Những lợi ích của tri túc

Cập nhật: 10/05/2020

Xưa nay, trong đời sống, con người tính đủ điều, làm đủ việc, xét ra chẳng qua là vì vấn đề ăn mặc, và để gia tài sự nghiệp lại cho con cháu mà thôi. Nhưng ăn thì canh rau cũng có thể qua bữa, cần gì phải sơn hào hải vị? Mặc thì chỉ cần có thể che thân là được, cần gì phải lụa là gấm vóc? Còn con cháu, thì tự có phước phần của con cháu, chẳng nhọc chúng ta phải lo. Thế nhưng với lòng tham không đáy, con người tham muốn nhiều hơn, nên phải tự mình chuốt lấy khổ đau như kinh Bát Đại Nhân Giác, đức Phật có dạy”tham muốn nhiều lụy khổ thêm nhiều”. Điều đó cho biết rằng sự có mặt của “tri túc” đem lại lợi ích lớn lao như thế nào.

Tri túc nghĩa là biết đủ, gặp hoàn cảnh nào cũng đều an phận tùy duyên. Đối với việc ăn, mặc và ở, tự thấy mình có đủ dùng rồi, không tham cầu nhiều hơn nữa. Thật vậy, lòng tham muốn làm cho ta khổ bao nhiêu, thì “Tri túc” lại làm cho ta sung sướng bấy nhiêu. Đó là lẽ đương nhiên. Nhờ "biết đủ" nên con quỷ tham lam chẳng có quyền hành sai khiến mình nữa. Một khi con người không còn làm nô lệ cho vật chất đê hèn nữa, thì lòng người bắt đầu tự do giải thoát. Con người lúc ấy mới thật sư là chính mình. Chỉ khi ấy con người mới có thể tự cho là mình có hạnh phúc được, dù cho thường ngày vẫn ăn cơm hẩm canh rau, quanh năm cứ quần bô, áo vải, cũng vẫn thấy trong lòng thơi thới, an vui, sung sướng.

Hơn nữa, nhờ  “tri túc – biết đủ” mà gia đình, xã hội được an vui, hòa bình, không còn ai giành giật của cải, danh vọng, miếng ngon, vật lạ của ai nữa. Người đời thường bị năm thứ tham muốn sau đây sai khiến: Tham muốn tiền của, sắc đẹp, danh vọng, ăn ngon, và  ngủ kỹ:

  1. Tham muốn  tiền của: Người tham muồn tiền của, thì tiền kho bạc đống, nhà ngang dãy dọc, đất ruộng cò bay thẳng cánh, cũng chưa cho là vừa, mà vẫn còn mong muốn được làm giàu thêm nữa.
  2. Tham muốn sắc đẹp: Người tham muốn sắc đẹp, thì suốt đời rong ruổi đi tìm hoa; thấy ai có nhan sắc là mê mết, tìm cách này cách khác để gần gũi cho kỳ được. Một khi đã thỏa mãn, thì lại ruồng bỏ người đẹp này để chạy theo người đẹp khác; luôn luôn bị vật dục sai khiến, mất hết cả nhân cách.
  3. Tham muốn danh vọng: Người tham muốn danh vọng, thì suốt đời rong ruổi theo chức cả, quyền cao, tiếng danh hay tốt. Họ còn cúi hết chỗ này đến chỗ khác, để mong được cái địa vị cao sang. Họ lao tâm, khổ trí, tìm mọi cách để nắm giữ cho được cái hư danh.
  4. Tham muốn ăn ngon: Người tham muốn ăn ngon, thì suốt đời lân la bên cạnh những cao lương mỹ vị, quanh quẩn bên những tiệc bàn, tìm khoái khẩu trong những rượu ngon, vị lạ. Thế giới của họ thu hẹp lại trong những món ăn và những người bạn rượu.
  5. Tham muốn ngủ kỹ: Người tham muốn ngủ nghỉ, thì quá nửa đời mình lẩn quẩn trên chiếc giường; ăn xong lại nghỉ chuyện đi nằm, nằm là ngủ, ngủ xong lại muốn ngủ nữa, mất cả tự chủ của mình.

