Quán Từ Bi

Cập nhật: 15/10/2022

Đạo Phật là đạo được xây dựng trên nền tảng và chất liệu của Từ Bi là chính. Vậy Từ Bi là gì, và làm sao để có được lòng Từ Bi ấy?

Quán Từ Bi

 

BÀI 1

 

A. DẪN NHẬP

Đạo Phật thường được gọi là đạo Từ Bi, đạo cứu khổ. Ở đâu có Đạo Phật, ở đó có tình thương. Trong quá trình truyền giáo, Đạo Phật chưa bao giờ và sẽ không bao giờ gây chiến tranh hay làm đổ máu cho bất kỳ một sinh linh nào. Thông điệp tình thương cứu khổ, giúp đời đã được Đức Phật tuyên thuyết ngay từ khi mới thành lập giáo đoàn. Chính vì hai chữ Từ Bi này mà Đạo Phật đã vượt qua mọi sự đả kích, chống đối, vu oan, hảm hại, tàn sát của ngoại đạo, để rồi tỏa ánh sánh Từ Bi khắp càn khôn vũ trụ này, làm lợi lạc chúng sanh.

          B. NỘI DUNG

          I. ÐỊNH NGHĨA

Từ: là ban vui. Bi: là cứu khổ

Thương yêu chúng sanh, mang lại cho họ niềm vui an lạc gọi là “Từ”. Đồng cảm với nỗi khổ và giúp cho chúng sanh bớt khổ là “Bi”. Nói đầy đủ là "Từ năng dữ nhất thiết chúng sanh chi lạc; Bi năng bạt nhất thiết chúng sinh chi khổ". Nghĩa là: Tâm Từ là đem niềm vui chân thật đến với tất cả chúng sinh; Tâm Bi là lòng rung động trước mọi đau khổ của chúng sanh mà tận tâm tận lực diệt trừ tận gốc rễ cái khổ cho tất cả mọi loài. Ban vui và cứu khổ trên tinh thần bình đẳng, vô ngã, vị tha, không dính mắc, không đắm nhiễm, không phân biệt, không có điều kiện, thì mới đúng với ý nghĩa cao quý của hai chữ Từ Bi.

Quán: là quan sát một cách thấu đáo, tập trung tư tưởng, dùng trí tuệ để tư duy, soi rọi và phân tích đối tượng, để thấu triệt được bản chất của nó.

Quán Từ Bi: quan sát một cách thấu đáo về nỗi khổ của chúng sanh mà cứu độ, giúp cho chúng sanh đạt đến an vui giải thoát một cách không phân biệt. Như vậy, quán Từ Bi chính là nhìn thấu được tận gốc rễ nỗi đau khổ muôn trùng của chúng sinh, để hành giả phát tâm Từ Bi mà vận dụng tất cả khả năng, tâm tư, phương tiện để giúp chúng sinh thoát khổ được vui.

                                     “Tình thương dâng khắp muôn nơi

                                      Con tim tuy nhỏ nhưng trời đất ôm”.

Từ bi trong Phật giáo bao trùm cả vạn loài vạn vật, từ con người, muôn thú cho đến cả loài cỏ cây. Từ Bi không phải là bi lụy, yếu mền, nhu nhược hoặc an thân thủ phận, mà Từ Bi trong Phật giáo được soi chiếu bởi trí tuệ. Như thế, Từ Bi về phương diện không gian, bao gồm tất cả mọi loài, còn về phương diện thời gian, bao gồm cả quá khứ, hiện tại và tương lai.

II. TỪ BI CỨU KHỔ BAN VUI NHƯ THẾ NÀO?

Từ Bi là động lực chính đã thúc đẩy Bồ Tát Tất Đạt Đa từ bỏ ngũ dục để ra đi tìm Đạo giải thoát, cứu độ chúng sinh. Bồ Tát không thể ngồi yên nhìn sự đau khổ đang chi phối trong đời sống của chúng sanh, cũng như người mẹ không thể ngồi yên khi nhìn thấy con mình đang đau đớn mà không tìm phương pháp để chữa trị. Càng thương con bao nhiêu, người mẹ lại càng nỗ lực tìm thầy chạy thuốc, quyết chữa lành bệnh cho con. Tâm nguyện của Bồ tát Tất Đạt Đa cũng thế, Ngài nguyện từ bỏ tất cả mọi hưởng thụ của thế gian để quyết đi tìm con đường chân lý cứu độ nhân sinh. Cho nên, mặc dù trải qua biết bao gian nan thử thách của chặn đường dài với hành trình năm năm tầm sư học đạo, sáu năm khổ hạnh rừng già, 49 ngày đêm tư duy thiền định, cũng chỉ với mục đích là tìm ra được đạo giải thoát. Tất cả cũng vì tâm Từ Bi vô lượng của Ngài đối với chúng sinh vậy. Tuy nhiên, để thành tựu được hạnh nguyện Từ Bi của mình khi cứu độ chúng sanh thì cần phải hội đủ các yếu tố làm phương tiện để giúp chúng sanh thoát khổ.

              1. Giúp về vật chất

Căn bản đầu tiên của việc ban vui, cứu khổ chính là giúp đỡ chúng sanh về vật chất. Tức là khi ta nhìn thấy người sống trong cảnh thiên tai, nghèo khổ, tật nguyền, đau ốm, đói khát…  mình phải chân thành san sẻ tài vật của mình với họ, gọi là “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, hay là “lá lành đùm lá rách”. Cách giúp đỡ này rất thực tế và dễ gây cảm tình với chúng sanh, nhưng đó chỉ là phương pháp cho vui cứu khổ tạm thời, không phải là rốt ráo. Ông bà ta có câu “cho con cá không bằng cho cần câu”, ý nói là giúp đỡ đối phương bằng cách tạo ra môi trường lao động phù hợp mà tự bản thân họ phải biết lao động tạo ra của cải vật chất. Ví dụ như ta giới thiệu việc làm cho người thất nghiệp, dạy nghề cho họ hay giúp họ học nghề…

                  2. Giúp về tinh thần

Đức Phật thấu rõ hơn ai hết về sự khổ nạn của chúng sanh, chính là vì vô minh nên tạo nhiều ác nghiệp, để rồi nghiệp dẫn chúng sanh trôi lăn trong lục đạo luân hồi. Cho nên sau khi thành đạo dưới cội Bồ Đề, Ngài đã dành hết thời gian 49 năm cho sự nghiệp giáo dục, giác ngộ chúng sanh bằng giáo pháp mà mình đã chứng ngộ. Thế Tôn đã đi khắp xứ Ấn Độ để thuyết pháp, giúp cho chúng sanh phá mê khai ngộ, ly khổ đắc lạc. Với Từ Bi tâm, Thế Tôn đã xóa tan đi mọi phân biệt giai cấp của một xã hội Ấn Độ rối ren lúc bấy giờ. Ngài đã để lại cho nhân loại một thông điệp qua câu nói: “không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ, trong giọt nước mắt cùng mặn”. Ngài cũng khẳng định rằng: “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”. Chính điều này đã giúp cho nhân loại giải thoát khỏi mọi xiềng xích của Thượng đế, thần linh, ác quỷ…

Để đối trị lại ác nghiệp của chúng sanh, giúp nhân loại sống an lạc trong đời này, đời sau thì không gì hơn là giữ giới. Giới chính là nền tảng đạo đức của thế gian và xuất thế gian. Cho nên, Thế Tôn đã ân cần truyền trao giới luật cho hàng tại gia cũng như xuất gia gìn giữ. Giữ giới rồi thì con người mới không mê muội tạo tội, không tội tạo thì hạnh phúc, bình an sẽ đến với chúng ta (ví dụ giữ ngũ giới… )   

          Tâm từ Bi của Phật còn bao trùm lên cả các loài động vật, côn trùng nhỏ bé và cỏ cây. Ngài không cho phép đệ tử sát sanh hại vật. Ngài dạy người xuất gia phải lọc trùng trong nước và tụng chú trước khi uống. Ngài không cho đệ tử vô cớ ngắt lá bẻ cành hay dẫm đạp lên cây cỏ, không được đổ nước sôi xuống đất vì dưới đất có nhiều côn trùng trú ẩn. Ngài dạy đệ tử khi ngủ dậy, trước khi đặt chân xuống đất phải đọc bài kệ hạ đơn để phòng những trường hợp vô tình đạp trúng côn trùng dưới chân. Nếu có lỡ đạp thì nguyện chúng sanh đó được sanh về tịnh độ….Tất cả mọi cử động niệm đều hướng về chúng sanh, cầu nguyện cho chúng sanh đều được thoát khổ.

