Ý nghĩa thành đạo

Cập nhật: 15/10/2022

Lịch sử nhân loại đã chứng minh có một con người vĩ đại đã vượt lên chính mình, vượt thoát khổ đau, băng qua rào cản nội tại đạt đến giác ngộ, tìm ra con đường an lạc, giải thoát. Vĩ nhân đó chính là Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni.

Ý nghĩa thành đạo

 

BÀI 1

 

A. DẪN NHẬP

Con người chúng ta đối với cái xấu thì rất dễ thâm nhập, nhưng cái tốt học mãi cũng chẳng xong. Cứ mỗi lần không kiểm soát được bản thân thì mình thường tự an ủi: chúng ta là phàm phu, không thể tránh được những lỗi lầm thiếu sót. Hoặc là đổ lỗi cho người khác, đổ thừa hoàn cảnh. Hiếm khi chúng ta cố gắng để chiến thắng chính mình. Chính vì vậy mà chúng ta mãi triền miên thống khổ. Lịch sử nhân loại đã chứng minh có một con người vĩ đại đã vượt lên chính mình, vượt thoát khổ đau, băng qua rào cản nội tại đạt đến giác ngộ, tìm ra con đường an lạc, giải thoát. Vĩ nhân đó chính là Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni. Ngài là bậc Thầy vĩ đại của nhân loại, một con người kỳ vĩ xuất hiện trong thế giới thường nhân, với trí tuệ siêu xuất thể hiện qua ngôn ngữ, văn tự thường tình đã gây âm vang chấn động trong lịch sử tôn giáo và triết học. Thời gian trôi đi hơn 25 thế kỷ, thế giới loài người cũng đã bao lần đổi thay, nhưng những lời dạy của Đức Phật vẫn mãi mãi là bức thông điệp muôn thuở cho con người khảo nghiệm, nghiên cứu, thực hành.

Đức Phật cũng là một con người bình thường như bao nhiêu người khác, nhưng vì tấm lòng từ bi và chí nguyện cao cả khiến Ngài trở thành phi thường. Chính vì lòng từ bi mà Ngài đã từ bỏ danh vọng uy quyền, cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con thơ, một mình vào rừng học đạo, trải qua biết bao gian khó, chịu đựng cái nóng bỏng hãi hùng của ngày hè và sương lạnh vô vàn khi đêm xuống… Nhưng với ý chí đại hùng đại lực và tình yêu bất tận đối với chúng sinh, Ngài đã vượt qua tất cả. Để rồi chí nguyện lớn viên thành, Ngài đã chứng đắc Thánh quả và trở thành một vị “Thiên Nhân Sư”, với danh hiệu là Thích Ca Mâu Ni Phật. Sự kiện Thành Đạo vô cùng quan trọng trong lịch sử Phật giáo nói riêng và lịch sử nhân loại nói chung. Chính nhờ sự Thành Đạo của Ngài mà ánh sáng nhiệm mầu của chánh pháp được tỏa chiếu khắp nơi, nhằm khai mở con đường giải thoát khỏi sanh tử khổ đau cho chúng sanh. Thông qua ý nghĩa Thành Đạo, để chúng ta nhìn lại chặng đường tu tập và chứng ngộ của Đức Như Lai để chúng ta tu tập, tiếp bước theo dấu chân của Ngài, để đem đến sự an vui cho chính bản thân mình và mọi loài chúng sanh.

B. NỘI DUNG

          I. ĐỊNH NGHĨA

Theo ý nghĩa chiết tự, chữ “Thành” có nghĩa xong, trọn, thành tựu, viên mãn, vấn đề này mang ý nghĩa tự lợi và lợi tha, có công hạnh giải thoát khổ đau. v.v… Chữ “Đạo” có ba nghĩa là con đường, bổn phận, là lý tánh tuyệt đối. Vậy, Thành Đạo có nghĩa là Đức Phật thành tựu, viên mãn đức tánh tự lợi, lợi tha, tự giác, giác tha và giác hạnh viên mãn của mình. Thành Đạo cũng có nghĩa là thành Phật, Đắc Đạo, chứng Vô Thượng Đạo, chứng Bồ Đề…

Thành Đạo cũng có nghĩa là chỉ cho quá trình tu tập của một người được viên mãn, nghĩa là “phiền não vô minh tận diệt, thấy rõ chân tướng của các pháp”. Thành Đạo hay Giác ngộ cũng cùng một nghĩa. Theo Từ Điển thuật ngữ Phật học Hán Anh, chữ "giác ngộ" có nghĩa là: "thức tỉnh, trở thành tuệ giác, hoặc sự nhận thức rõ ràng về thực tại tâm linh". Trong cuốn Bách Khoa Từ Điển của Đại học Oxford, "giác ngộ" bao hàm 2 nghiã: (a) hành động tỉnh thức (b) trạng thái được thức tỉnh. Ngoài ra, chữ "giác ngộ" còn có nghĩa là "trạng thái tâm linh cao nhất có thể đạt được".

Như vậy, sự thành đạo của Thái tử Siddattha là sự chứng ngộ cao tột nhất, hay còn gọi là thành Phật, đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Giác. Phạn ngữ: A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề). Nếu không có Thành Đạo, thì cõi đời mãi mãi dài dặc trong tăm tối, sanh linh vẫn lặn ngập trong sáu nẻo luân hồi, không bao giờ có phương pháp để được giải thoát. Trong giòng lịch sử Giáng trần của đức Phật, điều quan trọng nhất là thành đạo.

Thành đạo là nói lên quá trình tu tập chiến thắng tự thân, vượt qua những thử thách, những cám dỗ của dục vọng để thành tựu đạo quả. Tùy theo cấp độ tu tập của hành giả mà kết quả chứng đắc có sai khác. Như đối với sự thành đạo của hàng Thanh Văn, Duyên Giác và Phật tuy cũng là thành đạo nhưng có sâu cạn khác nhau. Ở đây, chúng ta tìm hiểu về sự  thành đạo của Phật Thích Ca.

      II. THÂN THẾ VÀ NGUYÊN NHÂN XUẤT GIA

Thái tử Tất-đạt-đa thuộc giai cấp Sát-đế-lị, dòng họ Thích-ca, là con của Vua Tịnh Phạn và Hoàng hậu Maya. Dù ở địa vị tột bậc cao sang mà người đời luôn mơ ước, khát khao, cháy bỏng tìm cầu. Thế nhưng, Thái tử không bao giờ thấy an vui, hạnh phúc. Ngược lại, luôn nặng mối suy tư về khổ đau của nhân thế. Trong những lần dạo chơi bốn cửa thành, chứng kiến cảnh sanh, già, bịnh, chết của kiếp người, cảm nhận thực tế của cuộc sống đương thời và nỗi khổ lụy chung về sự sanh, già, bệnh và chết mà mọi người phải gánh chịu. Ý nghĩ giải thoát khổ đau cho mình và tất cả chúng sanh càng nung nấu trong lòng Thái tử. Cho nên, dù ngày đêm bên cạnh người vợ hiền thục và kiều diễm bậc nhất, bao bọc bởi tiếng nhạc du dương cùng sơn hào hải vị của tiệc hội với đám tùy tùng đại diện thần dân túc trực, hầu hạ, chìu theo; nhưng Thái tử vẫn không sao quên được những nỗi đau buồn nhân thế và vòng quẩn quanh của kiếp sống. Những quyến rũ của vật dục thường tình không kềm hãm nỗi một tâm hồn cao cả muốn vươn tới những gì có ý nghĩa hơn, cao cả hơn, đưa đến hạnh phúc thật sự và nẻo thoát cho mọi loài. Ngài tâu với Phụ Hoàng xin phép rời thành, xuất gia tầm đạo. Vua Tịnh Phạn ngạc nhiên không hiểu được con mình còn thiếu món gì và đi tìm kiếm những gì? Thái tử trả lời là đi tìm con đường thoát khỏi nỗi khổ sanh, già, bệnh, chết và mang đến hạnh phúc lâu bền cho chúng sanh. Phụ vương không chấp nhận thỉnh cầu này. Cuối cùng, đến năm 19 tuổi (Bắc truyền), 29 tuổi (Nam truyền), vào lúc giữa đêm, Thái tử âm thầm từ giã Phụ vương, Mẫu hậu, vợ con, Hoàng gia và muôn họ, vượt thành để đi theo tiếng gọi thiêng liêng của giác ngộ và tầm câu chơn lý.

Thế rồi, Thái Tử quyết từ bỏ tất cả mọi thứ quý giá ở đời, vượt thành xuất gia. Đây không phải là sự hy sinh từ bỏ của một người già bịnh, người nghèo khổ, hay là một kẻ chán đời, cũng không phải là sự từ bỏ thấp hèn, nhu nhược, chạy trốn trách nhiệm, mà là sự hy sinh từ bỏ của một Hoàng tử đang tuổi thanh xuân, đang sống trong quyền quí, tràn đầy hạnh phúc. Quả thật là một sự từ bỏ, hy sinh quá ư cao thượng vĩ đại.

 Rồi người đi đến sông A Nô Ma tự mình xuống tóc, thay chiếc áo vương giả bằng chiếc y Ca sa, thực hiện nếp sống không nhà, ly dục, ly trần, trở thành một vị Sa môn, tìm Thầy học đạo.

     III. CON ĐƯỜNG TẦM SƯ HỌC ĐẠO

             1. Từ bỏ thế gian

  Để chứng đắc được quả vị Phật, Thái tử Siddattha phải khướt từ mọi sự cám dỗ và ràng buộc của ngũ dục lạc, rồi từ đó một mình cất bước đi tìm cái vô sanh bất diệt. Sự ra đi của Ngài chính là sự từ bỏ các pháp thế gian buộc ràng (vợ con, hoàng vị, vật chất, ngũ dục) và mở đầu cho con đường thành đạo sau này. Nếu không có sự từ bỏ vĩ đại này thì sẽ không có một Đức Phật tương lai.

