Ăn chay theo quan điểm đạo Phật
Ăn chay là tiêu chí hàng đầu giúp chúng ta quay về sống với tâm từ, không tạo nghiệp oán hận, không vay nợ máu thịt và ngày càng tiến hóa trên con đường tu tập hạnh Bồ Tát, mang lại lợi ích cho mình và làm lợi ích cho tất cả chúng sanh.
BÀI 1
Đối với một người bình thường, chúng ta cần phải ăn mới có thể tồn tại, đó là quy luật tự nhiên của thế gian. Do đó, đa số trong mối quan hệ giao tiếp của con người, nhất là người Việt Nam, việc ăn uống luôn được đưa vào các sinh hoạt, giao tiếp hằng ngày chẳng hạn như “ ăn cưới, ăn giỗ, ăn sinh nhật, ăn thôi nôi, ăn đầy tháng, ăn tân gia, ăn tất niên vv…
Tuy nhiên, con người luôn được ca tụng là loài động vật cao cấp. Chính vì thế chúng ta cần có một kiến thức sâu rộng về ăn uống sao cho có sức khoẻ, không làm tổn hại đến các loài khác mới xứng danh. Ví như một cái cây, khi được chăm bón đúng cách sẽ tươi tốt và trổ hoa thơm trái ngọt, ngược lại, sẽ cằn cỗi úa tàn khó duy trì sự sống là lẽ tất nhiên.
Cũng vậy, ăn uống đúng cách sẽ khỏe mạnh, vui tươi và sáng suốt. Ngược lại, có thể lắm bệnh, lãng phí tiền của, tốn nhiều công sức, vô bổ, tạo nhiều ác nghiệp… bởi thế cho nên có câu: “Họa tùng khẩu xuất, bệnh tùng khẩu nhập” Nghĩa là hoạ từ nơi miệng mà ra, bệnh cũng từ nơi miệng mà vào. Thế thì phải ăn như thế nào mới đem lại sức khỏe cho mình và đặc biệt là không làm tổn hại muôn loài, là giá trị của sự sống. Đó là vấn đề “Ăn chay.
Ăn: động từ: chỉ cho việc nhai, nuốt thức ăn để nuôi cơ thể.
Chay: nghĩa gốc là “Trai” Tiếng phạn: Upavasatha: tức là thanh tịnh, chỉ cho tâm không tham đắm. Cũng có nghĩa là “Thời thực
Thời thực: là chỉ cho buổi ăn Ngọ (từ 10 h đến 12 h), nếu ăn quá ngọ gọi là phi thời thực. Và chữ “Trai” được chuyển sang nghĩa. Tố thực: là không ăn thịt. Giờ đây nói ăn chay, trì trai là theo nghĩa này.
Ăn chay: là hạn chế làm tổn hại sinh mạng chúng sinh. Được hiểu là ăn những thức ăn thuộc loài thực vật. Không dùng những thức ăn động vật. Trái nghĩa với ăn chay là “ăn mặn”
Ăn mặn: xuất xứ từ chữ “ăn mạng”. Là ăn các loại thịt động vật như thịt heo, thịt bò, thịt gà, tôm, cua, cá …. Sau này “ăn mạng” được nói trại ra “ăn mặn”.
Đạo Phật là đạo Từ Bi và Trí Tuệ. Đức Phật đã giới thiệu cho chúng ta con đường dẫn đến đoạn trừ khổ đau. Đó là con đường tu tập của Giới, Định, Tuệ”. Hay nói một cáh khác, toàn bộ lời dạy của Ngài được cô đọng qua bài kệ do Thích Minh Châu (2000), dịch, Kinh Pháp Cú, NXB Tôn giáo Hà Nội.:
"Không làm các điều ác
Hay làm các việc lành
Tâm ý giữ trong sạch
Đó là lời Phật dạy"
Thật vậy, đạo Phật xuất trên thế gian suốt hơn 25 thế kỷ, vẫn đứng vững với thời gian. Đặc biệt là ngày càng được thế giới biết đến và rất ngưỡng mộ, bởi đạo Phật mang đậm chất thuần tịnh và giải thoát, được thể hiện qua phương châm “ Từ bi – Trí tuệ” hay “Vô ngã – vị tha” có thể nói một cách đơn giản là ban vui, cứu khổ tất cả chúng sinh.
Thế nên, mỗi người con Phật cần tư duy và hành động đúng theo con đường Phật dạy nhằm đem lại sự an lạc, hạnh phúc cho mình và mọi người, mọi loài. Trong đó, việc “ăn chay” của đạo Phật cũng không ngoài ý nghĩa này, tức là không làm tổn thương sinh mạng của chúng sinh.
Từ ý nghĩa trên, các bộ phái Phật giáo phát triển tức Phật giáo Bắc truyền, còn gọi là Phật Giáo Bắc Tông, Phật giáo Đại thừa, do ảnh hưởng tinh thần Bồ Tát không làm não hại chúng hữu tình, phát triển tâm từ, cho nên chủ trương ăn chay.
Do đó, khi Phật giáo phát triển) truyền vào đất nước Trung Hoa, ngay từ đầu thời kỳ du nhập, việc ăn chay đã được Vua Lương Võ Đế áp dụng một cách triệt để.
1. Ảnh hưởng việc ăn chay của vua Lương Võ Đế
Qua tác phẩm “Trung Quốc Phật giáo sử” của nhà sử học Quách Bằng Vua Lương Võ Đế (502 ~ 536) Vua Lương Võ Đế vốn là phật tử rất thuần thành, ông là người có công kiến tạo nhiều ngôi chùa đồ sộ ở Trung Quốc, có thể giảng kinh nói pháp, ngay cả việc chú giải kinh điển. Là người có ảnh hưởng sâu sắc đến hậu thế khi triệu tập gần hai trăm các vị tăng lỗi lạc, đến cung đình để cử hành một buổi nghiên cứu và thảo luận về vấn đề trường chay và đã được mọi người ủng hộ.
Do đó, đối với tín đồ Phật giáo phát triển (Đại thừa) tại đất nước Trung Hoa và các nước Phật giáo chịu ảnh hưởng từ đất nước này như: Đài Loan, Triều Tiên, Singapore, Việt Nam … đa số đều ăn chay, bởi việc ăn chay mang nhiều ý nghĩa như sau:
- Ý nghĩa ăn chay
Ăn chay đúng nghĩa: có 3 loại
- Thân chay: nghĩa là thân không giết hại chúng sanh, cũng không gieo tai ương cho chúng sanh như: đặt bẫy, phun thuốc … không làm các việc xấu ác.
- Miệng chay: tức là miệng không ăn các loại thức ăn thuộc thịt động vật, chỉ ăn các loại thực vật như: rau, củ, quả … miệng không xúi người khác giết, không nói lời ác.
- Tâm chay: luôn nghĩ đến những thức ăn chay thanh tịnh, hướng thiện và hướng thượng. Tâm không được nghĩ điều xấu ác.
Tóm lại, ăn chay không chỉ mang ý nghĩa thân, khẩu, ý không lầm lỗi. Đặc biệt còn hướng tâm đến hoàn thiện rốt ráo an vui, thực hành hạnh Bồ Tát nhằm cứu độ tát cả chúng sinh cho đến khi công viên quả mãn. Đó mới chính là mục đích ăn chay.
1. Phương diện tâm linh
- Nuôi dưỡng tâm Từ Bi
TỪ: là ban vui. Bi: là cứu khổ
Nuôi dưỡng tâm Từ Bi: tức là ngày càng mở rộng tình thương yêu đến khắp muôn loài. Vì sao?
Bởi vì, “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng” (Trịnh Công Sơn) Một tấm lòng không gì hơn ngoài ban vui cứu khổ. Cho nên không ăn thịt chúng sanh là một trong những cách thể hiện tấm lòng yêu thương rộng lớn đến khắp muôn loài.
Hơn nữa, khi chúng ta ăn sản phẩm có nguồn gốc từ thịt, tức là đã tạo nên những nhân tố thiết yếu (nhu cầu tiêu thụ) để cho người khác giết những con vật. (cung cấp theo yêu cầu). Bởi sự đồng ý ăn thịt do người khác phục vụ, chúng ta là nguyên nhân tạo cho người khác giết hại loài vật. Trong khi Kinh Pháp Cú kệ 129, 130, đức Phật dạy:
“Ai ai cũng sợ gươm đao
Ai ai cũng sợ sự chết
Suy ta ra lòng người
Chớ giết, chớ bảo giết!”
