Đóng góp của Phật giáo cho vấn đề toàn cầu hóa

Cập nhật: 05/08/2019

Người ta thường cho rằng những lời dạy của bậc thánh xưa như Ðức Phật thì quá đơn giản không thể đủ hiệu quả giúp chúng ta giải quyết những vấn đề cực kỳ rắc rối mà ảnh hưởng cá nhân và xã hội đương thời. Thật ra thông điệp của Ðức Phật giảng về các tình huống cơ bản của con người và điều này khiến cho thông điệp của Ðức Phật rất hợp thời và bất diệt.

                                                                    

I. DUYÊN KHỞI

Toàn cầu hóa (globalization) là một thuật ngữ đã trở thành một trong những xu hướng chủ đạo và tất yếu của thế kỷ 21. Hiện nay, toàn cầu hóa đang tác động và chi phối sâu sắc đến các quốc gia và dân tộc trên thế giới trên nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, môi trường, xã hội… Vì vậy, như một hệ quả tất yếu, toàn cầu hóa làm cho biên giới giữa các quốc gia, dân tộc ngày càng mờ đi trong thế giới hiện đại, chúng ta ngày càng gần với nhau hơn và đi đến việc tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau nhiều hơn, và cũng tất nhiên, mối tương tác giữa con người, giữa các quốc gia, dân tộc ngày một sâu sắc hơn, phụ thuộc lẫn nhau hết sức chặt chẽ.

Xu thế toàn cầu hóa đó, không thể không có mặt của Phật giáo với vai trò hộ pháp an dân. Đức Phật từng tuyên bố Này các Tỳ kheo, xưa cũng như nay Ta chỉ nói lên sự khổ và sự diệt khổ” (Trung Bộ I, 140), lời tuyên bố xác nhận Ngài chỉ dạy cho loài người biết đến khổ và sự diệt khổ trong suốt 45 năm thuyết pháp của Ngài. Chúng ta được biết trong kinh Chuyển Pháp Luân, bản kinh đầu tiên của Ngài thuyết pháp cho 5 vị trước kia cùng tu khổ hạnh với Ngài, Ngài đã tuyên bố: “Ðây là khổ, đây là khổ cần phải được biết, đây là khổ đã được biết; đây là khổ tập, đây là khổ tập cần được đoạn diệt; đây là khổ diệt, đây là khổ diệt cần phải chứng ngộ, đây là khổ diệt, đây là khổ diệt đã được chứng ngộ; đây là con đường đưa đến khổ diệt, đây là con đường đưa đến khổ diệt cần phải hành trì, đây là con đường đưa đến khổ diệt đã được hành trì”. Không những vậy, Ngài còn khuyên các đệ tử xuất gia của Ngài: “Này các Tỳ kheo, hãy du hành, vì hạnh phúc cho quần sanh, vì an lạc cho quần sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người” (Tương Ưng I, 128).

Những lời tuyên bố trên của đức Phật nêu rõ hoài bão tha thiết của Ngài là cứu khổ độ sanh, diệt khổ ưu, đem lại hỷ lạc cho tất cả loài hữu tình. Nói như vậy giải quyết vấn đề toàn cầu hóa, Phật giáo đã có vai trò đóng góp tích cực trong việc thực hành dân chủ và đạo đức. Giáo lý nhà Phật có đầy đủ tố chất để giải quyết các vấn đề trong phạm vi toàn cầu. 

II. giẢi quyẾt vẤn ĐỀ CUỘC sỐng

Trong cuộc sống, con người thường có thói quen than trời trách đất, không ngừng hỏi lý do tại sao mình lại có cuộc sống khốn khổ dù đã cố gắng nỗ lực rất nhiều. Thời xưa đã có người từng hỏi Phật: “Con nghèo quá, không có gì để bố thí cả”. Phật trả lời: “Không ai nghèo đến mức không có một hạt cơm để bố thí cho con kiến”. Sự cố gắng chia sẻ thiếu thốn với người khó khăn hơn mình là phước đức rất lớn, là quà tặng của đất trời ban tặng cho người nghèo. Nhờ vậy mà cuộc sống sẽ được tốt dần lên.

