Ngũ căn – Ngũ lực

Cập nhật: 15/10/2022

“Ngũ căn – Ngũ lực” là những phương pháp tu tập cần thiết, giúp cho con người có được cuộc sống an lạc ngay nơi hiện tại và thành tựu đạo quả trong tương lai

Ngũ căn – Ngũ lực

 

BÀI 1

A. DẪN NHẬP

Nói đến đạo Phật là nói đến con đường tu tập để đạt được mục đích giải thoát. Trong Kinh “Làng Soma” thuộc Trung Bộ III Đức Phật dạy: “Về sau giáo đoàn có sự sai khác về nếp sống, sinh hoạt, về quy chế tổ chức nhưng không thể có sự sai khác về đường lối tu tập, về 37 phẩm trợ đạo”. (Thích Minh Châu (2001), (dịch), Trung Bộ III, Kinh Làng Samma, NXB Tôn giáo Hà Nội, Trang 68)

Qua lời dạy trên cho chúng ta thấy, về mặc hình tướng các phương tiện tu tập tuy có khác nhau nhưng mục đích và kết quả đều mang tính thống nhất, đan quyện vào nhau, bổ sung cho nhau. Ví như một cái cây để sống được cần phải có những yếu tố cần thiết, chẳng hạn như đất, nước, gió, không khí…

Cũng như thế, con người muốn tu tập đạo giải thoát, tất nhiên cũng  cần phải có những phương pháp hổ trợ. Do đó, Ngũ căn – Ngũ lực là một trong 37 phẩm trợ đạo thuộc phần “Đạo đế”. Có thể nói “Ngũ căn – Ngũ lực” là những phương pháp tu tập cần thiết, giúp cho con người có được cuộc sống an lạc ngay nơi hiện tại và thành tựu đạo quả trong tương lai

B. NỘI DUNG

        I. ĐỊNH NGHĨA

            1. Ngũ căn (Para – Indriya)

Ngũ: là năm.

Căn: là nền tảng căn bản, gốc rễ, là cơ sở xuất phát. Khả năng nhiếp phục (diệt trừ) tham, sân, si.

Ngũ căn: là năm cơ sở sinh khởi của tất cả các thiện pháp. Tức là năm đức tính căn bản của quả vị giải thoát. Gồm có:

  1. Tín căn (saddha): niềm tin đối với chánh pháp.
  2. Tấn căn (Viriya): sự nổ lực tu tập thiện pháp, dứt trừ ác pháp.
  3. Niệm căn (Sati): nhớ nghĩ những điều chân chính.
  4. Định căn (Samadhi): lắng tâm yên tịnh, chuyên chú vào chánh pháp không để tạp niệm xen vào.
  5. Tuệ căn (Panna): hiểu rõ chân lý, chuyển hóa khổ đau.
  1. Ngũ Lực (Paca-Bala):

Lực: là năng lực, là sức mạnh.

Ngũ lực: là năm sức mạnh tinh thần, năm khả năng do thực hành năm căn đưa tới, làm cho hành giả giác ngộ. Gồm có:

  1. Tín lực: sức mạnh của lòng tin chánh pháp, không chịu tin theo các tà thuyết ngoại đạo làm mê hoặc cám dỗ, không vì hoàn cảnh đổi thay mà ngã lòng thối chí.
  2. Tấn lực: sức mạnh của sự tinh tấn, không ngại gian nan khó nhọc, mạnh mẽ tiến lên đường giải thoát.
  3. Niệm lực: sức mạnh của chánh niệm, khi tạp niệm nổi lên lập tức dứt bỏ, không để chúng tiếp tục sinh khởi.
  4. Định lực: sức mạnh của tâm yên tịnh, trong tâm không loạn động và ly khai hết những khuấy rối của hoàn cảnh bên ngoài.
  5. Tuệ lực: sức mạnh của trí tuệ, dùng trí tuệ phá trừ vô minh, khiến thân tâm hoàn toàn sáng suốt.

     II. THÀNH PHẦN NGŨ CĂN – NGŨ LỰC

            1. Tín căn

Tín: là niềm tin vững chắc.

