Vu lan báo hiếu
Pháp Vu Lan này chính là phương pháp thần diệu để cứu rỗi vong linh cha mẹ trong cảnh khổ tối tăm. Nhưng chúng ta phải luôn luôn nhớ rằng: báo hiếu không phải chỉ đợi khi cha mẹ đã khuất bóng và mỗi năm chỉ cử hành lễ Vu Lan là đủ. Người con chỉ hiếu bao giờ cũng vui sướng khi thấy cha mẹ còn ở bên mình và tận lực phụng dưỡng cha mẹ, để cha mẹ được thảnh thơi vê cả hai phương diện vật chất và tinh thần.
A. MỞ ĐỀ
“Vào mùa Báo hiếu vu lan
Kính dâng Cha Mẹ vô vàn hồng hoa
Cha là công tạo ra ta
Mẹ là người mang nặng sinh ra ta
Dù cho trọn kiếp chúng sinh chẳng đền đáp nổi ân tình Mẹ Cha
Báo hiếu – Tốt nhất nên là tu thân tích đức – Mẹ Cha vui lòng.”
Công ơn sanh thành dưỡng dục rất lớn lao. Chúng ta thường nghe câu ca dao:
“Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”.
(Công ơn cha mẹ thật quá lớn lao như núi cao, bể cả).
Mẹ thì chín tháng cưu mang, ba năm cho bú mớm suốt đời chỉ biết hy sinh cho con. Khi đang ăn cũng như khi ngủ nghỉ, hễ con cần đến là có mẹ ở bên cạnh. Con lỡ đại tiểu tiện ở trên người mình mẹ vẫn vui cười không chút hờn giận. Gặp cảnh nghèo hèn, mẹ nhịn bớt cơm cho con ăn, dành chỗ khô ráo cho con nằm (bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn). Rủi khi con đau ốm mẹ ngồi bên cạnh, năm canh thao thức lo âu chỉ khi con khỏe mạnh tươi cười, mẹ mới vui tươi hớn hở. Ca dao có câu:
“Lên non mới biết non cao,
Nuôi con mới biết công lao mẫu từ”.
Cha mẹ phải lo làm lụng vất vả để nuôi con nếu gặp cảnh nghèo khó, cha phải làm thuê mướn, mua tảo bán tần đổ mồ hôi lấy bát cơm, manh áo cho con. Ngoài ra, cha còn dạy dỗ cho con học hành, ngày đêm lo lắng đào tạo cho con thành người hữu dụng, khôn ngoan khỏi thua kém bạn bè. Công ơn cha mẹ nói ra bao nhiêu cũng không cùng.
Bất luận luân lý, đạo đức nào Đông hay Tây, xưa hay nay đều lấy chữ Hiếu làm đầu. Một người con đã bất hiếu với cha mẹ thì không còn việc xấu xa gì mà không làm được một kẻ vong ơn bội nghĩa như thế thì không còn biết nhân nghĩa, bác ái, công bằng là gì nữa. Bởi vậy cho nên người xưa có câu: “Thiên Kinh vạn quyển, Hiếu nghĩa vi tiên”. Nghĩa là: Ngàn quyển Kinh, vạn quyển sách đều lấy chữ Hiếu làm đầu. Kinh thi có nói một câu rất cảm động:
“Phụ hề sanh ngã, mẫu hề cúc ngã.
Ai làm phụ mẫu, sanh ngã cù lao
Dục báo thâm an, hiệu thiên võng lạc”.
Nghĩa là: cha danh ta, mẹ nuôi ta. Cha mẹ sanh ta cực nhọc. Muốn đền đáp ân đức của cha mẹ, như với lên trời cao chẳng cùng.
Phật cũng dạy: “Phụ mẫu tại đường, như Phật tại thế”. Nghĩa là cha mẹ còn sinh tiền cũng như Phật còn ở đời. Xem thế, Phật đã đề cao biết bao sự hiện diện quý trọng của cha mẹ vì cha mẹ quý trọng như thế, nên Ngài dạy thêm: “Hiếu vi vạn hạnh chi tiên”, nghĩa là Hiếu thảo đứng đầu trong mọi việc. Để người Phật tử làm tròn nhiệm vụ hiếu đạo, nên Đức Phật dạy Pháp Vu Lan Bồn dưới đây.
B. CHÁNH ĐỀ
Vu Lan là một phương pháp báo hiếu có hiệu quả nhất. Nhưng trước tiên, chúng ta hãy hiểu nghĩa thế nào là Vu Lan?
I. ĐỊNH NGHĨA
Vu Lan gọi đầy đủ là Vu Lan Bồn phát xuất từ phiên âm theo tiếng Phạn Ullambana, người Trung Hoa dịch là: “Giải đảo huyền”, nghĩa đen là Cởi trói người bị treo ngược, nghĩa bóng là cứu vớt những kẻ đau khổ nặng nề như đang bị treo ngược.
