Mười hai nhân duyên

Cập nhật: 15/10/2022

Mười hai nhân duyên hay duyên khởi là một giáo lý rất đặc thù, là điểm xác định sự khác biệt giữa Phật giáo với các tôn giáo khác. Nó là cốt lõi của nhân sinh quan Phật giáo, được đề cập nhất quán trong tất cả các kinh điển.

Mười hai nhân duyên

 

BÀI 1

 

A. DẪN NHẬP

Tất cả những gì chúng ta thấy hiện hữu trước mắt đều do dòng sinh diệt tương tục của Nhân Duyên mà hình thành nên. Không có một vật gì mà tự nó hình thành từ một yếu tố riêng lẻ được. Các pháp hiện hữu trong cuộc sống không có pháp nào tự nó sinh ra và diệt đi, mà khi một sự vật hiện tượng có mặt tức là tiếp nối của những điều kiện và nhân duyên để sinh ra nó. Nhờ vào những năng lực trùng điệp đó đã cấu tạo nên muôn vàn hiện tượng sai biệt, để hình thành nên nhân sinh quan và vũ trụ quan.

Cho nên, trong đêm tư duy thiền định thứ 49, Đức Thế Tôn đã chứng ngộ và thấu rõ thật tướng của vạn vật vốn là duyên sanh vô ngã qua hành trình chứng ngộ Thiên Nhãn Minh của Ngài.

Pháp duyên sanh hay cũng gọi là duyên khởi. Qua giáo lý Duyên Khởi mà Đức Thế Tôn đã giảng dạy đã giúp cho chúng ta thấy rõ bản chất vô ngã của các pháp. Đây là giáo lý nền tảng quan trọng cho các giáo lý Bắc tạng và Nam tạng. Khi chúng ta thấu rõ được pháp duyên khởi tức là ta đã thấu triệt được vạn pháp vốn là vô thường, vô ngã. Và cái gì đã là vô thường, vô ngã thì sẽ đem đến khổ đau. Khi thấu triệt được điều đó thì lòng tham muốn được chấm dứt, trí tuệ bừng sáng, ngay đây hành giả tu tập sẽ đạt được sự an lạc giải thoát.

B. NỘI DUNG

      I. ĐỊNH NGHĨA

             1. Thế nào là nhân duyên?

         Nhân: là nguyên nhân; Duyên: là sự trợ duyên.

Nhân duyên: là các nhân, duyên với nhau, nương tựa vào nhau mà sinh khởi. Nhân duyên còn gọi là Duyên Khởi hay Duyên Sinh, gọi đủ là Thập Nhị Nhân Duyên. Gồm có: Vô minh - Hành - Thức - Danh sắc - Lục nhập - Xúc - Thọ - Ái - Thủ - Hữu - Sinh - Lão tử.

Chữ "Nhân duyên" lại có nghĩa thứ hai: Các vật đều là "nhân", các "nhân" đó "duyên" với nhau mà thành ra các vật khác. Như vôi, gạch, ngói, gỗ v.v...là nhân, các nhân này duyên nhau (nương giúp) mà thành ra cái nhà. Vì các pháp trùng điệp nhiều lớp làm duyên cho nhau, mà thành ra vật thế này hay thế khác, nên trong kinh chép: "Chư pháp trùng trùng duyên khởi".

"Nhân duyên" trong "Mười hai nhân duyên" hàm ý nghĩa "Nhân duyên khởi": sự nương tựa vào nhau mà sinh khởi. Tất cả các pháp từ vô tình đến hữu tình đều vay mượn nhau, hỗ trợ nhau, nương tựa nhau mà sinh khởi và tồn tại.

Ví dụ: cái bàn trước mặt chúng ta đây, không phải nó xuất hiện tự nhiên, mà nó được cấu tạo bởi đinh, gỗ, cây, ý niệm và bàn tay của con người. Nếu không có các yếu tố trên thì không thể thành cái bàn được. Các sự vật hiện hữu đây chẳng qua chỉ là sự tổng hợp của nhiều duyên, chúng giả huyễn, không có thật thể.

           Thập nhị nhân duyên là 12 mối liên kết, hỗ tương nhau thành một chuỗi mắc xích dài phiền não nhiễm ô, chi phối toàn bộ chúng sanh, khiến phải lưu chuyển trong tam giới, lục đạo. Muốn giải thoát khổ đau phải chặt đứt các nhân duyên của sanh tử luân hồi.

Cho nên, sau khi tư duy thiền định dưới cội cây Bồ Đề, với lối suy tư theo nghịch quán  thuận quán, Đức Phật đã thấu triệt: “Do vô minh sanh có hành sanh, do hành sanh có thức sanh, do thức sanh có danh sắc sanh, do danh sắc sanh có lục nhập sanh, do lục nhập sanh có xúc sanh, do xúc sanh có thọ sanh, do thọ sanh có ái sanh, do ái sanh có thủ sanh, do thủ sanh có hữu sanh, do hữu sanh có sanh sanh, do sanh sanh có lão tử, ưu bi khổ não sanh, hay toàn bộ khổ uẩn sanh”. Đây gọi là duyên khởi (KinhTương Ưng bộ II)

Khi 12 nhân duyên này được hình thành thì Năm Uẩn tập khởi, đây là chiều hướng của đau khổ, sanh tử luân hồi. Mà chính đức Phật do quán chiếu và thấu triệt 12 Nhân Duyên nên đã phá tan hết bóng tối của Vô minh che mờ từ vô lượng kiếp và trở thành bậc Đại Giác.

Một nhà hiền triết Tây Phương đã than rằng: “Tôi sinh ra trong mê mờ, sống trong dục vọng và chết trong hoài nghi”. Không chỉ riêng một mình nhà hiền triết ấy, mà tất cả chúng ta, những người đang còn chìm trong bóng tối của vô minh đều sống trong thảm trạng như thế. Cho nên, muốn thoát khỏi sự si mê để quay về với ánh sáng giác ngộ thì hãy tu tập, quán chiếu để thấu triệt lý duyên khởi của vạn pháp.

          2. Tìm hiểu giáo lý duyên khởi qua các kinh

         Trong Kinh Pháp Hoa Phật cũng có nói đến lý duyên khởi như sau: “Vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên lão, tử, ưu bi, khổ não.” (Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Quyển 3, Phẩm Hóa Thành Dụ Thứ 7, tr.240.)

Kinh Tương Ưng Nhân Duyên (Tương Ưng Bộ Kinh II; Tập 12, 16, Đại 2, 85a), Kinh Phật Tự Thuyết (Udàna), (Tiểu Bộ Kinh I, Bản dịch của H.T. Minh Châu 1982), Kinh Đại Bổn (Trường Bộ Kinh III) và Kinh Đại Duyên (Trường Bộ Kinh III) là các kinh bàn rõ về giáo lý duyên khởi.

          Theo Kinh Tương Ưng Nhân Duyên (Tương Ưng Bộ Kinh II), Đức Thế Tôn Tỳ Bà Thi (Vipassi), và sáu Đức Phật tiếp theo Thế Tôn Tỳ Bà Thi trong quá khứ, cho đến Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và cả Chư Phật trong vị lai đều chứng ngộ Vô Thượng Bồ Đề từ giáo lý duyên khởi.

Như vậy, ta thấy tầm quan trọng của giáo lý duyên Khởi đối với nền tảng của Phật giáo như thế nào, nếu không muốn nói là "Pháp nhĩ như thị" (Pháp vốn như vậy) thì câu trả lời giản dị nhất là duyên Khởi nói lên thực tính của các pháp. Thực tính ấy là duyên sinh tính. Đức Phật đã khẳng định rằng: “Ai thấy duyên khởi là thấy pháp. Ai thấy pháp là thấy Phật (Ta) (Trung B Kinh I, s 28; Tương Ưng III, tr.144 và Tiểu B I, tr. 48.).

          Nếu đi vào phân tích giáo lý, thì từ giáo lý duyên khởi ta thấy rõ vô ngã tính của các pháp. Vô ngã là giáo lý độc đáo nhất của Phật giáo, độc đáo nhất của lịch sử Tôn giáo và tư tưởng của nhân loại. Đây cũng là nền tảng chủ yếu cho các giáo lý Phật đà.