   III. TẠI SAO PHẢI QUÁN TỪ BI?

Nỗi khổ của con người, khi chưa tu theo lời Phật dạy, chắc chắn chưa ai thật sự hết khổ. Có người khổ vì nghèo, bệnh tật làm không ra tiền, có người khổ vì gia đình, khổ vì chồng, người khổ vì con, người khổ vì bị cướp tài sản, bị lường gạt vv…. “Mỗi nhà mỗi cảnh”. Nhất là nỗi khổ của sanh lão bệnh tử. Tất cả đều đi đến giai đoạn già, bệnh, chết, nghèo cũng chết, giàu cũng chết, có sống hơn trăm năm rồi cũng chết. Chính vì chúng sanh thật sự khổ nên chúng ta cần phát khởi tâm Từ Bi.

Tâm Con người luôn tiềm ẩn hai trạng thái: thiện và ác, chánh và tà, từ bi và sân hận… Quán Từ Bi chính là để kích phát, khơi dậy bản tánh lương thiện, từ bi vốn có sẵn trong mỗi con người mà từ lâu nó đang ngủ ngầm, bị che đậy bởi ba độc tham sân si. Nếu con người sống thiếu Từ Bi thì nhân loại sẽ tàn hại nhau, cuộc sống tràn ngập đau thương và phải đọa lạc trong Tam đồ ác đạo. Vì thế cần phải khôi phục lại bản tánh Từ Bi của chúng ta qua phương pháp Quán Từ Bi, để cuộc sống của từng cá nhân, cộng đồng mãi được bình an, tốt lành.

      IV. PHƯƠNG PHÁP QUÁN TỪ BI

Trong các đoạn trên, chúng ta đã phân tách ý nghĩa và tác dụng của Từ Bi. Chúng ta đã thấy được giá trị tốt đẹp và lớn lao của Từ Bi. Ðến đây, chúng ta hãy đề cập đến vấn đề "làm thế nào để huấn tập được lòng từ bi".

Một trong những phương pháp thù thắng để huân tập được lòng Từ Bi là "Quán Từ Bi". Trong kinh Đại Bảo Tích, Đức Phật dạy Quán Từ bi có ba từng bậc từ thấp đến cao, tùy theo căn cơ của ba hạng tu hành:

                   1. Quán chúng sinh duyên Từ

          Chúng sinh duyên từ: nghĩa là quán sát cảnh khổ nạn của chúng sinh mà phát khởi tâm Từ Bi. Như quán sát loài Địa Ngục bị hành phạt đủ điều, ngạ quỷ bị đói khát bức bách, súc sanh bị cảnh dao thớt hành hình, A tu la đấu tranh, chém giết. Chúng sinh ở cõi Trời tuy vui thú, nhưng vẫn còn bị ngũ suy tướng hiện, còn loài người phải chịu Bát Khổ hoành hành…ngoại cảnh thì thiên tai tàn khốc, đạo đức con người ngày càng băng hoại…

Trước những cảnh khổ mênh mông này, Đức Phật dạy chúng ta phải quán sát tất cả chúng sinh trong lục đạo, mười phương xem như là bà con thân thuộc của mình. Đã là người thân của mình bị khổ nạn, chúng ta đâu thể nhắm mắt làm ngơ cho đành, nên phải tìm mọi phương cách cứu độ họ. Muốn cứu giúp họ, trước phải tự cứu mình. Nghĩa là tự thân đối với gia đình và xã hội phải làm người công dân tốt, gương mẫu, đạo đức. Trong Phật Pháp phải tinh tấn tu tập để loại dần ba độc tham, sân, si; tu tập Giới - Định - Huệ làm tấm gương sáng cho đời. Như Đức Thế Tôn, muốn giác ngộ cho chúng sanh, trước tiên Ngài phải tự mình giác ngộ trước. Đây chính là nền tảng vững chắc nhất cho việc hành Bồ tát đạo. Được vậy ta mới đem Phật pháp giới thiệu đến mọi người thì họ dễ tiếp nhận hơn là lý thuyết suông.

Trước đây, khi chưa biết quán Từ Bi, cái gì không phải của “ta” thì mình ít khi hoặc là không quan tâm đến. Nhờ Quán Từ Bi mà chúng ta đã phá vỡ đi cái ngã ích kỹ hẹp hòi để đạt được cái ngã rộng lớn hơn, là ngoài việc thương yêu chính bản thân mình còn phải biết thương yêu đến mọi loài chúng sanh.

Để phát khởi được lòng từ bi thì chúng ta nên quán sát nhân duyên của ta và tất cả chúng sanh từ nhiều đời nhiều kiếp từng là quyến thuộc của nhau. Cho nên trong Kinh Phụ Mẫu Báo Ân, Đức Phật dạy: “Tất cả chúng sanh trong Tam giới đều ít nhất một lần từng là cha, mẹ, anh chị em quyến thuộc của nhau”. Chúng ta thử nghĩ đến vấn đề là nếu một em bé nếu thất lạc cha mẹ ngay từ rất nhỏ, khi lớn lên dù được gặp lại, em cũng không thể nhận ra đó là cha mẹ của mình hà huống từ vô thỉ kiếp đến nay sao ta có thể nhận ra quyến thuộc của mình trong sáu nẽo luân hồi. Do đó, việc nghĩ đến tất cả chúng sanh đều là quyến thuộc của mình thì tâm Từ Bi mới phát khởi dễ dàng, nhờ đó mà chúng ta mới thành tựu được hạnh nguyện độ sanh. 

                     2. Quán pháp duyên Từ

Quán đến cấp độ này thì hành giả không còn phân biệt nam hay nữ, không còn quan niệm mình khác với người, không nghĩ rằng đó là bà con quyến thuộc, chỉ thấy mình và chúng sanh đồng một "pháp giới tánh" mà thôi. Nghĩa là đồng một thể tánh thanh tịnh, bình đẳng. Bồ Tát đã nhận chúng sinh và mình đồng một bản thể, nên khi cứu khổ, không cần biết đó là ai, không thấy mình đã làm, không thấy đây bạn kia thù…Vì sao vậy? Vì Bồ Tát quán tới cấp độ này thì không còn nhìn vào hình tướng của chúng sanh, mà nhìn thấu vào thể tánh bình đẳng, thanh tịnh của mọi loài. Nên chúng sinh có khổ thì Bồ Tát có Bi. Sự thông cảm tự nhiên ấy như tình thiêng liêng giữa mẹ và con, nếu con gặp nạn thì mẹ tìm cách cứu giúp mà không toan tính thiệt hơn. Kinh Trung A Hàm có tỷ dụ: “Trước một nạn nhân bị trúng tên độc, điều quan trọng nhất là vị thầy thuốc tốt bụng phải lấy mũi tên độc ra lập tức, mà không cần phải hỏi bất kỳ một thông tin nào về nạn nhân hay của mũi tên đó.” Sự cứu khổ của các vị Bồ Tát đối với chúng sanh qua "pháp duyên từ" này cũng như thế, chỉ nhằm mục đích làm sao cho kẻ khác hết khổ được vui mà thôi.