Báo Hiếu: Báo là báo đáp. Hiếu theo Phật Quang Đại Từ Điển quyển 2, trang 2137 giải thích là hết lòng thành kính và phụng dưỡng cha mẹ. Nếu cung cấp tứ vật dụng cho cha mẹ thì là báo hiếu thế gian, còn đem Phật pháp hướng dẫn cha mẹ là báo hiếu xuất thế gian.
II. NGUYÊN NHÂN PHẬT DẠY PHÁP VU LAN BỒN
Ngài Đại Hiếu Mục Kiền Liên sau khi tu hành chứng được sáu phép thần thông, ngậm ngùi nhớ đến công ơn cha mẹ, Ngài tìm cách báo đáp, dung Đạo nhãn xem trong thế gian, Ngài nhận ra mẹ mình sanh làm loài ngạ quỷ: thân thể ốm gầy, da bọc xương, thân hình tiều tụy, bụng lớn, đầu to, cổ nhỏ như ống chỉ, đói khát suốt năm không được ăn uống. Thương xót quá, Ngài liền đem bát cơm đang ăn dâng mẹ. Ngài vận thần thông, bưng bát cơm đi đến chỗ mẹ. Bà mẹ khát khao, nên khi được cơm lòng tham nổi lên sợ người cướp giật, lấy tay trái che giấu bát cơm, tay mặt bốc ăn. Bởi lòng tham lam, độc ác trong tiền kiếp trước nổi bừng lên, nên cơm mới đua vào miệng thì hóa thành ra lửa, bà chẳng ăn được.
Ngài Mục Kiền Liên thấy thế hết sức đau buồn, kêu khóc thảm thiết. Ngài liền trở về bạch Phật, thuật lại như trên và cầu Phật chỉ dạy cho phương pháp cứu độ thân mẫu.
III. PHẬT DẠY PHÁP VU LAN BỒN CHO NGÀI MỤC KIỀN LIÊN
Sau khi Ngài Mục Kiền Liên thỉnh cầu phương pháp báo hiếu, Phật dạy rằng: “Này Mục Kiền Liên! Mẹ của ông do lòng tham lam, độc ác đã tạo ra tội lỗi nặng nề trải qua nhiều kiếp; nay sanh trong ác dạo làm loài ngạ quỷ nên không thể một mình ông cứu độ được. Mặc dù lòng hiếu thảo của ông vô cùng lớn lao cũng không sao chuyển được hoàn cảnh; chẳng khác gì chiếc thuyền con không thể chuyển được tảng đá lớn. Vậy ông phải nhờ oai thần của chúng Tăng trong mười phương; đức lớn như biển, mới cứu độ mẹ ông được giải thoát. Ta nay sẽ vì ông, chỉ dạy phương pháp cứu rỗi khiến cho cha mẹ ông xa lìa được các điều tội lỗi.
Này Mục Kiền Liên! Rằm tháng bảy là ngày Tự Tứ của Chư Tăng trong mười phương, sau ba tháng an cư kiết hạ sách tấn tu hành. Ngày ấy cũng là ngày ngày hoan hỷ của Chư Phật; vì thấy hư Tăng sau bat hang an cư kiết hạ đã tiến bộ rất nhiều trên đường tu học; các nghiệp được thanh tịnh, ba món Vô Lậu Học được tăng trưởng, công đức thêm nhiều và đến ngày viên mãn. Vậy ông nên nhân ngày ấy làm Lễ Vu Lan Bồn để báo hiếu cho mẹ ông.
Ông hãy sắm đủ các món trai diên trăm mùi, năm thứ trái cùn hương dầu đèn nến, giường chõng, chiếu chăn, mùng mền, quần áo, thau rửa mặt, khan lau tay. Tóm lại, là đủ bốn món cúng dường quý báu trong đời, rồi phải thân hành đi rước các vị Đại Đức Tăng trong mười phương hoặc những vị Thiền định trong núi rừng chứng được bốn quả Thánh hoặc có vị kinh hành dưới cội cây được sáu phép thần thông tự tại hàng Thanh Văn, Duyên Giác, các vị Thánh Tăng hoặc các vị Thập Địa Bồ Tát thị hiện làm thầy Tỳ kheo… Ông phải thành kính Lê Trai Tăng cúng dường và thỉnh cầu Chư Tăng chú nguyện cho vong linh mẹ ông sẽ được siêu thoát; cũng như tảng đá dù nặng trăm cân, song có nhiều người khiêng thì dời đi đâu cũng được.”
Ngài Mục Kiền Liên vâng lời Phật dạy, đến ngày Rằm tháng bảy làm Lễ Vu Lan sắm đủ các vật liệu, rước Chư Thánh Tăng trong mười phương thành tâm kính lễ Trai Tăng cúng dường, nên vong mẫu của Ngài được giải thoát khỏi kiếp ngạ quỷ, sanh về cảnh giới lành.