II. THÀNH PHẦN CỦA MƯỜI HAI NHÂN DUYÊN

       1. Vô minh
Chỉ cho sự mê mờ, cuồng si của tâm thức; không sáng suốt, không tỏ ngộ chơn tâm, không nhận rõ thật tướng của các pháp, không hiểu rõ về Tứ Đế, từ đó hành động tạo tác sai lầm đưa đến sanh tử luân hồi. Vô minh, lại có khi để chỉ các phiền não như tham, sân, si.

Theo Ðại Thừa giải thích: "Không tỏ ngộ chân tâm gọi là vô minh" (Bất giác đệ nhất nghĩa đế, vị chi vô minh).

Thông cả Ðại Thừa và Tiểu Thừa giải thích: "Hiểu biết các pháp không đúng như thật (hiểu sai lầm) nên gọi là vô minh" (Bất như thật tri chư đế lý, vị chi vô minh), như vô ngã mà chấp thật ngã, vô pháp mà chấp thật pháp v.v...

Vô minh lại phân ra hai loại: căn bản vô minh và chi mạt vô minh. Như trong mười hai nhân duyên, chi phần "vô minh" đầu là căn bản, vì nó là gốc sanh ra các vô minh sau, còn "ái, thủ, hữu" là chi mạt vô minh.

Nói chung, tất cả phiền não, hoặc thô hoặc tế của Ðại Thừa hay Tiểu Thừa, có tánh cách làm cho chân tâm bị ẩn khuất, gương trí tuệ lu mờ thì gọi là vô minh.

         2. Hành 
Động lực, ý chí, hành động tạo tác của thân, miệng và ý. Như vậy, tất cả những tư tưởng, lời nói và việc làm, thiện, bất thiện và vô ký, tức chỉ cho những phiền não như buồn vui, mừng giận, thương ghét đều được bao gồm trong Hành. Những hành động tốt hay xấu đều trực tiếp phát sanh từ Vô Minh hay bị Vô Minh gián tiếp làm động cơ thúc đẩy, từ đó tạo nghiệp rồi chịu trầm luân trong sanh tử luân hồi.

Ngược lại, những hành động từ thân, khẩu hay ý mà hoàn toàn trong sạch, tuyệt đối không xuất phát từ tham, sân, si, thì nhất định đem đến kết quả an vui giải thoát. Những hành động của chư Phật và các vị A La Hán không thể gọi là Hành, vì các Ngài đã hoàn toàn tận diệt Vô Minh.

         3. Thức
Sự phân biệt, nhận biết sự vật. Tuy nhiên, do vô minh, hành nên sự phân biệt cũng trở nên sai lầm về ngã và pháp. Thức có 6 là nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý thức. Ngoài ra, Thức cũng có nghĩa là thần thức, chỉ cho phần tinh thần. Do thân, khẩu, ý, ba nghiệp tạo tác những nghiệp lành hay dữ nên khi chết rồi, các nghiệp dẫn dắt thần thức đi lãnh thọ quả báo (thân) khổ hay vui ở đời sau.

         4. Danh sắc
Sắc là phần vật lý và sinh lý, danh là phần tâm lý, hay nói cách khác, Danh tức tinh thần; sắc tức hình thể. Với con người, sắc là cơ thể vật chất, các giác quan và chức năng của chúng; danh là các tâm phụ thuộc (tâm sở), như xúc, tác ý, thọ, tưởng và tư. Hoặc có thể nói, thân thể của con người được cấu tạo do ngũ uẩn hợp thành, trong đó sắc uẩn thuộc về sắc pháp, còn thọ, tưởng, hành, thức thuộc về danh pháp. Danh là phần vô hình, và Sắc là phần hữu hình của một chúng sanh mà chúng ta có thể nhìn thấy và sờ mó được.

          5. Lục nhập
Có nơi gọi là sáu xứ, là sự tương tác giữa sáu căn và đối tượng của chúng là sáu trần, tức chỉ cho sự nạp thọ giữa 6 căn tiếp xúc với 6 trần là gồm sáu nội xứ (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý căn) và sáu ngoại xứ (sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp tiếp xúc với nhau.

Khi chúng ta đã ra đời, sáu căn tiếp xúc với sáu trần phát sinh sáu thức. Các căn càng trưởng thành thì càng dính mắc với trần cảnh, tác động qua lại tạo nên Xúc.

          6. Xúc
Sự gặp gỡ, tiếp xúc, giao thoa giữa các căn (chủ thể) và trần (đối tượng). Nói rõ hơn, xúc chính là sự tiếp xúc giữa con người và thế giới thông qua 6 cơ quan tri giác. Khi có thức phát sinh do mắt tiếp xúc với hình thể (sắc trần), tai tiếp xúc với tiếng, mũi tiếp xúc với mùi, lưỡi tiếp xúc với vị, thân tiếp xúc với ấm lạnh, trơn nhám, ý tiếp xúc với pháp trần rồi các cảm thọ phát sanh. Vậy, xúc là sự gặp gỡ, giao thoa giữa căn, trần và thức. Khi căn tiếp xúc với trần cảnh thì thức liền phát sanh. Muốn có xúc phát sanh phải hội đủ ba yếu tố là: đối tượng, giác quan và thức.

          7. Thọ
Sự cảm thọ. Sau khi tiếp xúc thì thọ phát sanh. Thọ là cảm giác do xúc mà có, gồm có khổ thọ tức các cảm giác khó chịu, đau đớn, buồn giận; lạc thọ tức cảm giác hạnh phúc, vui thích, phấn khởi, và xả thọ là các cảm giác không vui cũng không khổ. Đây là chất liệu mà con người thường lấy để xây dựng những giá trị gọi tên là hạnh phúc và khổ đau, bất hạnh.v.v... Thực ra, chúng là do duyên sinh, luôn thay đổi, không hề có một tự tính cố định. Vậy mà đối với con người, khi lạc thọ khởi lên chúng ta lại sanh tâm đắm mến, níu giữ, và khi khổ thọ khởi lên chúng ta lại tránh né, xua đuổi chúng.

         8. Ái
Sự ưa muốn, ham thích, níu giữGọi đủ là ái dục hay khát ái: sự vướng mắc, yêu thích, tham luyến; gồm có dục ái, sắc ái và vô sắc ái. Tùy thuộc nơi Thọ, mà Ái phát sanh.

Khi lãnh thọ cảnh vui thì sinh lòng tham, muốn làm sao cho được, khi gặp cảnh khổ thì sanh tâm sân hận, buồn rầu, muốn xa lìa, gặp cảnh bình thường thời si mê. Ðây là cái động cơ thúc đẩy thân, khẩu, ý, tạo tác các nghiệp. Có ba loại ái dục là:

- Ái Dục duyên theo nhục dục ngũ trần.

- Ái Dục duyên theo những khoái lạc vật chất có liên quan đến chủ trương thường kiến. Trong lúc thọ hưởng, nghĩ rằng vạn vật là trường tồn vĩnh cửu, và những khoái lạc nầy sẽ mãi mãi tồn tại.

- Ái Dục duyên theo những khoái lạc vật chất có liên quan đến chủ trương đoạn kiến. Trong lúc thọ hưởng, nghĩ rằng tất cả đều tiêu diệt sau khi chết. Chết là hết.

Đối với người thường trong thế gian, loại ái dục đeo níu theo nhục dục ngũ trần phát triển một cách rất là tự nhiên. Chế ngự sự khao khát của lục căn thật khó khăn vô cùng. Hai yếu tố quan trọng và hùng mạnh nhất trong Thập Nhị Nhân Duyên là Vô Minh và Ái Dục, hai nguyên nhân chính làm chuyển động bánh xe luân hồi. Vô Minh là nguyên nhân trong quá khứ, tạo điều kiện cho hiện tại. Ái Dục là nguyên nhân trong hiện tại, tạo điều kiện cho tương lai.

