Tụng kinh – niệm Phật

Cập nhật: 15/10/2022

"Tụng kinh – niệm Phật” là hai phương pháp tu tập thù thắng thuộc Tịnh Độ Tông, mang tính đối trị chung cho tất cả phiền não, phù hợp với mọi căn cơ, và trình độ đem lại an lạc, hạnh phúc cho tất cả chúng sanh.

Tụng kinh – niệm Phật

A. DẪN NHẬP

Sống trong cõi đời giả tạm, con người chẳng khác nào kẻ lầm đường lạc lối. Nhờ có giáo pháp của Đức Thế Tôn, là những lời dạy chân báu, giúp cho Con Người biết nẻo quay về, không còn lạc hướng khổ đau .

Do đó, chúng ta phải luôn luôn ghi nhớ những lời dạy ấy để ứng dụng vào cuộc sống. “Tụng kinh – niệm Phật” Là hai phương pháp tu tập thù thắng thuộc Tịnh Độ Tông, mang tính đối trị chung cho tất cả phiền não, phù hợp với mọi căn cơ, và trình độ đem lại an lạc, hạnh phúc cho tất cả chúng sanh.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là chúng ta “Tụng kinh - niệm Phật” như thế nào cho có kết quả. Đó mới là điều đáng quan tâm.

Vậy “ Tụng kinh và niệm Phật” là gì? Công năng, tu tập và lợi ích ra sao?

 B. NỘI DUNG

I.  Phân tích và giải thích

    1. Định nghĩa tụng kinh

         Tụng: Là đọc thầm, hoặc đọc thành tiếng một cách có âm điệu và thành kính.

         Kinh: có ba nghĩa

              1/ Thường: Là tất cả ba đời Chư Phật đều nói như thế. Là sự thật không thể thay đổi như vô thường, vô ngã, Tứ niệm xứ, thập nhị nhân duyên…….

               2/ Tuyến: Là sợi chỉ. Nhiều sợi chỉ kết thành vải. Cũng như thế, nhiều lời dạy của Đức Phật được kết lại thành kinh.

               3/ Khế: gồm có khế lý và khế cơ.

                    * Khế lý : là phù hợp với chân lý

                    * Khế cơ: là phù hợp với căn cơ của chúng sanh.

Tam tạng kinh điển gồm có “Kinh, Luật, luận”

      Luật: là những phép tắc do Đức Phật chế ra, nhằm ngăn chặn không cho ta làm những việc sai quấy. Chẳng hạn như: không được sát sanh. Không được trộm cắp vv…

      Luận: Là những chú giải, sớ giải do Các Vị Cao Tăng đệ tử Đức Phật biên soạn, nhằm để giải thích cho Người đời sau hiểu sâu thêm về ý nghĩa, lời Phật dạy.

      Tụng Kinh: Nghĩa là đọc thầm, hoặc đọc thành tiếng một cách có âm điệu với tâm thành kính, nhằm ôn lại lời Phật dạy để nhắc nhở ta ứng dụng trong cuộc sống.

Một số từ liên quan:

      Tụng đọc: Hay đọc tụng. Tức là đọc tụng thường xuyên cho hiểu, cho nhớ nghĩa trong kinh.

      Tụng niệm: là tụng Kinh và niệm Phật. Hết tụng Kinh rồi quay sang niệm Phật. Cũng có nghĩa là tụng niệm danh hiệu Phật. Miệng thì tụng danh hiệu Phật, lòng tin tưởng Đức Phật.

      Tụng trì: là thọ trì Kinh điển, hoặc chơn ngôn bằng cách đọc ra tiếng.

Ngoài việc tụng kinh, chúng ta cũng cần phải chuyên tâm niệm Phật.

   Định nghĩa niệm Phật:

       Niệm: là nhớ, là nghĩ đến

       Phật: là đấng giác ngộ. Là danh từ chung chỉ cho các Đức Phật. Phật là thầy dẫn đường cho chúng sanh thoát khổ được an vui.

       Niệm Phật: là luôn nhớ nghĩ đến Phật. Nhớ nghĩ đến đức tính từ, bi, hỷ, xã của Ngài, để khơi lại đức tính Phật sẳn có trong ta, hầu đem áp dụng vào cuộc sống.

Một số từ liên quan:

      Mật niệm: niệm thầm

      Khẩn niệm: khi gặp sự đau đớn, nguy hiểm niệm Phật một cách khẩn thiết, chí thành để cầu gia hộ.