Khi đề cập đến kế hoạch lợi ích kinh tế cuộc sống không chỉ được nhấn mạnh như một phần trách nhiệm của những người lãnh đạo quốc gia, mà còn là sự kiên trì nỗ lực của mỗi người. Ðức Phật nói rằng “khi mà lợi ích kinh tế được áp dụng thích hợp thì dân chúng sẽ răm rắp tuân thủ và sẽ không còn lo lắng về mặt này nữa, thu nhập quốc gia sẽ gia tăng, đất nước sẽ hoàn toàn thanh bình và phồn thịnh. Mọi người chung hưởng hạnh phúc, ca múa với trẻ con, và khi ngủ không cần phải đóng cửa.” Trong Mahavastu Ðức Phật dạy: “Thế gian dựa trên hai nền tảng: sự đạt được giàu có và giữ gìn những gì đã đạt được. Vì vậy, để có được sự giàu có và để bảo tồn những gì đã có, vị ấy phải nỗ lực kiên trì trong phạm vi chân chính.”

Sự nỗ lực kiên trì trong phạm vi chân chính là sự nỗ lực chuyển hóa thân tâm và thái độ quan tâm đến với người khác. Đức Phật phân con người thành bốn loại trên cơ sở thái độ và sự quan tâm đến với người khác. Loại người đầu tiên được gọi là người chấp nhận một lối sống mà không phải vì phúc lợi của chính mình, cũng như phúc lợi của người khác (nevaattahitāyapaṭipanno no parahitāya). Loại người thứ hai là người chấp nhận một cách sống không đem lại phúc lợi của chính mình nhưng lại dẫn đến phúc lợi của người khác (parahitāyapaṭipanno no attahitāya). Loại thứ ba thông qua cách sống dẫn đến phúc lợi của chính mình chứ không phải đến phúc lợi của người khác (attahitāyapaṭipanno no parahitāya). Người thứ tư là một trong những người chấp nhận cách sống mà dẫn đến phúc lợi của chính mình và phúc lợi của người khác, (attahitāyacapaṭipannoparahitāyaca). Theo Đức Phật, loại người thứ tư chấp nhận cách sống mà dẫn đến phúc lợi của chính mình và phúc lợi của người khác là đáng khen ngợi nhất.

Những người thường xuyên quan tâm đến phúc lợi cho người khác, đặt phúc lợi của người khác như phúc lợi của chính mình đó chính là hành động cao đẹp nhất. Họ có khả năng phục vụ xã hội với một thái độ hoàn toàn trong sáng, và không có động cơ thầm kín, nhưng hoàn toàn thông qua lòng bi mẫn đối với quần chúng đau khổ. Đức Phật và các đệ tử của Ngài đã cam kết phục vụ xã hội trong suốt cuộc đời của mình theo nghĩa này. Do đó, nó vẫn còn giá trị cho đến ngày nay. Đây là sứ mệnh thiêng liêng cao cả nhất mà Phật tử có thể làm cho nhân loại trên tinh thần “Phụng sự chúng sanh tức cúng dường chư Phật.”

III giẢi quyẾt vẤn ĐỀ khỔ não phiỀn lỤy

Đức Phật luôn nhấn mạnh nếp sống đạo đức, đề cao vị trí con người và chứng minh rằng con người có khả năng đạt đến giải thoát tối thượng ra khỏi phiền lụy nếu con người có đủ ý chí và nỗ lực của con người, nếu con người tăng trưởng được niệm lực, định lực và thiền lực của con người, nếu con người phát huy được tuệ lực, giải thoát lực của con người. Bước thêm bước nữa, đạo đức Phật giáo là một nếp sống trong sạch, thanh tịnh và lành mạnh, vì chỉ có một đời sống thanh tịnh mới bảo đảm được một đời sống hạnh phúc.