           9. Thủ
Sự chấp thủ là nắm chặt, giữ lấy, bám víu, đeo chặt của tâm thức vào một đối tượng. Tùy thuộc nơi Ái phát sanh ra Thủ, cố bám lấy vật mình ham muốn. Do Thủ mà phát sanh ý thức sai lầm "Tôi" và "Của tôi" và chính do Thủ mà con người cam tâm làm nô lệ cho dục vọng, bằng mọi cách để giữ niềm khát ái, tham dục của mình.

          10. Hữu
Sự hiện hữu, hậu quả của sự vận hành của 9 chi phần trên tạo ra nghiệp nhân và nghiệp quả. Là tiến trình tạo tác của nghiệp thiện và bất thiện do mình tạo ra ở hiện tại thì đời sau quyết định phải "có" quả khổ hay vui mà mình phải thọ nhận. Gồm dục hữu, sắc hữu và vô sắc hữu.

Có sự khác biệt tế nhị giữa Hành và Hữu. Hành là hành động trong quá khứ. Hữu là hành động trong hiện tại. Cả hai đều là hành động tạo nghiệp. Hữu tạo điều kiện cho sự tái sanh sắp đến.

          11. Sinh
Sự ra đời, tạo nên, xuất hiện, là sự hình thành nên thân thể ngũ uẩn của một con người hay một loài hữu tình.  

          12. Lão-tử
Sự suy nhược, tàn lụi, tuổi thọ lớn, tan rã, tiêu mất, tử vong. Với sinh mạng con người, lão tử được biểu hiện dưới các hiện tượng như: răng long, tóc bạc, da nhăn, các cơ quan tri giác suy yếu và chết.

     III. NHÂN QUẢ TRONG MƯỜI HAI NHÂN DUYÊN

Mười hai nhân duyên truyền nối nhau liên tục, giống như một dây mắc xích không rời đầu mối. Trong 12 chi phần đó nó làm nhân duyên cho nhau để sinh khởi và hình thành rồi tiêu diệt. Trong nhân có quả, trong quả lại sinh ra nhân, chúng cứ tiếp nối nhau mãi không ngừng. Mười hai chi phần nhân duyên này được chia thành nhiều tầng lớp nhân quả như sau:

Thứ nhất, 12 chi phần này chia thành ba thời quá khứ, hiện tại và vị lai. Nghĩa là hai yếu tố đầu tiên của mười hai nhân duyên (vô minh, hành) thuộc về quá khứ. Tám yếu tố từ thức cho đến hữu thuộc về hiện tại. Và hai yếu tố cuối cùng thuộc về vị lai.

Thứ hai thì chia thành hai lớp nhân quả như sau:

  • Nhân quá khứ: Vô minh và hành
  • Quả hiện tại: Thức, danh sắc, lục nhập, xúc và thọ
  • Nhân hiện tại: Ái, thủ và hữu
  • Quả tương lai: Sanh, lão và tử

Thứ ba thì chia mười hai nhân duyên thành nhân và quả như sau:

  • Nhân gồm có năm chi phần: Vô minh, hành, ái, thủ và hữu. Trong đó được chia thành hai loại khát vọng và hành động. Loại khát vọng thì có vô minh, ái và thủ. Hành động thuộc hai chi thuộc về hành và hữu
  • Quả thì gồm bảy chi phần còn lại là: Thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, Sanh, lão và tử.

Như vậy, Vô minh, Hành, Ái, Thủ và Hữu là năm nguyên nhân trong quá khứ tạo duyên (điều kiện) cho năm quả trong hiện tại là Thức, Danh-Sắc, Lục nhập, Xúc và Thọ phát sanh. Cùng thế ấy ái, thủ, hữu, vô minh và hành trong hiện tại tạo duyên cho năm quả kế trên phát sanh trong tương lai.

Thực ra, trong hiện tại (và ngay trong mỗi chi phần) đã có mặt vô minh. Khi một chi phần hiện hữu thì lập tức có sự hiện hữu của 11 chi phần còn lại. Nếu một chi phần bất kỳ vắng mặt thì mối liên kết 12 chi phần nhân duyên tự sụp đổ.

Mười hai chi phần này được chia thành ba thành phần là Hoặc, Nghiệp và Khổ. Được phân chia qua bài kệ như sau:

Vô minh ái thủ tam phiền não,

Hành hữu nhị chi thuộc nghiệp đạo.

Tùng thức chí thọ sinh lão tử,

Thất chi đồng danh nhất khổ đạo.

Như vậy có nghĩa là vô Minh, ái và thủ được gọi là “Hoặc” tức là phiền não. Còn hành (thiện và bất thiện), và hữu, đều được xem là nghiệp. Thức, danh-sắc, lục nhập, xúc, thọ, sanh, lão, tử đều là quả (khổ).

Chính vô minh dẫn dắt ta đi vòng quanh ảm đạm, rầy đây mai đó của chuỗi dài sanh-tử, tử-sanh vô cùng tận. Chính vì vô minh nên có hành, thức… Mỗi một chi phần vừa là quả vừa là nhân cho các chi phần khác, chúng nuôi dưỡng lẫn nhau. Chúng làm nhân duyên cho nhau để sanh khởi, tồn tại và hoại diệt.

Như trong Kinh A Hàm cũng như kinh Trung Bộ, đức Phật dạy: 

“Thử hữu tắc bỉ hữu

Thử vô tắc bỉ vô

Thử sanh tắc bỉ sanh

Thử diệt tắc bỉ diệt”

         Dịch nghĩa:

“Do cái này có mặt, nên cái kia có mặt

Do cái này không có mặt, nên cái kia không có mặt

Do cái này sinh, nên cái kia sinh

Do cái này diệt, nên cái kia diệt”.

Như vậy, lý duyên khởi là một sự thật, nó không thuộc một tôn giáo hay học phái nào cả, cho dù mọi người có chấp nhận hay không thì nó vẫn là nó, nó luôn hiện hữu và chi phối tất cả thế gian này. Nhưng không ai nhìn thấy chúng, chỉ có Đức Thế Tôn với trí huệ siêu việt đã thấy được chân lý này, và chính chân lý này đã làm cho Phật giáo có giá trị hơn hẳn các tôn giáo khác lúc đương thời cũng như mãi cho đến về sau.

 Tất cả các pháp hữu vi đều do duyên sinh. Sự có mặt của một pháp thực ra chỉ là sự có mặt của nhơn duyên sinh ra nó; sự hoại diệt của một pháp cũng chỉ là sự hoại diệt nhơn duyên sinh ra nó. Các pháp không có thật sinh hay thật diệt. Tất cả các duyên, không dừng lại một nơi nào cả, ta sẽ thấy không có một bóng hình hữu ngã nào xuất hiện trong pháp giới duyên khởi này cả. Nói một cách ngắn ngọn, tất cả do duyên sinh nên vô ngã.

Đứng trên phương diện một loài hữu tình hoặc con người để nhận định, chúng ta thấy một trong 3 yếu tố quyết định để hình thành một thai nhi là có sự hiện hữu nghiệp thức đi đầu thai. Nghiệp thức này là kết quả của Vô minh và Hành trong quá khứ. Giai đoạn tượng thai chính là thời điểm danh sắc có mặt. Lục nhập là giai đoạn lúc thai nhi được sinh ra, lớn lên, có ý thức khi các căn tiếp xúc với trần cảnh. Rồi từ đó thọ phát sanh, sinh ra ái, rồi đến chấp thủ các cảnh vật, có sự hiện hữu tạo nghiệp để đi đến tái sanh trở lại, rồi già và chết. Cứ xoai vần mãi như thế không dứt. Chỉ khi nào chúng ta giác ngộ được sự duyên sanh của vạn pháp, trí tuệ bừng sáng, nhìn nhận đúng về bản chất của các pháp, lúc đó chúng ta sẽ có sự an lạc giải thoát.