      Quán niệm:  nhớ nghĩ đến hình ảnh đức Phật và niệm danh hiệu Phật.

      Chuyên niệm:  lúc nào cũng nghĩ nhớ đến Phật và luôn trì niệm.

      Trì niệm: Trì danh niệm Phật một cách chuyên nhất.

Sau khi tìm hiểu tụng kinh – niệm Phật. Chúng ta cũng cần hiểu tại sao phải tụng kinh - niệm Phật?

II. Tại sao phải tụng kinh ?

       1. Nhân duyên Phật thuyết kinh

 Chúng sanh, do huân tập chủng tử bất thiện từ nhiều đời nhiều kiếp nên dễ dàng tạo ra nghiệp ác như “Tham, sân, si, sát sanh, trộm cắp, tà  dâm vv…và chìm đắm trong biển khổ luân hồi sanh tử. 

Từ ý nghĩa nầy nên trong kinh Pháp Hoa đức Phật dạy: “Ta ra đời vì một đại sự nhân duyên, là vì khai thị cho chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến”.

     Cho nên những lời dạy của đức Phật gồm ba tạng Kinh điển, đâu phải tự nhiên mà có, chẳng hạn như trước khi khi thành Phật, Đức Phật phải trãi qua năm năm tìm đạo, trãi qua biết bao nhiêu gian nan, khổ nhọc, sáu năm tu khổ hạnh, bốn mươi chín ngày đêm tư duy thiền định dưới cội bồ đề. Hơn thế nữa, Ngài cũng đã tu Ba a tăng kỳ kiếp, phải đổ cả xương máu để thực hành hạnh Bồ Tát.

( Dẫn chuyện: ) Tiền thân đức Phật

      - Là một ẩn sĩ  tu hạnh nhẫn nhục

      - Là Nai chúa, do cứu đàn nai phải bỏ mạng

      - Xả bỏ thân mạng cho quỷ La Sát để cầu pháp vv…

(Trãi qua Ba A Tăng kỳ kiếp Ngài tinh tấn tu hành)

    A Tăng kỳ: là chỉ cho số lượng lớn không thể đếm hết được. là vô biên, vô số.

   Kiếp: là chỉ cho cả một quá trình hình thành thế giới, gồm có bốn giai đoạn là “ thành, trụ, hoại, không ” hay “ sanh, trụ, dị, diệc ” là cả một quá trình, hình thành và  tồn tại, sau đó đi đến  biến hoại và trở về không như lúc ban đầu.

 Theo “Tỳ Bà Thi” một tiểu kiếp ở thế giới cõi Người là: 16.800.000 năm. Bốn tiểu kiếp bằng một trung kiếp. Bốn trung kiếp bằng một đại kiếp. Như vậy, một đại kiếp bằng 1.280.000.000 năm.

Vì thế, biết bao nhiêu xương máu, biết bao nhiêu là trí tuệ của Phật để khai thị cho chúng sinh. Về sau, nhờ các vị thánh đệ tử của Phật mới đúc kết lại thành Kinh để lại cho chúng ta.

Nên trong Kinh A Di Đà đức Phật dạy: “Thuyết kinh rất khó”.  “Xá-Lợi-Phất! Phải biết rằng Ta ở trong đời ác ngũ trược thật hành việc khó này: đặng thành bậc Vô Thượng Chánh Giác và vì tất cả thế gian nói kinh pháp khó tin này, đó là rất khó.”

      Thế nên, Trong Kinh Pháp Hoa diễn tả: mỗi khi Phật thuyết pháp, đâu phải chỉ có 1250 vị Tỳ kheo, và các thiện Nam, tín Nữ. Mà còn có cả chư Bồ Tát trong mười phương, các vị Vua của 33 cõi Trời Đao Lợi, các vị Thần như Thần rắn, thần A Tu La, Dạ xoa, các loài rồng vv…mỗi mỗi đều mang theo trăm nghìn quyến thuộc đến nghe pháp.

Không những thế, bấy giờ, Đức Phật từ nơi tướng lông trắng giữa chặng mày phóng ra luồng hào quang, chiếu khắp tất cả bốn phương, tám hướng, trên đến các tầng trời, dưới thấu đến các cõi địa ngục a tỳ. Và âm thanh chấn động ba thứ tiếng vi diệu, vang dội. Khi đó trời mưa hoa Mạn đà la, hoa Ma ha mạn thù – sa để rải lên cúng dường Đức Phật. Để chờ nghe Phật giảng Kinh thuyết pháp.