IV. PHẬT MỤC KIỀN LIÊN HỎI PHẬT: CÁC HÀNG PHẬT TỬ ĐỜI SAU CÓ THỂ LÀM VU LAN BỒN ĐƯỢC KHÔNG?
Sau khi thấy thân mẫu được thoát khổ, Ngài Mục Kiền Liên hết sức vui mừng, liền đến trước Phật chắp tay, bạch rằng: “Bạch Thế Tôn! Thân mẫu của con được nhờ công đức Tam bảo và oai thần của Chư Tăng nên được thoát ly kiếp ngạ quỷ, khổ não. Vậy về đời sau, trong hàng Phật tử nếu có người muốn làm lễ Vu Lan Bồn này để cứu độ cha mẹ hiện tại cũng như cha mẹ nhiều kiếp trước chẳng biết có được không?”
Phật dạy rằng: “Quý lắm! Này Mục Kiền Liên! Đời sau nếu có được các Thầy Tỳ Kheo và Ni Kheo Ni, Vua, Thải Tử, các quan tể tướng, những hàng tam công cho đến tứ dân vì lòng hiếu thảo muốn đền đáp công ơn cha mẹ hiện tại hay quá khứ thì cứ ngày Rằm tháng bảy là ngày “Phật hoan hỷ”, làm Lễ Vu Lan này để cúng dường Trai Tăng, nhờ công đức của Chư Tăng chú nguyện cha mẹ hiện tại được tăng long phước thọ, khỏi những điều tai hoạn, khổ não… còn cha mẹ bảy đời trước thì khỏi bị khổ ngạ quỷ, được anh trong cõi nhân thiên hưởng phước vui vẻ không cùng”.
Khi đó, Ngài Mục Kiền Liên và bốn chúng đệ tử hoan hỉ vâng làm. Và từ đó về sau, mỗi năm cứ đến ngày rằm tháng bảy, các hàng Phật tử chí hiếu đều có làm Lễ Vu Lan để đền đáp công ơn sanh thành của cha mẹ.
V. Ý NGHĨA BÁO HIẾU THEO QUAN NIỆM ĐẠO PHẬT
Tất nhiên sự báo hiếu không những chỉ nhắm vào một Lễ Vu Lan, không phải mỗi năm chỉ tổ chức một Lễ Vu Lan là đã tự cho mình là con người có chí hiếu vì đã làm đầy đủ hiếu đạo. Công ơn cha mẹ rộng như trời biển, làm con suốt đời báo ơn cha mẹ cũng chưa vừa; nhưng trong lúc báo hiếu phải có quan niệm sáng suốt, đúng đắn mới thật có lợi ích và hiệu quả.
Hiếu gồm 4 phương diện:
a. Hiếu dưỡng
Nghĩa là cung kính dưỡng nuôi, không để cha mẹ thiếu thốn một món gì từ thức ăn, vật uống, chỗ ở cho đến thuốc thang khi già yếu. Nếu Phật tử biết cúng dường Tam Bảo và hiện tiền Tăng về tứ vật dụng, ủng hộ chư Tăng xuất gia hành đạo thì cũng phải biết cúng dường tứ vật dụng đến cha mẹ mình.
b. Hiếu tâm
Báo hiếu cho cha mẹ là trách nhiệm và bổn phận của người con. Tuy nhiên, không ít trường hợp người con báo hiếu cha mẹ không thật lòng. Cho nên, báo hiếu phải xuất phát từ tấm lòng yêu kính cha mẹ, một lòng mong muốn cha mẹ được an vui, hạnh phúc bằng sự báo hiếu của mình gọi là hiếu tâm.
c. Hiếu hạnh
Nghĩa là báo hiếu như một nếp sống đạo đức cần thực hành và truyền thừa lại cho con cháu. Thường có câu rằng: Hiếu hạnh vi Phật hạnh, nghĩa là báo hiếu là việc làm của người giác ngộ. Vì vậy, những người có trí tuệ và đạo đức phải xem việc báo hiếu là một lẽ sống của đời mình.
d. Hiếu đạo
Mang nghĩa rằng báo hiếu là một đạo lý làm người. Cổ đức dạy rằng: “Mộc bổn thủy nguyên”. Tạm dịch thành câu:
Cây có cội mới trổ cành sanh ngọn
Nước có nguồn mới bủa khắp rạch sông.
Con người ở đời nhờ ơn cha mẹ mà lớn lên, cho nên đạo lý sống là phải biết đền trả ơn đức sinh thành đó. Đây là đạo lý nền tảng cho mọi hành vi đạo đức ở đời. Báo hiếu có nhiều cách nhưng không ngoài hai phương diện: vật chất và tinh thần.
