thích, trình bày Phật pháp một cách sáng sủa, hợp với căn cơ mà cư sĩ đã giúp một số đông đồng học, cựu học cũng như tân học, bình dân cũng như trí thức, đã hiểu đạo Phật rất mau chóng và đứng đắn. Cư sĩ thật xứng đáng là một vị pháp sư cư-sĩ, vừa hiểu thấu lời Phật dạy, vừa khéo thuyết giảng đưa Phật pháp ra giữa ánh sáng như đưa viên ngọc quý ra khỏi những thế lực vô minh vùi lấp.

III. NGUYỆN DẤN THÂN HỘ PHÁP

Mùa Đông 1934, hòa thượng  Giác Tiên viên tịch, ý thức được trách nhiệm hoằng dương chánh pháp và duy trì sinh hoạt giáo hội, nên trong lời ai điếu hòa thượng Bổn sư, cư sĩ đã phát-nguyện dõng mãnh như sau:

"Kiến tướng nguyên vọng, kiến tánh nguyên chơn, viên giác diệu tâm ninh hữu ngã

 Chúc pháp linh truyền, chúc-sanh linh độ, thừa đương di huấn khởi vô nhân." 

Nghĩa là:

"Tướng các pháp tuy vọng, tánh các pháp vốn chơn, tánh giác hòa thượng đâu có mất - còn;

Chánh pháp cần phải truyền, chúng sanh cần phải độ, di huấn chúng con nguyện xin gánh - vác"

Năm 1935, để thích ứng với nhu cầu tiến triển của Hội, bản điều lệ được tu chỉnh qua quyết nghị của Đại hội: Ban Tổng Trị Sự được thiết lập tại Huế trực tiếp điều hành các Tỉnh Hội và nhiệm kỳ nào cư sĩ cũng được đại hội tín nhiệm công cử vào chức vụ Hội trưởng hoặc cố vấn để điều hành Phật sự chung.

Mùa thu 1935, cư sĩ dời nhà từ bệnh viện lên ở số 31 đường Nguyễn Hoàng (dốc Bến Ngự), tiếp tục giảng kinh, viết báo, quy tụ một số thanh niên Phật tử trí thức thành lập “đoàn thanh niên Phật học đức dục”, sáng lập “Gia đình Phật hoá phổ” (tiền-thân của “Gia đình Phật tử Việt Nam” ngày nay) nhằm duy trì đạo đức, xây dựng chánh tín cho đàn hậu thế. Vào ngày 14 tháng 8 năm 1938, trong kỳ Đại hội đồng của Tổng hội An Nam Phật Học tại Huế, cư sĩ đã phát biểu: “Không có thành tựu bền vững nào lại không nhắm tới hàng ngũ thanh thiếu niên. Họ là những người tiếp nối chúng ta trong ngày mai hậu .”

Ngoài ra, do ảnh hưởng phong trào chấn hưng Phật giáo Trung Hoa, qua nhiều năm nghiên cứu kế hoạch và vận động phương tiện, quyết tâm xây dựng nền móng vĩnh cửu cho cơ sở đào tạo tăng tài, năm 1944, cư sĩ sắp xếp di chuyển các Phật học viện lên thiết trí tại Kim Sơn, thành lập “Tổng lâm Kim Sơn” (Huế), nhưng thời cuộc không cho phép, công tác đành phải tạm ngưng, sau hai năm hoạt động.

Nhờ công-đức của cư sĩ, vừa tài thí vừa pháp-thí, chủ-trương và duy-trì mà Hội An Nam Phật học, nguyệt san Viên Âm (về sau được trích hình thành quyển Phật học tùng thư) và Phật Học Viện đã vượt khỏi mọi thăng trầm, mọi chướng ngại, gây được một thanh thế lớn giữa trào lưu phục hưng đạo pháp, phục hưng dân tộc, vận động từ Nam đến Bắc đưa Phật giáo nước nhà tiếp tục phát triển, làm cột trụ cho người người nương theo.

Năm 1947-1949, cư sĩ làm Chủ tịch ủy ban hành chánh kháng chiến Miền Nam Trung bộ tại liên khu V và tập họp một số cựu Đoàn viên Thanh Niên Phật Học Đức Dục, cựu huynh trưởng Gia đình Phật tử, cựu Hội viên hội Phật học cùng những phần tử trí thức kháng chiến thành lập “Phong trào Phật giáo và Dân chủ mới” do chính cư sĩ chủ trì và hướng dẫn nghiên cứu và so sánh giữa giáo lý nhà Phật và chủ thuyết Mác-Lê tại Bồng Sơn (Bình Định).

