Sĩ khí yêu nước từ Giáo hội Lục Hòa đến Giáo hội Phật giáo Cổ Truyền Việt Nam

Cập nhật: 26/06/2021

Kính bạch chư tôn đức! Một nhân duyên rất lành!

DẪN NHẬP

 

 

       

Ngày tôi chạy giặc thật là sang

Quân Pháp đưa đi có mấy ngàn

Tả chi tàu chiến ngăn đầy bến

Hữu dực xe tăng đón chật đàng

Tàng lộng phi cơ che rợp đất

Tiểu liên rốc kết tợ ngô rang

 Tâm long đại bác như pháo nổ

Hoan hô bom dội chúc bình an

                   

              Hòa Thượng Thái Không

(Trưởng tử của Hòa thượng Lê Khánh Hòa)

Từ khi đất nước bị đô hộ, người Pháp đã cố tình thay thế tất cả những gì truyền thống của Dân tộc Việt-Nam từ Tôn giáo, Văn hóa, giáo dục, phong tục, tập quán… Người dân phải sống trong cảnh nô lệ lầm than, sưu cao thuế nặng. Con người chẳng khác gì hàng hóa phải đóng thuế thân. Chư Tăng thường bị chính quyền bắt làm xâu. Phật-giáo thời bấy giờ bị kỳ thị ngày càng đi xuống, chỉ còn hình thức cúng bái, mê tín dị đoan. Chư Tăng hầu hết chỉ lo cúng đám, làm nghề sinh nhai. Đến nổi ông Tăng không khác gì người tục! Đạo Phật bấy giờ bị người chê là yếm thế, tiêu cực hay nhu nhược.

Hòa chung nhịp đập của dân tộc, khi nước nhà gặp nạn ngoại xâm, toàn dân nhất tề chiến đấu giành lại độc lập, thì Phật giáo không thể đứng ngoài cuộc, như trong kinh Trường A Hàm có nói: “Cứu quốc hộ dân nhi đấu giả, đắc phước vô tội” nghĩa là vì cứu nước bảo vệ nhân dân mà chiến đấu là việc làm có phước không có tội. Mặc dù trong Qui Sơn Cảnh Sách có dạy: “Chư ác mạc tác chúng thiện phụng hành” nghĩa là tất cả việc ác không làm, còn việc thiện thì nên làm. Điều đó cho thấy thiện là việc nên làm. Nên khi bàn về chữ thiện, chư tổ thường dạy “Tác phước vị vi thiện, phúng kinh vị vi nguyện, bất như đương quyền hành phương tiện, vạn sự môn trung phương tiện đệ nhất” Làm phước, tụng kinh là tốt nhưng chưa gọi là tốt nhất, chẳng bằng đương thời làm việc đúng, tất cả muôn việc trên đời làm đúng là bậc nhất.

Tất cả muôn việc trên đời làm đúng là làm theo hạnh nguyện của chư Phật đem lại hạnh phúc và lợi ích cho số đông loài người và chư thiên. Hơn thế nữa, người tu tập không thể tách rời, không lo cái khổ của quần chúng nhân dân, như Lục Tổ Huệ Năng từng nói “Bồ đề giác bất ly thế gian giác, ly thế mích Bồ đề du như cầu thố giác” Sự giác ngộ của đạo Phật không rời thế gian; rời thế gian mà tìm đạo Phật như tìm sừng thỏ.

Thật vậy, khi nước nhà lâm nguy thì Phật giáo suy vi, ngược lại nước nhà cường thịnh thì Phật giáo mới được tăng trưởng. Do đó, chư Tổ, chư Tôn đức đem “sĩ khí yêu nước” xây dựng đạo pháp cũng là xây dựng dân tộc, xây dựng dân tộc cũng là xây dựng đạo pháp.

 

GIÁO HỘI LỤC HÒA HAY LỤC HÒA LIÊN HIỆP

 

Nhân ngày viên tịch 21-09-1919 (nhằm ngày 28-7 Kỷ Mùi) của Tổ thượng Chơn hạ Hương húy Minh Phương trụ trì Tổ đình Linh Nguyên, quận Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn (nay là Tỉnh Long An). Tổ thuộc dòng thiền Lâm Tế Gia Phổ đời 38 đệ tử của Tổ Tiên Giác - Hải Tịnh trụ trì Tổ đình Giác Lâm - Tăng Cang (thời vua Minh Mạng), khai sơn Tổ đình Linh Nguyên, quận Đức Hòa vào năm 1820.

Tổ Minh Phương cũng là người có công khai mở trường Phật học Sông Tra, Đức Hòa vào cuối thế kỷ 19 (Trường Phật học đầu tiên của cả nước), nên đồ chúng đời thứ 39 dòng thiền Lâm Tế Gia Phổ và các học tăng về chịu tang rất đông. Trong đó có các vị Hòa thượng như: Hòa thượng Thích Từ Phong, húy Như Nhãn (chùa Giác Hải, Chợ Lớn), Hòa thượng Thích Khánh Hòa, húy Như Trí (chùa Tiên Linh, Bến Tre), Hòa thượng Thích Chánh Thành, húy Như Vịnh (chùa Vạn An, Sa Đéc), Hòa thượng Thích Quảng Chơn, húy Như Nhương (Tổ đình Long Thạnh, Bà Hom, Bình Chánh), Hòa thượng Thích Quảng Sơn, húy Như Tiền (chùa Giác Hoàng, Bà Điểm Hóc Môn), Hòa thượng Thích Đạt Thanh, húy Như Thông (chùa Long Quang, Bà điểm, Hóc Môn, Gia Định), Hòa thượng Thích Hoằng Nghĩa, húy Như Phòng (Tổ đình Giác Lâm và Giác Viên, Gia Định), Hòa thượng Thích Thanh Ấn, húy Như Bằng (chùa Sắc Tứ Từ Ân, Chợ Lớn), Hòa thượng Thích Pháp Ấn, húy Như Quới (Tổ đình Phước Tường, Thủ Đức)… Hòa thượng Thích Chí Thiền, húy Như Hiển (chùa Phi Lai, Châu Đốc), Hòa thượng Thích Bửu Chung, húy Như Kim (chùa Phước Long, Đồng Tháp), Hòa thượng Thích Thiện Cang, húy Như Đạt (chùa Linh Nguyên, Đức Hòa), Hòa thượng Thích Từ Nhẫn, húy Như Đắc (chùa Linh Nguyên, Đức Hòa), Hòa thượng Thích Phước Hòa, húy Như Hoa (chùa Tân Sơn, Đức Hòa), Hòa thượng Thích Phước Chí, húy Như Nhẫn (chùa Phước Lâm, Trảng Bàng, Tây Ninh)…

Nhận thấy Phật pháp đang hồi suy vi, Tăng đồ đương lúc thất học, lại thiếu đoàn kết, tất cả chư tôn đức đồng thuận khởi động phong trào chấn hưng Phật giáo với tên “Hội Lục Hòa” lấy sáu pháp hòa kính lời Phật dạy cùng nhau tu học và hòa hợp đại chúng, với tôn chỉ “Tăng vô Lục hòa tăng vô sở trú” nghĩa là Tăng không đủ Lục hòa của Phật thì không nương tựa vào đâu mà bảo tồn được.

  • Ngày 27 tháng 3 năm 1920 (Nhằm ngày 8 tháng 2 Canh Thân), Hòa thượng Thích Từ Phong, húy Như Nhãn lập Hội Lục hòa Liên xã tại Tổ đình Giác Lâm, tỉnh Gia Định (lần 1).
  • Ngày 25 tháng 5 năm 1920 (Nhằm ngày 8 tháng 4 Canh Thân), Hòa thượng Thích Khánh Hòa, húy Như Trí lập Hội Lục hòa Liên hiệp tại chùa Tiên Linh, tỉnh Bến Tre (lần 1).

Năm 1922, chư sơn Hội Lục Hòa khai trường Hương (Khóa An Cư Kiết Hạ) tại Tổ đình Giác Lâm và cuối hạ có Khai Đàn Giới, chư sơn Lục Hòa Liên Xã đã cúng dường với câu đối:

Từ - Hải - Viên thông, khải tam hoàng, quang huy châu pháp giới

Thanh - Phong - Hoằng đạo, khai thất tụ, phổ tế độ nhân gian.

(Ngôi tam bảo Từ Ân, Giác Hải, Giác Viên, mở ba đàn tuyên bày, sáng ngời trong pháp giới

Bậc cao tăng Thanh Ấn, Từ Phong, Hoằng Nghĩa, khai bảy tụ tịnh giới, độ người  tại nhân gian)

Cùng khuynh hướng này, Tiến sĩ Lê Sơn trong một tham luận có tên Phật giáo vùng Mê Kông đã đi tiên phong trong đổi mới Phật giáo, đã cho rằng: “…Đặc biệt là trung tâm Nam bộ với ba nhà sư vùng Mê Kông là Hòa thượng Khánh Hòa, Hòa thượng Từ Phong cùng với sư trẻ Thiện Chiếu dốc lòng khôi phục bản đạo. Ban đầu họ lập ra “Lục hòa liên hiệp” để các sư bàn về nội bộ tăng đồ, kêu gọi chỉnh lý tăng đồ…”[1]

Trong Việt Nam Phật giáo sử luận, Nguyễn Lang tức Hòa thượng Thích Nhất Hạnh có ghi rằng: “ở Việt Nam bắt đầu từ thiền sư Khánh Hòa ở chùa Tiên Linh, Bến Tre) và các đồng chí của ông năm 1923 nhân ngày giỗ tổ tại chùa Long Hòa, quận Tiểu Cần , Tỉnh Trà Vinh vào ngày 19-9 Quý Hợi, ông vận động mời tất cả chư tôn túc khắp miền Tiền Giang và Hậu Giang về Tiểu Cần để dự lễ, đồng thời để họp bàn về vấn đề chấn hưng Phật giáo. Kết quả là Hội Lục hòa Liên hiệp được thành lập, và tất cả những vị tôn túc có mặt trong buổi họp như Huệ Quang, Chí Thiền, Trí Thiền, Từ Phong, Chánh Quả, An Lạc, Huệ Định, Diệu Pháp đều đồng ý tham dự (tức tham gia vào Hội lục hòa Liên hiệp – Nam Việt).[2]

Nguyễn Lang tiếp tục khẳng định: “…Năm 1923 trong một buổi họp của đại diện các tổ đình tại chùa Long Hòa ở Trà Vinh, dưới sự hướng dẫn của ông, một tổ chức tăng sĩ được thiết lập gọi là Hội Lục hòa Liên hiệp với mục đích là vận động thành lập một hội Phật giáo Việt Nam toàn quốc làm cơ sở chấn hưng Phật giáo. Trong số những người cộng sự của ông, có một vị tăng sĩ trẻ đầy nhiệt huyết tên là Thiện Chiếu. Thiện Chiếu khác hẳn với hầu hết các tăng sĩ đương thời, vì ông là người tân học xuất gia…”.[3]

Sư Thiện Chiếu đã mạnh dạn đưa ra:

                 Cải cách Tăng đồ, đề xướng tự do, tuyên chánh pháp

              Duy tân Phật học, thực hành bình đẳng độ quần sanh

Từ khi thành lập Hội Lục hòa Liên hiệp hoạt động tích cực với các hình thức như tổ chức Trường hương, giới đàn, các lớp giảng dạy kinh Phật…Hội thành lập được các tổ chức trực thuộc hoạt động trên từng lãnh vực như Hội Nam kỳ nghiên cứu Phật học, Lưỡng xuyên Phật học, Liên đoàn học xã, xuất bản được các tờ báo, tập san Phật học… nhằm chấn hưng Phật giáo, phổ truyền chánh pháp.

Tuy nhiên, một câu hỏi cần đặt ra là vì sao Hội Lục hòa Liên hiệp vốn quy tụ nhiều vị tôn đức chư tăng lại không tạo được ảnh hưởng? Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận đã phần nào giải đáp, có ba lý do cơ bản:

  • Một là, Nặng về hình thức, thiếu thiết thực trong nội dung vận động. Nói về nguyên nhân này, Nguyễn Lang đã trích dẫn ngay những ý kiến đã đăng trên Báo Pháp Âm của ký giả Đông Giao trong một bài nhan đề Chấn Hưng Phật Giáo Phải Thực Hành Thế Nào Mới Thấy Kết Quả: “Cuộc chấn hưng Phật giáo không có ảnh hưởng, không có kết quả, bởi vì không thiết thực với xã hội nhân sinh, chỉ nói suông trong báo chí sách vở mà thôi chứ không có thực hành[4]
  • Hai là, theo Nguyễn Lang “sự có mặt của những phần tử hữu khuynh trong các hội. Đây là một sự thực, thời nào cũng có. Những phần tử này xem một chức vị như hội trưởng hay phó hội trưởng của một cái hội là một thế đứng trong xã hội và họ không bao giờ chấp nhận sự đương đầu với những thế lực chính trị kinh tế thống trị. Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học với ông phó nhì hội trưởng Trần Nguyên Chấn là một ví dụ cụ thể.”[5] Về nhân vật Trần Nguyên Chấn, các tài liệu cho biết ông này là “cò mi” (commis), công chức hạng cao của Dinh Thống đốc Nam kỳ, người giàu có, phần nào mến mộ đạo Phật và có ảnh hưởng nhất định với chính quyền thuộc địa. Khi thành lập Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học, ông Chấn được cử làm Hội Phó, nhiều cơ sở nhà ở, chùa, trường lớp của Hội được xây dựng trên đất ông Chấn. Từ đó ông Chấn can thiệp dẫn đến thất bại các hoạt động của Hội. Về chi tiết này, Nguyễn Lang chua chát viết: “Chương trình của Khánh Hòa thất bại vì các thiền sư đã không nắm được thực quyền trong Hội. Hội đã bị một số cá nhân dùng địa vị trong xã hội của họ để khuynh loát và hướng dẫn về một nẻo khác. Ngay từ khi mới thành lập hội, ông Trần Nguyên Chấn đã vận động mời ông Khrautheimer (Thống đốc Nam Kỳ) làm Hội trưởng danh dự và ông Rivoal (Đốc lý thành phố Sài Gòn) làm Phó hội trưởng danh dự. Sự thỏa hợp với chính quyền là để nhằm vào an toàn và quyền lợi của hội. Tuy vậy, những quyền lợi đó không có gì đáng kể: sự trả lại ruộng đất các chùa bị chiếm hữu tại các xã và sự miễn thuế thân cho tu sĩ Phật giáo”.[6]
  • Ba là, theo Nguyễn Lang là vì có những người chỉ muốn “chấn hưng Phật giáo là vì Phật giáo chứ không phải vì nhân sinh” như tác giả Ngộ Không đã lên án trong bài viết về Phật giáo và xã hội trong tạp chí Pháp Âm.[7]

Tất nhiên lúc đầu khi thành lập Hội Lục hòa Liên hiệp, các biểu hiện trên chưa thật rõ nét. Khi Hòa thượng Thích Khánh Hòa và các cộng sự tiến hành các hoạt động, các nhân tố và khuynh hướng trên ngày càng lớn dần và chi phối sâu sắc đã cố gắng dung hòa hoặc thỏa hiệp. Điều này càng làm cho chất lượng cuộc chấn hưng Phật giáo không được như kỳ vọng của những người sáng lập phong trào. Điều này khiến các nhà chấn hung Phật giáo đương thời đã có phương hướng thay đổi và hình thành Giáo hội Lục hòa Liên xã.

