Ngũ uẩn
“Ngũ Uẩn” là một trong những giáo lý nền tảng căn bản của toàn bộ hệ thống Kinh điển Phật giáo. Hành giả tu tập giáo lý này có công năng chuyển hóa, phá trừ tất cả các ngã chấp và pháp chấp, thành tựu tuệ giác vô lậu.
BÀI 1
A. DẪN NHẬP
Điều mà con người gặp phải những khó khăn nhất, khó hiểu nhất không phải là một cảnh giới xa xôi bên ngoài mà đó là bên trong tự thân của mỗi con người. Cho nên nói về nhân sinh quan, vũ trụ quan, tức là nói về con người và thế giới. Chỉ có Đức Phật, Bậc Chánh Đẳng Giác mới có đủ trí tuệ siêu việt để chỉ cho chúng ta một cách xác thực các vấn đề này.
Cho nên sau khi thành đạo, đức Phật đến độ cho năm anh em ông Kiều Trần Như, bài pháp đầu tiên được đức Phật thuyết giảng đó là bài pháp Tứ Diệu Đế. Nội dung bài pháp này nói về lý trung đạo, nhằm xa lìa hai cực đoan, khổ hạnh ép xác và tham đắm dục lạc. Sau khi nghe thời pháp đầu, họ đều chứng quả vị Tu Đà Hoàn và chỉ có một vị chứng quả A La Hán. Tiếp theo là thời pháp thứ hai Ngài dạy về Kinh “Vô Ngã Tướng”. Qua đây đức Phật chỉ rõ về năm yếu tố cấu thành nên thân và tâm của con người, được gọi là “Ngũ uẩn”. Sau khi nghe xong, năm vị này liễu đạt được lý “Vô Ngã”, thành tựu được tuệ giác và chứng quả Vô Sanh tức quả vị A La Hán. Cho nên “Ngũ Uẩn” là một trong những giáo lý nền tảng căn bản của toàn bộ hệ thống Kinh điển Phật giáo. Hành giả tu tập giáo lý này có công năng chuyển hóa, phá trừ tất cả các ngã chấp và pháp chấp, thành tựu tuệ giác vô lậu. Đây là chìa khóa vạn năng để mở cánh cửa giải thoát, tức xa lìa những tham ái dục vọng khổ đau.
Giáo lý của đức Phật luôn hướng về mục tiêu duy nhất là trình bày về sự thật của cuộc đời. Sự thật đó là chân lý về khổ và con đường thoát khổ. Nhưng để thoát khỏi khổ đau, con người cần phải nhận ra và đoạn trừ nguyên nhân của khổ đau. Đức Phật dạy chấp thủ năm uẩn là khổ. Để thoát khỏi sự khổ đau ấy, chúng ta cần nhận thức rõ về bản chất của năm uẩn là vô ngã, để hướng đến cuộc sống hạnh phúc an lạc.
B. NỘI DUNG
I. ĐỊNH NGHĨA
Ngũ uẩn là gì?
Theo tinh thần Phật giáo, do nhân duyên hòa hợp tất cả những nghiệp duyên từ trong những đời quá khứ mà kiến tạo ra con người trong kiếp nầy. Do vậy con người chỉ là sự kết hợp, tạo thành của ngũ uẩn. Nói một cách dễ hiểu là thân thể con người gồm có hai phần là thân xác và tâm linh. Phần thân xác có hình dáng nên gọi là sắc uẩn còn phần tâm linh vì không có hình sắc nên gọi là danh và bao gồm thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn.
Ngũ uẩn được dịch từ tiếng Sanskrit là Panca Skandhah; ngoài ra còn được dịch là Ngũ chúng, Ngũ ấm, Ngũ thọ ấm, hay Ngũ thủ uẩn. Sở dĩ có nhiều tên gọi khác nhau là vì các dịch giả lấy tính cách của năm thứ đó mà diễn dịch.
Ngũ Chúng: là nhiều nhóm tập hợp lại nên gọi là Ngũ chúng.
Ngũ Thọ Ấm: là năm nhóm này chấp thọ, lãnh thọ nên gọi là Ngũ Thọ Ấm.
Ngũ Thủ Uẩn: là năm nhóm này bị Ái, Thủ chấp trước nên gọi là Ngũ Thủ Uẩn.
Ngài Huyền Trang dịch là Ngũ Uẩn. Uẩn tức là tụ tập, tích tập lại theo từng nhóm. Ngài Cưu Ma La Thập dịch là Ngũ Ấm. Ấm nghĩa là ngăn che, chướng ngại. Nhưng danh từ Ngũ Uẩn được dùng phổ biến hơn là Ngũ Ấm.
Ngũ Uẩn là năm nhóm, là năm yếu tố tích tụ lại. Ngũ Uẩn cũng được gọi là năm thứ ràng buộc vì chỉ có Phật hay các bậc A-la-hán mới không bị dính mắc nơi chúng. Đặc tính của chúng là Vô thường, Khổ và Vô Ngã. Chính năm thứ này là nguyên nhân khiến cho chúng sanh chìm đắm trong đêm dài sanh tử.
II. THÀNH PHẦN CỦA NGŨ UẨN
Ngũ uẩn là tập hợp năm nhóm sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Năm nhóm này có tính ngăn che làm chướng ngại sự tu tập giải thoát, chúng đem đến phiền não khổ đau của con người. Đức Phật dạy về năm thủ uẩn rằng: “Này các Tỳ kheo, phàm có sắc, thọ, tưởng, hành, thức nào thuộc quá khứ, hiện tại, vị lai, nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, mà có lậu hoặc, bị chấp thủ thì đó gọi là năm thủ uẩn hay năm uẩn bị chấp thủ.” Cho nên, “Năm thủ uẩn bị xem là gánh nặng, vì kẻ gánh nặng lên là con người”; “năm thủ uẩn bị xem là sanh y vì y cứ vào đó mà đời sống mới hình thành.”
Năm uẩn này có tác động mạnh mẽ đến cuộc sống của con người. Nếu một cơ thể vật lý bệnh hoạn thì làm cho cuộc sống bất an, và nếu một tâm hồn không lành mạnh thì cũng không thể đem đến sự an vui, hạnh phúc trong cuộc sống. Nói tóm lại, các hiện tượng tâm lý, sinh lý và vật lý có ảnh hưởng tương quan rất mật thiết với nhau.
Trong Trung Bộ Kinh III, bài kinh số 140, Kinh Lục Giới Phân Biệt và Kinh Trung A-hàm, số 42 và nhiều kinh khác của A-hàm cũng như kinh tạng Nikàya cắt nghĩa về ngũ uẩn là gồm tứ đại hợp thành. Trong đó địa đại gồm có nội địa đại (thân người của mình) và ngoại địa đại (tha nhân và thế giới vật lý); tương tự đối với thủy, hỏa, phong đại. Như thế, sắc uẩn cũng được định nghĩa gồm có nội sắc (thân mình) và ngoại sắc (tha nhân và thế giới vật lý); thọ uẩn gồm có nội thọ (cảm thọ về các Thiền lạc) và ngoại thọ (gồm có các cảm thọ về sắc, thanh, hương, vị, xúc). Những cảm nhận về hỷ, lạc, xả, ưu, khổ thuộc thọ uẩn. Những khả năng kinh nghiệm về sắc, thanh, hương, vị xúc, pháp và những khả năng hồi tưởng, ký ức thì thuộc về tưởng uẩn. Khả năng ghi nhận sự có mặt của các pháp qua tai, mắt, mũi, lưỡi, thân và ý thì thuộc về thức uẩn. Khả năng tư duy, nghĩ thiện, nghĩ ác, v.v... thuộc hành uẩn.
Để hiểu rõ chi tiết về Ngũ Uẩn, chúng ta cần phân tích từng chi phần như sau:
1. Sắc uẩn
Sắc gồm tứ đại năng tạo, tứ đại sở tạo và vô biểu sắc.
Tứ đại năng tạo là gồm: đất, nước, gió, lửa; tứ đại sở tạo là ngũ căn gồm: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân; vô biểu sắc là những sắc không biểu hiện ra hình tướng bên ngoài. Sắc này do thức ăn nuôi dưỡng và làm cho rắn chắc, vì nhờ thức ăn mà hữu tình có thể sống được. Vì vậy, khi thức ăn tập khởi hay đoạn diệt thì sắc cũng tập khởi hay đoạn diệt theo. Đức Phật dạy: “Này các Tỳ kheo, thế nào là sắc? Bốn đại chủng và sắc do bốn đại chủng tạo thành. Này các Tỳ kheo, đấy được gọi là sắc. Do các thức ăn tập khởi nên sắc tập khởi. Do các thức ăn đoạn diệt nên sắc đoạn diệt”.
Ngoài ra, thân thể muốn tồn tại phải nhờ vào các yếu tố khác như: không khí, mặt trời, thời tiết… Theo quan điểm của Phật giáo về thân thể vật lý dựa trên cơ sở lý duyên sinh. Cho nên mối quan hệ giữa con người và vũ trụ thiên nhiên là bất khả phân ly.
2. Thọ uẩn
Thọ: là sự nhận lãnh, nạp thọ.
Thọ Uẩn: là phần cảm giác của 6 căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) tiếp xúc với 6 trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp). Như mắt tiếp xúc với hình sắc mà sinh ra thọ, tai với âm thanh, mũi với mùi, lưỡi với vị, thân với vật cứng mềm, ý với đối tượng tâm ý. Nghĩa là những cảm thọ, cảm giác, tức là sự hay biết nơi thân tâm có các cảm giác như nóng, lạnh, đau nhức, vui, buồn v.v... Cảm giác theo Phật giáo không dừng lại ở tiếp xúc đơn thuần mà là cảm xúc, một biểu hiện sâu hơn của cảm giác.
