Lợi hành nhiếp của Phật giáo: Hiếu ứng quan tâm hạnh phúc và lợi ích

Cập nhật: 07/05/2021

Lợi hành nhiếp là phương pháp đắc nhân tâm hay thu phục lòng người, khiến cho người khác tin vào những điều mình nói cũng như chấp nhận đặt niềm tin nơi bản thân mình.

Lợi hành nhiếp của Phật giáo: Hiếu ứng quan tâm hạnh phúc và lợi ích

DẪN NHẬP

Lợi hành nhiếp là phương pháp đắc nhân tâm hay thu phục lòng người, khiến cho người khác tin vào những điều mình nói cũng như chấp nhận đặt niềm tin nơi bản thân mình. Cơ sở đầu tiên để thực hiện Lợi hành nhiếp là tự bản thân mình phải nhận ra được chân lý đúng đắn. Bởi vì có như vậy thì sự thuyết phục người khác tin theo mình mới có ý nghĩa tích cực. Nói cách khác, Hoằng pháp viên trong khi thực hành không bao giờ nên quá chú trọng đến mình mà quên người, không nên chỉ lo giác ngộ cho mình mà không tìm cách giác ngộ cho người. Trong giáo lý duyên khởi đạo Phật, mình với người là một khối, mình không khác người, không thể phân chia ra được. Càng lo tự lợi chừng nào lại càng vướng mắc vào tham chấp chừng ấy. Trái lại, càng hy sinh cho người, càng chú trọng đến lợi tha, lại càng mau đạt tới chứng ngộ chừng ấy. Do vậy việc thực hành Lợi hành nhiếp, một trong bốn nhiếp pháp (Bố thí nhiếp, Ái ngữ nhiếp, Lợi hành nhiếp, Đồng sự nhiếp) càng thêm ý nghĩa.

Ý NGHĨA LỢI HÀNH

Lợi hành nhiếp—Beneficial action: Arthacaryā samgraha (skt)—Conduct profitable to others—Useful deeds.
Nghĩa của Lợi hành—The meanings of Beneficial action: Khởi thiện hành về thân khẩu ý để làm lợi cho người khác để họ nhiếp thụ chân lý—Useful conduct, or beneficial action. Beneficial conduct which helps others love and receive the truth.

Những hành động khác liên quan đến Lợi hành—Other conducts that are related to Beneficial action: Bên cạnh việc khởi thiện hành về thân khẩu ý giúp người khác yêu thương và nhiếp thọ chân lý, lòng khoan dung, sự nhẫn nhục và sự cảm thông cũng được xem như là những hành động khác liên quan đến lợi hành. Đây là những đức tánh tốt quan trọng mà mình cần áp dụng khi gặp phải người có hành động sai lầm. Ngoài ra, những thiện pháp nầy còn có công năng giúp chúng ta vượt thoát khỏi những khổ đau phiền não cũng như những khó khăn trong cuộc sống.

Lợi hành nhiếp dùng những việc làm lợi ta lợi người mà thu phục, còn gọi là Lợi hành nhiếp sự, hay Lợi ích nhiếp, là tạo phương tiện khiến cho người ta đi vào đạo, tạo phương tiện độ thoát, đem lại lợi ích cho mình cho người, có nghĩa là tạo thiện hạnh thân khẩu ý đem lại lợi ích cho mọi loài chúng sanh, khiến cho họ sinh tâm thân ái mà đi vào đạo. Hay khuyên mọi người tu tập theo chánh hành, hoặc hành thiện tự ba nghiệp của chính mình khởi lên khiến cho mọi người cùng nhau ân triêm lợi ích, tất cả những việc làm trên đều gọi là lợi hành cả. Nhờ đây mà thu phục hướng dẫn được mọi người khiến họ phát tâm vào thực hành đạo giải thoát.