 

GIÁO HỘI LỤC HÒA LIÊN XÃ

 

Vai trò hoạt động của Hội Lục hòa Liên hiệp chưa đáp ứng được kỳ vọng về lòng yêu nước và tự hào dân tộc, truyền thống bất khuất quật cường của tổ tiên, nhất là truyền thống luôn đồng hành cùng dân tộc trong dựng nước và giữ nước của Phật giáo Việt Nam vốn hình thành ngay từ thời Lý, Trần. Đó là điều kiện cho Hội Lục hòa Liên xã ra đời.

Năm 1923, Hội Lục hòa Liên xã mở rộng khắp Nam Kỳ, Hòa thượng Thích Từ Văn – Chơn Thanh chùa Hội Khánh (Thủ Dầu Một) là một trong những người tiêu biểu nhất ở miền Đông Nam bộ, với hoạt động của Hội Danh dự yêu nước cùng cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và các nhân sĩ, trí thức khác ở địa phương chủ trì.

Cụ Nguyễn Sinh Sắc thường xuyên lui tới, cư ngụ các cảnh chùa, gặp gỡ, tiếp xúc gần gũi chư tôn hòa thượng đương thời. Có lẽ cụ Phó Bảng cũng có nhận thức về các hệ lụy trong tình hình nội bộ và hoạt động, nên đã viết các cặp câu đối khá thấm thía. Đó là cặp đối ở chùa Linh Sơn, nơi mà cụ thường lui tới để nghiên cứu Phật học:

“Phật pháp thị nhập thế nhi phi yếm thế

Từ bi nãi sát sanh dĩ độ chúng sanh”

Tạm dịch:

(Đạo Phật là nhập thế chớ chẳng phải xa lánh

Từ bi có lúc sát để cứu độ chúng sanh.)

Nhân lễ khánh thành chùa Kim Tiên năm 1922 (Cai Lậy) cụ Sắc viết câu đối để tặng:

“Đại đạo quảng khai thố giác khiêu đàm để nguyệt.

Thiền môn giáo dưỡng quy mao thằng thụ đầu phong”

Tạm dịch:

“Mở rộng đạo lớn như sừng thỏ mò trăng đáy nước

Nuôi dưỡng mái chùa như lông rùa cột gió đầu cây”

Biết được Hòa thượng Lê Khánh Hòa đang ôm ấp hoài bão thiết tha vận động chấn hưng Phật giáo và cảm kích câu trả lời đến một vị Hòa thượng về việc có mấy người đồng tình đồng tâm hưởng ứng và tại sao nhiều chùa giàu có không đứng ra chung lo với Ngài?  Ngài từ tốn đáp rằng:  Ở đời, vàng bạc bao giờ cũng ít, ngói đá lúc nào cũng nhiều.  Chúng ta dù ít nhưng cố gắng sẽ thành công.  Khó gì bằng lìa bỏ tình yêu cha mẹ vợ con và đời sống cao sang quyền quý, vùi thân trong núi tuyết rừng già mà đức Bổn Sư ta còn bỏ được và làm được thay! Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc mến mộ, và cũng từng tá túc ở chùa Tiên Linh, Bến Tre trong khoảng thời gian từ năm 1920 đến 1928.

Cụ Phó bảng cùng Hòa thượng Lê Khánh Hòa - Như Trí bàn việc dân, việc nước.  Cụ đã tặng câu đối liễn cho Hòa thượng:

                Khánh chúc nhân dân kỳ Tổ quốc giang sơn bất lão

                Hòa bình thế giới nguyện Phật gia pháp hải trường xuân

Trong thời gian lưu trú tại chùa, cụ Phó bảng mở lớp dạy học, xem mạch bốc thuốc cho nhân dân trong vùng và cụ cũng tặng câu đối khác:

               Như thị Như lai xuất thế khai thông hướng dẫn mê đồ quy Phật pháp

               Trí vi trí giả hiện thân thuyết pháp hô hào trí thức thượng thiền tâm

Ở đây, cụ Nguyễn Sinh Sắc cũng dạy Nho học cho đệ tử Hòa thượng Lê Khánh Hòa - Như Trí như Hòa thượng Thích Thái không, Hòa thượng Thích Thành Đạo, Hòa thượng Thích Thành Nghiêm, Hòa thượng Thích Thành Lệ, Giảng sư Thích Huệ Chí … và cụ còn gặp gỡ các ông: Trần Văn An, Huỳnh Khắc Mẫn, Lê Văn Phát, và trong số họ sau này có người trở thành lớp đảng viên đầu tiên của Đảng bộ Bến Tre.  

Năm 1924, Hội Lục hòa Liên xã chính thức được thành lập lần 2 nhân dịp Chúc thọ giới đàn ở chùa Giác Viên, Gia Định, với vai trò trụ cột của Hòa thượng Từ Văn, được xem như là vị “Sư Cả” của chư tôn thiền đức Nam kỳ. Sự ra đời của Lục Hòa Liên Xã đáp ứng nhu cầu thôi thúc về một tổ chức Phật giáo hoạt động gắn với thực tế đất nước và cuộc sống chúng sinh. Trong đó việc quan trọng là vừa chấn hưng Phật giáo vừa tích cực giáo dục, tuyên truyền về lòng yêu nước cả trong Tăng Ni và dân chúng; xem việc truyền bá lòng yêu nước trong Tăng Ni, Phật tử cũng chính là chấn hưng Phật giáo.[8]

Năm 1930-1931, phong trào chấn hưng Phật giáo lại được tiếp nhận luồng sinh khí mới là phong trào cách mạng vô sản. Bởi các mối quan hệ quyền lợi tín ngưỡng, sưu cao thuế nặng, ruộng đất nhà chùa bị thực dân Pháp và thân Pháp chiếm đoạt, nên nhiều chùa đứng về phía cách mạng. Ra sức ủng hộ giúp đỡ nuôi chứa cán bộ, lấy chùa làm trường học, lấy chùa làm cơ quan như: Chùa Linh Thứu ở Xoài Hột, Thạnh Phú, Mỹ Tho. Thủ tọa điển Hòa thượng Thích Hoằng Không để chùa làm cơ quan ấn loát của tỉnh Ủy Mỹ Tho và bản thân ngài còn giao liên cho xứ ủy, Sư Thiện Chiếu về đây hội họp với chư Tăng các tỉnh. Hòa thượng Thích Trí Thiền đưa chùa Tam Bảo, Rạch Giá làm nơi sản xuất vũ khí đánh địch, Hòa thượng Thích Huệ Tâm – Trung Nghĩa huy động biểu tình năm 1930 ở Sa Đéc. Hòa thượng Thích Pháp Linh tham dự cuộc biểu tình chống sưu thuế tại chợ Hóc Môn, Hòa thượng Thích Đạt Thanh - Long Quang (chùa Giác Ngộ) tham gia cuộc biểu tình tại chợ Bà Điểm, Hòa thượng Thích Thiện Tòng (chùa Trường Thạnh), ngoài việc ủng hộ phong trào chấn hưng Phật giáo, ngài còn nuôi chứa các cán bộ cách mạng như ông Trần Văn Di, bà ba Kim Chi, Phạm Thị Cơ, Thái Văn Đầu…

Phong trào chấn hưng Phật giáo Nam Kỳ làm ảnh hưởng đến Phật giáo miền Trung và miền Bắc. Do đó, cụ Lê Đình Thám đứng ra thành lập Hội Phật học ở Bắc Kỳ vào năm 1932, và cụ Nguyễn Năng Quốc thành lập Hội Phật giáo Trung kỳ vào năm 1934.

Sau các cuộc biểu tình, đánh đồn Pháp giành chính quyền ở Nghệ Tĩnh bị thất bại, thực dân Pháp đàn áp rất dã man đối với nhân dân vô tội. Thực dân Pháp tại Sài Gòn lấy cớ khủng bố phong trào cách mạng của công nhân, nông dân, học sinh, Tăng chúng Phật giáo, và truy bắt như: Hòa thượng Thích Huệ Tâm bị bắt dày Côn Đảo lần thứ hai, Chùa Linh Thứu ở Xoài Hột, Thạnh Phú, Mỹ Tho bị bao vây, chúng truy bắt Thủ tọa điển Hòa thượng Thích Hoằng Không. Chùa Linh Sơn ở Cầu Muối trụ sở của Hội Phật học Nam Kỳ bị cha con Trần Nguyên Chấn chiếm đoạt.

Trước tình hình khủng bố trắng của Pháp, được sự chỉ đạo các tổ chức quần chúng và tôn giáo cần phải phân tán và chuyển vùng hoạt động để bảo tồn tổ chức. Chấp hành chỉ đạo này, Hòa thượng Thích Khánh Hòa về Trà Vinh mở Hội nghị chư sơn vận động thành lập Liên đoàn Phật học xã, mục đích nhằm đào tạo Tăng tài. Hưởng ứng chủ trương, chùa Thiên Phước ở Trà Ôn của Hòa thượng Thích Chánh Tâm nhận mở lớp đầu tiên, tiếp theo khóa hai được mở ở chùa Long Hòa của Hòa thượng Thích Huệ Quang ở Tiểu Cần, Trà Vinh; khóa thứ ba mở tại chùa Viên Giác của Hòa thượng Thích Tâm Quang ở Bến Tre. Qua ba khóa đã đạo tào một số chư Tăng tỏa ra gầy dựng một số cơ sở Phật giáo ở các tỉnh Nam Kỳ. Nhưng bị Commis Trần Nguyên Chấn mật báo với nhà cầm quyền Pháp rằng Ngài Khánh Hòa mở trường Phật học ở Tỉnh với mục đích tuyên truyền Cộng Sản. Nên Pháp bắt Hòa thượng Thích Khánh Hòa mang theo toàn bộ kinh luật lên sở mật thám Sài Gòn giải trình từng câu từng chữ cho cò mật thám. Nghe xong Pháp thấy không có lý do nào buộc tội nên phải thả Hòa thượng về.

Sau khi giao chùa Linh Sơn cho Hội Nam kỳ nghiên cứu Phật học và nhường quyền trụ trì cho Hòa thượng Thích Khánh Hòa, sư Thiện Chiếu sang trụ trì chùa Hưng Long ở ngã sáu Chợ Lớn. Tại đây sư viết sách, xuất bản báo để cổ vũ phong trào chấn hưng Phật giáo nhằm giáo dục tăng và tín đồ Phật tử giữ vững lòng tin để tranh thủ dư luận, hướng dẫn đấu tranh, bí mật bám sát và theo dõi chỉ đạo phong trào. Đồng thời, sư Thiện Chiếu phối hợp với Hòa thượng Thích Trí Thiền (chùa Tam Bảo Rạch Giá) và Hòa thượng Thích Pháp Linh (chùa Thanh Sơn, Hóc Môn), Hòa thượng Thích Đạt Thanh (chùa Giác Ngộ) thành lập Hội Kiêm tế Phật học xuất bản báo Tiến Hóa để làm cơ quan ngôn luận và giáo dục tăng chúng.

Năm 1933, Hòa thượng Thích Khánh Hòa ra lời kêu gọi Tăng già Lục tỉnh hưởng ứng Hội nghị chỉnh lý để giới luật được nghiêm minh và thành lập Hội Tăng già. Mỗi tỉnh cử 5 đại biểu chính thức về dự Hội nghị để bầu Ban Chức sự Trung Ương, bầu Đức Giáo tông và Phó Giáo tông để lãnh  đạo tăng đồ 21 tỉnh. Được sự hưởng ứng của Tăng già 21 tỉnh về dự hội nghị và họp trù bị suy cử Hòa thượng Thích Từ Phong là Đức Giáo tông và Hòa thượng Thích Khánh Hòa làm Phó Giáo tông. Nhưng lại Mommis Chấn mật báo với Pháp rằng Hòa thượng Thích Khánh Hòa liên kết chư tăng 21 tỉnh làm loạn nên thực dân Pháp ra lênh cấm bỏ cuộc họp.