Cái gì đến với ta ta nhận lãnh gọi là thọ. Đức Phật dạy có ba loại thọ: Khổ thọ, lạc thọ và bất khổ bất lạc thọ (xả thọ). Tùy theo đối tượng tiếp xúc mà có cảm thọ khác nhau. Đối tượng vừa ý thì lạc thọ khởi lên. Đối tượng không vừa ý thì khổ thọ khởi lên. Đối tượng không thuận không nghịch thì bất khổ bất lạc thọ khởi lên (xả thọ).
Như vậy, thọ uẩn là do sáu căn tiếp xúc với sáu trần mà có mặt. Do xúc sanh khởi hay đoạn diệt mà thọ cũng sanh khởi hay đoạn diệt theo…
Cảm giác khổ là một loại cảm giác khó chịu khi ta tiếp xúc với một đối tượng không thích ý, nó kèm theo một chuổi tâm lý khó chịu, bất mãn, tránh xa….như người ta thường nói: “Gặp gỡ kẻ thù như kim đâm vào mắt, sống chung với người nghịch như nếm mật nằm gai”. Hoặc khi ta nhìn thấy một con vật mà ta ghê sợ như con sâu…, nó sanh cảm giác ghê tởm không muốn nhìn. Ngược lại, thọ lạc là cảm giác vui sướng, một loại cảm giác dễ chịu, thoải mái, phấn khởi khi ta tiếp xúc với một đối tượng thích ý. Nó tạo cho ta niềm vui sung sướng xích lại gần…Cảm giác trung tính (xả thọ) là không khổ không vui, nó không tạo cho ta cảm giác khó chịu hay dễ chịu, không tạo ra một lực hút hay lực đẩy nào. Ví dụ khi ta nhìn một dòng sông hay một áng mây bay, không khởi lên khổ hay lạc mà chỉ là cảm giác thông thường.
Như vậy, những loại cảm giác về thời gian, không gian, cảm giác sâu lắng bên trong như thiền định, hay cảm giác bên ngoài qua các giác quan, cảm giác cường độ mạnh hay yếu đều nằm trong thọ uẩn. Phân tích ta sẽ thấy có những cảm giác đến từ thân thể như: ăn uốn ngon dở, hay bị thương tích đau đớn, có những cảm giác đến từ tâm lý và vật lý như thưởng thức một bản nhạc hay hoặc ngắm một bức tranh, hoặc sự đau khổ do hoàn cảnh bất hạnh… Khi chấp thủ vào cảm thọ bao giờ cũng sai lầm và gặt hái khổ đau. Chẳng hạn như trời nóng được ngồi trong phòng có máy lạnh chúng ta cảm thấy mát mẻ, dễ chịu (lạc thọ). Nhưng với người không quen máy lạnh sẽ cảm thấy khổ sở (khổ thọ). Hoặc như khi nghe nhạc, có người ưa thích cảm thấy hay (lạc thọ), có người không thích nghe nhạc thì cảm thấy nhứt đầu (khổ thọ) nhưng có người cũng nghe nhưng không khổ, không vui (bất khổ, bất lạc thọ).
Tất cả những loại cảm thọ ấy tạo thành một dòng sông cảm thọ tâm lý chi phối hệ thống tâm thức, chúng biến hiện thay đổi vô chừng, chuyển biến vô tận, nó hiện hữu có điều kiện.
3. Tưởng uẩn
Tưởng: tư tưởng, tri giác.
Tưởng uẩn: Tức là những ý tưởng khởi lên trong tâm, khi có sự tiếp xúc giữa năm giác quan với cảnh vật bên ngoài và ý căn ở bên trong tâm.
Tưởng còn gọi là niệm: chánh niệm là ý niệm chơn chánh; còn vọng tưởng là ý niệm sai lầm.
Tưởng là sự tưởng tượng, tư duy về hình dáng của sự vật. Như thế tưởng là tri giác, có khả năng nhận biết sự vật và hiện tượng, qua đó hình thành kinh nghiệm của sáu giác quan. Ngoài khả năng nhận biết đối tượng bên ngoài, tưởng còn là những hoạt động của tâm lý bên trong, như so sánh cái này đẹp cái kia xấu, hoặc đối chiếu như cái này lớn cái kia nhỏ, hồi tưởng… Như chúng ta nhìn thấy một vụ tai nạn giao thông, những ngày sau đó, hình ảnh tai nạn đó vẫn còn trong tâm.
Tưởng là tri giác có khả năng nhận biết đối tượng. Sự nhận biết này có hai loại: một là nhận biết đối tượng bên ngoài như mắt thấy sắc nhận biết đó là đóa hoa hồng hay hoa lan, tai nghe âm thanh nhận ra đó là tiếng gì… hai là khả năng nhận biết đối tượng bên trong, tức là các đối tượng tâm lý như những khái niệm, hồi tưởng ký ức…Như vậy, tưởng uẩn là cái thấy, cái biết của mình về con người, hoặc sự việc hay sự kiện.
Tóm lại, tưởng uẩn bao gồm các tri giác về thế giới vật lý và tâm lý. Tự thân của tưởng đã chứa đựng sai lầm, mà sự sanh khởi của nó do duyên sanh, sự tồn tại của nó có điều kiện. Vì thế, tưởng có tính hư vọng mà ta gọi là vọng tưởng.
4. Hành uẩn
Hành: là động lực tiềm tàng trong tâm thức.
Hành uẩn: là phần tác ý, tạo nghiệp.
Chữ hành có hai nghĩa là thiên lưu và tạo tác. Thiên lưu là các pháp hữu vi biến dịch, trôi chảy mãi như một dòng sông, nên gọi là “chư hành vô thường”. Tạo tác là sự tạo tác của thân, miệng, ý. Nghĩa là thân làm việc gì, miệng nói điều gì, ý nghĩ cái gì đều gọi là hành. Những tạo tác của hành do tư tâm sở chủ động. Như thế, hành uẩn là nhóm tâm sở có khả năng tạo nghiệp để đưa đến sự thọ quả. Hành động có cố ý đều là tư tâm sở, và có cố ý mới thành nghiệp.
Đức Phật dạy: “Này các Tỳ kheo, chính ý chí muốn, ta gọi là nghiệp. Khi đã muốn, người ta liền thực hiện bằng thân, miệng, ý. Ý muốn là sự tạo tác bằng tâm ý. Công việc của nó là dẫn dắt tâm ý hoạt động xấu, tốt, hoặc không xấu không tốt.”
Như vậy, hành uẩn thuộc tâm sở, có thiện có ác, là động lực tạo nghiệp, nó sinh khởi, tồn tại có điều kiện, nhân duyên, cho nên hành uẩn có tính vô thường, trôi chảy và biến động.
Tất cả những hiện tượng tâm lý, sinh lý hiện tại là kết quả của hành trong quá khứ. Chúng làm nền tảng và lực đẩy để hình thành một năng lực hành mới, dẫn dắt con người đi vào luân hồi sanh tử.
5. Thức uẩn:
Thức: là nhận thức, phân biệt.
Thức uẩn: là sự liễu biệt. Là khả năng nhận thức và phân biệt.
Thức Uẩn: là sự hay biết xảy ra trong tâm. Do căn tiếp xúc với trần mà sinh ra thức. Có 6 thức: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, và ý thức. Giáo lý Ðại thừa có thêm Mạt Na Thức và A Lại Da Thức. Gọi là Tám thức tâm vương, vừa hiển lộ trên bề mặt ý thức, vừa chìm sâu trong Tàng thức, hay vô thức.
Như vậy, thức nhận biết sự vật và phản ánh một cách trung thực đến với đối tượng, có thể chia làm bốn phần:
- Cái biết do đối duyên xúc cảnh: Đây là cái biết cạn nhất thuộc năm giác quan. Cái biết này có tính trực tiếp như một tấm gương phản chiếu tất cả những hình ảnh đi ngang qua nó.
- Cái biết về các hiện tượng tâm lý sanh diệt: Đây là cái biết các hoạt động của tâm sở, như Kinh nói: Tâm có tham thì biết có tham; tâm có sân thì biết có sân; tâm có si thì biết có si.
- Cái biết có tính chất thông linh: Đây là cái biết đặc biệt nhưng vẫn còn nằm trong phạm vi thường tình, như hiện tượng thần giao cách cảm.
- Cái biết siêu việt thời gian và không gian: Hành giả tu đắc Thánh quả thì thành tựu được năm phép thần thông. Với tha tâm thông có thể biết được ý nghĩ, tâm niệm của người khác. Với túc mạng thông, biết được các đời trước của mình, của người. Tuy nhiên cái biết này vẫn còn mầm móng của bản ngã và vô minh.
Thức là nền tảng của thọ, tưởng, hành. Nó cũng là nền tảng của các hiện tượng tâm lý như biển là nền tảng của các ngọn sóng nhấp nhô, vì vậy thức còn gọi là yếu tố căn bản của tâm lý, thức dung chứa các hiện tượng tâm lý và căn cứ để các hiện tượng tâm lý phát khởi.
Đức Phật dạy: “Thức tồn tại nhờ sắc làm điều kiện, làm đối tượng, sắc làm nơi nương tựa. Thức phát triển hưng thịnh nhờ sắc. Thức tồn tại nhờ thọ, nhờ tưởng, nhờ hành. Như vậy, thức là một hợp thể của bốn uẩn kia. Cho nên, đạo Phật không chấp nhận có một thức nào đó độc lập, tự chủ như khái niệm về một linh hồn bất tử chẳng hạn. Thức không tồn tại độc lập mà duyên sinh với bốn uẩn kia. Do đó, thức cũng vô thường, lưu chuyển, vô ngã và duyên sanh.