Tín căn: là niềm tin vững chắc vào chánh pháp

a.  Niềm tin thế gian:

  • Tin vào ngũ dục lạc

Con người ai cũng có một niềm tin để hướng đến. Có người tin vào tiền bạc, danh vọng, lấy tài sản làm nơi trú ẩn, nương tựa và an tâm khi tài sản tăng trưởng, lại có người tin vào tình yêu, cho đó là lẽ sống của đời họ. Hoặc có người tin vào vận may, tướng số, thần linh, cục đất, ông táo, bình vôi… nhưng họ đâu thể nhận ra rằng: những đối tượng của niềm tin thế tục đều đưa đến bất an, bất hạnh và đau khổ. Bởi thế cho nên:

“Người đi một nửa hồn tôi mất

Một nửa hồn tôi bổng dại khờ”

(Hàn Mạc Tử)

Không chỉ có tin vào tình cảm con người mới hụt hẩng, ngay cả khi tin vào công danh sự nghiệp hay tài sản cũng không bền. Vì sao?

“Công danh cái thế màng sương sớm

Phú quý vinh hoa giấc mộng dài’

(Thiền sư Thanh Đàm)

Thật vậy, ngay cả khi ta có rất nhiều tài sản tưởng chừng như ăn đến đời cháu chắt cũng không hết. Thế nhưng, một khi vô thường tới chỉ cần một trận động đất hay sóng thần ập đến, mạng mình còn chưa giữ được đừng nói chi đến gia tài. Do đó một khi chúng ta tham đắm, tin tưởng vào “Ngũ dục lạc”(tài, sắc, danh, thực, thùy) thì chỉ có khổ thôi.

  1. Niềm tin thánh pháp
  • Tin Tam Bảo

Người phật tử có “Tín căn” nghĩa là niềm tin đối với Tam Bảo một cách vững chắc. Ví như rễ cây cổ thụ được cắm sâu vào lòng đất, nhờ đó mà thân cây được đứng vững giữa bảo tố phong ba. Cũng như thế, chúng ta tin Phật thì đời đời không bị đọa lạc vào đường khổ. Vì sao?

 Bởi vì Đức Phật là Bậc toàn giác với đầy đủ mười danh hiệu Như Lai. Với tâm từ bi vô lượng, phước trí vô biên. Do đó, mà chúng ta cần phải gieo trồng niềm tin nơi Ngài. Đức Phật dạy về tín căn như sau:

Này các Tỳ Kheo! Vị thánh đệ tử có lòng tin vào sự giác ngộ của Như Lai rằng : Đây là Như Lai, ứng cúng, chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế gian giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Này các tỳ kheo! đây được gọi là Tín Căn”. (Thích Minh Châu (2002), dịch Kinh Tương Ưng V, phẩm Thanh Tịnh, NXB Tôn giáo Hà Nội, trang 308)

Cũng từ nghĩa này nên trong các Kinh tụng đều xưng tán Đức Như Lai:

“Đấng pháp vương vô thượng

Ba cõi chẳng ai bằng

Thầy dạy khắp trời người

Cha lành chung bốn loài

Quy y tròn một niệm

Dứt sạch nghiệp ba kỳ”

Xưng dương cùng tán thán

Muôn kiếp không cùng tận
Kinh Nhật Tụng (2002), NXB Tôn giáo Hà Nội, trang 9)

Thật vậy, không những chúng ta tin Phật mà cần phải “Tin Pháp” nghĩa là tin vào lời Phật dạy của Đức Như Lai, là giáo pháp cao siêu giúp cho ta thoát khỏi mê lầm, đạt đến giác ngộ an vui.

Tuy nhiên, điều quan trọng và không thể thiếu đó là “Tin Tăng” Bởi “Tăng” là đoàn thể thanh tịnh hòa hợp. Chúng ta sanh vào thời không gặp Phật, nhờ có qúy Ngài gìn giữ giáo pháp của Phật và dẫn dắt chúng ta tu.

Thật vậy, một khi chúng ta tin vào Tam Bảo, cũng có nghĩa là ta tin tưởng vào điều thiện, tin vào lý nhân quả, vô thường, luân hồi, nhân duyên, nghiệp báo. Chẳng hạn, ta tin gieo nhân trộm cắp sẽ gặt hái quả báo đau khổ ngồi tù.