             2. Chứng đắc Thánh quả

  Trên bước đường tìm thầy học đạo, trước tiên Sa môn Cù Đàm đến học với Đạo sĩ Alara Kàlama và Uất Đầu Lam Phất, là hai vị đạo sĩ nỗi tiếng thời đó, chỉ trong thời gian ngắn, chứng đạt được các mức thiền định, Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ, song vẫn không tìm ra chân lý cứu cánh. Khắc khoải với lý tưởng cứu độ chúng sanh, Đạo sĩ Cù-đàm thấy thất vọng với những mục đích tối hậu của hai vị đạo sĩ trứ danh nhất thời bấy giờ. Sau khi Ngài được những bậc thầy đó thừa nhận là đã chứng đạt được những tầng bậc cao nhất về niềm tin, năng lực, thiền định, trí tuệ và an lạc mà chỉ có họ và Ngài mới từng kinh nghiệm qua vì rốt cuộc nếu thoả mãn và dừng lại tại đây cả họ và Ngài rồi cũng bị trôi lăn trong nẻo luân hồi sanh tử.

Ngài từ giả hai vị thầy ra đi tìm đến lối tu khổ hạnh, trải qua sáu năm kiệt sức, kiệt lực đến nỗi ngất đi, lúc đó nhờ bát sửa của nàng Sujata Ngài tỉnh lại và nhận ra rằng: “Ép xác khổ hạnh và tham đắm ngũ dục lạc đều không ích gì cho việc tìm cầu chân lý, phải từ bỏ hai cực đoan này, đi theo con đường Trung Đạo, dùng thiền định, trí tuệ quán chiếu thực tướng của các pháp mới có thể giác ngộ chân lý”. Thế rồi, Ngài quyết từ bỏ hai cực đoan theo con đường Trung Đạo.

Năm anh em ông Kiều Trần Như là những người bạn đồng tu khổ hạnh với Ngài nghĩ rằng, Sa Môn Cù Đàm đã thối chí nên họ đã bỏ Ngài mà ra đi. Không thối chí, một mình một bóng, Ngài đến tắm nước sông Ni Liên Thuyền, thả bát vàng xuống sông để xác tín chí nguyện, rồi nhận bó cỏ kiết tường do một lão nông phu cạnh bờ sông dâng cúng, mang đến Gaya, nơi gốc cây Tất Bát La trải bó cỏ ngồi thiền và tự phát nguyện lớn: "Nếu ta ngồi đây mà không tìm ra đạo lý nhiệm mầu, không tìm ra lẽ huyền vi của vũ trụ vạn pháp thì dù thịt nát, xương tan, ta quyết không rời bỏ chỗ này."

Sau 49 ngày đêm thiền định, quán sát không gián đoạn, vào đêm cuối cùng khi nhìn sao mai mọc, Ngài chiến thắng tất cả ma quân, tượng trưng cho những tầng lớp vô minh của tâm thức từ vô thủy, chứng được Lục Thông, Tam Minh và thành Phật với danh hiệu Thích Ca Mâu Ni. Cây Tất Bát La trở thành cây Bồ Đề và đất xung quanh cây Bồ Đề trở thành thánh địa gọi là Bồ-đề Đạo Tràng. Năm ấy, là đúng vào ngày mùng 08 tháng 12 năm 589 TCN, lúc ấy Ngài vừa tròn 35 tuổi (theo Nam Truyền).

      IV. TAM BẢO ĐƯỢC THÀNH LẬP

Sau khi Thành Đạo, Đức Phật quán sát nhân duyên và căn cơ của năm anh em ông Kiều Trần Như nên liền đi đến vườn Lộc Uyển để thuyết pháp độ cho họ. Bài pháp đầu tiên Ngài nói chính là Tứ Diệu Đế. Năm vị này nghe xong liền chứng đắc thánh quả.

Nhờ ngày Thành Đạo của Đức Phật mà ngôi Tam Bảo cũng được thành lập từ đây. Trong đó, Đức Phật là Phật Bảo, giáo pháp Tứ Diệu Đế là Pháp Bảo và năm vị Tôn giả Kiều Trần Như là Tăng Bảo. Nếu không có sự kiện Thành Đạo của Đức Phật thì làm gì có Tam bảo. Không có Tam Bảo thì chúng ta sẽ đắm chìm trong vô minh dục vọng, lặn hụp trong bể khổ sanh tử luân hồi, khổ đau từ kiếp này sang kiếp khác.

Do đó, chúng ta phải thấy được rằng: Sở dĩ ngày hôm nay ta được tu học, biết bỏ ác làm lành là nhờ sự hy sinh cao cả và nhờ lòng từ bi vô hạn, cùng ý chí dõng mãnh của Đức Phật, mới thành tựu đạo quả cứu khổ cho chúng sanh mà ta cũng được hưởng phần. Nhờ chứng thành đạo quả, Đức Phật mới đem pháp mầu để giáo hóa chúng sanh và ngày hôm nay, ta được tu học theo giáo pháp ấy. Gần gũi nhất là Chư Tăng, đó là những người luôn hướng dẫn chúng ta trên con đường tu tập. Cho nên, sự kiện Thành Đạo của Đức Phật rất có giá trị thiết thực đối với tất cả mọi người, nhất là đối với người con Phật. Thành Đạo chính là ngọn đuốc sáng soi đường cho nhân loại đang chìm trong đêm tối, đem lại niềm an lạc, hạnh phúc cho con người. Đối với người Phật tử, ngày Thành Đạo của Đức Phật đã mở đầu cho sự hình thành ngôi Tam Bảo, nơi đời sống tâm linh để bao người quay về nương tựa.

       V. Ý NGHĨA VÀ GIÁ TRỊ CỦA SỰ KIỆN THÀNH ĐẠO

Sự kiện thành đạo của đức Thế Tôn là điểm son trong lịch sử Tôn giáo của nhân loại, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của nhân bản, bình đẳng, vô ngã và từ bi. Đức Phật chỉ là một con người, nhưng là một con người kết tinh của vô vàn tinh hoa tuyệt mỹ của nhân loại. Vì thế, đứng ở góc độ nào, người ta cũng thấy được hiện thân của Ngài. Đó là hiện thân của chân lý, của trí tuệ và từ bi. Hành trình tu chứng, thành đạo của Ngài chính là bài pháp sống động nhất, thuyết phục nhất đối với hành giả trên bước đường tu tập giải thoát.

          1. Tinh thần Từ Bi

Vì lòng từ bi mà Phật xuất hiện ở đời, xuất gia tầm đạo để cứu chúng sanh đang đắm chìm trong bể khổ. Lòng từ bi là động lực chính để thúc đẩy sự Thành Đạo. Vì thế, học theo Phật, tu pháp Phật thì phải có lòng từ bi vì chúng sanh, còn nếu chỉ vì bản thân thì không đúng tôn chỉ của Phật.

          2. Con người là tối thượng

Phật thị hiện, mượn thân người mà “Thành Đạo”, nên chúng ta phải biết trân trọng thân người này. Thân người như là chiếc bè để đưa ta qua sông, chúng ta đang trôi giữa dòng chưa cập bến thì không thể vứt bè. 

Phật là một con người tu tập mà giác ngộ, không phải là một đấng sáng tạo, đấng thần linh. Đây chính là điều đặc biệt của Đạo Phật. Bất cứ Tôn giáo nào cũng có một đấng thần linh để tôn thờ, các vị giáo chủ Tôn giáo khác không phải là con người.  Điều này nói lên tinh thần nhân bản của Đạo Phật

          3. Con đường trung đạo

Muốn thành tựu đạo quả thì Phật đã từ bỏ ngũ dục thế gian (xuất gia), từ bỏ các pháp tu khổ hạnh không đưa đến giải thoát (từ biệt 2 vị thầy và 6 bạn đồng tu). Đức Phật dạy: "Có hai tuyệt lộ mà người tìm chơn lý không nên theo. Hai tuyệt lộ ấy là những gì? Ấy là con đường buông lung theo dục lạc thấp hèn bất tịnh, không phù hợp với mục đích, và con đường khổ hạnh ép xác không sáng suốt, không phù hợp với mục đích. Không theo hai đường ấy, người tìm chơn lý giữ theo Trung Đạo, con đường đưa đến tuệ giác, đến tri kiến, đến sự tỉnh thức, Niết-bàn ... Ấy chính là con đường cao cả của Bát Chánh Đạo ...". Đó là con đường của Giới, Định, Tuệ và Lục độ ba la mật. Để chọn con đường Trung Đạo, là do Đức Thế Tôn đã từng trải nghiệm qua cuộc xa hoa trụy lạc và lối sống khổ hạnh, và Ngài thấy con đường này không đem lại kết quả. Cho nên, có ba tư tưởng đã khởi lên trong tâm Ngài.

- Như một khúc cây xanh đầy nhựa sống, để trong nước thì sẽ không nhúm lên được lửa. Cũng vậy, với lòng đầy dục vọng, tham ái, người tu sẽ không chứng được Chánh Giác.

- Như với một khúc cây xanh, sau khi vớt ra khỏi nước, sẽ không nhúm lên được lửa. Cũng vậy, với lòng đầy tham ái, nhiệt não, người tu sẽ không đi đến chứng đắc Vô Thượng Bồ Đề.

- Như với khúc cây khô, được lấy ra khỏi nước và được để trên một chỗ đất khô, với đồ làm lửa, người ta có thể nhúm lên được lửa. Cũng vậy, với lòng xả ly dục ái, tham ái, người tu có thể chứng đắc A La Hán, Chánh Đẳng Giác (Kinh Trung Bộ I, Kinh số 36).