III. TÍNH CHẤT CỦA NGŨ UẨN
Tính chất của ngũ uẩn là Vô thường, Duyên sinh và Vô ngã
Năm uẩn do duyên sinh nên Năm Uẩn là Vô thường, Vô ngã, và đem lại Khổ đau. Thế Tôn dạy: "Này các Tỷ-kheo... sắc đã được cái Vô ngã làm cho sanh khởi, từ đâu là ngã được? Sắc đã được cái Vô thường làm cho sanh khởi, từ đâu là thường được? Sắc đã được cái Khổ làm cho sanh khởi, từ đâu có thể lạc được?". (Tương tự đối với thọ, tưởng, hành và thức).
Như vậy, con người là một hợp thể của năm uẩn. Cho nên đạo Phật không chấp nhận có một chủ thể nào độc lập. Con người, từ sự hội tụ của tinh cha huyết mẹ và cộng với nghiệp lực mà tạo nên thân thể chúng ta. Nó được sinh ra, lớn lên, già và bệnh rồi chết. Đó là quy luật tự nhiên, quy luật của “Vô thường”. Cho dù chúng ta không muốn già, bệnh, chết nhưng cũng không thể ngăn cản được chúng, vì vô thường nên nó là “Vô Ngã ”.
Như trong Kinh A Hàm cũng như kinh Trung Bộ Đức Phật dạy:
“Thử hữu tắc bỉ hữu
Thử vô tắc bỉ vô
Thử sanh tắc bỉ sanh
Thử diệt tắc bỉ diệt”
Dịch nghĩa:
“Do cái này có mặt, nên cái kia có mặt
Do cái này không có mặt, nên cái kia không có mặt
Do cái này sinh, nên cái kia sinh
Do cái này diệt, nên cái kia diệt”.
Khi nói về sự vận hành ngũ uẩn là nói về sự vận hành của Danh và Sắc, và chính là sự vận hành của Thập nhị duyên khởi. Vì không nhận biết sự có mặt của con người và thế giới là do nhân duyên hòa hợp sanh khởi, luôn biến dịch và không có một tự thể thường hằng, nên con người ảo tưởng về một tự ngã, đây là “tôi”, đây là cái “của tôi”, đây là “tự ngã của tôi”. Chính ảo tưởng và sự bất giác này khuấy động tâm thức đưa đến tham ái, chấp thủ, sầu, bi, khổ, ưu, não.
Đức Phật phân tích con người gồm năm uẩn để cho thấy tính chất duyên sinh, vô ngã, vô thường của từng uẩn cũng như của con người, nhằm đánh đổ cái lầm chấp về bản ngã, để hình thành tri kiến như thật và đưa đến giải thoát.
Tính chất duyên sinh thể hiện rõ ràng giữa năm uẩn, nghĩa là uẩn này liên hệ với uẩn kia, uẩn này nằm trong uẩn kia trong một tương quan trùng trùng duyên khởi. Có sắc uẩn thì có thọ uẩn, do tưởng uẩn mà phát sinh cảm giác hạnh phúc hay đau khổ (thọ). Có thể nói hành uẩn là hang ổ của bản ngã, nơi phát sinh ái kiến, vì nó chứa bản năng hưởng thụ của thọ uẩn, bản năng sinh tồn của sắc uẩn. Do thọ dẫn đến ái, tưởng dẫn đến kiến; ái là tham, kiến là chấp trước. Vậy, sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn đều có mặt trong hành uẩn.
Qua sự phân tích trên, ta thấy năm uẩn liên quan chặt chẽ với nhau. Mỗi nhóm đều nương tựa vào nhau mà tồn tại. Con người là một hợp thể năm uẩn, mới nhìn qua tưởng như độc lập và được điều khiển bởi một chủ thể, nhưng thật ra thể thống nhất ấy chỉ là duyên sinh, vô thường, vô ngã và tạm bợ.
Người tu tập giải thoát chỉ có một điểm duy nhất khác với người bình thường là hướng sự phát triển tâm lý về mặt giải thoát của vô tham, vô sân, vô si.
Chúng ta không làm chủ con người năm uẩn, nhưng chúng ta có thể làm chủ việc đón nhận khổ đau hay hạnh phúc. Chẳng hạn, được sinh ra với một thân hình thô xấu, khổ đau của chúng ta không phải vì thân hình thô xấu, mà thực sự là vì lòng khát ái và chấp thủ - do mong muốn có một thân hình thon thả, dễ thương, do đắm vào sắc tướng. Hoặc giả, lời mắng nhiếc của người khác không phải là cái làm cho ta khó chịu, mà cái khó chịu là do chúng ta ưa thích những lời lẽ ngọt ngào và chấp trước vào âm thanh, sắc tướng và tự ngã.
IV. TU TẬP GIẢI THOÁT VỚI NGŨ UẨN
1. Sự tác thành nên Ngũ uẩn là nghiệp lực
Ngũ uẩn là hợp thể của thân người, nhưng thân người lại là nơi chứa đựng các nghiệp thiện và bất thiện. Cho nên trong Kinh Trung Bộ I, Đức Phật dạy: « Chúng sanh là kẻ thừa tự nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc mà từ đó chúng sanh được sinh ra. »
2. Ngũ uẩn là khổ đau
Ta thấy, sở dĩ khổ đau có mặt là vì sự có mặt của ý niệm “tôi là”: tôi là sắc, là thọ, là tưởng, là hành, là thức. Tất cả những khổ đau ấy có mặt cũng có nghĩa là tham ái có mặt: ái sắc, ái thọ, ái tưởng, ái hành, ái thức. Bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu mà ái có mặt thì có mặt ý niệm “tôi là”. Bất cứ lúc nào và ở đâu mà ý niệm “tôi là” có mặt thì ái có mặt. Ở đâu mà ý niệm “tôi là” hay ái có mặt thì ở đấy có mặt của niềm đau, của sinh tử luân hồi.
Một lần ở Savatthi, đức Phật dạy về khổ và nguyên nhân của khổ: “Này các Tỳ kheo, thế nào là cội gốc của đau khổ? Chính ái này đưa đến tái sinh, câu hữu với hỷ và tham, tìm cầu hỷ lạc chỗ này, chỗ kia, tức là dục ái, hữu ái, phi hữu ái”. Như vậy, cội gốc của khổ đau không phải do chính năm uẩn, cũng không do năm uẩn vô thường, mà là do chính lòng khát ái năm uẩn. Con người là gốc của khổ đau và cũng là sự giải thoát cho chính mình khi chúng ta có cái nhìn chánh kiến.
3. Vì sao đức Phật dạy về Ngũ uẩn?
Trong Kinh Tương Ưng Bộ III, Thế Tôn dạy: “Không liễu tri Năm uẩn thì không thể đoạn tận khổ đau. Do vậy cần phải liễu tri Năm uẩn: 'Sự đoạn tận tham, sự đoạn tận sân, sự đoạn tận si được gọi là liễu tri”.
Kinh Tương Ưng Đức Phật dạy:
« Năm uẩn là gánh nặng,
Kẻ gánh nặng là người.
Mang gánh nặng ấy lên
Chính là khổ ở đời.
Còn đặt gánh nặng xuống
Chính là lạc ở đời .
Đặt gánh nặng xuống xong
Không mang thêm gánh khác.
Nếu nhổ khát ái lên
Tận cùng đến gốc rễ
Không còn đói và khát
Được giải thoát tịnh lạc »
(HT. Thích Minh Châu, dịch, Kinh Tương Ưng Bộ, Tập III, Phẩm Gánh nặng, NXB Tôn giáo Hà Nội, trang 26)
Gánh nặng chính là sự bám giữ các uẩn: cái ta, cái của ta. Chẳng hạn như hôm nay thấy mình già hơn hôm qua liền buồn khổ trong lòng. Nghe ai đó chê trách đến tên mình, nói những lời không êm tai, trước những sự thay đổi, mất mát, chia ly.v.v… ta sinh tâm phiền não khó chịu.
Vì chúng sinh chấp vào thân ngũ uẩn là thật nên thể hiện cái “tôi”, tức bản ngã dính chặt vào tham ái chấp thủ, dẫn đến tạo các nghiệp bất thiện. Từ đó trôi lăn mãi trong sáu nẻo sanh tử luân hồi và thọ quả khổ. Chính vì thế, Đức Phật nói ngũ uẩn là để chúng ta thấy rõ bản chất của chúng là không thật, là vô thường, duyên sinh, vô ngã. Mục đích là hướng dẫn chúng ta xa lìa tâm ái trước chấp thủ nhằm thoát khổ, được giải thoát an vui.
4. Tu tập Ngũ Uẩn theo Tứ Diệu Đế
Trong Kinh Chuyển Pháp Luân, Ðức Phật dạy:
- “Nơi Khổ Đế: ...Tóm lại, năm thủ uẩn là khổ.
- Nơi Tập Đế (năm uẩn là nguyên nhân gây ra đau khổ): ...chính là ái nầy đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ và tham, tìm cầu hỷ lạc chỗ nầy chỗ kia. Tức là dục ái, hữu ái, phi hữu ái.
- Nơi Diệt Đế: ... chính là sự ly tham, đoạn diệt, không có dư tàn khát ái ấy, sự quăng bỏ, từ bỏ, giải thoát, không có chấp trước”.
Kinh Tương Ưng III, Ðức Phật dạy các các đệ tử quán chiếu về năm uẩn theo Tam Pháp Ấn như sau:
- “Này các Tỳ Kheo! Thân thể là thường hay vô thường?
- Bạch Thế Tôn, là vô thường.
- Vô thường thì đưa đến khổ hay vui?
- Bạch Thế Tôn, đưa đến khổ.