Là một người có tấm lòng từ bi, biết thương xót đến tất cả chúng sinh thì trong mọi khía cạnh của cuộc đời, tâm từ bi đó phải được luôn luôn hiển lộ. Chúng ta thử nghĩ, khi mình bị ai đó bắt trói, bị cột tay, cột chân, bị nhốt, hoặc bị đứt tay … còn thấy đau đớn khó chịu, huống chi là bị cắt cổ, thọc huyết.
Nếu như chúng ta đã từng nhìn thấy cảnh con ếch chấp tay vái lại trước lưỡi dao, con cá bị người ta lấy chài đập vào đầu một cách dã man không thể chóng cự, con cua bất lực, giẫy dụa trong nồi nước sôi cho đến chết, con bò bị điện giật dẫy tê tê, con heo bị thọc huyết máu lai láng, con gà bị cắt cổ lật lìa còn vùng vẩy tháo chạy quanh nhà … thử hỏi chúng ta ăn thịt trong khi chúng chết một cách tức tưởi, chết trong đau khổ, như vậy ta có tâm từ bi không?
(Dẫn chuyện: Gà bị cắt cổ chạy quanh nhà
Thế thì, ăn thịt, vô hình chung chúng ta tạo lý do cho người khác giết, cũng chính là tiếp tay cho người khác phạm giới sát trong khi chúng ta mạnh miệng ăn nuốt thịt chúng sinh. Thế thì thử hỏi tâm từ bi chúng ta nằm ở đâu ? Sao ta mong muốn mình được giải thoát, lại cứ thản nhiên ăn thịt chúng sinh mà khi không nghĩ đến chúng phải chịu đau đớn trước khi chết.
Trong Kinh Vu Lan ghi lại câu chuyện, hình ảnh Đức Thế Tôn nhân chuyến du hành cùng các vị đệ tử, Ngài dừng lại và đãnh lễ trước đống xương khô. A Nan lấy làm lạ muốn biết nguyên do, vì sao Đức Phật là Bậc chánh đẳng giác, là thầy của cả trời và người, sao Ngài còn lại đống xương khô. A Nan đến bạch Phật:
“Thầy là từ phụ ba phương bốn loài
Ai ai cũng kính Thầy dường ấy
Cớ sao Thầy lại lạy xương khô?”
Đức Phật dạy:
“Bởi chưa biết đục trong chưa rõ
Nên vì ngươi ta tỏ đuôi đầu
Đống xương dồn dập bấy lâu
Cho nên trong đó biết bao cốt hài
Chắc cũng có ông bà cha mẹ
Hoặc thân ta hoặc kẻ ta sanh
Luân hồi sanh tử, lộn quanh
Lục thân đời trước thi hài còn đây”
(Thích Huệ Đăng (2006), Kinh Vu Lan Báo Hiếu, diễn nghĩa, NXB Tôn giáo)
Qua đó cho thấy, tất cả chúng sanh trong lục đạo luân hồi đều ít nhất một lần là cha, mẹ, anh, em, chồng, vợ, con cháu của ta. Chỉ vì do ta không thấy, không nhớ những kiếp trước của mình nên ta khó có thể chấp nhận đó là sự thật. Ngay cả những việc làm của mình lúc lên ba tuổi còn không nhớ, hà tất nhớ những chuyện của kiếp xưa.
Do đó, ăn chay là thể hiện lòng từ bi và tình thương không có điều kiện đối với chúng sanh. Và như thế, nếu chúng ta không ăn chay, thử hỏi bao tử của con người có phải là nghĩa trang, nơi chôn cất các loài thú?
Chính vì thế, đối với những chúng sanh đọa làm thân loài vật, nhìn bằng cặp mắt của người trí, tất cả chúng sanh đều là quyến thuộc của ta, sao ta có thể ăn thịt người thân của mình? Do đó, không ăn thịt chúng sanh nhằm nuôi lớn tâm từ bi.
- Tôn trọng Phật tánh
Phật Tánh: là chơn tánh, là tánh chơn thật.
Đã là chơn tánh thì không thể nói chơn tánh của người này quý hơn chơn tánh của người kia, của loài này quý hơn loài kia.
Trong Kinh Pháp Hoa Đức Phật dạy: “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành" Qua lời dạy trên cho chúng ta thấy: “không có giai cấp phân biệt khi dòng máu cùng đỏ, giọt nước mắt cùng mặn, mọi loài đều bình đẳng trong tự tánh” và như thế, tất cả chúng sanh đều bình đẳng tánh như nhau.
Kinh Pháp Hoa còn cho biết “Long Nữ thành Phật”. Do đó, càng không nên quan niệm “Vật dưỡng nhơn” Tức là dùng mạng sống của các loài vật để nuôi mạng sống của mình. Vì sao? Chúng ta biết quý thân mạng mình, nếu ai mưu hại sẽ tìm cách chóng cự, bảo vệ. Thế thì, sao ta ỷ mình khôn, mạnh mà giết hại loài ngu, yếu. Việc mình không muốn lại đem ra đối xử với kẻ khác, loài khác là không công bằng.
Hơn nữa, theo trong Kinh Đức Phật đã dạy, mọi người, mọi loài đều có Phật tánh giống nhau, đối với tất cả chúng sanh đều đồng một tri giác bình đẳng, ẩn trong thân hình sai biệt, khi còn mê lầm là chúng sanh, khi giác ngộ sẽ thành Phật. Bởi thế cho nên:
“Tánh linh người vật cũng đồng
Tuy không biết nói mà lòng biết nghe
Dù là thân thể tuy hai
Nhưng mà Phật tánh chẳng sai chút nào”
Do đó, đối với một chúng sanh, nếu có cơ hội, có đủ phước, đủ duyên lành, đều có thể tu, có thể chuyển hóa thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi và thành Phật trong tương lai. Cho nên, khi giết một chúng sinh, tức là ta làm đoản mạng hạt giống Phật nơi chúng sanh ấy. Vì thế, ăn chay để góp phần không sát hại chúng sinh, tức là tôn trọng Phật tánh.
- Tránh qủa báo luân hồi
Kinh Lăng Nghiêm Đức Phật dạy: "Hễ giết một mạng tất phải chịu quả báo. Tâm giết hại chẳng dứt trừ, quả nhiên không thể nào ra khỏi trần lao." Qua lời trên cho thấy, tất cả chúng sanh từ vô thỉ đến nay, cứ tạo nhân tội ác, sát hại ăn thịt lẫn nhau, nên bị ác quả là sanh tử luân hồi mãi trong sáu đường.
Hơn nữa, khi chúng ta bắt giết một chúng sanh, chúng đâu cam chịu nên giãy giụa kêu gào. Nhưng vì bất lực trước bàn tay thô bạo của chúng ta nên chúng đành phải bỏ mạng. Chết như thế chúng đâu cam chịu, do đó sẽ sanh tâm oán hận, khi nhân duyên gặp lại, chắc chắn chúng sẽ không buông tha cho ta. Điều này, Tổ Quy Sơn cũng cảnh tỉnh rằng :
“Giả sử bách thiên kiếp
Sở tác nghiệp bất vong
Nhân duyên hội ngộ thời
Quả báo hoàn tự thọ”
Nghĩa là: Dù cho có trãi qua trăm ngàn kiếp, một khi ác nghiệp mình đã gây tạo. Khi nhân duyên gặp lại, quả báo tự mình thọ lãnh. Điều này trong cuộc sống được thể hiện thấy rất rõ, từ gia đình cho đến ngoài xã hội, có những người họ không lắng nghe ý kiến của nhau, luôn gây gỗ, tìm cách chống báng, giết hại lẫn nhau có thể dẫn đến mất mạng.