Đến năm 1934, Hòa thượng Thích Khánh Hòa qua Trà Vinh hiệp cùng Hòa thượng Thích Huệ Quang và các vị cư sĩ: Quan huyện Huỳnh Thái Cử, quan huyện Ngô Trung Tín cùng nhiều vị khác thành lập “ Hội Lưỡng xuyên Phật học”  và được Hòa thượng Nguyễn Văn Tỷ cúng cho Hội ngôi chùa Long Phước ở ấp Thanh Lệ, huyện Châu Thành Trà Vinh làm Hội sở. Hòa thượng Thích Khánh Hòa cùng các vị họp thảo ra điều lệ thành lập hội và được Thống đốc Nam Kỳ cấp phép ngày 1/3/1934. Trường Phật học gọi là Thích Học Đường do quan huyện Ngô Trung Tín hỷ cúng cho Hội. Thích Học Đường khai giảng ngày 10/4/1939, bên Tăng do Hòa thượng Thích Khánh Anh giảng, bên Ni di Thích Nữ Tịnh Minh dạy, lớp Ni sau nầy dời về chùa Vĩnh Bửu ở Thơm, Bến Tre.[9] Hội Lưỡng Xuyên Phật học có xuất bản tạp chí Duy Tâm, mỗi tháng ra một số, Hòa thượng Thích Huệ Quang làm chủ nhiệm, ông Trần Huỳnh làm chủ bút.

Trường Lưỡng Xuyên Phật học đạo tạo được một số Tăng tài cho Phật giáo Nam Kỳ như: Hòa thượng Thích Thiện Hoa, Hòa thượng Thích Thiện Hòa và ba vị ở miền Trung vào học rồi ở luôn trong Nam là Hòa thượng Thích Hành Trụ, Hòa thượng Thích Quảng Liên, Hòa thượng Thích Huyền Quang.

Năm 1936-1941, phong trào chấn hưng Phật giáo có chiều hướng phát triển, Hội Lưỡng xuyên Phật học và Hội Kiêm tế Phật học nỗ lực hưởng ứng phong trào Đông Dương đại hội, kêu gọi Tăng Ni Phật tử ủng hộ Mặt trận Bình dân Nam Kỳ. Hội xúc tiến và mở rộng xây dựng lại các hệ thống tổ chức đoàn thể, Hội Gia giáo, thành lập Ban Hộ tự, Ban Hộ niệm để tập hợp đông đảo tín đồ Phật tử.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận Việt Minh cũng đã giành thắng lợi cả nước. Tại Sài Gòn, “Việt Nam Phật Giáo Tổng Hội” huy động lực lượng Tăng Ni, tín đồ Phật tử dưới sự lãnh đạo của quí Tôn đức như: Hòa thượng Thích Thiện Tòng (chùa Trường Thạnh), Hòa thượng Thích Hồng Từ (chùa Giác Viên), Hòa thượng Thích Hồng Hưng (chùa Giác Lâm), Hòa thượng Thích Thiện Nghiêm (chùa Sùng Đức), Yết Ma Thích Bửu Ý (chùa Long Thạnh) … tổ chức họp mít tinh tại chùa Trường Thạnh lúc 7 giờ 30 sáng ngày 25/8/1945 đọc diễn văn và hình thành đoàn diễu hành đến chợ Bến Thành, đến trụ sở Ủy ban Khởi Nghĩa trao kiến nghị, gương cao cờ đỏ sao vàng, căng băng “Việt Nam Phật Giáo Tổng Hội”, khẩu hiệu Bảo Đại phải thoái vị, Nguyễn Văn Sâm từ chức – Việt Nam độc lập muôn năm.

Thực dân Pháp còn tham vọng trở lại Việt nam lần thứ hai, nên ngày 23/9/1945 núp bóng quân đồng minh Anh nổ súng đánh chiếm Sài Gòn Gia Định, rồi mở rộng ra toàn Nam Bộ. Cuộc kháng chiến toàn dân chống Pháp bắt đầu.

Đáp ứng lời kêu gọi của ông Trần Văn Giàu Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến Nam Bộ, chư Tôn đức trong Hội Lục hòa Liên xã phát động tất cả chư Tăng từ 22 tuổi đến 32 tuổi lên đường cứu nước:

             Cởi áo cà sa mặc chiến bào

            Quên mình vì nước sá chi bao

            Mô Phật quyết không dung quốc tặc

            Từ Bi há chẳng dạ anh hào.

                                            (Đệ nhất thiền gia Sư Thiện Chiếu)

            Dang tay la hán bồng cây súng

            Lột chuỗi bồ đề đỡ ngọn đao

           Mõ sớm chuông chiều xin gát lại

           Lời kinh tiếng kệ hẹn mai sau.

                            (Đệ nhị thiền gia Hòa thượng Thích Pháp Linh)

             Cởi áo cà sa khoác chiến bào

             Giả từ thiền viện lướt binh đao

             Câu kinh tiếng kệ chờ khi khác

             Cứu nước thương dân dễ đợi nào.

                           (Đệ tam thiền gia Hòa thượng Thích Thái Không)

Do trải qua 25 năm giáo dục của chư tôn đức Hội Lục hòa Liên xã, chư Tăng đã ý thức được trách nhiệm, khế lý khế cơ, có nhiều hoạt động tích cực, gieo trồng được những hạt giống ái quốc trong chư Tăng, chấn chỉnh thanh lọc và nâng cao phẩm chất, trình độ của đông đảo Tăng Ni, và Phật tử.

GIÁO Hội Phật giáo cứu Quốc Nam Bộ

 

Khi đất nước đang trong lúc nguy khó, chính quyền thực dân phản kháng mãnh liệt, chiến sự diễn ra khắp mọi nơi ngày càng khốc liệt; ngày 23 tháng 9 năm 1945 thực dân Pháp đánh chiếm lại Sài Gòn – Gia Định…

Cuối tháng 10-1945, cuộc họp khẩn của tỉnh Gia Định nhằm kêu gọi tinh thần yêu nước trong mọi tầng lớp quần chúng nhân dân, tại nhà ông Lê Văn Phèn - Thiện Phương, nhà yêu nước quy y Phật với Yết Ma Thiện Thông (chùa Long Quang Bà Điểm, Hóc Môn), trong cuộc họp có sự tham dự của Hòa thượng Thích Bửu Đăng. Thế mới thấy:

           Anh hùng sáu tỉnh thiếu chi đây

          Đâu để giang sơn đến thế này

          Ngọn lửa tam tùng phừng đất cháy

          Chòm mây ngũ quý khắp trời bay.

                                    (Lê Văn Phèn- Pháp danh Thiện Phương)

Không lâu sau đó ngày 25-3-1946, ông Lê Văn Phèn - Pháp danh Thiện Phương (là ông ngoại ruột của tôi) hy sinh ở Bình Mỹ, Củ Chi và giặc còn thiêu rụi nhà của ông. Phẩn uất trước những hành động dã man đó, từ người lớn đến trẻ em đều thuộc lòng những câu gọi số lô tô ca ngợi ông:

             Ông tướng thầy Ba / tay ôm trái phá

             Đánh sập Ba Đồn / Nứt tiếng Hóc Môn / là con số 4 (bốn).

Hay:

             Bình Lý Hóc Môn / tiếng đồn vang dậy

            Kẻ cậy cường quyền / dân đen ngơ ngáo / là con số 86 (tám mươi sáu)

Năm 1947, trong bối cảnh lòng dân sôi sục, ông Ung Văn Khiêm thừa lệnh Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ cho phép  thành lập Phật giáo Cứu quốc Nam bộ và ban hành Chỉ thị 4/NV mang đượm tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Hòa thượng Thích Huệ Thành (chùa Long Thiền) đã cảm tác:

                Phát động phong trào đi cứu nước

                Bền gan chiến đấu không lùi bước

                Non sông tiếng gọi thật hào hùng

                Đoàn kết quân dân như cá nước

                Khiến lũ xâm lăng phải hãi kinh

               Người sau tiến lên cùng người trước

               Đồng tâm đuổi giặc khỏi non sông

               Thế mới gọi là lập đại phước.

Hưởng ứng lời hiệu triệu của Phật giáo Cứu quốc Nam Bộ lâm thời năm 1945, hầu như chùa nào cũng tham gia, không còn hạn tuổi, có vị đã 50 tuổi như Hòa thượng Thích Pháp Tràng Chủ tịch Phật giáo Cứu quốc Mỹ Tho, Sư Thiện Chiếu, Hòa thượng Thích Pháp Linh đã 47 tuổi… Chùa Long Châu (Cai Lậy, Tiền Giang) có 2 vị tham gia là Hòa thượng Thích Định Tri và Hòa thượng Thích Định Bửu; chùa Tây An (Châu Đốc) có 5 vị là Hòa thượng Thích Định Long, Hòa thượng Thích Huệ Định, Hòa thượng Thích Huệ Hải (về sau trụ trì chùa Từ Quang, TP. HCM), Hòa thượng Thích Huệ Châu (về sau trụ trì chùa Tây An, Châu Đốc), Hòa thượng Thích Huệ Thới (về sau trụ trì chùa Ấn Quang, TP. HCM). Chùa Trường Thạnh (Quận Nhì, Sài Gòn), Hòa thượng Thích Quảng Kim; Chùa Thiên Phước (Cầu Kho, Sài Gòn), Hòa thượng Thích Giác Quang; Chùa Gò Phụng Sơn (Chợ Lớn), Hòa thượng Thích Phước Quang; Chùa Giác Hải Chợ Lớn, Hòa thượng Thích Thiện Pháp; Chùa Chưởng Thánh (đường Nguyễn Trãi, Sài Gòn), Hòa thượng Thích Quảng Đạt; Chùa Tân Sơn (Đức Hòa, Chợ Lớn), Hòa thượng Thích Bửu Châu, Hòa thượng Thích Quảng Đức; Chùa Pháp Minh (Đức Hòa, Chợ Lớn), Hòa thượng Thích Đạt Lộ; Chùa Pháp Bảo (Đức Hòa, Chợ Lớn), Hòa thượng Thích Đạt Kỉnh, Hòa thượng Thích Đạt Hảo; Chùa Oai Linh (Bình Lý, Hóc Môn) Hòa thượng Thích Tâm Hưng; Chùa Pháp Võ (Nhà Bè), Hòa thượng Thích Bửu Hưng;…

Kể từ khi cách mạng tháng 8 năm 1945, hầu hết các tỉnh thành nào cũng thành lập Hội Phật giáo Cứu Quốc. Hòa thượng Thích Hưng Từ ở tỉnh Bình Tuy; Hòa thượng Thích Pháp Hiển ở tỉnh Bà Rịa; Hòa thượng Thích Huệ Thành, Hòa thượng Thích Từ Tân, Hòa thượng Thích Thiện Khải ở tỉnh Biên Hòa; Hòa thượng Thích Minh Tịnh ở Hòa thượng Thích Thiện Hương, Hòa thượng Thích Quảng Viên, Hòa thượng Thích Huệ Lạc tỉnh Thủ Dầu Một;  Hòa thượng Thích Huệ Tánh, Hòa thượng Thích Hồng Phước, Hòa thượng Thích Giác Nguyên, Hòa thượng Thích Giác Điền, Hòa thượng Thích Huệ Phương,… ở tỉnh Tây Ninh; Hòa thượng Thích Bửu Đăng, Hòa thượng Thích Pháp Dõng, Hòa thượng Thích Bửu Ý, Hòa thượng Thích Thiện Hòa, Hòa thượng Thích Pháp Độ, Hòa thượng Thích Bửu Chánh, Hòa thượng Thích Bửu Chiếu, Hòa thượng Thích Trí Đức, Hòa thượng Thích Ngộ Thiền, Hòa thượng Thích Chí Bửu,… ở tỉnh Gia Định; Hòa thượng Thích Trí Quang, Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, Hòa thượng Thích Thiện Hào, Hòa thượng Thích Hồng Năng, Hòa thượng Thích Thiện Nghị, Hòa thượng Thích Minh Gia, Hòa thượng Thích Minh Giác… ở thành Sài gòn; Hòa thượng Thích Hóa Sự, Hòa thượng Thích Hóa Duyên, Hòa thượng Thích Thiện Long, Hòa thượng Thích Huệ Long, cùng hai đệ tử là Hòa thượng Thích Thiện Lạc, Hòa thượng Thích Quảng Đạo (chùa Linh Bửu), Hòa thượng Thích Đạt Lộ… ở tỉnh Chợ Lớn (nay tỉnh Long An); Hòa thượng Thích Pháp Tràng, Hòa thượng Thích Trí Long, Hòa thượng Thích Thành Đạo, Hòa thượng Thích Hoàn Không (Thủ Tọa Điển), Hòa thượng Thích Định Tri, Hòa thượng Thích Định Bửu… ở tỉnh Tiền Giang; Hòa thượng Thích Pháp Vân, Hòa thượng Thích Pháp Long, Hòa thượng Thích Chơn Lý ở tỉnh Vĩnh Long; Hòa thượng Thích Thành Nghiêm, Hòa thượng Thích Thành Lệ ở tỉnh Bến Tre; Hòa thượng Thích Thái Không, Hòa thượng Thích Bửu Ngọc (về sau trụ trì Tổ đình Chùa Phước Tường, Tp.Hồ Chí Minh),… ở tỉnh Trà Vinh; Hòa thượng Thích Pháp Thân, Cư sĩ Minh Tịnh (ở tỉnh Cần Thơ; Hòa thượng Thích Nhật Minh tại tỉnh Bạc liêu;  Hòa thượng Thích Thiện Tài tại Cao Lãnh, Hòa thượng Thích Định Long ở tỉnh An Giang; Hòa thượng Thích Trí Đức ở tỉnh Sóc Trăng; Hòa thượng Thích Pháp Hoạt ở tỉnh Gò Công…

Trong cuộc kháng chiến có những bậc Tôn túc đã ngã xuống, nhưng điều đó không làm nhục sĩ khí yêu nước, mà còn làm cho ngọn lửa sĩ khí yêu nước thêm cao.