Ngoài những hình thức hành lợi để nhiếp phục người vào đạo, quay về với chánh pháp như trên ra, nếu lợi hành phối hợp với Lục Ba-la-mật thì, theo chức năng thuộc tính của pháp hành này, nó sẽ tương ưng với tinh tấn Ba-la-mật (vīrāya-pāramitā) trong lục Ba-la-mật theo hành pháp của Bồ-tát khi thực hành Lục Ba-la-mật. Vì khi Bồ-tát muốn hóa độ chúng sanh trước hết là phải tự lợi điều này chúng ta khỏi bàn, vì nếu tự bản thân của Bồ-tát không hoàn thành sự nghiệp giải thoát của mình được thì làm sao có thể hướng dẫn hay thu phục được người khác theo về với chính Đạo mà mình đang thực hành và, sau đó Bồ-tát mới thực hành hạnh nguyện độ tha của mình, thu phục chúng sanh qua việc làm lợi người, có như vậy nguyện lực của Bồ-tá mới được thành tựu những sở nguyện được. Khi bồ-tát hành Bồ-tát đạo mà thiếu đi tinh tấn thì dứt khoát sở nguyện của chúng ta không thành tựu. Trong mọi phương pháp tu, nếu muốn đạt được kết quả tốt đẹp mau chóng thì điều kiện tiên quyết của hành giả là thực hành tinh tấn, nếu trong lúc tu hành mà chúng ta thiếu đi sự tinh tấn tinh cần thì cho dù pháp tu đó dễ dàng đến đâu đi nữa, kết quả cuối cùng sẽ không đạt được như những mong muốn của chúng ta.

Qua Lợi hành nhiếp cho chúng ta thấy, đối với Bồ-tát muốn hoàn thành tuệ giác vô thượng của mình thì việc tự lợi cá nhân trong tu tập giải thoát mới chỉ là một nửa chặn đường đi đến giải thoátt mà thôi. Ở đây Bồ-tát muốn hoàn thành sở nguyện của mình một cách rốt ráo thì việc thực hành lợi tha là điều kiện tiên quyết; nhưng trong hành lợi tha này muốn thành tựu triệt để thì tinh tấn là đầu mối quan trong đưa đến sự thành công hạnh nguyện. Nói chung trong sự nghiệp tu hành của chúng ta điều kiện để thành tựu chính là tinh tấn siêng năng nổ lực trong mọi lúc trong mọi nơi, nó là chìa khóa quan trọng để mở toan màng lưới vô minh cho người tu hành.

Lợi hành là hành động có ích lợi cho người. Nếu con người có lời nói dễ nghe ngọt ngào, có vẻ từ bi bác ái, nhưng hành động không tốt, lợi- mình-hại-người, thì những lời nói trên chỉ là thứ "miệng thì nói tiếng nam mô, bụng thì chứa cả một bồ dao găm", hoặc là "năng thuyết bất năng hành", tức là nói được mà chẳng làm được, mà thôi, không hơn không kém. Cổ nhơn có dạy: “Những gì mình không muốn người khác làm cho mình, thì mình đừng làm cho người khác”. Nghĩa là mình muốn người khác hành động như thế nào có ích lợi cho mình, thì mình phải nên hành động có ích lợi cho người như vậy.

Thế nào là hành động có ích lợi cho người? Ðó là hành động theo đúng lời Ðức Phật dạy trong các kinh điển. Thí dụ như chúng ta khuyên người làm lành lánh dữ, tụng kinh niệm Phật và chúng ta cũng hành động đúng y như lời nói của chúng ta vậy. Khi nào lời nói và hành động của con người nhất như, tương ưng, không khác, thì người đó đã có công phu tu tập khá rồi, trong kinh điển gọi là "ngôn hạnh tương ưng".