(Dẫn chuyện: Qủa báo hiện tiền: Ăn thịt rắn, nổi thịt dư khắp toàn thân)
Do đó, đối với người tu tập tâm từ chẳng những không ăn thịt chúng sinh mà cần phải phóng sinh. Nên trong Luận Trí Độ dạy: “ Chư dư tội trung, sát nghiệp tội trọng. Chư công đức trung, phóng sanh đệ nhất” Nghĩa là trong tất cả tội, sát sanh là tội nặng nhất và trong tất cả công đức, phóng sanh là đứng đầu.
Như vậy, việc ăn chay giúp chúng ta không mắc nợ thân mạng, vì khi mắc nợ thân mạng, đời đời phải chịu cảnh oan gia tương báo mãi trong sanh tử luân hồi. Do đó, ăn chay là cách tốt nhất để ngăn ngừa tạo nghiệp ăn nuốt lẫn nhau.
- Dứt tâm tham nhiễm nơi vị trần
Trong mười pháp giới, nếu nói tóm tắt, duy có hai nẻo: Phàm và thánh. Phàm phu tâm còn nhiễm ô phiền não, chư thánh tâm hằng sáng thanh tịnh. Chúng ta muốn vượt phàm lên thánh, thoát khỏi luân hồi, phải bỏ nhiễm về tịnh. Muốn được tịnh tâm, phải ngăn ngừa khi sáu căn tiếp xúc sáu trần không đắm nhiễm. Thế nên, ăn chay thanh tịnh là một trong các phương diện ngăn ngừa tâm tham đắm nơi vị trần. Trong Kinh Bát Đại Nhân giác dạy:
“Đa dục vi khổ
Sanh tử bì lao
Tùng tam dục khởi
Thiểu dục vô vi
Thân tâm tự tại”
Nghĩa là đối với Ngũ dục lạc, mong muốn nhiều thì khổ nhiều. Ít muốn biết đủ được an lạc. Cho nên, chúng ta ăn mà còn tham đắm vào miếng ngon vật lạ, còn thích ăn thịt, tạo nghiệp nghĩa là chúng ta còn chìm đắm mãi trong sinh tử luân hồi thôi.
(Dẫn chuyện: Cà Ri Chay )
Gia đình nọ có một cậu con trai , vào ngày rằm- mùng một âm lịch, mẹ cậu thường nấu thức ăn chay và khuyến tấn cả nhà cùng ăn nhưng lần nào cậu ta cũng ra quán ăn vì quan niệm ăn chay không được.
Một hôm, không phải ngày mẹ nấu cơm chay. Nghĩa là vẫn như mọi ngày, cậu ta đi học về và dùng cơm với gia đình. Khi ăn xong mẹ cậu hỏi: “hôm nay con dùng món cà ri mẹ nấu có ngon không ? Cậu thanh niên trả lời “Thưa mẹ! ngon lắm ạ!” mẹ cậu lại hỏi “Thế con có biết đó là món gì không? Cậu ta trả lời “Thưa mẹ đó là cà ri gà ạ!”. Bà mẹ nhẹ nhàng bảo “Con nói đúng lắm, nhưng chỉ đúng về mặt hình thức thôi. Bởi đó là rà ri “chay đấy”! Cậu ta ngạc nhiên trầm trồ “Ồ! Chay mà cũng ngon thế à ?”
Qua câu chuyện trên, quả là khi chúng ta ăn chay mà cảm thấy khó khăn, là do còn thích món ăn ngon, cũng có nghĩa là thiệt căn còn nhiễm vị trần, tức là tâm còn tham đắm ô nhiễm. Cho nên, muốn dễ được tịnh tâm, người Phật tử nên tập ăn chay, từ chay kỳ đến chay trường.
Tuy nhiên, vấn đề cần hiểu rõ, bởi trên thực tế chúng ta thấy Phật giáo Nguyên Thuỷ (gồm các nước như: Thái Lan, Myanma, silanka, Lào, Campuchia … còn gọi là Phật giáo Nam Tông và Phật giáo Tây Tạng (mặc dù theo đại thừa), phần nhiều còn ăn theo thuyết Tam tịnh nhục, tức còn ăn mặn.
Thế thì câu hỏi được đặt ra ở đây là: Vì sao có sự khác biệt như thế ? Xin thưa! Ngay vào thời Đức Phật còn tại thế, hai điều này được Đức Phật dạy như sau:
1. Lý do Phật chế “Tam tịnh nhục”
Vào thời Đức Phật còn tại thế, Tăng chúng được ăn “Tam tịnh nhục” hay “Ngũ tịnh nhục”
Tam tịnh nhục: Nghĩa là được phép ăn thịt con thú với ba điều kiện không nghe, không thấy, không nghi con thú bị giết làm thức ăn cho mình.
Ngũ tịnh nhục: Nghĩa là được phép ăn thịt con thú với ba điều kiện không, nghe, không thấy, không, nghi con thú bị giết làm thức ăn cho mình, kể cả con vật tự chết và con vật bị thú ăn còn dư. Một vị Tỳ Kheo được phép dung thịt với đầy đủ “Tam tịnh nhục” hoặc “Ngũ tịnh nhục” nghĩa là ăn với tâm không tham đắm, ăn để có sức khỏe tu tập được xem là ăn thanh tịnh.
Vì sao Đức Phật cho phép Tăng chúng trong thời gian đầu dùng tam tịnh nhục mà không khuyến khích ăn chay?
Ví như con người nhiều bệnh, các bệnh lại không giống nhau nên thầy thuốc phải tùy bệnh cho thuốc.
Cũng như thế, Đức Phật là một Bậc đại y vương, trước khi diễn nói Ngài quán sát thính chúng, biết căn cơ của người nghe pháp để đưa ra những giáo pháp thích hợp nhằm chữa cho chúng sinh hết bệnh.
Trong thời kỳ đầu của đạo Phật, tài sản của các vị Tỳ Kheo là 3 y, bình bát, tọa cụ, đải lọc nước và ngủ ngoài gốc cây không được quá 3 đêm. Chính vì thế nên thực phẩm của các vị Tỳ Kheo là dùng pháp khất thực nhằm truyền bá chánh pháp và gieo duyên cho tất cả chúng sinh có cơ hội tạo phước nên Đức Phật tùy phương tiện chế ra tam tịnh nhục.
Do đó, khi ăn phải trộn các thức ăn với nhau để không còn phân biệt món này với món khác, món ngon, món dở và không phân biệt, mục đích không còn luyến ái mùi vị thơm ngon, chỉ cần ăn để nuôi sống thân mạng, tu hành giải thoát.
Trong Kinh “Jivaka” Trung Bộ II, số 55, trước khi nói rõ về Tam tịnh nhục, tức ba thứ thịt thanh tịnh mà các Tỷ kheo được phép thọ dụng, Thế Tôn đã minh định:
“Này Jivaka! những ai nói như sau: Vì Sa môn Gotama, họ giết hại các sinh vật. Và Sa môn Gotama tuy biết thế vẫn dùng các loại thịt được giết vì mình, được làm cho mình, những người ấy không nói chính lời của Ta, họ xuyên tạc Ta, không như chân, không như thật. Này Jivaka! Ta nói trong ba trường hợp, thịt không được thọ dụng: thấy, nghe và nghi (vì mình mà giết). Này Jivaka! Ta nói trong ba trường hợp này, thịt không được thọ dụng. Này Jivaka! Ta nói trong ba trường hợp, thịt được thọ dụng: không thấy, không nghe và không nghi (vì mình mà giết). Này Jivaka, Ta nói trong ba trường hợp này, thịt được thọ dụng”.
Đức Phật, vì muốn độ chúng sinh nên phương tiện nói pháp. “Ngài tuỳ duyên nói pháp”. Đã là tùy duyên nói pháp nên không có một pháp nhất định có thể nói là đúng hay không đúng, mà là tuỳ duyên, tùy thời, tùy hoàn cảnh, tùy căn cơ của từng đối tượng nên Phật nói pháp.
Trong kinh có thuật rằng, một ngày nọ, Đức Phật đến thuyết pháp cho một làng chuyên nghề săn bắn thú. Ngài khuyên dân chúng ở đó nên bắt chước theo những làng khác, trồng trọt rau trái, lúa gạo để làm thực phẩm sinh sống, không nên vui thú trong việc săn bắn. Ngài cũng từng khuyên vua Tần-bà-sa-la không nên giết hại thú vật để tế thần. Như vậy, chúng ta hãy suy ngẫm, mặc dù Phật chế pháp tam tịnh nhục nhưng Ngài không khích lệ đệ tử ăn thịt gia súc.