  • Năm 1946, Hòa thượng Thích Minh Trứ (thế danh Nguyễn Văn Vằn) đệ tử của Hòa thượng Thích Pháp Hỷ - chùa Thiên Ân, Hòa Lân, Bình Dương bị Pháp xử bắn cùng 5 đồng chí tại chợ Búng.
  • Năm 1947, Hòa thượng Thích Trí Quang Hội Trưởng Phật Giáo Cứu Quốc Sài Gòn hy sinh tại An Phú Đông (Hòa thượng Thích Trí Quang từng ra Huế học là bạn học với Hòa thượng Thích Mật Thể.
  • Cũng trong năm 1947, Giáo thọ Hồng Ánh chùa Giác Viên, Chánh văn phòng Phật giáo Cứu quốc Nam Bộ hy sinh tại Kinh Bùi, Đồng Tháp Mười. Giáo thọ Thích Thiện Linh chùa Bửu Phước hy sinh tại suối nước trong (nay thuộc Vĩnh Hòa Bình Dương) và biết bao tấm gương hy sinh của chư Tôn đức giới Phật giáo.

Giáo hội Phật giáo Cứu quốc Nam bộ đã ra đời, Hòa thượng Minh Nguyệt (bí danh Tam Không) tiến hành Đại Hội thành lập Phật giáo Cứu quốc Nam Bộ từ ngày 15 đến 17 tháng 04 năm 1947 tại chùa Thiền Kim, xã Mỹ Quý, quận Mỹ An, Đồng Tháp với thành phần:

  • Chánh Hội trưởng: Hòa thượng Thích Minh Nguyệt (bí danh Tam Không)
  • Đệ Nhất Phó Hội Trưởng: Hòa thượng Thích Huệ Thành (Giáo thọ Hồng Tín)
  • Đệ Nhị Phó Hội Trưởng: Ngài Bạch Liên (Commis Hai)
  • Tổng Thư ký: Ông Đào Không Không
  • Chánh văn phòng: Giáo thọ Hồng Ánh
  • Ủy viên Tuyên truyền: Đại Đức Thích Thiện Trí (Lê Hoàng Minh)
  • Ủy viên Kiểm soát: Hòa thượng Thích Pháp Tràng, Hòa thượng Thích Huệ Phương
  • Ủy viên Tài chánh: Đại Đức Thích Bửu Thiện, Đại Đức Thích Thiện Lý và Sư Bà Thích Nữ Diệu Đạo
  • Ủy viên đặc trách gồm Hội trưởng 11 tỉnh.

Đại hội suy cử Hòa thượng Thích Huệ Thành Đại biểu Phật giáo Cứu quốc Nam bộ nằm trong Mặt trận Kỳ bộ Việt Minh Nam Bộ. Đại hội quyết định tờ báo của Phật giáo Cứu quốc là “Tinh Tấn” do Hòa thượng Thích Minh Nguyệt là Chủ nhiệm, Giáo sư Lê Văn Đổng là chủ bút, bút hiệu Trọng Thư hay La Kim Trọng. Nhà in đặt tại chùa Tổ Bửu Lâm, xã Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp. Văn phòng Ban Thường trực Phật giáo Cứu quốc Nam bộ tại chùa Thiền Kim, xã Mỹ Quý, quận Mỹ An, Đồng Tháp. Thường trực văn phòng Hòa thượng Thích Minh Nguyệt và Commis Hai.

Cuộc kháng chiến chống xâm lược Pháp lần này có nhiều Tăng Ni Phật tử hy sinh anh dũng như: Hòa thượng Thích Trí Quang, Chánh hội trưởng Phật giáo cứu quốc tỉnh Gia Định chiến đấu hy sinh tại An Phú Đông, Giáo thọ Ánh (chùa Giác Viên hy sinh tại trận Kinh Bùi Đồng Tháp, Hòa thượng Thích Thiên Trường (Gò Công) bị Pháp bắn chết trong lúc đang lễ Phật, Yết Ma Linh Chiểu tại Đồng Tháp Mười và các học Tăng chùa Bảo Quốc chiến đấu hy sinh. Cũng có nhiều chư Tăng bị bắt bớ đánh đập tù đày như: Hòa thượng Thích Minh Thành (chùa Long Vân, Gia Định) đi tù 3 lần, Thượng tọa Thích Minh Giáo đi tù 2 lần.

Hòa thượng Thích Bửu Đăng (trụ trì chùa Linh Sơn Hải Hội, Quận Gò Vấp), là Ủy viên Mặt trận Việt Minh tỉnh Gia Định, Chủ tịch Phật giáo Cứu quốc tỉnh Gia Định đã bị giặc đến chùa bắt vào ngày 30-08-1948 lúc 5 giờ sáng. Sau ba ngày đêm tra tấn không khai thác được gì, đến 9 giờ sáng ngày 2-9-1948 chúng xử bắn Hòa thượng tại cầu Tham Lương, quận Tân Bình và vứt xác xuống sông, rồi vào đốt Chùa Giác Ân gần đó.

Sau ngày non sông sạch bóng quân thù, chính quyền địa phương, nhân dân và bổn đạo chùa Linh Sơn Hải Hội xây lại mộ tháp và cuối bia ký thờ Hòa thượng có ghi:

              Hoài bảo vốn ngàn đời trưởng dưỡng

              Tâm lành từ bao kiếp cưu mang

              Gieo mầm sống cho bồ đề xanh lá

              Tạo vườn hoa bát nhã ngát hương từ.

Tao nhân mặc khách đến chùa viếng tháp Hòa thượng cảm tác bài thơ thất ngôn bát cú lộng kiếng trang nghiêm để dưới bia ký và bệ thờ nơi tháp, do mưa nắng chữ đã mờ nhạt, nhưng vẫn đọc được:

             Lòng son dạ sắc ít ai bằng

             Hòa thượng chùa này Thích Bửu Đăng

             Tình cảm thiết tha yêu Tổ quốc

            Tinh thần bất khuất chống xâm lăng

            Tu thân gương đẹp như tia nắng

            Tích đức người hiền tựa ánh trăng

            Công việc đạo đời lo trọn vẹn

           Lòng son dạ sắc ít ai bằng.

Năm 1949, Phật giáo Cứu quốc Nam Bộ đóng ở vùng Đồng Tháp bưng biền đất rộng người thưa nhận thấy cần phải thay đổi hình thức để hoạt động hữu hiệu hơn, nên Giáo hội tuyên bố tự giải tán. Hòa thượng Thích Huệ Thành (chùa Long Thiền) đã ghi lại cảm xúc:

           Chiến công dự lập chí khí cao

           Khoác áo cà sa mặc chiến bào

           Mật khu dựng lập nền cơ sở

          Trí vận vẫy vùng nặng biết bao

          Mặt đối mặt lòng không lãng xao

          Thù kẻ thù nhất báo công lao

         Cơ ngơi tự viện hầm bí mật

          Vào thành công tác đón ngày sau.

 

GIÁO HỘI LỤC HÒA TĂNG VIỆT NAM

 

Đến tháng 2 năm 1952, các vị lãnh đạo và chư Tôn túc thuộc Phật giáo Cứu quốc Nam bộ trước đây, tiến hành thành lập Giáo Hội Lục hòa tăng Việt Nam tại chùa Long An, Nancy, Quận Nhì, Sài Gòn (nay là Quận Nhất, Tp. Hồ Chí Minh). Đại Hội thành lập Hội Lục hòa tăng Việt Nam với thành phần:

  1. Hội đồng Chứng minh
  • Hòa thượng Thích Đạt Thanh (chùa Giác Ngộ)
  • Hòa thượng Thích Hoằng Đức (chùa Bình Hòa)
  • Hòa thượng Thích Phước An (chùa Báo Quốc)
  1. Ban Chức sự Trung ương
  • Đại Tăng trưởng: Hòa thượng Thích Thiện Tòng (chùa Trường Thạnh)
  • Tăng giám: Hòa thượng Thích Pháp Nhạc (chùa Long An)
  • Phó Tăng giám: Hòa thượng Thích Thành Đạo (chùa Phật Ấn)
  • Tổng Thư ký: Giảng sư Thích Huệ Chí
  • Các Ủy viên đặc trách nội ngoại thành và các tỉnh.
  • Hoằng pháp: Hòa thượng Thích Huệ Thành (chùa Long Thiền)
  • Phó Hoằng pháp: Hòa thượng Thích Pháp Lan (chùa Khánh Hưng)
  • Thủ quỹ: đạo hữu Đoàn Trung Còn

Hòa thượng Thích Minh Nguyệt Giám đốc trường Phật học Lục Hòa và chủ nhiệm tờ báo Lục Hòa đặt tại chùa Giác Viên. Trụ sở của Giáo hội đặt tại chùa Trường Thạnh số 97, đường Bác sĩ Yersin, Quận Nhì, Sài Gòn.

Sau khi Giáo hội Lục hòa tăng Việt Nam được thành lập, trong khoảng thời gian này, phong trào đấu tranh của Phật giáo ở nội thành hoạt động mạnh, do yêu cầu kháng chiến, cũng nhằm phù hợp với tình hình thực tiễn, Giáo hội Lục hòa tăng Việt Nam đã phát sinh ra hai tổ chức trực thuộc, hoạt động theo tôn chỉ định hướng của Giáo hội là Hội Lục hòa tăng và Hội Lục hòa Phật tử.

  1. Hội Lục hòa tăng suy cử:
  • Tăng trưởng: Hòa thượng Thành Đạo (Tổ đình Phật Ấn)
  • Tăng giam: Hòa thượng Thích Huệ Thành (Tổ đình Long Thiền)
  • Đệ nhất Phó Tăng giam: Hòa thượng Thích Thiện Hương (Tổ đình Hội Khánh)

Trụ sở đặt tại chùa Phật Ấn (Quận Nhì, nay là Quận I), sau dời về chùa Giác Lâm (Tân Bình).

  1. Hội Lục hòa Phật tử suy cử:
  • Chánh Hội trưởng: Hòa thượng Thích Minh Thành
  • Phó Hội trưởng: Hòa thượng Thích Thiện Hào
  • Tổng Thư ký: Thượng tọa Thích Minh Giác

Trụ sở Hội Lục hòa Phật tử, đặt tại chùa Long Vân (Bình Thạnh - Gia Định).

Đến năm 1957, Giáo hội Phật giáo Lục hòa tăng Việt Nam mới chính thức được chính phủ Việt Nam Cộng Hòa công nhận, hợp thức hóa tại Quyết định số 93/BNV/NA/P5, Bộ Nội vụ ký ngày 1/10/1957 (do Hòa thượng Thích Thiện Tòng đại diện xin phép thành lập “Giáo hội Lục hòa tăng Việt Nam”). Hội có bản Điều lệ gồm 9 chương 44 điều;

Ban chức sự lâm thời lúc bấy giờ gồm có:

  • Đại Tăng trưởng: Hòa thượng Thiện Tòng (chùa Trường Thạnh)
  • Tăng giam: Hòa thượng Thành Đạo (chùa Phật Ấn)
  • Phó Tăng giam: Hòa thượng Minh Đức (chùa Thiên Tôn)

Sau khi được thành lập, Giáo hội Phật giáo Lục hòa tăng đã phát huy vai trò của một tổ chức Phật giáo yêu nước, góp phần đẩy mạnh phong trào đấu tranh của Phật giáo ở nội thành ngày càng lớn mạnh.

Lúc bấy giờ có chủ trương chuyển hướng cán bộ về thành phố phân bố cho các đoàn thể và Phật giáo để hoạt động công khai như ở Mỹ Tho đưa Hòa thượng Thích Thiện Hào làm Tăng trưởng và Thượng tọa Thích Trí Long về chùa Vĩnh Tràng là Phó Tăng trưởng; đưa Lý Duy Kim tức Hòa thượng Thích Minh Nguyệt và Lê Văn Đổng, Lê Hoàng Minh, Thanh Đạm về Sài Gòn; kỳ bộ Việt Minh đưa Hòa thượng Thích Huệ Thành về Biên Hòa làm Tăng trưởng Tỉnh Hội Lục hòa tăng Việt Nam. Tình hình đấu tranh quân sự và chính trị trong nước giành được nhiều thắng lợi, Giáo hội Lục hòa tăng Việt Nam nhân đó lãnh đạo chư Tăng và chúng Phật tử đấu tranh chính trị để kềm chân địch ở miền Nam, hỗ trợ Điện Biên Phủ đánh địch, góp phần để chính phủ Pháp phải công nhận chủ quyền độc lập.

Hiệp định Genever ký chưa ráo mực, lúc này, được Mỹ hậu thuẫn, Ngô Đình Diệm lên nắm chính quyền Sài Gòn đầu độc người dân chống lại hiệp thương. ra sức phá hoại cuộc tổng tuyển cử thống nhất đất nước.

Năm 1956, Giáo hội Lục hòa tăng Việt Nam gửi văn bản yêu cầu Chính phủ Đệ Nhất Cộng Hòa (1955-1963) thi hành hiệp định Genève tiến hành tổng tuyển cử thống nhất đất nước, không lấy sông Bến Hải vĩ tuyến 17, chia cắt hai miền Nam Bắc.

