Con đường chứng ngộ chân lý

Cập nhật: 25/04/2020

Suốt 49 năm hoằng pháp lợi sinh, đức Phật tuyên thuyết về Đạo đế, phương pháp hay con đường thực tập đưa đến giải thoát có 84.000 pháp môn tu hay còn gọi tóm tắt là 37 phẩm trợ đạo.

        Đức Thế Tôn thị hiện giữa nhân gian đi tìm con đường giải thoát và an lạc cho tất cả các chúng sanh. Ngài đã tìm thấy con đường chứng nghiệm chân lý sau 49 ngày đêm tư duy thiền định dưới cội Bồ Đề. Ngài đã làm sáng tỏ phương pháp sống không còn mọi khổ đau, mà còn giúp cho cuộc sống thật an lạc và hài hòa hạnh phúc. Nhưng con đường chứng nghiệm chân lý là gì mà con người có thể thoát ra mọi khổ đau đưa tới sự an lạc hài hòa hạnh phúc thật sự chúng ta hãy tìm hiểu thêm.

      Con người thường dính mắc thích thú sống quây quần trong một cái gia đình và xem đó là hạnh phúc là mái ấm, nhưng thật sự con người có đạt được điều mong muốn ấy hay không? Nếu như nơi đó là mái ấm mà đem lại an lạc hạnh phúc thật sự tràn đầy, thì có lẽ thái tử Sĩ Đạt Đa sẽ không đi xuất gia, không tìm con đường đạo.

      Để tìm hiểu cuộc sống nhân sanh thái tử Sĩ Đạt Đa đi ra bốn cổng thành thấy cảnh già, bệnh, chết và người tu. Thái tử Sĩ Đạt Đa bắt đầu suy tư, một ngày nào đó bản thân ta cũng sẽ già nua, bệnh tật, chết chóc. Phụ vương Tịnh Phạn, dì mẫu Ma Ha Bà Xà Ba Đề, công chúa Da Du Đà La, con ta La Hầu La…và dòng họ Thích ca… rồi cũng trải qua những giai đoạn kết thúc cuộc đời như vậy. Nghĩ đến đó, Thái tử nhận rõ đời sống nhân sinh không đẹp như Ngài tưởng, vì biết rằng tất cả mọi thứ rồi sẽ chìm vào trong đau khổ, như một nhà thơ đã từng nói:

Bể khổ mênh mông sóng ngập trời
Khách trần chèo một chiếc thuyền chơi!
Thuyền ai ngược gió, ai xuôi gió
Ngoảnh lại cùng trong biển khổ thôi!

Ngoảnh lại cùng trong biển khổ thôi!
Nổi chìm, chìm nổi biết bao người
Kiếp người nghĩ cũng lênh đênh quá
Qua cánh bèo trôi mặt nước thôi!

     

        Khổ là thế! Nhưng không phải ai cũng có thể nhận ra. Hai mươi sáu thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày Thái tử chọn cho mình con đường xuất gia và chúng nghiệm chân lý. Con người vẫn tiếp tục sống trong màn vô minh, si mê tà kiến. Cũng có người mãi khi cái chết đến gần mới nhận ra những quan điểm sai lầm của chính mình, như câu nói “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”. hay “nước đợi tới chân rồi lúc đó mới chịu nhảy”. Nhưng ở vua Ba Tư Nặc người có duyện với Phật pháp thì lại khác. Một lần vua  Ba Tư Nặc đã hỏi Mạc Lợi phu nhân rằng, tại sao bài pháp nào đức Thế Tôn đều nhắc đến, “chữ khổ”. Bản thân trẫm là chưa bao giờ thấy khổ. Trẫm là vua đang có quyền lực trong tay, tiếng nói bao nhiêu người tuân theo, có vợ đẹp, con ngoan hiền. đây chính là niềm vui, trẫm thấy cuộc đời cực kì hạnh phúc, đâu thấy khổ là gì. Mạc Lợi phu nhận khuyên nhà vua đến chỗ đức Phật để hỏi. Nhà vua liền nghe theo, đã đến hỏi đức Thế Tôn:

- Bạch đức Thế Tôn, giữa đời này con không thấy khổ, tại sao mỗi lần nói pháp đức Thế Tôn đều nói khổ, nhưng con vẫn chưa hiểu, vì con có thấy khổ gì đâu?