Chỉ khi nào lời nói của chúng ta đi đôi với hành động có ích lợi cho người về mọi phương diện thế gian và xuất thế gian như trên, thì chúng ta mới nhiếp phục được lòng người mà thôi, chứ nói lý thuyết suông, chẳng đem ích lợi thiết thực gì cả.
Thiện hữu tri thức là người bạn hiền, có học hiểu giáo pháp, và biết khuyên bạn mình hành động đúng như lời Ðức Phật dạy, chứ không phải hành động theo những lời nói sai trái, xằng bậy, phi pháp. Lợi hành trong công việc hằng ngày là hành động trực tiếp đem lại ích lợi cho chúng sanh về vật chất và tinh thần. Nhưng lợi hành trong việc tu hành là hành động giúp người tiến tu, trên đường học hiểu giáo pháp, để áp dụng trong cuộc sống hằng ngày, cho đến khi đạt được giác ngộ và giải thoát. Nói cách khác, lợi hành có nghĩa là chúng ta có thể hành động ích lợi cho chúng sanh, ngay trong hiện tại, về vật chất cũng như tinh thần, và hành động ích lợi cho chúng sanh, trong tương lai gần, trong kiếp này, và tương lai xa, nhiều kiếp về sau, qua hành động khuyến tu giải thoát.
Về phương pháp lợi hành, chúng ta có thể vận dụng qua việc thường xuyên giúp đỡ, khuyên răn mọi người bỏ ác làm lành, cùng nhau sống cuộc sống hòa hợp & quan tâm lẫn nhau. Việc giúp đỡ người khác chính là biểu hiện cụ thể của lòng thương yêu, sự mong muốn giảm nhẹ những khó khăn cho người khác. Vì thế, qua việc giúp đỡ người khác mà chúng ta có thể tự rèn luyện & phát triển tâm từ bi, mở rộng sự cảm thông với hết thảy mọi người. Nhưng giúp đỡ người, làm lợi cho người thì không gì bằng chỉ bày cho họ biết điều hay lẽ phải, biết con đường chân chánh để noi theo. Vì thế, lợi hành không có nghĩa là tùy tiện ủng hộ, giúp đỡ hết thảy mọi việc làm của người khác mà quan trọng nhất là phải biết làm sao để dần dần đưa họ vào con đường hướng thượng …
Lợi hành nhiếp là làm lợi ích cho người bằng ý nghĩ, lời nói hay hành động, khiến cho người ta sinh lòng thân mến mà theo ta học đạo.

Ðối với người giàu có nhiều phương tiện thì phạm vi hoạt động cho lợi hành lại càng rộng rãi. Họ có thể xuất tiền của ra làm nhà dưỡng lão, nuôi người tuổi già sức yếu, để tuổi già của họ bớt đen tối, nguy nan; hay họ xây viện dục anh, nuôi trẻ mồ côi cha mẹ, cho chúng học hành và có nghề nghiệp, huấn luyện cho chúng thành những công dân hữu dụng. Hay dựng trại tế bần, cấp dưỡng cơm ăn áo mặc cho kẻ đói khó, hay dựng bệnh xá để cứu chữa những kẻ bệnh tật; hay xây trường học giúp con em có nơi học hành. Ðó là bao nhiêu công việc vô cùng lợi ích, vừa cho đời vừa cho đạo. Những công việc lành ấy sẽ cảm hóa lòng người và hướng họ trở về con đường giải thoát là con đường của đạo Phật.

Lợi hành nhiếp là những hành động làm lợi ích cho một người hay nhiều người khác, sau đó đưa họ về với đạo lý. Ví dụ : Dắt một người mù qua đường, tạo công ăn việc làm cho người lao động, tham gia các tổ chức công ích, từ thiện …

Trong thiền sử đã kể, nhiều vị thiền sư dùng y thuật điều trị bệnh cho người; sau khi lành bệnh mới đưa họ về với chánh pháp. Như thế Y-phương-minh là một trong ngũ minh, phương tiện hành đạo của Bồ tát, cũng thuộc lợi hành nhiếp. Hiện nay có rất nhiều tổ chức y tế phục vụ bệnh nhân nghèo vô điều kiện, như các bệnh viện miễn phí, các tổ phẫu thuật đem lại ánh sáng và nụ cười cho những người mù và dị tật sứt môi , tổ chức các thầy thuốc không biên giới … cũng nhằm mục đích đem lại sức khỏe cho con người. Có thể trong những tổ chức đó, các vị Bồ tát cũng có mặt để nhờ lợi hành mà thu nhiếp chúng sanh, nhưng các Ngài không bao giờ để lộ ra mình là Bồ tát.

Trong lợi hành luôn luôn có ý nghĩa phụng sự người khác mà quên lợi ích của bản thân mình. Trong lợi hành có sự hi sinh nhiều hơn, và lợi ích mình mang lại cho người có thể thấy một cách rõ ràng và tức thời, nên dễ khiến người cảm phục và tin theo.