Trong kinh Ví Dụ Tấm Vải (Trung Bộ I, số 7), đức Phật xác nhận một tấm vải cẩu uế đem nhuộm sẽ được một màu nhuộm không tốt đẹp. Cũng vậy, cõi ác chờ đợi một tâm cẩu uế. Trái lại, một tấm vải thanh tịnh, trong sạch đem nhuộm sẽ được một màu nhuộm tốt đẹp. Cũng vậy, cõi thiện chờ đợi một tâm thanh tịnh. Như vậy hạnh phúc chỉ đến với một tâm trong sạch, không đến với một tâm cấu uế. Rồi đức Phật kể 16 cấu uế tâm, trong ấy tham sân si là chính, cần phải tẩy sạch và đoạn trừ, nhờ lòng tịnh tín bất động đối với Ba Ngôi Báu (Tam Bảo), nhờ chứng được nghĩa tín thọ và pháp tín thọ. “Từ nơi đây, hân hoan liên hệ đến pháp sanh; từ hân hoan, hỷ khởi lên. Từ hỷ thân được khinh an. Thân khinh an, cảm giác được lạc thọ. Với lạc thọ, tâm được thiền định”. (Trung Bộ I, 37a-37b). Và như vậy một tâm trong sạch chờ đợi là hạnh phúc, an lạc; một tâm cấu uế chờ đợi là khổ đau, sầu muộn. Nói đến cấu uế tức là nói đến bất thiện, nói đến trong sạch tức là nói đến thiện lành, như biết bao nhiêu lời dạy của đức Phật về vấn đề này.

Thông điệp Phật giáo không có hứa hẹn rằng có thể làm giảm hết bịnh khổ của nhân sinh trong những phương cách nền tảng nào đó với các tổ chức xã hội rộng lớn. Phật giáo tuyên bố rằng sự giải thoát là công việc cá nhân và chỉ có thể đạt được do đức hạnh và sự rèn luyện chuyể hóa tâm thức. Toàn bộ lời dạy của Ðức Phật đã được Ngài tóm tắt như sau: Không làm mọi điều ác, Thành tựu các hạnh lành, Tâm ý giữ trong sạch, Chính lời chư Phật dạy. (Pháp Cú 183)

Phật giáo giải thoát mọi ràng buộc, mở đầu là các ràng buộc đối với năm dục trưởng dưỡng tức là sắc đẹp, tiếng hay, hương thơm, vị ngon, xúc êm dịu. Ðức Phật thường hay chỉ rõ sự nguy hiểm của dục: “Sợ hãi, này các Tỳ kheo, là đồng nghĩa với các dục. Bệnh, này các tỳ kheo, là đồng nghĩa với các dục... Cục bướu... tham dính... bùn lầy, này các tỳ kheo, đồng nghĩa với các dục. Và này các tỳ kheo, vì sao sợ hãi là đồng nghĩa với các dục? Này các tỳ kheo, say đắm bởi tham dục, bị trói buộc bởi tham muốn, ngay trong hiện tại không thoát khỏi sự sợ hãi, đời sau cũng không thoát khỏi sợ hãi. Do vậy sợ hãi là đồng nghĩa với dục.” (Tăng Chi II, 309).

IV giẢi quyẾt vẤn ĐỀ môi sinh

Các vấn đề mà nhân loại đang đối mặt thì rất nhiều như: Lương thực, kinh doanh, lao động, tiền lương, thất nghiệp, cơ hội không đồng đều, khoảng trống giữa có và không có. Chúng dường như rất phức tạp nhưng khát vọng của người bình thường thật ra chỉ là một điều giản dị. Con người chỉ ước ao được sống trong an bình và hạnh phúc trong sự tự do kiến tạo một thế giới nhỏ bé của riêng mình và trong khả năng của mình.