Chính điều này mà về sau, Đức Thế Tôn đã dạy các đệ tử của Ngài rằng: "Này các Tỳ-kheo! Có hai cực đoan mà người xuất gia không nên thực hành theo. Thế nào là hai? Một là đắm say trong các dục, hạ liệt, đê tiện, phàm phu, không xứng bậc Thánh, không liên hệ đến mục đích. Hai là tự hành khổ mình, khổ đau, không xứng bậc Thánh, không liên hệ đến mục đích. Tránh xa hai cực đoan này, này các Tỳ-kheo, là con đường Trung đạo đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn." (Kinh Tương Ưng bộ V).

Hiện nay hành giả tu tập, mặc dù cũng học theo Phật xuất gia, nhưng thật chất là từ bỏ cái nhà nhỏ để đi vào cái nhà lớn hơn (cái chùa), bỏ những danh lợi địa vị ở thế gian nhưng lại bon chen quyền chức trong giáo hội…Dù sống đời xuất thế nhưng chẳng thể thoát khỏi ngũ dục lạc thế gian nên chẳng thể an lạc. Vì thế, muốn tu tập đưa đến kết quả, chúng ta không được thọ hưởng vật chất quá sung mãn, nhưng cũng không đầy đọa thân mình, khổ hạnh ép xác. Chúng ta phải chọn con đường Trung Đạo mà đi. Không chỉ riêng việc tu hành, mà bao quát tất cả các sự việc ở đời, muốn thành công thì phải chọn con đường Trung Đạo. (thuyết tương đối).

              4. Hãy nương tựa chính mình

Thái tử là một người thông minh, văn võ song toàn. Khi đi tu vẫn phải học Thầy, học bạn nhưng con đường đưa đến giác ngộ là sự thiền định, là nỗ lực tự thân của Ngài. Muốn giác ngộ giải thoát thì chúng ta phải đi trên đôi chân của mình, nương tựa hoàn toàn vào tha lực thì không thể thành công. Cho đến việc học tập, làm việc… phải đứng trên đôi chân của mình thì mới đứng vững được, giáo sư, bạn bè là nguồn động lực chứ không phải là yếu tố quyết định.

               5. Tinh tấn

Ngài luôn nỗ lực hết mình trong khi học đạo với các vị tu sĩ, tu khổ hạnh và suốt 49 ngày thiền định mới thành chánh giác. Tinh tấn là điều không thể thiếu với hành giả tu tập. Vì “Trên bước đường thành công không có dấu chân của người lười biếng”.

Thực tế trong xã hội chúng ta thấy, có nhiều người hoàn cảnh  rất nghèo khó, bất hạnh, thế nhưng thay vì ngồi đó than thân trách phận, bất mãn chán đời, họ lại cố gắng nỗ lực vượt khó vươn lên, cuối cùng họ cũng thành công trong cuộc sống. Một cầu thủ bóng đá muốn thành đạt trên bước đường sự nghiệp, họ cũng phải trãi qua thời gian tập luyện, trãi qua những thử thách chông gai mà không chùn bước mới thành đạt. Như lời một học giả Phương Tây Ông Ray Bkinh đã nói :“Người thành công là người có khả năng chịu nhiều thất bại liên tiếp nhau mà không nhụt chí.” Thế nên, trong cuộc sống bất cứ một thành công nào cũng cần đến sự nỗ lực tinh tấn và ý chí của con người. Phật dạy:

“Tinh tấn giữa buông lung

Tĩnh thức giữa quần mê

Người trí như ngựa phi

Bỏ sau những ngựa hèn.”

                                                                       (Pháp cú 29)

            6. Đoạn trừ ngã chấp, pháp chấp, phiền não

Khi Bồ Tát chứng được Tam Minh, thấy được chân lý thì viên thành Phật đạo. Thiên Nhãn Minh là thấy rõ vạn pháp là do trùng trùng duyên khởi mà có sanh, có diệt (chư hành vô thường). Túc Mạng Minh là thấu rõ cùng tột cái ngã (chư pháp vô ngã). Lậu Tận Minh là sự diệt tận của phiền não, khổ đau (Niết Bàn tịch tĩnh). Vì thế, hành giả phải tu tập theo Tam Pháp Ấn thì sẽ được giải thoát.

Nguyên nhân của mọi khổ đau của chúng sanh không ngoài ngã chấp, pháp chấp và các thứ phiền não (tham, sân, si…). Nếu quán sát vạn pháp đều do nhân duyên giả hợp mà có nên chẳng có gì trường tồn, bất biến (chư hành vô thường) thì sẽ không chấp pháp, không bám vúi vào tất cả ngũ dục, lục trần, và xa hơn là các pháp mình tu, mình chứng. Tất cả pháp chỉ là phương tiện để chúng ta nương vào đó tu tập thôi, thì hành giả mở được cánh cửa giải thoát thứ hai là KHÔNG.

Nếu ngộ được thân mình không thật có, mọi pháp đều không có tự ngã riêng biệt thì sẽ không còn chấp “ta” và “cái của ta”, mở ra cánh cửa giải thoát khổ đau đầu tiên là VÔ TƯỚNG. Trong Bát Nhã Tâm Kinh có nói “chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách” (quán thân này từ ngũ uẩn giả hợp tạo thành, và ngũ uẩn cũng không thật có thì không còn tất cả khổ đau).

Ngã chấp, pháp chấp cũng do vô minh, phiền não mà có. Khi đoạn trừ gốc rễ tham, sân, si… thì an lạc, tự tại (Niết bàn tịch tĩnh). Đây cũng chính là cánh của giải thoát thứ ba VÔ TÁC.

Phật “Thành Đạo” mở ra một con đường mới cho nhân loại, tìm ra ba cánh cửa giải thoát khổ đau cho chúng sanh. Vì thế, chỉ cần chúng ta nỗ lực tu tập theo Tam Pháp Ấn sẽ có được Tam Minh, bước vào Tam Giả Thoát Môn, chứng ngộ Phật quả.  Đức Phật tuyên bố: “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”.

Qua sự kiện chứng ngộ của Đức Phật ta thấy rằng Đức Phật luôn theo một tiến trình tuần tự trong quá trình tu tập chuyển hóa. Đối với Ngài, các học Pháp là tuần tự, các quả dị thục là tuần tự, các con đường là tuần tự, không có sự thể nhập chánh trí thình lình. Điều này rất phù hợp với lời dạy của Ngài đã khẳng định trong Tiểu Bộ kinh: "Ví như, này các Tỳ-kheo, biển lớn tuần tự thuận xuôi, tuần tự thuận hướng, tuần tự sâu dần, không có thình lình như một vực thẳm. Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, trong Pháp và Luật này, các học Pháp là tuần tự, các quả dị thục là tuần tự, các con đường là tuần tự, không có sự thể nhập chánh trí, thình lình." ( Tiểu Bộ Kinh).

Sự giác ngộ, giải thoát sẽ không đơm hoa kết trái một cách mỹ mãn cho những ai tu học vượt thứ bậc, hấp tấp, vội vã, cũng như không chuyên tu tập thiền định và thắng trí. Nó đòi hỏi hành giả phải tu tập theo thứ lớp với tâm định tĩnh và thuần nhất trong khi thiền định và tuệ quán qua con đường Bát Chánh Đạo.

"Ai sống một trăm năm

Ác tuệ, không thiền định,

Tốt hơn sống một ngày

Có tuệ tu thiền định."

(Kinh Pháp Cú - Phẩm Ngàn)

Sự giác ngộ của Ngài là một quá trình "chuyển mê khai ngộ," từ tư tưởng tiêu cực trở nên tích cực, từ tâm khổ đau phiền não hướng đến tâm an lạc giải thoát bằng sự nỗ lực tự thân. Ở đây, Ngài muốn cho chúng ta thấy rõ rằng: sự chứng ngộ của Ngài là một quá trình nỗ lực tự thân đúc kết từ những kinh nghiệm tu tập cũ của bản thân mà không nhờ một quyền năng bên ngoài nào hỗ trợ.

"Tự mình y chỉ mình

Tự mình đi đến mình,

Vậy hãy tự điều phục

Như khách buôn ngựa hiền."

(Kinh Pháp Cú – phẩm Tỳ Kheo)

Đồng thời, khẳng định được sự chứng ngộ của Ngài không phải đạt được từ một điều gì mới mẻ cao xa, mà là sự chuyển hoá u mê và vô minh trở thành tuệ giác và tỉnh thức.

 

 

             7. Đem lại an vui hạnh phúc cho chúng sanh

Đức Phật đã từng nói: Ta ra đời vì lợi ích cho số đông, vì thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc, vì lợi ích và an lạc cho Chư thiên và loài người”.

Từ khi thành Đạo, Đức Phật đi khắp nơi để truyền bá chân lý, giáo hóa chúng sanh. Không luận vua quan quyền quý hay bần cùng nô lệ, đều được đượm nhuần mưa pháp. Biết bao nhiêu người nhờ lòng từ bi hóa độ của Đức Phật mà chuyển hóa khổ đau thành an vui hạnh phúc. Như Ngài Ưu Ba Ly là người giai cấp thấp hèn, vẫn được Đức Phật hóa độ cho xuất gia, thoát khỏi xiềng xích nô lệ; đối với chàng Vô Não là một kẻ sát nhân, cũng được Phật độ cho xuất gia tu hành giải thoát khổ đau. Đức Phật đã từng tuyên bố: “Không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ, nước mắt cùng mặn”. Chính thông điệp đó, Ngài đã xóa bỏ quan niệm giai cấp của Ấn Độ thời bấy giờ, đem lại ánh sáng bình đẳng, tự do cho con người.