                     3. Quán vô duyên Từ

Đây là cấp độ cao nhất của pháp quán Từ Bi. Vô Duyên Từ là lòng Từ Bi không có tâm năng duyên và cảnh sở duyên, không còn dụng công, không còn quan sát, đối đãi giữa mình với người, mình và vật, như hai cách quán Từ Bi trước. Lòng Từ Bi này xứng theo thể tánh chơn tâm mà tự khởi ra bao la, trùm khắp, không thiên lệch một nơi nào. Cũng như ánh sáng mặt trời chiếu khắp cả gần xa, không phân biệt thấp cao, không chú ý một nơi nào, chiếu soi tất cả một cách vô tư và không dụng công.

Thực hạnh tâm hạnh Từ Bi đối với tất cả chúng sanh một cách vô điều kiện. Nghĩa là giúp người không mong cầu sự đền đáp trả lại. Không phải đợi người tốt với ta, mình mới tốt trả lại. Chúng ta giúp người nhưng người không cảm ơn, không biết ơn đôi khi còn bị đối xử tệ trở lại, ta không được buồn, không nên trách họ và càng không được thối tâm. Tuy nhiên, Từ Bi cần có trí tuệ, không nên để kẻ xấu lợi dụng lòng Từ Bi của chúng ta để tạo những việc bất thiện, thì chỉ tạo thêm nghiệp chướng cho họ mà thôi.

    V. SỨC MẠNH CỦA LÒNG TỪ BI

Công năng của lòng Từ Bi có tác dụng chuyển dữ hóa lành, thù thành bạn, cảm hóa người ác thành thiện nhân, chuyển bạo lực thành an hòa. Cho nên, khi chúng ta gần gủi những bậc chân tu, năng lực Từ Bi, thanh tịnh của vị ấy lan tỏa ra sẽ giúp chúng ta sẽ cảm nhận được sự an lạc, thanh thoát.

Con người trên thế gian này thân phận khác nhau thì sẽ có sức mạnh nương tựa khác nhau. Như trẻ em lấy tiếng khóc làm sức mạnh, người con gái lấy sự nũng nịu giận dỗi làm sức mạnh, nhà vua lấy quyền thế làm sức mạnh, bậc La Hán lấy sự tinh tấn dũng mãnh làm sức mạnh, chư Phật Bồ Tát thì lấy tâm Từ Bi làm sức mạnh. Người có tâm Từ Bi nên sức mạnh được phát huy, có thể khắc phục được tất cả những khó khăn của thế gian, thành tựu được tất cả công đức.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã từ bỏ tất cả vinh hoa phú quý, vương vị quyền thế của thế gian, không có vũ khí, không có quyền lực, Ngài chỉ dựa vào một tấm lòng Từ Bi, vậy mà đã thâu phục được toàn cõi Ấn Độ. Đề-bà-đạt-đa tạo phản, nhờ lòng Từ Bi của Đức Phật nên ông đã ngoan ngoãn cúi đầu sám hối. Voi điên hung ác tàn bạo khi nhìn thấy dáng vẻ Từ Bi của Đức Phật cũng phải thần phục quỳ xuống trước mặt Ngài. Ương-quật-ma-la mất trí hiếu sát, nhìn thấy đức Phật Từ Bi, cũng đã buông đao xuống, nguyện quay về nương tựa bên Ngài. Do đây biết rằng, lực lượng mạnh nhất trên thế gian này không phải là vũ khí đao súng, càng không phải là quyền thế địa vị, mà chính là sức mạnh của lòng Từ Bi.

Lòng Từ Bi của Đức Phật đã khiến chúng sanh được bảo hộ an vui. Ngày nay, tuy Đức Phật đã nhập diệt hơn 25 thế kỷ, nhưng tư tưởng Từ Bi của Ngài đã được lan rộng trên khắp năm châu bốn biển, chính nhờ tinh thần này đã đưa toàn thể nhân loại trên thế giới hướng về con đường của tình thương yêu, hòa bình và an lạc.

     VI. TÁC HẠI CỦA TÂM SÂN HẬN TRONG ĐỜI SỐNG

Tâm sân hận có sức mạnh hủy hoại kinh người. Khi một người bị sân hận khống chế thì người đó luôn hiện ra tướng dữ dằn, không ai dám gần gủi, chúng sanh chán ghét, chỉ trừ bậc thánh, Bồ Tát, Phật chủ động thân cận là để giáo hóa họ. Người thường sân hận thì dễ bị mắc những chứng bịnh về tim mạch, gan, phổi thận… và làm cho trí óc mê mờ, cuồng loạn không thể tự chủ. Chính vì vậy mà lời nói ác gì cũng nói được, việc ác nào cũng dám làm. Cướp của, đốt nhà, giết người, chửi cha đánh mẹ, hay Thậm chí giết hại cả cha mẹ ruột họ cũng không từ, để rồi dẫn đến tù tội và chịu quả báo xấu trong đời hiện tại và tương lai. Sân hận mà có mặt trong gia đình thì gia đình đó đánh mất đi tình yêu thương, hạnh phúc, bình an. Sân hận có mặt trong cộng đồng thì cộng đồng đó mất an ninh, hòa khí, và những điều xấu xa, tội lỗi sẽ phát sanh. Thế giới mà bị tâm sân sận khống chế thì dẫn đến những cuộc chiến tranh đẫm máu, vô nhân tính.. Tâm sân hận sẽ lôi con người đọa lạc trong địa ngục, ngạ qủy, a tu la, súc sanh.

   VII. LỢI ÍCH CỦA LÒNG TỪ BI TRONG ĐỜI SỐNG

Kinh pháp cú dạy:

“Lấy oán báo oán

Oán ấy chồng chất.

Lấy ân báo oán

Oán ấy tiêu diệt”

Để đối trị với tâm sân hận chỉ có sức mạnh của tâm Từ Bi mới làm nỗi. Khi Từ Bi có mặt thì sân hận không còn. Tâm từ diệt trừ tâm sân hận. Tâm bi diệt trừ tâm hận thù, độc ác. Người có Từ Bi trên khuôn mặt họ luôn vui tươi, hoan hỷ. Tâm Từ Bi ấy có một năng lực rất mạnh khiến cho chúng sanh luôn thích gần gũi, thương kính, được chư thiên và phi nhơn luôn bảo hộ, được chư Phật, Bồ Tát luôn phóng quang nhiếp thủ, nên tránh được những tai nạn hiểm nghèo, tránh bị ác quỷ, ác thần, bùa ngãi, độc dược, thú dữ làm hại. Người có tâm Từ Bi thì rất ít khi bị đau bệnh, giúp ta có đời sống hạnh phúc, bình an, luôn điềm tỉnh, sáng suốt, và khi chết sanh về cõi Trời. Tâm Từ Bi luôn đem lại hạnh phúc, gắng kết yêu thương, bảo hộ và làm lợi lạc cho hết thảy chúng sanh. Không những thế, Từ Bi còn là phương thuốc nhiệm mầu để chữa lành tâm tham lam và si mê của chúng sanh.