Tóm lại, mặc dù Đức Phật cho phép ăn Tam tịnh nhục trong một số điều kiện, trường hợp đặc biệt nào đó, ở một thời điểm hay một nơi nào đó, cũng là vì có nguyên nhân sâu xa và các thứ thịt ấy cũng chính là do Đức Phật dùng thần lực hoá ra, chớ chẳng phải thịt của chúng sanh.
Trong Kinh Lăng Nghiêm Đức Phật dạy: “Này A Nan, Như Lai khiến các tỳ kheo ăn ngũ tịnh nhục. Thịt đó đều do Như Lai dùng thần lực hóa sanh, nên không có mạng căn. Vì rằng về đất Bà La Môn, phần nhiều ẩm thấp, lại thêm nhiều đá, nên cây cỏ và rau không mọc được nên Như Lai dùng thần lực đại bi giúp, nhân đức từ bi lớn, giả nói là thịt. Ông được ăn các thứ đó".
2. Vấn đề không ăn thịt
Tuy nhiên, bản chất của đạo Phật vẫn là đạo ban vui, cứu khổ cho chúng sanh. Nên luôn trân quý mạng sống các loài hữu tình, tất cả những gì có sự sống, có cảm giác, từ những con vật nhỏ nhít cho đến tất cả muôn loài. Đức Phật dạy phải dụng tâm yêu thương chúng sanh và bảo vệ sự sống ấy.
Do đó, khi nói đến “ăn chay” đã được xác lập ngay từ khi Đức Phật còn tại thế. Đặc biệt là hiện nay rất được mọi giới quan tâm. Trước nhất chúng ta Tìm hiểu những lời dạy của Đức Phật về vắn đề “ăn chay”
Trong Kinh Đại Bát Niết Bàn, Phẩm Tứ Tướng thứ 7, trang 124, 125, 126, bản dịch của Hòa Thượng Thích Trí Tịnh có ghi lại: Đức Phật dạy: “Này Ca Diếp! Từ nay Như Lai cấm các đệ tử không được ăn tất cả các thứ thịt” (Thích Trí Tịnh, dịch (2003), Kinh Đại Bát Niết Bàn tập I, Phẩm Tứ Tướng, NXB Tôn giáo Hà Nội)
Ngài Ca Diếp Bồ Tát bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Vì sao Đức Như Lai không cho phép ăn thịt?”
Phật dạy: “Này Ca Diếp! luận về người ăn thịt thời mất giống đại từ ”
Cũng trong Kinh Niết Bàn, phẩm Tứ Tướng thứ 7 Đức Phật dạy: “Nầy Ca Diếp! Bắt đầu từ ngày nay trở đi, Như Lai không cho phép hàng Thanh Văn đệ tử ăn thịt, nếu đàn việt đem đến dâng thí, phải xem thịt ấy như thịt con mình…” (Thích Trí Tịnh, dịch (2003), Kinh Đại Bát Niết Bàn tập I, Phẩm Tứ Tướng, NXB Tôn giáo Hà Nội)
Ca Diếp Bồ Tát lại bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Duyên cớ gì ngày trước Đức Như Lai cho phép hàng Tỳ Kheo ăn ba thứ tịnh nhục”?
Phật dạy! “Này Ca Diếp! Ba thứ tịnh nhục ấy chỉ là theo việc mà tạm chế thôi.”
Ca Diếp Bồ Tát bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Duyên cớ gì mà mười thứ bất tịnh, nhẫn đến chín thứ thanh tịnh, Như Lai lại chẳng cho phép?”
Phật nói: “Cũng là nhơn sự mà lần lược chế. Nên biết chính là nghĩa đoạn nhục hiện nay.” Vì dị ý nên cho ăn ba thứ tịnh nhục. Vì dị ý nên cấm ăn mười thứ thịt. Vì dị ý nên cấm tất cả thứ thịt đều không được ăn, dù là thịt của con vật tự chết. Nầy Ca Diếp! Từ nay Như Lai cấm các đệ tử không được ăn tất cả các thứ thịt.” (Thích Trí Tịnh, dịch (2003), Kinh Đại Bát Niết Bàn tập I, Phẩm Tứ Tướng, NXB Tôn giáo Hà Nội)
Hơn nữa, Phẩm Kinh Di giáo thứ 26, trước khi Đức Phật diệt độ, trong những giây phút cuối cùng, Ngài dặn dò các đệ tử: “Phải thương xót chúng sinh, chớ giết hại dầu là côn trùng nhỏ nhít. Thân nghiệp thanh tịnh thường sanh cõi tốt lành. Khẩu nghiệp thanh tịnh xa lìa những lỗi ác. Chớ ăn thịt, chớ uống rượu. Phải suy nghĩ kỹ nghiệp nhân thiện ác cảm báo tốt xấu. Nhân quả ba đời tuần hoàn chẳng mất, như bóng theo hình. Đời này luống qua về sau ăn năn không kịp. Giờ Niết Bàn đã đến, ta tóm tắt dạy bảo như vậy.” (HT. Thích Trí Tịnh, dịch, Kinh Đại Bát Niết Bàn, tập I, phẩm Kinh Di Giáo thứ 26, NXB Tôn giáo Hà Nội, năm 2009, tr 672)
Trong kinh có thuật rằng, một ngày nọ, đức Phật đến thuyết pháp cho một làng chuyên nghề săn bắn thú. Ngài khuyên dân chúng ở đó nên bắt chước theo những làng khác, trồng trọt rau trái, lúa gạo để làm thực phẩm sinh sống, không nên vui thú trong việc săn bắn. Ngài cũng từng khuyên vua Tần-bà-sa-la không nên giết hại thú vật để tế thần. Như vậy, chúng ta hãy suy ngẫm, mặc dù Phật chế pháp tam tịnh nhục nhưng Ngài không khích lệ đệ tử ăn thịt gia súc.
Kinh Lăng Nghiêm Đức Phật dạy: "Này A Nan! Như Lai khiến các tỳ kheo ăn ngũ tịnh nhục. Thịt đó đều do Như Lai dùng thần lực hóa sanh, nên không có mạng căn. Vì rằng về đất Bà La Môn, phần nhiều ẩm thấp, lại thêm nhiều đá, nên cây cỏ và rau không mọc được. Nên ta dùng thần lực đại bi giúp, nhân đức từ bi lớn, giả nói là thịt”. Do đó các ông được ăn các thứ đó". Và khuyên không nên dùng vật dụng bằng da, bởi còn thọ dụng một thân phần của chúng sanh tức là còn mắc nợ, huống chi là ăn thịt ?
Kinh Ương Quật Ma, ngài Văn Thù Bồ Tát thưa: "Bạch Thế Tôn! Phải chăng nhân vì Như Lai tạng, nên chư Phật không ăn thịt?"
Ðức Phật bảo: "Nầy Văn Thù! Tất cả chúng sanh từ vô thỉ đến nay sống chết luân hồi từng làm lục thân quyến thuộc, thay đổi vô thường cũng như trò hát. Thân mình và thân loài khác đồng là chất huyết nhục, vì thế nên chư Phật không ăn thịt. Lại nữa, chúng sanh giới tức là ngã giới, thịt loài khác chính là thịt của mình, nên chư Như Lai không ăn thịt.
Nầy Văn Thù! Như con bò tự chết, người chủ dùng da nó làm giày dép đem bố thí kẻ giữ giới. Như bậc giữ giới không thọ tức là pháp Tỷ khưu; nếu thọ trì tuy không phải phá giới, song thiếu tâm từ bi. Cho nên, không thọ dụng thân phần của hữu tình, tức là lần lượt lìa nhân duyên sát sanh vậy".