Cho nên, quan trọng hơn hết là chúng ta phải nhận chân được sự Thành Đạo chính là một sự trở về. Thực ra Đức Phật đã không vươn đến một ngôi vị cao xa, hay nắm bắt trong tay một đối tượng đặc biệt làm dấu ấn cho riêng mình mà đó là sự hiển lộ của gương sáng tự tâm sau khi bụi mờ vô minh đã tiêu tan. Cho nên, Ngài dạy tất cả chúng sinh đều có: Phật tánh, Niết-bàn tự tánh, Viên giác diệu tâm, Chân như thật tánh, Bản lai diện mục, Như lai tạng ... Chúng ta mãi trầm luân sanh tử vì chúng ta như những cùng tử mang viên ngọc trong chéo áo mà không hề hay biết để đi lang thang, "bụi đời" khắp trong thiên hạ. Đó cũng là ý nghĩa mà Ngài dạy trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương: "Tu nhi vô tu, hành nhi vô hành, chứng nhi vô chứng". Nếu có ai đó trong chúng ta cảm thấy sự dị thường, vượt trội hay chấp chặt và hãnh diện nơi sở đắc thì nên tự xem xét lại sự tu tập của chính mình.

              8. Bằng nỗ lực tự thân, tu tập đúng Pháp, con người có thể giác ngộ ngay tại đời này.

         Thật vậy, sinh ra là một con người, sống như một con người, Đức Phật đã thành đạt trạng thái giác ngộ bằng chính sự kiên trì và nỗ lực cá nhân. Ngài không nói rằng chỉ một mình Ngài có thể thành Phật mà Ngài dạy rằng: "Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành." Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, nghĩa là tất cả chúng sanh đều có thể tu tập để đi đến giác ngộ giải thoát khỏi phiền não khổ đau.

Từ bỏ hai đạo sĩ thời danh và năm người bạn đồng tu để "Tự mình thắp đuốc lên mà đi", là bài pháp thân giáo sinh động, thể hiện sự tự tu, tự chứng ngộ của bậc Đạo Sư của chúng ta đang tiến bước trên lộ trình giác ngộ giải thoát. Cảm nhận hết giá trị chói lọi huy hoàng của cái Ngày lịch sử Ngài được suy tôn lên ngôi Đại Giác. Một niềm an lạc sung mãn thấm đượm nơi Ngài, đến nỗi Ngài trải qua tuần lễ đầu tiên sau khi Thành Đạo để chứng nghiệm hạnh phúc tâm linh giải thoát và chính thức tuyên ngôn đoạn tuyệt với vòng luân hồi sanh tử khổ đau.

“Không thể vui trên vạn khổ tang thương

Của nhân thế muôn đời trôi hụp mãi

Mai ta đi mang kiếp người hồ hải

Tìm đạo vàng soi sáng cả trần giang”.

Phật thành đạo không chỉ là một cuộc chinh phục vĩ đại, một chiến thắng vẻ vang đối với bản thân Ngài mà còn là một sự khai sáng tuyệt vời cho hết thảy nhân loại.

Ngài luôn dạy đừng giao phó thân mạng, tư tưởng, lý tưởng, mục đích sống cho bất cứ ai, chủ thuyết nào, ý thức hệ nào dù chúng đã trở thành truyền thống, tập tục, vì chỉ có mình là chủ nhân tác nghiệp, tạo nên khổ đau hay hạnh phúc. Đức Phật nói: "Chớ có tin vì nghe truyền thuyết, chớ có tin vì theo truyền thống, chớ có tin vì nghe người ta nói, chớ có tin vì được kinh tạng truyền tụng, chớ có tin vì nhân lý luận siêu hình, chớ có tin vì đúng theo một lập trường, chớ có tin vì đánh giá hời hợt các dữ kiện, chớ có tin vì phù hợp với định kiến, chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền, chớ có tin vì Sa-môn là bậc Đạo Sư của mình".

Và Ngài dạy: "Nếu thấy việc này là xấu, những việc này là bất thiện, những việc này bị người trí chỉ trích, những việc này nếu tuân theo và thực hiện sẽ mang lại tai hại và xấu xa, thì hãy từ bỏ." Còn "Nếu thấy việc này là tốt, những việc này là thiện, những việc này được người có trí tán thán, những việc này nếu tuân theo và thực hành sẽ mang lại lợi ích tốt đẹp, thì hãy chấp nhận chúng".

Chúng ta thấy rõ, Đức Phật bao giờ cũng tôn trọng sự tư duy, nhận xét và quyết định của chúng ta, Ngài không muốn chúng ta nhắm mắt tuân theo Ngài, vâng theo sự phán xét của Ngài một cách thụ động. Ngài đòi hỏi chúng ta một sự suy tư chín chắn, một ý thức kinh nghiệm bản thân, rồi mới đánh giá sự việc là thiện hay bất thiện, tiếp đến mới có thái độ tuân theo hay từ bỏ.

Do đó, Ngài khuyên chúng ta hãy là "một nơi nương tựa cho chính mình" và không bao giờ tìm nơi nương tựa hay sự giúp đỡ của bất cứ người nào khác. Ngài giảng dạy, khuyến khích và cổ vũ mỗi người hãy tự tu tập và tìm sự giải thoát cho chính mình, vì con người có năng lực giải thoát mình ra khỏi mọi ràng buộc của trí tuệ và nỗ lực của riêng mình.

                9. Tự chiến thắng bản thân

"Tự mình thắp đuốc lên mà đi", chính là tự mình phải khơi dậy ngọn đèn tuệ giác, khơi dậy hạt giống Phật đang tiềm ẩn bên trong mỗi người.

Nhìn lại hành trình đã đi qua, chúng ta càng thấm thía giá trị của sự tự nỗ lực và thực hành trong Phật giáo. Sự Thành Đạo của Đức Thế Tôn là kết quả tự nhiên của tự tu, tự chứng, chớ không mảy may chứa đựng bóng mờ của giao cảm với thần linh hay cứu rỗi. Hình ảnh gầy gò tiều tụy của Ngài trong sáu năm đằng đẳng Khổ Hạnh Lâm là ấn tượng sâu đậm nhắc nhở chúng ta tinh tiến trên con đường đã được khai quang bằng phẳng vì:

"Nếu chẳng bao phen sương buốt lạnh,

Hoa mai đâu tỏa ngát mùi hương!"

Suốt quãng đời giáo hóa, Ngài không ngớt nhắc nhở chúng ta qua bao lời dạy từ kinh điển ghi lại: "Các con hãy tự mình cố gắng, Đức Như Lai chỉ là bậc Đạo Sư," hay "Hãy tự mình làm hòn đảo, làm nơi nương tựa cho chính mình" và "Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi."

Đạo Phật chú trọng ở thực chứng, nước nóng lạnh uống vào tự biết chớ không chuyên hý luận suông, sáo rỗng vô ích hay cuồng tín và cầu nguyện che chở từ quyền uy tột bực của các đấng siêu nhiên. Con đường đời tranh đua danh lợi đã khó huống nữa là con đường "Nghịch lưu" cắt đứt dòng triền miên của sự sanh tử luân hồi đưa đến giải thoát tối hậu? Mỗi người Phật tử phải là một hành giả, một chiến sĩ trung kiên trên chiến trường thầm lặng vì chính những vô minh phiền não nơi bản thân ta là những kẻ thù nguy hiểm nhất và: "Chiến thắng vẻ vang nhất là tự thắng được lòng mình."

               10. Tinh thần bình đẳng

Trong lịch sử nhân loại, chúng ta chưa hề thấy ai đã từng đề cao tinh thần bình đẳng như Ngài. Ngài bức xúc và chấn động tinh thần cao độ khi nhìn thấy mồ hôi nông phu trên luống cày và sự sống được đắp bồi bằng cái chết của sinh vật khác trong ngày lễ Hạ điền. Ngài kinh ngạc khi nhìn thấy nỗi khổ của kiếp nhân sinh ngoài thành và dừng xe lại hỏi Xa-nặc trước những cảnh tượng oái oăm mà ai cũng đều cho là bình thường, hiển nhiên trong đời sống: Cái gì vậy? Ai vậy? Có phải là người không? Ta có như vậy không? ... Có lẽ nếu mọi người đều đầy đủ tiện nghi để được hạnh phúc như Thái tử Tất-đạt-đa thì Ngài đã không băn khoăn trăn trở đi tìm lối thoát làm gì? Cử chỉ yêu thương vuốt ve, chăm sóc của Ngài với các sinh vật bé nhỏ như chim bồ câu bị bắn cung, cừu con sắp bị giết để tế lễ là bài học về tính không sát hại, tôn trọng mạng sống và bình đẳng trong Phật giáo.

Cánh cửa giải thoát đã mở ra cho tất cả chúng sanh. Phật tánh bình đẳng là cơ sở quan trọng để sau này Ngài thâu nhận một cách rộng rãi mọi tầng lớp trong xã hội: thiếu niên, kẻ phạm tội giết người, phụ nữ, kỷ nữ, người bần tiện, ngoại đạo, hoàng tộc ... vào trong giáo đoàn. Thật vĩ đại biết dường nào khi chúng ta nhìn thấy xã hội Ấn Độ ngày nay còn nặng đầu óc phân biệt giai cấp mà ngay từ thời tiền sử ấy, Đức Phật đã lên tiếng kêu gọi xóa bỏ giai cấp: "Tình thương là sợi dây liên lạc giữa người với người, không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ, trong nước mắt cùng măn. Một người sinh ra không ai mang sẵn từ trong thai vòng dây ở cổ hay dấu Ti-ca trên trán." Đức Phật đã đòi quyền làm người, nêu cao nhân phẩm mọi người. Sự việc Ngài đã cởi bỏ áo gấm tột bực cao sang của một vị Thái tử để khoác lên mình chiếc y bá nạp, cầm bát đi khất thực tận hang cùng ngõ hẻm. Ngài là nhân tố tích cực quyết định trong việc cải sửa cái thành kiến khinh thường của vua Tịnh Phạn, đại diện cho tầng lớp cao quý nhất thời bấy giờ.

 Ngài mạnh dạn xóa bỏ hàng rào ngăn cách phân biệt trong quan hệ giữa người với người, và đưa ra tinh thần là con người nên sống trong sự bình đẳng, hòa ái, tương trợ để hạnh phúc và giải thoát.

