Cắt đứt tham dục

Cập nhật: 06/05/2022

Ta đã không nhận ra rằng bản chất của tham dục ham muốn là đau khổ. Chính tham dục ham muốn tự nó là một tâm không lành mạnh, luôn gây đau khổ.

Cắt đứt tham dục

Nghe nói cắt đứt tham dục ham muốn, chúng ta liền nghĩ tới ta chẳng còn gì hạnh phúc của bản thân. Ta cảm thấy như không còn quả tim trong cơ thể nữa, như thể cuộc đời đã bị cướp mất. Sở dĩ có suy nghĩ như vậy, bởi vì ta đã không nhận biết được những nguy hại của tham dục ham muốn.

Ta đã không nhận ra rằng bản chất của tham dục ham muốn là đau khổ. Chính tham dục ham muốn tự nó là một tâm không lành mạnh, luôn gây đau khổ. Vì ham muốn, tâm tạo ra ảo tưởng và khiến ta không nhìn thấy có một thứ hạnh phúc khác, một hạnh phúc chân thật. Cho nên trong kinh Tập, đức Phật có dạy:

“Ai cắt đứt tham dục,
Không còn chút dư tàn,
Như kẻ hái hoa sen
Sanh ra từ ao hồ.
Tỷ-kheo ấy từ bỏ,
Bờ này và bờ kia,
Như loài rắn thoát bỏ
Da rắn cũ già xưa.

Nếu không có tâm tham dục ham muốn thì ta sẽ có sự bình an – một sự bình an có thể được phát triển và được viên mãn. Bình an này được xác lập cố định như Tỳ kheo đến bờ bên kia như rắn lột da sống đời.

Đối với các chúng sinh tìm kiếm sự vui thích ở cõi luân hồi luôn lệ thuộc vào ham muốn ngọai cảnh là chuyện không có hồi kết cục. Dù chúng ta làm với nỗ lực bao nhiêu đi nữa để cố đạt mục tiêu thì cũng không có chỗ điểm dừng. Giống như nước biển, đợt sóng này tiếp nối đợt sóng kia, không bao giờ ngừng nghỉ.

Hạnh phúc tạm bợ của chúng luôn lệ thuộc vào ngoại cảnh thì nơi đó có bản chất đau khổ; kế nữa, dù chúng ta có làm gì đi nữa cũng không có cách nào để kết thúc việc tìm kiếm hạnh phúc tạm bợ đó.  Hạnh phúc tạm bợ đó gồm những gì? Theo đức Phật dạy gồm có năm đối tượng là: Tiền tài, sắc đẹp, danh lợi, ăn uống và ngủ nghỉ. Đây là những thứ tham dục ham muốn của con người không có dừng nghỉ. Trong kinh Bát Đại Nhân Giác Phật phải cảnh báo: “Tham dục nhiều thì đau khổ càng nhiều”.

Do vậy, cần phải sống càng ít ham muốn càng ít đau khổ. đặt biệt, chúng ta cần cảnh giác tám ngọn gió đời thổi vào năm tham dục ham muốn khiến chúng dễ có điều kiện sinh khời. Trong kinh Lokavipatti Sutta (kinh Những bất thành của thế gian), Đức Phật nói về tám pháp thế gian trong thế giới con người; một người thực sự có năng lực tu tập, có trí tuệ quán sát sẽ nhận ra được tám pháp kia là tụ tán và thường, và nhân đó không khởi tâm yêu và ghét chúng:

“Được, mất và nhục, vinh

Chê, khen và vui, khổ

Trong thế giới loài người

Là những pháp tùy thuộc.

Vậy, bằng cách nào có thể cắt đứt tham dục ham muốn giữ được tâm bình an khi có đau khổ xảy ra? Làm sao bảo vệ tâm để cho bốn ngọn gió không ưa thích như ‘Mất, chê, khổ, nhục’ sẽ không gây phiền muộn? Bằng cách nhận ra rằng đau khổ chính là sự dính mắc bám chặt vào bốn ngọn gió ưa thích của ‘Được, khen, vui, vinh’. Chúng ta cần phải nhận ra được các nhược điểm luôn thay đổi chóng tàn của bốn điều ưa thích và buông bỏ sự dính mắc sự bám chặt vào chúng. Tất cả chúng ta cần suy lý tác ý quán sát thật rõ rằng: “Vui sướng khi sống sung túc, khổ sở khi sống khó khăn: tất cả những hoạt động để được vui sướng là thuốc độc, cần được loại bỏ. Hãy dứt bỏ các động cơ phi đạo đức và cả những động cơ mà nó không phải đạo đức cũng không phải phi đạo đức.”