Ðời Ðường bên Trung Hoa, Ðạo Tuyên luật sư giữ giới tinh nghiêm, nên chư thiên thường hiện thân ủng hộ. Cứ theo bộ Tuyên Luật Sư Cảm Ứng Ký, Tứ thiên vương thưa với Tuyên sư rằng: "Thuở đức Như Lai còn ở đời, một hôm ngài phóng ánh sáng lớn bảo các thiên, long, quỉ, thần: Sau thời chánh pháp diệt tận, có nhiều vị Tỷ khưu chấp theo giáo tích Tiểu thừa của ta, không hiểu ý nghĩa Tỳ ni, bảo rằng ta cho các Sa môn ăn thịt.
Vì thế, trong tăng già lam hiện ra cảnh tượng sát sanh cũng như lò thịt. Lại có các vị Tỷ khưu mặc đồ tơ lụa gần gũi nơi quán rượu dâm xá, không học ba tạng, chẳng giữ cấm giới, làm cho đạo pháp ta suy vi, thật đáng thương xót!
Nên biết từ vô lượng kiếp đến nay, ta tu Bồ Tát hạnh đã xả bỏ đầu, mắt, tủy, não, vì tâm từ bi không tiếc thân mạng để bố thí cho loài hữu tình, có lẽ nào lại bảo đệ tử mình ăn thịt chúng sanh? Ta niết bàn rồi, các Tỷ khưu thay thế ta làm thầy trời người dẫn dạy hữu tình khiến cho đắc đạo quả, lẽ nào bậc thiên nhơn sư mà lại ăn thịt chúng sanh ư?
Khi ta mới thành đạo, tuy trong luật có mở ra cho ăn năm thứ tịnh nhục, nhưng đó không phải thật là thịt của bốn loài, mà là thịt do sức thiền định bất tư nghì của ta biến hóa ra. Trong các kinh Niết Bàn, Lăng Già, ta không cho người trì giới ăn thịt. Nếu có Tỷ khưu nào bảo rằng trong Tỳ ni giáo, Phật cho ăn cá thịt, cho mặc áo tơ lụa, đó là lời ma thuyết, là phỉ báng ta!"
Kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới Đức Phật dạy: " Thời người ăn thịt mắc vô lượng tội lỗi. (Thích Trí Tịnh (1995), dịch, Kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới, Thành Hội Phật Giáo ấn hành)
Thế nên, vì lòng từ bi, vì sự tinh khiết, vị Bồ Tát, người đã tự rèn luyện để có được từ tâm không được ăn thịt.
Kinh Lăng Nghiêm nói, "Người tu hành chánh định, cốt để giải thoát khỏi khổ đau của cuộc đời. Nhưng trong khi tìm kiếm sự giải thoát nỗi khổ đau của chính mình, tại sao chúng ta lại làm khổ đau cho kẻ khác. Trừ khi chúng ta kiểm soát được tâm, biết ghê tởm ngay cả đến ý tưởng về sự hung ác, tàn bạo, và giết chóc; chúng ta sẽ chẳng bao giờ có thể giải thoát khỏi cảnh trần lao khổ ải"...
Qua đó cho thấy, tùy từng thời điểm thích hợp, tùy từng căn người ngày xưa, khác với người ngày nay. Hoàn cảnh ngày xưa khác với hoàn cảnh ngày nay. Người và phong thổ xứ Ấn Độ khác với người và phong thổ xứ Trung Hoa và lại càng khác hơn với người và phong thổ xứ Hoa Kỳ, xứ Tây Tạng…
Do đó, không có gì là khó hiểu khi thấy Phật Giáo truyền sang phương Bắc chủ trương ăn chay, truyền sang Tây Tạng có nơi ăn chay có nơi không ăn chay. Việc ăn thịt trong ba trường hợp Đức Phật cho phép, đó chỉ là pháp phương tiện, nhằm uyển chuyển ban hành trong thời kỳ nói trên.
Thật ra, chúng sinh có bệnh, Phật cho thuốc cũng phải tùy bệnh, tùy hoàn cảnh, thời đại, cơ duyên, có lúc thuốc phải nhẹ nhàng để thấm từ từ, có lúc bệnh nhân đủ sức chịu đựng, hẳn nhiên Phật cho uống liều mạnh để khỏi bệnh.
Tóm lại, hơn hai ngàn năm trôi qua. Ngày nay, đời sống con người có phần sung túc hơn. Lương thực, hoa mầu không còn thiếu thốn như xưa. Dù nghèo, mọi người muốn cúng dường chư Tăng đều có thể thực hiện được vì thực phẩm rau đậu đâu đâu cũng có và đặt biệt là có nhiều chất bổ dưỡng, không thua kém và có thể bảo vệ sức khỏe tốt hơn thức ăn mặn.
Nhất là để nuôi lớn tâm từ. Bởi một khi con người còn ăn nuốt thịt chúng sanh, tất nhiên ít nhiều gì cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tiếng kêu gào đau đớn nơi các lò mổ. Do đó, ăn chay sẽ làm giảm bớt sự tổn hại những nỗi đau thương này.
Tóm lại, việc ăn chay của đạo Phật phần lớn là hướng đến sự tu tập sao cho mỗi ngày được phát khởi từ tâm không chỉ ở mức độ giới hạn nơi con người mà còn đối với tất cả chúng sinh, kể cả người ác.
IV. ĂN CHAY QUA LĂNG KÍNH KHOA HỌC
1. Phù hợp thiên nhiên
Ngay cả khi nghiên cứu về sinh học chúng ta thấy con voi sinh ra ăn cỏ, con cọp sinh ra ăn thịt đó là qui luật tự nhiên. Thế thì con người sinh ra để ăn gì? Trước hết là bộ răng, bộ răng người không giống bộ răng các loài ăn thịt mà giống các loài ăn rau, cỏ, hoa, quả và củ.
Loài ăn thịt đổ mồ hôi bằng lưỡi. Thế nên trời nóng, ta thấy cọp hay chó thè lưỡi ra mồ hôi chảy ròng ròng ( không phải nước miếng) trái lại con người cũng như các loài ăn rau cỏ, đổ mồ hôi ở ngoài da bằng các lỗ chân lông.
Ruột loài ăn thịt chỉ dài gấp 3 lần chiều dài của nó. Ví dụ một con cọp dài một mét thì ruột nó dài 3 mét. Còn loài ăn rau cỏ thì ruột dài 10 đến 12 lần chiều dài. Như một con trâu dài 1 mét tất nhiên ruột cũng dài đến 12 mét. Ruột con người trung bình dài 18 thước. Về điểm này tạo hóa rất chí lý. Thịt mau hư thối nên có thể bài tiết từ từ đặng hút hết các chất bổ.
Nồng độ át xít trong bao tử loài ăn thịt mạnh gấp mười nồng độ át xít trong bao tử loài ăn rau cỏ. Ðiều này cũng dễ hiểu ý tạo hóa vì thịt khó tiêu hơn rau cỏ. Nồng độ át xít trong bao tử con người cho ta thấy con người thuộc loài ăn rau cỏ vì khi ăn nhiều thịt cá thường có cảm giác nặng nề, nếu thái quá có thể bị bội thực. Do đó, ăn chay phù hợp với tự nhiên hơn.
2. Ăn chay bảo vệ sức khỏe
Bà White, một bác học gia cũng đã tuyên bố rằng: các thứ trái cây, đậu và rau cải là những thức ăn mà thiên nhiên là các thức ăn từ ngũ cốc, làm cho thân thể tráng kiện, tinh thần sáng suốt. Hơn nữa, ăn các loại thức ăn trên rất có lợi cho hệ tiêu hóa và làm giảm rất nhiều các chứng bệnh. Chính vì thế, việc ăn chay đã được các bác sĩ đưa vào điều trị một số bệnh.
Như trong thực vật có rất nhiều Vitamim A, C, Ơ, E. Chẳng hạn như các chất sơ của thảo mộc có tác dụng bảo vệ chúng ta 95%. Trong khi các ngộ độc thức ăn thường thấy vẫn là do ăn thịt và các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật, mặc dù thực vật bây giờ cũng có nhiễm hoá chất nhưng vẫn ít hơn rất nhiều.
Trong các dân tộc trên thế giới hiện nay, dân tộc nào ăn nhiều thịt nhất? Hoa Kỳ. Dân tộc nào bị ung thư nhiều nhất? Cũng Hoa Kỳ. Ðấy chỉ là kể một bệnh ung thư còn nhiều chứng bệnh khác cũng do thịt gây ra.