Đức Phật Thành Đạo là một bằng chứng xác đáng nhất cho chân lý: Niết-bàn tại thế hay: "Phiền não tức bồ đề, sanh tử tức Niết-bàn." Mọi người khỏi phải chờ đợi đến kiếp nào khác để đạt được quả vị tối cao và dừng công cuộc tìm kiếm vô bổ đến một Thiên đường, Niết-bàn xa xôi, huyền diệu. Hoa sen Niết-bàn nở ngay trong vũng bùn lầy thế gian nhơ nhớp, ô trược. Phật ra đời ngay trong lòng thế gian đau khổ và lìa chúng sanh là không có Phật.

Cũng một con đường ấy nhưng mê là chúng sanh, ngộ là Phật. Với phàm phu, cõi đời này đầy dẫy ma chướng, ngũ trược ác thế nhưng với Thánh nhân, đây là bảo sở, là Phật quốc trang nghiêm, nghĩa là: Tâm tịnh, Phật độ tịnh.

Đặc biệt Phật Thành Đạo là sự kiện đề cao giá trị nhân bản. Phật chứng quả ngay trong kiếp người, Phật là người giác ngộ, điều đó chứng tỏ con người có địa vị tối ưu để trở thành Phật như kinh Hoa Nghiêm dạy: "Nhân thị tối thắng, năng sinh nhất thiết chư thiện pháp cố." Được làm thân người là rất quý báu, khó khăn.

Ngài lấy con người làm cứu cánh để giải quyết hết mọi vấn đề bế tắc của thời đại, cả về nhân giới, tâm giới và siêu giới. Con người tự chịu trách nhiệm đối với cá nhân mình và hạnh phúc của chính mình chứ không có vấn đề ban phúc giáng họa từ một đấng tối cao. Đức Phật đã mang đến niềm tin, trí tuệ và giải thoát cho con người.

              11. Thiền định là công phu không thể thiếu để đạt đến giác ngộ

Chúng ta thấy Đức Phật thành đạo đã phải đi qua con đường thiền định, chính con đường thiền định ấy đã được nâng lên từng bước một. Thoạt đầu ở mức sơ thiền, "Trong tâm không còn có tư tưởng tham dục, không còn có tư tưởng tà vạy, ta đã đạt đến cảnh thiền thứ nhất, đầy hỷ lạc từ trong sự tịch tĩnh kết hợp với lý luận và suy nghiệm ... Như Lai lại nghĩ, tại sao ta lại sợ hãi trạng thái hỷ lạc không vướng bận tham dục và tư tưởng tà vạy?" Sau đó, để đạt đến nhị thiền, "Rồi ngưng lý luận và suy nghiệm, Như Lai đạt được và an trú trong cảnh thiền thứ nhì đầy hỷ lạc do tâm định, nội tại tịch tĩnh, trụ tâm vào một chỗ không còn lý luận và suy nghiệm." Tiến thêm một bước nữa, Đức Phật hướng tâm đến tam thiền: "Hướng sự xả ly vào hỷ và sân, Như Lai an trú bằng tỉnh thức và ý thức rồi kinh nghiệm được diệu lạc bản thân, đó là điều mà những bậc tôn túc gọi là "an trú bằng xả ly, tỉnh thức và phúc lạc", và Như Lai đạt được cũng như an trú được trong thiền cảnh thứ ba." Cuối cùng là cảnh thiền thứ tư, Đức Phật đã: "Xả ly hỷ lạc, xả ly đau khổ, trước khi tư tưởng buồn vui biến mất, Như Lai đạt được và an trú trong cảnh thiền thứ tư, cảnh thiền không còn đau khổ, không còn hỷ lạc mà chỉ còn đầy sự thanh tịnh của tâm tỉnh thức và tịch tĩnh."

Sau khi đã định được tâm, hoàn toàn làm chủ được tâm, đã đạt được một cái tâm hoàn toàn không có tư tưởng tham dục, không tư tưởng tà vạy, tịch tĩnh (ngưng suy luận và suy nghiệm), tâm luôn trụ một chỗ, không còn tâm buồn vui tham đắm hỷ lạc hay bị chi phối của bất cứ khổ cảnh nào – dù thô hay vi tế, đó là một cái "tâm đã định, thanh tịnh, tinh khiết, không tỳ vết, phiền não diệt, bất thối chuyển, dễ uốn nắn, kiên định". Bằng tâm ấy, Đức Phật tiến đến lục thông và thành Phật.

Chính nhờ con đường thiền định mà Phật mới nhận thấy rõ ràng thông suốt nhiều kiếp trong quá khứ của Ngài và tất cả chúng sanh; cũng chính nhờ thiền định nên Ngài đã thấu rõ bản chất của vạn pháp là duyên sanh vô ngã. Cho nên, chúng ta cần phải thực hành thiền định trong đời sống tu tập hằng ngày của chúng ta, tâm ta có định thì mới có thể nhận định mọi vấn đề một cách sáng tỏ, xa hơn nữa thì con đường giải thoát mới có ngày thành công.

C. KẾT LUẬN

Tiến trình tu tập, thành đạo của đức Phật không chỉ có ý nghĩa to lớn đối với hành giả tu tập, đối với con đường tìm đến giác ngộ, giải thoát mà còn áp dụng trong mọi lãnh vực của đời sống. Tất cả những sự kiện trong cuộc đời Ngài đều đem lại cho chúng ta những bài học quý giá.

Sự kiện thành đạo của đức Thế Tôn là điểm son trong lịch sử Tôn giáo của nhân loại, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của nhân bản, bình đẳng, vô ngã và từ bi. Ngài là bậc thầy vĩ đại của nhân loại, một con người kỳ vĩ xuất hiện trong thế giới thường nhân.

Tìm hiểu về sự kiện thành đạo của đức Phật, cho ta thấy Ngài đã thành tựu một cách vẻ vang trong công cuộc cải cách bản thân, một cuộc đời quang minh vĩ đại, một tấm gương sáng chói qua năng lực ý chí. Là người tiên phong hàng đầu trong việc tu tập chuyển hóa phàm nhân lên Thánh nhân, thành tựu đạo quả Chánh Đẳng Chánh Giác, mở ra cánh cửa bất tử cho nhân loại.

Lịch sử thành đạo là lịch sử của con người, con người ở đây chính là Đức Bổn Sư chúng ta, nhờ tu tập chiến thắng tự thân, Ngài đã trở thành một con người toàn thiện, một bậc Thánh giữa thế gian.

Thế nên, hơn 25 thế kỷ trôi qua, thế giới đã trải qua bao cuộc đổi thay, nhưng những công hạnh, những đức tính quí báu của Ngài vẫn còn in đậm trong trái tim của người con Phật. Hôm nay, chúng ta đang thừa hưởng gia tài của Đấng Từ Phụ để lại. Nhớ đến công lao khó nhọc Ngài đã tìm ra Ánh Đạo Vàng sáng soi muôn loại, chúng ta không phải kỷ niệm Phật Thành Đạo trong một ngày, một giờ là đủ mà cần chuyển hiện, khơi nguồn sáng đó vào đời sống, phải nỗ lực tu tập, để đoạn trừ tham, sân, si, phiền não…mở rộng lòng từ đối với tất cả chúng sanh, tự bản thân mình phải tu tập để được giác ngộ, giải thoát và dẫn dắt chúng sanh cùng tu tập để được an lạc giải thoát. Đó là cách tri ân và báo ân thiết thực nhất đối với đấng cha lành cũng như sự kiện Thành Đạo của Đức Bổn Sư.

 

 

BÀI 2

A. DẪN NHẬP

Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta luôn bị chi phối bởi các dục vọng về tài, sắc, danh, thực, thùy của thế gian. Đây là những thứ luôn lôi cuốn con người vào vòng xoáy của cuộc đời. Chính vì điều đó, nên chúng ta ít khi có được những giây phút an lạc của tâm hồn, và những ý niệm tham, sân, si thường hay chi phối và ngự trị trong tâm, làm cho chúng ta luôn bị phiền não đau khổ. Thái tử Tất Đạt Đa, Ngài đã nhìn thấy chúng sanh đang lặn hụp trong bể khổ sanh tử luân hồi, nên đã quyết định đi tìm con đường chân lý để cứu độ chúng sinh. Chính vì lòng từ bi vô lượng và ý chí cương quyết, nên Ngài đã thành tựu được con đường giác ngộ giải thoát. Đó gọi là sự Thành Đạo hay là sự thành tựu của bao chí nguyện độ sanh mà Ngài đã đạt được. Với hạnh nguyện độ sanh, Ngài đã đem chân lý mà mình chứng ngộ được thuyết giảng để đem đến lợi lạc cho chúng sanh.

Cho nên trong kinh Tăng Chi, phẩm Một Người, đức Phật dạy: "Một người, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người. Một người ấy là ai? Chính là Thế Tôn, Bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác.” (Tăng chi I, phẩm Một Người, tr. 28, xb. 1980)

Chính sự kiện thành đạo của Thế Tôn đã mở ra cho nhân loại một con đường thoát khổ, một niềm tin thoát khổ, đánh dấu một chiến công lẫy lừng trong lịch sử nhân loại. Một con người bình thường nhưng bằng sự đấu tranh của nội tâm, Ngài đã tự mình vượt thoát khỏi mọi sự trói buộc của khổ đau sanh tử luân hồi. Và cũng chính sự kiện thành đạo này đã đem đến cho nhân loại những ý nghĩa lớn lao và những bài học vô cùng quý giá, để cho nhân loại học hỏi, tu tập theo hầu được an lạc giải thoát.

B. NỘI DUNG

       I. ĐỊNH NGHĨA

Thành đạo là gì?

Thành tức chỉ cho sự thành tựu một sự việc nào đó. Đạo tức là đạo quả, là con đường, lý tánh, là bản thể chơn như.