Năm 1957, việc yêu cầu chẳng những không thành, mà chế độ Ngô Đình Diệm còn hòng bóp chết hoạt động và bắt bớ những nhà yêu nước. Chúng thường theo dõi, bắt Hòa thượng Thích Pháp Nhạc - Tăng giám Trung ương Giáo hội Lục hòa tăng (trụ trì chùa Long An, Nancy, quận Nhì, nay là quận Nhất) tra tấn đến gãy xương sống. Ngày 06-09-1957 chúng thả về chùa đến ngày 11-09-1957 Hòa thượng mất. Hòa thượng Thích Thiện Nghị Tăng trưởng Đô Thành (trụ trì chùa Đức Lâm), Thượng tọa Thích Tín Lâm, Thượng tọa Thích Tín Hải, Cư sĩ Thiện Trí - Lê Hoàng Minh lần lượt bị bắt đày Côn Đảo.

Thời kỳ này, chính quyền Mỹ – Diệm thực thi đạo dụ số 10 nhằm cô lập hoạt động của Giáo Hội Lục hòa tăng Việt Nam, một tổ chức tập hợp những công dân yêu nước khoát áo nâu sòng. Nhiều vị lãnh đạo Giáo hội Lục hòa tăng bị bắt giữ, lưu đày, các vị chưa bị bắt thì phải sống trong cảnh thường xuyên bị theo dõi, khủng bố, trấn áp. Bên cạnh đó, một chính sách bắt bớ khủng bố trá hình cũng được chúng thực hiện, đó là đối với những tu sĩ thuộc tổ chức Hội Lục hòa tăng thì không được hoãn quân dịch, có nghĩa là toàn bộ tăng sĩ Hội Lục hòa tăng trong độ tuổi quân dịch đều bị bắt lính sung vào quân ngũ.

Năm 1960, Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, nguyên Hội Trưởng Phật giáo cứu quốc Nam Bộ, là Đốc giáo Phật học đường Lục Hòa, sau cuộc họp tại chùa Thiên Tôn (Quận 5) chúng theo dõi đến ngã tư Phú Định thì bắt đày Côn Đảo; Hòa thượng Thích Thành Đạo - Tăng giám Trung ương Giáo hội Lục hòa tăng Việt Nam (trụ trì chùa Phật Ấn, Quận Nhì, nay là Quận I), Thượng tọa Thích Minh Gia, Thượng tọa Thích Minh Giác (chùa Long Vân), giảng sư Thích Huệ Chí (chùa Giác Viên)…bị bắt đưa về Khám Chí Hòa. Thượng tọa Thích Tín Tâm (Long An), Đại Đức Thích Bửu Định (Đồng Nai) cũng đồng bị bắt đày ra Côn Đảo. Còn Hòa thượng Thích Minh Đức - Phó Tăng giám Giáo hội Lục hòa tăng Việt Nam (trụ trì chùa Thiên Tôn), lánh nạn chùa Long Định (Tịnh Biên, Châu Đốc).

Các chùa bị khủng bố buộc phải hạ bảng, chỉ còn lại Hòa thượng Thích Huệ Thành (trụ trì Tổ đình Chùa Long Thiền, Biên Hòa), Hòa thượng Thích Bửu Ý (trụ trì Tổ Đình chùa Long Thạnh, Bà Hom, Bình Chánh) là những vị Trung ương Giáo hội.  Cũng năm này, Tòa Án Binh của Đệ nhất Cộng Hòa xử tại Biên Hòa kêu án Ngô Quang Thanh Bí thư Thủ Biên (Biên Hòa và Thủ Dầu Một) tù chung thân đày Côn Đảo. Thái Văn Kiếm tức Ba Kiếm (Đại Đức Thích Bửu Định) tù chung thân đày Côn Đảo (phòng 18, chuồng cọp số 1).

Vào ngày 20/12/1960, đại biểu các đoàn thể, tôn giáo, đảng phái và các dân tộc ở miền Nam Việt Nam, họp Đại hội thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Hòa thượng Thích Thiện Hào lúc bấy giờ là đại diện của Giáo hội Lục hòa tăng và Hội Lục hòa Phật tử được Đại hội bầu làm Ủy viên Chủ tịch Đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Đặc biệt, vào cuối năm 1960, Hòa thượng Thích Thiện Hào với tư cách là Ủy viên Chủ tịch đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Tổng Thư ký Giáo hội Phật giáo Lục hòa tăng - Hội trưởng Hội Lục Hòa Phật Tử, đã tuyên bố trên Đài Tiếng nói Bắc Kinh, ngài đã nhân danh đồng bào miền Nam Việt Nam và Phật giáo Việt Nam lên án chế độ độc tài Ngô Đình Diệm đã đàn áp dã man các phong trào yêu nước của đồng bào và Phật giáo miền Nam, lên án các chính sách kỳ thị, thù địch Phật giáo của chính quyền Mỹ Diệm. Chương trình đưa ra 10 điểm với nội dung: Đánh đổ Đế quốc Mỹ, cùng ngụy quyền tay sai Ngô Đình Diệm để xây dựng miền Nam hòa bình, trung lập, dân chủ, phồn vinh, tiến đến hòa bình thống nhất đất nước.

Kể từ đây tổ chức Phật giáo Lục hòa tăng trở thành thù địch đối với chế độ Ngô Đình Diệm. Ngay sau đó, tất cả bảng hiệu của hệ phái Lục hòa tăng tại các cơ sở tự viện thuộc Hội Lục hòa tăng đều bị chính quyền Ngô Đình Diệm cho công an mật vụ tháo gỡ xuống vì chúng cho rằng Phật giáo Lục hòa tăng là cộng sản.

Năm 1961, khi chư vị lãnh đạo Hội Lục hòa tăng Việt Nam bị khủng bố, thì Hòa thượng Thích Trí Hưng (trụ trì chùa Thiền Lâm, Phú Lâm) kết hợp Võ Tử Hạ thân với chính quyền Ngô Đình Diệm mời chư sơn về chùa Giác Lâm (Q.Tân Bình) họp để tiến hành thành lập Giáo hội Cổ sơn môn (Chư đại biểu đi dự họp được phi cơ trực thăng đưa rước). Hòa thượng Thích Trí Hưng là Tăng Trưởng tỉnh Quảng Ngãi của Giáo Hội Lục hòa tăng Việt Nam. Do được cơ sở báo trước ý đồ của Hòa thượng Trí Hưng theo Chính quyền Đệ Nhất Cộng Hòa, nên Hòa thượng Thích Bửu Ý đương chức Tổng Thư Ký Giáo Hội Lục hòa tăng Việt Nam cố tình không đến dự, dẫn đến việc thành lập Giáo hội Cổ sơn môn lần này không thành.

Đứng trước tình hình chư sơn Hội Lục hòa bị chính quyền bố ráp, Hòa thượng Thích Bửu Ý sai đệ tử Sadi Huệ Xướng (là tôi) vào chiến khu báo cáo tình hình và xin chỉ thị (Hòa thượng dặn kỹ rằng đi tay không về cũng tay không chứ không được mang thư từ). Tôi được thầy Ký chùa Từ Ân (nay là Hòa thượng Thích Thiện Thanh, viện chủ chùa Từ Huê, quận Bình Tân, Tp. HCM) đưa lên chùa An Thạnh, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh nhờ người chị ruột của Thầy đưa tôi đi qua biên giới Campuchia đến Sa Mác mới đến được chiến khu nằm ở xã Tân Lập, quận Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Hòa thượng Thích Thiện Hào yêu cầu chư sơn nhẫn nại và thay đổi hình thức hoạt động “tùy duyên bất biến”.

         Ngày 15 tháng 10 năm 1961, tại trụ sở của Hội Lục hòa Phật tử chùa Long Vân tổ chức cuộc họp khoáng đại, gồm có:

  1. Phái đoàn miền Nam:
  • Hòa thượng Thích Huệ Thành, Tăng giám Trung ương Giáo hội Lục hòa tăng Việt Nam (chùa Long Thiền, Biên Hòa);
  • Hòa thượng Thích Bửu Ý, Tổng Thư ký của Giáo hội (chùa Long Thạnh, Bà Hom);
  • Hòa thượng Thích Minh Đức, Phó Tăng giám (chùa Thiên Tôn, Chợ Lớn);
  • Hòa thượng Thích Minh Thành, Phó Tăng giám Trung ương kiêm Hội Trưởng Hội Lục hòa Phật tử Việt Nam.
  1. Phái đoàn miền Trung:
  • Hòa thượng Thích Bích Phong (chùa Quy Thiện, Huế).
  • Hòa thượng Thích Huệ Pháp (chùa Minh Tịnh, Quy Nhơn, Bình Định).
  • Hòa thượng Thích Bích Lâm (chùa Nghĩa Phương, Nha Trang, Khánh Hòa).
  • Hòa thượng ThíchTrí Thắng (chùa Thiền Hưng, Phan Rang, Ninh Thuận).
  • Hòa thượng Thích Vĩnh Thọ (chùa Linh Sơn Trường Thọ, Phan Thiết, Bình Thuận).
  • Đại Đức Thích Trí Tâm (chùa Nghĩa Phương, Nha Trang, Khánh Hòa).

         Cuộc họp này đã đi đến sự nhất trí thực hiện lời Phật dạy: “Tăng Dĩ Lục Hòa, đoàn kết Nam Trung và Trung ương Giáo hội Ủy Nhiệm”.

         Hòa thượng Thích Bích Lâm và Đại Đức Thích Trí Tâm lãnh nhiệm vụ đặc biệt thay mặt Giáo hội Lục hòa tăng Việt Nam, đi trực tiếp với chư sơn thiền đức các tỉnh Trung Nguyên và Cao nguyên Trung phần quy ngưỡng vào hệ thống giáo hội, do quý Hòa thượng Tăng giám Thích Huệ Thành và Hòa thượng Tổng Thư ký Thích Bửu Ý Lãnh đạo.

         Thừa hành ủy nhiệm của Trung ương Giáo hội, Hòa thượng Thích Bích Lâm cùng các đệ tử chân thành đã thành lập các tỉnh Hội Phật Giáo Lục hòa tăng miền Trung như: Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Bình Thuận, Pleiku, Kon Tum, …

         Sự cảm thông sâu sắc của Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, Hội Chủ Tổng Hội Phật giáo Việt Nam (ngày 04 tháng 01 năm 1964, Đại Hội của 11 giáo phái tại chùa Xá Lợi suy tôn Hòa thượng lên làm Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt nam Thống nhất) đối với Giáo hội Lục hòa tăng bị chế độ Ngô Đình Diệm khủng bố, khi vào văn phòng thường trực chùa Xá Lợi, số 89 đường Bà huyện Thanh Quan có gửi cho Hòa thượng Thích Huệ Thành bức thư (hiện nay tôi còn giữ):

Sài Gòn, ngày 5 tháng 7 năm 1963

Hòa thượng Thích Tịnh Khiết

Hội Chủ Tổng Hội Phật Giáo V.N

Kính Gởi

Hòa thượng Thích Huệ Thành

Tăng-Giám Giáo-Hội Lục-Hòa-Tăng

Chùa Long-Thiền Biên-Hòa

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

         Bạch Hòa thượng!

         Từ lâu tôi có ý nguyện thăm viếng chư Hòa-thượng và chiêm bái các Tổ đình miền Nam, nhưng thế nào trên hai mươi hôm rồi tôi chưa đi đâu cả, vì phần tuổi già sức yếu, phần khổ bệnh đeo mang.

         Tuy nhiên, dầu nằm một chỗ, tôi rất thấu hiểu thái độ cao quý và nỗi khổ tâm của Hòa thượng, vì vậy tôi lấy làm thâm cảm và hết sức tán thán “đơn tâm vị Pháp” của Hòa thượng.

         Nhân bệnh tình tôi có phần thuyên giảm, tôi vội vã viết thư này kính thỉnh Hòa thượng thừa nhàn quang lâm chùa Xá Lợi để huynh đệ chúng ta cùng đàm Phật-sự cho phỉ tình hoài vọng của tôi.

         Kính chúc Hòa thượng pháp thể Khinh an.

         Bức thư này của Hòa thượng Thích Tịnh Khiết mang ý nghĩa vô cùng đặt biệt. Bởi lẽ, khi thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam năm 1951 tại chùa Từ Đàm Huế là giai đoạn thống nhất Tăng Già toàn quốc đầu tiên. Khi đó, có ba vị Hòa thượng là bậc thượng thủ (tương đương như là đức Pháp Chủ):

  • Hòa thượng Thích Đạt Thanh thượng thủ Nam Kỳ, năm đó Hòa thượng đã 81 tuổi là Tôn sư của Hòa thượng Thích Huệ Thành).
  • Hòa thượng Thích Tịnh Khiết là thượng thủ Trung Kỳ.
  • Hòa thượng Thích Mật Ứng là thượng thủ Bắc Kỳ.

Cương vị là bậc thượng thủ, là một bậc thầy, thế nhưng, Hòa thượng Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam tán dương và thán phục một học trò là Hòa thượng Thích Huệ Thành Tăng Giám Trung ương của Giáo Hội Lục hòa tăng Việt Nam là vì sao? Điều này cho thấy điểm nổi bật khác thường về lòng son vì đạo, về vì sĩ khí yêu nước của một bậc chân tu.

Năm 1963, phong trào đấu tranh chính trị của các tầng lớp nhân dân thành phố Sài Gòn, Gia Định nổi lên mạnh mẽ, mà nổi nhất là phong trào đấu tranh của giới Phật giáo, trong những cuộc xuống đường biểu tình của Tăng Ni và tín đồ Phật giáo được đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia. Đến ngày 21/5/1963, hơn 600 nhà sư xuống đường tuần hành từ chùa Ấn Quang đến chùa Xá Lợi để phản đối Mỹ - Diệm đàn áp Phật giáo. Đỉnh điểm vào ngày 11/6/1963 tại ngã tư Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt, trước hàng vạn tín đồ Phật tử và chư Tăng Ni niệm kinh cầu nguyện, Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu chống lại Đế quốc Mỹ và chế độc độc tài của gia đình Ngô Đình Diệm, đòi tự do tín ngưỡng, đòi tự do tôn giáo. Ngày 30/6/1963, trên 1000 Tăng Ni tuyệt thực để cầu nguyện cho đạo pháp thoát khỏi đại nạn.