- Cái gì vô thường và khổ thì có hợp lý không khi cho rằng cái này là
Tôi, là của tôi, là tự ngã của tôi?
- Bạch Thế Tôn... không hợp lý"(HT. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Vô Ngã Tướng, Tương Ưng Bộ III, NBB Tôn Giáo, ấn hành 2001, trang 66.)
Qua lời dạy trên, Đức Thế Tôn đã vạch rõ đường lối phá bỏ sự cố chấp bám vào thân tâm năm uẩn nầy. Nó vốn chẳng có thật và là một tà kiến cần phải trừ diệt chúng.
5. Tu tập giải thoát với Ngũ uẩn
Giữa hạnh phúc và khổ đau đôi khi chỉ cách nhau như đường tơ kẻ tóc. Nắm giữ là khổ đau và buông xả là an lạc giải thoát.
Trong cuộc sống, chúng ta phải đối đầu với nhiều trở lực, gây ra biết bao nhiêu khổ đau.
- Trở lực thứ nhất: là thân thể, sức khỏe, tình cảm, tri thức và ý chí ấy tự thân chúng biến đổi trong từng phút, từng giây. Tất cả những biến đổi này ở ngoài sự làm chủ của mình, do đó gây ra những sầu muộn, khổ đau.
- Trở lực thứ hai: chúng ta không thỏa mãn với những gì mình đang có, như là mắt bị lé, mũi xẹp, dáng lùn, âm thanh không được trong trẻo, thiếu thông minh.v.v…những điều đó luôn dằn vặt, khiến chúng ta luôn tự ti mặc cảm với mọi người.
- Trở lực thứ ba: có thể là một sự cố trong đời làm ảnh hưởng đến sức khỏe như là một vụ tai nạn, một cơn bạo bệnh, hoặc một trở duyên bị giáng chức… cho chúng ta phiền muộn đau khổ.
Chúng ta luôn chấp vào thân và những gì thuộc về sở hữu của thân. Cho nên khi bị một ai đó cho chúng ta ăn một quả đấm, thân bị đau vì một quả đấm trong chừng ít phút, nhưng lòng vì nghe nỗi đau kéo dài đến hàng tháng, hàng năm, và có thể đến trọn đời. Trong tình cảm cũng thế, khi bị một ai lừa dối, chúng ta thấy hận họ suốt đời… Chính tư duy lệch lạc về bản ngã khiến cho chúng ta đau khổ và chìm đắm mãi trong sanh tử luân hồi.
Con đường đi ra khỏi khổ đau ấy chính là con đường đi ra khỏi khát ái, hay đi ra khỏi ý niệm "ngã và ngã sở". Để phá tan và diệt trừ ái, ngã và ngã sở thì phải quán tưởng về thật tướng của ngũ uẩn là Duyên Sanh, Vô Thường, Vô Ngã và Không.
Bản chất của ngũ uẩn vốn là vô thường, vô ngã và chuyển biến bất tận theo lý duyên sinh, vì vậy bản chất của chúng là không. Nếu có sự chấp thủ, tham ái thân thể, hoặc bất cứ một đối tượng nào cũng đều tiềm ẩn nguy cơ đau khổ. Như trong kinh Đức Phật đã dạy: “Ai cho rằng sắc uẩn là ta, là của ta, là tự ngã của ta thì chắc chắn gặt hái đau khổ, thất vọng, sầu muộn”.
Nhờ thấy rõ thân thể qua phân tích ngũ uẩn đưa đến trí tuệ sâu sắc làm rơi rụng tâm lý tham ái về thân thể, chặt đức sợi dây trói buộc vào sắc uẩn.
Trong kinh Tạp A Hàm, trang 256 Đức Phật cũng dạy ta quán chiếu sâu sắc năm uẩn như sau:
“Quán sắc như tựu mạc
Quán thọ như thủy thượng bào
Quán tưởng như dương thời diệm
Quán chư hành như ba tiêu
Quán chư thức như huyễn.”
Nghĩa là :
Quán sắc như bọt nước
Quán thọ như bong bóng nước
Quán tưởng như sóng nắng
Quán các hành như cây chuối
Quán các thức ấm là vô ngã
Sắc: giống như bọt nước (thủy mạc): tức sắc thân con người giống như bọt nước. Bọt nước do gió thổi nước tạo thành những bóng bọt kết tụ lại, tướng trạng của nó không như nhất, không có thật thể cố định.
Thọ: giống như bọt nước li ti (thủy thượng bào). Như một thác nước chảy từ trên cao xuống, các bọt nước va chạm vào đá, tung tóe ra từng mảnh nhỏ li ti. Có nghĩa là sự cảm thọ là khi do chúng ta đối duyên xúc cảnh mà sinh ra, chúng là do duyên sinh, không thật thể cố định và nó cũng mong manh tạm bợ, là vô thường.
Tưởng: giống như sóng nắng (dương thời diệm). vào lúc trời nắng, chúng ta đi giữa đường nhựa, nhìn về phía trước, thấy như một làn nước, nhưng khi đến gần thì không có gì cả. Tưởng uẩn cũng thế, do tâm chúng ta tưởng tượng nên rồi thành ra thế này thế kia, chứ không có một thật thể cố định.
Hành: giống như cây chuối (ba tiêu). Một cây chuối khi chúng ta lột bẹ của nó, cứ lột mãi cho đến trong ruột chuối thì không có gì cả. Một cây chuối hình thành từ những bẹ chuối, nếu cứ lột vỏ hoài thì cuối cùng không còn lại gì cả.
Thức: giống như trò ảo thuật (huyễn). Kỹ xảo là chế tác ra chứ không có thật thể. Thức nghĩa là phân biệt. Tâm thức của chúng ta tùy theo cảnh mà sanh diệt chứ không thực thể.
Mỗi uẩn tự nó là duyên sanh, nương vào 4 uẩn kia mà có mặt. Sự tồn tại của một uẩn là sự tồn tại của 5 uẩn. Như vậy, ngũ uẩn là do duyên sanh nên vô thường, không thực thể.
Trong Kinh Bát Nhã: “Bồ Tát Quán Tự Tại do thực hành thiền quán thâm sâu mà trực ngộ rằng ngũ uẩn vốn chỉ duyên nhau mà xuất hiện, bản chất của nó là “Không”. Do đó, không còn bám víu, cho nên giải thoát khỏi tất cả mọi nỗi thống khổ.”
Trong kinh Tạp A Hàm Đức Phật dạy chúng ta cần phải hộ trì 6 căn như sau: “Khi mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân cảm xúc, ý nhận thức các pháp, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng...”
Nghĩa là khi mắt thấy, ta chỉ ghi nhận màu sắc và hình dáng, không đem tâm tham ái chấp thủ vào. Chẳng hạn, như chúng ta thành đạt được điều gì thì thấy phấn khởi rồi vui thích, hoặc khi nghe một câu nói không vừa ý, ta sanh tâm buồn phiền. Đó là ta nắm giữ tướng chung, nắm giữ tướng riêng. Không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng, là đem tâm trở về sống với chánh niệm tỉnh giác. Nghĩa là không chạy theo sự đẹp hay xấu, khen hay chê. Tất cả đều là nhân duyên sinh diệt, là vô thường, vô ngã.
Chấp thủ và khổ đau không đến từ bên ngoài, mà đến từ chính cái nhìn sự vật của con người. Nếu một người không nhìn sắc, thọ, tưởng, hành, thức là tự ngã, khi năm uẩn biến đổi, thì ưu não không khởi lên trong tâm người ấy, và người ấy không có chấp thủ hay ưu não về bất cứ điều gì. Không chấp thủ và ưu não, người ấy cảm nhận hạnh phúc trong hiện tại. Như thế, con đường chân chánh và hạnh phúc, nó vốn ở ngay trong mỗi con người chúng ta qua cái nhìn của Chánh kiến. Đó là cái nhìn mọi hiện hữu vạn vật là vô ngã. Đức Phật dạy, vạn vật không ngoài năm uẩn, nhưng xét cho cùng năm uẩn chỉ là sự hợp tan. Không hiểu rõ năm uẩn thì không thể đoạn tận khổ đau. Do đó, “hành giả cần phải liễu tri năm uẩn, chính là sự đoạn tận tham, sự đoạn tận sân, sự đoạn tận si, được gọi là liễu tri”.
Thân ngũ uẩn này dù là giả hợp, vô thường, đầy bất tịnh, nhưng là phương tiện để tu hành, đi đến giác ngộ giải thoát.
Nhờ thấy rõ tính Vô ngã, Vô thường và khổ đau của Năm Uẩn mà sinh lòng nhàm chán, ly tham. Do ly tham mà có giải thoát. Không vướng chấp vào thân ngũ uẩn giả hợp, từ bỏ cái ngã vô thường để tìm về cái chân ngã.
Giáo lý Ngũ Uẩn là thực tại, là chân lý, có công năng phá trừ những kiến chấp sai lầm, ngu si, sợ hãi… và khước từ mọi hệ lụy do ngã chấp đem lại, giúp con người luôn sống với thực tại, sẽ được hạnh phúc an lạc và tiến tu trên bước đường giải thoát.
C. KẾT LUẬN
Đạo Phật là đạo giác ngộ. Đức Phật ra đời vì đại sự nhân duyên: “khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến”. Có nghĩa là, vì chỗ mê mờ khổ đau của chúng sanh, nên đức Phật ra đời cốt để chỉ cho chúng sanh thấy rõ sự thật con người của chính mình, nhằm cởi bỏ những ràng buộc.