Trong cuộc sống hằng ngày, có rất nhiều phiền não tham dục, sân hận, kiêu ngạo, sợ hãi khuấy nhiễu tâm của chúng ta, khiến cuộc sống chúng ta không được an vui. Chỉ có tâm Từ Bi mới có thể hóa trừ tâm tham dục, sân hận, kiêu mạn, sợ hãi. Như người có lòng dâm dục nặng, nhìn thấy nữ sắc, nên khởi lên tâm từ bi, xem người đó như là mẹ, chị, là em gái của mình; người nữ nhìn thấy người nam, cũng nên xem đối phương là cha, là anh, là em trai của mình. Như vậy, lòng dâm dục tự nhiên sẽ không còn. Về phương diện tiền tài, cũng thường khởi lên suy nghĩ là nên đem bố thí, giúp đỡ cho người còn thiếu thốn hơn mình. Luôn giữ tâm từ bi hỷ xả, thì lòng tham dục làm sao có thể sinh khởi được chứ? Lúc tâm sân hận nổi lên, có thể quán tưởng tượng Phật Bồ Tát đại từ đại bi ở trong chánh điện, khi tâm từ bi sinh khởi thì lửa sân hận tự nhiên tắt ngấm. Khi tâm sân hận, tâm kiêu ngạo nổi lên thì từ bi là phương pháp đối trị tốt nhất.

C. KẾT LUẬN

Chỉ cần chúng ta có một niệm Từ Bi, vạn vật sẽ trở nên tốt lành; chỉ cần chúng ta có một tâm Từ Bi, vạn vật đều sẽ vui mừng. Một niệm Từ Bi sẽ không làm tổn hại vạn vật, vạn vật đương nhiên sẽ vui mừng; đem tâm thực hành hạnh từ bi, vạn vật được bảo hộ, đương nhiên sẽ cảm thấy hạnh phúc.

Nếu như một người hành hạnh Từ Bi, mọi người đều trở thành bạn của người đó, nếu như mọi người trong xã hội đều có thể hành hạnh Từ Bi, thì thiên hạ sẽ trở thành huynh đệ thủ túc, tương thân tương ái lẫn nhau, thế gian sẽ thành Tịnh Độ

 

 

BÀI 2

A. DẪN NHẬP

Nói đến cuộc sống tức nói đến đầy đủ cả hạnh phúc và khổ đau. Mặc dù bên ngoài là tiếng cười nhưng trong sâu thẳm lại là những giọt nước mắt đã ẩn dưới khóe mi. Chính vì lẽ đó nên Đạo Phật đã ra đời, để mang lại tiếng nói yêu thương và một chủ trương giáo lý chuyển hoá nỗi khổ nhân sinh. Với chủ trương ấy, hơn hai mươi lăm thế kỷ tồn tại, đạo Phật mang đến cho nhân loại những sự thật đầy nhân bản, đó là nền đạo đức, lòng thương bao la và tiếng nói tỉnh thức của nhân tâm.

Khi Nói đến Đạo Phật là người ta thường liên tưởng ngay đến hai chữ “Từ và Bi” hay gọi một cách nôm na là Đạo Từ Bi. Như vậy, Đạo Phật là đạo được xây dựng trên nền tảng và chất liệu của Từ Bi là chính. Vậy Từ Bi là gì, và làm sao để có được lòng Từ Bi ấy?

B. NỘI DUNG

     I. ĐỊNH NGHĨA

Tâm Từ hay Từ Bi là một thuật ngữ rất thường được sử dụng trong giáo điển của Phật giáo. Tiếng Pàli gọi là Mettà, tiếng Sankrit là Maitri. Tâm từ nghĩa là cái gì làm cho lòng ta êm dịu, là tâm trạng của một người bạn tốt, là lòng mong ước thành thật cho tất cả đều được sống an lành vui vẻ.

Tiếng Anh gọi là Boundless love (immeasurable, unlimitted, endless love) nghĩa là tình thương vô hạn lượng, từ tâm vô hạn lượng. Hay còn nói một cách khác, thương yêu chúng sanh, mang lại cho họ niềm an lạc vui sướng gọi là Từ, đồng cảm nỗi khổ và làm cho chúng sanh bớt khổ là Bi. Vậy Từ Bi là tình thương rất chân thật không có hạn lượng, không phân biệt”.

      II. Ý NGHĨA CỦA TÂM TỪ BI

Từ Bi là tình thương vượt ra ngoài những diễn tả của ngôn ngữ, sức sống tiềm tàn mãnh liệt trong mỗi con người. Tâm Từ được ví như tình thương cha mẹ dành cho con cái, Phật dành cho chúng sanh.

Ý nghĩa của tâm Từ Bi trong Phật giáo thật tuyệt vời. Tâm Từ Bi ở đây không phải là sự luyến ái riêng tư giữa con người với con người, giữa con người với xã hội, với con vật cưng, càng không phải là tình đồng chí đồng hương hay đồng đạo mà vượt thoát tất cả và bao trùm cả vạn loại. Tâm Từ Bi được bắt nguồn từ sự cảm thông chân thật, tha thiết trước nỗi khổ của mọi người, ban phát đến tất cả vạn loài. Hay nói một cách khác, không những không làm hại mà còn nâng niu từng sự sống, chăm sóc từng nỗi đau, rộng rãi và bao la như ánh trăng tươi mát soi tận cùng những nẻo tối tăm, đem lại cho nhân loại những điều ích lợi. Nếu muốn thấu hiểu tâm Từ, cảm nhận tâm Từ thì ta hãy bỏ qua chủng tộc, tính cách, lãnh thổ giai cấp mà chỉ có một tình thương duy nhất ban phát không mệt mỏi. Tâm từ không cho riêng ai mà nó thể hiện sự bình đẳng và nhu nhuyến.

     III. TÍNH CHẤT CỦA TÂM TỪ BI

              1. Tâm Từ - nguồn gốc các pháp lành

Tâm từ là một trong Bốn Vô Lượng Tâm, một công hạnh nhập thế của các vị Bồ tát và cũng là nơi trưởng dưỡng các pháp lành. Phật dạy: “Này Thiện Nam tử tất cả Thanh Văn, Duyên giác, Bồ tát, Chư Phật, chỗ có căn lành, tâm Từ là cội gốc. Nếu có người hỏi gì là căn bản của pháp lành nên đáp đó chính là tâm Từ. Bởi tâm Từ là đạo Vô Thượng, là cảnh giới vô song, chẳng thể nghĩ bàn của chư Phật. Tâm Từ là thường, lạc, ngã, tịnh, là Cam lồ, là Phật tánh, là Pháp, là Tăng. Tâm từ chính là Như Lai. Do vì nghĩa đó nên biết tâm Từ là chân thật, chẳng phải hư vọng. Nếu Bồ Tát tu tập tâm Từ có thể sanh vô lượng căn lành. Như vậy tâm Từ là cội gốc”. Như vậy, chúng ta thấy các thiện pháp đều thành tựu do tâm Từ, là cảnh giới chư Phật và các vị đại Bồ Tát.

Qua lời dạy của Đức Thế Tôn, ta thấy được tầm quan trọng của tâm Từ. Nó làm nên hạnh nguyện của chư Phật, Bồ tát và diệu dụng chính là: “Thường, lạc, ngã, tịnh là Phật tánh, là Pháp, là Tăng”. Một khi người ta rời bỏ tâm Từ thì chắc chắn sẽ mất hết cội rễ của căn lành. Một khi không có căn lành và Từ tâm thì thay vào đó chắc chắn là bất thiện pháp. Kinh Ưu Bà Tắc Giới Đức Phật dạy: “Từ tâm là nhân duyên của tất cả sự an vui, rời bỏ Từ Bi thôi chẳng còn pháp lành”. Đó chính là kinh nghiệm mà trải qua vô lượng kiếp Đức Phật đã nhập thế độ sanh và thành tựu viên mãn.