Nhân Hội nghị Phật giáo Châu Á tổ chức tại Bắc Kinh Trung Quốc có 11 nước và khu vực tham dự, Hòa thượng Thích Thiện Hào được Mặt Trận Dân tôc Giải Phóng miền Nam công cử làm trưởng đoàn, đã vạch trần âm mưu thủ đoạn và tội ác của Đế quốc Mỹ - Ngô Đình Diệm tiêu diệt Phật giáo miền Nam, đập phá chùa am tự viện, khủng bố, bắt bớ tù đày Tăng Ni Phật tử một cách dã man. Chúng đã bắt giam 6000 tín đồ Phật tử, liên tiếp bắt bớ tù đày các nhà sư yêu nước như Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, Hòa thượng Thích Thành Đạo… còn giết hơn 200 nhà sư. Hội nghị vô cùng phẫn nộ, đồng ký kiến nghị gửi Hội đồng Liên hiệp quốc yêu cầu khẩn cấp gửi một phái đoàn sang miền Nam Việt Nam điều tra về kỳ thị tôn giáo, đàn áp tàn sát Phật giáo của chính phủ Sài Gòn. Hội nghị ra lời kêu gọi các nước yêu chuộng hòa bình, công lý trên toàn thế giới, ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam

Phong trào đấu tranh của giới Phật giáo nhanh chóng lan ra khắp thế giới khi có thêm 50 vị Tăng Ni khác tiếp tục tự thiêu thắp lên ngọn đuốc từ bi làm chấn động dư luận thế giới, dấy lên phong trào đấu tranh mạnh mẽ của nhân loại tiến bộ, thúc giục Liên hiệp quốc phải họp khẩn cấp và cử ngay phái đoàn sang miền nam Việt Nam.

Lúc bấy giờ phong trào Phật giáo Sài Gòn rất mạnh làm cho Đế quốc Mỹ lo sợ, một mặt tranh thủ mua chuộc làm phân hóa nội bộ suy yếu; mặt khác cho phép thành lập Tổng Giáo hội Phật giáo Việt Nam thân Mỹ được thành lập. Do yêu cầu gấp rút ra đời vì mục đích chính trị và nhất là được sự hậu thuẫn của chế độ Ngô Đình Diệm, sư Trí Hưng đã bất chấp mọi việc, đơn phương tổ chức thành lập Giáo hội Cổ sơn môn và được chính quyền Ngô Đình Diệm công nhận tổ chức này tại Nghị Định số177/B-BNV/KS ngày 9/4/1963,[10] văn phòng Giáo hội Cổ sơn môn đặt tại chùa Phụng Sơn gần bùng binh Cây Gõ (quận 11, Chợ Lớn). Sau khi ra đời do không nhận được sự đồng tình ủng hộ của tăng ni phật tử, nên tổ chức này tồn tại không được bao lâu sau đó.[11]

 

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO CỔ TRUYỀN VIỆT NAM

 

Do phải đối diện trước tình hình khó khăn với những diễn biến hết sức phức tạp và để tránh danh xưng Lục hòa tăng, một tổ chức Phật giáo yêu nước đã bị chế độ Ngô Đình Diệm theo dõi. Từ ngày 2 đến ngày 9/7/1968 (Mậu Thân), dưới sự thống nhất của Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, Hòa thượng Thích Huệ Thành và Hòa thượng Thích Bửu Ý đã đứng ra triệu tập chư tôn đức của hai Giáo hội Lục hòa tăng và Lục hòa Phật tử về chùa Trường Thạnh (Sài Gòn) để tiến hành Đại hội khoáng đại tổ chức Lục hòa tăng và Lục Hòa Phật Tử thành Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam.

Để tránh tai mắt chánh quyền Đệ nhị Cộng Hòa từ ngày 2 đến ngày 9 tháng 7 năm 1968, Đại hội tại chùa Trường Thạnh 97 đường Bác sĩ Yersin Quận Nhì Sài Gòn nay là quận Nhất, Tp. HCM, soạn thảo hiến chương thống nhất hai Giáo hội Lục hòa tăng và Lục Hòa Phật tử thành “Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam” gồm hai Hội Đồng: Viện Tăng thống và Viện Hoằng đạo:

  1. Hội đồng Viện Tăng thống

Đại hội đã suy cử:

  • Tăng thống: Hòa thượng Thích Huệ Thành (chùa Long Thiền, Biên Hòa)
  • Phó Tăng thống: Hòa thượng Thích Minh Thành (chùa Long Vân, Gia Định)
  • Các Ủy viên: Hòa thượng Thích Hoằng Thông (trụ trì chùa Sắc Tứ, Long Hội), Hòa thượng Thích Pháp Tràng (trụ trì chùa Phước Long, Tiền Giang); Hòa thượng Thích Trí Tấn (trụ trì chùa Hưng Long, Tân Uyên, Bình Dương); Hòa thượng Thích Bửu Chơn (trụ trì chùa Kiểng Phước, Chợ Lớn); …

         Nhân dịp chúc mừng đức Tăng thống, đệ Tứ thiền gia Hòa thượng Thích Thành Đạo, trụ trì chùa Phật Ấn Quận Nhì Sài Gòn (nay là Quận I, Tp.HCM) đã tặng Hòa thượng Thích Huệ Thành câu đối:

  • Dày công tu học Huệ giải thông minh, hô hào đoàn kết giữa Trung Nam, giữ gìn gia phong Phật tổ.
  • Chức vị tối cao Thành tâm cương quyết, chấn chỉnh Lục Hòa toàn quốc,

đáng nêu gương lãnh đạo tòng lâm.

         Hòa thượng Thích Pháp Lan tặng:

                          Phật Pháp hoằng khai độ chúng sinh

                          Giáo môn thâm nhập đích chơn Kinh

                          Cổ Văn tham khảo thâm thiền học

                          Truyền tụng thanh danh tán thán thinh

                          Huệ nhựt tảo trừ vân dụ ế

                          Thành tâm cảm kích triệt hư linh

                          Tăng tài phạm vũ vi sư hẩu

                          Thống lãnh tòng lâm tác hải kình.

  1. Hội đồng Viện Hoằng đạo

Đại hội lúc bấy giờ suy cử:

  • Viện trưởng: Hòa thượng Thích Minh Đức (trụ trì chùa Thiên Tôn)
  • Phó Viện trưởng: Hòa thượng Thích Thiện Thuận (trụ trì Tổ Đình Giác Lâm)
  • Phó Viện trưởng đặc trách hành chánh: Hòa thượng Thích Bích Lâm (Tổ Đình Nghĩa Phương, Nha Trang)
  • Tổng Thư ký: Hòa thượng Thích Bửu Ý (trụ trì chùa Long Thạnh, Bà Hom)
  • Tăng trưởng Đại Diện Miền Tây: Hòa thượng Thích Huệ Đức (chùa Già Lam, Phụng Hiệp, Cần Thơ)
  • Tổng vụ Tăng Sự: Hòa thượng Thích Huệ Thông (chùa Thái Bình, Cần Giuộc, Long An)
  • Tổng vụ Xã Hội kiêm Tăng trưởng tỉnh Gia Định: Hòa thượng Thích Pháp Âm (chùa Thiên Hưng, Q. Bình Thạnh)
  • Tổng vụ Hoằng Pháp: Hòa thượng Thích Pháp Dõng (chùa Tường Quang, H. Hóc Môn)
  • Tăng trưởng tỉnh Chợ Lớn: Hòa thượng Thích Bửu Chơn (chùa Kiểng Phước - chùa Tây Đường, Q.6)
  • Tăng Trưởng Đô Thành Hòa thượng Thích Hồng Năng (chùa Pháp Minh, Q.8)
  • Phó Tăng Trưởng Đô Thành: Hòa thượng Thích Thiện Nghị (chùa Đức Lâm, Q. Tân Bình
  • Phó Tăng Trưởng Tỉnh Chợ Lớn: Hòa thượng Thích Phước Quang (chùa Phụng Sơn - chùa Gò, Q.11)

Năm 1971, Hòa thượng Thích Minh Đức viên tịch, Đại hội suy cử:

  • Viện trưởng: Hòa thượng Thích Thiện Thuận (trụ trì Tổ Đình Giác Lâm)
  • Phó Viện trưởng: Hòa thượng Thích Bửu (trụ trì chùa Long Thạnh, Bà Hom)
  • Phó Viện trưởng: Hòa thượng Thích Thiện Phú (chùa Giác Viên, Q.11)
  • Tổng Thư Ký: Thượng tọa Thích Trí Tâm (chùa Nghĩa Phương, Nha Trang

Năm 1974, Hòa thượng Thích Thiện Thuận  trụ trì Tổ đình Giác Lâm viên tịch, Đại hội bất thường suy cử:

  • Viện trưởng: Hòa thượng Thích Bửu (trụ trì chùa Long Thạnh, Bà Hom)
  • Phó Viện trưởng: Hòa thượng Thích Thiện Phú (chùa Giác Viên, Q.11
  • Phó Viện trưởng: Hòa thượng Thích Quảng Kim (chùa Trường Thạnh, Q.1)
  • Tổng Thư Ký: Thượng tọa Thích Trí Tâm (chùa Nghĩa Phương, Nha Trang

Trong vai trò mới chư Tăng Ni Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam tiếp tục đồng hành cùng dân tộc. Mang tinh thần sĩ khí yêu nước ngày càng cao và mở rộng phạm vi hoạt động khắp tỉnh thành Nam Bộ, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam phát triển lực lượng cả ‘lượng và chất’, xây dựng được 37 tỉnh hội, 81 quận hội, 5 ban chức sự, bao gồm trên 2000 ngôi chùa, tự viện, 10.750 Tăng Ni, 20.500 đạo chúng, gần 1 triệu tín đồ. Riêng Thành hội Sài Gòn - Gia Định trụ sở tại chùa Sùng Đức, 135 Hùng Vương, Chợ Lớn. Ban gồm các vị:

  • Tăng Trưởng: Hòa thượng Thích Thiện Nghị (chùa Đức Lâm)
  • Phó Tăng trưởng: Hòa thượng Thích Hồng Năng (chùa Pháp Minh)
  • Ủy viên tài chính: Hòa thượng Thích Thiện Phú (chùa Giác Viên)
  • Và một số ủy viên Tăng sự, Hoằng pháp, xã hội, văn hóa…

Tổng đoàn thanh niên Tăng Ni, văn phòng chùa Thiên Tôn 117/19 An Bình, Chợ Lớn. Ban Chấp hành Trung ương gồm có:

  • Chủ tịch: Đại đức Thích Hồng Khoa
  • Đệ nhất Phó Chủ tịch: Đại đức Thích Thiện Xuân
  • Đệ nhị Phó Chủ tịch: Đại đức Thích Nhật Quang
  • Đệ tam Phó Chủ tịch: Đại đức Thích Nhựt Hoa
  • Tổng Thư ký: Đại đức Thích Huệ Tịnh
  • Ủy viên Báo chí: Đại đức Thích Huệ Xướng
  • Ủy viên Tài chính: Đại đức Thích Bửu Minh
  • Phát ngôn viên: Đại đức Thích Phước Dũng

 Liên đoàn Thanh niên học sinh, sinh viên phật tử bao gồm Văn hóa tiểu học Lục Hòa trên toàn quốc và thành phố Sài Gòn, Gia Định. Văn phòng Trung ương đặt tại Trường Tiểu học Lục Hòa, 164 Lạc Long Quân, xã Phú Thọ Hòa, Tân Bình. Ban Chấp hành gồm có:

  • Chủ tịch: Đại đức Thích Thiện Xuân
  • Đệ nhất Phó Chủ tịch: Đại đức Thích Huệ Sanh
  • Đệ nhị Phó Chủ tịch: Đại đức Thích Nhựt Hoa
  • Đệ tam Phó Chủ tịch: Đại đức Thích Bửu Thiên
  • Tổng Thư ký: Đại đức Thích Huệ Xướng
  • Thủ quỹ: Đại đức Thích Thiện Đạo
  • Phát ngôn viên: Đại đức Thích Phước Dũng
  • Ủy viên Xã hội: Đại đức Thích Định Huệ
  • Ủy viên Tổ chức: Đại đức Thích Quảng Tiến
  • Ủy viên Kiểm soát: Đại đức Thích Hiệp Khánh

Ngày 2 tháng 9 năm 1969, nhận tin Bác Hồ - người cha của toàn dân qua đời, Phật giáo Cổ truyền Việt Nam gồm Hòa thượng Thích Bửu Ý, Hòa thượng Thích Pháp Lan, Hòa thượng Thích Huệ Thành, Hòa thượng Thích Thành Đạo, Hòa thượng Thích Thiện Nghị, Hòa thượng Thích Thiện Hòa Hòa thượng Thích Thiện Hoa, Ni sư Thích nữ Huỳnh Liên…, về dân biểu có bà Kiều Mộng Thu… làm lễ truy điệu tại chùa Khánh Hưng (ngày nay đường Cách Mạng Tháng Tám), lá cờ đỏ sao vàng được xếp từ trái cây xoài - mận, với câu “QUỐC GIA TỐI THƯỢNG” và đôi liễn:

                 “Nam - Bắc toàn dân quy thượng chính

                  Á - Âu thế giới kỉnh tu mi

Dịch:

                (Nam Bắc toàn dân theo chính nghĩa

                 Á - Âu thế giới kính mày râu)

Điều đáng nói hai chữ cuối của mỗi câu ghép láy lại chữ “CHÍNH MI” là “CHÍ MINH”. Cũng chính điều này, mà giặc bố ráp. Tuy nhiên, Hòa thượng Thích Pháp Lan đã giải thích là do yêu cầu của thân nhân, nhà chùa chỉ làm đúng bổn phận, như người thợ gỗ được khách hàng đặt bàn hoặc đặt ghế người thợ ắt phải làm theo. Nhờ lý lẽ đó, Hòa thượng Thích Pháp Lan và chư Tôn túc không bị bắt bớ.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hòa thượng Thích Pháp Lan gấp rút vận động thành lập Ủy ban Phật giáo Vận động phóng thích tù nhân để tạo cơ sở đấu tranh. Công bố danh sách thành phần Ủy ban trung ương gồm các vị nhân sĩ trí thức và nhà sư do Hòa thượng Thích Pháp Lan là chủ tịch, mở trung tâm tiếp khách ở 3 địa điểm Lê Văn Duyệt (CMT8), Quy Nhơn và Cần Thơ. Chỉ trong thời gian ngắn đã lập được danh sách hơn 7000 tù nhân chính trị.

