Tấm gương đức độ

Cập nhật: 14/03/2019

Hòa thượng xả bỏ báo thân rời chúng con ra đi, nhưng thiết nghĩ đạo hạnh và uy phong của hòa thượng vẫn còn mãi khắc ghi trong tâm con.

Nhìn đoàn Tăng Ni và Phật tử dài đăng đẳng đưa tiển hòa thượng về cõi Niết Bàn, nhập tháp tại chùa Pháp Thanh, xã Tân thanh, Huyện Giòng trôm, Tỉnh Bến Tre. Con bùi ngùi không cầm được dòng xúc cảm, vì từ đây con mất đi một người Thầy, một bậc hòa thượng khả kính, một tấm gương đức độ sâu dầy đáng cho hậu thế chúng con noi theo.

Những câu chuyện về hòa thượng, con được nghe từ hòa thượng Bửu Ý – Hồng Đạo Tôn sư chúng con, nguyên Viện chủ chùa Long Thạnh (Quận Bình Tân) kể lại. Cả cuộc đời của hòa thượng tận tụy lo cho đạo pháp và dân tộc. Khi những năm đất nước còn trong khói lửa chiến tranh, hòa thượng theo hạnh nguyện cứu dân, hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giới Tăng Ni, Phật tử cả nước đã dấy lên Phong trào yêu nước:

                                  “Cởi áo cà sa khoác chiến bào

                                             Tuốt gươm, bồng súng diệt binh đao 

                                             Ra đi quyết rửa thù cứu nước 

                                             Vì nghĩa quên thânhiến máu đào.”

 Đến ngày đất nước thanh bình liền một dải non sông, hòa thượng lại tiếp tục xả thân vì đạo pháp. Con được biết hòa thượng từ khi thành lập “Mặt trận Nhân dân cứu đói”. Nhưng mãi đến năm 1975, hòa thượng đến chùa Long Thạnh gặp hòa thượng Bửu Ý – Hồng Đạo bàn về việc thành lập Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước, nhằm đoàn kết rộng rãi các tổ chức Phật giáo để tiến đến một chương trình hành động thống nhất cao hơn, ở đó còn là sự phát huy truyền thống yêu nước của Phật tử Việt Nam, xóa bỏ tàn tích văn hóa độc hại, góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh, phục hồi sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân. Lúc đó con làm thị giả được nghe “lõm”, nhưng trong lòng rất kính phục Hòa thượng.

Với đức độ của hòa thượng, ngày 7-8-1975, tại chùa Xá Lợi, một hội nghị Phật giáo với sự tham gia của chư tôn đức từ 10 tổ chức, hệ phái được tiến hành mà kết quả là hình thành nên Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước TP.HCM do hòa thượng Thích Minh Nguyệt, nguyên Hội Trưởng Hội Phật giáo Cứu quốc Nam Bộ làm Chủ tịch và hòa thượng được suy cử Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ban Liên lạc. Khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập vào năm 1981 hòa thượng được suy cử vào những vai trò quan trọng trong Giáo hội. Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần VI, hòa thượng được suy tôn ngôi vị Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN cho đến ngày viên tịch.

Trước đó, khi hòa thượng Bửu Ý – Hồng Đạo Tôn sư chúng con về với cõi Phật, vì cảm mến đức độ, con đã cầu hòa thượng làm Thầy Y chỉ. Điều làm con cảm động hơn hết là đức độ lan tỏa của hòa thượng. Hòa thượng pháp húy là Nhựt Sáng biết con là đệ tử Thiền phái  Lâm Tế gia phổ đời thứ 41, pháp húy là Nhựt Ấn, cùng hàng chữ Nhựt, nên dìu dắt, chỉ dẫn cho con trên đường tu học với vai trò “quyền huynh thế phụ”.

Từ khi trường hương theo nghi thức cổ truyền được khai tại chùa Long Thạnh, hòa thượng không những khuyến khích động viên con, mà còn nhận trách nhiệm với vai trò “Chủ hương” suốt 19 năm qua. Hòa thượng đã cho con và chư Tăng an cư những tháng ngày yên ổn được núp trong bóng “tùng lâm”, nương tựa nơi “thạch trụ” của hòa thượng.

Hôm nay, hòa thượng lại xả bỏ báo thân rời chúng con ra đi, nhưng thiết nghĩ đạo hạnh và uy phong của hòa thượng vẫn còn mãi khắc ghi trong tâm con. Con nguyện tu tập theo tấm gương đức độ của hòa thượng hầu làm sáng đạo đẹp đời. Bất giác con khẽ ngâm vần thơ Nguyên Phú để nhớ đến hòa thượng:

Hình hài vào cõi thiên thu

Trần gian còn lại ngàn thu bóng ngài

Mai kia hạt bụi gót hài

Thong dong trên đỉnh liên đài Tây phương

Kính nguyện giác linh hòa thượng “Cao đăng Phật quốc”.

                                                                                                                 Hòa thượng Thích Nhựt Ấn

Chia sẻ
Bài viết liên quan