Nhờ tin vào lời Phật dạy nên ta giữ giới, không tạo các nghiệp ác, trái lại còn biết gieo trồng các hạnh lành, làm giảm bớt cho đến từ bỏ tham, sân, si. Chính vì thế, nên trong Kinh Hoa Nghiêm Đức Phật dạy: “Niềm tin là mẹ sinh ra tất cả công đức” Do đó:

“Có tín thành tựu giới

Từ giới pháp bảo sinh

Nhờ đó sống an ổn

Được cung kính cúng dường”
(Thích Minh Châu (2002), dịch, Kinh Pháp Cú, phẩm Thanh Tịnh, NXB Tôn giáo Hà Nội, trang 122)

Ngoài ra, ta phải biết tin chính mình. Tin mình tu tập sẽ thành tựu đạo quả, như trong Kinh Pháp Hoa Đức Phật dạy: Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành” Và khi nào thành? nhanh hay chậm?  là do chính chúng ta.

Do đó, chính chúng ta chứ không ai khác. cần phải xác lập lại niềm tin của mình. “Khổ đau” hay “Hạnh phúc” là do niềm tin của mình có đặt đúng chổ không. Nếu như mình tin vào “Ngũ dục lạc”, tin vào các cám dỗ của thế gian thì không bền và chúng cũng không thể giúp chúng ta thoát khỏi sanh tử luân hồi.

 Nhưng một khi ta có là niềm tin đối với Tam Bảo (Tín căn). Lấy Tam Bảo Thầy dẫn đạo thì chẳng những hiện tại mình được an lạc, hạnh phúc và muôn kiếp không rơi vào ba đường khổ (Địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh). Hơn nữa, còn tiến đến quả vị giác ngộ giải thoát trong tương lai. Niềm tin không lay chuyển đó là “Tín lực”

Tuy nhiên, chỉ có niềm tin không chưa đủ mà cần phải thực hành, chính là ý nghĩa thứ hai.

      2. Tấn căn

Tấn: Tinh tấn

Tấn căn: là sự nổ lực đúng đắn để đoạn trừ các điều ác và phát triển các điều thiện.

Đức Phật dạy: Này các tỳ kheo! Y vào Tứ Chánh Cần để thu nhận tinh tấn. Đây gọi là Tấn căn (Tương Ưng V).

Khi chúng ta có niềm tin đối với Tam Bảo một cách vững chắc, năng lực của niềm tin ấy sẽ thôi thúc ta tin tấn thực hiện Tứ Chánh Cần. Nghĩa là ta thực hiện và phát huy hai lãnh vực “Chư ác mạc tác. Chúng thiện phụng hành” được đề cập vào bốn phương diện nổ lực tinh cần như sau:

a/ Nỗ lực tinh cần ngăn ngừa những điều ác chưa sanh.

b/ Nỗ lực tinh cần dứt trừ những điều ác đã sanh.

c/ Nỗ lực tinh cần làm sinh khởi những điều thiện chưa sanh.

d/ Nỗ lực tinh cần làm tăng trưởng những điều thiện đã sanh.

  1. Bốn lãnh vực tinh cần có thể được hiểu như sau:

Nghĩa là ta không để sáu giác quan (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) bị chi phối và cuốn hút theo các đối tượng tham dục, ngăn chặn các phiền não, bất thiện. Chẳng hạn như vì do vô minh nên thân, khẩu, ý ta lỡ gây tạo bao ác nghiệp như sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói thêu dệt, nói đôi chiều, nói lời hung ác, tham, sân, si… thì từ nay trở đi ta phải cố gắng từ bỏ không dám tái phạm và như trong Kinh “Bát Bại Nhân Giác Phật dạy rằng:

“Giải đãi đọa lạc

Thường hành tinh tấn

Phá phiền não ác

Tồi phục tứ ma

Xuất ấm giới ngục”
(Thích Thanh Từ (2011), Kinh Bát Đại Nhân Giác, giảng giải, NXB Tôn giáo Hà Nội, trang 53)

Nghĩa là: Lười biếng tu tập thì trầm luân, thế nên phải thường hằng siêng năng tinh tấn tu hành mới phá trừ được mười kiết sử phiền não là “Tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến, thân kiến, thiên kiến, biên kiến, kiến thủ và giới cấm thủ” bởi mười ác nghiệp này luôn luôn trói buộc, sai xử chúng ta tạo ra biết bao nhiêu nghiệp ác, nên ta cần phải siêng năng tinh tấn diệt trừ.

Có như thế ta mới hàng phục bốn ma (Thiên ma, tử ma, phiền não ma, Ngũ ấm ma) ra khỏi ngục tù Năm ấm (sắc ấm, thọ ấm, tưởng ấm, hành ấm thức ấm) và ba cõi (dục giới, sắc giới và vô sắc giới).

