Tiểu sử Hòa thượng Thích Huệ Xướng

Cập nhật: 25/06/2021

Do bệnh duyên đã thu thần viên tịch lúc 20 giờ 10 phút ngày 14 tháng 04 năm Tân Sửu (26-5-2021), trụ thế 75 năm, Hạ lạp 55 năm.

Tiểu sử

                                                               HÒA THƯỢNG THÍCH HUỆ XƯỚNG

  • Nguyên Ủy viên Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM
  • Nguyên Chánh Đại Diện GHPGVN Quận Tân Bình
  • Nguyên ủy viên Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước TP.HCM
  • Nguyên Chánh Thư ký Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước Quận Tân Bình
  • Nguyên Chánh văn phòng Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam

 

1. Thân thế

Hòa thượng Thích Huệ Xướng, thế danh Nguyễn Thành Ca sinh ngày 21-8-1947 (06-07-Đinh Hợi), thị trấn Đức Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

Thân phụ là cụ ông Nguyễn Văn Rẻ, thân mẫu là cụ bà Lê Thị Kim, Hoà thượng sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống nhiều đời kính tin Tam bảo, là con thứ tư trong gia đình có 6 anh chị em. Vốn xuất thân trong gia đình tôn kính Tam Bảo, từ thuở nhỏ Hòa thượng đã sớm bộc lộ niềm tin quý kính đức Phật và với ý nguyện xuất gia, nên từ lúc 8 tuổi dù đang theo học tại Trường Tiểu học trường làng, cậu bé Nguyễn Thành Ca xin cha mẹ được xuống chùa Linh Sơn, ấp Bình Tả, xã Đức Hoà, tỉnh Chợ Lớn (nay là Long An) để lễ Phật, nghe kinh.
 

2. Thời kỳ xuất gia tu học

Túc duyên nhiều đời, sau thời gian tập sự tại chùa, Hòa thượng sớm nhận thức con đường xuất gia là lý tưởng giải thoát, nên quyết chí xin xuất gia học Phật để được gần gủi phụng sự chư Tăng, học nếp sống phạm hạnh người xuất gia.

Ngày rằm, tháng giêng, năm Ất Mùi (1955) Hòa thượng thế độ xuất gia với bổn sư là Hoà thượng thượng Thiện hạ Tố huý Hồng Phẩm hiệu Phước Quả. Hòa thượng được thầy bổn sư đặt pháp danh là Huệ Xướng, về sau đến chùa Linh Nguyên ở học đạo với sư bác Hoà thượng Thích Huệ Sơn huý Hồng Quảng.

Đến ngày 8-2 năm Nhâm Dần (1962), Hòa thượng bổn sư thỉnh Hoà thượng Thích Huệ Sơn và Yết ma Thích Bửu Ý, cho thọ sa di phương trượng tại chùa Linh Sơn. Sau đó, Hoà thượng bổn sư còn cho đệ tử mình nương theo làm đệ tử với Yết ma Thích Bửu Ý để tu học.

Mùng 8 tháng 7 năm Ất Tỵ (1965), Hoà thượng Thích Bửu Ý cho phép đăng đàn thọ cụ túc Bồ tát giới tại chùa Gò Phụng Sơn và phú pháp với pháp tự Nhựt Ca, pháp hiệu Thiện Xướng.

Đến năm 1975, Hòa thượng Thích Bửu Ý cho phép làm thị giả và cầu pháp Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, được đặt pháp tự là Tâm Ca. Đến 1984, Hoà thượng cầu pháp Hòa thượng Thích Huệ Hưng với pháp tự Chơn Diễn.