          Khi đã tham muốn những thứ ấy, thì cuộc đời của những kẻ ham muốn kia, chỉ còn thu hẹp lại trong sự ham muốn của mình và làm nô lệ cho vật dục mỗi ngày mỗi thêm chặt chẽ. Xét cho cùng thì những sự tham muốn trên, ngoài sự tham muốn danh vọng là do kiêu căng ngã mạn, còn các thứ tham vọng khác, đều do ngũ dục là động lực chính cả. Ngũ dục là: Sắc dục, thanh dục, hương dục, vị dục và xúc dục. 

  1. Sắc dục là gì? Là nhãn căn đối với sắc trần, sanh tâm tham muốn. Trong thì "chánh báo" là thân phần của nam nhân hay nữ nhân: Mày tằm mắt phượng, môi đỏ má hồng...Ngoài thì "y báo" là vật dụng của thế gian: ngọc, ngà, châu, báu, vật quý đồ xưa, sắc màu lộng lẫy... Những món ấy, đại đa số người vừa trông thấy liền sanh tâm tham ái. 
  2. Thanh dục là gì? Là tai nghe tiếng hay, tâm sanh say đắm; như tiếng ca, giọng hát, khúc lý câu tình, âm điệu du dương, khêu gợi tâm dục của người, sanh tâm đắm nhim. 
  3. Hương dục là gì? Là lỗ mũi khi đối với hương trần sanh tâm tham muốn; như dầu thơm ngào ngạt, phấn sáp nồng nàn v.v...Những món hương trần ấy, khiến cho người ngửi đến thì sanh tâm ưa thích đắm nhim, mơ tưởng vẩn vơ. 
  4. Vị dục là gì? Là khi lưỡi đối với mùi vị, sanh tâm tham đắm, như các mùi vị thơm tho, ngọt bùi, chua chát, mặn lạt, mỡ thịt, cá tôm, chả gỏi nem bì, những đồ cao lương mỹ vị... Vẫn biết nhân loại đối với sự ăn uống phải cần dùng nhiều món để nuôi sống mà làm việc. Thế nên cả nhân loại ăn chẳng công nhận nó là điều cần thiết nhất, nếu ăn uống kém thiếu, thì thân thể phải ốm gầy. Nhưng ta nên xem sự ăn uống như là uống thuốc, để chữa bệnh đói khát mà thôi. Nếu quá tham món cao lương mỹ vị, chỉ biết lo sống để mà ăn, thì con người có cho là cao thượng? Phật nói: "Chúng sanh sở dĩ đi không cách đất, không khỏi cỏ cây, ra vào không rời khỏi không khí, là bởi ăn những món "do đất sanh ra", nên thân thể rất nặng nề". 
  5. Xúc dục là gì? Là thân thể khi giao thiệp với xúc trần, sanh tâm tham muốn. Bố vải thô sơ, mặc vào mình biết nhám; lụa là, gấm nhiu suông, vào mình biết trơn láng, gỗ chạm vào mình biết cứng, bông đụng vào mình biết mềm v.v...Những vật gì mềm mại thì sanh tâm ưa thích, những vật gì cứng nhám thì sanh lòng ghét bỏ. 

Ngày nọ, một ông vua đến viếng thăm Phật và đặt một câu hỏi: “Khi trẫm nhìn vào những đệ tử của ngài, trẫm cảm nhận được sự bình an, sự vui vẻ và màu da chói sáng của họ. Trẫm cũng nghe rằng họ chỉ ăn mỗi ngày một bữa, nhưng thực sự trẫm không thể nào hiểu nổi làm sao họ có thể duy trì một đời sống như thế này?”.

Phật đã trả lời vị quân vương này thật tuyệt mỹ: “Các đệ tử của Như Lai không hối hận về những gì có lẽ đã làm trong quá khứ nhưng chỉ tiếp tục làm nhiều và nhiều hơn nữa những thiện nghiệp. Thật không thể bằng sự hối lỗi dày vò, cầu nguyện hay van vỉ mà chỉ bằng việc làm tốt đẹp như giúp đỡ người khiến ai đã phạm tội lỗi trong quá khứ vượt qua được (cảm giác) tội lỗi. Đệ tử của Như Lai không bao giờ lo lắng về tương lai. Họ bằng lòng với những gì mà họ nhận được, và đây chính là đức tính biết đủ. Họ cũng không bao giờ nói rằng điều này thứ kia là không đủ cho họ. Đây là cách sống của họ. Do đó họ có thể duy trì một trạng thái bình an, vui vẻ và tỏa sáng hào quang chính là kết quả của sự tri túc.”