Như vậy, tinh tấn theo tinh thần Phật dạy là lúc nào chúng ta cũng phải nỗ lực tu tập. Nếu không nỗ lực, không cố gắng thì khó tiến xa trên đường đạo như lời Thiền sư Hoàng Bá:

“Nếu chẳng một phen xương lạnh buốt

Hoa mai đâu dễ toả mùi hương”.

Nếu không một phen chịu cái lạnh buốt của mùa đông thì khó hưởng được mùi thơm của hoa mai. Chịu được cái lạnh buốt của mùa đông tức là nói lên sức mạnh của sự tinh tấn tu tập.

(Dẫn chuyện) Rùa và Thỏ

Rùa và Thỏ thi nhau chạy đua, thỏ biết mình chạy nhanh hơn Rùa nên ỷ lại, vừa chạy vừa chơi. Rùa cũng biết thân mình chậm chập nên cố gắng chạy không ngừng nghỉ.

Mải mê lo chơi đến khi Thỏ nhìn lại thì Rùa đã về gần đến nơi rồi. Lúc này, Thỏ ra công chạy. Thế nhưng, không còn kịp nữa, đành phải thua Rùa.

Như vậy, bạn Rùa về đến nơi trước bạn Thỏ là do bạn ấy siêng năng, tinh tấn không ngừng nghỉ. Còn bạn Thỏ, do tánh ỷ lại nên chểnh mãn giải đãi trên con đường của mình và tất nhiên phải nhận lấy hậu quả thất bại thôi.

Qua câu chuyện trên chúng ta rút ra bài học. Bất cứ lãnh vực nào nhất là sự tu tập, chúng ta cần phải gia tâm nổ lực, siêng năng, luôn luôn Tinh tấn không ngừng nghỉ. Có như thế ta mới mong thành tựu đạo quả.

 Ngược lại, nếu như ta ỷ lại thời gian còn dài, ỷ lại mình còn trẻ, khỏe thì khi vô thường đến, ta có muốn tu cũng không kịp và cứ tiếp tục trôi lăn trong sanh tử luân hồi.

Chính vì thế, tu tập “Tấn căn” là ta cần phải nổ lực từ bỏ các điều ác và cố gắng thực hành những việc lành. Chẳng hạn như, chúng ta không làm nhũng việc sai quấy mà còn biết gieo tạo công đức lành như biết bố thí, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Hoặc như ta thực hành hạnh ăn chay, giữ giới không giết hại súc vật, hoặc như ta chuyên tâm niệm Phật đó là “Tấn căn”

Và dù cho có gặp những chướng ngại thì “Tấn lực” là sức mạnh giúp cho ta vững vàng vượt qua mọi trở ngại để tiến tu. Muốn thành tựu được như thế ta phải áp dụng phương pháp thứ ba. 

          3. Niệm Căn

Niệm: nhớ đến, nghĩ đến.

Niệm căn: nhớ nghĩ đến những điều chân chánh. Còn gọi là chánh niệm

Thông thường, chúng ta hay phóng tâm chạy theo sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) qua các giác quan (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) và luôn bị chúng chi phối nên ta dễ dàng mất chánh niệm.

 Chẳng hạn như hôm qua ta bị một người mắng chửi, hôm nay mình còn nhớ lại lời mắng chửi ấy nên mình còn tức giận. Nghĩa là tâm mình luôn chạy theo trần cảnh nên mới tức giận và một khi còn tức giận là mình còn khổ. Bởi vì: Nhất niệm sân tâm khởi, bá vạn chướng môn khai” Nghĩa là khi một niệm sân giận khởi lên thì trăm ngàn cửa địa ngục mở. Chính vì thế:

“Người ơi tin hay không

Khổ, vui do mình đó

Đừng dại chi đeo mang

Cho tâm mình thênh thang”.

Chúng ta không đeo mang những phiền toái thì tâm mình mới được nhẹ nhàng. Do đó, thay vì để cho tâm nhớ nghĩ những pháp bất thiện, mình chuyển sang nghĩ nhớ đến những điều thiện.