1. Báo hiếu về vật chất
Những điều cần thiết mà người con cần phải phụng dưỡng cha mẹ là thức ăn, đồ mặc, chỗ ở và thuốc trị bệnh. Đây là những vấn đề căn bản cho sự sống. Đặc biệt khi cha mẹ già yếu không còn khả năng lao động thì những vấn đề này hoàn toàn phụ thuộc vào sự dưỡng nuôi của con cái. Thế nhưng, có một điều cần chú ý là của cải vật chất mà chúng ta làm ra phụng dưỡng cha mẹ phải được tạo sắm bằng phương pháp lành. Vì nếu của cải đó được tạo bằng ác nghiệp thì chúng ta phải chịu quả báo rất khốc liệt, bởi luật nhân quả nào có chấp nhận sự biện minh cho những người con làm ác để nuôi cha mẹ bao giờ.
Kinh Trung Bộ tập 2, trang 188 có dạy rằng: “Người con vì cha mẹ mà làm các điều phi pháp, tội lỗi, bất chánh để báo hiếu cho cha mẹ, người ấy sẽ bị quỷ sứ kéo vào địa ngục. Trước mặt Diêm Vương người ấy không thể nói rằng: “Vì con phải lo cho cha mẹ cho nên phải phạm những điều tội lỗi này”. Diêm Vương, quỷ sứ không tha tội mà quăng nó vào địa ngục dù nó có khóc than, dù cha mẹ có van xin kể lể”.
2. Báo hiếu về tinh thần
Theo đạo Phật, báo hiếu về phương diện tinh thần không chỉ đơn thuần là làm cho cha mẹ luôn được vui vẻ, hạnh phúc, mà báo hiếu tinh thần ở đây là hướng cha mẹ bước theo con đường cải ác tùng thiện, biết làm việc phước đức, và hơn hết là biết tu tập để tìm đến sự an lạc thật sự trong chính đời này và đời sau.
Báo hiếu về phương diện tinh thần chúng ta nên chú ý ở một vài điểm sau:
-
Khi cha mẹ còn khỏe mạnh, chúng ta nên vâng lời dạy bảo, nghe lời khuyên răn và làm cha mẹ vui lòng.
-
Khi cha mẹ già yếu: anh em phải hòa thuận, chăm nom săn sóc thường ngày, tránh gây gổ, mất đoàn kết, nhất là trong việc phân chia tài sản. Khuyên cha mẹ ăn chay niệm Phật, nghe giáo lý và quy y Tam Bảo.
-
Khi cha mẹ mất: tụng kinh cầu siêu, làm các việc phước lành để hồi hướng cho cha mẹ.
a. Báo hiếu theo quan điểm các kinh Đại thừa
Phật giáo Đại thừa đề cao trí tuệ và dùng nhiều phương tiện thiện xảo để diễn bày giáo lý Phật-đà. Tinh thần hiếu đạo được thể hiện rõ trong các kinh: Kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân, Kinh Địa Tạng… nhưng phổ biến nhất là Kinh Vu Lan và Kinh Báo Hiếu Phụ Mẫu Trọng Ân.
Tư tưởng báo hiếu chủ đạo trong các kinh này đều theo một khuynh hướng là xuất gia tu hành giải thoát để cứu độ cha mẹ. Tinh thần này sáng ngời qua hình ảnh tôn giả Mục Kiền Liên. Ngài xuất gia làm đệ tử Đức Phật, tu tập chứng đắc đạo quả A-la-hán có lục thông. Nhờ vận dụng thần thông, Ngài biết sự thọ khổ của mẹ. Nhờ Đức Phật dạy bảo, Ngài cung thỉnh chư Tăng mười phương cúng dường trai tăng chú nguyện cho mẹ. Bà Thanh Đề nhờ năng lực chú nguyện của Thánh Tăng mà chuyển hóa tâm niệm xấu ác, liền được giải thoát.
Nhưng cao thượng nhất về tấm gương hiếu thảo đó chính là Đức Phật Thích Ca. Khi trở thành đấng Toàn Giác, Ngài đã trở về quê nhà độ cha mẹ. Khi ấy hoàng hậu Ma Da đang ở cõi trời Đao Lợi, Ngài dùng thần thông lên trời thuyết pháp cho mẹ hiểu đạo. Ngài hướng dẫn vua cha quy y Tam Bảo và chứng Thánh quả vào lúc cuối đời. Kinh sách viết rằng, Đức Phật đã tự mình tẩm liệm và khiêng quan tài của vua Tịnh Phạn làm lễ trà tì. Kinh Báo Hiếu Phụ Mẫu Trọng Ân diễn tả một việc hy hữu là Đức Phật đã rơi lệ và đảnh lễ đống xương trắng vì nhớ đến thân quyến từ ngàn xưa. Trong một lần khất thực hóa duyên, Ngài đã để một lão bà hôn vì lão bà nhớ đến con khi thấy hình dáng Đức Phật. Thế nên, có thơ tán thán sự hiếu thảo của Ngài rằng:
Phật xưa hiếu thảo kể hà sa
Đến kiếp hiện nay cũng đậm đà
Đao Lợi thiên cung về viếng Mẹ
Ca Tỳ La Vệ đến tìm Cha
Khom lưng đảnh lễ đồi xương trắng
Đưa mặt cho hôn một mẫu già
Đến thác kim quan còn bật nắp
Soi cùng hiếu tử mấy người qua.