Hay nói một cách ngắn gọn là “Từ năng dữ lạc, Bi năng bạt khổ” nghĩa là lòng Từ là đem niềm vui đến cho tất cả chúng sanh và lòng Bi là diệt khổ cho mọi loài. Người có lòng Từ Bi là vừa thoa dịu vết thương đau khổ trong hiện tại cho mọi loài và đồng thời cũng chữa khỏi nguyên nhân gây ra đau khổ cho họ. Nói chung, Từ Bi trong Đạo Phật là cần phải thực hành rốt ráo hai phương diện đó là “gây nhân vui và diệt nhân khổ”.

Từ Bi trong Phật giáo dạy cho con người tránh xa sự tạo nghiệp đưa đến đau khổ và phải tìm về con đường của hạnh phúc an lạc. Cho nên đức Phật dạy: “Mọi hành động gì có hại cho mình, có hại cho người, có hại cho cả hai, bị người chỉ trích, nếu chấp nhận và thực hiện sẽ đem lại tâm khổ, tâm ưu. Hành động như vậy gọi là bất thiện và chúng ta loại bỏ hành động ấy. Hành động gì không có hại cho mình, không có hại cho người, không hại cho cả hai, được người trí tán thán. Nếu chấp nhận và thực hiện sẽ đem đến tâm lạc, tâm hỷ, hành động như vậy gọi là thiện vô chí ta phải thực hành”. Vì sao có những hành động bất thiện gây đau khổ cho mình và người? Đó chính là thiếu trí tuệ trong cuộc sống. Khi có trí tuệ soi chiếu vào thì chúng ta sẽ sáng suốt để xét đoán mọi vấn đề một cách đúng đắn.

        2. Tâm Từ - Sự có mặt của Trí Tuệ

         Tâm Từ được thể hiện bằng tình thương yêu rộng rãi bao dung, những tình thương ấy phải do trí tuệ soi sáng và dưỡng nuôi mới thành tựu. Nếu tình thương còn trong vòng lẩn quẩn của ái dục, thiếu hiểu biết thì tình thương ấy chỉ là sự chấp thủ và ích kỷ tư lợi mà thôi. Chỉ khi nào tâm ta ban rãi tình thương đến muôn loài mà không còn phân biệt thân sơ, nhân ngã, không còn có hạn cuộc và chính là nơi phát sanh các pháp lành, thì tình thương ấy mới thể hiện trọn vẹn với hai chữ “Từ Bi”. Cho nên trong Kinh Pháp Cú, câu 173, Đức Phật có dạy:

Ai dùng các hạnh lành

Làm xóa mờ nghiệp ác

Chói sáng rực đời này

Như trăng thoát mây che.

Hạnh lành là Từ Bi, dùng tâm Từ để chuyển đổi nghiệp thì chính tâm từ là trí tuệ. Chỉ có trí tuệ chiếu sáng mới thoát khỏi những sự u tối của vô minh. Con đường để đi đến sự giải thoát và an lạc phải cần hội đủ hai yếu tố là Từ Bi và Trí Tuệ. Khi đem tình thương đến cho muôn loài tức là ta đang đem niềm vui đến cho họ, họ được vui thì ta cũng chung hưởng niềm vui đó. Bởi niềm vui của bậc Bồ tát thực hành hạnh Từ Bi chính là nhìn thấy chúng sanh được an vui, lấy niềm vui của mọi người làm niềm vui của chính bản thân mình. Niềm vui đó được phát xuất từ tình thương, nhưng tình thương ở đây phải được soi chiếu bởi trí tuệ. Bởi chỉ khi có trí tuệ ta mới có phương pháp đúng đắn để giúp chúng sanh thoát mọi đau khổ để được an vui. Cho nên nói Từ Bi luôn đi cùng với Trí Tuệ là vậy.

     IV. PHƯƠNG PHÁP QUÁN

Để huân tập và phát khởi được lòng Từ Bi, Phật dạy hành giả phải tu tập pháp Quán Từ Bi. Có ba pháp quán như sau:

                   1. Quán chúng sanh duyên Từ

Nghĩa là lòng Từ Bi do quán sát cảnh khổ của chúng sanh mà phát khởi. Nhưng làm sao để lòng Từ Bi được phát khởi? Đức Phật dạy “là phải quán sát tất cả chúng sanh trong Lục đạo, mười phương đều như bà con thân thuộc”. Đây là pháp quán để hòa hợp với mọi chúng sanh. Con người chúng ta có thói quen là cái gì ở ngoài ta hay không phải của ta thì ít quan tâm đến. Bây giờ thực hành quán từ bi tức là chúng ta đã phá vở cái tính ích kỷ hẹp hòi, xem tất cả chúng sanh là cha mẹ, anh em, bằng hữu của mình, một khi thấy chúng sanh bị tổn thương đau khổ là chính mình mình bị đau khổ.

              2. Quán pháp duyên Từ

Đức Phật dạy “tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”. Quán Pháp Duyên Từ là lòng Từ Bi do duyên pháp tánh mà phát khởi. Nghĩa là quán sát thấy tất cả chúng sanh, cùng mình đồng một thể tánh, nên chúng sanh đau khổ là mình đau khổ, vì vậy mà khởi lòng Từ Bi cứu khổ ban vui cho chúng sanh. Phải quán sát thấy rằng mình với tất cả vạn loại hữu tình vô tình là một, nên khi cứu khổ ban vui không cần biết đó là ai, và khi làm không chấp mình đã làm.

                3. Quán vô duyên Từ

          Vô duyên từ là lòng Từ Bi không có tâm năng duyên và cảnh sở duyên, không còn dụng công, không còn quán sát, đối đãi giữa mình với người. Lòng Từ Bi này xứng theo thể tánh chơn như mà khởi ra bao la, trùm khắp, không thiên lệch một nơi nào. Cũng như mặt trời chiếu khắp gần xa, không phân biệt cao thấp, không chú ý một nơi nào.

Mục đích của sự tu tập là phá trừ ngã chấp, thành tựu đạo nghiệp. Nhưng trong khi tu tập tại sao ta lại thương người này nhiều, kẻ kia ít? Vì do ta còn chấp ngã, và lòng thương yêu của chúng ta phát xuất từ sự phân biệt, có điều kiện. Ví dụ chúng ta có một trăm người thân quen, những người nào hợp với mình hơn thì mình thương nhiều hơn; những người khác thì mình cũng thương nhưng ít hơn. Cũng là “bi” nhưng trong lòng thương yêu này vẫn còn tính chất phân biệt, còn đặt điều kiện, chưa lìa được ý niệm về người thương và người được thương. Trong khi đó bản chất thật của tâm Từ Bi là biểu hiện tình thương không còn phân biệt, không đòi hỏi bất cứ điều gì nơi đối tượng. Tâm từ mênh mông, trải rộng và ban phát một cách tự nhiên như sương mù ướt đẩm đại địa, như ánh nắng sưởi ấm hành tinh không có sự phân biệt, thì gọi là Vô Duyên Từ.

   V.  LỢI ÍCH CỦA PHÁP QUÁN TỪ BI

Theo kinh Tăng Nhất A– Hàm thì người Quán Từ Bi sẽ được những lợi ích như sau:

  • Khi thức hay ngủ đều được an vui
  • Hiện tại được nhiều người thương
  • Sống trong đời không bị tai nạn, trộm cướp.

Và trong khi tu pháp Quán Từ Bi chúng ta sẽ:

  • Trừ được lòng sân hận độc ác
  • Trừ được ngã chấp hẹp hòi
  • Đoàn kết được với mọi người
  • Đời sống cá nhân và đoàn thể nhờ vậy được vui vẻ, có ý nghĩa.