- Đức Thế Tôn hỏi: Có phải đại vương rất thương hoàng hậu của đại vương ,

- Vua Ba Tư Nặc trả lời: Dạ phải, đó là một người mà con yêu mến con yêu hơn cả bản thân con.

- Đức Thế Tôn đặt ra vấn đề: Nếu như một ai đó thương yêu Mạc Lợi phu nhân, sau đó Mạc Lợi phu nhân nghe theo tiếng gọi của trái tim của người đó, thì lúc đó đại vương sẽ nghĩ gì? Vua Ba Tư Nặc, lúc náy, không làm chủ được bản thân, đã đứng dậy hỏi đứa nào? Đức Thế Tôn nói, như vậy, đại vương đang khổ não lo lắng. Trong mỗi nụ cười yêu thương Mạc Lợi phu nhân, cũng là lúc mà đại vương cực kì lo lắng không biết người mà đại vương thương yêu có dành trọn vẹn trái tim cho mình hay không, bao nhiêu đó thôi là Đại vương cảm thấy đau khổ giữa cuộc đời,

- Đức Thế Tôn hỏi: Có phải chăng đại vương rất thương đứa con trai của mình. Nếu một ngày nào đó con trai của đại vương không còn chạy nhảy tung tăng được nữa mà nó nằm một chỗ trên gường vì bệnh tật. Như vậy Đại vương có lo lắng không?

- Vua Ba Tư Nặc trả lời: dạ con lo lắng lắm,

- Đức Thế Tôn hỏi: Một ngày nào đó, khi đứa con của đại vương theo định luật của vô thường thế là nó ra đi vĩnh viễn về một thế giới nào đó lúc đó đại vương sẽ nghĩ sao?

- Vua Ba Tư Nặc trả lời: dạ, con sẽ khóc hết nước mắt vì đó là đứa con trai mà con yêu quý nhất

- Đức Thế Tôn nói, cũng như thế, tìm ẩn mỗi nụ cười hạnh phúc của đại vương thật ra ẩn chứa một niềm đau khổ từ ngay trong câu nói hạnh phúc. Giữa hạnh phúc và đau khổ không có một ranh giới rõ ràng, Khi thỏa mãn tham vọng, thì chúng ta nói là hạnh phúc; Khi không thỏa mãn tham vọng, thì chúng ta gọi đó là đau khổ. đại vương đang nghĩ mình có bao nhiêu hạnh phúc, thì đại vương có bấy nhiêu đau khổ.

       

      Giữa cuộc đời này không ai không muốn một cuộc đời an lạc và hạnh phúc không còn đau khổ. Nhưng làm thế nào để có được một cuộc đời an lạc và hạnh phúc thật sự và không còn những nỗi khổ niềm đau. Đó cũng là điều mà Thái tử Si Đạt Đa khi còn trong hoàng cung đã canh cánh bên lòng. Ngài vượt thành Ca Tỳ La Vệ xuất gia tìm cho nhân loại một cái con đường giải thoát tất cả những sầu đau, Ngài không ở bất cứ nơi nào, cũng không dừng chân ở bất cứ nơi đâu. Ngài có cơ duyên gặp hai vị thầy đầu tiên chứng được quả vô sở hữu xứ, và phi tưởng phi phi tưởng xứ. Ngài học với hai vị thầy đó không bao lâu cũng thành tựu quả vô sở hữu xứ, và phi tưởng phi phi tưởng xứ. Nhưng nhà ẩn sĩ Sĩ Đạt Đa cảm thấy con đường ngài đã tìm thấy đó không phải là con đường giải thoát an lành, chưa đưa con người ra khỏi những sầu đau. Thế là, ngài tử giả đi vể hướng rừng Ma Ha Ka La, chấm dứt 5 năm đi tầm đạo, tiếp tục 6 năm chứng nghiệm con đường khổ hạnh. Mỗi ngày ăn một hạt mè, thân thể của Ngài trở nên yếu ớt, da bụng gần dính với da lưng, mông giống móng con lạc đà…

