Ý Nghĩa Vu Lan

Cập nhật: 27/06/2019

Cứ mỗi chúng sanh được cứu độ là mỗi gia tài đầu tiên của “Văn hóa tình người” được trân quý giữ gìn được thừa hưởng, được thăng hoa nở rộ trong niềm hạnh phúc vô biên vĩnh hằng.

Người con Phật chúng ta hằng năm theo truyền thống cứ đến tháng Bảy âm lịch, mọi người khắp nơi đều hướng về với tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, ngày lễ hội của tình người không phải riêng của Phật giáo Việt Nam, nó mang cả tinh thần của dân tộc. Nó còn mang ý nghĩa đặc biệt là ngày chư Phật hoan hỷ, chúng Tăng tự tứ. Ngày của sự khoan dung, cởi mở, đây là ngày hội nhớ ơn và tôn vinh công ơn của đấng sanh thành trong tinh thần báo đáp tứ ân. Mùa Vu lan Báo hiếu tất cả Phật tử chúng ta thắp nén hương để tỏ lòng thành kính tưởng nhớ về cội nguồn, có lẽ đây chính là gia tài đầu tiên mà nhân loại đang thừa hưởng. Bằng lời ru dịu ngọt của Mẹ hiền, sự nghiêm trì giáo hạnh của người Cha, hạnh phúc đầu tiên và cuối cùng của con người hầu như được thiết lập bằng lòng hiếu thảo của muôn vạn người con, sống trên các nẻo đường đất nước.

Đây là nguồn cội của dòng suối yêu thương vô ngã, vị tha và từ bi. Dòng suối tâm thức hiếu hạnh chảy đến đâu, sự tươi mát trong lành tình người thấm tại đó. Những hương quả ngọt dòng đời, sự bình an nội tại từ trong tâm thức cứ theo đây mà trổ đầy với niềm phúc lạc vô biên. Hình ảnh của ngài Mục Kiền Liên bạch Phật sám hối, thỉnh cầu chư Tăng chú nguyện cho mẹ mình và tất cả chúng sanh thoát khỏi cảnh giới địa ngục khổ đau là hình ảnh sáng ngời về hiếu hạnh, nó xuất phát từ tâm hiếu thảo. Hương vị tình người từ đây lan tỏa để rồi tạo thành dòng suối yêu thương ngọt ngào tuôn chảy khắp nơi. Khi chất ngọt yêu thương của dòng suối thẩm thấu vào lòng mỗi người trong xã hội thì đây chính là “Bốn biển đều là anh em” đến với nhau trong ý niệm tất cả là đồng bào thì đây là khúc nhạc lòng ân tình nghĩa cảm dạt dào. Khi nguồn suối yêu thương chảy vào lòng dân tộc thì gọi là lòng thương dân, khi dòng suối ấm áp chân tình đó len lỏi vào từng hơi thở nhịp đập con tim thức chuyển từ một trái tim đến muôn vạn trái tim thì nay hóa thành tâm đại bi của chư Bồ tát - thương chúng sanh. Từ đó, tâm hiếu hóa thành tâm Phật, nó chuyển động vận hành từ đời sống hướng thiện dẫn đến sự thăng hoa của thiện.

Hình ảnh ngày nào thái tử Tất Đạt Đa trầm tư về mẹ cha, Ngài nhận biết rằng mỗi khi chúng sanh đang còn đọa lạc trong dòng thác sanh tử luân hồi thì cha mẹ Ngài vẫn còn phải chịu khổ đau như mọi người. Chính lẽ sống này, Ngài đã giã từ cung điện vàng son lên đường thể nhập chân lý, phá vỡ tất cả những gông cùm thực tại đang trói buộc thân phận con người. Vượt qua các cám dỗ của cuộc đời và sáu năm khổ hạnh, tâm hiếu thảo ban đầu của Ngài đã chuyển hóa thành tâm Giới, tâm Định, tâm Huệ, tâm Giải thoát, Giải thoát tri kiến sau 49 ngày đêm tư duy thiền định. Ngài suy tư cho ta và tất cả chúng sanh rồi đây sẽ già yếu, sẽ khổ đau về thể xác, ta phải làm gì cho những người thân yêu đó được quả phước định thần như một vị Sa môn kia! Ta phải tự giải thoát, để giải thoát cho Phụ hoàng, Dì mẫu Gia Du và toàn thể chúng sanh, ta phải đem đến niềm an lạc vô tận, vô biên. Chính tâm hiếu là tâm Phật, là cơ sở ngọn nguồn giải thoát mọi khổ đau bất cứ lúc nào mọi người muốn thực thi hành trì. Cho nên khi biết vua cha sắp băng hà, Ngài đã trở về để thuyết giảng cho Phụ vương nghe thời pháp cuối cùng, gần một ngàn câu kệ được tụng đọc ròng rã trong bảy ngày đêm để nguyện cho vua cha đắc quả A la hán và thác sanh lên cõi trời Tịnh Cư. Ngày tang lễ của Phụ hoàng, Đức Thế Tôn, bậc Đại Giác ngộ tối thắng vẫn nghiêng mình kề vai gánh quan tài, tự thân làm lễ trà tỳ cho vua cha dưới chân núi Linh Thứu. Đối với Phật Mẫu, dù cách biệt đôi đường, Đức Thế Tôn đã lên cõi trời Đâu Suất Đà trong kỳ nhập hạ thứ bảy thuyết pháp liên tục ba tháng làm cho nhân duyên để mẹ đắc quả thánh Tu Đà Hoàn.

Cho đến lúc sắp nhập Niết bàn, Đại bi tâm của Ngài đã cứu độ không biết bao nhiêu chúng sanh. Cứ mỗi chúng sanh được cứu độ là mỗi gia tài đầu tiên của “Văn hóa tình người” được trân quý giữ gìn được thừa hưởng, được thăng hoa nở rộ trong niềm hạnh phúc vô biên vĩnh hằng. Dù ta sống nơi đâu tâm hiếu hạnh chứa chan tình người vẫn luôn tuôn chảy mãi. Đó là niềm hạnh phúc đầu tiên và cuối cùng mà nhân loại cần thọ lãnh và thừa hưởng về sau. Các vị đệ tử của Ngài cùng thừa kế chân lý này để phát đại bi tâm sống theo lý tưởng Bồ tát độ đời.

                                                                                                                                              HT. Thích Hạnh Ngộ

Chia sẻ
Bài viết liên quan