          C. KẾT LUẬN

Từ Bi là một phương thuốc trị tâm sân hận. Khi sự sân hận phát khởi thì nó là đầu mối của sự sát hại, là nguyên nhân của tất cả mọi tội lỗi. Trừ được sự sân hận tức là trừ được giết chóc, dập tắt được mọi sự biến loạn. Nếu mọi người ai cũng sống với tâm Từ Bi thì trong nhân loại không còn thù nghịch với nhau, không còn giai cấp bóc lột, đấu tranh và ai cũng là người đáng thương, đáng giúp đỡ. Giữa người và người, giữa người và vật sẽ có một sự liên lạc, đoàn kết mật thiết. Con người sẽ vô cùng sung sướng khi thấy xunh quanh mình đều là bà con quyến thuộc, bốn biển đều là anh em và cùng chan hòa trong Phật tánh.

 

 

BÀI 3

          A. DẪN NHẬP

Trong các nguyên nhân gây ra đau khổ cho mình và người thì tánh nóng giận là một nguyên nhân lớn, chẳng kém gì lòng tham lam và tánh ngu si. Từ vô thỉ đến nay sự xây dựng của loài người lớn lao vô kể; nhưng sự phá hoại vì lòng giận dữ của họ cũng lớn lao vô cùng. Có những sự nóng giận nho nhỏ trong nhà giữa vợ chồng làm đổ vỡ chén bát; có những sự nóng giận giữa anh em làm u đầu sưng trán; có những sự nóng giận giữa bạn bè làm đoạn tuyệt đường đi lối về; có những sự nóng giận giữa tình địch, hay đồng nghiệp kinh doanh cần phải thanh toán bằng lưỡi dao, mũi súng hay lọ át xít; có những sự nóng giận lớn lao hơn, giữa nước này với nước khác, màu da này với màu da nọ, chủ nghĩa này với chủ nghĩa kia, mà kết liễu là những thây ma nằm ngổn ngang trên bãi chiến trường, những kẻ tật nguyền trong các bệnh viện, và những chiếc khăn tang trên đầu các cô nhi quả phụ...

          Tất cả những tai họa trên đều do sân hận mà ra. Sân hận ẩn chứa trong lòng mỗi người, như những ngọn lửa âm ỉ cháy, như những ngòi thuốc súng sẵn sàng bùng nổ bất cứ lúc nào. Vậy làm sao để đối trị? Đức Phật dạy dùng pháp Quán Từ Bi để đối trị. Bởi vì, chỉ có lòng Từ Bi làm chất liệu nuôi dưỡng sự sống, xóa bỏ hận thù và xây dựng cuộc đời bằng lý tưởng giải thoát giác ngộ. Ở đâu có lòng Từ Bi, ở đó có tình thương, và ở đó có sự hoá giải hận thù. Vậy Quán Từ Bi là gì?

B. NỘI DUNG

          I. ĐỊNH NGHĨA

          Thông thường, người ta có quan niệm sai lầm rằng: Từ Bi là bi lụy, mềm yếu, than khóc, tiêu cực... Người ta tưởng rằng hễ đã Từ Bi, thì ai muốn làm thế nào mình cũng chịu, sống trong hoàn cảnh thế nào mình cũng theo, thiếu tinh thần tiến thủ... Tóm lại, Từ Bi theo nghĩa thông thường là than khóc và nhu nhược.

     Nhưng thật ra, Từ Bi theo Đạo Phật có nghĩa khác xa. Phật dạy:

                            "Từ năng dữ nhứt thiết chúng sinh chi lạc;

                              Bi năng bạt nhứt thiết chúng sinh chi khổ".

          Nghĩa là Từ là cho vui tất cả chúng sinh; Bi là diệt trừ cái khổ cho tất cả mọi loài. Diệt khổ và cho vui đó là tất cả nguyện vọng và hành động lợi tha, cứu đời của người có lòng Từ Bi. Thế nên, Từ Bi không phải là thụ động, là trốn đời hay nhu nhược. Cái khổ và cái vui nói ở đây không chỉ là khổ và vui vật chất mà còn cả khổ và vui tinh thần.

          Hết khổ và được vui tức là hai khía cạnh của cuộc đời, nhưng không thể rời bỏ nhau được. Khi được vui một phần nào, tức là đã bớt khổ một phần nào, ấy là trong Từ có Bi; và trái lại, khi bớt khổ một phần nào, tức là đã được vui một phần ấy như thế là trong Bi có Từ. Cũng như một đứa bé đang khổ sở vì đi lạc đường, bỗng có ai chỉ đường cho nó, nó liền vui mừng và hết khổ.

          Vậy Từ Bi là lòng thương rộng lớn vô biên, bao trùm tất cả các pháp lành, nó khiến con người ta vận dụng tất cả khả năng, tâm tư, phương tiện để làm cho mọi người, mọi loài thoát khổ được vui.

          II. SO SÁNH TỪ BI VỚI BÁC ÁI

          Bác ái là tình thương yêu rộng lớn. Như thế thì bác ái và Từ Bi đều có một tánh chất giống nhau, chỉ khác nhau ở chỗ rộng hẹp, sâu cạn mà thôi. Có người cho rằng bác ái rộng hơn Từ Bi. Cho như thế là vì chưa hiểu rõ hai chữ Từ Bi. Như trên đã định nghĩa: Từ là cho vui tất cả chúng sinh; Bi là diệt trừ mọi nỗi khổ cho tất cả mọi loài. Chúng ta đã biết Phật dùng hai chữ chúng sinh là để chỉ cho tất cả mọi sinh vật. Như vậy, Từ là cho vui tất cả mọi sinh vật, chứ không phải riêng cho loài người. Tất cả mọi vật có sự sống đều được chung hưởng tình thương ấy. Còn Bi là diệt trừ mọi nỗi khổ cho chúng sinh. Chúng ta nên để ý là trong câu định nghĩa chữ Hán, các kinh dùng chữ "bạt" nghĩa là nhổ tận gốc rễ. Vâng, nhổ tận gốc rễ của cái khổ chứ không phải chỉ thoa dịu cái quả khổ trong hiện tại, mà để mặc cho cái nhân gây ra khổ mãi về sau. Người có lòng Bi là vừa thoa dịu vết thương đau khổ trong hiện tại và vừa chữa cho khỏi nguyên nhân hay gây ra đau khổ trong tương lai. Cũng như người làm vườn, không phải chỉ phác cho sạch cỏ trên mặt đất, mà còn đào sâu xuống dưới, nhổ cho hết gốc rễ của cỏ nữa.

          Như thế thì Từ Bi, về phương diện không gian, bao gồm tất cả mọi loài, còn về phương diện thời gian, bao gồm tất cả quá khứ, hiện tại và tương lai. Còn bác ái thì chỉ chú trọng nhiều về loài người mà ít để ý đến sinh vật; và chỉ lo cứu khổ, cho vui trong hiện tại mà ít nghĩ đến cái quả trong tương lai. Nói một cách khác, Từ Bi là gồm hết nghĩa bác ái ở trong, còn bác ái thì chẳng trùm được ý nghĩa của Từ Bi.

          III. TỪ BI CỨU KHỔ VÀ CHO VUI NHƯ THẾ NÀO?

                    1. Trước nhất chỉ cho chúng sanh thấy cái khổ

          Khổ: là trạng thái bất như ý, mọi người tự cảm nhận riêng biệt không ai giống ai. Trong những cái khổ này có cái khổ về quy luật, có cái khổ về tâm lý.

          Khổ về quy luật có bốn: là sanh, già, bệnh, chết. Đó là quy luật mà không ai có thể tránh được, nó chi phối và làm cho ta bị khổ đau, nếu như chúng ta tinh tấn hành trì giáo pháp, thì ta thấy cái khổ đó rất nhẹ nhàn.