       Mặc dù tu khổ hạnh hết mức theo quan điểm tu khổ hạnh của Bà La Môn, nhưng Ngài không sao phát hiện ra con đường giải thoát. Mãi cho đến một hôm, Ngài nghe tiếng đàn của chú bé chăn trâu vọng lại. Khi dây đàn chùng, thì nghe lùng bùng. Khi đàn căng quá, thì tiếng đàn quá sắc. Đến khi điều chỉnh tiếng đàn vừa phải, âm thanh dìu dặt khoan thai. Khiến Ngài khám phá ra, con đường Trung đạo tránh xa hai cực đoan: Một là sống xa hoa hưởng thụ dục lạc; Hai là khổ hạnh quá mức. Chỉ cần sống điều phục tâm ý ra khỏi tham dục nguyên nhân của đau khổ, thì đó là con đường hạnh phúc. Sự chứng nghiệm đó, giúp Ngài thành tựu đạo quả, mở ra chân lý con đường giải thoát

     Sau khi thành tựu đạo quả giải thoát, Ngài tận hưởng niềm vui an lạc chánh pháp chung quanh cội Bồ Đề 7 tuần lễ, để chiêm nghiệm tiến trình giải thoát như kinh Pháp Cú kệ 154 có nói:

                 "Ôi! Người làm nhà kia,

                 Nay ta đã thấy ngươi!

                 Ngươi không làm nhà nữa.

                 Ðòn tay ngươi bị gẫy,

                 Kèo cột ngươi bị tan,

                Tâm ta đạt tịch diệt,

                Tham ái thảy tiêu vong."

       Ngài tìm thấy nguyên nhân của đau khổ của kiếp người là “tham ái”. Khi tham ái không còn, con đường hạnh phúc an lạc thật sự của Niết Bàn sẽ đến, hạnh phúc đó giống như một đóa hoa sen vươn ra khỏi mặt nước không còn nhiễm bùn. Cũng thế, từ nay Ngài không còn dính mắc tham ái, vươn lên ra khỏi những ràng buộc của thế gian. Ngài thấy rõ quy luật nhân quả, sự tuần hoàn sanh tử triền miên của kiếp sống.

       Sau khi nhận rõ, đức Phật Thích Ca Mâu Ni bắt đầu chuyến hành trình hoằng pháp chỉ cho tất cả mọi người con đường giải thoát. Nhưng làm thế nào tiếp cận con con đường giải thoát đó. Bài pháp đầu tiên đức Phật thuyết giảng cho năm anh em Kiều Trần Như là Tứ Diệu Đế, cũng là bức thông điệp gửi đến thế giới với những ai tầm cầu con đường hạnh phúc an lạc thật sự. Tứ Diệu Đế là gì mà có công năng lớn như vậy? Tứ Diệu Đế gồm: Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo Đế. Trong đó, Khổ đế là sự thật kiếp sống nhân sinh; Tập đế là nguyên nhân của Khổ; Diệt đế là sự thật về cảnh giới giải thoát; và Đạo đế là các phương pháp hay con đường thực tập đưa đến giải thoát.

        Suốt 49 năm hoằng pháp lợi sinh, đức Phật tuyên thuyết về Đạo đế, phương pháp hay con đường thực tập đưa đến giải thoát có 84.000 pháp môn tu hay còn gọi tóm tắt là 37 phẩm trợ đạo. Tuy nhiên tựu trung phương pháp hay con đường thực tập đưa đến giải thoát không ngoài ba pháp gọi là Tam vô lậu học là ba môn học không còn phiền não, gồm có Giới học, Định học và Tuệ học. Đức Phật từng tuyên bố đây là con đường duy nhất thành tựu bậc Thánh. Thật vậy, suốt những năm hoằng pháp, nhờ con đường chứng nghiệm chân lý này của đức Thế Tôn, mà các đệ tử của Ngài lần lượt trở thành bậc thánh vô lậu. Chúng ta những đệ tử Phật ngày nay tiếp tục tin tưởng vào con đường chứng nghiệm chân lý và nỗ lực công phu mau chóng thành tựu quả chứng giải thoát an vui.

                                                                                     TT. TS Thích Nguyên Hạnh

Chia sẻ
Bài viết liên quan