Qua giáo lý Ngũ Uẩn, đức Phật chỉ cho chúng ta thấy, con người toàn diện ấy chỉ là một tổng thể của Năm thủ uẩn: Sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Nó do các duyên mà tạo thành nên rất tạm bợ, không có gì là “ta”, là “của ta”, hay “tự ngã của ta”. Hiểu như thế, con người sẽ không còn chấp thủ, ái luyến vào con người năm uẩn. Khi sự chấp thủ và ái luyến không còn thì sẽ không còn khổ đau; từ đó có thể vận dụng ngay cái thân giả hợp này để tu tập giải thoát.
Qua đây, ta thấy đức Phật đã đề cao giá trị của con người, chỉ có con người mới làm cho mình đau khổ hay hạnh phúc, con người là chủ nhân ông của chính mình; chứ không có một Đấng thần linh nào ban vui, cứu khổ hay thưởng phạt cả. Chân hạnh phúc chỉ tồn tại trong một tâm hồn giải thoát.
Giải thoát không phải là sự trốn chạy khỏi cuộc đời để tìm kiếm ở một thế giới khác, mà giải thoát là trực tiếp đối diện với cuộc đời, với bản thân, với năm thủ uẩn, để quán chiếu, khám phá ra tự tánh như thật của chúng.
Vậy, hơn bao giờ hết, giáo lý cứu khổ của đức Phật qua 37 phẩm trợ đạo, nhất là Bát Chánh Đạo vẫn hữu dụng và giá trị thiết thực. Giáo lý này giúp con người tìm lại chính mình, đem lại hạnh phúc, an lạc và có cái nhìn đúng đắn về mọi sự vật hiện tượng, con người và cuộc đời. Khi có cái nhìn chánh kiến, quán chiếu năm uẩn là không, thì mọi khổ đau, phiền toái được xoa dịu và đoạn tận.
Giáo lý Ngũ Uẩn giúp chúng ta thấy được một cách sâu sắc về toàn diện con người và mối tương duyên giữa con người với thiên nhiên, vũ trụ, từ đó phá tan tà kiến về ngã chấp và pháp chấp. Trên cơ sở phân tích quán chiếu năm uẩn sẽ đem đến trí tuệ và giải thoát khổ đau. Kinh Tương Ưng III, Ðức Phật dạy: "Ai không chấp trước, không tham luyến, không suy tưởng, không bị mê hoặc bởi sắc, thọ, tưởng, hành, thức... người ấy giải thoát khỏi ác ma".
Như vậy, vấn đề chủ yếu không phải là sự hiện hữu của năm uẩn mà chính là sự có mặt của chấp trước và tham luyến năm uẩn. Nhờ thấy biết như thật về năm uẩn nên Bồ tát Tất Đạt Đa đã chứng ngộ Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Khi tâm chấp trước và tham luyến được rủ bỏ, năm uẩn là thanh tịnh, là vô lậu, là pháp uẩn. Khi ấy sắc thân là thân tự tại, thọ là tâm từ bi, tưởng là trí vô phân biệt, hành là trí thanh tịnh và thức là trí căn bản. Như vậy, đạt được giải thoát hoàn toàn như Bát Nhã Tâm kinh nói: “Vượt thoát mọi khổ ách”.
BÀI 2
A. DẪN NHẬP
Ngũ uẩn là giáo lý rất phổ biến và rất quan trọng trong hệ thống giáo lý Phật dạy. Thế Tôn thường phân tích giáo lý Vô ngã đi kèm theo với sự phân tích Duyên sinh hay phân tích Ngũ uẩn. Đây là bài pháp được Đức Thế Tôn tuyên thuyết lần thứ nhất ở thời pháp thứ hai, ngay sau bài Sơ Chuyển Pháp Luân tại vườn Lộc Uyển để tiếp độ nhóm năm huynh đệ Tôn giả Kiều Trần Như. Lần sơ chuyển pháp luân với bài pháp Tứ Đế, trong năm anh em A Nhã Kiều Trần Như chỉ có một người chứng đạo, đến bài pháp thứ hai này thì tất cả đều chứng A-la-hán. Ta biết rằng ngay trong thời thuyết pháp đầu tiên đó, Đức Phật đã giảng giải về Tứ Thánh Đế, Ngũ Uẩn và Mười Hai Nhân Duyên. Từ đó, giáo lý về Tứ Thánh Đế, Mười Hai Nhân Duyên cùng Ngũ Uẩn đồng quyện với các giáo lý Duyên Khởi, Vô thường, Vô Ngã, Tính không, Bát nhã v.v…khi ẩn, khi hiện suốt mọi thời thuyết pháp của Đức Thế Tôn kể từ vườn Lộc Uyển, các Tịnh Xá thuộc thành Xá Vệ đến núi Linh Thứu và lan khắp các lưu vực sông Hằng.
Trong Tứ Diệu Đế, Đức Phật đã nói về tám nỗi khổ. Trong tám nỗi khổ đó, ngoài bảy nỗi khổ gồm sinh khổ, bệnh khổ, lão khổ, tử khổ, ái biệt ly khổ, cầu bất đắc khổ, oán tắng hội khổ, còn có nỗi khổ thứ tám là ngũ ấm xí thạnh khổ (Kinh Tương Ưng II, phẩm Chuyển pháp luân). Nỗi khổ thứ tám đó cho ta biết nếu cứ chấp vào ngũ uẩn sẽ gây ra đau khổ. Vậy Ngũ Uẩn là gì và tầm quan trọng của giáo lý Ngũ Uẩn như thế nào ?
B. NỘI DUNG
I. ĐỊNH NGHĨA VÀ XUẤT XỨ
1. Định nghĩa
Ngũ uẩn tiếng Sanskrit gọi là Panca Skandhah; tiếng Pali gọi là Panca Khandha. Được dịch ra nhiều nghĩa khác nhau. Có thể kể ra ba loại chính:
Thời kỳ đầu, vào những năm đầu của thế kỷ thứ III trước Công Nguyên, Ngũ Uẩn (Panca Skandhah) được dịch theo âm tiếng Phạn, phiên âm chữ Skandhah ra chữ Hán là Kiền Độ hay Tắc Kiền Độ.
Thời kỳ thứ 2 vào khoảng thế kỷ thứ V sau Công Nguyên, Ngài Cưu Ma La Thập (344 – 413), từ Ấn Độ sang Trung Hoa vào năm 402 đã dịch theo ý nghĩa chữ Phạn Panca Skandhah là Ngũ Ấm, với ý nghĩa Ấm là phủ khuất, ngăn che, làm cho tối đi, mờ đi, làm cho người ta không biết được thực tính bình đẳng của sự vật. Ngũ Ấm là năm phần ngăn che giác tánh, nó làm cho hành giả không thấy được bản chất của các pháp, không thấy được Phật tính, không thấy được tính bình đẳng của các pháp.
Thời kỳ thứ 3 vào những năm của thế kỷ thứ VII, Ngài Tam Tạng Pháp Sư đời Nhà Đường là Huyền Trang (595 - 664) dịch chữ Phạn Panca Skandhah sang chữ Hán theo nghĩa thực chất là Ngũ Uẩn. Uẩn (Skandha) nghĩa là một sự tập hợp, sự tích tụ, một nhóm họp theo từng loại với cùng những tính chất giống nhau, nên gọi là nhóm, là tổ hợp, là tụ tập, là chúng. Vì vậy, Ngũ Uẩn tức năm uẩn còn được gọi là năm ấm, năm chúng, năm nhóm, năm tụ. Nói một cách tổng quát, năm uẩn là năm nhóm yếu tố hay năm tổ hợp biểu thị sự cấu tạo toàn bộ thân và tâm của con người.
Ngũ Uẩn theo Ngài Huyền Trang thì có 3 nghĩa:
- Do chấp thủ mà sanh ra Uẩn nên gọi là Do thủ sinh cố.
- Ngũ Uẩn luôn luôn gắn liền với chấp thủ, ái thủ, nên gọi là Thuộc ư thủ cố.
- Chính từ nơi Ngũ Uẩn mà có sanh ra ái thủ nên gọi là Năng sinh thử cố.
Như vậy, Ngũ Uẩn là năm yếu tố hay năm nhóm kết hợp lại tạo thành con người. Hay nói cách khác, con người là hợp thể của năm yếu tố: Sắc uẩn, Thọ uẩn, Tưởng uẩn, Hành uẩn và Thức uẩn. Năm Uẩn còn gọi là năm thủ uẩn, và đức Phật cắt nghĩa, phân tích giữa năm uẩn và năm thủ uẩn như sau: “Này các Tỳ-kheo, phàm có sắc gì, thọ, tưởng, hành, thức quá khứ, vị lai, hiện tại, thuộc nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, đây gọi là năm uẩn, và khi năm uẩn này được chấp thủ gọi là năm thủ uẩn. Chấp thủ ấy không là Năm thủ uẩn ấy, và chấp thủ cũng không ngoài Năm thủ uẩn. Nhưng chỗ nào có tham và dục, chỗ ấy có chấp thủ”. (Tương Ưng III, tr. 58)
Theo lời dạy trên, Uẩn có nghĩa là sự tập hợp, sự nhóm họp theo loại, mà chưa hàm ý tốt hay xấu, hữu lậu hay vô lậu, cho nên, nó dùng cho cả pháp giới, pháp thân, chứ không hạn cuộc trong con người phàm tục. Chỉ khi nào năm uẩn là đối tượng của tâm tham ái, chấp thủ và kết quả là khổ đau sanh tử thì gọi là năm uẩn hữu lậu. Khi diệt hết chấp thủ, tham ái thì năm uẩn trở nên thanh tịnh, vô lậu, bấy giờ gọi là năm pháp uẩn. Vì lẽ đó, ngoài tên gọi ngũ uẩn, ngũ ấm, năm yếu tố trên còn có tên gọi nữa là năm thủ uẩn, tức là năm đối tượng của sự chấp thủ, chấp thân này là ngã, như một tự thể độc lập. Gọi năm thủ uẩn là vì muốn nhấn mạnh những tai hại do chấp năm thủ uẩn là tự ngã và đường hướng giải thoát là sự thoát ly khỏi sự chấp thủ năm thủ uẩn.