Ðức Phật dạy không có điều gì xảy ra mà không có nguyên nhân. Một khi nguyên nhân đã được nghiên cứu và nhận dạng, thì các giải pháp có thể được tìm thấy. Ðạo đức Phật giáo đã là một nếp sống hài hòa với thiên nhiên, đồng thời cũng là một nếp sống hài hòa với con người. Cho nên ta không lấy làm lạ, khi thấy Dandapàni hỏi Ngài có quan điểm thế nào và giảng dạy những gì, đức Phật đã trả lời: “Theo lời dạy của Ta, trong thế giới với chư Thiên, ác ma và Phạm thiên, với các chúng Sa môn, Bà la môn, chư Thiên, và loài người, không có tranh luận với một ai ở đời.” (Trung Bộ III, 109-109a). Hoặc “Này các Tỳ kheo, Ta không có tranh chấp với đời, chỉ có đời tranh chấp với Ta. Này các Tỳ kheo, người nói pháp không tranh chấp với một ai ở đời” (Tương Ưng III, 165)

Đức Phật đã tuyên bố rõ ràng rằng, Ngài chỉ dạy hai vấn đề: Sự khổ và con đường diệt khổ. Ô nhiễm môi trường dẫn đến phá vỡ sự cân bằng hệ sinh thái đem đến đau khổ. Hành động để cứu môi trường ra khỏi tình trạng hiện nay nghĩa là chấm dứt đau khổ. Đức Phật của chúng ta chỉ có một hạnh nguyện duy nhất, đó là dùng giáo lý đầy chất liệu của yêu thương để chuyển hóa con người theo con đường của hòa bình, an lạc trong một môi trường trong sạch. Chính vì thế mà đạo Phật không phải chỉ là một tôn giáo, đạo Phật không phải chỉ có niềm tin, hay giản đơn là một sự cầu nguyện cho một tương lai nào đó, mà đạo Phật còn là một kho tàng tuệ giác với những phương pháp rất cụ thể có thể giúp nhân loại tháo gỡ, chuyển hóa những khó khăn, những khổ đau trong bản thân, gia đình và ngoài xã hội. Đó chính là nền tảng đáng chú ý nhất đối với trách nhiệm khắc phục tình trạng môi trường hiện nay đem lại sự yên vui cho nhân loại. Đạo Phật là con đường chuyển hóa đưa tớigiải thoát giác ngộ và an lạc. Muốn tìm con đường ấy thì đòi hỏi mỗi người chúng ta không những chăm lo cho những nền tảng của hạnh phúc cá nhân mà còn phải tích cực tham gia vào công tác bảo vệ môi trường sống hiện nay. Và một trong những phương pháp để thực hiện điều đó chính là Tám chi phần của con đường chân chánh. Công năng của giáo lý Bát Chánh Đạo hoàn toàn xứng đáng là phương thuốc giải quyết những vấn nạn toàn cầu, trong đó có vấn nạn môi trường. 

V. giẢi quyẾt vẤn ĐỀ HÒA BÌNH THẾ GIỚI

Trong xã hội hiện đại vấn đề về quyền con người vẫn chưa được thực thi trọn vẹn. Vẫn còn đó nhiều bất công, áp bức, phân biệt kỳ thị chủng tộc màu da, giới tính và sự giàu nghèo. Tính mạng của con người bị xem nhẹ. Hàng năm, có hàng chục nghìn người chết vì những nguyên nhân như bạo lực, chiến tranh và khủng bố. Đây thực sự là những vấn đề nhức nhối lớn nhất mà con người phải đối mặt. Bên cạnh đó, do sự phát triển bùng nổ các ngành công nghệ, kỹ thuật số, mạng lưới toàn cầu hóa, sự khủng hoảng về thông tin làm cho con người có những nhìn nhận không đúng với sự thật, gây tác hại đến đời sống.