Phương pháp tốt nhất cắt đứt tham dục ham muốn là  luyện tâm, làm chủ tâm để đón nhận bốn điều không ưa thích thay vì bốn điều ưa thích. Hãy mong bị phê bình, bị chê bai và mong bị khinh rẻ bất kính. Phương pháp tu tập buông bỏ này - cắt đứt tham dục ham muốn - là một phương pháp tâm lý tốt nhất. Khi đã được luyện tâm mong những điều không ưa thích, thì nó sẽ không là cú sốc cho chúng ta; nó không gây thương tổn bởi vì chúng ta đang mong muốn nó.

Cái tâm bám dính khi ham muốn sẽ bị vướng kẹt vào đối tượng mà ta muốn có. Khi ta nghe lời tâng bốc: - “Anh thật thông minh”, “Anh nói rất hay”, “Chị là người đẹp tựa như tranh…” – tâm ta lúc này bị vướng kẹt vào sự ca tụng và không còn được tự do. Giống như thân bị dây xích xiết chặt, lúc này tâm ta bị xiết chặt bởi ham muốn. Tâm bị cột, bị khống chế, bị xích bởi lòng tham dục ham muốn. Tâm bị dán chặt vào đối tượng, giống như con thiêu thân bay vào ngọn đèn cầy: toàn bộ thân con thiêu thân, chìm hoàn toàn vào trong sáp đèn cầy. Hay như con ruồi dính vào mạng nhện: chân cẳng bị quấn chặt bởi mạng nhện và rất khó gỡ được ra. Hay như con kiến ở trong mật ong.

Chúng ta theo đuổi tham dục ham muốn với hy vọng được thoả mãn, nhưng theo đuổi ham muốn chỉ đưa tới bất mãn, đó là vấn đề then chốt của cõi luân hồi. Nếu so sánh với vấn đề “theo đuổi ham muốn và không thấy mãn nguyện” thì bệnh ung thư hay sida hay Covid 19 chẳng thấm vào đâu; các bệnh nan y này, vì chúng không kéo dài từ kiếp này sang kiếp khác. Nếu ta không làm gì để giải quyết tham dục ham muốn ngay trong đời này, thì vấn đề đó sẽ nối tiếp từ đời này sang đời khác.

Hàng trăm vấn đề đến từ sự bất mãn. Chẳng hạn, khi có ham muốn mãnh liệt, tâm bị nhiễu loạn, bất an rất dễ dàng nổi giận. Càng bám chặt vào ham muốn, cơn giận nổi lên càng mạnh. Vì bám chặt nên các suy nghĩ bất thiện sinh khởi.. Khi có bất kỳ suy nghĩ bất thiện nào nổi lên ta sẽ tạo ra nghiệp bất thiện, nhân của đọa xứ.

Và nguồn gốc của mọi thứ này là gì? Là một khoảnh khắc của tham dục ham muốn không kiềm chế được. Chính khoảnh khắc khi ta đã không tự bảo vệ mình chống lại tám ngôn gió đời,

Sự an lạc sẽ đến, khi ta giải thoát mình khỏi suy nghĩ về tham dục ham muốn. Hãy tập trung vào sự an lạc chân thật này ta có thể kinh nghiệm được ngay lập tức và tự giải thoát mình khỏi ham muốn. Khi tập trung chú tâm vào sự an lạc này thì thì những hạnh phúc tạm bợ trở nên không hấp dẫn nữa và ta sẽ từ bỏ nó dễ dàng. Như Kinh Pháp Cú 336, Phật dạy:

Ai sống trong đời này

Ái dục được hang phục

Sầu rơi khỏi người ấy

Như giọt nước lá sen.

Cho nên chúng ta phải thực hành pháp, tu tập pháp có nghĩa là kiểm soát tâm, kiềm chế ham muốn. Điều đó giúp chúng ta loại bỏ khổ đau và sẽ không lang thang vô định trong luân hồi sinh tử.
                                                                                                            Thượng tọa Thích guyên Hạnh (Đức Trường)

Tài liệu tham khảo

  1. Tăng chi bộ kinh, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB Hồng Đức, 2020.
  2. Kinh Tập – SuttaNipata, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB Hồng Đức, 2020.
  3. Kinh Pháp Cú, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB Hồng Đức, 2019.
  4. Kinh Bát Bại Nhân Giác giảng giải, HT. Thích thanh Từ, 1997.
Chia sẻ
Phật học liên quan