Thành đạo tức là Chứng ngộ được đạo Vô Thượng Bồ Đề Chánh Đẳng Chánh Giác. Cũng có nhiều từ ngữ dùng cho ý nghĩa này như đắc-đạo, Thành-Chánh-Giác, chứng-Bồ-đề, đắc-Phật-quả, chứng-Vô-thượng-đạo... Nói chung, Thành đạo là chỉ cho một con người tu tập đã đoạn tận mọi phiền não vô minh lậu hoặc, thành tựu hạnh nguyện tự lợi, lợi tha đều viên mãn, đạt đến cảnh giới tối thượng của quả vị Vô Thượng Bồ Đề. Thành đạo cũng đồng nghĩa như thành Phật.

Khi nói đến thành đạo tức là chỉ cho hành trình tu tập và chứng ngộ của những vị Bồ Tát đã viên thành hạnh nguyện từ bi, tự lợi và lợi tha. Nhưng ở đây, khi nói đến sự thành đạo thì chúng ta liền nghĩ đến sự viên thành hạnh nguyện và chứng ngộ chân lý của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

II. HÀNH TRÌNH TẦM ĐẠO VÀ CHỨNG ĐẠO

         1. SỰ TỪ BỎ

Thái tử Siddhata, cũng như bao người khác, sinh ra và lớn lên trong cuộc đời này, chỉ khác là Ngài nhận ra sự vô thường trước cảnh sinh, lão bệnh tử quá tạm bợ và mong manh của kiếp người nên đã xuất gia tu hành chứng ngộ đạo quả giải thoát. Với tâm nguyện từ bi của một vị Bồ Tát, muốn tìm ra con đường giải thoát đau khổ cho nhân sinh, nên đã nung nấu trong tư tưởng của Ngài là phải chọn con đường xuất gia tầm đạo.

Cho nên, mặc dù sống trong cảnh giàu sang phú quý của một vị Đông Cung Thái Tử, nào chức tước danh vọng, lâu đài cung điện, đàn ca múa hát, nào vợ đẹp con ngoan, Thái Tử vẫn thấy lòng mình nặng trĩu bao nỗi băn khoăn, thắc mắc. Ngài cho rằng cảnh đời Ngài đang sống đây không phải là hạnh phúc chân thật, mà chỉ là những thứ tạm bợ vô thường, chỉ làm cho kiếp sống thêm nặng nề đau khổ. Khi con người sở hữu được nó hạnh phúc bao nhiêu thì khi mất nó sẽ làm cho người ta đau khổ bấy nhiêu. Ngài thấy cần phải đi tìm một lối thoát, một cuộc sống chân thật, một con đường chân lý có ý nghĩa và cao đẹp hơn.

Chính vì những tư tưởng xuất thế, tiếng gọi của lòng từ bi đã thôi thúc, dẫn lối Ngài gặp được và nhận ra những thông điệp khổ đau từ ba cửa thành: già, bệnh, chết, và thông điệp giải thoát từ cửa thành thứ tư qua hình ảnh cao quý của vị đạo sĩ với phong cách ung dung. Sự kiện ấy đã làm thức dậy trong lòng Thái tử Tất Đạt Đa một năng lực của nội tâm sâu thẳm để đi tìm giải đáp của kiếp nhân sinh.

Sau khi dạo bốn cửa thành xong, Ngài trở về cung xin vua cha cho mình xuất gia. Vua Tịnh Phạn không nhận lời. Thái Tử yêu cầu vua cha 4 điều kiện, nếu vua giải quyết được thì Ngài sẽ không đi xuất gia nữa. Bốn điều đó là:

1. Làm sao cho con trẻ mãi không già

2. Làm sao cho con mạnh hoài không đau ốm

3. Làm sao cho con sống hoài không chết

4. Làm sao cho con và mọi người vui hoài không khổ

Bốn điều này làm cho vua cha bối rối, không giải quyết được.

Vào một đêm khuya, khi các cung phi mỹ nữ đang say ngủ sau một buổi tiệc linh đình, Thái Tử vào phòng nhìn vợ con lần cuối, rồi đánh thức người hầu cận là Xa Nặc, thắng yên cương, rồi hai thầy trò vượt ra khỏi thành. Lúc bấy giờ nhằm đêm mồng 08 tháng 02. Lúc ấy Thái tử được 19 tuổi.

Thái tử đã chiến thắng sự cám dỗ của Ma quân phú quí bằng cách nhận chân sự thật của cuộc đời vui ít, khổ nhiều. Chỉ có bậc đại trượng phu như Thái tử mới đủ dũng chí xuất gia sống đời du sĩ giữa chốn núi non để tầm cầu chân lý. Ngài từ bỏ ngôi nhà thế gian không chỉ vì lợi ích cá nhân mà vì lợi ích và giải thoát sự khổ đau của nhân loại. Với Ngài, toàn thể nhân loại là một gia đình. Rồi một mình, một bóng Ngài lặn lội giữa núi rừng cô tịch cầu học với các bậc danh sư.

Sự ra đi và từ bỏ của Thái tử không chỉ đơn thuần là sự từ bỏ cuộc sống vương giả trong hoàn cung, mà với một ý nghĩa khác, đó chính là sự từ bỏ lòng tham ái và dục vọng. Bởi nó là nguyên nhân tất cả khổ đau của con người. Lại nữa, ý nghĩa xuất ly đây còn biểu thị sự vượt thoát bức tường thành giai cấp đã từ lâu vây phủ kiếp người của xã hội Ấn Độ thời bấy giờ.

         2. CON ĐƯỜNG TU TẬP

Sau khi từ bỏ cuộc đời vương giả, Thái Tử đi vào vùng rừng sâu tìm Ðạo. Trong bài Kinh Thánh Cầu (số 26 Trung bộ I, tr. 361-390, xb. 1992.) đã mô tả về tiến trình từ lúc Thái tử từ bỏ gia đình vào rừng tu tập. Thời gian trôi qua, gần một năm theo học với đạo sĩ Alara Kalama lãnh đạo phái Samkhya (Số luận) ở thành Vesali (Tỳ-xá-ly) và với Uddaka Ramaputta (Uất-đầu Lam-phất), lãnh đạo phái Yoga (Du già) tại kinh đô Rajagaha (Vương-xá), Thái tử đã thấu triệt những gì mà hai đạo sĩ đạt được, nhưng Ngài không thỏa mãn; vì cho rằng đây chưa phải là chân lý giác ngộ tối thượng. Ngài từ bỏ hai vị đạo sĩ và đến cùng tu khổ hạnh với năm anh em ông Kiều Trần Như. Cuộc tìm kiếm chân lý trên đường tu khổ hạnh kéo dài 6 năm, kết quả chẳng có gì ngoài những cảm giác đau đớn, kiệt sức... Ngài một lần nữa chối bỏ phái tu khổ hạnh và "Tự mình thắp đuốc lên mà đi". Ngài tu tập một mình, đêm ngày nghiền ngẫm đến đạo giải thoát, quên ăn bỏ ngủ, thân hình mỗi ngày mỗi tiều tụy. Một hôm Ngài kiệt sức, nằm bất tỉnh trên cỏ, và được một cô gái Sujata dâng cho Ngài một bát sữa, chính nhờ bát sữa này nên sức khỏe của Ngài được bình phục. Từ đó, Ngài nhận thấy nếu muốn có kết quả, cần phải ăn uống để thân thể được mạnh khỏe thì mới có thể tu tập được.

Khi thấy mình có đủ sức khỏe để chiến đấu với bóng tối si mê và dục vọng, Ngài đến ngồi nhập định dưới gốc cây Bồ Ðề và thề rằng: “Nếu ta không thành đạo thì dù thịt nát xương tan, ta quyết cũng không rời chỗ ngồi này.”

Từ những kinh nghiệm trong cuộc sống sung túc xa hoa và lối sống tu hành khổ hạnh ép xác, Ngài đã phá bỏ hai con đường cực đoan ấy và tìm ra được một con đường mới, đó là con đường Trung Đạo với lối sống tri túc, quân bình, đúng đắn và thích hợp qua hình ảnh Ngài tiếp nhận bát sữa của nàng Sujata. Chính con đường Trung Đạo đã đưa đức Như Lai diệt tận mọi khổ đau, phiền não, vô minh và thành tựu thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.

Tránh xa hai cực đoan là khổ hạnh ép xác và thọ hưởng dục lạc, bởi hai con đường này không thể làm cho con người được an lạc và nó cũng không thể đem đến kết quả chứng đạt Thánh quả. Đức Phật dạy: “Sống trong cảnh vương giả, Như Lai không thấy đạo. Sống trong khổ hạnh ép xác, Như Lai không chứng đạo.” Cho nên, điều cần thiết là phải thực hành Trung Đạo. Phải tu tập đúng chánh pháp thì mới đưa đến an lạc giải thoát.

Cho nên trong Kinh Bộ Tương Ưng V, trang 611, Ngài đã dạy các đệ tử rằng: "Này các Tỳ-kheo! Có hai cực đoan mà người xuất gia không nên thực hành theo. Thế nào là hai? Một là đắm say trong các dục, hạ liệt, đê tiện, phàm phu, không xứng bậc Thánh, không liên hệ đến mục đích. Hai là tự hành khổ mình, khổ đau, không xứng bậc Thánh, không liên hệ đến mục đích. Tránh xa hai cực đoan này, này các Tỳ-kheo, là con đường Trung Đạo do Như Lai chánh giác, tác thành mắt, tác thành trí, đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn."