2. Xuất xứ:
Giáo lý Ngũ Uẩn được đức Phật dạy rất nhiều trong hai tạng kinh Nam Truyền và Bắc Truyền. Trong Kinh Trung Bộ, có nhiều kinh đề cập đến năm uẩn như Đại Kinh Mãn Nguyệt (Số 109, Trung Bộ Kinh), kinh Xà Dụ…
II. NGUYÊN NHÂN VÀ ĐỐI TƯỢNG ĐỨC PHẬT DẠY VỀ NGŨ UẨN
1. Nguyên nhân đức Phật dạy về Ngũ uẩn
Giáo lý Ngũ Uẩn có một tầm quan trọng trong đời sống người học Phật. Một khi con người cứ bám víu vào năm uẩn, vào sắc, thọ, tưởng, hành, thức, coi đó là ta, là của ta, là tự ngã của ta, thì sẽ xuất hiện sự đau khổ. Ý niệm về “thân thể tôi”, “tình cảm tôi”, “tư tưởng tôi”, “tâm tư tôi”, “nhận thức của tôi”... hình thành một cái tôi ham muốn, vị kỷ, từ đó mọi khổ đau phát sinh. Mọi khổ đau, lo lắng, sợ hãi, thất vọng, điên cuồng đều gắn liền với ý niệm về “cái tôi” và “cái của tôi” ấy. Cho nên, Đức Phật đã chỉ rõ: “Khi nào người Phật tử không thấy rõ nguồn gốc sinh tử khổ đau là do sự ham muốn tham lam cái thân năm uẩn thì người đó chưa hiểu được Phật pháp”.
Ngũ Uẩn thường ngăn che trí tuệ sẵn có trong con người như những đám mây che lấp ánh sáng mặt trời. Con người do những dục vọng luôn nảy sinh làm cho mê mờ, không nhận thấy được cái ta chân thật, cái Phật tính tiềm ẩn trong mỗi con người. Con người thường hay bám vào cái ta, cái của ta, đuổi theo dục vọng lại càng bị trói chặt trong cuộc sống tội lỗi, khổ đau. Do đó, nếu không thấy rõ và không nắm vững giáo lý Ngũ Uẩn thì chính Ngũ Uẩn làm cho con người luôn luôn đau khổ, trở thành gánh nặng của con người. Vì vậy, trong Kinh Tương Ưng Bộ III, Phẩm Gánh Nặng có dạy như sau:
“Ngũ Uẩn là gánh nặng,
Kẻ gánh nặng là người.
Mang gánh nặng ấy lên
Chính là khổ ở đời.
Còn đặt gánh nặng xuống
Chính là lạc ở đời.
Đặt gánh nặng xuống xong
Không mang thêm gánh khác.
Nếu nhổ khát ái lên
Tận cùng đến gốc rễ,
Không còn đói và khát
Được giải thoát tịnh lạc.”
(Tương Ưng Bộ Kinh, tập 3, Thiên Uẩn, Chương I, Tương Ưng Uẩn, Phẩm Gánh Nặng. HT. Thích Minh Châu (dịch))
Cũng trong Phẩm Gánh Nặng của bộ Kinh này, Đức Phật đã giảng giải gánh nặng chính là sự bám giữ các thủ uẩn: cái ta, cái của ta mà gây ra đau khổ. Vì thế, chính Ngũ Uẩn là gánh nặng mà kẻ gánh nặng ấy chính là con người có danh tính, có địa vị chức tước. Việc mang gánh nặng lên chính là mang lòng tham ái, níu kéo, chấp thủ cái ta, cái của ta. Việc đặt gánh nặng xuống tức là sự rời bỏ lòng tham, đoạn diệt khát ái một cách hoàn toàn, là sự từ bỏ, sự xả ly mọi phiền muộn chấp trước, sự giải thoát đi đến giác ngộ.
Từ góc độ quan sát thân Ngũ Uẩn là gánh nặng đeo đẳng làm cho chúng ta khổ, một số người chủ trương thoát ly thân Ngũ Uẩn, đoạn diệt ý tưởng, xa lìa cảm thọ, trốn tránh cái khổ để tìm đến Niết Bàn an vui. Đây là nhận thức sai lầm lớn không thể chấp nhận được.
Vì vậy, khi đã là Phật tử, việc học Phật cần phải nắm vững giáo lý về Ngũ Uẩn. Con người ta không ai thoát khỏi những nỗi đau, buồn giận, những bế tắc về nội tâm, những trắc trở trong cuộc sống. Trong những trường hợp ấy, người có trí tuệ thường ứng dụng những điều giáo lý mà Đức Phật đã dạy trong Tứ Diệu Đế, Mười Hai Nhân Duyên, Ngũ Uẩn để cân bằng lại đời sống nội tâm của mình. Ngay đối với Đức Phật, khi còn tại thế, có lần Người bị lâm bệnh nặng, cũng đã phải nhờ đệ tử là Tôn giả Ca Diếp giảng lại bài giảng của chính Đức Phật đã giảng và sau khi nghe xong bài giảng đó thì Đức Phật trở lại mạnh khỏe bình thường.
Tóm lại, những ai muốn học hỏi, nghiên cứu và tu tập theo chánh pháp, không thể không biết đến giáo lý Ngũ Uẩn. Ðó là một trong những giáo lý vô cùng quan trọng và phải được hiểu rõ một cách tường tận, chính xác để có thể tu tập rốt ráo cho có hiệu quả. Và cũng chính vì vậy mà Đức Phật đã giảng giải rất rõ giáo lý Ngũ Uẩn ngay trong những bài học đầu tiên trên bước đường hoằng pháp của Người.
2. Đối tượng nghiên cứu của Ngũ uẩn
Giáo lý về Ngũ Uẩn của Đức Phật là giáo lý nói về con người, bởi vì Ngũ Uẩn hay năm uẩn là năm thành phần cấu tạo của con người, của cái con người bằng xương bằng thịt thực sự (sẽ trình bày rõ trong phần sau). Do vậy, Phật tử hay bất kỳ ai muốn biết quan niệm về con người như thế nào trong giáo lý của nhà Phật, không thể không nghiên cứu đến Ngũ Uẩn. Giáo lý Ngũ Uẩn không phải là một giáo lý chung chung về một đối tượng tổng quát trong thế giới vũ trụ này mà chính là giáo lý về con người thực thụ. Đối tượng nghiên cứu của giáo lý này là con người. Nói đúng ra, Phật tử hay bất kỳ ai muốn tìm hiểu về con người thì phải biết đến cả giáo lý Mười Hai Nhân Duyên và Ngũ Uẩn. Giáo lý Mười Hai Nhân Duyên giúp ta nghiên cứu tìm hiểu một cách tổng quát về sự hình thành và cơ cấu con người lưu chuyển theo thời gian và nghiệp lực cùng với luật Nhân Quả chi phối con người, chi phối cuộc sống của các kiếp người. Còn Ngũ Uẩn là giáo lý giúp ta tìm hiểu bản chất thực của con người để diệt trừ đau khổ.
Tóm lại, đối tượng nói đến trong giáo lý Ngũ Uẩn của Đức Phật là con người trên trần thế. Là Phật tử, cần phải tìm hiểu và học giáo lý này để mong được “đặt gánh nặng xuống”, để tiến tới đoạn trừ tham ái, xả bỏ chấp thủ, phiền não, tiến tới diệt trừ mọi khổ đau, đạt tới cuộc sống an lạc, thanh tịnh tiến tới giải thoát ngay trong cõi đời này.
III. THÀNH PHẦN CỦA NGŨ UẨN
1. Sắc uẩn (Rùpaskandha)
Tiếng Phạn là Rùpa, tiếng Pali cũng là Rùpa. Trong hệ thống Sankrit, chữ Rùpa được biến hóa từ động từ ngữ căn Rùp (tạo hình) do đó nó hàm nghĩa “có hình dạng”, nghĩa là từ chỉ sự tồn tại của vật chất. Hán dịch là Biến ngại vi nghĩa, có nghĩa là lấy sự biến ngại làm nghĩa.
“Biến” nghĩa là biến dịch, thay đổi, chuyển biến vô thường
“Ngại” là đối ngại, là ngăn ngại giữa cái này với cái khác, giữa căn và trần, giữa trần này với trần kia.
Sắc này không thường mà chuyển biến liên tục. Cơ thể này ta nhìn như vậy nhưng sắc này vận chuyển, biến chuyển từng chút. Sắc uẩn luôn luôn vận hành, không thể nói ta đang trẻ hay đang già, mà gọi là tướng già trong tính trẻ, trong cái khỏe có tướng bịnh, đừng tự hào ta đang trẻ, đang khỏe, đẹp.
Nói sắc là biến ngại vì mắt không nghe được âm thanh, gọi là sự biến ngại giữa sắc này với sắc khác, căn này với căn kia, căn này với trần kia.
Uẩn thứ nhất là Sắc Uẩn, tức là yếu tố vật chất. Nội dung của Sắc Uẩn bao gồm Tứ đại năng tạo, tức bốn yếu tố vật chất (truyền thống) phổ quát là chất rắn, chất lỏng, nhiệt độ, chất khí (địa, thủy, hỏa, phong) và Tứ đại sở tạo, tức những chất do từ bốn yếu tố trên tạo ra.