3. Quá trình hành đạo

Do được gần gủi và làm thị giả sư ông Hoà thượng thượng Đạt hạ Thanh, huý Như Thông, và quý tôn túc Hòa thượng trong phong trào chấn hưng Phật giáo hun đúc cho Hòa thượng tinh thần "Những gì làm cho đạo pháp cũng là làm cho dân tộccũng là làm cho đạo pháp”. Chính vì vậy Hòa thượng tham gia công tác phụng sự đạo pháp và dân tộc.

a. Cho dân tộc

Khi còn trẻ, nước nhà sôi sục đồng hiệu triệu theo lời Bác Hồ toàn dân chống giặc, Hòa thượng từng làm giao liên cho quý tôn túc mang tin tức vào chiến khu gặp Hòa thượng Thích Thiện Hào, và mang chỉ đạo về cho Hòa thượng Thích Bửu Ý …

Năm 1976, Hoà thượng khi đó còn là Đại đức đã tham gia đoàn viên thanh niên ưu tú 686 vị của 17 quận/huyện Tp. HCM công tác tại cửa khẩu Mộc Bài, huyện Bến Cầu, Tỉnh Tây Ninh gia cố các công sự dọc đường biên giới khoảng một cây số về phía tay phải đường cửa khẩu qua nước bạn Campuchia. Đoàn công tác chia làm 4 nhóm, đoàn Phật giáo gồm 22 thành viên trẻ chia vào nhóm C3 do Ngài, Đại đức Thích Huệ Xướng làm A trưởng, Đại đức Thích Thiện Xuân làm A phó, Hồ Sĩ Cảnh là chính trị viên, cùng Đại đức Thích Thiện Thái (chùa Giác Định, H. Bình Chánh), Đại đức Thích Hạnh Thu (chùa Pháp Hoa, Q. Phú Nhuận), Đại đức Thích Thiện Đức (chùa Giác Huệ, Q. Gò Vấp), Đại đức Thích Huệ Truyền (chùa Giác Viên, Q. 11) …

b. Cho đạo pháp

Hòa thượng đã tích cực tham gia các hoạt động Phật sự, làm Chánh Thư ký Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước quận Tân Bình và liên tục thực hiện nhiều trọng trách trong Giáo hội cũng như công tác xã hội.

Hòa thượng tham gia vào Ban Chấp hành Trung ương Tổng đoàn thanh niên Tăng Ni, văn phòng chùa Thiên Tôn 117/19 An Bình, Chợ Lớn và Ban Chấp hành Trung ương chúc vụ Tổng thư ký Liên đoàn Thanh niên học sinh, sinh viên Phật tử bao gồm Văn hóa tiểu học Lục hòa trên toàn quốc và thành phố Sài Gòn, Gia Định.

Năm 1980, tại giới đàn chùa núi Bửu Phong - Biên Hòa, ngài được Ban Kiến đàn cung thỉnh vào cương vị đương vi Chánh sự giáo thọ A-xà-lê. Đại giới đàn này do Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Tấn làm Chánh chủ kỳ; Đường đầu trưởng lão Hòa thượng Thích Huệ Thành; Yết-ma-a-xà-lê Trưởng lão Hòa thượng Thích Huệ Sanh, Tổ đình Giác Lâm. Đặc biệt pháp sư trong Đại giới đàn này có 3 vị danh Tăng: Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, Hòa thượng Thích Thiện Hào, Hòa thượng Thích Bửu Ý; Thư ký Thích Thiện Quang.

Một sự kiện trọng đại trong lịch sử của Phật giáo Việt Nam, đó là, ngày 18/10/1979, được sự hỗ trợ của chính quyền, đoàn Phật giáo miền Nam đầu tiên ra tham vấn chư sơn miền Bắc đặt nền móng vận động thống nhất Phật giáo, Hòa thượng được chư tôn đức Giáo hội Phật giáo Cổ truyền cử tham gia thành viên chánh thức.

Vào ngày 07/11/1981, Đại hội các tổ chức Phật giáo được tổ chức tại chùa Quán Sứ, Hà Nội. Một tổ chức mới ra đời, lấy tên là Giáo hội Phật giáo Việt Nam, là hợp nhất của 9 tổ chức. Hòa thượng cũng là thành viên chính thức của phái đoàn Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam.

Từ năm 1978 đến năm 1997, Hòa thượng đã tham gia công tác Giáo hội qua các nhiệm vụ, từ Thư ký, Phó ban Đại diện, Chánh Đại diện Phật giáo quận Tân Bình, và Ủy viên Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, Phó trưởng Ban Từ Thiện GHPGVN TP.HCM. Hòa thượng không ngừng nỗ lực trong các công tác Phật sự chung.