Như vậy, mười hai nhân duyên đã giải thích tường tận guồng máy sinh diệt của loài hữu tình. Duyên hợp lại thì sinh, duyên tan là diệt. Do vô minh mà tạo nghiệp, do tạo nghiệp mà chịu khổ, do chịu khổ lại mê hoặc tạo nghiệp…luân lưu như thế từ nhân đến quả, quả lại sanh nhân, nối tiếp trong ba đời.

Mười hai nhân duyên không những xuất hiện trong ba đời, mà ngay trong một niệm hiện tiền, nếu chúng ta quán sát tư duy thì đã có hiện hữu 12 nhân duyên trong ấy.

Quán sát nhân duyên trong một sát na, hay còn gọi trong một niệm. Khi chúng ta nhìn một người mà không thấy sự biến diệt trong người ấy là Vô minh, rồi khởi các vọng niệm phân biệt đẹp, xấu, cao thấp đó là hành, thức, danh sắc, khi mắt tiếp xúc vật gì thấy ưa mắt thì thích yêu tức là ái, muốn chiếm đoạt gọi là thủ, từ đó bất chấp lời ngăn cấm, làm theo ý mình, thì tạo nghiệp gọi là hữu, rồi theo nghiệp thọ báo là sanh và lão tử.

      IV. SỰ VẬN HÀNH CỦA MƯỜI HAI NHÂN DUYÊN

Thông qua ý nghĩa của các chi phần mười hai nhân duyên, đặc biệt là chi phần Lục nhập, tức đang nói về con người, bởi vì chỉ ở con người mới có đầy đủ 6 cơ quan tri giác. Do vậy, khi nói về sự vận hành của mười hai nhân duyên cũng chính là nói về sự vận hành của con người.

Vì không nhận biết hiện hữu của con người và thế giới là do nhân duyên hòa hợp mà sinh khởi, luôn biến dịch và không có một tự thể thường hằng, nên con người ảo tưởng về một tự ngã: đây là “tôi” và đây là “cái của tôi” (Vô minh). Chính ảo tưởng và sự bất giác này khuấy động tâm thức, làm sinh khởi lòng tham ái, chấp thủ... Và đó là động cơ cho các hành động của thân, miệng và ý (hành). Mỗi khi ý niệm về một tự ngã sinh khởi thì thức có mặt. Sự hiện hữu của thức tất yếu đòi hỏi sự có mặt của chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức (danh sắc, lục nhập). Khi căn, trần và thức gặp gỡ nhau (Lục nhập), thì xúc sinh khởi. Cảm thọ (thọ) có mặt ngay khi căn, trần và thức giao thoa nhau; cảm thọ sẽ tuôn chảy như một dòng thác mà không một năng lượng nào có thể ngăn cản được, vì bản chất của cảm thọ là thế. Thọ bao gồm những phản ứng tâm lý trước đối tượng như là buồn, vui, yêu, ghét, trung tính... Cảm thọ dễ chịu sẽ làm phát sinh luyến ái (ái). Trong ái đã bao hàm chấp thủ và nó được biểu hiện dưới nhiều hình thức tương ứng với các cảnh giới của tâm thức (hữu). Hữu tạo ra Sinh, và mỗi khi đã có Sinh, thì tiến trình suy yếu, tan rã, mất đi sẽ vận hành như một hệ quả đương nhiên: nghĩa là lão-tử, sầu, bi, khổ, ưu, não; hay khổ đau có mặt. Đó là sự vận hành của mười hai nhân duyên theo chiều sinh khởi (lưu chuyển) - chiều vận hành này có động lực là vô minh, tham ái và chấp thủ. Nói khác đi, đây là con đường của khổ đau, luân hồi được dẫn dắt và chi phối bởi vô minh.

Trong phần thuyết minh về mười hai nhân duyên, đức Phật không chỉ nêu lên con đường tập khởi, như đã phân tích ở trên, mà Ngài đã chỉ ra nguyên nhân tập khởi và con đường đoạn tận. Mỗi khi đoạn diệt bất kỳ một chi phần nào trong chuỗi 12 mắc xích (nhân duyên), thì lập tức nó tự tan rã. Tuy nhiên, với con người, tham ái và chấp thủ là nặng nề nhất; nên đoạn tận tham ái hoặc chấp thủ thì vòng xích mười hai nhân duyên không còn lý do để hiện hữu. Đó là ý nghĩa của lời Phật dạy: "Ái diệt tức Niết bàn".

     V. TU TẬP VÀ QUÁN CHIẾU VỀ MƯỜI HAI NHÂN DUYÊN

Khi quán chiếu về 12 nhân duyên, chúng ta cần nhận định rõ những vấn đề sau:

- Con người là hiện hữu của cấu trúc mười hai nhân duyên, nên không hề có một tự ngã độc lập và thường hằng.

- Khi một chi phần trong mười hai nhân duyên vận hành, nghĩa là 11 chi phần còn lại cũng vận hành. Điều này nói lên sự dung thông giữa cái "một" và cái "tất cả".

       Phương pháp quán

Phương pháp quán mười hai nhân duyên có thể chia làm hai phần là: quán Lưu chuyển và quán Hoàn diệt.

            1. Quán lưu chuyển

Là quán sát trạng thái sanh khởi và luân lưu của mười hai nhân duyên. Sự quán sát này có hai loại:

                  a. Quán sát trạng thái sanh khởi của 12 nhân duyên trong quá khứ.

Từ vô thỉ, vì vô minh vọng động, làm cho bản tâm thanh tịnh phải bị ẩn khuất, như mây áng nên trăng mờ (vô minh), do đó, các vọng động từ từ sanh khởi (hành), thành ra có tâm (thức) và cảnh, đủ cả thế giới và chúng sinh (danh sắc); trong thân chúng sinh có sáu căn là chỗ của sáu trần thường phản ảnh vào (lục nhập), rồi căn, trần thường tiếp xúc (xúc) nhau sanh ra cảm thọ (thọ), nhân thọ sanh ra ưa (ái), vì ưa mới giữ (thủ); do đó mà có (hữu) sanh (sanh) và già, chết (lão, tử).

Ðây là nói về trạng thái của mười hai nhân duyên từ vô thỉ, do vô minh vọng động, tạo tác mà có thế giới và chúng sinh, rồi cứ như thế, tiếp tục sanh khởi cho đến ngày nay, và mãi mãi về sau v.v...

        b. Quán sát trạng thái lưu chuyển của 12 nhân duyên trong ba đời: quá khứ, hiện tại, vị lai:

Ðây là quán sát sự xoay vần của mười hai nhân duyên trong thời gian từ quá khứ đến hiện tại, từ hiện tại đến vị lai. Mười hai nhân duyên cũng như sợi dây chuyền có mười hai vòng, vòng này móc vào vòng kia, vòng kia móc vào vòng nọ, nối tiếp nhau không có mối manh, và liên quan cả ba đời: quá khứ, hiện tại, vị lai.

             2. Quán hoàn diệt

Phương pháp này có hai cách quán như sau:

                   a. Diệt căn bản vô minh

Do vô minh mà có hành, do hành mà có thức v.v... Vậy thì bây giờ, nếu ta diệt vô minh, thì hành sẽ bị diệt, hành bị diệt thì thức cũng không có v.v...Hay nói một cách khác: do "mê hoặc" nên tạo "nghiệp", do tạo nghiệp nên mới chịu quả "khổ". Vậy muốn hết khổ, lẽ tất nhiên là phải diệt nghiệp, muốn dứt nghiệp trước phải trừ vô minh.

                  b. Diệt chi mạt vô minh

Nghĩa là đối với căn cơ thấp kém không thể phá trừ vô minh gốc rễ liền được thì chúng ta sẽ giải trừ ngành ngọn của vô minh ấy chính là “ái, thủ và hữu”. Để đoạn trừ được nó chúng ta phải dùng trí huệ thấy được các pháp là do duyên hòa hợp mà sanh ra nên không thật có, vì không thật có nên chúng ta không chấp ngã. Đã không có ngã thì tham ái không do dâu mà phát sanh. Cho nên, ba nhân ái, thủ và hữu không có thì quả sanh, lão, tử cũng không.