Khi hiệp định Pari ký ngày 27-1-1973. Để che dấu tội ác dã man đối với tù chính trị ngày 6-2-1973 giặc dùng phi cơ chở hơn 200 tù chính trị ở chuồng cọp bị què lết về C3 Biên Hòa để sáng ngày 7-2-1973 thả các nơi như ga Biên Hòa, chợ Đệm - Bình Chánh... Riêng Đại đức Thích Bửu Định được thả ở ga Biên Hòa, đã đến chùa Thanh Long nhờ Sư cô Thích Nữ Huệ Hương đưa qua chùa Long Thiền. Hòa thượng Thích Huệ Thành gọi tôi (Đại đức Thích Huệ Xướng) lên Biên Hòa đưa Đại đức Thích Bửu Định (là đệ tử của Hòa thượng Thích Huệ Thành) về chùa Ấn Quang nhờ Phật tử cơ sở chăm sóc. Đến khi lành bệnh lại đưa Đại đức vô chiến khu Ba Thu (theo ngõ Đức Hòa Đức Huệ Long An giao cho chốt chị Sáu Sửa). Khi nước nhà giải phóng năm 1975, Đại đức Thích Bửu Định làm Ủy viên Ban Liên lạc Phật Giáo yêu nước, Tp. HCM, Trưởng Ban Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước quận 4. Bên cạnh đó, Bà luật gia Ngô Bá Thành cánh Phụ nữ đòi quyền sống kết hợp với Ni sư Thích nữ Huỳnh Liên đi các nơi Chợ Đệm - Bình Chánh, Đức Hòa tìm hơn 100 anh em đưa về bệnh viện Sùng Chính điều trị, đến khi đi lại được đưa trở lại chiến khu (trong số đó có anh Tư Biên - Hà Văn Hiển sau giải phóng làm Bí thư quận 10, Tp. HCM).

Cũng trong năm 1973, khi tù chính trị được trao trả ở sân bay Lộc Ninh (Bình Phước), Hòa thượng Thích Huệ Thành, Hòa thượng Thích Pháp Lan, Đại Đức Thích Huệ Xướng, cư sĩ Thiện Trí – Lê Hoằng Minh và cư sĩ Thiện Đức – Trương Hiến ra thăm và đón Hòa thượng Thích Minh Nguyệt trong số đó. Hòa thượng Thích Huệ Thành đã ca ngợi tinh thần Hòa thượng Thích Minh Nguyệt:

                Giang tay la hán lướt binh đao

               Nhập thành công tác đón ngày sau

               Ước vọng thành công đà sắp đến

               Minh Nguyệt sư huynh khổ hình đau.

               Mười ba năm đày nơi Côn Đảo

               Sống chết không sờn dạ chẳng nao

               Hiệp định Pari ngày trao trả

              Chiến khu trở lại trách nhiệm cao.

         Thực hiện chủ trương của Trung ương, Giáo hội Phật Giáo Cổ truyền Việt Nam tổ chức học tập quán triệt trong các tổ nòng cốt nội ngoại thành, đẩy mạnh đấu tranh chống Mỹ Thiệu. Ni sư Thích nữ Huỳnh Liên dẫn đầu Ni giới khất sĩ theo sau là hàng ngàn Tăng, Ni, Phật tử tuần hành. Đoàn biểu tình tiến đến ngã tư Minh Mạng -Sư Vạn Hạnh thì bị đàn áp dã man. Chúng đánh 2 sư cô và hàng chục Phật tử phải đưa đi cấp cứu. Bất chấp kẻ thù đàn áp, Ni sư Thích nữ Huỳnh Liên và lực lượng Ni giới khất sĩ vẫn trương băng rôn, hô khẩu hiệu đòi tự do tín ngưỡng, đòi nhà cầm quyền phải giải tỏa Tịnh xá Ngọc Phương. Liên tiếp như vậy suốt trong 3 ngày được sự hỗ trợ của chư tôn túc chùa Ấn Quang, cuối cùng Tỉnh trưởng Gia Định - Châu Văn Tiên đến tận nơi chấp nhận yêu sách cam kết giải tỏa Tịnh xá Ngọc Phương và tôn trọng sự đi lại lễ bái của nhà chùa. Cuộc đấu tranh đã kết thúc thắng lợi.

         Chấp hành chỉ thị chuẩn bị phối hợp lực lượng, nhằm tập hợp quần chúng giành chính quyền khi có thời cơ, ngày 21/9/1974, công bố tuyên ngôn thành lập Mặt trận Nhân dân Cứu đói gồm các đại biểu tôn giáo, đoàn thể, nhân sĩ trí thức, Phật tử tham gia do Thượng tọa Thích Hiển Pháp làm Chủ tịch, Giáo hội Trung ương. Tỉnh cũng chỉ đạo các Tỉnh hội, quận hội thành lập Mặt trận Nhân dân Cứu đói ở cơ sở. Ngày 22/9/1974 công bố danh sách Mặt trận Nhân dân Cứu đói Quận 8 do Thượng tọa Thích Huệ Hiền làm Chủ tịch, Đại đức Thích Bửu Minh làm Phó chủ tịch, Đại đức Thích Phước Dũng làm Tổng thư ký…

Đến năm 1975, non sông Việt Nam liền một dải từ địa đầu Móng Cái đến tận mũi Cà mau, chấm dứt thời kỳ phân chia hai miền Nam Bắc. Tuy nhiên, chư tôn Đức Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam tiếp tục hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận Tổ quốc TP. HCM với sứ mệnh mới góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước với phương châm “tốt đời đẹp đạo”.

Năm 1976, đợt tuyển quân “nghĩa vụ quân sự” đầu tiên, Hòa thượng Thích Bửu Ý chỉ đạo con em các cơ sở chùa, Niệm Phật đường… ở độ tuổi quy định đều phải hưởng ứng đăng ký. Sa di Trí Lạc, thế danh Lê Văn Há, đệ tử Đại đức Thích Huệ Xướng lên đường nhập ngũ, đến năm 1981 giải ngũ thương bệnh binh 2/4 với Bằng Huân chương “Chiến sĩ vẽ vang”, “Huân chương quyết thắng” và huy hiệu “ vì sự nghiệp quốc tế”.

đoàn viên thanh niên ưu tú 600 vị của 17 quận/huyện Tp. HCM công tác tại cửa khẩu Mộc Bài gia cố các công sự dọc đường biên giới khoảng một cây số về phía tay phải đường cửa khẩu qua nước bạn Campuchia. Đoàn công tác chia làm 4 nhóm, đoàn Phật giáo gồm 22 thành viên trẻ chia vào nhóm C3 do Đại đức Thích Huệ Xướng làm A trưởng, Đại đức Thích Thiện Xuân làm A phó, Hồ Sĩ Cảnh là chính trị viên, cùng Đại đức Thích Thiện Thái (chùa Giác Định, H. Bình Chánh), Đại đức Thích Hạnh Thu (chùa Pháp Hoa, Q. Phú Nhuận), Đại đức Thích Thiện Đức (chùa Giác Huệ, Q. Gò Vấp), Đại đức Thích Huệ Truyền (chùa Giác Viên, Q. 11), Đại đức Thích Tâm Khai chùa Diệu Pháp (Q. Bình Thạnh), Sư cô Thích Nữ Liên Yến (Tịnh xá Ngọc Phương, Q. Gò vấp), Sư cô Thích Nữ Lệ Thanh và Sư cô Thích Nữ Lệ thiện (Thiền Tịnh Đạo Tràng, Q. 4), Sadi Thiện Hòa Văn phòng Viện Hoằng Đạo Giáo Hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam (164 Lạc Long Quân,phường 23, quận Tân Bình), chú tiểu nhỏ nhất đoàn Minh Thành (Pháp Viện Minh Đăng Quang, quận Thủ Đức), … và Phật tử Từ Lực (chùa Giác Lâm, Q. Tân Bình) giờ chót bị bệnh nên cha là Nguyễn Văn Nhung 62 tuổi phải đi thay trong chuyến công tác Thành đoàn Thanh niên Cộng sản TP. HCM tổ chức. Trong lễ ra quân ngày 25/9/1978, Đoàn tập kết trước nhà hát Thành phố, có sư hiện diện của ông Võ Văn Kiệt, Bí thư Thành ủy Tp. HCM ra tiễn đoàn; cũng như đón đoàn trở về vào ngày 4/10/1978 sau một tuần công tác. Báo cáo kết quả về chuyến công tác, đoàn Phật giáo nhất toàn đoàn, về cá nhân Nguyễn Thành Ca (Đại đức Thích Huệ Xướng) được giấy khen của Thành đoàn là “Cá nhân lao động xuất sắc hạng nhất”. Ngày 15/1/1979, Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Cộng sản TP. HCM quyết định khen thưởng Nguyễn Thành Ca (Đại đức Thích Huệ Xướng) với thành tích “Xuất sắc xây dựng công trường quân sự bảo vệ thành phố”

Ngày 18/10/1979, được sự hỗ trợ của chính quyền, đoàn Phật giáo miền Nam đầu tiên ra tham vấn chư sơn miền Bắc đặt nền móng vận động thống nhất Phật giáo, gồm 12 thành viên:

  • Trưởng đoàn: Hòa thượng Thích Bửu (chùa Long Thạnh, Bà Hom)
  • Phó đoàn: Hòa thượng Thích Pháp Dõng (chùa Tường Quang)
  • Thư ký: Hòa thượng Thích Pháp Lan (chùa Khánh Hưng, Q.3)
  • Phó Thư ký: Thượng tọa Thích Trí Quảng (chùa Ấn Quang)
  • Ủy viên: Thượng tọa Thích Từ Nhơn (chùa Ấn Quang)
  • Ủy viên: Thượng tọa Thích Từ Thông (Tịnh Thất Huỳnh Mai)
  • Ủy viên: Thượng tọa Thích Huệ Thới – Minh Hạnh (chùa Ấn Quang)
  • Ủy viên: Đại Đức Thích Thiện Đức (chùa Pháp Vân, Q.3)
  • Ủy viên: Đại Đức Thích Minh Thành (chùa Ấn Quang)
  • Ủy viên: Đại Đức Thích Thiện Xuân (chùa Hạnh Nguyện)
  • Ủy viên: Đại Đức Thích Huệ Xướng (chùa Giác Lâm)
  • Ủy viên: Cư sĩ tăng Quang Tuyền.

Vào ngày 7/11/1981, Đại hội các tổ chức Phật giáo được tổ chức tại chùa Quán Sứ, Hà Nội. Một tổ chức mới ra đời, lấy tên là Giáo hội Phật giáo Việt Nam, là hợp nhất của 9 tổ chức:

  • Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam
  • Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất
  • Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam
  • Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam
  • Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh
  • Giáo hội Thiên thai giáo quán tông
  • Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam
  • Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước Tây Nam Bộ
  • Hội Phật học Nam Việt

Đoàn Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam tham dự gồm 12 thành viên:

  • Trưởng đoàn: Hòa thượng Thích Trí Tấn (chùa Hưng Long, Bình Dương)
  • Phó đoàn: Thượng tọa Thích Trí Tâm (Tổ Đình Nghĩa Phương, Nha Trang)
  • Thư ký: Đại Đức Thiện Xuân (chùa Hạnh Nguyện, Q. Tân Phú)
  • Ủy viên: Hòa thượng Thích Thiện Khải (chùa Thanh Lương, Biên Hòa)
  • Ủy viên: Hòa thượng Thích Huệ Đức (chùa Già Lam, Cần Thơ)
  • Ủy viên: Hòa thượng Thích Minh Nhuận (chùa Long Vân, Bình Thạnh)
  • Ủy viên: Hòa thượng Thích Quảng Kim (chùa Trường Thạnh, Q.1)
  • Ủy viên: Thượng tọa Thích Huệ Sanh (chùa Giác Lâm, Tân Bình)
  • Ủy viên: Đại Đức Thích Huệ Xướng (chùa Giác Lâm, Tân Bình)
  • Ủy viên: Đại Đức Thích Nhật Ấn (chùa Long Thạnh, Bình Tân)
  • Ủy viên: Cư sĩ Thiện Trí – Lê Hoàng Minh
  • Ủy viên: Cư sĩ Thiện Đức – Trương Hiến.

Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam không còn gọi tên riêng, mà sát nhập vào ngôi nhà chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, như sự hòa nhập của các con sông chảy ra biển lớn. Sự hòa nhập đó, đã đánh dấu một bước đường thành tựu của Giáo hội trên tinh thần “thống nhất ý chí và hành động” cùng phục vụ chúng sanh và dân tộc.