Trong Kinh Di giáo Đức Phật dạy: “Chế tâm nhất xứ, vô sự bất biện” nghĩa là trụ tâm lại một chổ thì không việc gì không thành tựu”

Trụ tâm là biết rõ và chú ý đến các ý nghĩ, lời nói, việc làm của mình để khắc phục, chuyển hóa những tà niệm thành chánh niệm. Chẳng hạn như khi mình bị một người chửi mắng sĩ nhục. Thay vì mình tức giận và quát tháo lại người ấy cho hả giận. Nhưng ta kịp dừng lại và theo dõi cơn giận của mình với những ý nghĩ dễ thương:

“Lời qua tiếng lại

Đưa ta tới đâu

Sao không dừng lại

Kẻo hố thêm sâu”

⃰   ⃰   ⃰

 “Lời qua tiếng lại

 Giải quyết chi đâu

Sao không dừng lại

Thở nhẹ và sâu”

⃰   ⃰   ⃰

“Lời qua tiếng lại

Đưa ta tới đâu

Sao không thở nhẹ

Mĩm cười nhìn nhau

Nếu như mình nhớ nghĩ được như thế thì cơn giận sẽ không đủ sức bành chướng. Nghĩa là mình đã khống chế được sự sân giận phiền não, cũng chính là mình đang có chánh niệm.

Tuy nhiên, để giữ được chánh niệm lâu dài Đức Phật dạy chúng ta cần phải áp dụng phương pháp quán “Tứ niệm xứ”

Đức Phật dạy Này các Tỳ Kheo! cần phải quán Niệm Căn trong Tứ niệm xứ (Tương Ưng V, trang 301).

Dựa trên Bốn Niệm Xứ “Quán thân bất tịnh, quán thọ thị khổ, quán tâm vô thường, quán pháp vô ngã”

Quán thân nhơ nhớp để từ bỏ tâm tham đắm sắc dục. Dùng thân làm thuyền bè để qua sông sanh tử.

Quán thọ thị khổ để đối trị tâm tham đắm Ngũ dục lạc. Trở về nếp sống tri túc, an bần thủ đạo.

 Quán tâm vô thường để đối trị tâm vọng tưởng. Trở về sống với  tâm thanh tịnh.

Quán pháp vô ngã để phá trừ tâm tham ái chấp thủ. Xa lìa phiền não, chuyển hóa khổ đau.

Khi biết an trú vào các tâm thiện, tâm hồn ta được vững chãi, an ổn, thanh thản, ta có thể làm việc, sinh hoạt, tham dự mọi hoạt động xã hội mà không bị ô nhiễm hay phiền não tác động chi phối, và Niệm lực” là sức mạnh giúp cho ta loại trừ các tâm ý lăn xăn, vọng tưởng, tâm được yên vui.

 Trong Kinh Di giáo Đức Phật dạy: Nếu chánh niệm có sức lực vững mạnh thì dầu vào trong đám giặc ngũ dục không bị chúng sát hại, như tướng sĩ lâm trận mà mặc áo giáp đồng thì không còn sợ hãi” (Thích Hàm Quan (2009), Phật Tổ Ngũ -> Kinh, Kinh Di Giáo, NXB Tôn giáo Hà Nội, trang 359)

 Trong Kinh Pháp Cú Đức Phật cũng dạy:

“Như ngôi nhà khéo lợp

Mưa không xâm nhập vào

Cũng vậy tâm khéo tu

Tham dục không xâm nhập”
(Thích Minh Châu (2002), Kinh Pháp Cú, phẩm Tâm, NXB Tôn giáo Hà Nội, trang 15)

Do đó, khi Niệm lực” chúng ta vững vàng thì lẽ tất nhiên, dù ta sống trong cảnh giới của “Ngũ dục lạc”, ta cũng không bị chúng lôi cuốn. Đó là đặc tính của “Niệm lực” hay “chánh niệm”. Nhờ có chánh niệm, ta có thể kiểm soát những vui buồn, những ý nghĩ ô nhiễm của mình để chuyển hóa chúng, Cũng chính là ý nghĩa thứ tư tức “Định căn.

           4. Định Căn

Định: là dừng các vọng tưởng.

Định căn: (Samadhi) dịch là tam Ma Địa. Còn gọi là “Thiền Na” hay “Thiền Lự”, là lắng tâm yên tịnh.

 Đức Phật dạy: Thế nào là định căn? Vị thánh đệ tử sau khi từ bỏ pháp sở duyên, được định, được nhất tâm” (Tương ưng V, trang 310).

Hoặc nói theo Kinh Di Giáo: “Này các Thầy Tỳ Kheo! Tập trung tâm lại thì tâm sẽ ở trong định”.( Thích Hoàn Quan (2009), Kinh Di Giáo, phẩm Thiền Định, NXB Tôn Giáo Hà Nội, trang 359)

Tập trung tâm lại là gom tâm về một mối, nếu sự chuyên nhất ấy làm cho tâm ta trở nên tham lam, ích kỷ, sân hận, si mê, làm cho ta tâm ta bị các phiền não quấy rối thì là “tà định”.