  • Diệt trừ vô minh ngành ngọn cũng gồm hai phương diện.

- Quán lý: Là dùng lý lẽ để nhận thấy rằng các pháp chỉ do nhân duyên hòa hợp mà sanh ra, chứ không có thật (không hữu), bởi không có thật, nên không tìm cầu chấp thủ (không thủ). Ðã không chấp thủ, thì cũng không tham muốn (không ái). Nghĩa là bắt đầu quán "hữu", rồi đến "thủ", rồi cuối cùng là "ái". Nếu ba cái nhân này không có, thì cái quả "sanh, lão, tử" cũng chẳng có.

Quán sự: Là y theo sự tướng mà quán sát rồi thực hành. Hành giả bắt đầu quán "ái" trước, rồi đến "thủ" và "hữu". Kinh chép: "Hữu ái sinh ưu, hữu ái sinh úy, vô sở ái nhạo hà ưu hà úy?". Nghĩa là: Bởi vì có tham muốn nên có lo sợ, nếu không tham muốn thì lo sợ gì? Vì khi đối cảnh, sanh tâm tham muốn (ái), nên mới tạo tác ra các nghiệp (thủ), do đó phải chịu sanh tử luân hồi (hữu). Bấy giờ, nếu đối cảnh không tham ưa (không ái), thì chẳng tìm cầu chấp thủ ( không thủ), vì không chấp thủ nên chẳng có sanh tử luân hồi (không hữu). Cũng như trong kinh Lăng Nghiêm Phật dạy: "..Chỉ khi các ông đối cảnh, không khởi vọng niệm phân biệt, thì tham, sân, si chẳng khởi, tham sân si không khởi thì sát, đạo, dâm, vọng không sanh...".

Hành giả sau khi thành tựu pháp quán Mười Hai Nhân Duyên này, thì sẽ trừ được tâm si mê và làm cho trí huệ được phát chiếu. Đây là điều quan trọng bậc nhất của người tu hành. Khi thành tựu được pháp quán này thì sẽ dứt trừ được vô minh, thoát khỏi sanh tử và chứng được quả vị Duyên Giác.

Đi sâu hơn, ta dùng trí tuệ quán sát các pháp do đối đãi mà sanh ra, kỳ thật chẳng có pháp nào sanh cả. Thấy rõ cái huyễn sanh, huyễn diệt của các pháp thì lìa được tham ái. Do ái diệt mà có giải thoát, có Niết Bàn, cắt đứt vòng luân hồi của mười hai nhân duyên. Bao giờ vô minh tham ái, chấp thủ chưa đoạn tận thì con người vẫn bị chi phối bởi sự vận hành của mười hai nhân duyên tức là mãi lẫn quẩn trong luân hồi khổ đau bất tận. Khi mười hai nhân duyên diệt, thì toàn bộ khổ uẩn đoạn diệt, ta sẽ có một đời sống an lạc trong hiện tại. Như Kinh Trung bộ I, Đức Phật đã dạy: “ Ai thấy duyên khởi là thấy pháp. Ai thấy pháp là thấy Như Lai.”.

Hay nói cách khác, hành giả muốn thoát khỏi sự xiềng xích trói buộc của mười hai nhân duyên thì phải nỗ lực tu tập thiền định, hay nói đủ hơn là Tam Vô Lậu Học. Sau khi dùng Giới buộc thân, dùng Định để cột tâm, đình chỉ mọi tư duy hành động do ái dục chi phối, dùng gươm trí tuệ để chặt đứt vòng xích của mười hai nhân duyên, tức là thoát khỏi được ngục tù của luân hồi sanh tử. Cho nên, sau khi thành đạo, Đức Thế Tôn đã nói rằng: “Xuyên qua nhiều kiếp, Như Lai lang thang trong vòng luân hồi, tìm mãi mà không gặp người thợ xây nhà. Này hỡi người thợ làm nhà kia! Nay ta đã thấy ngươi, ngươi không còn làm nhà cho ta được nữa. Kèo, đòn tay của ngươi đã bị phá nát. Tâm của Như Lai đã an trú vào Vô dư Niết Bàn.”

C. KẾT LUẬN

Mười Hai Nhân Duyên, hay Duyên Khởi là giáo lý nền tảng, căn bản của Phật giáo nói rõ về chánh kiến. Hay nói khác đi, chánh kiến là cái nhìn toàn diện, như thật về các pháp là do duyên sinh. Dù cho Duyên khởi được nhìn dưới quan điểm của bộ phái nào thì nó vẫn chuyên chở đầy đủ ý nghĩa thậm thâm nhất.

Giáo lý Thập Nhị Nhân Duyên đã cho ta thấy rõ về đời sống của vạn loại hữu tình chỉ là những mối tương quan giữa các nhân duyên sanh diệt mà có. Tất cả là một móc xích, tác động lẫn nhau bằng nhiều chiều hướng khác nhau. Chính điều đó đã làm cho cuộc sống vô vàn sai biệt. Duyên khởi, trong thực tại là một hiện tượng sinh diệt trùng trùng. Một sự vật có mặt, có nghĩa là tất cả nhơn duyên trùng trùng ấy có mặt, tất cả pháp giới có mặt. Nói khác đi, không thể có một ngã tướng nào có mặt ngoại trừ pháp giới Duyên khởi. Đối với con người, do mười hai nhân duyên nương nhau mà thành một chuỗi sanh tử dài vô hạn, nối tiếp từ quá khứ đến hiện tại và qua vị lai.

Và cũng chính sự biến chuyển của nhân duyên mà ta có thể định hướng cho cuộc đời của mình. Hạnh phúc hay khổ đau đều do chính mình tự tạo ra. Là người con Phật phải nhận thức được tính cách hư huyễn của cuộc sống, phải hiểu rõ sự biến chuyển của Nhân Duyên, và đi vào cuộc đời với tinh thần vô ngã vị tha. Phải tích cực chuyển đổi vận mênh, phải tạo cho mình những nhân duyên mới tốt lành hơn để có cuộc sống an vui trên tiến trình hoàn thiện nhân cách của mỗi người.

Tất cả mọi hành giả tu học nếu hiểu và tỏ ngộ chân lý mười hai nhân duyên sẽ không bị vướng mắc chấp thủ. Người tu học theo giáo lý mười hai nhân duyên sẽ trừ được cội gốc của sanh tử luân hồi và được giác ngộ giải thoát an lạc.

 

 

                                                                                  BÀI 2

A. DẪN NHẬP

Thập nhị nhân duyên là cách trình bày đặc biệt của giáo lý Duyên khởi. Giáo lý này do chính Bồ tát Tất Đạt Đa thể chứng dưới cội Bồ Đề sau 49 ngày tư duy thiền định, từ đó Ngài trở thành một bậc giác ngộ hoàn toàn.

Thập nhị nhân duyên, hay duyên khởi là một giáo lý rất đặc thù, là điểm xác định sự khác biệt giữa Phật giáo với các tôn giáo khác. Nó là cốt lõi của nhân sinh quan Phật giáo, được đề cập nhất quán trong tất cả các kinh điển. Nhận thức rõ về giáo lý Thập Nhị Nhân Duyên sẽ giúp người học Phật hiểu cặn kẽ hơn về các vấn đề khác như nghiệp, luân hồi, tái sinh, nhân quả... đồng thời gợi mở một hướng sống tích cực cho mỗi cá nhân trong hiện tại.

Thập nhị nhân duyên là pháp tu hành của Duyên giác thừa, pháp này chủ yếu quán sát tất cả các sự vật, cho đến luân hồi, đều do nhân duyên mà phát khởi, nhân duyên hội họp thì gọi là sanh, nhân duyên tan rã thì gọi là diệt, sự thật vốn không có cái gì sanh, cái gì diệt. Quán sát như thế, thì nhận rõ được các tướng của sự vật đều giả dối, không thật, theo duyên mà phát hiện, theo duyên mà thay đổi, không có gì là chắc thật cả.