Nguyên nhân không nằm ngoài lòng tham lam, sân hận và si mê của con người. Ðức Phật dạy rằng: “Sân hận không bao giờ được dập tắt bởi sân hận, mà chỉ bởi lòng từ bi mới dập tắt được sân hận mà thôi.” Hơn nữa, “Chiến thắng phát sanh hận thù, vì xâm lăng mang đến đau khổ.” Trong nhiều quốc gia khác trên thế giới hiện nay, mây đen chiến tranh bao phủ gần kề. Không gian tràn đầy bạo lực của thân - khẩu - ý.

Hòa bình không chỉ đơn thuần là sự vắng mặt của chiến tranh. Hòa bình là một quá trình chủ động, toàn diện của việc tìm kiếm nền tảng thông qua giao tiếp cởi mở và đưa vào thực hành một triết lý không gây hại và chia rẽ, tạo ra một nền văn hóa hòa bình là một quá trình tích cực thực hiện lâu dài và bền bỉ. Bình đẳng, khả năng duy trì tính công bằng rộng rãi của tâm trí giữa cuộc sống là điều kiện thay đổi; một trong bốn phẩm chất tuyệt vời; và là một trong bảy yếu tố của sự giác ngộ.

Ðức Phật dạy rằng cách duy nhất để đạt an lạc là loại trừ nguồn gốc chiến tranh - tham, sân, si. Ngày nay thế giới đã phân chia con người thành những ý thức hệ khác nhau, với khối ý thức hệ của mình thì người ta đã cống hiến tất cả tâm và lực vào việc mua bán thô bạo, độc ác, tiêu cực chết chóc của chiến tranh. Thế giới sẽ có hòa bình nếu các dân tộc và quốc gia từ bỏ lòng tham ích kỷ, từ bỏ tính kiêu ngạo về chủng tộc và làm trong sạch tâm tham muốn về quyền sở hữu và sức mạnh. Sự phân chia ý thức hệ thường gây ra mâu thuẫn. Ýù thức hệ có nhiều hình thức khác nhau - chính trị, kinh tế, tôn giáo, xã hội và giáo dục. Ý thức hệ trốn tránh thực tại. Nó khiến con người hung ác và nó cột chặt con người vào sự nô lệ trong của điên cuồng và bạo động.

Sự mâu thuẩn ý thức hệ được sanh ra trong tâm con người là kết quả của sự căng thẳng và chiến tranh. Nếu các xung đột này được loại bỏ thì nhân loại có thể tràn đầy tư tưởng hòa hợp và hòa bình. Ðức Phật tuyên bố rằng tâm là cội nguồn, là yếu tố chủ đạo tất cả, thiện hoặc ác. Khi tâm được thanh lọc các điều xấu, an lạc hạnh phúc hòa bình sẽ ngự trị khắp nơi.

vI. KẾT LUẬN

sau khi thành tựu đạo quả dưới cội Bồ Đề, Đức Phật tìm thấy con đường ra khỏi sanh, già, bệnh, chết. Con người từ nay sẽ không còn lo âu sầu muộn bởi nỗi khổ niềm đau. Phật giáo nhận định cuộc đời là biển khổ, nhưng không đưa tới quan niệm tiêu cực, bi quan, yếm thế, chán đời. Đức Phật dạy chúng ta nhận định như vậy để thức tỉnh, để tìm phương cách giải thoát, không còn chìm đắm trong những cơn vui giả tạm, ngắn ngủi, những danh vọng, quyền tước, vật chất của thế gian. Cũng như một vị thầy thuốc chẩn bệnh, định bệnh để tìm ra nguyên nhân gây bệnh và tìm cách chữa trị. Cho nên, ngay sau đó, Đức Phật chỉ rõ nguyên nhân gây ra khổ đau. Trong Kinh Viên Giác, Đức Phật có dạy: “Con người vì vô minh cho nên có hai thứ chấp: chấp ngã và chấp pháp. Đó là hai nguyên nhân chính gây ra phiền não và khổ đau của cuộc đời”. Khi nào hiểu được một cách rõ ràng và phá trừ được hai nguyên nhân chính gây ra khổ đau, chúng ta sẽ tìm được an lạc hạnh phúc thực sự trong cuộc sống hiện tại.