Trong tứ đại sở tạo ấy gồm có năm giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân; và những đối tượng ngoại giới tương đương với năm giác quan ấy: hình sắc, âm thanh, mùi hương, hương vị, những vật có thể đụng chạm, tiếp xúc (sắc, thanh, hương, vị, xúc). Đức Phật dạy: “Này các Tỳ-kheo, phàm có sắc gì quá khứ, vị lai, hiện tại, thuộc nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, như vậy là Sắc uẩn” (Trung Bộ Kinh). Hay nói cách khác, tất cả thế giới vật chất ở trong thân thể hay ngoài thân thể, thuộc vật chất hay năng lượng, thuộc thời gian hay không gian…đều được bao hàm trong Sắc Uẩn.
Qua sự phân tích ấy, chúng ta thấy quan điểm Phật giáo về sắc thân vật lý của chúng sanh dựa trên cơ sở duyên sanh, nghĩa là trình bày rõ về mối tương quan, tương duyên bất khả phân li giữa yếu tố con người với môi trường, hoàn cảnh thiên nhiên, xã hội và cả vũ trụ bao la này. Vì là duyên sinh nên Sắc Uẩn luôn vô thường, biến hoại, và thường gây trở ngại. Bản chất của Sắc Uẩn là giả hợp, trống không, không có một ngã thể trường cửu, là vô ngã. Sự chấp thủ, tham ái sắc uẩn sẽ gặt hái khổ đau, thất vọng, sầu muộn….
2. Thọ uẩn (Vedannàskandha)
Tiếng Phạn là Vedanà. Tiếng Pàli cũng là Vedanà. Thọ nghĩa là lãnh nạp, thọ nhận, do căn lãnh nạp trần. Năm căn lãnh nạp năm trần gọi là Thọ.
Là gồm cảm thọ hay cảm giác. Trong Thọ uẩn bao gồm tất cả những cảm giác vui sướng, cảm giác khổ đau và cảm giác không vui không khổ (lạc thọ, khổ thọ, bất lạc bất khổ thọ), và ba loại thọ này do xúc sanh, tức do sự tiếp xúc giữa sáu giác quan và đối tượng của nó. Nói cách khác, chúng ta có định nghĩa về các loại Thọ theo Nikaya:
-Thọ do nhãn xúc sanh
-Thọ do nhĩ xúc sanh
-Thọ do tỷ xúc sanh
-Thọ do thiệt xúc sanh
-Thọ do thân xúc sanh
-Thọ do ý xúc sanh.
Khi nhãn căn tiếp xúc với sắc trần thì nó tạo nên nhận thức, Thức đó cho mình cái thích, cái không thích, thích và không thích đó gọi là Thọ. Tương tự như vậy với Nhĩ căn, với âm thanh, mũi với mùi, lưỡi với vị, thân thể với những vật xúc chạm, và ý với những đối tượng của ý thức hay tư tưởng, ý nghĩ. Đức Phật dạy: “Này các Tỳ-kheo, phàm có cảm thọ gì quá khứ, vị lai, hiện tại, thuộc nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, như vậy là Thọ uẩn” (Trung Bộ Kinh), Kinh Phân Biệt Sáu Giới cũng có nói: Thọ gồm nội thọ và ngoại thọ.
Cảm giác do Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý tiếp xúc với Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp tạo ra, tức Thọ do bên ngoài mang vào và tạo ra cảm xúc thì gọi là ngoại thọ.
Những Thọ mà do thiền định đưa đến thì gọi là nội thọ. Ví dụ: khi ta ngồi thiền định mà lạc thọ khởi lên hay trong lúc thiền định, những phiền não khởi lên mình không kiểm soát được, làm cho tâm mình bối rối, đó gọi là nội thọ.
Như vậy, tất cả những loại cảm giác, cảm nhận, cảm xúc về thời gian, không gian, cảm giác sâu lắng trong thiền định hay cảm giác bên ngoài các giác quan, cảm giác có cường độ mạnh hay yếu thuộc về hỷ, lạc, xả, ưu, khổ đều nằm trong Thọ Uẩn. Tất cả những loại cảm thọ ấy tạo thành một dòng sông tình cảm chi phối toàn bộ tâm sinh lý của con người; các cảm thọ ấy sanh khởi, biến hiện hay thay đổi tùy theo duyên, chúng vô thường, vô ngã; nếu tham ái, chấp thủ vào cảm thọ sẽ sai lầm, khổ đau.
3. Tưởng uẩn (Samjnãskandha)
Hán dịch là Thủ tưởng vi nghĩa: lấy cảnh tượng bên ngoài đưa vào trong tâm gọi là Tưởng; hay nhận lấy, lãnh lấy, chấp thủ cái tướng, hình tướng, ảnh tượng lên trên tâm. (Kinh Kim Cang nói tứ tướng: bên ngoài và tứ tưởng: bên trong sâu hơn).
Ví dụ: câu chuyện qua đò lấy 1,2,3 đồng của nhà sư và cô gái.
Nhóm thứ ba là Tưởng Uẩn, là những khả năng nhận thức, kinh nghiệm, phân biệt về các đối tượng (tri giác), những khả năng hồi tưởng và khả năng ký ức. Cũng như Thọ Uẩn, Tưởng Uẩn gồm sáu loại và chúng được phát sinh do sự tiếp xúc giữa sáu giác quan và các đối tượng tương ứng. Sáu loại Tưởng là: sắc tưởng, thanh tưởng, hương tưởng, vị tưởng, xúc tưởng, và pháp tưởng.
Ví dụ: đưa hình bóng người nào đó: trai, gái, trắng, đen, cười mím chi…vào trong tâm chúng ta gọi là Sắc tưởng.
Ngồi đây mà nhớ lại giọng nói của ai đó, tưởng tượng lại giọng nói ấm áp, truyền cảm hay chát chúa của ai đó làm cho mình thích, mình nhớ, thương hay giận ghét, chấp thủ…đưa giọng nói vào trong tâm chúng ta gọi là thanh tưởng. Tương tự như vậy với hương, vị, xúc, pháp…
Đức Phật dạy: “Này các Tỳ-kheo, phàm tri giác gì thuộc quá khứ, vị lai, hay hiện tại, thuộc nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, như vậy là Tưởng Uẩn” (Trung Bộ Kinh). Như vậy, những tri giác về các đối tượng bên ngoài, bên trong, thuộc thời gian hay không gian, đơn giản hay phức tạp đều bao hàm trong Tưởng Uẩn. Chức năng của Tưởng chính là nhận biết sự vật là vật lý hay tâm lý, và một chức năng nữa là chia chẻ, sắp đặt, so sánh, phân biệt và đặt tên cho từng pháp. Tác dụng của Tưởng tùy thuộc vào trình độ và kinh nghiệm của từng người, từng hành giả.
Ví dụ: Khi một đứa trẻ chưa phân biệt được lửa là cái gì, nóng hay nguy hiểm không, chỉ thấy đỏ đỏ, sáng sáng, nó đưa tay vào thấy nóng nên giựt tay ra và khóc; nhưng lần sau thấy lửa nó vẫn tiếp tục đưa tay vào. Với người lớn thì một lần đau là họ rút kinh nghiệm.
Tùy thuộc vào trình độ, kinh nghiệm, sự hiểu biết của từng người mà tạo ra cái Tưởng khác nhau, sự phân biệt khác nhau và sự đặt tên khác nhau.
Ví dụ: Kinh nghiệm trong thiền định của vị Thiền Sư và vị Thiền sinh mới vào đạo có khác nhau. Bắt đầu vào Thiền định của vị Thiền sinh còn nghi ngờ, giải đãi, nghĩ là đau chân, tê chân, thở ra thở vô khó, dễ buồn ngủ, ngồi thở vô thở ra mất thì giờ, thay vì dành thời gian đó để đọc sách hay nghe nhạc hay hơn, nói chuyện vui hơn. Nhưng với vị Thiền Sư do thường xuyên thực tập thiền định nên không khó để kiểm soát hơi thở, vị ấy biết cần bao nhiêu phút để làm chủ hơi thở, cần bao nhiêu phút để đi vào quán 16 đề tài, và sau đó cần phải làm gì. Với vị ấy, thiền định trong 15, 20 phút là biện pháp diệu dụng không chỉ cho tu tập mà còn cho vấn đề sức khỏe. Đó là do kinh nghiệm, trình độ khác nhau nên có những cái tưởng về một vấn đề khác nhau. Muốn có được cái tưởng, phân biệt như vị Thiền Sư, thì đòi hỏi vị Thiền sinh cần phải có sự hành trì (pháp hành).
Một điều cần lưu ý, như đã nói Tưởng Uẩn là nhận thức hay tri giác, tức khả năng nhận thức hay kinh nghiệm về một vấn đề nào đó, nhưng thực tại thì luôn sinh động, biến chuyển liên tục nhưng tri giác lại tùy thuộc vào kinh nguyện của quá khứ, cho nên, tri giác dễ bị đánh lừa bởi kinh nghiệm. Vả lại, tri giác là do duyên sinh, vì vậy chúng vô thường, trống rỗng, vô ngã, đầy hư vọng mà người ta thường gọi là vọng tưởng.
4. Hành uẩn (Samskaraskandha)
Hành tiếng Phạn là Samjdà, Pali là Saddà. Hán dịch có hai nghĩa:
- Thiên lưu: nghĩa là các pháp luôn trôi chảy, biến dịch như một dòng nước, nên gọi là Hành. Nghĩa này khiến ta nhớ đến câu nói của Heraclite (544-480 Tr TL)- một triết gia Hy Lạp cổ đại: “Không ai tắm hai lần trong một dòng sông”, dòng sông ở đây chính là dòng chảy của tâm thức, chảy mãi, luân lưu mãi không ngừng.
- Tạo tác: nghĩa là mọi hành động của Thân, khẩu, ý đều là sự tạo tác, cho nên gọi là Hành.