Đối với những người đệ tử Phật, có căn cơ quán sát nhân duyên, thì Phật dạy 12 nhân duyên phát khởi ra luân hồi, để các đệ tử ấy tu tập theo và chứng quả Duyên Giác.

Mười hai nhân duyên của luân hồi là một dây chuyền liên tục, chuyền từ khâu này đến khâu khác, trong một đời cũng như trong nhiều đời. Mười hai nhân duyên ấy là vô minh duyên ra hành, hành duyên ra thứcthức duyên ra danh sắcdanh sắc duyên ra lục nhậplục nhập duyên ra xúc, xúc duyên ra thọ, thọ duyên ra ái, ái duyên ra thủ, thủ duyên ra hữu, hữu duyên ra sinh, sinh duyên ra lão tử.

Cần nhận rõ hành tướng của các nhân duyên, hiểu rõ sự tác động của nhân duyên này đối với sự phát sinh của nhân duyên khác, dùng phép quán duyên khởi, diệt trừ những khâu chính trong dây chuyền 12 nhân duyên, để đi đến chứng được đạo quả của duyên giác thừa.

B. NỘI DUNG

         I. ĐỊNH NGHĨA

              1. Thế nào là nhân duyên?

         Nhân là yếu tố quyết định, điều kiện chính làm sinh khởi, có mặt của một hiện hữu. Duyên là điều kiện hỗ trợ, tác động làm cho nhân sinh khởi. Ví dụ: Hạt lúa là hiện thân của cây lúa, qua tiến trình sinh trưởng của hạt lúa, từ lúc gieo trồng cho đến khi gặt hái, như vậy hạt lúa là nhân, gieo trồng là duyên. Vậy nhân duyên là chỉ cho các vật làm nhân cho nó mà cũng vừa là trợ duyên cho tất cả vật chung quanh nó.

Chữ "Nhân duyên" lại có nghĩa thứ hai: Các vật đều là "nhân", các "nhân" đó "duyên" với nhau mà thành ra các vật khác. Như vôi, gạch, ngói, gỗ v.v...là nhân, các nhân này duyên nhau (nương giúp) mà thành ra cái nhà. Vì các pháp trùng điệp nhiều lớp làm duyên cho nhau, mà thành ra vật thế này hay thế khác, nên trong kinh chép: "Chư pháp trùng trùng duyên khởi".

"Nhân duyên" trong "Mười hai nhân duyên" hàm ý nghĩa "nhân duyên khởi": sự nương tựa vào nhau mà sinh khởi, sự tùy thuộc phát sinh, nói chính xác là như trong Kinh A Hàm, Phật nói: “Cái này có nên cái kia có, cái này không có, nên cái kia không có, cái này sinh nên cái kia sinh, cái này diệt nên cái kia diệt.” Đây là một định lý về duyên sinh duyên khởi. Qua hình ảnh hạt lúa và cây lúa, thì tất cả các pháp từ vô tình đến hữu tình đều vay mượn nhau, hỗ trợ nhau, nương tựa nhau mà sinh khởi và tồn tại.

           2. Mười hai nhân duyên là gì?

Trong kinh Tương Ưng Bộ II, Đức Phật đã thuyết minh về Mười Hai Nhân Duyên (Duyên khởi) như sau: "Do vô minh, có hành sinh; do hành, có thức sinh; do thức, có danh sắc sinh; do danh sắc, có lục nhập sinh; do lục nhập, có xúc sinh; do xúc, có ái sinh; do ái, có thủ sinh; do thủ, có hữu sinh; do hữu, có sinh sinh; do sinh sinh, có lão tử, sầu, bi, khổ, ưu, não sinh, hay toàn bộ khổ uẩn sinh. Đây gọi là Duyên khởi".

"Do đoạn diệt tham ái, vô minh một cách hoàn toàn thì hành diệt; do hành diệt nên thức diệt; do thức diệt nên danh sắc diệt; ...; do sinh diệt nên lão tử, sầu, bi, khổ, ưu, não diệt. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn đoạn diệt. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là đoạn diệt".

Mười Hai Nhân Duyên được Đức Phật định nghĩa gồm hai chiều hướng: chiều hướng sinh khởi (còn gọi là lưu chuyển: do vô minh, hành sinh...) và chiều hướng đoạn diệt (còn gọi là hoàn diệt: do đoạn diệt tham ái, vô minh một cách hoàn toàn nên hành diệt...). Khi Mười hai nhân duyên được thành lập (tập khởi), nghĩa là năm uẩn tập khởi, và đây là chiều hướng của khổ đau, luân hồi. Khi mười hai mắc xích này bị phá vỡ (đoạn diệt) thì cấu trúc năm uẩn cũng tan rã, và đây là con đường của an lạc, giải thoát. Năm uẩn chính là cấu trúc của con người và cuộc đời. Sự hiện hữu của con người tự nó nói lên mười hai nhân duyên đang vận hành theo chiều tập khởi.

Theo cách trình bày trên, vô minh được xem như là căn nguyên, nguồn cội, cốt lõi của mười hai nhân duyên. Tuy nhiên, không nên hiểu nhầm vô minh là nguyên nhân đầu tiên của chuỗi liên kết đó. Bởi Đức Phật dạy, vô minh cũng do nhân duyên sinh, là duyên khởi. Khi có nhân duyên (tích cực) thì vô minh cũng sẽ chuyển hóa thành trí tuệ; đây là ý nghĩa "vô minh diệt, minh sinh".

Cũng cần lưu ý về số mục (12 chi phần) của dạng thức duyên khởi này. Định nghĩa được nêu trên, trích từ kinh Trung Bộ II, là một cách trình bày tiêu biểu nhất, gồm đầy đủ cả 12 chi phần. Trong một số bản kinh khác, như kinh Đại Duyên (Trường Bộ kinh III), kinh Đại Bổn Duyên (Trường A Hàm I)..., Đức Phật trình bày chỉ gồm 5, 8, 10, 11 và đầy đủ nhất là 12 chi phần. Vấn đề này được các nhà nghiên cứu Phật học có thẩm quyền phân tích rất tỉ mỉ, và tất cả đều thống nhất số mục 12 chi phần được xác định qua nội dung thiền quán của Đức Phật dưới cội Bồ Đề. Đây là dạng thức chính xác, đầy đủ và phù hợp nhất với tư duy của con người. Sự sai khác về số mục các chi phần chỉ là thể hiện phương pháp giáo hóa linh động của Đức Phật. Ngài tùy thuộc vào trình độ của người nghe mà nói vắn tắt hoặc đầy đủ. Điều này sẽ được làm sáng tỏ ở phần nói về sự vận hành của mười hai nhân duyên.

Đối tượng nghe giáo lý Mười Hai Nhân Duyên là con người, vì nặng về tâm luyến ái và chấp thủ, nên Đức Phật luôn nhấn mạnh đến các chi phần này, đặc biệt là trong chiều hướng con đường đoạn diệt và đạt giải thoát. Khi ái (hay bất luận là chi phần nào) sinh khởi, lập tức cấu trúc 12 nhân duyên hình thành; và ngược lại; khi chi phần ái hay thủ (hoặc một chi phần bất kỳ) đoạn diệt, lập tức chuỗi mắc xích 12 nhân duyên tan rã.

         IIÝ NGHĨA CỦA MƯỜI HAI CHI PHẦN NHÂN DUYÊN

1. Vô minh: là sự mê mờ, cuồng si của tâm thức; hay nói cách khác là sự không hiểu biết như thật về hiện hữu là Duyên Sinh, Vô Thường và Không, mà cứ chấp có một tự thể độc lập, bất biến nào đó.

2. Hành: là động lực, ý chí, hành động tạo tác (ý hành) của thân, miệng và ý.

3. Thức: là tri giác của con người về thế giới thông qua các cơ quan chức năng như mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý.

4. Danh sắc: sắc là phần vật lý và sinh lý, danh là phần tâm lý. Với con người, sắc là cơ thể vật chất, các giác quan và chức năng của chúng; danh là các tâm phụ thuộc (tâm sở), như xúc, tác ý, thọ, tưởng và tư.

