Tam Vô Lậu Học
Tam Vô Lậu Học là môn học cốt lõi và tinh túy của đạo Phật, giúp hành giả tu tập để thoát khỏi khổ đau phiền não ngay trong hiện tại.
BÀI 1
A. DẪN NHẬP
Giác ngộ và giải thoát là sự thông suốt cả hai mặt sự lý của các pháp, nó ẩn tàng cả tâm và đời sống hiện thực, giữa cá thể và tập thể, cụ thể hơn là giữa tâm và cảnh. Đó cũng chính là chân lý mà Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni đã chứng ngộ. Với ý nghĩa “tri hành hợp nhất”, bằng sự sáng suốt minh mẫn nỗ lực tu tập, qua quá trình cọ xát với thực tế trải suốt 5 năm tầm sư học đạo và 6 năm khổ hạnh, rừng già, cùng với 49 ngày tư duy thiền định dưới cội cây Bồ Đề, Đức Thế Tôn đã khám phá ra chân lý, thông suốt nguồn tâm, và Ngài đã chứng Vô Thượng Bồ Đề.
Từ đó, Đức Phật đem ánh sáng giác ngộ đến với nhân loại. Trong 49 năm thuyết pháp độ sinh, Ngài đã chu du khắp nơi, tiếp cận đủ mọi tầng lớp trong xã hội, tùy theo căn cơ trình độ, phong tục tập quán mà khai thị cho mọi người, hướng dẫn mọi người cùng đi về đường thiện. Với muôn ngàn phương pháp khác nhau đã được kết tập trong ba tạng Kinh điển, đầy đủ cả sự lý, đốn tiệm, sâu cạn, rộng hẹp khác nhau, nhưng không nằm ngoài nền tảng và nguyên tắc của Giới – Định – Tuệ. Bởi đây là nhân tố chính để vạch hướng đi rất quan trọng trong việc hỗ trợ chúng ta trong quá trình tu tập.
Sở dĩ gọi là Tam Vô Lậu Học, vì đây là môn học cốt lõi và tinh túy của Đạo Phật, giúp hành giả tu tập để thoát khỏi khổ đau phiền não ngay trong hiện tại. Đồng thời, đây cũng chính là con đường xuất thế của những bậc xuất trần thượng sĩ, nên người xuất gia đệ tử Phật luôn quan tâm học hỏi, tu tập để đạt đến mục tiêu tối hậu của mình là giải thoát và thực chứng Niết Bàn.
B. NỘI DUNG
I. ĐỊNH NGHĨA VÀ NGUỒN GỐC TAM VÔ LẬU HỌC
1. Định nghĩa
- Tam: là ba.
- Lậu: là phiền não
- Vô lậu: là không phiền não, không rơi rớt.
- Học: là học hiểu.
Tam Vô Lậu Học là ba môn học vô lậu tức Giới - Định - Tuệ, có ý nghĩa là giúp hành giả vượt khỏi sự trói buộc của mọi phiền não, hoàn toàn tự tại. Lậu cũng có nghĩa là rơi rớt, nên Tam Vô Lậu Học là phương tiện giúp hành giả không còn rơi rớt trong ba cõi, tâm không còn bị ràng buộc bởi mọi lậu hoặc.
Như vậy, Tam Vô Lậu Học là ba môn học đoạn trừ phiền não, chứng nhập quả vị giải thoát hoàn toàn, không còn nằm trong sự kiềm tỏa của Tam giới và không dừng lại ở phước báo nhơn thiên.
Sách Danh Nghĩa Tập quyển 4 dạy: “Phòng phi chỉ ác là Giới; dứt lo nghĩ, tỉnh sự duyên là Định; phá ác chứng chân là Tuệ”.
Trong Tam tạng giáo điển của Đức Phật, thì theo thông thường Kinh tạng nói về Định, Luật tạng nói về Giới và Luận tạng nói về Tuệ. Vì Giới – Định – Tuệ đưa chúng ta từ bờ mê sang bến giác, từ bờ sinh tử đến nơi bỉ ngạn Niết Bàn.
2. Nguồn gốc
Giáo lý Giới – Định – Tuệ được ghi rải rác trong Kinh tạng Nikaya và các bộ Kinh điển Đại Thừa, cũng như trong Trung Bộ Kinh, bài Kinh Dấu Chân Voi; trong phẩm Tượng Tích Dụ số 146 Trung Bộ Kinh; Tạp A Hàm Kinh số 921... Đây là dữ liệu làm cơ sở y cứ và trở thành giáo lý then chốt, cũng là phần thực hành chủ yếu cho giáo lý Phật giáo. Đồng thời cũng chính là điểm trọng tâm để làm nền tảng cho Phật Pháp tồn tại suốt hơn 25 thế kỷ qua.
II. THÀNH PHẦN GIỚI VÔ LẬU HỌC
1. Định nghĩa
Giới còn gọi là Giới học, là Tăng giới học, Tăng thượng giới học. Giới có những ý nghĩa như sau:
- Giới (Sila) tức là "phòng phi chỉ ác", nghĩa là đề phòng điều trái quấy, dừng chỉ mọi điều ác, cũng có nghĩa là "chỉ ác tác thiện" tức là ngưng làm điều ác, làm mọi điều thiện, cũng có nghĩa là thanh lương. Trên đây là chỉ về ý nghĩa tổng quát của Giới.
- Giới có nghĩa là điều phục, chế ngự, tức Tỳ Nại Da (Vinaya) hoặc Tỳ ni. Chế ngự ở đây với những ý nghĩa chế ngự bằng sự tỉnh giác, chế ngự bằng tri kiến, chế ngự bằng kham nhẫn, chế ngự bằng tinh tấn... mục đích để đạt sự thanh tịnh của ba nghiệp.
- Giới luật cũng có nghĩa là Biệt giải thoát (Pratimoksa-s), cũng gọi là Xứ xứ giải thoát hay Tùy thuận giải thoát.
+ Biệt biệt giải thoát: là giải thoát riêng biệt, giải thoát từng phần, giải thoát từng giới, tức là giữ giới phần nào thì được giải thoát phần đó. Giữ giới nhiều thì giải thoát nhiều, giữ giới ít thì giải thoát ít.
+ Tùy thuận giải thoát: là tùy hành giả trì giới cách nào thì hiệu quả theo đó mà thành tựu thuộc về hữu vi hay vô vi. Pratimoksa-(s) cũng có nghĩa là trói buộc, giữ gìn, thúc liễm những hành động của thân và khẩu không để tạo ác nghiệp. Giới trong ngày trai giới, ngày Bố tát gọi là trưởng dưỡng đạo tâm, tịnh trừ nghiệp chướng. Trong Kinh Tăng Chi (III A) Đức Phật dạy: “Ngày trai giới là ngày thực hành hạnh sống của vị A La Hán, dù chỉ giữ tám giới”. Giới cũng có nghĩa là trói buộc, giữ gìn thúc liễm thân khẩu ý không tạo ác nghiệp, cũng đồng nghĩa với luân lý đạo đức, cách cư xử, nếp sống hướng thượng...
+ Xứ xứ giải thoát: Nơi nào có giữ Giới là nơi đó có sự giải thoát. Mỗi gia đình, mỗi xóm làng, mỗi đất nước đều giữ gìn Giới luật, thì gia đình hạnh phúc đầm ấm, trên thuận dưới hòa; xóm làng được an cư lạc nghiệp; đất nước được hòa bình thịnh vượng. Mọi nơi mọi chốn đều sống trong cảnh đoàn kết nhẹ nhàng, thanh tịnh giải thoát.
Đức Phật từng dạy trong Kinh Pháp Cú:
“Giới cụ thành tựu, (Giới thành tựu đầy đủ,
Hạnh vô phóng dật, Hạnh giữ chẳng buông lung,
Định ý độ thoát, Ý an định giải thoát,
Trường ly ma đạo”. Lìa xa hẳn đường ma).
“Tỳ Kheo lập giới, (Tỳ Kheo thọ trì Giới
Thủ nhiếp chư căn, Gìn giữ nhiếp các căn,
Thực tri tự biết, Biết tiết độ uống ăn,
Ngụ ý linh ưng.” Ý thức luôn tỉnh giác.)
“Dĩ Giới hàng tâm, (Lấy giới hàng phục tâm
Thủ ý chính Định, Giữ ý luôn chánh định
Nội học chỉ quán, Trong tu tập chỉ quán
Vô vong chính trí.” Chánh trí thường hiện tiền.)