Từ hình ảnh của Đấng Giác Ngộ và các vị Thánh Tăng đã xuất hiện câu truyền tụng dân gian rằng: Nhất nhơn thành đạo cửu huyền thăng, nghĩa là một người thành đạo quả, chín đời thân quyến được siêu thoát. Tư tưởng này có tác dụng thúc đẩy sự tinh tấn tu hành của những bậc xuất gia. Vì người xuất gia ngoài mục đích hướng về giải thoát còn hướng đến việc hóa độ quần sanh, đền trả bốn ân cao thượng. Trong đó, báo ơn cha mẹ được đặt lên hàng đầu.
b. Theo quan điểm kinh văn Nguyên thuỷ
Kinh Tăng Chi Bộ, tập 1, Đức Phật dạy: “Những ai đền ơn bằng cách nuôi dưỡng, cúng dường cha mẹ với các của cải, vật chất, tiền bạc thời không bao giờ đủ để trả ơn cha mẹ. Nhưng này các Tỳ-kheo, ai đối với cha mẹ không có lòng tin, khuyến khích, hướng dẫn, an trú vào thiện giới; đối với cha mẹ xan tham, khuyến khích, hướng dẫn an trú vào bố thí; đối với cha mẹ theo ác trí tuệ, khuyến khích, hướng dẫn an trú vào trí tuệ. Cho đến như vậy, này các Tỳ-kheo, là làm đủ và trả ơn đủ mẹ và cha”.
Kinh Trung A Hàm, Hán dịch: Phật Ðà Da Xá và Trúc Phật Niệm, Việt dịch và hiệu chú: Thích Tuệ Sỹ có đoạn chép rằng Phật dạy A Nan khi A Nan xin cho Cù-đàm-di Đại Ái xuất gia: “A-nan! Cù-đàm-di Đại Ái đã đem lại cho ta nhiều lợi ích, đã bảo dưỡng ta sau khi thân mẫu ta mất. Nhưng này A-nan, ta cũng đem lại cho Cù-đàm-di Đại Ái nhiều lợi ích. Vì sao? Này A-nan, Cù-đàm-di Đại Ái nhờ ta mà được quy y Phật, quy y Pháp, quy y chúng Tỳ-kheo, không nghi ngờ ba ngôi tôn quý và Khổ - Tập - Diệt - Đạo, thành tựu tín tâm, phụng trì giới cấm, tu học bác văn, thành tựu hạnh bố thí, được trí tuệ, xa lìa nghiệp sát, đoạn trừ nghiệp sát; xa lìa nghiệp không cho mà lấy, đoạn trừ nghiệp không cho mà lấy; xa lìa nghiệp tà dâm, đoạn trừ nghiệp tà dâm; xa lìa nghiệp nói dối, đoạn trừ nghiệp nói dối; xa lìa nghiệp uống rượu, đoạn trừ nghiệp uống rượu.
A-nan, nếu có người nhờ người mà được quy y Phật, quy y Pháp, quy y chúng Tỳ-kheo, không nghi ngờ ba ngôi tôn quý và Khổ - Tập - Diệt - Đạo, thành tựu tín tâm, phụng trì giới cấm, tu học bác văn, thành tựu bố thí, được trí tuệ, xa lìa nghiệp sát, đoạn trừ nghiệp sát; xa lìa nghiệp không cho mà lấy, đoạn trừ nghiệp không cho mà lấy; xa lìa nghiệp tà dâm, đoạn trừ nghiệp tà dâm; xa lìa nghiệp nói dối, đoạn trừ nghiệp nói dối; xa lìa nghiệp uống rượu, đoạn trừ nghiệp uống rượu. Rồi, này A-nan, giả như người này cúng dường người kia y phục, ăn uống, tọa cụ, thuốc thang, các vật dụng cho cuộc sống, cho đến trọn đời, chẳng lẽ nào lại không được đền ơn”.
Qua hai đoạn trích từ Kinh Trung Bộ và Kinh Trung A Hàm, chúng ta thấy rằng quan điểm báo hiếu của các kinh này mang sự tích cực bằng cách hướng dẫn cho cha mẹ tu tập hơn là việc chờ đợi người con giải thoát rồi cứu độ cha mẹ. Rõ ràng lời Phật dạy trong hai kinh này là nếu ai hướng dẫn cho cha mẹ quy y Tam Bảo, thọ trì ngũ giới, tu tập Bát Chánh Đạo là đã đền trả được công ơn cha mẹ.