5. Lục nhập: có nơi gọi là sáu xứ, là sự tương tác giữa sáu căn và đối tượng của chúng là sáu trần.

6. Xúc: là sự gặp gỡ, tiếp xúc, giao thoa giữa các căn (chủ thể) và trần (đối tượng). Nói rõ hơn, xúc chính là sự tiếp xúc giữa con người và thế giới thông qua 6 cơ quan tri giác. Lưu ý là, khi có thức phát sinh do mắt tiếp xúc với hình thể (sắc trần) thì sự nhận biết đó mới gọi là nhãn thức... Vậy, xúc là sự gặp gỡ, giao thoa giữa căn, trần và thức.

7. Thọ: sự cảm thọ. Nói khác đi, là các phản ứng tâm lý phát sinh khi mắt tiếp xúc với hình thể, tai tiếp xúc với âm thanh... ý tiếp xúc với ý tưởng (pháp). Cảm thọ có ba loại: cảm thọ dễ chịu (lạc thọ), cảm thọ khó chịu (khổ thọ) và cảm thọ trung tính (phi khổ phi lạc). Đây là chất liệu mà con người thường lấy để xây dựng những giá trị gọi tên là hạnh phúc và khổ đau, bất hạnh. Thực ra, chúng là do duyên sinh, luôn thay đổi, không hề có một tự tính cố định.

8. Ái: gọi đủ là ái dục hay khát ái: sự vướng mắc, yêu thích, tham luyến; gồm có dục ái, sắc ái và vô sắc ái.

9. Thủ: gọi đủ là chấp thủ: sự kẹt vào, bám víu, đeo chặt của tâm thức vào một đối tượng.

10. Hữu: là tiến trình tương duyên để hình thành, gồm dục hữu, sắc hữu và vô sắc hữu.

11. Sinh: là sự ra đời, tạo nên, xuất hiện. Sinh là sự thành tựu các bộ phận cấu thành (năm uẩn), thành tựu các xứ (các cơ quan tri giác và chức năng của chúng).

12. Lão-tử: là sự suy nhược, tàn lụi, tuổi thọ lớn, tan rã, tiêu mất, tử vong. Với sinh mạng con người, lão - tử được biểu hiện dưới các hiện tượng: răng long, tóc bạc, da nhăn, các cơ quan tri giác suy yếu và chết.

IIISỰ VẬN HÀNH CỦA MƯỜI HAI NHÂN DUYÊN

Thông qua ý nghĩa của các chi phần mười hai nhân duyên, đặc biệt là chi phần lục nhập, một lần nữa khẳng định rằng, dạng thức duyên khởi này là giáo lý nói về con người, bởi vì chỉ ở con người mới có đầy đủ 6 cơ quan tri giác. Do vậy, khi nói về sự vận hành của mười hai nhân duyên cũng chính là nói về sự vận hành của con người.

Vì không nhận biết hiện hữu (con người và thế giới) là do nhân duyên hòa hợp mà sinh khởi, luôn biến dịch và không có một tự thể thường hằng, nên con người ảo tưởng về một tự ngã: đây là “cái tôi” và đây là “cái của tôi” (Vô minh). Chính ảo tưởng và sự bất giác này quấy động tâm thức, làm sinh khởi lòng tham ái, chấp thủ... Và đó là động cơ cho các hành động của thân, lời và ý (Hành). Mỗi khi ý niệm về một tự ngã sinh khởi thì Thức có mặt. Sự hiện hữu của Thức tất yếu đòi hỏi sự có mặt của chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức (Danh sắc, Lục nhập). Khi căn, trần và thức gặp gỡ nhau (Lục nhập), thì Xúc sinh khởi. Cảm thọ (Thọ) có mặt ngay khi căn, trần và thức giao thoa nhau; cảm thọ sẽ tuôn chảy như một dòng thác mà không một năng lượng nào có thể ngăn cản được, vì bản chất của cảm thọ là thế. Thọ bao gồm những phản ứng tâm lý trước đối tượng như là buồn, vui, yêu, ghét, trung tính... Cảm thọ dễ chịu sẽ làm phát sinh luyến ái (Ái). Trong Ái đã bao hàm chấp thủ và nó được biểu hiện dưới nhiều hình thức tương ứng với các cảnh giới của tâm thức (Hữu). Hữu tạo ra Sinh, và mỗi khi đã có Sinh, thì tiến trình suy yếu, tan rã, mất đi sẽ vận hành như một hệ quả đương nhiên: nghĩa là lão-tử, sầu, bi, khổ, ưu, não; hay khổ đau có mặt. Đó là sự vận hành của mười hai nhân duyên theo chiều sinh khởi (lưu chuyển) - chiều vận hành này có động lực là vô minh, tham ái và chấp thủ. Nói khác đi, đây là con đường của khổ đau, luân hồi được dẫn dắt và chi phối bởi vô minh.

Trong phần thuyết minh về Mười Hai Nhân Duyên, Đức Phật không chỉ nêu lên con đường tập khởi, như đã phân tích ở trên, mà Ngài đã chỉ ra nguyên nhân tập khởi và con đường đoạn tận. Mỗi khi đoạn diệt bất kỳ một chi phần nào trong chuỗi 12 mắc xích (nhân duyên), thì lập tức nó tự tan rã. Tuy nhiên, với con người, tham ái và chấp thủ là nặng nề nhất; nên đoạn tận tham ái hoặc chấp thủ thì vòng xích mười hai nhân duyên không còn lý do để hiện hữu. Đó là ý nghĩa của lời Phật dạy: "Ái diệt tức Niết bàn".

Sự vận hành của mười hai nhân duyên không chỉ đơn giản là tiến trình hình thành một sinh mạng (từ ý niệm tối sơ về hiện hữu đến hơi thở cuối cùng), mà sự vận hành của nó (chiều thành lập - lưu chuyển) nói lên căn nguyên có mặt của con người (và cuộc đời); nó không bị giới hạn bởi thời gian và không gian. Bao giờ tham ái, chấp thủ hoặc vô minh chưa được đoạn tận thì con người vẫn bị chi phối bởi sự vận hành của mười hai nhân duyên - nghĩa là vẫn luẩn quẩn trong luân hồi, khổ đau bất tận - khi mười hai nhân duyên đoạn diệt, đồng nghĩa với toàn bộ khổ uẩn đoạn diệt.

    IV. MỘT SỐ CÁCH GIẢI THÍCH VỀ MƯỜI HAI NHÂN DUYÊN

Mười hai nhân duyên, hay Duyên khởi, là nguyên lý của mọi hiện hữu. Nó là sự thật nên không bị giới hạn trong không gian và thời gian. Đức Phật khẳng định rằng: "Duyên sinh là thực tính của mọi hiện hữu, dù Như Lai có xuất hiện hay không xuất hiện thì sự thật này không thay đổi". Một hiện hữu dù nhỏ như hạt nhân của nguyên tử đến to lớn như vũ trụ cũng không nằm ngoài nguyên lý này. Với đặc tính đó, giáo lý Mười Hai Nhân Duyên có thể dùng để soi sáng nhiều vấn đề khác trong cuộc đời như luân hồi, nhân quả... tùy thuộc theo góc độ quan sát của người giải thích. Ở đây chỉ giới thiệu 4 cách giải thích phổ biến.

             1. Dạng thức tổng quát

"Do cái này có mặt, nên cái kia có mặt; do cái này không có mặt, nên cái kia không có mặt; do cái này sinh, nên cái kia sinh; do cái này diệt, nên cái kia diệt" (Tiểu Bộ kinh, tr.291). Dạng thức này là cách trình bày khái quát, tóm tắt và đơn giản nhất do chính Đức Phật nói. Nó được xem như là một nguyên lý cho mọi hiện hữu trong thế giới hiện tượng. Nói chính xác hơn, nếu mười hai nhân duyên là dạng thức duyên khởi riêng về con người, thì dạng thức tổng quát nói về bản chất của thế giới hiện tượng, đặc biệt là thế giới không có tình thức (khí thế giới).