Vì thế Kinh của Phật còn quý hơn vàng, quý hơn tất cả mọi thứ trên đời. Bởi vàng, bạc, kim cương, hột xoàn vv…không thể cứu được con người ra khỏi những cảnh khổ luân hồi sanh tử. Chỉ có Kinh của Phật mới giúp cho con người thoát khỏi những cảnh khổ của chúng sanh.

2.  Phước duyên gặp được kinh phật

Hơn nữa, trong Kinh Lương Hoàng Sám nói:

“Thân Người khó được

Phật pháp khó nghe

sáu căn khó đủ

hạnh lành khó tu.”

Thật vậy, khắp hết tất cả chúng sanh trong ba cõi, (dục giới, sắc giới, và vô sắc giới) ) sáu đường ( Trời, người, A tu la, địa ngục, ngạ quỷ, xúc sanh ) chúng sanh nhiều vô số, không thể tính đếm được. Chỉ trên cơ thể ta thôi, đã có hàng tỉ con vi khuẩn, khắp trái đất này có hàng tỉ tỉ các loại động vật, hàng tỉ tỉ con kiến. Khắp sông ngòi, đại dương có hàng tỉ tỉ con cá và tỉ tỉ loài sinh vật khác. Trong khi chỉ có hơn 8 tỷ người sống trên trái đất này.

         Và do chủng tử, tạo nghiệp khác nhau nên chiêu cảm nghiệp lực cũng khác nhau, nên trong số 8 tỷ người này không phải ai cũng toàn vẹn mắt, tai, mũ, lưỡi, thân, ý đầy đủ như nhau, cho nên có Người mù, câm, ngọng, điếc vv…

Thế nên được làm Người là khó, nay ta được thân người, được mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý đầy đủ. Được gặp Kinh điển Phật dạy, đó là một phước duyên lớn nhất của ta. Nếu ta không lo tu niệm, một mai khi để mất thân này, biết mình sẽ đi về đâu trong các cõi luân hồi của kiếp chúng sinh? Cho nên Các Bậc tiền bối cũng nhắc nhỡ chúng ta rằng:

“Thân này chẳng chịu đời nay độ.

Đợi  đến khi nào mới độ thân?”

Do đó, ta phải biết quý trọng và thọ trì Kinh Phật dạy. Nhưng căn tánh của ta do nghiệp chướng sâu dầy, nghe qua thường quên mất. Nên cần phải đọc đi, đọc lại nhiều lần cho nhớ, để áp dụng lời Phật dạy trong cuộc sống.

3. Tại sao phải niệm Phật?

Có câu: “Niệm Phật thì khỏi phải niệm chúng sanh”

       Chúng sanh vì luôn sống trong luân hồi sanh tử, nên quên mất bản tâm thanh tịnh, sáng suốt sẳn có của mình và luôn bị bốn loại ma làm não hại. Đó là phiền não ma, ngũ ấm ma, tử ma và thiên ma.

      Ma: Tức là chỉ cho các phiền não, vọng tưởng, dẫn dắt ta đi vào con đường ác,  làm cho ta đau khổ.

Theo Luận  Đại Trí Độ

      * Phiền não ma : Là những dục vọng, tham muốn, sân hận, si mê… tạo ra các nghiệp ác.

      * Ngũ ấm ma : Là thân năm uẩn, làm cho ta mê mờ, không thấy lẽ thật.

      * Tử ma : Là sự chết, thây chết, sự hủy hoại, chấm dứt cuộc sống của con người .

      * Thiên ma : Là chỉ cho ma ba tuần. Thường phá hoại sự nghiệp tu hành của ta: như là  Kiêu căn, vọng tưởng, ngã mạn, chấp thủ, tự ngã vv…

Có thể nói gọn là:  “nội ma” và “ngoại ma”

  • Nội ma: là những chướng ngại từ trong tâm ta như : Tham lam, tật đố, sân giận, si mê, ngã ái, chấp thủ vv…
  • Ngoại ma: là những cảnh giới bên ngoài có thể làm cho ta mê hoặc như: tiền tài, danh vọng, sắc dục, ăn uống, ngủ nghỉ vv…

Chính các loại ma này luôn làm não hại thân và tâm, lôi kéo chúng ta trôi lăn trong biển khổ luân hồi sanh tử. Và khi tâm ta chuyên nhất vào câu niệm Phật, nghĩ đến Phật, niệm danh hiệu Phật  thì không bị các vọng tưởng, buồn, vui, thương, ghét vv… làm nhiễu loạn chi phối.