2. Thời gian và truyền thống thành lập Giới luật
Trong 12 năm đầu, giáo đoàn của Đức Thế Tôn hoàn toàn thanh tịnh, chư Tăng sống trong một tập thể tịch tịnh vắng lặng với tinh thần Lục Hòa cộng trụ, thanh nhàn giải thoát; thường vâng theo lời chỉ dạy của Đức Từ Phụ, hành trì nghiêm mật. Đến năm thứ 12, trong Tăng đoàn có nhiều vị đi tách riêng để giáo hóa độ sinh, từ đó bắt đầu có danh tiếng và lợi dưỡng, và cũng chính vì điều đó mà bắt đầu phát sinh những lậu hoặc phiền não. Vì thế, Đức Phật mới thiết lập Giới Bổn.
Theo truyền thống và cách thành lập các Giới điều của chư Phật, chỉ khi nào có hiện tượng sai phạm gây rối loạn cho Tăng đoàn, làm mất sự hòa hợp, gây ảnh hưởng xấu đến chúng Tăng, thì Đức Phật sẽ tùy theo sự sai phạm ấy mà chế định Giới luật. Chế Giới Luật nhằm để nghiêm cấm, răn đe những ai phóng túng, buông lung được trở lại thanh tịnh, để tiến tu trên đường giải thoát; rồi đem sự Giác ngộ hoằng pháp lợi sinh, giáo hóa muôn người; nối truyền bước đường du hóa mà Đức từ Phụ đã chỉ dạy.
Giới luật Phật chế không có tính cách ép buộc phải tuân theo, mà là sự tự nguyện, tự phát tâm giữ gìn, tinh tiến hành trì xuyên suốt, không biếng nhác trễ lười, không phóng túng buông lung. Từ đó Giới thân, Giới thể, Giới tướng, Giới hạnh hoàn toàn thành tựu, tác thành Giới phẩm Tỳ Kheo hay Tỳ Kheo Ni; tướng mạo nghiêm trang, dung nghi đĩnh đạc, xứng đáng là Thầy của cõi Nhân, Thiên; là rường cột của Phật Pháp.
3. Mục đích hình thành giới bổn
Trong Tăng Chi Bộ kinh, 3B, trang 73, Đức Phật dạy về 10 mục đích hình thành giới bổn như sau:
1. Để Tăng chúng được cực thịnh
2. Để Tăng chúng được an ổn
3. Để chặn đứng các người khó điều phục
4. Để các vị Tỳ kheo tốt được sống an ổn
5. Để chế ngự các lậu hoặc ngay trong hiện tại
6. Để chặn đứng các lậu hoặc trong tương lai
7. Để đem lại niềm tin thanh tịnh chính đáng cho những người chưa tin
8. Để làm tăng trưởng niềm tin thanh tịnh cho những ai đẫ có lòng tin
9. Để cho chánh pháp được tồn tại
10. Để cho giới luật được chấp nhận
Với những điều kiện trên, chúng ta thấy mục đích hình thành giới bổn cũng là để ngăn ngừa điều ác và làm tăng trưởng điều thiện. Như Luật tạng nói: "Giới là để chế ngự, chế ngự là để khỏi hối hận, không hối hận là để được hân hoan, hân hoan là để được hỷ, hỷ là để được khinh an, khinh an là để được lạc, lạc để được định, định để được chánh kiến, chánh kiến để được vô dục, vô dục để được ly tham, ly tham để được giải thoát, giải thoát để có giải thoát tri kiến, giải thoát tri kiến để đi đến vô thủ trước Niết Bàn".
Như trên chúng ta thấy, mục đích hình thành Giới bổn là để “chỉ ác tác thiện”, nhằm ngăn ngừa điều bất thiện do thân khẩu ý gây ra, làm tăng trưởng điều thiện, điều lành, tâm từ bi bình đẳng, thương người cứu vật mà ban trải niềm vui khắp muôn loài.
“Thời gian mười hai năm về trước,
Gian nan vượt khó Tăng cất bước,
Truyền giáo sửa sai mười ba sau,
Thống nhất Tăng đoàn trì Giới luật.
*
Thành lập quy điều chốn Tòng lâm.
Lập hạnh lục hòa gắng sức làm.
Giới pháp nghiêm minh hằng tron vẹn,
Luật cấm giữ gìn gắng chuyên cần”.
Giới đóng vai trò quan trọng đối với hành giả tu tập giải thoát. Cho nên, trước khi nhập Niết Bàn, Đức Thế Tôn có lời nhắn nhủ đến hàng đệ tử của Ngài được ghi lại trong Kinh Di Giáo như sau: “Tỳ Kheo các ông! Sau khi Ta diệt độ phải tôn trọng quý kính Ba La Đề Mộc Xoa, như đi trong đêm tối gặp ánh sáng, như người nghèo gặp của báu. Phải biết Giới này là vị Thầy các ông. Nếu Ta còn trụ ở đời thì cũng không ngoài Giới này vậy.”
Trong Kinh Sonadanda, Trung Bộ V, Đức Phật dạy: “Ở đâu có Giới hạnh thì ở đó có Trí tuệ. Ở đâu có Trí tuệ thì ở đó có Giới hạnh. Người có Giới hạnh nhất định có Trí tuệ, người có Trí tuệ nhất định có Giới hạnh. Giới hạnh và Trí tuệ được xem là tối thắng trên đời.”
4. Phân loại giới
Giới Luật được chia làm hai phần.
a) Tiểu thừa giới:
- Giới tại gia có: Ngũ giới, bát quan trai giới.
- Giới xuất gia có: 10 giới của Sa Di và Sa Di Ni; Thức Xoa Ma Na học thêm 6 học pháp và 292 hành pháp; Tỳ Kheo 250 giới và Tỳ Kheo Ni 348 giới.
Giới lại được phân ra làm 4 khoa: Giới pháp – Giới thể – Giới hạnh – Giới tướng.
b) Đại thừa giới:
- Bồ Tát giới cả tại gia và xuất gia gồm: 10 giới trọng và 48 giới khinh.
Về Đại Thừa giới thì chú trọng về phần độ sinh nên được chia làm ba phần, tức Tam Tụ Tịnh Giới, gồm:
- Nhiếp luật nghi giới: là những giới luật thu nhiếp thân, khẩu, ý, ngăn ngừa những lỗi lầm sai trái, tránh xa các việc bất thiện, không gây tạo các nghiệp ác, không đắm nhiễm vọng trần, chấp trước ngã pháp, tức là “Chư ác mạc tác”.
- Nhiếp thiện pháp giới: Là những giới thu nhiếp thiện căn, ban trải lòng lành khắp nơi, từ bi cứu giúp muôn loài; thương xót tất cả, giúp người nguy khốn, cứu kẻ bần cùng; làm những việc đem đến sự lợi lạc cho bản thân, cho gia đình, cho xóm làng, xã hội và đất nước, tức là “Chúng thiện phụng hành”.
- Nhiêu ích hữu tình giới: Là những giới làm lợi ích cho loài hữu tình, sống hòa mình vui vẻ cùng cộng đồng. Điều này được thâu nhiếp trong Tứ Nhiếp Pháp gồm: Bố thí, Ái ngữ, Lợi hành và Đồng sự. Đem sự giác ngộ của mình để giáo hóa chúng sanh, tức là “Phổ độ nhất thiết chúng sinh”.
Ngoài hai loại giới trên còn có phân chia thêm hai loại khác nữa, đó là giới thế gian và giới xuất thế gian.
- Giới thế gian: Là những Giới luật đưa đến quả báo hữu lậu, tức là chưa ra khỏi Tam giới, như người giữ năm giới được sinh làm người, hưởng phúc thế gian được giàu sang sung sướng, gia đình đầm ấm, con cháu đề huề. Người hành Thập Thiện tuy được sinh lên cõi trời, nhưng khi phúc hết vẫn phải đọa phàm trần. Những người ấy chưa ra khỏi Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới.
- Giới xuất thế gian: Là giới luật đưa hành giả đến quả Vô lậu, được giải thoát Tam giới, không còn sa đọa trong sinh tử luân hồi. Ví như hàng Tỳ Kheo và Tỳ Kheo Ni, giữ gìn giới luật tinh nghiêm không gián đoạn, trau giồi phẩm hạnh, rèn luyện giới đức (là nhân), chứng đắc Tứ quả Thanh Văn, nhập vào cảnh giới Niết Bàn Hữu Dư Y (là quả). Hành trì giới vô lậu sẽ chứng đắc quả vô lậu, đó mới chính là “Giới vô lậu học”. Trong Kinh Pháp Cú Đức Phật dạy:
“Hữu tín tắc giới thành, (Có tín, thành tựu giới,
Tùng giới đa trí bảo, Từ giới, pháp bảo sinh,
Diệc tùng đắc hài ngẫu, Nhờ đó sống an ổn,
Sở tại kiến cúng dàng”. Được cung kính cúng dàng).
c) Giới theo ba bậc: Hạ, Trung và Thượng:
- Giới bậc Hạ: Là giới thọ trì do mưu cầu danh lợi, vì động lực tham ái, do vậy còn tái sinh.