            2. Ba đời hai tầng nhân quả

Ba đời là quá khứ, hiện tại và vị lai. Theo cách giải thích này, Vô Minh và Hành thuộc về quá khứ; hiện tại gồm có các chi phần (từ Thức đến Hữu); Sinh và Lão-Tử thuộc về vị lai. Mặt khác, Thức, Danh, Sắc, Lục Nhập được xem là quả hiện tại của nhân quá khứ là Vô Minh và Hành, đây là tầng nhân quả thứ nhất. Các chi phần Thọ, Ái, Thủ và Hữu là nhân hiện tại cho quả vị lai là Sinh và Lão-tử; đây là lớp nhân quả thứ hai. Điều này được tóm gọn như sau:

- Quá khứ: vô minh, hành

- Hiện tai: thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ và hữu.

- Vị lai: sanh, lão – tử.

· Hai tầng nhân quả:

- Nhân quá khứ: vô minh, hành.

- Quả hiện tại: thức, danh sắc, lục nhập.

- Nhân hiện tại: thọ, ái, thủ, hữu.

- Quả vị lai: sanh, lão – tử.

Sự phối hợp giữa hai lớp nhân quả này với các duyên tạo nên một mối quan hệ có vẻ chặt chẽ, tương tục của dòng chảy thời gian: quá khứ - hiện tại - vị lai. Qua cách giải thích này, giáo lý Mười Hai Nhân Duyên giải thích về luân hồi đã thể hiện rõ. Tuy nhiên, cách phân chia như trên sẽ dễ đưa đến một ngộ nhận, như là vô minh và hành chỉ có ở quá khứ, 8 chi phần tiếp theo chỉ có ở hiện tại, sinh và lão tử thì thuộc về tương lai. Thực ra, trong hiện tại (và ngay trong mỗi chi phần) đã có mặt vô minh. Khi một chi phần hiện hữu thì lập tức có sự hiện hữu của 11 chi phần còn lại. Nếu một chi phần bất kỳ vắng mặt thì mối liên kết 12 chi phần nhân duyên tự tan rã. Như đã phân tích, mười hai nhân duyên là một dòng tương tục, chằng chịt, không hề lệ thuộc vào thời gian (quá khứ, hiện tại hay tương lai). Cách giải thích này vô tình làm thô thiển và đơn giản hóa giáo lý Mười Hai Nhân Duyên - một giáo lý vốn được xem là rất thâm áo và tinh tế.

          3. Nhân quả đồng thời

Khi nói "Do vô minh, hành sinh...", không nên hiểu là hành do vô minh sinh ra. Giữa vô minh và hành... là mối quan hệ nhân quả tuyến tính, đơn phương; nghĩa là các chi phần trong mười hai nhân duyên hiện hữu tùy thuộc vào yếu tố thời gian (trước - sau). Cách giải thích này nói rằng, ngay trong một sát na đã có sự hiện hữu đầy đủ của cả 12 chi phần. Khi ý niệm lệch lạc về một “cái tôi” và “cái của tôi” (tự ngã) có mặt, lập tức có mặt chuỗi nhân quả tương tục: ý chí tạo tác (hành), tri giác phân biệt và chấp thủ (thức)... đến lão tử, sầu, bi, khổ, ưu, não. Mỗi một chi phần vừa là quả vừa là nhân cho các chi phần khác, chúng tương quan tương duyên và nuôi dưỡng lẫn nhau.

           4. Sự hiện hữu của một đời sống con người (mạng căn)

Một trong 3 yếu tố quyết định để hình thành một thai nhi là có sự hiện hữu nghiệp thức đi đầu thai. Nghiệp thức này là kết quả của vô minh và hành trong quá khứ. Giai đoạn tượng thai chính là thời điểm danh sắc có mặt. Lục nhập là giai đoạn thai nhi hình thành đầy đủ các căn. Giai đoạn trẻ bú mớm là giai đoạn của xúc. Trẻ từ 3 - 5 tuổi là lúc thọ hình thành. Từ đây trở về trước, theo lối giải thích này, là biểu hiện của nghiệp quá khứ, trẻ chưa tác ý thiện ác để tạo nên nghiệp hiện tại. Khi trẻ biết vui, buồn, ưa, ghét... là lúc ái, thủ, hữu hình thành và chính đây mới là giai đoạn mà trẻ tạo nghiệp để đưa đến hình thành một thân mạng mới ở tương lai (sinh, lão, tử).

      V. BÀI HỌC TỪ SỰ ỨNG DỤNG TU TẬP MƯỜI HAI NHÂN DUYÊN

 1. Con người là hiện hữu của cấu trúc mười hai nhân duyên, nên không hề có một tự ngã độc lập và thường hằng. Con người chính là chủ nhân của cuộc đời mình, bởi giáo lý Mười Hai Nhân Duyên cho thấy sự thật: "Không thể tìm ra một đấng sáng tạo, một Brahman, hay một vị thần nào khác làm chủ vòng luân chuyển của đời sống; chỉ có những hiện tượng diễn tiến, tùy thuộc vào những điều kiện".

2. Con người và cuộc đời là vô ngã, không có một tự tính thường hằng, nên bên trong mỗi người luôn tiềm ẩn một khả năng giác ngộ, và cuộc đời luôn có cơ hội để xây dựng trở nên tốt đẹp.

3. Khi một chi phần trong mười hai nhân duyên vận hành, nghĩa là 11 chi phần còn lại cũng vận hành. Điều này nói lên sự dung thông giữa cái "một" và cái "tất cả", vượt ra ngoài khái niệm không gian, thời gian, từ đó có thể khẳng định có sự hiện hữu của các loại thần thông.

C. KẾT LUẬN

Qua giáo lý mười hai nhân duyên mà đức Phật đã dạy cho ta những ý nghĩa như sau:

1. Mười hai nhân duyên là giáo lý về con người và nói cho đối tượng nghe là con người. Vì con người bị vướng nặng vào vô minh, ái và chấp thủ nên Đức Phật đặc biệt nhấn mạnh đến các chi phần này khi hướng dẫn con người tu tập vì mục đích giải thoát, giác ngộ.

2. Mười hai nhân duyên hay duyên khởi là một giáo lý nhằm giải thích thế giới, và đây là sự thật, là một pháp tu tập vì giải thoát thiết thực cho con người. Do vậy, giáo lý này là căn bản của chánh kiến. Nói khác đi, chánh kiến là cái nhìn toàn diện, như thật về các pháp là do duyên sinh.

3. Vô ngã hay giải thoát, Niết Bàn là trạng thái không có mặt của vô minh, tham ái và chấp thủ.

4. Mọi giá trị trong cuộc đời đều mang tính tương đối, bởi cuộc sống là duyên sinh, luôn trôi chảy và không thể nắm bắt.

5. Hiện hữu của cuộc sống là hiện hữu của các mối tương quan đa phương giữa con người với con người, giữa con người với môi trường xã hội, môi trường tự nhiên... Khi một cá nhân sống tốt là đang góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp, và ngược lại. Mỗi người phải có trách nhiệm với cộng đồng, bởi vì xây dựng cộng đồng chính là đang bảo vệ cá nhân mình.

6. Mười hai nhân duyên, hay giáo lý duyên khởi nói chung, là một giáo lý vô cùng tinh tế và khó hiểu, bởi con người vốn đã quen với nếp tư duy hữu ngã từ vô thỉ. Muốn có một nhận thức đúng về giáo lý này, đòi hỏi phải có sự quán sát và tư duy thường xuyên về nó. Suy tư và thực tập giáo lý mười hai nhân duyên, chắc chắn rằng sẽ từng bước mang đến cho hành giả một cuộc sống độ lượng, vị tha, giải thoát và an lạc trong hiện tại. Bởi như lời Phật dạy: "Ai thấy duyên khởi là thấy pháp, ai thấy pháp là thấy Như Lai". Thấy Như Lai là thấy được thực tại tối hậu, vượt ra ngoài mọi ràng buộc của thế giới ngã chấp, thoát khỏi vô minh, tham ái và chấp thủ.

 

Chia sẻ
Phật học liên quan