Trong giai đoạn toàn cầu hóa, sự kết nối giữa con người với con người và với từng quốc gia, lãnh thổ lại trở nên rất gần gũi. Tất cả mọi vấn đề của cuộc sống đều được chia sẻ phổ biến một cách nhanh chóng. Đó là cơ hội cũng là sự thách thức đối với Phật giáo trong việc góp phần ảnh hưởng tích cực đến toàn thể nhân loại. Phật giáo được xem như là phương thuốc hữu hiệu nhất trong việc giải quyết vấn đề toàn cầu hóa hiện nay. Theo như nhà khoa học Albert Einstein đã phát biểu về đạo Phật như sau: “Tôn giáo tương ai sẽ là tôn giáo toàn cầu, vượt lên trên mọi thần linh, giáo điều, thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi lĩnh vực trên trong cái nhất thể đầy đủ ý nghĩa. Phật giáo sẽ đáp ứng được các điều kiện đó.” (The religion of the future will be a cosmic religion. It would transcend a person God and avoid dogmas and theology. Covering both the natural and the spiritual, it should be based on a religious sense, arising from the experience of all things, natural and spiritual, as a meaningful unity. Buddhism answers this description). Thật vậy, Phật giáo có khả năng trong việc hàn gắn những vết thương, và xoa dịu bao nỗi khổ niềm đau cho nhân loại, giúp cuộc sống sẽ trở nên không còn khô cằn, úa héo, chiến tranh và thù hận diễn ra triền miên. Do vậy, cần phải nuôi dưỡng và phát triển tâm thiện để góp phần giúp ích cho cuộc đời và nhân loại trong việc mang lại sự bình yên hạnh phúc thực sự cho mọi người.

Người ta thường cho rằng những lời dạy của bậc thánh xưa như Ðức Phật thì quá đơn giản không thể đủ hiệu quả giúp chúng ta giải quyết những vấn đề cực kỳ rắc rối mà ảnh hưởng cá nhân và xã hội đương thời. Thật ra thông điệp của Ðức Phật giảng về các tình huống cơ bản của con người và điều này khiến cho thông điệp của Ðức Phật rất hợp thời và bất diệt. Ðây là kim chỉ nam cho mọi hành động của ba nghiệp thân khẩu ý. Mỗi thế hệ kế tiếp có thể và phải phát hiện lại sự thích hợp của thông tin để giải quyết các vấn đề của chính thời đại mình.

                                                                                                                TS. Thích Nguyên Hạnh

 TÀI LIỆU THAM KHẢO

3. Hòa thượng Thích Trí Quảng, Phật giáo nhập thế và phát triển, quyển II, NXB. Tôn giáo, Hà Nội, 2008.

4. The Dīgha Nikāya, The Long Discourses of the Buddha, Maurice Walshe, (trans), Wisdom Publications, Boston, 2012 (reprints).

5. The Majjhi ma Nikāya, The Middle Length Discourses of the Buddha, Bhikhu Nāṇamoli and Bhikhu Bodhi, (trans), Wisdom Publications, Boston, 2009 (reprints).

6. The Saṃyutta-Nikāya, The Con nected Discourses of the Buddha, Bhikkhu Bodhi, (trans), Wisdom Publications, Boston, 2000.

7. Aṅguttara-Nikāya, The NumericalDiscourses of the Buddha, Bhikkhu Bodhi, (trans), Wisdom Publications, Boston, 2012.

8. G. P. Malalasekera, M. A. Ph. D. Founder Editor-in Chief, Encyclopaedia of Buddhism, vol. 8, Sri Lanka: Published by the Department of Buddhist Affairs, Ministry of Buddha sasana, 1962.

Chia sẻ
Bài viết liên quan