Cả hai quan điểm trong kinh thuộc Bắc truyền và Nam truyền đều có mặt tích cực trong việc báo hiếu mang tính xuất thế gian. Tùy theo căn cơ và khả năng tu tập mà ta có thể báo hiếu cho cha mẹ theo tinh thần cao thượng này. Báo hiếu vật chất tuy có thể chăm sóc cha mẹ lúc hiện tiền nhưng không thể giúp cha mẹ đoạn tận đau khổ trong ngày vị lai. Chỉ có hướng dẫn cha mẹ vào đạo và tu tập thì mới có thể giúp cha mẹ đạt được chân hạnh phúc. Những ai có tâm muốn báo hiếu cho cha mẹ nên dùng pháp xuất thế gian mới đáp đền trọn vẹn công ơn cha mẹ vậy.
VI. QUYẾT NGHỊ
1. Có người nghĩ: Chư Tăng chỉ tụng kinh, chú nguyện làm sao vong linh được siêu độ?
Đáp: Tinh thần của người ta rất mạnh, mỗi khi chúng ta tập trung tư tưởng chăm chú vào một việc gì thì sẽ thấy sức mạnh của nó phi thường. Kinh nói: “Chế tâm nhứt xứ, vô sự bất biện”, nghĩa là: Đế tâm định lại một chỗ, thì không việc gì làm không thành tựu. Chúng ta thấy các nhà thôi miên dùng tinh thần sai sử người: đi đứng, nằm, ngồi... đều được cả. Người thế gian dụng tâm còn được như thế, huống chi Chư Tăng trì trai giữ giới thanh tịnh tu hành, tất nhiên tinh thần phải sáng suốt, mạnh mẽ hơn; thế mà các vị lại tập trung tư tưởng, thành tâm chủ nguyện thì vong linh quyết nhờ sức mạnh của Chư Tăng được siêu sanh. Lại nữa, Phật và Bồ Tát sẵn có lòng từ bi tế độ, thương tất cả chúng sanh như mẹ thương con; chúng ta cảm thì lo gì các Ngài không ủng hiện? Cũng như mặt trăng luôn luôn sẵn có ánh sáng, nếu nước hồ không xao động và lóng trong thì trăng kia sẽ chiếu xuống tận đáy hồ.
2. Có người hỏi:“Y như lời Phật dạy trong Kinh Vu Lan thì phải sắm cho đủ các thứ thực phẩm và vật dụng quý báu để cúng dường Chư Tăng Như thế, đối với người nghèo hèn thì sao?”
Đáp: Bổn ý của Phật dạy chúng ta là phải chí thành và tận lực trong việc lo sắm đủ những thứ ấy. Đối với những kẻ nghèo khó, nếu họ đã tận lực mà chỉ mua một nén hương hay đĩa quả nhưng có lòng chí thành thì cũng đủ lắm rồi. Trái lại, nếu có người sắm dư giả các vật mà chưa chí thành thì cũng chưa có thể gọi là đầy đủ.
3. Có người hỏi: “Ngài Mục Kiền Liên thần thông đệ nhất, tự mình có thể cứu vớt cha mẹ được cần gì phải nhờ đến Chư Tăng? Cũng như các ông quan lớn trong xứ, đủ thế lực có thể cứu bà con có tội được rồi, cần gì phải nhờ đến các quan khác?”
Đáp: Bà Thanh Đề bị tội khổ do trước kia tâm bà gây nên. Hôm nay, nhờ Ngài Mục Kiền Liên là con hiếu thảo, sắm các lễ vật cúng dường Phật, Tăng; lúc ấy bà sanh lòng hoan hỷ cũng muốn cúng dường Phật, Tăng. Do đổi niệm bỏn xẻn trở lại tâm rộng rãi, mà bà được giải thoát. Nếu chỉ nhờ đức chúng Tăng mà tâm bà không hoan hỷ mở rộng, thì cũng khó mà cứu vớt được.
C. KẾT LUẬN
Chúng ta đã rõ biết hiệu quả tốt đẹp của Lễ Vu Lan. Vậy chúng ta nên noi theo gương của Ngài Đại hiếu Mục Kiền Liên mà bảo hiếu, thì chắc chắn cha mẹ hiện tại và bảy đời trước đều được thoát khổ ngạ quỷ u đồ và hưởng vui giải thoát. Chuyện “Mục Liên Thanh Đề” không có gì là hoang đường, huyền bí mà là một hiện tượng có thể giải thích được. Đó là do lòng hiếu thảo của người con và công đức trì trai, giữ giới thanh tịnh trong ba tháng hạ, thúc liễm tu hành của chư Tăng thành tâm chủ nguyện, nên có sức mạnh cảm thông và kích thích đến tâm hồn người đau khổ. Làm cho họ thức tỉnh cơn mê, xoay chuyển tâm niệm ác hướng về nẻo thiện. Nhờ sự chuyển hướng của cái tâm này mà họ thoát khỏi sự hình phạt đau khổ, mà trước kia chính cũng do cái tâm ấy tạo ra. Trong Kinh có nói: “Tâm có thể tạo nghiệp, mà tâm cũng có thể chuyển nghiệp”. Như nhà thôi miên học chỉ tập trung tư tưởng mà còn có thể xoay chuyển sự vật được, huống chi sự chủ nguyện của chư Tăng, là kết tinh của bao nhiêu phước đức, trí huệ, thanh tịnh lại không thông cảm đến người ở chốn tội khổ hay sao? Nghiệp lực thẳm vô biên thì tự lực và nguyện lực cũng dõng mãnh vô lượng, có thể chuyển được tâm người tạo nghiệp, đập vỡ được lao ngục, xiềng xích khổ hình ở chốn u đồ.”