 Nếu như ta chí thành niệm Phật thì đâu nhớ chuyện thị phi, đâu thể nhớ chuyện vẩn vơ như lời ai đó đã than rằng: “tôi buồn không biết vì sao tôi buồn”  
           Do đó, Niệm Phật là để “thiết lập và duy trì chánh niệm”. Loại trừ các loại ma vọng tưởng, nhằm trở về với tâm thanh tịnh.

          Đoạn kinh sau đây, được trích trong Tăng Nhất A Hàm, sẽ cho chúng ta thấy pháp môn niệm Phật đã được Đức Thế Tôn chỉ dạy lúc Ngài còn tại thế, là một trong các pháp Tam niệm, Lục niệm, Thập niệm (Tam niệm: Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Lục niệm: Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới, niệm Thí, niệm Thiên. Thập niệm: Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới, niệm Thí, niệm Thiên, niệm Hưu tức, niệm An ban, niệm Thân vô thường, niệm Chết.). Bấy giờ, Đức Phật đang ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ Đà, nước Xá Vệ, nói với các thầy Tỳ kheo:

“Hãy tu hành một pháp. Hãy quảng bá một pháp. Đã tu hành một pháp rồi, liền có danh dự, thành tựu quả báo lớn, các điều thiện đủ cả, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, liền được thần thông, trừ các loạn tưởng, được quả Sa môn, tự đến Niết bàn. Một pháp ấy là gì? Đó là niệm Phật” (Đại chính 2, tr. 532).

Về phương pháp niệm Phật có nhiều cách:

     1. Trì danh niệm Phật: niệm thầm hoặc niệm ra tiếng danh hiệu Phật.
     2 Sổ châu niệm Phật:  lần từng hạt chuỗi khi niệm Phật

  3. Quán sổ tức niệm Phật:  niệm  Phật  quán theo hơi thở vô, ra
     4. Quán tượng niệm Phật: niệm Phật và nghĩ nhớ đến  hình tượng của Đức Phật

     5. Quán tướng niệm Phật: niệm Phật và nghĩ nhớ đến với 32 tướng tốt, 80 vẽ đẹp của  Đức Phật.

     6. Quán tưởng niệm Phật: niệm Phật và nghĩ đến cảnh giới tây phương của Đức Phật

     7. Thật tướng niệm Phật ( tham cứu niệm Phật ):  quán tưởng lý trung đạo là pháp thân Phật chẳng sanh, chẳng diệt.

     8. Niệm Phật tam muội: Tức là Niệm Phật đạt đến chổ nhất tâm.Chẳng hạn, khi đau nhứt cũng nghe niệm Phật. mất tài sản, bị người la mắng vv…cũng nghe niệm Phật.

         Tuy nhiên, Tụng Kinh hay Niệm Phật mà muốn đạt đến chổ nhất tâm cũng phải thể hiện cho đúng ý nghĩa theo tinh thần Phật dạy. Nếu không nó sẽ phản tác dụng, và đi ngược lại với ý của Phật.

( dẫn chuyện ) Ngài Pháp Đạt đến lễ Tổ đầu không chạm đất

       Kinh Pháp Bảo Đàn nói: Ngài Pháp Đạt đến tham kiến Lục Tổ, và đãnh lễ Ngài nhưng đầu không chạm đất. 

     -Tổ hỏi: Ông ở nhà thường làm sự nghiệp gì ? trong lòng ông chất chứa những gì ?

     - Ông đáp:  Bạch Hòa Thượng ! con ở nhà tụng Kinh Pháp Hoa ba ngàn bộ.

     - Tổ hỏi tiếp:  ý chỉ chính yếu của Kinh Pháp Hoa là gì ?

     - Ông đáp:  Bạch Hòa Thượng ! con không biết.