          Khổ về tâm lý cũng có bốn: là ái biệt ly, cầu bất đắc, oán tắn hội, ngũ ấm xí thạnh. Thương phải xa lìa, ghét mà phải gặp, gặp mà không vui đó là khổ, cầu không được cũng khổ, thân của ta lúc thịnh, lúc suy cũng khổ.

          Nhưng cái khổ lớn nhất vẫn là cái khổ về tâm lý, vì tâm lý thì không ai giống ai, có người thấy việc đó cho là khổ, nhưng người khác cũng nhìn thấy việc đó mà không khổ, mà lại khổ về việc khác nữa.

                        2. Thấy rõ nguyên nhân dẫn đến cái khổ là do đâu?

          Nguyên nhân dẫn đến đau khổ là do 10 căn bản phiền não. Đó là tham, sân, si, mạng, nghi, thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ, giới cấm thủ. Khi xác định được nguyên nhân rồi, thì phải tìm phương pháp nào để chấm dứt khổ đau. Dùng giáo pháp của Phật để đối trị lại những cái đã gây nên khổ.

          Như khi chúng ta bệnh thì phải dùng thuốc để trị bệnh, và thuốc phải đúng bệnh và dùng đúng liều lượng thì bệnh mới hết. Cũng vậy, Đức Phật cho chúng ta những bài thuốc vô cùng quý giá, tuỳ mỗi người tự biết mình đang bị bệnh gì, tuỳ theo pháp của Phật mà ứng dụng vào đời sống của mình thì những thứ bệnh phiền não đó sẽ tiêu trừ. Như bệnh hay nóng giận thì phải dùng món thuốc đó là “Quán Từ Bi”

          Muốn thực hành pháp Quán Từ Bi thì trước hết chúng ta phải đoạn trừ ngã chấp. Bởi vì do ngã chấp nên chúng ta dễ nổi sân khi xảy ra những chuyện không theo ý muốn của ta. Lúc nào ta cũng muốn mình là thầy của mọi người, nên bất cứ việc gì thì mọi người cũng đều phải nghe theo ý của ta. Tuy nhiên, đâu phải bất cứ quyết định gì của ta đưa ra cũng đều đúng, nó chỉ đúng theo cách nhìn nhận của chỉ riêng ta mà thôi. Cho nên dẫn đến việc không dung hòa được với người khác, mà nguyên nhân chính cũng chỉ là do bản ngã của ta quá lớn, chỉ chấp vào cái thấy của chỉ riêng mình, không chịu nghe theo ý người khác. Cho nên, muốn thực hành pháp Quán Từ Bi, việc trước tiên là phải dẹp trừ bản ngã, tức là quán thân này bất tịnh, chỉ do nhân duyên giả hợp mà thôi, nó vốn không thật. Ngoài ra, ta phải biết dung hòa với mọi người, lắng nghe những điều hay ý tốt. Khi ta đoạn trừ được ngã chấp tức là ta không còn bám víu vào thân này nữa, thì ý niệm sân hận cũng không còn. Tuy nhiên, để diệt trừ tận gốc rể của sự sân hận thì Đức Phật dạy chúng ta phải quán Từ Bi. Bởi vì, khi quán Từ Bi là không chỉ diệt trừ được sự sân hận mà còn ban rãi tình thương yêu đến với muôn loài. Như vậy, muốn đối trị tâm sân hận thì ta phải mở rộng tâm Từ Bi, tâm từ càng lớn thì ta càng hoan hỷ, càng thành tựu trên bước đường giải thoát.

          Khi sự sân hận phát khởi thì dễ bị tiêu hủy các pháp lành và bất thiện pháp cũng do đây mà phát sanh. Cho nên trong Kinh Đại Nhựt đã khẳng định: “Nhứt sân chi hỏa, năng thiêu vạn khoảng công đức chi lâm” Nghĩa là một đốm lửa sân, có thể thiêu hủy cả ngàn rừng công đức. Hoặc câu: “nhất niệm sân tâm khởi, bách vạn chướng môn khai”. Nghĩa là, khi một niệm sân khởi lên thì cả ngàn cửa nghiệp chướng đều mở ra. Do đó, chúng ta phải luôn cẩn thận trong mỗi ý niệm của mình, đừng để cho niệm bất thiện khởi lên, bởi nó sẽ phát sanh thành hành động.

          IV. PHƯƠNG PHÁP QUÁN TỪ BI

          Một trong những phương pháp hiệu nghiệm để huân tập được lòng Từ Bi là "Quán Từ Bi". Quán Từ Bi có ba từng bậc thấp cao, tùy theo căn cơ của ba hạng tu hành:

                     1. Quán chúng sinh duyên từ

          Pháp quán này thường dành cho hạng tu Tiểu Thừa thực hành.

          Chúng sinh duyên từ, nghĩa là lòng Từ Bi do quán sát cảnh khổ của chúng sinh mà phát khởi.

          Chúng sinh tức là muốn nói đến những hạng còn đang say mê, chìm đắm trong bể khổ sanh tử, còn đang trói mình trong vòng phiền não nhiễm ô. Chẳng hạn, như loài địa ngục bị hành phạt đủ điều, ngạ quỷ bị đói rách bứt bách, súc sanh bị cảnh dao thớt hành hình, A tu la đấu tranh, chém giết. Đến như chúng sinh ở cõi trời tuy vui thú, nhưng vẫn còn bị ngũ suy tướng hiện, luân hồi, đọa lạc như thường. Và gần hơn hết là loài người, cũng chịu không biết bao nhiêu là cảnh khổ, từ vật chất đến tinh thần, từ cá nhân đến đoàn thể. Nhất là đối với luật vô thường: sanh, già, bịnh, chết, chưa ai thoát khỏi được. Những thứ này nó luôn làm cho chúng sanh đau khổ cùng tột.

          Vậy, đứng trước những cảnh khổ của chúng sinh, người Phật tử phải làm như thế nào để phát khởi lòng Từ Bi mà cứu giúp họ. Đức Phật có dạy chúng ta phải quán sát tất cả chúng sinh trong lục đạo, mười phương đều như bà con thân thuộc. Đây là phương pháp đầu tiên để hòa hợp với mọi chúng sinh. Dùng cảm tình mà tập quán Từ bi. Trước kia, chúng ta có thói quen là cái gì ngoài "ta" thì ít khi quan tâm đến. Giờ đây, quán Từ Bi tức là chúng ta đã phá bỏ cái vỏ ích kỷ hẹp hòi ấy mà giác ngộ và nhận định rằng: Thế giới của loài người chúng ta đang ở đây, giống như một cái nhà lớn, nơi sum họp và đoàn kết của đại gia đình. Vẫn biết rằng nhân loại khác nhau về màu da, chủng tộc; nhưng cái khác đó chẳng qua là khác về bề ngoài, chứ đã là người thì ai ai cũng có một thân hình xương thịt như nhau cũng đồng sợ khổ ưa vui, biết xấu biết tốt v.v... Vì thế đối với người lớn tuổi, ta phải kính trọng như ông bà cha mẹ; người ngang hàng hay tuổi xấp xỉ, xem như anh chị em ruột thịt; người nhỏ tuổi hơn nữa xem như con cái cháu chắt...