Thật ra, khi có phước duyên nghe và hiểu được Phật pháp, chúng ta đều muốn mọi người cũng đều có lợi ích như mình. Nhưng nếu chính bản thân mình chưa tu tập, chưa chuyển hóa mà vội đem Phật pháp ra nhiếp phục người khác, thì việc làm đó không có căn bản, đôi lúc gây tác dụng ngược với ý mình. Vì vậy, vấn đề tự lợi phải được đặt lên hàng đầu, đó là gốc rễ của lợi tha, còn lợi tha chỉ là hoa trái của tự lợi. Quan trọng là phải sống được với bản tâm chân thật của chính mình, từ đó có thể biểu hiện ra ngôn ngữ và hành động, ngay cả dáng vẻ cung cách cũng toát lên một sự bình an thanh lương, khiến người khác quý kính và tự giác nghe theo. Vào thời đức Phật, chỉ cần nhìn dáng đi, phong cách hay lối sống của Ngài và các Thánh đệ tử, nhiều người đã phát tâm tu hành thành tựu đạo nghiệp.

Đạo Phật dùng Lợi hành nhiếp để chinh phục lòng người, là phương tiện để đưa con người về con đường chân chính, giúp người tìm được sự an bình nội tâm. Đạo Phật rất xa lạ với giáo quyền, mà lại mang tính tự do dân chủ, tôn trọng quyền con người một cách triệt để. Đạo Phật đặc biệt còn mang tính từ bi, vì từ bi nên chủ trương dùng đức báo oán; vì thế mới có sức mạnh vô địch, có thể san bằng mọi nghịch cảnh oán thù. Do vậy, đạo Phật đã tồn tại trên hai ngàn năm trăm năm mà chưa từng có một cuộc thánh chiến nào, chưa từng gây đỗ máu cho ai. Đây là một nét đẹp tuyệt vời của Phật giáo.

Khi thực hành Lợi hành nhiếp, ta đã thể hiện tâm từ bi, tức ban vui và cứu khổ vào cuộc đời. Đây là pháp tu của hàng Bồ tát chứ không phải của người tầm thường, bởi đó không chỉ là tu riêng cho bản thân mình mà còn làm cho nhiều người khác cùng chuyển hóa. Nét tự lợi và lợi tha đều có đầy đủ, mà dường như lợi tha lại cao hơn một bậc. Tất cả chúng ta, nếu muốn thành tựu Phật quả, không có con đường nào hơn là phải theo lộ trình tự lợi và lợi tha của Bồ tát. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, trong công cuộc giáo hóa chúng sanh, phước duyên và công phu tu tập của từng vị Bồ tát là những điều kiện tiên quyết. Công huân tu tập là đời sống căn bản của một Bồ tát, còn phước duyên là do vị ấy tích lũy trong nhiều đời kiếp.

PHƯƠNG PHÁP THỰC HIỆN

Phương pháp Lợi Hành nhiếp, nghĩa là dùng những việc làm, hành vi có lợi cho người khác để thu phục lòng tin của họ. Tuy nhiên khi chúng ta hành lợi cũng luôn tùy thuộc vào đối tượng để làm lợi có thể phân ra làm bốn loại:
Dùng phương tiện tùy thuộc vào những người thiện không có đức.
Tán dương khen ngợi những người thiện có đức.
Quở trách những người ác dễ điều phục.
Dùng thần lực để hàng phục những người ác khó điều phục, khiến cho họ bỏ ác.
Ở đây, hai loại trước gọi là Tập thiện nhiếp hay nhiếp thủ tập hợp thiện, hai loại sau gọi là Ly ác nhiếp hay nhiếp thủ để lìa ác.

1. Tập thiện nhiếp là phương pháp nhiếp phục đối với những người hiền thiện, nghĩa là thu nhóm – tập hợp các điều lành. Trong nhóm này lại chia ra làm hai trường hợp, một là đối với những người chưa từng làm điều thiện & hai là đối với những người đã biết làm điều thiện.