- Giới bậc Trung: Giới thọ trì vì còn ham quả báo được công đức, tức còn chấp tướng, chấp phước, hay giữ giới để có lợi lạc giải thoát riêng mình, gọi là giới bậc Trung.
- Giới bậc Thượng: Là thực hành giới vì kỉnh giới, tin giới, vì mục đích lợi tha, không chấp ngã nhân, vì cầu với ý nghĩa Ba la mật, là giới bậc Thượng.
5. Tính chất - nền tảng - lợi ích của sự giữ giới
a) Tính chất: Giới bổn được đặt trên căn bản để giữ thân tâm được thanh tịnh, dần dần triệt tiêu những phiền não, tham, sân, si. Giới trong Phật pháp mang đậm tính nhân văn, nhân bản, đó là tinh thần linh động trong sự phân biệt từng loại: khinh - trọng, tánh - tướng, hay trong mỗi trường hợp mà có cách ứng xử trì giới phù hợp như: khai, giá, trì, phạm. Vậy, Giới học trong Phật pháp không mang tính giáo điều (dognia) cứng nhắc và cực đoan bế tắc như một số Tôn giáo khác. Tinh thần này phù hợp với quan điểm "tự tại vô ngại" và "tùy duyên bất biến" hay "Phật pháp bất định pháp" của Phật giáo.
b) Nền tảng: Giới được đặt trên nền tảng tự lợi và lợi tha, tự thanh tịnh bản thân, cũng là để thanh tịnh quần thể sống, thanh tịnh quốc độ. Nếu bạn trì giới đúng nghĩa thì cũng có nghĩa góp phần thánh hóa nếp sống của mọi người.
c) Lợi ích của sự giữ giới: "Giới luật chính là bậc thềm thang đầu tiên của đạo quả giác ngộ, là nền tảng của thiền định, trí tuệ, là ngọc anh lạc để trang nghiêm pháp thân, là thuyền bè để đưa người qua bể khổ sanh tử, là kho tàng vô lượng công đức" (HT Thích Thiện Siêu).
“Giới như đèn sáng lớn
Soi sáng đêm tối tăm
Giới như gương báu sáng
Chiếu rõ tất cả pháp
Giới như châu ma ni
Rưới của giúp kẻ nghèo.”
(Kinh Phạm Võng - Bồ Tát giới)
Trong Kinh Đại Bát Niết Bàn của Trường Bộ, cũng như Kinh Trung Bộ II thì Đức Phật dạy, nếu là người chuyên trì Giới luật tinh chuyên, sẽ thành tựu được 5 sự lợi ích như sau:
1. Người trì giới sẽ thừa hưởng gia tài pháp bảo nhờ có tinh cần
2. Được tiếng tốt đồn xa
3. Không sợ hãi rụt rè khi đến trước hội chúng đông đảo
4. Khi chết, tâm không rối loạn
5. Sau khi mệnh chung được sanh vào thiện thú, thiên giới.
Kinh Hoa Nghiêm cũng khẳng định rằng: “Giới là gốc của Bồ Đề, là nền tảng của Niết Bàn, là chiếc phao nổi để qua biển khổ, là chiếc cầu bắc sang bờ bên kia”.
Tuy nhiên, trong Kinh Hạt Muối (Tăng Chi Bộ kinh I) và Kinh Đại Nghiệp Phân Biệt (Trung Bộ III), Đức Phật đã nêu rõ sự trì giới và phạm giới với những hậu quả còn tùy thuộc vào tâm ý hay những tác nghiệp (ác hay thiện) đã gây tạo ra trước đó.
Giới luật đem đến cho chúng ta một đời sống thanh nhàn, an vui, không bị ngoại cảnh bức bách; không bị vọng trần làm đắm nhiễm, không ham muốn dục tình của thế gian. Thê thằng tử phược, gia tài sự nghiệp, danh lợi tiếng tăm không thể chi phối buộc ràng. Tinh thần luôn khoan khoái nhẹ nhàng, thong dong tự tại.
Nhờ giữ Giới mà chúng ta xa lánh được Thập ác nghiệp, luôn luôn hành trì Thập thiện nghiệp. Không sát sinh là tôn trọng quyền bình đẳng, vì “Nhất thiết chúng sinh giai hữu Phật tính”. Nghĩa là tất cả chúng sinh đều có Phật tính. Chúng ta giữ giới sát sẽ không phải trả báo thường mạng, sẽ được trường thọ an vui. Không trộm cắp sẽ được bình yên, không bị đánh đập khảo tra vào tù, ra khám. Không tà dâm thì gia đình hạnh phúc, con cháu sum vầy, ấm no sung sướng. Không vọng ngôn, ỷ ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu thì tự thân được người tôn kính nể vì; không tạo khẩu nghiệp để chịu lấy quả báo về sau. Không say sưa rượu chè sẽ được thông minh trí tuệ, gia đình đoàn tụ yên vui. Giới luật giúp chúng ta tránh khỏi sự oan oan tương báo, kiếp kiếp trả vay trong vòng sinh tử luân hồi.
Tinh tiến hành trì giới pháp thì năng lực giác ngộ ngày càng tăng trưởng, Ngã – Pháp ngày càng không còn vướng mắc, tam độc ngày một tiêu trừ. Sự mê lầm chấp trước, tham ái dục tình, gia đình sự nghiệp, tài sản lợi danh ngày càng dứt tuyệt.
Là những người xuất gia, mang trong mình trọng trách thừa hành Phật sự, tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức thì phải thường xuyên nghiêm trì Giới luật để làm bậc mô phạm cho đại chúng noi theo. Với hoài bão giải thoát những triền phược khổ đau và sinh tử luân hồi, tạo lên một cuộc sống an lành thánh thiện trong hiện tại và tương lai thì chúng ta không thể không nghiêm trì Giới luật. Giới còn có công năng chế ngự thân, khẩu, ý; không cho vọng động buông lung.
Giới luật bao giờ cũng là bước đầu tiên trên lộ trình Giải thoát, là căn bản đạo đức hàng đầu trong đạo hạnh của cả người xuất gia và tại gia. Nên Kinh Pháp Cú đã tán thán những người có giới hạnh:
“Hương thơm các loài hoa,
Không bay ngược chiều gió.
Chỉ hương người đức hạnh,
Ngược gió khắp tung bay”.
Thật vậy, đức hạnh là một đức tính cao vời không bao giờ biến hoại hoặc lu mờ, dù thời gian có vô cùng và không gian vô tận, nhưng đức hạnh của một người luôn tồn tại và tỏa sáng với thời gian và không gian. Nó chính là khuôn vàng thước ngọc cho hậu thế muôn đời.
Ở thế gian, đức hạnh được tôn xưng với những người có đạo đức tốt, có lòng nhân từ làm lợi ích cho mọi người, còn gọi đó là người hiền nhân quân tử. Còn trong Đạo Phật, đức hạnh được chiếu soi bởi những người có giới hạnh. Giới hạnh càng cao thì đức hạnh càng rạng ngời. Đây mới chính là người đại diện cho chánh pháp, là sứ giả của Như Lai trong mọi lúc, mọi thời. Trong Luật tạng Đức Phật có dạy:
“Tỳ Ni tạng trụ, Phật Pháp thế thế trường tồn.
Giới luật nghiêm trì, Tòng Lâm thời thời hưng thịnh”.
Qua đó cho chúng ta thấy, người giữ giới cũng có nghĩa là trưởng dưỡng tâm Từ bi và lòng nhân ái, vị tha; dứt trừ tâm tham lam, sân hận, si mê. Nhìn gần thì thấy Giới có thể phát triển được đức hạnh tốt của con người, nhìn xa hơn thì Giới sẽ sinh ra quả Định. Nếu hành giả tu tập chuyên nghiêm trì giới luật một cách tinh chuyên thì sẽ góp phần làm cho Phật pháp tồn tại, và đem đến lợi ích cho vạn loại chúng sanh.
III. THÀNH PHẦN CỦA ĐỊNH VÔ LẬU HỌC
1. Định nghĩa
Tiếng Phạn là Samadhi, dịch âm là Tam-muội, Tam-ma-đề. Định thường để chỉ thiền định nên thường gọi chung là Thiền định, trong đó thiền dịch âm từ tiếng Phạn là Dhyana (Thiền na) dịch nghĩa là Tỉnh Lự hay Tư Duy Tu. Định chỉ cho trạng thái tâm ý chuyên chú tập trung vào một đề mục, một đối tượng, một biểu thức nhất định, ngõ hầu tâm giới không bị xao động, nhiễu loạn, phân tán do những tác động chủ quan và khánh quan. Định Vô Lậu Học là môn học về Định làm nền tảng phát sanh trí tuệ vô lậu.