 Chẳng hạn như ta tập trung tâm trí để cại cửa, sao cho không gây ra tiếng động làm chủ nhà thức giấc để ta thực hiện hành vi trộm cắp của mình là “Tà định”

Ngược lại nếu sự chuyên nhất ấy đưa đến thanh tịnh. Tức là khi tâm xa lìa các pháp bất thiện như phiền não, tham lam, ganh tị, tật đố vv… là “Chánh định”.

Chẳng hạn như ta vận động mọi người làm từ thiện và bỏ công sức, tài sản của mình ra để đi cứu trợ đồng bào bị nạn, thế nhưng có một số người, chẳng những họ không ủng hộ còn đem lời phỉ báng, nói ta làm vì lợi, vì danh.

Dù nghe người khác phỉ báng như thế ta cũng không buồn, không giận, không nản chí, không vì những câu nói trái ý nghịch lòng làm cho tâm mình dao động hay phiền não tức là “Chánh định”.  Đó chính là ý nghĩa của “Định căn”.

Nghĩa là đối trước trần cảnh nhưng tâm mình luôn luôn giữ “Chánh niệm” và “Chánh niệm” được bao nhiêu thì tâm mình “Định” được bấy nhiêu.

(Dẫn chuyện)

Ma vương cám dỗ Thái Tử Tất Đạt Đa dưới cội cây Tất bát la (Bồ đề)

Hình ảnh Thái Tử Tất Đạt Đa khi Ngài thiền định dưới cội cây Bồ đề bị nội ma lẫn ngoại ma công kích, quấy phá. Thế nhưng Ngài vẫn giữ được tâm không dao động. Tức ‘Chánh niệm” và nhờ chánh niệm nên tâm Ngài đạt đến trạng thái “Định”. Một loại “Định” kiên cố làm cho đội quân ma phải rung sợ và cao chạy xa bay.

Tóm lại, định có được nhờ niệm. Như khu vườn tâm được làm sạch cỏ phiền não và cây trái được trồng, chỉ cần siêng năng chăm bón là đơm hoa kết trái.

 Cũng vậy, người có được định là không để có các đối tượng tham, sân, si, phiền não khuấy động, không để cho dòng suy tư bất thiện tuôn chảy mà phải làm cho những tạp niệm bất an được dừng lại và buông bỏ, để tâm được định tĩnh.

Tâm được định tĩnh cũng có nghĩa là tâm an lành, tâm an lành là tâm không bị vướng mắc bởi phải, quấy, tốt, xấu, hơn, thua, tâm không bị tật đố, ganh tỵ, phiền não chi phối.  Và sức mạnh để chuyển hóa tâm bất định trở nên được định tĩnh tức là “Định lực” từ định lực làm phát sanh ra tuệ căn.

          5. Tuệ Căn

Tuệ: Sáng, rõ biết.

Tuệ Căn: Khả năng thấy, biết, nhận định vấn đề một cách chính xác.

Chẳng hạn, thấy rõ tính vô thường, vô ngã, chuyên sinh nhân quả, nghiệp báo…một cách trực tiếp. Chánh kiến, chánh tư duy là những biểu hiện của trí tuệ.

Thông thường, chúng ta nhận định sự việc theo bản năng mình, chẳng hạn như ta quan niệm tên của mình là thật có nên hễ ai đụng đến tên mình, kêu tên mình ra chê một tiếng, mình tức tối nổi giận. Hoặc nghe khen mình một tiếng, ta liền vui như mở hội trong lòng.

Tuy nhiên, với người có “Tuệ căn” sẽ nhìn thấu đáo một cách tường tận thân này là do nhân duyên giả hợp. Tức do Tứ đại: (sắc thân) và Ngũ Uẩn tức (sắc ấm) mà thành nên không thật.

Vậy thì cái tên cũng không thật có. Do vậy, cho dù khen hay chê đến tên mình cũng không thật, nghĩ như thế chắn chắn người ấy sẽ vượt thoát khổ đau.   