Với những người chưa từng làm điều thiện, người biết vận dụng Lợi Hành Nhiếp sẽ dùng phương tiện gần gũi, tùy thuận với họ, rồi tìm những cơ hội thuận tiện, thích hợp để khuyên dạy, khuyến khích họ phát tâm làm việc thiện. Sau khi đã phát tâm làm việc thiện, họ sẽ tự mình nhận biết được những lợi ích thiết thực cho bản thân & do đó mà nảy sinh lòng tin phục – cảm mến.

Với những người đã biết làm việc thiện, người biết vận dụng Lợi Hành Nhiếp sẽ gần gũi khen ngợi, khuyến khích, làm cho tâm thiện của họ càng tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Nhờ làm điều thiện nên người ấy có thể đạt được nhiều an vui, hạnh phúc trong đời sống, do đó mà sinh ra kính tin người đã khen ngợi, khuyến khích mình.

2. Ly ác nhiếp là phương pháp nhiếp phục đối với những người đã đi nhầm vào đường ác, nghĩa là làm cho họ phải rời xa, lìa bỏ những việc không tốt đã làm. Có hai cách để làm được điều này.

Một là dùng những lời lẽ chân thật, đúng đắn để chỉ trích, quở trách hoặc dùng các biện pháp trừng phạt, nghiêm trị, làm cho họ phải nhận thấy rõ lỗi lầm mà hối cải.

Hai là dùng sự uy dũng, mạnh mẽ của mình để khuất phục những kẻ ngang ngạnh, cứng rắn, buộc họ phải lìa bỏ việc ác không dám tái phạm.

Người vận dụng Ly ác nhiếp phải có đủ sự hiểu biết & sức mạnh để khuất phục – làm cho họ không thể chống lại được. Mặc dù vậy, sau khi lìa bỏ những việc không tốt đã làm, những người ấy sẽ đạt được đời sống an ổn & hạnh phúc hơn, do đó mà họ nảy sinh sự tin phục, kính trọng đối với người đã giúp mình.

Tập Thiện nhiếp & Ly Ác nhiếp đều nhắm đến cùng một mục đích là khuyến thiện trừ ác, nhưng vận dụng cách nào là tùy thuộc vào đối tượng, có nhiều trường hợp cần phải vận dụng cả hai. Chẳng hạn như đối với hành vi của một người, nếu khéo léo phân biệt sẽ thấy là vẫn có những việc thiện đáng khen ngợi, cho nên đối với việc không tốt thì cần phải vận dụng nhiều phương tiện để khiến cho họ lìa bỏ, nhưng đối với những việc thiện thì cần phải khen ngợi, khuyến khích.

Tự mình làm việc thiện sẽ đạt được những lợi ích rất lớn lao. Vì thế, việc dùng mọi phương tiện để giúp người khác phát tâm làm điều thiện chính là hành vi mang lại lợi ích lớn nhất cho họ. Đây chính là ý nghĩa quan trọng nhất của Lợi Hành nhiếp. Việc thân cận, gần gũi & giúp đỡ người khác tuy cũng mang ý nghĩa lợi hành, có thể khiến cho người khác nảy sinh sự thân mật, cảm mến, nhưng không phải là ý nghĩa chính của Lợi Hành nhiếp. Người vận dụng Lợi Hành nhiếp phải luôn hướng đến việc giúp cho người khác có thể phát tâm làm việc thiện & từ bỏ việc ác, như thế mới gọi là làm lợi ích cho người một cách chân chánh.

KẾT QUẢ THIẾT THỰC

Làm những việc có lợi cho người khác. Bất cứ việc nhỏ hay lớn, nếu biết làm thì mới có giá trị lớn. Kinh Lăng nghiêm có đoạn kể Ngài Trì địa Bồ tát chuyên đi sửa đường, sửa cầu, gánh đồ giùm cho mọi người. Có một vị hòa thượng kể câu chuyện đã có lần cùng với quý thầy đi ngang qua một cánh đồng. Nắng gắt và khát nước, mọi người dừng lại nghỉ chân ăn uống. Nhân ăn xoài, quý thầy ương những hột xoài tại chỗ. Mấy năm sau có việc, hòa thượng cùng quý thầy lại đi qua chỗ cũ, thấy mấy cây xoài đã bắt đầu có quả ăn. đó cũng là một việc lợi hành mà ít ai để ý làm.