2. Hành tướng của định
Muốn định tĩnh, trước hết phải dứt vọng niệm bằng cách nghiêm trì giới luật, dùng chánh niệm để đoạn trừ tà niệm, không cho chúng phát khởi.
Khi vọng tưởng lăng xăng bặt dứt, tà niệm chẳng còn nhưng chánh niệm vẫn khởi rồi diệt. Dù đó là những tưởng niệm trong sạch, thiện lành thì chúng ta vẫn phải dứt luôn những tưởng niệm ấy, để đạt được tâm ý vắng lặng, thanh thoát nhẹ nhàng. Trong Kinh Pháp Bảo Đàn có dạy: “Không nghĩ thiện, không nghĩa ác” như vậy mới gọi là Định.
Khi tâm Định mà còn thấy tâm Định, rồi luôn luôn cố giữ tâm ấy, thì vẫn là vọng. Phải xả bỏ luôn sự cố giữ tâm Định, mới thật là Định. Đó là nguyên tắc cơ bản của Thiền tông Trung Hoa.
“Tà chánh tận đả khước, (Tà chính đều dẹp sạch,
Bồ đề tính uyển chuyển”. Tính Bồ đề sáng tỏ).
3. Phân loại
a) Sổ tức: Bước đầu của pháp Thiền định là quán Sổ tức, đếm hơi thở ra vào liên tục, không gián đoạn, điều hòa thân tâm, chế phục tâm loạn động để đi đến Định.
b) Tịnh niệm: Giữ niệm thanh tịnh trong sáng, không xen tạp vọng niệm, khiến tâm an trú vào một niệm, định tĩnh nhất tâm. Như pháp môn niệm Phật, khi hành giả niệm liên tục đến nhất tâm bất loạn, gọi là niệm Phật Tam muội.
c) Thiền định: Ở đây chỉ cho Tứ Thiền của cõi sắc và Tứ Định của cõi vô sắc. Gọi là tứ Thiền bát Định.
- Tứ Thiền gồm: Sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền.
- Tứ Định gồm: Không vô biên xứ định, Thức vô biên xứ định, Vô sở hữu xứ Định, Phi tưởng phi phi tưởng xứ Định.
d) Định cận hành và Định an chỉ:
- Định cận hành: Là Định có được do hành giả thực hành pháp tập trung tư tưởng vào đề mục, hoặc quán tưởng vào một chuyên đề như: quán tử thi, quán sự an ổn, quán Tứ niệm xứ, quán sự hình thành và phân tán của Tứ đại .v.v.
- Định an chỉ: Là sự nhất tâm đạt được liền sau định cận hành, do sự tập trung tâm ý được vắng lặng, các vọng niệm được đình chỉ, các vọng thức không chi phối, an định tịch tĩnh.
e) Định thế gian và Định xuất thế gian:
- Định thế gian: Là sự nhất tâm có chiều hướng thiện, nhưng không được thoát ly sinh tử, không vượt ra khỏi Tam giới, vì không có chí hướng giải thoát và còn vướng bận trong vòng luân hồi lục dục. Ví như các nhà khoa học, chuyên chú vào một mục tiêu thí nghiệm, đưa đến sự nhất tâm không bị ngoại duyên chi phối. Nhưng đó chỉ là định phát sinh có giới hạn, tự phát, không có chí hướng giải thoát mà chỉ chăm chú vào sự thí nghiệm. Người ta còn gọi đó là “Phàm phu thiền”. Các ngoại đạo tu tập Thiền định để cầu phước báu sinh thiên, vì họ quan niệm Phạm Thiên hoặc Thượng Đế là bậc Tối Thượng. Người ta gọi đó là “Ngoại đạo thiền”.
- Định xuất thế gian: Là Định thuộc về Thánh đạo. Người đạt được định này sẽ thoát khỏi sinh tử luân hồi, vượt ra ngoài vòng kiềm tỏa của Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Tu chứng Định xuất thế cũng là chứng đắc quả A La Hán, Bích Chi Phật.v.v… Đây mới chính là “Định vô lậu học”. Trong Kinh Pháp Cú Đức Phật dạy:
“Thiếu tráng xả gia, (Người trẻ tuổi xuất gia,
Thạch tu Phật giáo, Siêng tu pháp Phật đà,
Thị chiếu thế gian, Như trăng khỏi mây mù,
Như Nguyệt vân tiêu.” Chiếu sáng khắp thế gian.
* *
“Thủ giới phúc trí hỷ, Giữ giới phúc an vui,
Phạm giới hữu cụ tâm, Phạm giới tâm lo sợ,
Năng đoạn tam giới lậu, Dứt được lậu ba cõi,
Thử nãi cận Niết Bàn.” Người này gần Niết Bàn.
* *
“Nhược tiền phóng dật, Nếu trước mà phóng dật,
Hậu năng tự cấm, Sau biết tự ngăn cấm,
Thị chiếu thế gian, Đó nhờ sức niệm định,
Niệm định kỳ nghi.” Tỏa sáng khắp thế gian).
Theo quan điểm Đại thừa, Định xuất thế gian được phân loại như sau:
- Tiểu thừa thiền: Là các vị tu quán 12 Nhân duyên, Ngũ đình tâm quán, Tứ niệm xứ, Bát chánh đạo.v.v… Nhờ nhất tâm nghiêm trì Giới luật, nhân Giới sinh Định, nhân Định phát Tuệ. Dùng Trí tuệ sáng suốt phân biệt chân ngụy, dứt trừ lậu hoặc, phiền não, tham, sân, si; tâm ý thanh tịnh nhẹ nhàng, tịch tĩnh. Chứng đắc Tứ quả Thanh Văn Tu Đà Hoàn, Tu Đà Hàm, A Na Hàm, A la Hán, Độc Giác, Bích Chi Phật.
- Đại thừa thiền: Là thiền định của Bồ Tát tu quán nhị pháp giai không, quán thân tứ đại do ngũ uẩn hòa hợp, không thật thể, đủ duyên thì hợp, hết duyên thì tan rã. Còn sơn hà đại địa chịu sự biến hoại của thành, trụ, hoại, không; hoặc sinh trong diệt, không có chi là vững bền chắc thật. Trong Bát Nhã Tâm Kinh có đoạn: “Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát nhã Ba la mật đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ác .v.v... Tam thế chư Phật y Bát nhã ba la mật đa cố, đắc A nậu đa la tam miểu tam bồ đề”.
Nhờ quán ngũ uẩn giai không, tâm chấp trước Ngã – Pháp tan rã, ý thanh tịnh nhẹ nhàng, tỉnh giác ngộ đạo. Những người có thiện căn cao thích làm việc thiện, thương người cứu vật, giúp kẻ khốn cùng; chia cơm xẻ áo, tiền của vật chất, sống hòa đồng với mọi người, đồng cam cộng khổ, an ủi sớm hôm, nhưng không bị nhiễm dục trần danh lợi. Sống trong xã hội mà tâm ý luôn thanh thoát nhẹ nhàng, vắng lặng tịch tĩnh.
“Cư trần bất nhiễm trần” là hạnh nguyện của Bồ Tát. Muốn tu pháp thiền Đại thừa, phải dùng trí Bát Nhã quán chiếu ngũ uẩn giai không (ngã, nhân, chúng sinh, thọ mệnh), dứt trừ Vô minh hoặc và Trần sa hoặc. Các Ngài giáo hóa tế độ chúng sinh không mỏi mệt, dù gặp nghịch cảnh, gian lao khốn khổ vẫn luôn an trụ trong cảnh động. Chỗ giải thoát của Đại thừa thiền là Vô trụ xứ Niết Bàn, tiến dần đến Thập địa Bồ Tát. Phá được một phần Vô minh, thì chứng được một phần Pháp thân, cho đến khi viên mãn thành bậc Diệu giác, tức là thành Phật.
- Tối thượng thừa thiền: Là pháp Thiền định dành cho các bậc thiện căn, thượng trí. Không dùng phương tiện giáo ngoại biệt truyền, không dùng văn tự dài dòng, không dùng ngôn ngữ hiển bày. Khi Đức Phật còn tại thế, các vị phát tâm xuất gia, xa lìa thế tục, đều là những vị thượng căn thượng trí, nên chỉ cần nghe một bài kệ 4 câu là tức thời tỏ ngộ; thâm nhập Phật tính, lậu hoặc dần tiêu, nghiệp chướng dứt trừ. Như Lục tổ Huệ Năng, chỉ nghe trong Kinh Kim Cương có câu: “Ưng vô sở trụ, nhi sinh kỳ tâm”, lập tức hiểu rõ thông suốt Ngã – Pháp vốn không, không nơi an trụ thì sinh tâm chấp trước, mê đắm làm gì? Tối thượng thừa thiền tức là “Trực chỉ nhân tâm, kiến tính thành Phật”, nghĩa là (chỉ thẳng nơi tâm người, thấy tính sẽ thành Phật).