          Rộng ra một tầng nữa, đối với chúng sinh trong năm loại, chúng ta hãy xem như những thành phần của đại gia đình là chú, bác, cô, dì... Vẫn biết rằng về hình thức, loài người khác với các loài khác, và nhiều khi ta không gặp mặt nữa, nhưng xét cho cùng, đã là chúng sinh, thì tất nhiên đồng chung một nguồn sống, và đã có sống thì tất nhiên đều ham sống sợ chết, đều biết cảm nỗi vui sướng và khổ đau. Gần với chúng ta nhất mà chúng ta có thể thấy, gặp và nhờ cậy được là loài súc sinh. Tuy chúng không biết nói như chúng ta, nhưng nếu chúng ta đối đãi tử tế, chúng cũng biết thương mến và trung thành với ta. Tuy không có học thức, chúng vẫn biết nghe lời ta và giúp đỡ ta trong nhiều công việc nặng nề. Chẳng qua vì nghiệp nặng, nên đời này chúng làm súc vật, nhưng biết đâu đời trước, chúng không phải là anh em của ta? Và sau này, biết đâu chúng lại không sẽ là bà con quyến thuộc của ta?

          Phương pháp tu tập của Tiểu Thừa này tuy chưa phá được ngã chấp, nhưng cũng đã mở rộng được phạm vi hẹp hòi của cái ngã nhỏ và thể nhập vào cái ngã to hơn là đại gia đình; rồi từ tình cảm ấy, sẽ chuyển dần sang giai đoạn lý trí cao siêu hơn, bằng phép quán "Pháp duyên từ" sau đây.

                        2. Quán pháp duyên từ

          Pháp Duyên Từ là lòng Từ Bi do duyên "Pháp tánh" mà phát khởi. Đây là pháp quán dành cho các bậc Trung thừa.

          Hành giả trong khi tu pháp môn này, quán sát thấy tất cả chúng sinh cùng mình đều đồng một "pháp giới tánh", nên chúng sinh đau khổ là mình đau khổ; vì vậy hành giả khởi lòng Từ Bi cứu khổ ban vui cho tất cả chúng sinh. Đến địa vị này, các Ngài không còn phân biệt là nam hay nữ, không còn quan niệm mình khác với người, không nghĩ rằng đó là bà con quyến thuộc, chỉ thấy mình cùng người đồng một "pháp giới tánh" mà thôi. Bồ Tát đã nhận chúng sinh và mình đồng một bản thể, nên khi cứu khổ, không cần biết đó là ai, và khi làm, không chấp mình đã làm. Chúng sinh có khổ thì Bồ Tát có Bi. Sự thông cảm tự nhiên ấy như tình thiêng liêng giữa mẹ và con, hễ có cảm là có ứng, như tánh sốt sắng của vị y sĩ có lương tâm nhà nghề, hễ thấy bịnh thì liền trị. Với ý nghĩa này, trong kinh Trung A Hàm có tỷ dụ: Trước một nạn nhân bị trúng tên độc, việc làm cần kíp hơn hết của vị thầy là phải rút tên độc ấy ra lập tức. Ông không cần phải hỏi người ấy tên gì, ở đâu, con ai, cũng không cần coi cây tên ấy làm bằng gì, ai bắn v.v...

          Sự cứu khổ cho chúng sinh, đối với các vị Bồ Tát đã chứng được "Pháp Duyên Từ" này cũng như thế, chỉ nhằm mục đích làm sao cho kẻ khác hết khổ được vui mà thôi.

                          3. Quán vô duyên từ

          Trong phạm vi bài này, chúng ta chỉ nên học qua hai hạng Từ Bi trên mà thôi, là lòng Từ Bi do thấy chúng sinh khổ sở mà phát ra, hay do duyên mình và chúng sinh đồng một thể tánh mà phát khởi. Còn loại Từ Bi thứ ba tức là "Vô Duyên Từ" là một loại cao siêu đặc biệt của Đại Thừa, chúng ta chưa đủ căn cơ, trình độ tu tập. Tuy nhiên, để có một ý niệm đầy đủ về lòng Từ Bi, chúng ta cũng nên biết qua về loại này.

          Vô duyên Từ là lòng Từ Bi không có tâm năng duyên và cảnh sở duyên, không còn dụng công, không còn quan sát, đối đãi giữa mình với người, mình và vật như hai thứ Từ Bi trước. Lòng Từ Bi này xứng theo thể tánh chơn tâm mà tự khởi ra bao la, trùm khắp, không thiên lệch một nơi nào. Cũng như ánh sáng mặt trời chiếu khắp cả gần xa, không phân biệt thấp cao, không chú ý một nơi nào, chiếu soi tất cả một cách vô tư và không dụng công.

          V. LỢI ÍCH CỦA PHÁP QUÁN TỪ BI

          Có người lo rằng nếu ai cũng sống Từ Bi thì sẽ trở thành nhu nhược, dân tộc sẽ yếu hèn, và sự tham lam, bóc lột sẽ lừng lẫy v.v... Lo như thế là quá lo xa mà thành ra không thực tế. Từ xưa đến nay, loài người không phải khổ sở vì quá Từ Bi, xã hội không phải yếu hèn, đảo điên vì tình thương quá rộng lớn. Trái lại, sự đau khổ của cá nhân cũng như của đoàn thể, một phần rất lớn là do lòng người còn nhiều độc ác, tàn bạo. Một nhận xét không ai có thể chối cãi được là một xã hội càng văn minh thì lòng ác độc càng bớt, tình thương càng tăng thêm thì mọi người trong xã hội biết thương yêu, quan tâm, đùm bọc, chia sẻ, thông cảm với nhau nhiều hơn. Chỉ có tình thương mới khiến con người xích lại gần nhau hơn. Hãy khoan lo sợ Từ Bi làm cho con người mềm yếu, mà chỉ nên lo sợ, nếu sự thù hằn, độc ác không giảm, thì loài người chắc chắn sẽ bị tiêu diệt.

          Theo kinh Tăng Nhất A Hàm, thì Quán Từ bi sẽ được những lợi ích như sau:

- Khi thức hay ngủ đều được an vui

- Hiện tại được nhiều người thương

- Sống trong đời không bị tai nạn trộm cướp

          Khi thực hành pháp Quán Từ Bi, không phải chỉ để chúng ta cầu những quả báo lợi ích riêng cho mình, và có bấy nhiêu đó. Mục đích chúng ta tu là cốt làm sao cho chúng ta và mọi chúng sinh trong lục đạo đều khỏi khổ được vui. Lẽ tất nhiên, trong khi tu chúng ta sẽ:

- Trừ được lòng sân hận độc ác

- Dẹp được ngã chấp hẹp hòi

- Đoàn kết được với mọi người

          - Đời sống cá nhân và đoàn thể nhờ thế được vui vẻ, có ý nghĩa.

          C. KẾT LUẬN

          Từ Bi là một phương thuốc đối trị tâm sân hận. Bởi sân hận là đầu mối sát hại ghê ghớm, là cái chìa khóa của tất cả kho tội lỗi. Trừ được sự sân hận tức là trừ được chết chóc, và dập tắt được cái ngòi biến loạn. Trong nhân loại, không còn ai là cừu địch, không còn có giai cấp bóc lột, đấu tranh. Ai cũng là người đáng thương, đáng giúp đỡ. Giữa người và người, giữa người và vật sẽ có một sự liên lạc, đoàn kết mật thiết. Con người sẽ vô cùng sung sướng khi thấy xung quanh mình đều là bà con quyến thuộc.

          Lòng Từ Bi của Đạo Phật không phải là một lý thuyết suông, mà là cả một sự nỗ lực không ngừng trong thiện pháp. Khi ta áp dụng pháp Quán Từ Bi trong cuộc sống, thì sẽ không còn sự cừu oán, đấu tranh. Thấy ai cũng là người đáng giúp đỡ.  Cho nên nói:

“Tâm Từ rãi khắp muôn phương

Tâm Bi hiện hữu mười phương chan hoà

Lòng người nở một đoá hoa

Chúng sanh hạnh phúc chan hoà tình thương”.

 

Chia sẻ
Phật học liên quan