- Tổ dạy: là “tri kiến Phật” nếu mà ông hiểu nghĩa lý trong Kinh thì cùng Ta sánh vai, còn như chưa hiểu lại đi chấp công nhiều ít, thì chưa đi đạt đến chổ an

Lạc giải thoát. Sau đó Tổ đọc bài kệ:

“Lễ vốn chặt cờ mạn

Sao đầu không chấm đất

Có ngã tội liền sanh

Quên công phước vô lượng”

 Ngay lúc này ông bừng tỉnh, quỳ sụp xuống đảnh lễ và nói:

“Kinh tụng ba ngàn bộ

Tào khê một câu quên”

Do đó, Tụng Kinh hay niệm Phật ta cần phải hiểu ý nghĩa của nó.

III.  Ý nghĩa của tụng kinh – niệm Phật

        1. Nhiếp phục ba nghiệp (Giới)

         Trong tư thế ngồi như hoa sen khi tụng Kinh, Niệm Phật, thân thể chúng ta đang từng bước trở nên thanh tịnh. “Thân” không làm việc ác như: sát sanh, trộm cướp, tà dâm vv… “miệng” không nói lời ác, không nói lời vô nghĩa, không nói lời kém nhã, gây chia rẽ, làm đau khổ cho người. “ý” không nghĩ chuyện ác như tham, sân, si vv… không có dịp bám víu vào các duyên thế sự và các phiền não trần lao. Nhờ đó tránh được tất cả các hành vi xấu ác, là một dịp tốt giúp chúng ta ngăn ngừa các tội lỗi, trau dồi và phát triển ba nghiệp trong sạch.

        Ngay giờ phút tụng Kinh hay Niệm Phật chuyên nhất đó, ta có thể xa lìa  được các gốc rễ của khổ đau như tham lam, sân hận, si mê và các tâm lý tiêu cực, có hại cho tâm tư, tình cảm, nhân cách và đạo đức của bản thân. (giới)

Khi tụng Kinh, Niệm Phật thì miệng  ta xướng lên những lời lẽ đạo đức, trí tuệ, nhờ đó  ta có cơ hội vun trồng các hạt giống thiện.

         Như vậy, trong một hành vi chuyên nhất tụng Kinh - Niệm Phật, tất xa lìa được mười nghiệp ác vốn do thân khẩu ý tạo nên. Nói cách khác, trong khi tụng kinh, niệm Phật chúng ta đã huấn luyện ba nghiệp của mình trở về con đường hiền thiện, đạo đức. Do đó, đã trở thành một sự nhiếp phục về “ thân, khẩu, ý ”. Nên Cổ Đức thường dạy:

“ Ví dầu trăm đắng ngàn cay

Một câu niệm Phật tan ngay tức thì

   Niệm Phật nuôi lớn từ bi

                                           Tăng thêm trí tuệ phát huy đạo mầu”

        2. Đạt được chánh định

 Ngay lúc chúng ta tụng kinh hay niệm Phật không còn phiền não chen tạp,  tâm ta đang hoàn toàn trong sáng nên được vào chánh định.

 Ví như hai bàn tay cầm chắc đồ vật, thì không còn chổ để nắm thêm vật khác. Cũng như thế, tâm trí chúng ta một khi chuyên nhất vào câu Kinh, câu niệm Phật thì không thể nắm thêm các tâm cặn bả như: tham lam, tật đố, sân hận, si mê vv…và chúng sẽ không thể chen vào phá hại ta được. (Định)

 Nhờ chánh định mà phát sanh trí tuệ. Nhờ có trí tuệ nên đi, đứng, nằm, ngồi,  làm bất cứ việc gì, dù là nói năng hay hành động, ta đều được trí tuệ soi sáng, biết được việc nào nên làm và việc nào không nên làm. Bởi lời Phật nói không sai, nhân quả nghiệp báo theo nhau như bóng theo hình.

    Kinh Địa Tạng phẩm “Quán chúng sanh nghiệp duyên” phẩm thứ ba trang 48 Đức Phật dạy: “Không luận là trai hay gái, mường mán, mọi rợ, già trẻ, sang hèn, hoặc là Rồng, là Trời, hoặc là thần, là quỷ, hễ gây tội ác theo đó mà cảm lấy quả báo chịu khổ.”

           Hiểu được như thế  ta không dám gây tạo nghiệp ác, trái lại ta cố gắng gieo tạo công đức lành để giải thoát an vui.

   Vì thế, mục đích của việc tụng kinh - niệm Phật là để ba nghiệp thanh tịnh, không phải tụng cho nhiều, niệm cho nhiều mà sân si, tật đố, ngã mạn, phiền não vv” vẫn còn y nguyên.