“Định tâm vắng lặng lòng yên tĩnh,
Vô loạn dứt động diệt Vô minh,
Lậu phiền chướng hoặc đoạn tận gốc,
Học tu trú tứ Thiền bát Định”.
Đối với người đại trí không cần giảng dạy nhiều, chỉ cần nói qua một câu, một bài kệ hay một cử chỉ, hành động là khai thị được tánh giác của họ, làm tỏ ngộ tức khắc bao nhiêu nghiệp chướng mê hoặc, phiền não chấp trước lâu đời. Nay chỉ trong một sát na là tiêu tan hết, tâm quang sáng suốt, định tánh hiển bày, cũng như khi mây tan gió tạnh thì mặt trời chiếu sáng giữa hư không.
4. Lợi ích của Định vô lậu học
Công năng của Thiền định là hóa giải căng thẳng của tâm lý, phát sinh trí tuệ; hình thành nên các năng lực bình thường và phi thường.
Theo Bồ Tát hạnh, tu tập Thiền định sẽ đạt được 10 kết quả tốt đẹp:
1. Đạt được pháp thức uy nghi.
2. Giữ được tâm Từ Bi.
3. Không còn phiền não tham, sân, si.
4. Các giác quan thanh tịnh.
5. Tâm được vui vẻ an lạc.
6. Xa lìa ái dục.
7. Chứng được chân không, xa rời các sở chấp.
8. Các hoặc nghiệp không còn nhiễu loạn.
9. Có được trí tuệ vô lượng.
10. Được an trú trong cảnh giới của chư Phật.
Từ ghép “Thiền Định” dùng để chỉ cho những phương pháp làm cho tâm vắng lặng như quán Từ bi, quán Vô thường, khổ, không, vô ngã .v.v. Nhờ có sự tuân thủ nghiêm chỉnh các Giới luật của Phật, nên hành giả đạt được Định. Giới như bức tường kiên cố ngăn chặn các ác pháp, nhất là đối trị tâm tán loạn, phóng túng; nhân Giới sinh Định, nhân Định phát Tuệ. Như vậy, khi tâm vọng động thì Trí tuệ không phát sinh. Cho nên cần phải đóng kín các căn, không cho nhiễm với các trần, đó là con đường trở về với biện tâm. Như vậy, Định là kỷ luật tâm linh cần thiết, được đặt ra cho người tu tập nhằm đối trị tâm tán loạn, phóng dật. Muốn thành tựu Định, cần có ý chí mạnh mẽ, nỗ lực tối đa để đạt được Tuệ quán sắc bén, thấy được thật tướng của các pháp. Từ đó, tâm không còn móng niệm tham đắm, chấp trước; mọi gánh nặng tham ái được đặt xuống, một cảm giác nhẹ nhàng hoan hỷ xuất hiện, màn Vô minh từ đó dần dần tan biến.
Điều kiện tiên quyết để thực hành thiền định là ly dục, ly bất thiện pháp. Định học được thành tựu theo tiến trình cơ bản sau: dức tạp niệm chỉ còn thuần chánh niệm, dức tư tưởng chánh tà chỉ còn tâm định tĩnh, xả bỏ cả ý niệm định tĩnh, đạt đến tâm vô trụ.
Thiền định giúp cơ thể khoẻ mạnh, hoá giải được những cấu nhiễm trong tâm, thoát ly mọi sự sợ hãi, nếm được pháp lạc, phát sanh trí tuệ, hình thành cả năng lực thường và phi thường, đạt được giải thoát giác ngộ.
Tâm người luôn giao động, tán loạn như vượn chuyền cây, hết suy nghĩ việc này đến suy nghĩ việc khác. Suy nghĩ đến điều thiện thì rất tốt, nhưng suy nghĩ điều ác sẽ gây tạo nên nghiệp bất thiện, đọa lạc đến chỗ tối tăm mê mờ. Nhờ Định buộc tâm vào một chỗ, không tư duy xằng bậy; buộc tâm vào Giới luật, buộc tâm vào thiện nghiệp. Tinh tiến trau giồi tâm ý, xa lìa vọng trần ái nhiễm, tiến bước trên đường giải thoát. Nhờ có định mà tâm ý không bị tham, sân, si làm xao động, không bị ngoại cảnh xung quanh chi phối. Khi tâm thường xuyên định tĩnh thì Trí tuệ phát sinh. Cũng như ngọn đèn trong nhà kín, không bị gió thổi thì phát ra ánh sáng để thấy rõ mọi vật.
Định có năng lực nhiếp phục thân tâm và ngoại cảnh, làm cho nội lực tập trung đến độ sung mãn thì phát ra thần thông diệu dụng. Không bị tham ái, dục tình chi phối, không bị danh lợi tài sắc buộc ràng, an nhiên tự tại, thanh thoát nhẹ nhàng.
IV. THÀNH PHẦN TUỆ VÔ LẬU HỌC
1. Định nghĩa
Tuệ còn gọi là Tuệ học, Tăng tuệ học, Tăng thượng tuệ học. Tuệ tiếng Phạn là Panna, phiên âm là Bát-nhã, dịch nghĩa là Trí tuệ. Tuệ là trí sáng suốt, thấy tính tỏ tâm, thấy rõ chính tà chân ngụy; thấu suốt nguồn gốc và nguyên nhân đưa đến cảnh khổ, để đoạn Hoặc chứng Chân, tu hành Đạo đế, chứng nhập Niết Bàn Hữu dư y. Thông đạt sự tướng hữu vi hay biết rõ Tục đế gọi là Trí, thông đạt không tướng vô vi hay biết rõ Chân lý gọi là Tuệ, gọi chung là Trí Tuệ. Tuệ vô lậu học là môn học lấy trí tuệ vô lậu làm cứu cánh. Tuệ vô lậu học cũng là pháp ngữ chỉ cảnh giới chư Phật, Bồ Tát và A La Hán.
Chúng ta nhờ trì Giới nghiêm minh, phát sinh Định thanh tịnh vắng lặng, từ Định phát sinh Trí tuệ sáng suốt, thấu rõ tất cả các pháp một cách minh bạch, phân biệt rõ ràng chân ngụy, chính tà.
Theo Từ điển Phật học (phân viện Nghiên cứu Phật học Hà Nội) giải thích thì: “Trí là đối với đạo lý hết thảy sự vật, có khả năng đoán định phải trái, chính tà…. mà chọn lấy, từ bỏ mặt này hay mặt khác, thì gọi là Trí. Quán lý Tứ Đế hay Thập Nhị Nhân Duyên đều là trí. Tuệ là cái tác dụng phân biệt sự lý, quyết đoán nghi ngờ, thông đạt sự lý. . . Thông đạt sự tướng hữu vi thì gọi là Trí. Thông đạt không tướng vô vi thì gọi là Tuệ.”
Hoặc định nghĩa chung về Trí Tuệ là: “Quyết đoán là Trí, tuyển chọn là Tuệ. Biết rõ Tục đế là Trí, biết rõ Chân đế là Tuệ”. Theo Đại Cương Câu Xá Luận (H.T Thích Thiện Siêu) xác định: “Đặc sắc của Trí là tính quyết định, đặc sắc của Tuệ là tính phân biệt rõ ràng sự lý các pháp”. Như vậy, chúng ta thấy trong Trí có sự tác dụng của Tuệ, ngược lại trong Tuệ bao hàm tác dụng của Trí; cả hai hỗ tương cho nhau, có quan hệ mật thiết với nhau, nên gọi chung là Trí tuệ. Và đây chính là Tuệ vô lậu (Anàsravam).
Theo định nghĩa của Ngài Buddhaghosa thì: "Trí tuệ có đặc tính thấu nhập vào các pháp. Trí tuệ có phận sự phá tan bóng tối của ảo tưởng bao phủ tự tính của các pháp - biểu hiện của nó là không bị mê mờ, bởi vì thiền định là nguyên nhân trực tiếp của nó" (Tinh Hoa và Sự Phát Triển Của Đạo Phật, dịch giả Chơn Pháp - Nguyễn Hữu Hiệu - Tu thư ĐH Vạn Hạnh, Saigon, 1970).
Như vậy, dù nhìn góc độ nào đi nữa thì trí tuệ (vô lậu) vẫn là chất liệu tinh anh cao tột nhất để quyết đoán và chọn lựa đối với mọi sự, mọi vật.