Muốn thành tựu được giác ngộ, thì ngoài lối sống thực hành theo con đường Trung Đạo, chúng ta cần phải nỗ lực tu tập theo con đường Bát Chánh Đạo, được biểu hiện qua Tam Vô Lậu Học là: Giới, Định, Tuệ mà Ngài đã trải qua. Chỉ có những con đường này mới có thể đưa con người diệt tận mọi phiền não khổ đau, chấm dứt sanh tử luân hồi, đạt đến sự an lạc hạnh phúc, giải thoát giác ngộ. Và bằng phương pháp này, Đức Phật đã chứng ngộ tâm linh, thành tựu quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

          3. SỰ CHỨNG ĐẮC

Trong suốt hành trình tầm đạo khó nhọc nhưng không đạt được chân lý, Ngài đến ngồi tịnh tọa dưới gốc cây Bồ Đề, dùng sức thiền định của mình để quán chiếu sự duyên sanh về vạn pháp. Ngài tiếp tục tịnh tọa đến 49 ngày đêm. Trong đêm thứ 49, tức vào ngày 08 tháng 12, năm 528 trước Công Nguyên, khi Sao Mai vừa sáng tỏ, vào canh hai, Ngài chứng được “Túc Mạng Minh”, thấy rõ được tất cả hạnh nghiệp của mình và tất cả chúng sanh từ vô lượng kiếp quá khứ đến nay. Đối với chúng sanh, vì sự say mê điên đảo nên luôn tạo nghiệp ác, rồi chịu trầm luân trong sanh tử luân hồi, hết thọ kiếp này rồi đến kiếp khác, xoay vần mãi trong lục đạo luân hồi. Đức Phật, bằng sự chứng ngộ của mình, Ngài đã thấu triệt được sự sanh già bệnh chết của con người và vũ trụ hiện hữu, biến đổi hay hoại diệt đều theo lý duyên sinh và định luật nhân quả. Ðến nữa đêm, Ngài chứng được “Thiên Nhãn Minh”, thấy được tất cả bản thể của vũ trụ và nguyên nhân cấu tạo của nó. Đối với chúng sanh thì luôn lầm chấp mọi sự mọi vật đều là chắc thật, là bền lâu, cho nên luôn vướng vào sự chấp ngã và chấp pháp. Nhưng bằng tuệ giác của mình, Đức Phật thấy rõ mọi thứ trên cuộc đời đều là giả tạm. Như trong Quy Sơn Cảnh Sách có dạy là: “Thế gian vô thường, quốc độ nguy thúy, tứ đại khổ không, ngũ ấm vô ngã.” Phật thấy rõ tất cả vạn pháp hữu vi và vô vi đều là duyên sanh vô ngã vì: "Do cái này có nên cái kia có, do cái này sanh nên cái kia sanh". Vì các pháp hiện hữu do nhân duyên hoà hợp, mà nhân duyên thì trùng trùng duyên khởi, nên nó luôn luôn biến chuyển. Ðến canh tư, Ngài chứng được Lậu Tận Minh, tức là Ngài đã diệt trừ được tất cả những phiền não, kiết sử, vô minh từ vô lượng kiếp đến nay. Đối với chúng sanh, vì luôn bị vô minh, tham ái chi phối nên khởi sinh ra các thứ phiền não như tham, sân, si, mạn, nghi….do đó, luôn bị đau khổ, bất an. Nhưng Đức Phật bằng sự chứng đắc của mình, Ngài đã chuyển mọi khổ đau tham vọng, ái kiến thành an vui giải thoát. Ngài đã chứng ngộ được chân lý: "Đây là khổ," "đây là nguyên nhân của khổ," "đây là khổ diệt," "đây là con đường đưa đến khổ diệt." Nhờ thấy rõ như vậy, tâm Ngài thoát khỏi dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu, chiến thắng Ma vương.

Cũng chính đêm này, Ngài đã viên thành đại nguyện, Chứng Thành Đạo Quả Vô-Thượng Bồ-Đề, hiệu là Phật Thích Ca Mâu Ni, được trời người cung kính với đầy đủ 10 danh hiệu là: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Lúc ấy Ngài được 30 tuổi (theo Nam Tông thì nói là 35 tuổi).

Xưa nay, lịch sử đã chứng minh rằng những anh hùng cái thế, oai chấn tứ phương có thể chinh phục tướng sĩ ba quân một cách nhẹ nhàng như trở bàn tay. Thế nhưng, khi đối diện trước đấu trường dục vọng của nội tâm thì biết bao người phải xếp giáo qui hàng. Vì vậy, với lời phát nguyện dưới cội Bồ-đề là Thái tử Siddharta chấp nhận phải trực diện với nội ma lẫn ngoại ma. Cuối cùng, Ngài đã vượt qua tất cả những dục vọng thấp hèn đang ẩn mình trong tận ngõ ngách của tâm hồn.

Kể về hành trình chiến đấu nội ma và ngoại ma của Ngài, Trong bài kinh "Sợ Hãi và Khiếp Đảm" được Đức Phật đã kể lại khi Ngài sống một mình trong rừng sâu như sau: "Trong những đêm được biết đến, được xác định, đêm mười bốn, mười lăm, mồng tám mỗi nửa tháng, trong những đêm như vậy, Ta đến ở tại các trú xứ hãi hùng, lông tóc dựng ngược, để Ta có thể thấy sự sợ hãi khiếp đảm ấy. Trong khi Ta ở tại các chỗ ấy, một con thú có thể đến, hay một con công làm rơi một cành cây, hay gió làm rung động các lá rơi; Ta khởi lên ý nghĩ: "Nay sự sợ hãi khiếp đảm ấy đã đến. Rồi Ta suy nghĩ: "Sao Ta ở đây, chỉ mong đợi sự sợ hãi khiếp đảm chớ không gì khác? Ta hãy trừ diệt khiếp đảm ấy. Trong khi Ta đi kinh hành qua lại mà sự sợ hãi khiếp đảm ấy đến, Ta không đứng, Ta không ngồi, Ta không nằm, nhưng Ta trừ diệt sợ hãi khiếp đảm ấy trong khi Ta đi kinh hành qua lại ….”

Nhờ nhiếp niệm, định tâm Ngài đã nhiếp phục 'Ma sợ hãi và khiếp đảm', tâm an lạc, định tĩnh, ly dục, ly các ác pháp, chứng và trú các tầng thiền. Lần lượt, Ngài đi sâu vào thiền định, chứng ngộ quả vị Vô Thượng Bồ Đề, thông suốt tất cả vạn pháp trên thế gian không một chút chướng ngại.

Giáo pháp Thế Tôn vừa chứng ngộ có công năng như ánh sáng của thái dương phá tan mọi bóng tối vô minh phủ lấp tâm trí con người từ vô số kiếp. Bằng tuệ giác thực chứng Tam Minh, Đức Phật không những dạy chúng ta thấy và hiểu các pháp đúng như thật, mà còn nhằm đưa ra phương cách hiểu và sống đúng như thật để chúng ta đạt được an lạc.

          Sự Thành Đạo của Đức Phật cũng chính là sự thành tựu Tam Thân mà bất cứ một vị Bồ Tát nào thành tựu đạo nghiệp, viên thành đại nguyện cũng đều đạt được. Đó là pháp thân, báo thân và ứng hóa thân.

- Pháp thân: là bản thể thanh tịnh, không sinh, không diệt của vạn pháp, là thân của Phật.

- Báo thân: là thân của Phật do tu tập Giới, Định, Tuệ và các pháp Lục Độ vạn hạnh, nên đã đoạn trừ hoàn toàn các lậu hoặc. Báo thân cũng là thân viên mãn của các pháp thuộc về phước đức và trí tuệ vô lậu, được thể hiện qua thân tướng trang nghiêm là 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp.

- Ứng hóa thân: là thân của Phật sinh khởi từ đại nguyện và đại hạnh để giáo hóa làm lợi ích cho hết thảy chúng sanh. Thân ấy biểu hiện qua nhiều hình tướng khác nhau, tùy theo y báo và chánh báo của chúng sanh trong từng thế giới mà Phật biểu hiện thân thể thích ứng theo từng chủng loại để hóa độ.

Sự Thành Đạo của Phật là một kết quả thành tựu do đã trải qua hằng sa vô số kiếp Ngài đã không ngừng tu tập hạnh Bồ-Tát. Trong vô lượng kiếp, Đức Phật đã thực hành hạnh nguyện lợi tha như hiến dâng tài sản, quốc thành, vợ con mà không tham tiếc, ...Chỉ vì nhất tâm cứu khổ và giải thoát cho chúng sanh. Cho nên, Thành Đạo tức là chỉ cho Phật đã đi hết đoạn đường mà Bồ Tát đã phải đi.

          III. Ý NGHĨA CỦA NGÀY THÀNH ĐẠO

Tất cả những sự kiện quan trọng trong cuộc đời Ngài từ Đản Sanh, Xuất Gia, cho đến Tu Khổ Hạnh, chiến đấu với Ma Vương rồi Thành Đạo, Nhập Diệt v..v.. Thế Tôn đều để lại cho chúng ta những bài học vô cùng quí giá.

Nếu không có ngày Thành Đạo của Bồ tát Tất Đạt Đa sẽ không có sự kiện chuyển Pháp luân của Ngài ở vườn Nai, và ở trên đời nầy không bao giờ có Phật, Pháp, Tăng xuất hiện để làm chỗ nương tựa an ổn cho chư Thiên và loài người.

Sự chứng ngộ của Ngài đã mở ra cho nhân loại một hướng đi mới nhằm giải thoát mọi phiền não khổ đau, hầu mang lại cho con người một cuộc sống an lạc, hạnh phúc thông qua con đường tu tập lý Trung Đạo mà Ngài đã đích thân chứng ngộ. Sự chứng ngộ của Ngài chính là sự thấu triệt về nhân sinh quan và vũ trụ quan.

Đối với bản thân, có bao nhiêu phiền não, Ngài đã đoạn trừ và dứt sạch. Đối với chúng sanh, có bao nhiêu loài đang bị khổ đau thì Ngài có bấy nhiêu hạnh nguyện, phương pháp thích ứng để giúp chúng sanh nhiếp phục và chuyển hóa những nguyên nhân tập khởi khổ đau ấy, để họ tìm về sự an lạc.