    3. Thấy rõ chân lý (Tuệ)

         Khi chúng ta tụng Kinh và quán xét nghĩa lý trong Kinh. Như trong Kinh Như Kinh Pháp Hoa (HT. Thích Trí Tịnh, dịch, kinh “Diệu Pháp Liên Hoa, phẩm Thí Dụ thứ 3”, nxb Tôn giáo, năm 2008, tr 141), đức Phật dạy:

“ Nguyên nhân có các khổ

tham dục là cội gốc

Nếu dứt được tham dục

khổ không chổ nương đổ”. 

          Thật vậy, chúng ta thử nhìn lại các nỗi khổ của con người là do đâu ? Chúng ta không muốn mình già, bệnh, chết, và những cái nghèo khó, ốm đau, tai nạn vv… muốn mà không được nên khổ. Vậy, làm sau để hết khổ ? Chỉ có “tu” hiểu được lời Phật dạy “buông xả” mới hết khổ. Nhưng làm sau để buông xả ?

Kinh  Kim Cang, đức Phật dạy:

Nhất thiết hữu vi pháp

Như  mộng huyễn bào ảnh

Như lộ diệc như điện

Ưng tác như thị quán”

C. KẾT LUẬN

Tóm lại, mục đích Tụng Kinh – Niệm Phật trong đạo Phật không phải để “trả bài” hay “tính công” với Phật, mà là nhằm chuyển hóa thân tâm. Hiểu chính xác lời Phật dạy, để chúng ta ứng dụng vào đời sống.

   Tụng Kinh – Niệm Phật cũng không phải là dịp để cầu mong Phật và Bồ-tát cho mua may bán đắc, hay gia hộ cho mình được đầy đủ phước lộc thọ.

Không phải để cầu nguyện gia hộ cho mình, gia đình và thân quyến mình tai qua nạn khỏi, thăng quan tiến chức, làm ăn thịnh vượng, tuổi thọ tăng trưởng, sở nguyện tùy tâm, kiết tường như ý.

          Vì khi ta dụng công tu tập, tự thân sẽ được tiêu trừ nghiệp chướng, và chiêu cảm các phước báu đến với ta.

           Cũng như ly nước mặn, không thể uống được, nhưng khi ta đổ nước trong vào, nước mặn bị trào ra. Cứ như thế, ta sẽ có ly nước trong và uống ngon lành. 

           “Kinh điển của Phật ví như tấm bản đồ. Niệm Phật ví như kim chỉ nam”  hướng dẫn ta sống đời chân chánh, để gặt hái kết quả hạnh phúc ở đời này và đời sau.

            Đọc tấm bản đồ để ta biết rõ con đường, để đi đúng hướng, đến đúng nơi cần đến. Con đường đó là con đường trung đạo hay còn gọi là con đường thánh gồm tám yếu tố chân chánh: “ Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tin tấn, chánh niệm, chánh định, chánh tuệ ”.

            Đây là con đường mà ba đời chư Phật đã đi qua, diệt trừ tận gốc rễ của khổ đau, đạt được an lạc và giải thoát. Vì thế, Tụng Kinh, Niệm Phật là những phương pháp tu tập thù thắng, giúp cho con người luôn chuyển hóa thân tâm, trở thành người có ích. Ví như nước đục được lóng phèn, nước sẽ trở thành trong, xử dụng được cho cuộc sống.

             Cũng như thế, một khi con người biết tu tập theo lời Phật dạy, ba nghiệp thân, khẩu, ý chúng ta được chuyên nhất vào câu Kinh hay câu niệm Phật thì các tâm cặn bả tham lam, tất đố, sân hận, si mê, phiền não vv… sẽ được lóng thành tâm thanh tịnh, không gây nghiệp xấu ác. Biết thương người, thương đời với tâm từ, bi, hỷ, xã, sống an lạc, chết bình an, và tiến hóa trên con đường tu tập.

   Muốn được như thế chúng ta phải siêng năng tinh tấn Niệm Phật – Tụng Kinh – nghe giảng Kinh, ứng dụng lời Phật dạy vào đời sống. Để được an lạc, lợi ích cho mình và làm lợi ích cho tất cả chúng sanh. Đó mới thật là: Chân công đức, chân tinh tấn, chân pháp cúng dường, chân niệm Phật –tụng kinh”.

 

Chia sẻ
Phật học liên quan