Tất cả chúng ta, ai tu hành cũng đều muốn nổ lực cho tự thân được lợi ích, đó gọi là tự lợi. Khi chính mình được chuyển hóa tốt đẹp, chúng ta đem kết quả đó san sẻ giúp ích cho người khác, đó gọi là lợi tha. Tự lợi và Lợi tha là con đường tu hành của các bậc Bồ Tát. Nếu ta thực hành đúng theo Lợi hành nhiếp ta sẽ thấy những kết quả đẹp đẽ sau đây:

Về phương diện cá nhân: Ta sẽ là một con người gương mẫu; mỗi ý nghĩ, mỗi lời nói, mỗi hành động của ta đều là một hạt giống thiện gieo vào ruộng phước mà sau nầy ta sẽ gặt được những kết quả quý báu, tốt lành. Những gì của ta nói ra, làm ra đều được thông cảm, tán thành, mến phục. Ta có thể thu hút nhân tâm một cách dễ dàng, rộng rãi, và mỗi khi đi đến đâu, ta đều được tiếp đón một cách chân thành, nồng nhiệt. Do đó, ta sẽ dễ dàng thành công trong mọi việc.

Về phương diện gia đình: Khi người ngoài, xa lạ mà còn mến phuc, thương yêu ta, thì sao cha mẹ, vợ con, anh em là những người thân thuộc lại không quý mến ta được? Do ảnh hưởng tốt đẹp và uy tín của ta, mọi người trong gia đình đều trở thành thuần lương, đức độ cả. Và một gia đình gồm những phần tử như thế, thì thể nào cũng được trên thuận dưới hòa, trong ấm ngoài êm, nghĩa là có hạnh phúc.

Về phương diện xã hội: Một người tu hạnh Lợi hành nhiếp cũng đã gây được ảnh hưởng tốt lành và hoán cải được một phần nào hoàn cảnh xã hội. Số người tu Lợi hành nhiếp càng nhiều thì xã hội trở thành thuần lương, thiện mỹ, xã hội sẽ được cải tiến một cách vô cùng lợi lạc.

KẾT LUẬN

Lợi hành nhiếp pháp là pháp môn phương tiện mang tính nhiếp hóa, cảm phục được lòng người một cách hữu hiệu. Đây là những hạnh tu lợi tha của những người có tâm Bồ tát, muốn hiến dâng cuộc đời mình cho lợi ích chung, bởi vì “Phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật”.

Vậy là Phật tử, chúng ta không thể dửng dưng trước những lời kêu gọi lợi tha ấy được. Nếu chúng ta làm ngơ, chúng ta chưa phải là Phật tử chân chính, vì chúng ta đã thiếu hai yếu tố quan trọng nhất để tu hành: đó là lòng từ bi và lợi tha. Thiếu hai điểm ấy không bao giờ chúng ta có thể tiến triển trên đường đạo và thành Phật được.

Tất cả chúng sanh ai ai cũng đều có Phật tánh như nhau, tất cả đều bình đẳng, và tất cả chúng sanh đều sẽ thành Phật, giải thoát mọi khổ đau phiền não, nếu biết tu tập, thực hành đúng Chánh Pháp. Trong kinh Pháp Hoa, đó là bốn bước: Khai, Thị, Ngộ, Nhập. Nghĩa là Ðức Phật khai mở cánh cửa giải thoát; chỉ thị cho con người thấy được, hiểu được "pháp vô sanh", đó là cái "bất sanh diệt", đó là "con người chân thật" của tất cả chúng ta, chứ không phải cái xác thân giả tạm đang có; giúp cho con người làm sao giác ngộ được "pháp vô sanh" và cuối cùng Phật chỉ dạy đường lối tu hành làm sao chứng nhập được "pháp vô sanh" đó. Hãy thực tập Lợi hành nhiếp pháp đem an lạc hạnh phúc lợi ích cho mình và người. 

Tỳ kheo Thích Nguyên Hạnh

 

Chia sẻ
Phật học liên quan