Học Viện Nghiên Cứu Bệnh Ung Thư của Hoa Kỳ đã xác nhận thịt, nhất là loại thịt đỏ, là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh ung thư. Bộ Y Tế sẽ buộc mỗi miếng thịt phải có một lời cảnh cáo về sự độc hại của nó lên khoảng 200%, tiền ăn tăng khoản 100%, nhưng tiền y tế đã tăng lên 700%. Vì lẽ này phong trào ăn chay ngày càng được thế giới chọn là thức ăn bổ dưỡng hơn thịt và hoàn toàn không có các độc tố có hại cho sức khoẻ con người.
Tiến sĩ Aarol Altshul, trong quyển Protein: Their Chemistry and Politics (Protein: Hóa Học và Chính Trị) đã viết: "Nếu chúng ta sử dụng một diện tích đất một mẫu Anh (4046m2) để trồng hoa màu cung cấp lương thực cho người ăn chay, ta sẽ được một sản lượng gấp 20 lần nếu dùng đất ấy để chăn nuôi súc vật lấy thịt.
Hiện nay tại Hoa Kỳ, phân nửa diện tích đất để trồng trọt được dùng để sản xuất thực phẩm gia súc. Tôi nghĩ rằng nếu toàn thể đất đai canh tác trên quả địa cầu này đều được dùng để sản xuất nông phẩm cho loài người thì chúng ta sẽ có khả năng cung ứng đầy đủ lương thực cho 20 tỷ dân số trên thế giới một cách dễ dàng".
Trong một bản tường trình đọc trước Hội Nghị Lương Nông Quốc Tế tại La Mã năm 1974, ông René Dumont, một chuyên gia nông học của viện Đại Học Nông Nghiệp Pháp đã phát biểu rằng: "Chính những bữa ăn thịnh soạn đầy thịt của những người giàu có đã gây ra nạn đói kém cho những người nghèo khổ" vì mỗi ngày có 25.000 người chết đói, và tình trạng này sẽ còn nhiều hơn nữa nếu thiên tai cứ xảy ra. Ông cho rằng: do tình trạng nông phẩm và nước xử dụng vào việc chăn nuôi đã lãng phí một cách trầm trọng, dẫn đến ảnh hưởng thiên tai của trái đất. Do đó, các chính quyền tại mỗi nước cần phải hạn chế trại chăn nuôi đến mức tối thiểu.
4. Thảm hoạ trái đất
Việc nóng lên toàn cầu không còn là vấn đề của mấy trăm năm sau, mấy chục năm sau mà là vấn đề cấp bách ngay nơi hiện tại. Thiên tai xảy ra mọi nơi ngày càng nhiều và theo dự đoán của các nhà khoa học, việc trái đất ngày một nóng lên đã làm tảng băng nơi Bắc cực tan chảy rất nhanh, nhanh hơn cả dự đoán.
Nguyên nhân do khí CO2 làm nóng lên toàn cầu. 19% khí được thải ra từ ống khói nhà máy, 15,5% do khói xe hơi, tàu thủy, máy bay. 18% là do ngành sản xuất chăn nuôi. Ngành chăn nuôi thải ra nhiều khí CO2 hơn so với tất cả khói xe, tàu, máy bay trên toàn thế giới này thải ra.
Và theo nghiên cứu của Liên Hiệp Quốc, họ đã đưa ra kết quả khẳng định rằng 1/5 chất thải trên toàn cầu gây nên hiệu ứng nhà kính là do ngành chăn nuôi thải ra, một con số thật đáng để chú ý, nó còn nhiều hơn khí thải của toàn ngành giao thông cộng lại.
5. Ăn chay cứu nguy toàn cầu
Ngành chăn nuôi lãng phí nhiều nước nhất, thải ra khí nhà kính nhiều nhất, ô nhiễm nhất, kém hiệu quả nhất. Để sản xuất 1kg thịt, cần phải tiêu hao 10kg thực phẩm, 15000 lít nước. Để có 1 lít sữa, cần 990 lít nước. Năng lượng để sản xuất 1kg thịt có thể cho 1 bóng đèn 100kW cháy trong 3 tuần. Sản xuất 1kg thịt sẽ thảy ra 36,4kg CO2 bằng khí thải ra của 1 xe hơi chạy 155km. Trên thế giới có gần 20 tỉ gia súc. 38% lương thực trên thế giới không phải cho người ăn mà cho gia súc ăn.
Chính vì thế, ăn chay sẽ góp một phần không nhỏ giúp cho hành tinh của chúng ta bớt đi gánh nặng vì hiệu ứng nhà kính và Trái Đất không thể đợi lâu được. Chúng ta cần kiên trì hành động và phải làm gương thì mới có thể ảnh hưởng được nhiều người.
Nước biển dâng lên không còn nơi sinh sống, xã hội bạo loạn thì làm sao có cuộc sống ấm no hạnh phúc! Do đó, ăn chay là góp phần cứu lấy hành tinh này !
Những năm gần đây cho thấy: dịch Cúm heo, Bệnh lưỡi xanh, Vi khuẩn E coli, Vi khuẩn salmonella. Cúm gia cầm, bệnh bò điên, dịch heo tai xanh (PMWS), nhiễm vi khuẩn listeria, trúng độc hải sản, tiền kinh sản… là hồi chuông cảnh báo, cho thấy sự sát hại chúng sinh đưa đến hậu quả khó lường.
Do đó, ăn thịt chẳng những làm tổn hại đến sức khỏe hơn ăn chay, còn làm tổn hại môi trường thiên nhiên, do gián tiếp làm tăng gia nghành chăn nuôi khi xử dụng quá nhiều về đất và nước, góp phần không nhỏ trong việc làm nóng lên của trái đất, gây ra biết bao nhiêu thảm họa từ thiên nhiên đối với con người.
Sử dụng đến 70% lượng nước sạch. Gây ô nhiễm hầu hết các nguồn nước, phát hoang rừng, lá phổi của địa cầu, sử dụng đến 43% ngũ cốc trên thế giới, sử dụng đến 85% đậu nành trên thế giới, gây ra nạn đói và chiến tranh trên thế giới. 80% là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc hâm nóng toàn cầu.
Phương diện tâm linh, do quen ăn thịt chúng sanh nên rất dễ sanh tâm đắm nhiễm nơi vị trần, làm tổn hại tâm từ bi, phải chịu ân đền oán trả trong kiếp luân hồi, làm ngăn trở đạo hạnh Bồ Tát là tự lợi, lợi tha. Tự giác, giác tha và do đó công hạnh viên mãn tức quả vị Phật, tất nhiên đối với người còn ăn thịt chúng sanh, Bậc thanh tịnh không bị đắm nhiễm rất ít, đại đa số chúng ta còn tâm tham đắm, việc ăn thịt chúng sanh, biết phân biệt khen, chê ngon, dở … tất còn bị ngũ dục lôi cuốn và rất khó tu.
a. Ba điều kiện cơ bản
Ăn chay đúng phương pháp, dưới góc độ dinh dưỡng phải hội đủ ba nguyên tắc cơ bản:
Thứ nhất: Ăn đa dạng nhiều loại thực phẩm trong khẩu phần ăn hàng ngày. Nếu thiếu một thành phần nào đó lâu dài, dễ gây bệnh như thiếu các loại vitamin A, B2, C, D, E và chất xơ có thể dẫn đến ung thư ruột và dạ dày. Nên nhớ là không có bất kỳ một loại thực phẩm đơn độc nào bao hàm đầy đủ các chất dinh dưỡng mà cơ thể cần đến, chẳng hạn như cam cho nhiều sinh tố C nhưng lại không có sinh tố B12.
Thứ hai: Ăn các loại thực phẩm càng ít chế biến hoặc chưa chế biến càng có lợi về dinh dưỡng. Vì khi qua chế biến, chất dinh dưỡng của thực phẩm bị giảm đi do quá trình bảo quản. Chẳng hạn như các thực phẩm chế biến từ đậu hủ nhưng được ướp hóa chất bảo quản và để rất lâu đã làm giảm chất bổ dưỡng ban đầu. Do đó, ăn chay đúng cách rất cần sự quan tâm đến dinh dưỡng.