2. Nội dung của Tuệ học
Nội dung của Tuệ học chính là toàn bộ giáo lý mà Đức Phật đã thuyết giảng trong 45 năm, được tập trung trong giáo lý Tứ Đế và lý Duyên khởi. Nó bao gồm đủ cả giới học và định học. Do vậy, đối tượng của Tuệ học là Giới học và Định học, hay giáo lý Tứ Đế và Nhân duyên sinh.
Trong phẩm Chuyển Pháp Luân thứ 2 của Kinh Tương Ưng V, nội dung của Tuệ học là sự thấu rõ tường tận về 4 chân lý bao gồm:
- Thế nào là khổ?
- Nguồn gốc của khổ.
- Sự diệt tận các khổ.
- Các phương pháp để diệt tận khổ.
Trong kinh Phật Tự Thuyết thuộc Kinh Tiểu Bộ số 1, nội dung của giáo lý Duyên khởi là: "Do cái này có mặt nên cái kia có mặt. Do cái này không có mặt nên cái kia không có mặt. Do cái này sinh nên cái kia sinh. Do cái này diệt nên cái kia diệt". Như vậy, hiểu rõ hay có trí tuệ về lý Duyên khởi chính là trực nhận rằng các pháp hiện hữu trên thế gian này đều do nhiều yếu tố, nhờ nhiều nhân duyên mà có mặt và cũng do nhân duyên mà đoạn diệt. Hiểu rằng vì bản chất của các pháp là như vậy, cho nên các pháp là vô thường, là vô ngã.
Từ những ý nghĩa cốt lõi trên, chúng ta có thể kết luận: trí tuệ vô lậu khác hẳn trí tuệ hay trí thức thế gian. Trí tuệ thế gian là nhờ sự học tập hay kinh nghiệm cuộc sống mà có được. Còn trí tuệ vô lậu là thành quả có được nhờ vào công năng tu tập và thể nghiệm bản thân. Trí tuệ thế gian chỉ là yếu tố trợ duyên để có thể làm tăng trưởng trí tuệ vô lậu, chứ nó không thể giải thoát hoàn toàn được. Trí tuệ vô lậu là con đường đưa đến cuộc sống an lạc hạnh phúc, giải thoát ngay trong hiện tại và tương lai. Trí tuệ vô lậu nhìn đúng sự thật nhân sinh và vũ trụ; nó không bao giờ xem xét sự vật bằng cảm quan, bằng suy lường, bằng cảm nhận; mà nó nhìn vào sự vật, hiện tượng nhờ vào sự thể nghiệm thiền tập và đi vào chánh định, chánh kiến. Do vậy, chỉ có hành thiền mới đưa đến trí tuệ vô lậu.
3. Phân loại Trí Tuệ:
a) Đứng về mặt phân biệt thì trí tuệ có hai loại: tuệ hữu lậu và tuệ vô lậu, hay còn gọi là tuệ thế gian và xuất thế gian.
- Trí Tuệ hữu lậu là tuệ có quan hệ mật thiết với phiền não thế gian và không có khả năng dứt trừ phiền não ấy. Đó là thứ trí tuệ phổ thông, còn gọi là thế tục trí (Jnànam-laukikam; Knowledge of the world). Trí tuệ này chỉ có công năng hiểu biết các pháp trên mặt hiện tượng. Trí tuệ này còn câu hữu với tham, sân, si, mạn, phiền não... Do vậy chưa có công năng đoạn trừ chấp thủ.
- Trí tuệ vô lậu tức là trí thanh tịnh, có công năng cắt đứt mối quan hệ với phiền não. Sự hiểu biết các pháp nằm ngoài phạm trù đối đãi và chấp thủ, đưa đến giải thoát và giải thoát tri kiến, chứng vô lậu Niết bàn, thì đây gọi là Trí tuệ vô lậu.
b) Đứng về mặt tính chất thì trí tuệ được chia làm hai loại là căn bản trí và hậu đắc trí.
- Căn bản trí: hay còn gọi là chánh trí, vô phân biệt trí. Trí này là căn bản sinh ra nhất thiết công đức, là giác tánh viên minh mà mỗi chúng sanh vốn đã có sẵn. Đó là bản thể của tâm vốn là trong lặng, sáng suốt, nhưng vì bị vọng niệm, phiền não che lấp, cho nên những đức tính sáng suốt trong lặng ấy không hiển lộ ra được.
- Hậu đắc trí: hay còn gọi là tục trí, như lượng trí. Là trí tuệ có được nhờ công phu tu tập Giới-Định-Tuệ mà có được. Có thể hiểu hậu đắc trí là một quá trình thanh lọc tâm khỏi các triền phược, phiền não... để trở về căn bản trí. Trong hậu đắc trí đã có mầm mống của căn bản trí. Nơi tâm thể của chúng ta đã có căn bản trí, sở dĩ chúng ta chưa nhận diện được nó do vì mê chấp vọng cầu... dấy khởi che lấp. Như gã cùng tử có viên minh châu trong tay áo mà không nhận biết. Cho nên, chúng ta cần phải tu tập để có hậu đắc trí, và nhờ vào hậu đắc trí như là một phương tiện để thể nhập căn bản trí vốn có của mình.
c) Trên phương diện tu tập thì trí tuệ có ba loại: văn tuệ, tư tuệ và tu tuệ. Đây là các cấp độ trí tuệ thứ tự từ thấp lên cao và làm căn bản liên hệ cho nhau.
- Văn tuệ: Là phương pháp tu tập trí tuệ nhờ vào sự nghe hoặc trực tiếp nghiên cứu, tụng đọc giáo lý mà lãnh hội ý nghĩa, phát sanh trí tuệ.
- Tư tuệ: Là trí tuệ có được nhờ vào quá trình tư duy, xét đoán, trầm tư về những lời dạy của Đức Phật mà khai sáng thêm trí tuệ. Đây là giai đoạn tiếp theo Văn tuệ, tư duy những gì đã được nghe, được đọc... Đó là tư duy về giáo lý Tứ Đế, Thập Nhị Nhân Duyên... liên hệ đến con người và sự vật.
- Tu tuệ: Khi đã có Văn tuệ, Tư tuệ thì đem áp dụng trí tuệ đó vào cuộc sống mà tu tập và hành trì thông qua thiền định, để thể nghiệm và thể nhập sự thật của các pháp. Chính nhờ tu tuệ mà có được chánh trí, chứng ngộ Niết Bàn tối thượng. Chính trí tuệ này là trí tuệ thâm nhập thực tại vô ngã của các pháp mà Đức Phật có được ngay đêm thành đạo.
4. Lợi ích của tuệ
Lợi ích của trí tuệ không thể nghĩ bàn đối với cuộc sống hiện tại và tương lai. Chính vì thế mà Phật giáo lấy trí tuệ làm sự nghiệp “duy tuệ thị nghiệp”. Muốn xây dựng một cuộc sống hạnh phúc, an lạc trọn vẹn cho tự thân và cho tha nhân, muốn hiểu được chính mình và hiểu được người thì phải có trí tuệ để quán chiếu; muốn bước lên bờ giác ngộ giải thoát, trí tuệ vô lậu là yếu tố quyết định. Tu tập về trí tuệ vô lậu sẽ đạt được nhiều lợi ích. Tuy thế, tóm tắt lại thì có những lợi ích thiết thực thể hiện rõ qua các điểm sau:
a) Tẩy trừ phiền não
Phiền não là ngọn lửa luôn luôn ngủ ngầm và bốc cháy trong con người chúng ta bất cứ lúc nào. Nó có công năng thiêu đốt mọi hạnh lành, mọi công đức mà chúng ta đã tạo. Tu tập là nhằm từng bước đoạn trừ phiền não tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến... Vậy, thì lấy gì để đoạn trừ phiền não? Ấy là trí tuệ. Trí tuệ ấy chất chứa lòng từ, bi, hỷ, xả, chánh định và chánh kiến. Phật giáo chỉ sử dụng một lưỡi gươm - gươm trí tuệ, và chỉ công nhận một kẻ thù - vô minh (Avijjà). Đây là một minh chứng hiện thực và sống động, chứ không phải là lời nói suông. Và Đạo Phật đặt sự hiểu biết bằng thực nghiệm lên trên sự hiểu qua sách vở và suy nghĩ. Phật giáo xây dựng cuộc sống an lạc, hạnh phúc bằng trí tuệ chứ không phải bằng đức tin. Đức tin đối với Phật giáo chỉ là một phương tiện bước đầu trong tiến trình đi đến giác ngộ. Cốt tủy của đạo Phật là vậy.