Đức Phật dạy: “Này các tỳ kheo! Với vị thánh đệ tử có trí tuệ, này các tỳ kheo! Tất nhiên tín được an trú, tinh tấn được an trú, niệm được an trú, định được an trú”. (Tương Ưng V, trang 310)

Kinh Di giáo Đức Phật cũng dạy Trí tuệ chân thật là chiếc thuyền bền chắc nhất để vượt biển sanh, lão, bệnh, tử. Là ngọn đèn chiếu sáng bức phá cảnh tối tăm mờ ám. Là thuốc hay trị tất cả các chứng bệnh. Là lưỡi búa chém chặt đứt cây nghiệp phiền não” (Thích Hoàn Quan (2009), Kinh Di Giáo, phẩm Trí Tuệ, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, trang 365). 

Chính vì thế, trí tuệ được xem là tối thượng và cần thiết. Bởi sức mạnh của trí tuệ là khả năng đoạn trừ phiền não, đoạn trừ sự chấp thủ, chấp ngã, đoạn trừ vô minh vi tế. Và đồng thời xuất hiện tâm “Từ, Bi, Hỷ, Xả”, thành tựu giải thoát, giải thoát tri kiến, đưa đến quả vị giải thoát an vui và đặc biệt còn có khả năng đầy đủ phương tiện độ sanh.

Như vậy, trí tuệ vừa là nguyên nhân vừa là kết quả của các thành quả tu tập. Trong mọi lãnh vực, mọi pháp môn, trí tuệ luôn dẫn đầu. Do đó, trí tuệ được xem là sự nghiệp của người tu “Duy tuệ thị nghiệp”.

Bởi có trí tuệ (Tuệ căn) con người mới phát huy Tín căn, Tấn căn, niệm căn, định căn một cách chính xác và nhờ sức mạnh của Tuệ lực” luôn dẫn đầu cho đoàn quân Tín lực, Tấn lực, Niệm lực, Định lực chuyển hóa các khổ đau.

      III. ỨNG DỤNG TRONG TU TẬP

Tu tập “Ngũ Căn - Ngũ lực”. Chẳng hạn như ta đang tu tập theo pháp môn Tịnh Độ cầu sanh về cảnh giới Tây phương Cực lạc. Điều tất nhiên và không thể thiếu là lòng tin với pháp môn mình đang tu tập.

Ta phải tin rằng có cõi Ta bà đau khổ này, tất phải có cõi Cực lạc thanh tịnh, không còn phiền não đau khổ. Ta tin lời Phật nói không sai, tin có cõi Phật A Di Đà đang chờ đón chúng ta.

Tin mình tu sẽ thành Phật (Tín căn) Cho dù những cám dỗ khác có hứa hẹn chổ này linh, chổ kia giỏi. Đối với những niềm tin như thế không thể cám dỗ chúng ta được đó là “Tín lực”

Tuy nhiên, để thành tựu được pháp môn mình tin tưởng, chúng ta cần phải nổ lực rất nhiều. Chẳng hạn như mình tu theo pháp môn Tịnh Độ và niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà với mong muốn vãng sanh nước cực lạc thì không thể mang cả tâm tham lam, ích kỷ, bỏn xẻn, hờn giận, phiền não mà đi về nơi ấy. Vì như trong Kinh A Di Đà Đức Phật dạy Này Xá Lợi Phất ! Bất khả dĩ thiểu thiện căn phước đức nhân duyên, đắc sanh bỉ quốc.(Thích Minh Thời (2008), Kinh A Di Đà, NXB Tôn giáo Hà Nội, Trang 79)

Nghĩa là không thể dùng chút ít thiện căn phước báu nhân duyên mà có thể sanh về cõi đó được. Do đó, Không chỉ có lòng tin là đủ mà cần phải có nhiều căn lành. Như vậy, muốn có căn lành ta cần phải dụng công, luôn siêng năng tinh tấn tu tập (Tấn căn) vượt qua mọi thử thách để tu tập (Tấn lực).

Không chỉ có niệm Phật, ta cần phải nghĩ nhớ đến những lời Phật dạy để thực hành (Niệm căn). Đối với những điều ác ta phải biết chuyển hóa chúng trở nên thiện một cách bền chắc lâu dài (Niệm lực).

 Giữ vững lập trường không để cho các phiền não làm phá hoại, tức là ta niệm Phật nhưng không bị các việc phải, quấy, hơn, thua, tốt xấu chi phối (Định căn) chẳng hạn như khi bị người khác la mắng ta cũng niệm Phật, mất tiền, mất của ta cũng niệm Phật (Định lực).