Thứ ba: Ăn chừng mực, tức là không nên ăn quá nhiều một loại thực phẩm hoặc ăn quá ít một loại và không ăn quá no hoặc để quá đói cũng cần tránh ăn nhanh, nuốt vội.
Phương cách ăn chay gồm có: Trường chay và Kỳ chay.
Trường chay hay Ăn chay trường, là hành giả tự nguyện suốt đời.
Kỳ chay hay ăn chay kỳ là những kỳ hạn ấn định như sau: Nhị Trai, Tứ Trai, Lục Trai, Thập Trai, Nhứt Ngoạt Trai, Tam Ngoạt Trai.
Nhị Trai: là ăn chay mỗi tháng 2 ngày: 1 và 15.
Tứ Trai: là ăn chay mỗi tháng 4 ngày: 1, 8, 15, 23 hay 30, 1, 14, 15.
Lục Trai: là ăn chay mỗi tháng 6 ngày : 8, 14, 15, 23, 29, 30 (tháng thiếu 28, 29) theo kinh Tứ Thiên Vương
Thập Trai là ăn chay mỗi tháng 10 ngày : 1, 8, 14, 15, 18, 23, 24, 28, 29, 30 (tháng thiếu 27, 28, 29) theo Kinh Ðịa Tạng
Nhứt Ngoạt Trai: là ăn chay một tháng trong năm : tháng giêng hoặc tháng bảy, hoặc tháng mười.
Tam Ngoạt Trai: là ăn chay 3 tháng trong năm : tháng giêng, tháng năm, tháng chín.
Tóm lại, người Phật Tử ăn chay nên tùy hoàn cảnh, không nên vì mê tín, không đưa diều kiện đổi chát, không cầu danh. Hãy chọn lựa thay đổi thường xuyên các món ăn thích hợp, dinh dưỡng và vệ sinh. Mặt khác vui thích trong việc sửa đổi, hoàn thiện ba nghiệp trở nên thiện dẫn dắt mọi người tu tập. Đó là ăn chay đúng cách.
Không nên kiêu mạn: Người có phúc duyên ăn chay được dể dàng, không nên sanh lòng kiêu mạn, tự cho mình là hơn người, và khinh người ăn mặn. làm như thế đã sanh ác cảm với người, lại còn làm tổn âm đức của chính mình.
Không nên háo danh: ăn chay để được người khác khen vì như thế là do lòng háo danh. Hành động này không có lợi cho sự tu hành, trái lại còn có hại: Vì sao? Vì khi không còn ai khen ngợi, người háo danh sẽ mất tinh thần, không muốn tiếp tục ăn chay.
Không nên ép xác: Có người tưởng lầm rằng: ăn chay là để hành hạ thân xác, nên cố ăn một cách cực khổ, như chỉ ăn ròng rã tương rau, muối sả...từ năm này sang năm khác. Ăn như thế thì sẽ hao mòn thân xác và chết yểu trước khi thành đạo.
Tâm Không Từ Bi: miệng ăn chay nhưng hoàn toàn vô tâm trước khổ đau của chúng sinh là một hành vi vô ích. Ăn chay nhưng đồng thời vượt lên trên ý niệm của ăn chay và không ăn chay.
VI. LỢI ÍCH KHI ĂN CHAY
1. Ít bệnh, sống lâu
Hạ huyết áp, giảm cholesterol, bớt bệnh tiểu đường, ngừa tai biến mạch máu não, hóa giải xơ cứng động mạch, giảm 50% nguy cơ tim mạch, giảm 80% nguy cơ phẫu thuật tim, ngăn ngừa nhiều loại ung thư tăng cường hệ miễn nhiễm, tăng tuổi thọ 15 năm, chỉ số thông minh cao hơn.
Giảm thiểu sự phát triển tình trạng xơ cứng động mạch, do đó giảm mức độ nguy hiểm về các căn bệnh nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não, cùng nhiều chứng bệnh khác, tạo nên một nền tảng sức khỏe tốt đẹp cho hiện tại và tương lai.
2. Góp phần cứu nguy toàn cầu
Bảo tồn 70% nước sạch, Cứu hơn 80% rừng, khỏi bị phát hoang để trồng cỏ cho gia súc, Một giải pháp cho nạn đói trên thế giới, Có thêm 3.433 triệu héc-ta đất hàng năm, Có thêm đến 760 triệu tấn ngũ cốc hàng năm (nửa nguồn ngũ cốc trên thế giới), Tiêu thụ 1/3 nhiên liệu hóa thạch ít hơn là số lượng đang dùng để sản xuất thịt, Giảm ô nhiễm từ chất thải gia súc chưa được phân hóa, Giữ không khí sạch hơn, Tiết kiệm 4,5 tấn khí thải cho mỗi cư gia ở Hoa Kỳ hàng năm, Ngưng 80% nạn hâm nóng toàn cầu…
Trên bình diện thế giới chúng ta sẽ tiết kiệm được 12 triệu tấn ngũ cốc mỗi năm đủ để cung cấp cho 20 triệu người khỏi bị chết vì đói và vì các chứng bệnh liên quan đến suy dinh dưỡng hàng năm trên thế giới. Ngoài ra, ăn chay sẽ cứu được khoảng 600 triệu con vật khỏi bị giết tại các lò sát sinh hàng năm.
Do đó, hiện nay trên thế giới ngày càng có nhiều người áp dụng việc ăn chay như là một chính sách dinh dưỡng để bảo vệ sức khỏe, ngăn ngừa bệnh tật và góp phần cứu nguy cho trái đất, làm giảm độ ấm, hạn hán, bão lụt, và nhất là không thể cầm lòng khi nhìn thấy trên những bữa tiệc là những cái chết đau đớn vô tội của hàng trăm, hàng ngàn con vật đáng thương.
Với người quyết tâm tu tập giải thoát, ăn chay vì lòng từ bi, thương xót đến các con vật, thương tưởng đến những nỗi đau đớn của con vật bị giết hại. Nhờ chủng tử tốt lành này giúp cho thân, miệng, ý xa lìa nghiệp ác nên được mọi người kính quý. Tất nhiên việc làm này luôn giúp cho con người ngày càng tăng thêm đạo đức, chẳng những ngay hiện đời và còn tiến triển trên con đường tu tập và thành Phật quả ở vị lai.
Trong khế kinh Phật dạy: “Nhờ tu tập lòng từ ta được sanh lên cõi trời Phạm thiên, có oai đức tự tại, thống lãnh một ngàn cõi phạm chúng cho đến hôm nay thành Phật đều do lòng từ mà được” Thế nên muốn tu tập thăng tiến, việc trước tiên cần tu tập tâm từ. Do đó, ăn chay cũng là cách thể hiện tâm từ đối với tất cả chúng sanh.
Trong cuộc sống, sở dĩ cha mẹ, anh em, chồng vợ, con cháu, quyến thuộc bà con láng giềng vv… còn tranh giành, phải quấy, hơn thua, hiềm khích, chóng báng, hận thù nhau, chưa tốt được với nhau, trên thế giới luôn xẩy ra những tai nạn, thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, trộm cướp, khủng bố, sát hại lẫn nhau … là do tâm con người còn tham lam ích kỷ, còn quá nhiều những độc tố, được thể hiện qua ba nghiệp thân, khẩu, ý. Bằng chứng là còn ăn nuốt thịt lẫn nhau, làm tổn hại đến tính mạng của chúng sinh nên chiêu cảm nghiệp quả khổ đau.
Cũng từ ý nghĩa trên, việc “Ăn chay” là cách tốt nhất cho sức khoẻ con người, ăn chay là lối sống đẹp, là góp phần cứu nguy cho trái đất. Một Bác sĩ Edward Martin đưa ra nhận định: “Càng ngày mọi người sẽ càng thấu hiểu rằng thực phẩm chay là một khái niệm hay”. Và ngay cả nhà bác học Albert Einstein, là một trong những vị lừng danh trên thế giới thời hiện đại, Ông đã từng tuyên bố:“Không gì lợi ích cho sức khỏe của con người để có cơ hội sống lâu trên quả địa cầu này bằng cách ăn chay”
Chính vì thế, ăn chay là tiêu chí hàng đầu giúp chúng ta quay về sống với tâm từ, không tạo nghiệp oán hận, không vay nợ máu thịt và ngày càng tiến hóa trên con đường tu tập hạnh Bồ Tát, mang lại lợi ích cho mình và làm lợi ích cho tất cả chúng sanh.