 

NHẬN ĐỊNH

 

Sĩ khí yêu nước là ngọn lửa nhiệt huyết có trong lòng mỗi người dân Việt, khi đất nước dân tộc bị lâm nguy ngọn lửa đó bùng cháy hơn bao giờ hết. Điều đó được chứng minh với sĩ khí yêu nước từ Giáo hội Lục hòa, Giáo Hội Lục hòa Liên xã, Giáo hội Lục hòa Liên hiệp, Giáo hội Phật giáo cứu quốc Nam bộ, Giáo hội Phật giáo lục hòa Tăng Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam là những dấu son lịch sử Việt Nam, đã thổi hồn cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày nay.

Ghi nhận những đóng góp to lớn của Phật giáo đối với dân tộc Việt Nam, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, đương thời là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong buổi tiếp đại biểu Đại hội hiệp thương thống nhất các tổ chức hệ phái Phật giáo Việt Nam thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (từ ngày 4-11 đến 7-11-1981) tại phủ Chủ tịch ở Thủ đô Hà Nội, ông thay mặt Đảng và Nhà nước trân trọng phát biểu: “Phật giáo Việt Nam đã góp phần làm sáng ngời lý tưởng của dân tộc và trưởng thành cùng dân tộc… Trong quá khứ, Phật giáo Việt Nam đã gắn chặt với dân tộc trong sự nghiệp dựng nước giữ nước.”

Thật vậy, các bậc tiền bối qua các thời kỳ đã cống hiến trí tuệ, công sức cho đạo pháp và dân tộc với tinh thần vô ngã vị tha sẽ mãi là tấm gương sáng cho thế hệ hậu học noi theo.

 

PHỤ LỤC

Sự khác nhau về bản chất

Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam và Giáo hội Cổ sơn môn

 

I. BẢN CHẤT CỦA GIÁO HỘI PHẬT GIÁO CỔ TRUYỀN VIỆT NAM

Tôn chỉ xuyên suốt quá trình hình thành, phát triển của Giáo hội Phật giáo cổ truyền Việt Nam là “hộ quốc an dân”. Đây không phải khẩu hiệu hô hào khuếch trương thanh thế, mà là sự khẳng định tính tất yếu lịch sử của tổ chức Phật giáo yêu nước được hình thành từ những Tăng, Ni, Phật Tử yêu nước.

Thực tế cho thấy, số lượng chư Tăng, Phật tử bị giam cầm, đánh đập, tù đày, sát hại thuộc hệ phái Lục hòa tăng và Hội Lục Hòa Phật Tử là không sao kể xiết. Nhiều chùa chiền, am cốc, tự viện bị tàn phá san bằng chiếm phần đa số so với các hệ phái Phật giáo khác. Từ năm 1955, khi cơ cấu tổ chức của Hội Lục hòa tăng và Hội Lục hòa phật tử vừa được hình thành đã bị chế độ Mỹ - Diệm theo dõi, đánh phá; một số người đã bị bắt, trong đó có cư sĩ Lê Hoàng Minh (thời gian sau đó là phát ngôn viên của Giáo hội).

Năm 1958, Giáo hội mở lớp quy tụ chúng an cư tu học tại khuôn viên chùa Giác Viên, chính quyền chế độ độc tài Mỹ - Diệm tiếp tục khủng bố, bắt bớ; có người hy sinh, có người bị bắt lưu đày ra Côn Đảo, trong số đó có yết ma Thích Thiện Nghi, trụ trì chùa Đức Lâm (Phú Thọ Hòa - Tân Bình) và Hòa thượng chùa Long An.

Năm 1960, Hòa thượng Thích Thành Đạo (chùa Phật Ấn), Hội trưởng Hội Lục hòa tăng cùng với hai thư ký tòa soạn Tạp chí Phật học, giảng sư Huệ Chí, Hòa thượng Minh Giác và Hòa thượng Minh Nguyệt bị chính quyền Mỹ Diệm một lần nữa vây bắt và đày ra Côn Đảo. Lúc bấy giờ, tình hình sinh hoạt của Giáo hội Lục hòa tăng và Hội Lục hòa phật tử trở nên bất ổn, mù mịt, Hòa thượng Thích Thiện Hào, Hội trưởng Hội Lục hòa phật tử nhân cơ hội chiến dịch Đồng Khởi năm 1960 đã lẫn tránh và bí mật vào vùng kháng chiến, trở thành Ủy viên Chủ tịch Đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, sau về làm cố vấn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Năm 1969 trở đi, những hoạt động đấu tranh của Giáo hội Phật giáo Cổ Truyền Việt Nam ngày càng khẩn trương, sôi nổi, thể hiện vai trò tiên phong trong việc đóng góp thành quả vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Năm 1975, tham gia thành lập Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh (năm 1975). Năm 1979, tham gia thành lập Ban Vận động thống nhất Phật giáo. Tiêu biểu là các vị tôn túc trong Giáo hội Phật giáo Cổ Truyền Việt Nam, như: Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, Hòa thượng Thích Thiện Hào, Hòa thượng Thích Huệ Thành, Hòa thượng Thích Bửu Ý... Cả hai tổ chức này đều có vị trí rất quan trọng và góp phần to lớn vào việc thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào năm 1981.

Như vậy, bản chất của Giáo hội Phật giáo Cổ Truyền Việt Nam là dấn thân, nhập thế, giúp đời, chống lại chính quyền tay sai, đánh đuổi, đế quốc thực hiện lý tưởng độc lập, tự do, hòa hợp dân tộc, thống nhất đất nước.

II. BẢN CHẤT CỦA GIÁO HỘI CỔ SƠN MÔN

Dưới sự điều động của vợ chồng Ngô Đình Nhu, tháng 5 năm 1963, Giáo hội Cổ sơn môn ra đời (Tổng hội Phật giáo Cổ Sơn Môn) để chống lại phong trào đấu tranh của phật tử yêu nước. Chúng dùng đoàn thể thương phế binh giả và thanh niên Cộng Hòa yêu cầu duyệt lại bản Thông cáo chung cũng như kế hoạch tiêu diệt Phật giáo đến tận gốc của Ngô Đình Nhu (Kế hoạch Nước Lũ - Kế hoạch đảo chánh giả). Được sự ủng hộ của sư Trí Hưng và sự hiến kế chiến thuật Nước lũ của Ủy ban Liên hiệp thuần túy Phật giáo. Vào lúc 00 giờ, ngày 21/8/1963, Diệm - Nhu ra lệnh tấn công các chùa trong thành phố, trong đó có chùa Ấn Quang, chùa Xá Lợi, chùa Giác Sanh, chùa Giác Minh... bắt hết chư Tăng Ni, đánh đập tàn nhẫn rồi đem giam ở Rạch Cát, phường Bình Đông, quận 7.

Để tiếp tục chính sách che mắt, đánh lừa quần chúng, hạ uy tín của Ủy ban Liên phái, chính quyền Ngô Đình Diệm bịa đặt cho rằng Ủy ban Liên phái không phải Phật giáo chân chính và thuần túy. Đồng thời, xúc tiến thành lập một ủy ban chân chính và thuần túy hơn do một nhóm người thực hiện, trong đó có sư Trí Hưng là lãnh đạo của Tổng hội Phật giáo Cổ sơn môn phụ trách. Tuy Ủy ban Liên hiệp bảo vệ Phật giáo thuần túy thành lập, nhưng hành vi của chính quyền và ủy ban này chỉ là trò hề đối với quần chúng[12].

Như vậy, Bản chất cốt lõi nhất của Giáo hội Cổ sơn môn là phục vụ cho chính quyền tay sai, đàn áp các phong trào Phật giáo yêu nước, chia rẽ dân tộc, đi lệch với tôn chỉ “hộ quốc an dân”.

Tóm lại, các tổ chức như Hội Phật giáo Thuyền Lữ và Hội Phật giáo Cổ Sơn Môn (sư Trí Hưng thành lập vào khoảng thời gian sau năm 1954), Giáo hội Phật giáo Cổ Sơn Môn (sư Trí Hưng thành lập năm 1961) và Tổng Hội Phật giáo Cổ Sơn Môn (do chính quyền độc tài Ngô Đình Diệm dựng lên vào năm 1963, Sư Trí Hưng trực tiếp lãnh đạo) về bản chất thì tất cả các tổ chức này đều cùng chung mục đích chống phá lại các phong trào đấu tranh yêu nước chính nghĩa của Phật giáo, chia rẽ nội bộ Phật giáo, đi ngược lại công lý và ngụyện vọng vì hòa bình, độc lập tự do, thống nhất đất nước của toàn dân tộc.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

  1. Trương Ngọc Tường, Hòa thượng Khánh Hòa và cuộc vận động chấn hưng Phật giáo (1921-1933).
  2. Sa Môn Thích Thiện Hoa, 50 năm chấn hưng Phật giáo Việt Nam, Phật học Viện Quốc Tế, 1970.
  3. Học giả Lê Quốc Sử, Tài liệu Phật giáo Gia Định – Sài gòn Tp. Hồ Chí Minh 300 năm.
  4. Thích Huệ Thông, Lược sử Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, NXB Văn Hóa Văn Nghệ, 2019.
  5. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 3, NXB Văn học, 1979.
  6. Kinh Trường A Hàm, Viện Nghiên Cứu Phật học Việt Nam ấn hành, 1993.
  7. HT. Thích Thanh Từ, Qui Sơn Cảnh Sách giảng giải, NXB Tôn Giáo, 1993.
  8. HT. Thích Thanh Từ, Pháp Bảo Đàn Kinh giảng giải, NXB Tôn Giáo, 1992.
  9. Viện Nghiên cứu Phật học Việt nam và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. HCM, Phật giáo vùng Mê Kong, ý thức môi trường và toàn cầu hóa, (Kỷ yếu hội thảo), NXB. ĐHQG tp HCM, 2015, trang 110
  10. Ban Tôn giáo Chính phủ (1995), Một số tôn giáo ở Việt Nam, Nxb Hà Nội.
  11. Lê Cung, Phong trào Phật giáo Việt Nam 1963, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, 1999.
  12. Kỷ yếu Hoà thượng Minh Nguyệt.
  13. Kỷ yếu Hoà thượng Thiện Hào.
  14. Kỷ yếu Hoà thượng Bửu Ý.
  15. Kỷ yếu Hoà thượng Huệ Thành.

 

 

[1] Viện Nghiên cứu Phật học Việt nam và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tp HCM, Phật giáo vùng Mê Kong, ý thức môi trường và toàn cầu hóa, (Kỷ yếu hội thảo), NXB. ĐHQG tp HCM, 2015, trang 110.

[2] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 3, NXB văn học, Hà Nội, 1979, trang 557

[3] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 3, NXB văn học, Hà Nội, 1979, trang 559

[4] Pháp Âm số 7 (tháng 7.1937). Dẫn theo Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 3, trang 574.

[5] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 3, trang 575.

[6] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 3, trang 581.

[7] Pháp Âm số 5, tháng 5 năm 1957, dẫn theo Nguyễn Lang, tài liệu đã dẫn tập 3, tr. 575.

[8] Thích Huệ Thông, Lược sử giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, NXB Văn hóa văn nghệ tp. HCM, 2019, trang 97.

[9] Sau năm 1945, trường bị giặc Pháp đốt phá

[10] Theo nguồn tư liệu được lưu trữ tại Tổ đình Hội Khánh (Bình Dương): “...Trong giai đoạn chế độ Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo, nhằm thực thi một tổ chức tôn giáo làm hậu thuẫn cho mình, chính quyền nhà Ngô đã dựng lên một tổ chức Phật giáo lấy danh hiệu là Cổ Sơn Môn. Đây là một tổ chức hình thành có dụng ý làm cơ sở hậu thuẫn cho chính quyền chống lại các phong trào đấu tranh của Tăng Ni Phật tử đang đứng về chánh nghĩa, nhất là chống lại Ủy ban liên phái bảo vệ Phật giáo. Bên cạnh đó, trong bản tường trình của Đô trưởng kiêm Tổng giám đốc Cảnh sát Sài Gòn gởi Tổng trưởng Bộ An Ninh Sài Gòn đề ngày 2/1/1964 đã ghi nguyên văn như sau: “Khoảng tháng 5/1963, Nguyễn Văn Y (nguyên Tổng Nha Cảnh sát Quốc gia) có giao cho Võ Từ Hạ và Lưu Văn Nhung vận động quy tụ nhóm Lục Hòa Tăng cũ thành lập Tăng hội Phật giáo Cổ sơn môn (một tên gọi khác của tổ chức này là Tổng hội Phật giáo Cổ sơn môn – Nam Việt) làm hậu thuẫn ủng hộ Diệm - Nhu chống lại Ủy ban liên phái bảo vệ Phật giáo. Tổ chức với tên gọi Cổ sơn môn đã đánh lừa một số Tăng Ni”...

 

[11] Giáo hội Cổ sơn môn do chính quyền Ngô Đình Diệm lập nên khác với Hội Sơn môn (Hội Cổ sơn môn) của Tổ đình Hồng Phúc (chùa Hòe Nhai) lập nên để góp phần chấn hưng Phật giáo trên khắp cả ba miền. Cổ Sơn Môn là tên gọi thể hiện sự tôn kính của Phật tử và lưu giữ truyền thống danh xưng trong sinh hoạt giáo hội của các bậc tiền bối tăng già hệ phái Lục Hòa Tăng Việt Nam. Trong bản Điều lệ của Giáo Hội Lục hòa tăng Việt Nam được tuyên cáo vào năm 1952 có mở ngoặc là Cổ sơn môn. Khi Tổng hội Cổ sơn môn của sư Trí Hưng thành lập do chính quyền Ngô Đình Diệm dựng lên thì chư tôn đức giáo phẩm và toàn bộ chư Tăng, Ni, Phật tử trong hệ phái Lục Hòa Tăng không còn dùng đến danh xưng này nữa.

[12] Theo Lê Cung, Phong trào Phật giáo Việt Nam 1963, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, 1999.

 

Chia sẻ
Bài viết liên quan