Bất cứ ai cũng có thể thử duy trì sự vui vẻ này bằng cách tri túc – biết đủ. Nếu có ai đó hỏi rằng tại sao chúng ta không thể bằng lòng với đời sống của chúng ta mặc dù chúng ta có nhiều thứ hơn là chúng ta cần, thì câu trả lời đúng đắn là gì? Câu trả lời đúng đắn nên là: “Chúng ta không có sự biết đủ”. Nếu chúng ta quả thật có sự tri túc thì chắc chắn là ta không bao giờ nói rằng chúng ta không bằng lòng với điều này hay với điều kia. Chúng ta không thể thỏa mãn với chính mình vì sự xung đột giữa lòng tham không đáy của chúng ta với định luật vô thường.

Một trong những lời khuyên tốt nhất của Phật cho chúng ta để thực hành như một nguyên tắc sống là “Tri túc là tài sản lớn nhất”. Một người giàu có thì không nhất thiết là một người giàu về tiền bạc, của cải vật chất.

Một kẻ giàu có thì thường xuyên lo sợ cho mạng sống của y. Y thường xuyên ở trong trạng thái nghi ngờ và sợ hãi, nghĩ rằng người ta đang chờ đợi để bắt cóc y! Một kẻ giàu sụ không dám đi ra ngoài mà không có cảnh vệ, và mặc dù đã có rất nhiều cổng sắt và ổ khóa trong nhà, y vẫn không thể ngủ an giấc mà không bị quấy rầy bởi sợ hãi và lo lắng.

Hãy xem, một người tri túc thì quả là một người rất may mắn bởi vì tâm anh ta không phải vướng bận những quấy rầy kia. Anh ta quả là giàu. Khi ai đó nghĩ “chừng này cũng đủ cho tôi và cho gia đình tôi và tôi không muốn gì hơn nữa”, đó chính là sự tri túc. Nếu mọi người đều nghĩ được như thế này thì quả là không có vấn đề gì. Khi chúng ta duy trì sự tri túc này, ganh ghét, tật đố, đố kỵ có thể sẽ không bao giờ khống chế tâm chúng ta. Nếu không có sự ganh ghét, tật đố, đố kỵ thì sân hận cũng không thể sinh khởi. Nếu không có sân hận thì không có bạo động, đổ máu và mọi người đều có thể sống một cách hòa bình.

Một đời sống “tri túc” luôn cho ta hy vọng và sự tự tin. Đây không phải chỉ là lý tưởng. Đã hơn 25 thế kỷ chư Tăng ni trong giáo pháp của Phật đã sống một cách hòa hợp như vậy. Họ chỉ có tứ vật dụng là thức ăn, y áo, chỗ ở và thuốc chữa bệnh. Không có ai cần gì nhiều hơn để sinh tồn. Và nhiều Phật tử, họ đã sống một cách rất tri túc, không cho phép tham lam khống chế những gì là căn bản cần thiết. Quả đáng ngạc nhiên, với đời sống tri túc, chư Tăng ni và Phật tử không phải khổ sở về tinh thần, luôn sống những ngày tự tại thong dong.

Tóm lại, phải biết rằng tất cả sự vật giữa đời đều giả dối, như mộng huyễn, như bọt bóng, như sương mai, như ánh trăng đáy nước, như hoa trong gương, không có chi là chân thật. Duy chỉ có Chân Tâm Phật Tánh của ta là vẫn hằng còn, trùm suốt xưa nay, không biến đổi hư hoại. Vì thế, người học được hạnh tri túc biết đủ cho bản thân, nên bỏ mê theo ngộ, một lòng niệm Phật cầu sanh về Thế Giới Tây Phương Cực Lạc, vượt nẻo luân hồi, lên ngôi tứ Thánh.

Nhận rõ điều đó, người quân tử thường tri túc vui theo phước phần của mình, tuỳ theo số mạng, không vọng tâm mong cầu, không tranh với đời, cũng không oán trời trách người, dù gặp cảnh ngộ nào cũng an nhàn, bình thản, tuỳ duyên qua buổi mà gắng sức chuyển hóa tâm thức, để cùng tận kiếp vị lai lìa hẳn sự khổ, chỉ hưởng niềm vui.

TT. TS Thích Nguyên Hạnh

Chia sẻ
Bài viết liên quan