              1. Đức Phật là nhà cách mạng về nhân quyền và bình đẳng

Đức Phật là nhà cách mạng nhân quyền và bình đẳng của nhân loại, Ngài dõng mãnh phá bỏ truyền thống phân chia giai cấp của xã hội Ấn Độ. Ngài tuyên bố hùng hồn: "không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ và nước mắt cùng mặn.” Điều này được thể hiện rất rõ trong đời sống Tăng đoàn của Phật. Mặc dù các đệ tử của Ngài ở nhiều tầng lớp và giai cấp khác nhau, nhưng khi vào tu tập trong Tăng đoàn thì mọi người cùng sống trong tinh thần Lục Hòa cộng trụ.

             2. Chứng minh mọi người đều có khả năng thành Phật

Đức Phật trước khi thành đạo, Ngài cũng là một con người bình thường, nhưng với tâm từ bi muốn cứu độ chúng sanh và ý chí cương quyết muốn tìm ra được chân lý giác ngộ giải thoát, nên cuối cùng, Ngài đã đạt được sở nguyện của mình. Cho nên, sau khi thành đạo, Ngài đã tuyên bố: "Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành" hoặc câu nói: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”. Nghĩa là tất cả chúng sanh đều có thể tu tập để đi đến giác ngộ, giải thoát khỏi sanh tử luân hồi. Sự kiện Thành Đạo như là một lời thọ ký cho tất cả chúng sanh sẽ thành Phật trong tương lai.

Trong các vị đệ tử của Đức Phật, ngay cả những người căn tánh mê muội như Bàn Đặc, thấp hèn như Upali (Ưu Ba Li) thợ hớt tóc, bần tiện như Ni Đề làm nghề gánh phân, sống đời phóng túng làm nghề mãi dâm như dâm nữ Ambapali (Liên Hoa Sắc), tàn ác như Angulimala (Vô Não) …đều được giác ngộ, giải thoát sau khi nỗ lực, tu tập dưới sự hướng dẫn của Đức Phật. Điều này cho thấy, tất cả chúng sanh đều có khả năng giác ngộ, giải thoát như nhau nếu họ hành trì, tu tập theo lời dạy của Đức Phật.

Đức Phật, Ngài không bao giờ tự xưng mình là Bậc lãnh đạo Tăng đoàn mà ngài xem Mình như là đạo sư tức người dẫn đường mà thôi. Vì Đức Phật không thể ban sự giác ngộ cho bất cứ ai, hoăc ban phước, rửa tội cho bất cứ ai. Ngài thường khuyên chư vị Tỳ kheo: "Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi, hãy nương tựa chính mình, đừng nương tựa một ai khác, hãy lấy giáo pháp làm Thầy".

                3. Thành Đạo là giải thoát khỏi mọi tham ái, chấp thủ

Trong thời gian tư duy thiền định 49 ngày đêm dưới gốc cây Bồ Đề, nhờ chiến đấu mọi thứ nội ma, ngoại ma, diệt trừ tất cả mọi phiền não tham ái, chấp thủ,… tâm được thông suốt, an tịnh thì Ngài mới lần lượt chứng các địa vị Thánh quả từ sơ thiền, nhị thiền…tứ quả A La Hán và cuối cùng là chứng quả vị Vô Thượng Bồ Đề. Cho nên, người tu tập muốn đạt được an lạc, muốn thành tựu đạo nghiệp thì phải diệt trừ những thứ phiền não tham sân si, chấp thủ… đang chi phối chúng ta từ vô lượng kiếp đến nay. Khi tâm không còn bị phiền não chi phối, thì dù chúng ta sống trong hoàn cảnh nào thì tâm vẫn an lạc giải thoát.

       IV. BÀI HỌC KINH NGHIỆM

Người con Phật tức chúng ta cần phải học theo Phật, đi theo con đường của Phật đã đi, phải tập làm những những gì đức Phật đã làm. Từ sự Thành Đạo của Ngài đã đem lại cho chúng ta nhiều bài học trên lộ trình tu tập. Muốn viên thành đạo quả thì cần phải chiến đấu những thứ nội ma và ngoại ma. Ma vương không phải là một thế lực từ bên ngoài mà chính là ngay tại tâm ta. Đó chính là 10 thứ phiền não là tham, sân, si, mạn, nghi,…luôn chi phối chúng ta. Cần phải thấy rõ ràng đây chính là 10 kẻ thù có thể làm cho chúng ta thân bại danh liệt, lún sâu vào mê lầm của ngã chấp, và cũng là nguyên nhân làm chướng ngại Thánh đạo. Do vậy, muốn thành tựu đạo nghiệp thì phải phát tâm dõng mãnh để diệt trừ chúng.

Qua sự chứng ngộ Tam Minh của Đức Phật cho chúng ta thấy được rằng, người tu tập muốn chứng được Túc Mạng Minh thì phải quan sát nghiệp duyên và quả báo chúng ta đang thọ nhận. Hãy gieo nhân lành để thọ hưởng quả báo lành. Phải phát khởi Bồ Đề Tâm, bởi đây là nhân duyên để đưa đến kết quả thành tựu đạo nghiệp. Người muốn đắc Thiên Nhãn Minh thì phải tu nhẫn nhục, trì giới, thiền định, phải định tĩnh trong mọi hoàn cảnh. Khi tâm an tịnh, trí tuệ phát sanh thì chúng ta mới thấy rõ được mọi việc đúng như thật thể của nó. Người muốn đắc Lậu Tận Minh thì phải diệt trừ mọi thứ phiền não đang chi phối chúng ta. Bởi các thứ phiền não như tham dục, sân hận, chấp thủ … nó luôn làm cho tâm ta bị vẫn đục, chẳng thấy được đạo.

Vì vậy, tu tập là luôn tỉnh thức để nhận biết khi chúng vừa xuất hiện dưới hình thức một vọng niệm nhỏ khởi lên trong tâm ta, đừng chạy theo chúng, nhìn thẳng vào chúng và duy trì chánh niệm, để cho chúng tự sinh tự diệt - tự đến tự đi- thì chúng không thể sai sử hay lôi kéo ta được. Đó là lúc chúng ta phải dùng tới sức mạnh của định tâm. Bởi trong vô lượng kiếp luân hồi, chúng ta luôn bị những thứ nội ma và ngoại ma chi phối, nên cứ trôi lăn mãi trong tam đồ, lục đạo. Hôm nay nhận chân được chân lý giác ngộ của Đức Thế Tôn, chúng ta cần phải siêng năng tu tập để sớm thoát khỏi sự trầm luân đau khổ, tìm về cội nguồn của an lạc.

Đức Thế Tôn đã dạy: "Nước của đại dương chỉ có một vị, là vị mặn, cũng vậy, giáo pháp của Đức Thế Tôn chỉ có một vị, đó là vị giải thoát. Xưa cũng như nay, đức Như Lai chỉ thuyết về khổ và con đường diệt khổ." Do đó, nếu chúng ta tu tập theo giáo lý của Ngài một cách đúng pháp thì sẽ đem đến an vui giải thoát.

C. KẾT LUẬN

Sự kiện Thành Đạo của Thế Tôn mở ra cho nhân loại một con đường thoát khổ, một niềm tin thoát khổ. Tạng giáo lý của Ngài chứng được đã thực sự đem lại nguồn an lạc hạnh phúc cho nhân sinh. Sự kiện này xuất hiện như là chính Thế Tôn thọ ký cho tất cả sẽ trở thành Phật trong vị lai.

Trong suốt 49 năm truyền bá giáo lý, Đức Phật và chư đệ tử của Ngài đã du hành khắp xứ Ấn Độ, từ thành thị phồn hoa đến làng mạc xa xôi hẻo lánh để thuyết giảng chân lý, hầu đem lại an lạc cho mọi người. Từ giới thượng lưu, quyền quí, vua chúa cho đến những người hạ tiện, cùng đinh của xã hội đều thấm nhuần giáo lý giác ngộ.

Ngày nay, tuy Đức Phật vắng bóng trên cuộc đời, nhưng tinh hoa về giáo lý của Ngài vẫn ngời sáng trên khắp năm châu. Như vậy, đối với nhân loại, ngày Bồ tát Tất Đạt Đa thành đạo chính là ngày đem lại đời sống của trí tuệ và từ bi, đem lại ánh sáng giác ngộ giải thoát cho nhân loại.

Nói tóm lại, sự kiện Thành Đạo của Đức Thế Tôn là điểm son trong lịch sử Tôn giáo của nhân loại, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của nhân bản, bình đẳng, vô ngã và từ bi. Ngài là bậc Thầy vĩ đại của nhân loại, một con người kỳ vĩ xuất hiện trong thế giới thường nhân, với trí tuệ siêu xuất thể hiện qua ngôn ngữ, văn tự thường tình đã gây âm vang chấn động trong lịch sử Tôn giáo và triết học.

Thời gian trôi đi gần ba thiên niên kỷ, thế giới loài người cũng đã bao lần đổi thay, nhưng những lời dạy của Đức Phật vẫn mãi mãi là bức thông điệp muôn thuở cho con người khảo nghiệm, nghiên cứu, thực hành.

Đức Phật chỉ là một con người, nhưng là một con người kết tinh của vô vàn tinh hoa tuyệt mỹ của nhân loại. Vì thế, đứng ở góc độ nào, người ta cũng thấy được hiện thân của Ngài. Đó là hiện thân của chân lý, của trí tuệ và từ bi.

Tất cả pháp môn đưa chúng sanh về giác - ngộ, đều là kết quả của sự thành đạo mà đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã chứng đắc, và “Ứng dụng của thành đạo” như trong muôn ngàn kinh điển mà đức Phật đã thuyết giảng. Đó chính Là ánh sáng nhiệm mầu kết tinh của vô lượng kiếp tu hành của đức Phật, nhằm khai mở con đường sáng tỏ cho chúng sanh, để giải thoát tam giới luân hồi và được thành đạo như đức Phật

 

Chia sẻ
Phật học liên quan