Trong kinh Di Giáo, Đức Phật dạy: "Này các Tỳ kheo, nếu người có trí tuệ thì không có tham trước, thường tự tỉnh giác, không để sanh ra tội lỗi. Thế là trong pháp của ta có thể được sự giải thoát... Người có trí tuệ chân thật, ấy là chiếc thuyền chắc vượt qua biển già, bệnh, chết; cũng là ngọn đèn chiếu sáng cảnh tối tăm mờ ám; là món thuốc hay trị các thứ bệnh; là lưỡi búa bén chặt đứt cây phiền não. Thế nên, các ông phải dùng trí tuệ: văn, tư, tu mà tự làm cho thêm phần lợi ích. Nếu người có trí tuệ chiếu soi, dù cho nhục nhãn thì cũng là người thấy được rõ ràng".
b) Nếm được vị ngọt Thánh quả và đáng được cúng dường
Chúng ta biết rằng Trí tuệ được phát sanh là nhờ tu tập Thiền định. Vị ngọt của Thánh quả là vị ngọt trong trạng thái thành tựu thiền định của các bậc Thánh. Trong lúc an trú tâm vào định cũng như xuất định, thì bậc Thánh giả cảm nhận được niềm hỷ lạc vô biên sâu lắng trong tâm thức, không thể diễn tả được trọn vẹn bằng ngôn từ. Vị ngọt thiền lạc ấy vượt ra ngoài nhận thức của phàm phu, vị ngọt ấy đậm nhạt khác nhau tùy vào công hạnh thành tựu của từng Thánh quả. Cũng như vị vua thưởng thức sự dục lạc của một bậc đế vương, chư Thiên thưởng thức Thiên lạc, còn các bậc Thánh thì thưởng thức Thánh lạc siêu thế. Thánh lạc này đạt được nhờ vào tâm tác ý duy nhất vào Niết Bàn. Và chỉ có hành giả nào thực sự thành tựu trí tuệ trong tu tập thì mới cảm nhận được trạng thái ấy mà thôi. Người có được trí tuệ vô lậu như các bậc Thánh quả và chư Phật thì xứng đáng được sự cúng dường của chư Thiên và loài người. Vì đã thành tựu mọi công hạnh xuất thế, là ruộng phước của thế gian, là nơi quy ngưỡng của chúng sanh gieo trồng mọi công đức trong cuộc đời.
c) Thẩm thấu được sự vật và thể nhập chân lý
Lợi ích rốt ráo của Trí tuệ là giúp cho hành giả nhìn thấy rõ nhân sinh quan và vũ trụ quan đúng như thật với bản chất của chúng; đó là thấy được duyên sinh tính, vô thường tính và vô ngã tính qua giáo lý Tứ Đế và Duyên Khởi. Do thấy được như vậy nên hành giả tự tin nơi mình khả năng chuyển mê khai ngộ. Trí tuệ mở cửa đi đến tự do tự tại, xa lìa khổ đau do chấp thủ, không thấy có "ta" và "tự ngã của ta". Từ đó mà thể nhập chân lý, đó là Chân như, là Tuệ giác của tự tâm, của bản lai diện mục, là Phật tính thường hằng bất diệt.
d) Về mức độ tu chứng
- Chánh biến tri: là trí của Thanh Văn, Duyên Giác.
- Đạo chủng trí: là trí tuệ của Bồ Tát.
- Nhất thiết chủng trí: là trí tuệ của Phật.
C. KẾT LUẬN
“Buộc tâm lấy Giới làm dây,
Lắng tâm lấy Định dựng xây đạo tràng.
Rõ tâm đuốc Tuệ soi đàng,
Tâm không cảnh tịnh Niết Bàn an vui”.
Qua phần trình bày trên đã cho chúng ta thấy rõ vai trò trọng yếu của Giới, Định, Tuệ. Đây là pháp môn căn bản nhất cho hành giả trên lộ trình tu tập giải thoát giác ngộ. Trong đó, Giới luật được xem là cơ sở, là nền tảng của đạo đức. Thiền định là cội nguồn an lạc vô biên. Tuệ là sự tỏa sáng và phát ra muôn ngàn diệu dụng. Phải chăng, Giới, Định, Tuệ được xem là nội dung cốt yếu cho sự tu học của người xuất gia. Đây là con đường duy nhất mà một vị Tỳ Kheo phải kinh qua, để tiến lên đỉnh cao Giác ngộ và Giải thoát. Có thể nói, tu học chính là tu học về Giới, về Định và về Tuệ. Giới – Định – Tuệ là cốt lõi của toàn bộ giáo lý trong Đạo Phật, con đường này đã được Đức Phật khám phá ra. Bất cứ ai muốn đoạn tận khổ đau, chấm dứt sinh tử luân hồi, hưởng quả Niết Bàn yên vui tịch tĩnh, đều phải trải qua con đường này chứ không thể đi con đường nào khác được. Mười phương chư Phật, các vị Hiền Thánh đều nương vào con đường Tam Vô Lậu Học Giới – Định – Tuệ mà thành tựu đạo quả.
Ngày nay, khoác trên mình chiếc áo Giải thoát, với sứ mệnh “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh”, bằng phương châm “Duy Tuệ thị nghiệp”, chúng ta phải dùng chìa khóa vạn năng của Giới, Định, Tuệ để mở tung cánh cửa vườn hoa Tuệ giác. Lấy Trí tuệ làm sự nghiệp để duy trì và phát triển, làm cho Đạo Phật ngày một thêm tươi sáng hơn.
Giới – Định – Tuệ như chiếc đỉnh ba chân không thể thiếu một. Nó trân quý như người đi biển có la bàn; như kẻ bần cùng được của báu; như người đi đêm có trăng sáng dẫn đường; như người khát được nước, kẻ đói được ăn. Người đệ tử Phật phải giữ gìn Giới luật nghiêm minh không gián đoạn, như kẻ đeo phao qua biển không thể để cho xì một lỗ nhỏ. Muốn xa lìa trần cấu, sinh tử luân hồi, phải cẩn thận hành trì Giới, Định, Tuệ xuyên suốt. Khi đã có được sự tỉnh giác, tiêu diệt được Ngã – Pháp, đoạn trừ hết vọng chấp, chặt đứt ái nhiễm vô minh chấp trước, thì con đường giải thoát an vui tịch tịnh được mở rộng. Sau đó mới phát tâm Bồ Tát, tế thế độ sinh, dẫn dắt quần mê, nêu cao ngọn đèn chánh pháp sáng tỏ tại thế gian. Dù gặp bao nhiêu gian nan thử thách, cũng quyết tinh tiến không sờn lòng. Như Ngài Địa Tạng đã phát lời thệ nguyện: “Địa ngục vị không thệ bất thành Phật. Chúng sinh độ tận phương chứng Bồ Đề”. Ngài A Nan cũng nguyện:
“Ngũ trược ác thế thệ tiên nhập.
Như nhất chúng sinh vị thành Phật,
Chung bất ư thử thủ Nê hoàn”.
Vậy, tâm Bồ Tát là tâm Phật, hạnh Bồ Tát là hạnh Phật, chúng ta cần thực hành một cách chu đáo.
“Tam vô lậu học Giới – Định – Tuệ,
Vô minh đoạn tận lòng thư thái,
Lậu hoặc dứt trừ diệt tham, sân,
Học Giới tâm Định sinh Trí tuệ.”
Chúng con phát nguyện nơi nào chúng sinh cần, chúng con đến. Đạo pháp cần, chúng con đi. Không ngại gian lao, không từ khó nhọc, quyết tâm làm tròn sứ giả của Đức Như Lai là “Hành Như Lai sứ, tác Như Lai sự”, hay:
“Con nguyện phát sinh Trí tuệ quang,
Nhân duyên công đức trữ kho tàng,
Cần gieo hạt giống thông minh nữa,
Đủ đức hoằng dương ánh đạo vàng.”
(Ni Trưởng Huỳnh Liên).
Tam Vô Lậu Học được xem là nếp sống đạo hạnh cần yếu của người học Phật. Tu tập Giới Định Tuệ, hành giả không còn sợ rơi rớt trong sinh tử luân hồi. Điều quan trọng cần nhớ là ba pháp tu này luôn luôn liên hệ mật thiết với nhau và hỗ tương nhau. Trong Giới phải có Định, trong Tuệ phải có đầy đủ Giới và Định thì sự tu tập mới có kết quả. Giới Định Tuệ như cái kiềng ba chân, nếu thiếu một thì không thể đứng vững. Nếu người tu Định – Tuệ mà không giữ Giới, thì chỉ là Định – Tuệ của ngoại đạo. Cho nên, không trụ vững trên đất Giới, thì Định – Tuệ không thể nảy mầm. Do đó, trong Kinh Lăng Nghiêm đã khẳng định:“Dẫu có người tu hành được đắc Định, đắc Tuệ mà không có Giới, thì cũng là ma đạo vậy thôi.”