Pháp Vu Lan này chính là phương pháp thần diệu để cứu rỗi vong linh cha mẹ trong cảnh khổ tối tăm. Nhưng chúng ta phải luôn luôn nhớ rằng: báo hiếu không phải chỉ đợi khi cha mẹ đã khuất bóng và mỗi năm chỉ cử hành lễ Vu Lan là đủ. Người con chỉ hiếu bao giờ cũng vui sướng khi thấy cha mẹ còn ở bên mình và tận lực phụng dưỡng cha mẹ, để cha mẹ được thảnh thơi vê cả hai phương diện vật chất và tinh thần. Như thế, mới khỏi hối hận và than thở như Thầy Tử Lộ:
“Mộc dục tịnh nhi phong bất đình!
Tử dục dưỡng nhi thân bất tại.”
(Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng! Con nuôi dưỡng báo hiếu mà cha mẹ chẳng còn sống).
- Giá trị nhân văn của ngày tri ân cha mẹ - 05/07/2024
- Sự kiện tháng tư - 15/05/2024
- Người mang trí tuệ đến nhân gian - 14/05/2024
- Kính mừng Phật đản - 30/04/2024
- Phật giáo và vai trò kiến tạo giá trị đạo đức trong phát triển bền vững tại Việt Nam - 28/08/2023
- Kinh Pháp Hoa Bổn Môn - 22/10/2022
- Kinh sám hối hồng danh - 22/10/2022
- Kinh Vu Lan - 22/10/2022
- Kinh Dược Sư - 22/10/2022
- Kinh Di Đà - 22/10/2022
- Ý nghĩa xuất gia - 17/10/2022
- Tam thân Phật - 17/10/2022
- Tam pháp ấn - 17/10/2022
- Tứ chánh cần - 17/10/2022
- Bát Chánh Đạo - 17/10/2022
- Lục độ - 15/10/2022
- Đi Chùa lễ Phật - 15/10/2022
- Thất Thánh Tài - 15/10/2022
- Tứ quả Thanh Văn - 15/10/2022
- Thập Thiện Nghiệp - 15/10/2022
- Tứ Vô Lượng Tâm - 15/10/2022
- Tứ Nhiếp Pháp - 15/10/2022
- Lục Hòa - 15/10/2022
- Nghiệp báo - 15/10/2022
- Ngũ Đình Tâm Quán - 15/10/2022
- Tứ Niệm Xứ - 15/10/2022
- Ăn chay theo quan điểm đạo Phật - 15/10/2022
- Ngũ căn – Ngũ lực - 15/10/2022
- Luân hồi - 15/10/2022
- Tụng kinh – niệm Phật - 15/10/2022
- Ngũ thừa Phật giáo - 15/10/2022
- Sám hối - 15/10/2022
- Đạo Phật - 15/10/2022
- Tam Vô Lậu Học - 15/10/2022
- Ngũ uẩn - 15/10/2022
- Tam pháp ấn - 15/10/2022
- Mười hai nhân duyên - 15/10/2022
- Tứ Diệu Đế - 15/10/2022
- Ý nghĩa thành đạo - 15/10/2022
- Quán Từ Bi - 15/10/2022
- Vô thường - 15/10/2022
- Nhân quả - 15/10/2022
- Quy y Tam Bảo - 15/10/2022
- Tứ vô lượng tâm - 15/10/2022
- Ý nghĩa Phật Đản - 15/10/2022
- Cắt đứt tham dục - 06/05/2022
- Hồng danh sám hối - 03/01/2022
- Lợi hành nhiếp của Phật giáo: Hiếu ứng quan tâm hạnh phúc và lợi ích - 07/05/2021
- Hạnh nguyện của người xuất gia - 25/11/2020
- Đức Phật - Mùa Phật Đản - 30/04/2020
- Tứ Vô Lượng Tâm - 28/04/2020
- Chữ Hiếu Trong Đạo Phật - 26/04/2020
- Đi Chùa Lễ Phật - 26/04/2020
- Tướng tùy tâm sinh: Người có tâm từ bi sẽ được cải biến cả dung mạo lẫn số mệnh - 12/04/2020
- Hạnh phúc nhặt bên đường - 25/11/2019
- Phụ Nữ Trong Chánh Pháp - 25/11/2019
- Thánh hạnh vĩ đại của Đức Phật - 25/11/2019
- Kiểm soát sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý - 25/11/2019
- Đức Phật: Con người của mọi thời đại - 25/11/2019