4. Đóng góp cho Giáo hội

Nhớ ân đức chư Tổ chư tiền bối hữu công, Hòa thượng với tâm nguyện làm sáng tỏ những công hạnh, sự nghiệp đóng góp của chư tôn đức lãnh đạo tổ chức Giáo hội Phật giáo: Lục hòa Liên xã, Phật giáo Cứu quốc Nam Bộ, Phật giáo Lục Hòa Tăng, Phật giáo Cổ truyền, Lục Hòa Tăng và Lục hòa Phật tử, Ban Liên lạc Phật giáo Yêu Nước đã có công lao đóng góp qua các thời kỳ lịch sử thông qua các hoạt động:

  • Viết bài tham luận trong “Hội thảo về Tổ Khánh Hòa và phong trào chấn hưng Phật giáo”, vào ngày 1910-2017, tại hội trường chính chùa Viên Minh - Văn phòng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bến Tre.
  • Phối hợp cùng chư tôn đức Hệ phái Phật giáo Cổ truyền kết hợp với Viện Nghiên cứu tôn giáo, Viện Nghiên cứu Phật học tổ chức hội thảo khoa học: “Lịch sử hình thành Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam và sự đóng góp cho đạo pháp và dân tộc” tại tổ đình chùa Hội Khánh, tỉnh Bình Dương.
  • Cho ra đời tập sách “Sĩ khí yêu nước từ Giáo hội Liên hiệp đến Giáo hội Phật giáo Cổ Truyền Việt Nam” ghi lại hành trạng chư Tổ như một lời tri ân.

5. Ghi nhận công đức

Báo cáo kết quả về chuyến công tác năm 1976, đoàn Phật giáo nhất toàn đoàn, về cá nhân Nguyễn Thành Ca (Đại đức Thích Huệ Xướng) được giấy khen của Thành đoàn là “Cá nhân lao động xuất sắc hạng nhất”. Ngày 15/1/1979, Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Cộng sản TP. HCM quyết định khen thưởng Nguyễn Thành Ca (Đại đức Thích Huệ Xướng) với thành tích “Xuất sắc xây dựng công trường quân sự bảo vệ thành phố”

Với những đóng góp lợi lạc to lớn cho đạo và cho đời, đã có thành tích xuất sắc trong xây dựng, củng cố và phát triển khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, Hòa thượng được Nhà nước, Chính phủ, Ủy ban T.Ư MTTQVN, UBND TP.HCM, UBMTTQVN TP.HCM, quận Tân Bình, và Giáo hội các cấp ghi nhận và tặng thưởng nhiều bằng khen, Bằng Tuyên dương công đức cao quý.

6. Thời kỳ viên tịch

Qua 75 năm hiện diện ở đời, Hòa thượng đã tận tụy hết lòng vì đạo pháp và dân tộc, với trí huệ trong sáng, đức hạnh truyền thống “hộ quốc an dân”, Hòa thượng đã đóng góp thiết thực vào việc xây dựng Giáo hội vững bền, đất nước phồn vinh. Với ngần ấy năm giữa trần thế, sống trong cảnh an bình tĩnh lặng nơi chốn thiền môn, tấm thân giả tạm bao phen cùng tuế nguyệt, nhưng tinh thần khí chất của chốn tông môn, Hòa thượng vẫn an nhiên đón nhận mọi chướng duyên, thuận duyên của cuộc đờiTrần duyên đã hết, thuận theo quy luật vô thường, Hòa thượng hiện tướng bệnh duyên thu thần viên tịch vào lúc 20 giờ 10 ngày 26-05-2021 (nhằm ngày 14 tháng 04 năm Tân Sửu), Phật lịch 2565, Hòa thượng xả báo thân, thâu thần nhập tịch, trụ thế 75 năm, hạ lạp 55 năm.

 

 

Môn đồ pháp quyến

Chia sẻ
Bài viết liên quan