Tóm lại, Giới – Định – Tuệ là con đường duy nhất làm thanh tịnh các loài hữu tình, đoạn trừ hết tất cả vô minh, tham ái, triền phược và chấp thủ.v.v… giúp cho người tu hành có một cuộc sống đạo đức, an lạc thật sự. Đối với xã hội, Giới – Định – Tuệ còn có giá trị thiết thực, nhằm thiết lập lên một trật tự đạo đức văn minh. Đối với nhân loại, nó làm cơ sở vững chắc để xây dựng một nền hòa bình, nhân ái.
Tu tập Giới – Định – Tuệ cũng chính là tu tập tất cả các pháp môn mà Đức Thế Tôn đã chỉ dạy. Có Giới – Định – Tuệ sẽ khai thông được những vướng mắc trở ngại giữa cõi trần thế đau khổ này.
- Giá trị nhân văn của ngày tri ân cha mẹ - 05/07/2024
- Sự kiện tháng tư - 15/05/2024
- Người mang trí tuệ đến nhân gian - 14/05/2024
- Kính mừng Phật đản - 30/04/2024
- Phật giáo và vai trò kiến tạo giá trị đạo đức trong phát triển bền vững tại Việt Nam - 28/08/2023
- Kinh Pháp Hoa Bổn Môn - 22/10/2022
- Kinh sám hối hồng danh - 22/10/2022
- Kinh Vu Lan - 22/10/2022
- Kinh Dược Sư - 22/10/2022
- Kinh Di Đà - 22/10/2022
- Ý nghĩa xuất gia - 17/10/2022
- Tam thân Phật - 17/10/2022
- Tam pháp ấn - 17/10/2022
- Tứ chánh cần - 17/10/2022
- Bát Chánh Đạo - 17/10/2022
- Lục độ - 15/10/2022
- Đi Chùa lễ Phật - 15/10/2022
- Thất Thánh Tài - 15/10/2022
- Tứ quả Thanh Văn - 15/10/2022
- Thập Thiện Nghiệp - 15/10/2022
- Tứ Vô Lượng Tâm - 15/10/2022
- Tứ Nhiếp Pháp - 15/10/2022
- Lục Hòa - 15/10/2022
- Nghiệp báo - 15/10/2022
- Ngũ Đình Tâm Quán - 15/10/2022
- Tứ Niệm Xứ - 15/10/2022
- Ăn chay theo quan điểm đạo Phật - 15/10/2022
- Ngũ căn – Ngũ lực - 15/10/2022
- Luân hồi - 15/10/2022
- Tụng kinh – niệm Phật - 15/10/2022
- Ngũ thừa Phật giáo - 15/10/2022
- Sám hối - 15/10/2022
- Đạo Phật - 15/10/2022
- Ngũ uẩn - 15/10/2022
- Tam pháp ấn - 15/10/2022
- Mười hai nhân duyên - 15/10/2022
- Tứ Diệu Đế - 15/10/2022
- Ý nghĩa thành đạo - 15/10/2022
- Quán Từ Bi - 15/10/2022
- Vô thường - 15/10/2022
- Nhân quả - 15/10/2022
- Quy y Tam Bảo - 15/10/2022
- Tứ vô lượng tâm - 15/10/2022
- Ý nghĩa Phật Đản - 15/10/2022
- Vu lan báo hiếu - 15/10/2022
- Cắt đứt tham dục - 06/05/2022
- Hồng danh sám hối - 03/01/2022
- Lợi hành nhiếp của Phật giáo: Hiếu ứng quan tâm hạnh phúc và lợi ích - 07/05/2021
- Hạnh nguyện của người xuất gia - 25/11/2020
- Đức Phật - Mùa Phật Đản - 30/04/2020
- Tứ Vô Lượng Tâm - 28/04/2020
- Chữ Hiếu Trong Đạo Phật - 26/04/2020
- Đi Chùa Lễ Phật - 26/04/2020
- Tướng tùy tâm sinh: Người có tâm từ bi sẽ được cải biến cả dung mạo lẫn số mệnh - 12/04/2020
- Hạnh phúc nhặt bên đường - 25/11/2019
- Phụ Nữ Trong Chánh Pháp - 25/11/2019
- Thánh hạnh vĩ đại của Đức Phật - 25/11/2019
- Kiểm soát sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý - 25/11/2019
- Đức Phật: Con người của mọi thời đại - 25/11/2019
- 620 câu hỏi trắc nghiệm giáo lý căn bản - 24/11/2019
- Nương theo hạnh nguyện Quán Âm - 22/07/2019
- Lời Phật dạy sâu sắc về việc hãy sống trọn vẹn hạnh phúc trong hiện tại - 18/07/2019
- Đức Phật dạy về sự bình đẳng dù sinh con trai hay con gái - 18/07/2019
- Tội nào nặng nhất, nghiệp báo đáng sợ nhất? - 18/07/2019
- Rượu gây ra 36 tội lỗi nên đức Phật cấm uống, cấm mời, cấm buôn bán rượu - 18/07/2019
- Lời Phật dạy sâu sắc về việc nhẫn nhịn trong cuộc sống - 18/07/2019
- Đức Phật dạy về cúng thí và ngạ quỷ - 18/07/2019
- Mê tín dị đoan, do đâu? - 17/07/2019
- 9 cách thay đổi số phận khi áp dụng các giáo lý nhà Phật - 15/07/2019
- Bốn hạng người luôn sống khổ - 15/07/2019
- Theo lời Phật dạy thì không có ai là đấng sáng thế - 06/07/2019
- Luận bàn về ranh giới giữa Mê và Ngộ - 06/07/2019
- Đạo Phật và nghệ thuật hóa giải sân hận - 06/07/2019
- Tôn giả Ma Ha Ca Diếp: Người dốc lòng giữ gìn phạm hạnh - 06/07/2019
- Tại sao đức Phật lại nói về thuyết luân hồi? - 06/07/2019
- Pháp tu căn bản của Phật tử - 06/07/2019
- Làm ơn hãy nghĩ đến sự tồn vong của chánh pháp và lợi ích chúng sanh - 06/07/2019
- Tu chứng - 06/07/2019
- Điều phục ý căn - 06/07/2019
- Hiểu và Ngộ - 06/07/2019
- Thiền và tâm lý trị liệu - 06/07/2019
- Tâm linh Phật giáo và xã hội đương đại - 06/07/2019
- Khái niệm giải thoát và giải thoát sinh tử trong đạo Phật - 06/07/2019
- Pythagore và thuyết luân hồi - 06/07/2019
- Đức Phật là thầy dẫn đường bậc mô phạm đạo đức - 06/07/2019
- Bàn về hai chữ cư sĩ trong kinh Tăng nhất A-hàm - 06/07/2019
- Cuộc sống hoàn toàn tốt đẹp bền vững theo Phật giáo - 06/07/2019
- Nguồn gốc và ý nghĩa của kinh Lương hoàng sám pháp và Thủy sám pháp - 06/07/2019
- Đức Phật dạy về cách xa lìa ái dục, xử lý năng lượng tình dục - 06/07/2019
- Các thiên tài nổi tiếng lý giải về Đức Phật - 06/07/2019
- Thế nào là mười nghiệp lành? - 06/07/2019
- Cuộc sống hoàn toàn tốt đẹp bền vững theo Phật giáo - 30/06/2019
- Bố thí, cúng dường cũng có năm bảy đường - 30/06/2019
- Hạnh phúc của người Phật tử - 16/06/2019
- Pháp lạc trong tu học - 16/06/2019
- Quán vô thường để chứng đạt vô ngã - 16/06/2019
- Suy nghiệm lời Phật: Khéo nghĩ - 16/06/2019
- Giết gì được Phật khen? - 16/06/2019
- Ý nghĩa bài kệ mở đầu kinh Pháp Hoa - 16/06/2019
- Bản chất cầu nguyện - 16/06/2019
- Quan điểm của Phật giáo về vấn đề tự tử - 16/06/2019
- Ý nghĩa phẩm Pháp sư thứ 10 kinh Pháp Hoa - 16/06/2019
- Suy nghiệm lời Phật: Chớ xem thường trẻ nhỏ - 16/06/2019
- Làm gì khi thất tình? - 16/06/2019
- Ý nghĩa Phẩm Bồ-tát Tùng Địa Dũng Xuất thứ 15 kinh Pháp hoa - 16/06/2019
- Suy nghiệm lời Phật: Biết cách tiêu tiền - 16/06/2019
- Pháp hành bố thí - 16/06/2019
- Hai pháp lành hộ trì thế gian - 16/06/2019
- Phép Hòa Quang Tam Muội Của Hai Thiền Sư Việt - 11/06/2019