- 620 câu hỏi trắc nghiệm giáo lý căn bản - 24/11/2019
- Nương theo hạnh nguyện Quán Âm - 22/07/2019
- Lời Phật dạy sâu sắc về việc hãy sống trọn vẹn hạnh phúc trong hiện tại - 18/07/2019
- Đức Phật dạy về sự bình đẳng dù sinh con trai hay con gái - 18/07/2019
- Tội nào nặng nhất, nghiệp báo đáng sợ nhất? - 18/07/2019
- Rượu gây ra 36 tội lỗi nên đức Phật cấm uống, cấm mời, cấm buôn bán rượu - 18/07/2019
- Lời Phật dạy sâu sắc về việc nhẫn nhịn trong cuộc sống - 18/07/2019
- Đức Phật dạy về cúng thí và ngạ quỷ - 18/07/2019
- Mê tín dị đoan, do đâu? - 17/07/2019
- 9 cách thay đổi số phận khi áp dụng các giáo lý nhà Phật - 15/07/2019
- Bốn hạng người luôn sống khổ - 15/07/2019
- Theo lời Phật dạy thì không có ai là đấng sáng thế - 06/07/2019
- Luận bàn về ranh giới giữa Mê và Ngộ - 06/07/2019
- Đạo Phật và nghệ thuật hóa giải sân hận - 06/07/2019
- Tôn giả Ma Ha Ca Diếp: Người dốc lòng giữ gìn phạm hạnh - 06/07/2019
- Tại sao đức Phật lại nói về thuyết luân hồi? - 06/07/2019
- Pháp tu căn bản của Phật tử - 06/07/2019
- Làm ơn hãy nghĩ đến sự tồn vong của chánh pháp và lợi ích chúng sanh - 06/07/2019
- Tu chứng - 06/07/2019
- Điều phục ý căn - 06/07/2019
- Hiểu và Ngộ - 06/07/2019
- Thiền và tâm lý trị liệu - 06/07/2019
- Tâm linh Phật giáo và xã hội đương đại - 06/07/2019
- Khái niệm giải thoát và giải thoát sinh tử trong đạo Phật - 06/07/2019
- Pythagore và thuyết luân hồi - 06/07/2019
- Đức Phật là thầy dẫn đường bậc mô phạm đạo đức - 06/07/2019
- Bàn về hai chữ cư sĩ trong kinh Tăng nhất A-hàm - 06/07/2019
- Cuộc sống hoàn toàn tốt đẹp bền vững theo Phật giáo - 06/07/2019
- Nguồn gốc và ý nghĩa của kinh Lương hoàng sám pháp và Thủy sám pháp - 06/07/2019
- Đức Phật dạy về cách xa lìa ái dục, xử lý năng lượng tình dục - 06/07/2019
- Các thiên tài nổi tiếng lý giải về Đức Phật - 06/07/2019
- Thế nào là mười nghiệp lành? - 06/07/2019
- Cuộc sống hoàn toàn tốt đẹp bền vững theo Phật giáo - 30/06/2019
- Bố thí, cúng dường cũng có năm bảy đường - 30/06/2019
- Hạnh phúc của người Phật tử - 16/06/2019
- Pháp lạc trong tu học - 16/06/2019
- Quán vô thường để chứng đạt vô ngã - 16/06/2019
- Suy nghiệm lời Phật: Khéo nghĩ - 16/06/2019
- Giết gì được Phật khen? - 16/06/2019
- Ý nghĩa bài kệ mở đầu kinh Pháp Hoa - 16/06/2019
- Bản chất cầu nguyện - 16/06/2019
- Quan điểm của Phật giáo về vấn đề tự tử - 16/06/2019
- Ý nghĩa phẩm Pháp sư thứ 10 kinh Pháp Hoa - 16/06/2019
- Suy nghiệm lời Phật: Chớ xem thường trẻ nhỏ - 16/06/2019
- Làm gì khi thất tình? - 16/06/2019
- Ý nghĩa Phẩm Bồ-tát Tùng Địa Dũng Xuất thứ 15 kinh Pháp hoa - 16/06/2019
- Suy nghiệm lời Phật: Biết cách tiêu tiền - 16/06/2019
- Pháp hành bố thí - 16/06/2019
- Hai pháp lành hộ trì thế gian - 16/06/2019
- Phép Hòa Quang Tam Muội Của Hai Thiền Sư Việt - 11/06/2019