- Giá trị nhân văn của ngày tri ân cha mẹ - 05/07/2024
- Sự kiện tháng tư - 15/05/2024
- Người mang trí tuệ đến nhân gian - 14/05/2024
- Kính mừng Phật đản - 30/04/2024
- Phật giáo và vai trò kiến tạo giá trị đạo đức trong phát triển bền vững tại Việt Nam - 28/08/2023
- Kinh Pháp Hoa Bổn Môn - 22/10/2022
- Kinh sám hối hồng danh - 22/10/2022
- Kinh Vu Lan - 22/10/2022
- Kinh Dược Sư - 22/10/2022
- Kinh Di Đà - 22/10/2022
- Ý nghĩa xuất gia - 17/10/2022
- Tam thân Phật - 17/10/2022
- Tam pháp ấn - 17/10/2022
- Tứ chánh cần - 17/10/2022
- Bát Chánh Đạo - 17/10/2022
- Lục độ - 15/10/2022
- Đi Chùa lễ Phật - 15/10/2022
- Thất Thánh Tài - 15/10/2022
- Tứ quả Thanh Văn - 15/10/2022
- Thập Thiện Nghiệp - 15/10/2022
- Tứ Vô Lượng Tâm - 15/10/2022
- Tứ Nhiếp Pháp - 15/10/2022
- Lục Hòa - 15/10/2022
- Nghiệp báo - 15/10/2022
- Ngũ Đình Tâm Quán - 15/10/2022
- Tứ Niệm Xứ - 15/10/2022
- Ngũ căn – Ngũ lực - 15/10/2022
- Luân hồi - 15/10/2022
- Tụng kinh – niệm Phật - 15/10/2022
- Ngũ thừa Phật giáo - 15/10/2022
- Sám hối - 15/10/2022
- Đạo Phật - 15/10/2022
- Tam Vô Lậu Học - 15/10/2022
- Ngũ uẩn - 15/10/2022
- Tam pháp ấn - 15/10/2022
- Mười hai nhân duyên - 15/10/2022
- Tứ Diệu Đế - 15/10/2022
- Ý nghĩa thành đạo - 15/10/2022
- Quán Từ Bi - 15/10/2022
- Vô thường - 15/10/2022
- Nhân quả - 15/10/2022
- Quy y Tam Bảo - 15/10/2022
- Tứ vô lượng tâm - 15/10/2022
- Ý nghĩa Phật Đản - 15/10/2022
- Vu lan báo hiếu - 15/10/2022
- Cắt đứt tham dục - 06/05/2022
- Hồng danh sám hối - 03/01/2022
- Lợi hành nhiếp của Phật giáo: Hiếu ứng quan tâm hạnh phúc và lợi ích - 07/05/2021
- Hạnh nguyện của người xuất gia - 25/11/2020
- Đức Phật - Mùa Phật Đản - 30/04/2020
- Tứ Vô Lượng Tâm - 28/04/2020
- Chữ Hiếu Trong Đạo Phật - 26/04/2020
- Đi Chùa Lễ Phật - 26/04/2020
- Tướng tùy tâm sinh: Người có tâm từ bi sẽ được cải biến cả dung mạo lẫn số mệnh - 12/04/2020
- Hạnh phúc nhặt bên đường - 25/11/2019
- Phụ Nữ Trong Chánh Pháp - 25/11/2019
- Thánh hạnh vĩ đại của Đức Phật - 25/11/2019
- Kiểm soát sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý - 25/11/2019
- Đức Phật: Con người của mọi thời đại - 25/11/2019
- 620 câu hỏi trắc nghiệm giáo lý căn bản - 24/11/2019
- Nương theo hạnh nguyện Quán Âm - 22/07/2019
- Lời Phật dạy sâu sắc về việc hãy sống trọn vẹn hạnh phúc trong hiện tại - 18/07/2019
- Đức Phật dạy về sự bình đẳng dù sinh con trai hay con gái - 18/07/2019
- Tội nào nặng nhất, nghiệp báo đáng sợ nhất? - 18/07/2019
- Rượu gây ra 36 tội lỗi nên đức Phật cấm uống, cấm mời, cấm buôn bán rượu - 18/07/2019
- Lời Phật dạy sâu sắc về việc nhẫn nhịn trong cuộc sống - 18/07/2019
- Đức Phật dạy về cúng thí và ngạ quỷ - 18/07/2019
- Mê tín dị đoan, do đâu? - 17/07/2019
- 9 cách thay đổi số phận khi áp dụng các giáo lý nhà Phật - 15/07/2019
- Bốn hạng người luôn sống khổ - 15/07/2019
- Theo lời Phật dạy thì không có ai là đấng sáng thế - 06/07/2019
- Luận bàn về ranh giới giữa Mê và Ngộ - 06/07/2019
- Đạo Phật và nghệ thuật hóa giải sân hận - 06/07/2019
- Tôn giả Ma Ha Ca Diếp: Người dốc lòng giữ gìn phạm hạnh - 06/07/2019
- Tại sao đức Phật lại nói về thuyết luân hồi? - 06/07/2019
- Pháp tu căn bản của Phật tử - 06/07/2019
- Làm ơn hãy nghĩ đến sự tồn vong của chánh pháp và lợi ích chúng sanh - 06/07/2019
- Tu chứng - 06/07/2019
- Điều phục ý căn - 06/07/2019
- Hiểu và Ngộ - 06/07/2019
- Thiền và tâm lý trị liệu - 06/07/2019
- Tâm linh Phật giáo và xã hội đương đại - 06/07/2019
- Khái niệm giải thoát và giải thoát sinh tử trong đạo Phật - 06/07/2019
- Pythagore và thuyết luân hồi - 06/07/2019
- Đức Phật là thầy dẫn đường bậc mô phạm đạo đức - 06/07/2019
- Bàn về hai chữ cư sĩ trong kinh Tăng nhất A-hàm - 06/07/2019
- Cuộc sống hoàn toàn tốt đẹp bền vững theo Phật giáo - 06/07/2019
- Nguồn gốc và ý nghĩa của kinh Lương hoàng sám pháp và Thủy sám pháp - 06/07/2019
- Đức Phật dạy về cách xa lìa ái dục, xử lý năng lượng tình dục - 06/07/2019
- Các thiên tài nổi tiếng lý giải về Đức Phật - 06/07/2019
- Thế nào là mười nghiệp lành? - 06/07/2019
- Cuộc sống hoàn toàn tốt đẹp bền vững theo Phật giáo - 30/06/2019
- Bố thí, cúng dường cũng có năm bảy đường - 30/06/2019
- Hạnh phúc của người Phật tử - 16/06/2019
- Pháp lạc trong tu học - 16/06/2019
- Quán vô thường để chứng đạt vô ngã - 16/06/2019
- Suy nghiệm lời Phật: Khéo nghĩ - 16/06/2019
- Giết gì được Phật khen? - 16/06/2019
- Ý nghĩa bài kệ mở đầu kinh Pháp Hoa - 16/06/2019
- Bản chất cầu nguyện - 16/06/2019
- Quan điểm của Phật giáo về vấn đề tự tử - 16/06/2019
- Ý nghĩa phẩm Pháp sư thứ 10 kinh Pháp Hoa - 16/06/2019
- Suy nghiệm lời Phật: Chớ xem thường trẻ nhỏ - 16/06/2019
- Làm gì khi thất tình? - 16/06/2019
- Ý nghĩa Phẩm Bồ-tát Tùng Địa Dũng Xuất thứ 15 kinh Pháp hoa - 16/06/2019
- Suy nghiệm lời Phật: Biết cách tiêu tiền - 16/06/2019
- Pháp hành bố thí - 16/06/2019
- Hai pháp lành hộ trì thế gian - 16/06/2019
- Phép Hòa Quang Tam Muội Của Hai Thiền Sư Việt - 11/06/2019