Dùng chánh kiến soi sáng mọi vấn đề để ba nghiệp thanh tịnh, tức là dù cho những điều bất như ý có xẩy đến với mình, ta vẫn an nhiên niệm Phật vì biết tất cả đều là ‘Vô thường, Vô ngã” bởi tất cả là do nhân duyên sanh, diệt (Huệ căn), Hiểu như thế ta sẽ được an lạc và tất nhiên “Huệ Lực” giúp ta vượt qua mọi chấp thủ đạt đến chổ giải thoát an vui.

       VI. LỢI ÍCH CỦA SỰ TU TẬP

Trong Kinh Tương Ưng V Đức Phật dạy: “Này các Tỳ Kheo! Do tu tập làm cho sung mãn năm căn này, vị tỳ kheo sẽ đoạn tận lậu hoặc ngay trong hiện tại, tự mình chứng ngộ thắng trí, chứng đạt và an trú vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát.” (Thích Chơn Thiện (2006), Phật Học Khái Luận, NXB văn hóa Sài gòn, Trang 354)

Và cũng trong Kinh Tương Ưng V Đức Phật dạy: “này các Tỳ Kheo! Ví như, Sông hằng thiên về phương đông, hướng về phương đông, xuôi về phương đông. Cũng vậy, này các Tỳ kheo! Vị Tỳ kheo tu tập “Ngũ Lực”, làm cho sung mãn Ngũ Lực, thiên về Niết-bàn, hướng về Niết- bàn, xuôi về Niết-bàn”. (Thích Chơn Thiện (2006), Phật Học Khái Luận, NXB văn hóa Sài gòn, Trang 354)

 Thật vậy, do tu tập “Tín căn” - “Tín lực” đối trị tâm tà kiến, mê tính bị đoan, giúp ta có được niềm tin với chánh pháp một cách kiên cố.

 Do tu tập “Tấn căn - Tấn lực” đối trị tâm giải đãi, biếng nhác, giúp ta dũng mãnh thực hiện tránh các điều ác, làm những việc lành một cách miên mật trên bước đường tu của mình. 

Do tu tập “Niệm căn – Niệm lực” đối trị tà niệm, giúp ta nhớ nghĩ những điều chân chánh, không nhớ nghĩ mông lung.

Do tu tập “Định căn – Định lực” đối trị tâm lăn xăn vọng tưởng, giúp ta quay về với tâm thanh tịnh, không bị các phiền não chi phối.

Do tu tập “Tuệ căn – Tuệ lực”đối trị kiến chấp sai lầm, giúp ta có cái nhìn như thật tri kiến để chuyển hóa khổ đau.

C. KẾT LUẬN

Tóm lại, căn bản của “Ngũ căn – Ngũ lực” là chúng ta tu tập “Tứ chánh cần và Tứ niệm xứ”. Hơn nữa, ta cần phải biết buông bỏ mười kiết sử phiền não (Tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến, thân kiến, biên kiến, kiến thủ, giới cấm thủ). Mười tập nhân phiền não này ta phải làm cho chúng rơi rụng như lá vàng rơi rụng, rơi rụng giữa trời thu.

Có như thế, “Ngũ Căn – Ngũ Lực” mới phát huy một cách mạnh mẽ cũng như tăng trưởng các công đức thù thắng và dẫn đến đường lối giải thoát. Bởi đây là con đường tu tập của “Giới – Định – Tuệ”.

 Tu tập “Tín căn, Tấn căn” là thành trì “Giới” để ngăn chặng giặc bất thiện. Tu tập “Niệm căn, Định căn” là hai phương án “Định” nhằm thống lãnh tâm vọng động của chúng sanh. Và cuối cùng tu tập “Tuệ căn” “Tuệ lực” chính là trí “Tuệ” sắc bén để chuyển hóa nghiệp khổ, hướng đến giải thoát an vui.

Do đó, dù hành giả có tu theo pháp môn nào, Thiền Tông, Mật Tông hay Tịnh Độ Tông vv… thì “Ngũ căn – Ngũ lực” vẫn không thể thiếu. Ví như con chim cần phải có hai cánh để bay, con người cần phải có hơi thở ra, vô để sống.

 Cũng như thế, “Ngũ căn – Ngũ lực” là hai người bạn lành giúp cho ta trên đoạn đường tìm về bảo sở chân như “Tự Tánh”. Nghĩa là giúp cho ta xa lìa tâm tham ái, dứt trừ tập nhân phiền não, hướng đến quả vị giải thoát an vui.

Chia sẻ
Phật học liên quan