Mùa hạ 1949, cư sĩ được mời ra Bắc, đề bạt làm chủ tịch phong trào vận động hòa bình thế giới. Năm 1956, cư sĩ và hòa thượng Trí Độ tham gia phái đoàn sang dự đại hội Phật giáo Buddha Jayanti tại Ấn Độ.

 Mặc dù tình thế biến loạn, nhân tâm điên đảo, nhưng cư sĩ vẫn an nhiên diễn giảng, phiên dịch Phật pháp. Cuối-cùng trọn bộ kinh Thủ Lăng Nghiêm được dịch và xuất-bản vào mùa xuân năm Tân-Sửu (1961) tại chùa Quán Sứ (Hà Nội).

Trong những năm ở Bắc, ngoài ngày giờ làm việc cho nhà nước, ông đến chùa Quán Sứ để dịch kinh và giảng kinh, hướng dẫn việc tu học giúp nhà chùa. Kết quả của những năm tháng dày công quả vì đạo pháp và dân tộc ấy còn được thể hiện qua các kinh sách uyên thâm như:

  1. Kinh Thủ Lăng Nghiêm
  2. Luận Nhơn Minh
  3. Đại Thừa Khởi Tín Luận
  4. Bát Thức Qui Củ Tụng
  5. Phật học thường thức
  6. Bát Nhã Tâm Kinh
  7. Lịch sử Phật giáo Việt Nam và Phật Tổ Thích Ca
  8. Tâm Minh - Lê Đình Thám tuyển tập (gồm 5 tập)

IV. K IẾN NGHỊ

Cư sĩ đã từ trần ngày 23-04-1969 (tức ngày mồng bảy tháng ba năm Kỷ Dậu) tại Hà Nội, thọ 73 tuổi, nhưng vai trò “hộ pháp tướng quân” là người cư sĩ luôn đi đầu trong các hoạt động chấn hưng Phật giáo tại Việt Nam sẽ vẫn còn tồn tại trong lòng người con Phật hôm nay cho đến ngàn sau. Để ghi nhớ những công lao của một cư sĩ ưu tú của Phật giáo, chư vị Tôn Đức Giáo phẩm Thừa Thiên Huế đã tạc một bức tượng bán thân cư sĩ Tâm Minh – Lê Đình Thám trong khuôn viên Tổ đình Từ Đàm, Huế. Tuy nhiên chúng tôi có vài kiến nghị tham khảo:

  1. Nên chăng Giáo hội có ngày tưởng niệm bậc cư sĩ dày công với phong trào chấn hưng Phật giáo, đã đào tạo cao tăng thạc đức lãnh đạo giáo hội.
  2. Nên hình thành sâu rộng các hình thức Gia đình Phật tử Việt Nam ở các chùa.
  3. Nên khuyến khích thành phần thanh thiếu niên lớp kế cận trong việc học Phật như hình ảnh Bác sĩ – Tâm Minh - Lê Đình Thám.
  4. Nên thành lập Phật học tùng thư tại các chùa, đặc biệt là nơi vùng sâu vùng xa.

Lịch sử Phật giáo Việt Nam thời cận hiện đại là lịch sử công cuộc chấn hưng Phật giáo đã ghi nhận công đức lớn lao của nhiều vị tôn túc danh tăng thạc đức nhiệt tình vì nước hết lòng cho đạo đồng thời cũng có nhiều vị cư sĩ tại gia tân tiến lỗi lạc đã đóng góp công sức rất to lớn phục vụ và hoằng dương chánh pháp, tiêu biểu như hòa thượng Thích Thiện Siêu, hòa thượng Thích Trí Quang, hòa thượng Thích Thiện Minh, hòa thượng Thích Thiện Hoa, hòa thượng Thích Trí Tịnh, hòa thượng Thích Nhật Liên…. Đó đều nhờ vào công lớn của cư sĩ - bác sĩ Tâm Minh - Lê Đình Thám là một gương mặt sáng chói mà sự nghiệp hộ pháp của cư sĩ đã đi vào lịch sử Phật giáo Việt Nam bất diệt.

                                                                                                                                            TS. Thích Nguyên Hạnh

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Tâm Minh Lê Đình Thám, Phât học thường thức, VNCPHVN ấn hành, 1991.
  2. Võ Đình Cường, Sơ lược tiểu sử tác giả Tâm Minh Lê Đình Thám, VNCPHVN ấn hành, 1991.
  3. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận (tập III), NXB Sài Gòn, 1973.
  4. Thích Đồng Bổn chủ biên, Tiểu sử Danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX (Tập 1), Thành hội Phật giáo Tp. HCM ấn hành, 1995.
  5. http://www.thuvienhoasen.org/danhtang1-phuluc-2.htm
  6. https://thuvienhoasen.org/a13350/cu-si-tam-minh-le-dinh-tham-1897-1969.
Chia sẻ
Bài viết liên quan