Trong giáo lý nghiệp, Hành đóng vai trò quan trọng. Hành còn gọi là Cetana: tư tâm sở, là cái quyết định nghiệp quả. Một hành động mà không có hành uẩn này thì hành động đó không có nghĩa. Cho nên, tạo tác ra nghiệp chính là Hành.
Khi nói đến Nghiệp của đạo Phật, chúng ta phải nói đến sự tác ý. Chức năng của sự tác ý là chức năng của Hành Uẩn. Cho nên, người ta đồng hóa Hành là Cetana. Đức Phật cũng định nghĩa về Nghiệp như sau: “Này các Tỳ-kheo! Chính ý muốn (Cetana) ta gọi là Nghiệp”.
Nhóm thứ tư là Hành Uẩn. Nội dung của Hành Uẩn là những tạo tác của tâm gồm tất cả những hoạt động của ý chí dù tốt hay xấu và những gì thường được xem là nghiệp, tạo ra chức năng của nghiệp cũng thuộc vào Hành Uẩn. Nó còn có tên gọi khác là Tư tâm sở, tức nhân tố quyết định nghiệp.
Phân tích: Khi chúng ta tưởng về một hình ảnh nào đó tức là ta mới nghĩ đến và đưa một hình ảnh từ bên ngoài vào trong tâm chứ chưa quyết định, vì chưa quyết định nên chưa đưa đến nghiệp. Cái quyết định và hành động là chức năng của Hành Uẩn, chúng ta gọi là Tư tâm sở, triết học tâm lý của Đức gọi là “Ước muốn làm việc đó”; nhà phân tâm học gọi là “dục vọng, mong muốn làm việc đó”. Tâm mong muốn đó ta gọi là Tư tâm sở, tức có ý chí muốn làm thì mới tạo ra nghiệp, và điều đó ta gọi là Hành Uẩn. Muốn hiểu và giải thích về giáo lý nghiệp thì chúng ta phải hiểu rất rõ về Hành Uẩn và Tư tâm sở này.
Cũng như Thọ và Tưởng, chúng ta cũng có sáu loại Hành Uẩn. Sáu hành liên hệ đến sáu giác quan và sáu đối tượng của chúng. Sáu hành uẩn hay sáu Tư gồm: sắc hành, thanh hành, hương hành, vị hành, xúc hành, pháp hành (sắc tư, thanh tư, hương tư, vị tư, xúc tư, pháp tư). Đức Phật dạy: “Này các Tỳ-kheo, phàm có Hành gì thuộc quá khứ, vị lai, hay hiện tại, thuộc nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, như vậy là Hành Uẩn” (Trung Bộ Kinh).
Tất cả những hiện tượng tâm lý, sinh lý, hiện tại là kết quả của động lực trong quá khứ (hành); nghĩa là Hành tạo nên một năng lực tiềm ẩn, chúng luôn điều khiển, thúc đẩy ở trong chiều sâu tâm thức “câu sanh phiền não” hay còn gọi là “phiền não tùy miên”. Tất cả những phiền não ấy là nền tảng, là nguồn năng lực để hình thành một năng lực của sự tạo tác mới (hành), dẫn dắt chúng sanh đi tới tương lai. Hành Uẩn là do duyên sanh nên chúng vô thường, rỗng không, vô ngã.
5. Thức uẩn (Vijnanaskadha)
Thức tiếng Phạn gọi là Vijdàna. Từ ngữ Vijdàna là từ ghép của động từ Vi (phân tích) và động từ ijdàna (Tri) mà thành. Nghĩa là phân tích, chia chẻ và sau đó nhận biết. Hán dịch là Liễu biệt vi thức, nghĩa là biện biệt, phân biệt một cách rõ ràng.
Nhóm thứ năm là Thức Uẩn, là khả năng ghi nhận sự có mặt các đối tượng qua các giác quan.
Do gì mà có Thức? Do căn tiếp xúc với trần mà có. Nhãn căn tiếp xúc với sắc trần thì ra nhãn thức…Vậy thì chúng ta có sáu thức: Nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức; và như thế, sáu thức do duyên mà có. Khi duyên còn thì nó tồn tại, khi duyên hết thì nó cũng không còn. Vậy thì ta không thể nói có một cái thức, hay linh hồn tồn tại từ lúc này sang lúc khác, kiếp này sang kiếp khác. Thức là nền tảng của Thọ, tưởng, hành; Thức là duyên sinh nên nó vô thường, biến diệt, sanh khởi liên tục, là vô ngã.
Một điều cần lưu ý là theo quan điểm của Kinh tạng Nikaya, thức chỉ có khả năng ghi nhận, nhận biết sự hiện diện, sự có mặt các đối tượng qua các giác quan, đây chỉ là sự nhận biết thuần túy chứ chưa phân biệt rõ đối tượng.
Ví dụ: khi ta nhìn một đối tượng thì mắt tiếp xúc với sắc pháp (một người, là anh A, chị B, anh C…), lập tức hình ảnh đó được đưa vào trong tâm ta, nhãn thức liền phát sinh, nhưng chỉ là một sự ý thức về hiện diện của một người, nhãn thức không phân biệt và nhận ra đó là ai, là cô hay thầy, là chàng hay nàng…, chính Tưởng Uẩn (tri giác) mới nhận ra đó là A hay B, C.
Nhưng theo quan điểm của Luận Tạng, cụ thể là theo Duy Thức Học thì Thức có khả năng biện biệt, tức là biết rõ trắng hay đen, chàng hay nàng, trai hay gái…Hay nói cách khác, theo Luận Tạng thì Thức có nhiều khả năng. Thức là Tâm vương, thọ, tưởng, hành là Tâm sở, ngoài sáu thức trên, Duy Thức Học triển khai hai tác dụng sâu kín của tâm thức là tác dụng chấp ngã (Mạt-na-thức) và tác dụng duy trì, bảo tồn những kinh nghiệm, những chủng tử (A-lại-da-thức), đó là hệ thống Tám thức tâm vương.
IV. SỰ VẬN HÀNH CỦA NGŨ UẨN
1. Sự vận hành của Sắc uẩn
Do đâu mà có Sắc? Theo định nghĩa của đức Phật, sở dĩ Sắc sanh khởi là do 4 loại thức ăn làm nguyên nhân, làm duyên để sắc sanh khởi và tồn tại. Bốn loại thức ăn là đoàn thực, xúc thực, thức thực và tư niệm thực. Ở đây, sự vận hành của Sắc là dựa trên bốn loại thức ăn này. Ví dụ, thân này mà không có nước uống, không có thức ăn thì không thể tồn tại. Vậy sắc thân này là do bốn đại tạo thành, bốn đại là do thức ăn tạo thành; sắc uẩn tồn tại là do thức ăn. Đoạn diệt bốn nguyên nhân trên thì đưa đến sự đoạn diệt của Sắc, hay sắc thân. Vậy, đoạn diệt sanh tử luân hồi thì đoạn diệt loại thức ăn nào? Đoạn xúc thực, thức thực và tư niệm thực; còn đoàn thực là để nuôi dưỡng sắc thân tứ đại này, đoạn đoàn thực thì việc đó nguy hiểm.
2. Sự vận hành của Thọ uẩn
Thọ nghĩa là cảm giác hạnh phúc hay khổ đau. Làm sao để có Thọ? Sự vận hành của các Uẩn, hay bất cứ Uẩn nào cũng đều dẫn tới sự sanh khởi của Thọ.
Ví dụ: Chúng ta nói về sự vận hành của Sắc uẩn: khi mắt tiếp xúc với sắc thì tạo nên cảm thọ. Vậy, sự vận hành của cảm thọ chính là sự vận hành của các uẩn. Không thể có sự vận hành của Thọ độc lập. Mà khi có Thọ là có Xúc, mà muốn có Xúc thì phải có Căn và Trần. Vậy, sự vận hành của Thọ là sự vận hành của năm Uẩn. Như vậy, chấm dứt Thọ là chấm dứt sự vận hành của các Uẩn.
3. Sự vận hành của Tưởng uẩn
Tưởng là chấp một hình tượng bên ngoài đem vào trong tâm. Khi chúng ta thấy một đối tượng, đưa hình tượng đó vào trong tâm, nếu vào trong tâm rồi nó nằm yên thì đây không phải là sự vận hành; mà khi đưa vào trong tâm rồi, chúng ta nhận thức đó là cái gì, thứ gì, trắng hay đen, là nam hay nữ, là già hay trẻ, đẹp hay xấu…vào trong tâm và nhận thức thì chính là vai trò của Thức uẩn. Vậy, khi Tưởng uẩn muốn vận hành thì Thức uẩn phải vận hành. Vì Thức là nhận biết, nhận biết đối tượng do Tưởng đưa vào. Cứ Tưởng đưa vào thì Thức nhận biết, và nhận biết khiến cho Tưởng làm việc liên tục. Vậy thì Tưởng uẩn mà vận hành chính là sự vận hành của Thức uẩn.
Lưu ý: Không thể có Thức uẩn và Tưởng uẩn vận hành mà không có sự vận hành của Uẩn nào khác, không có trường hợp đó xảy ra. Không có Sắc uẩn, Thọ uẩn, không có Hành uẩn thì không có sự vận hành của Thức uẩn. Mà Thức uẩn vận hành là do xúc, do xúc mà có nhận thức, xúc do Căn và trần mà có. Vậy, khi mà Tưởng uẩn, Thức uẩn vận hành chính là năm uẩn vận hành.
4. Sự vận hành của Hành uẩn
Đó là sự tập hợp của tâm ý, lời nói, và của thân, tức Tam nghiệp, vì nếu không có Tam nghiệp thì không có Hành uẩn, cho nên gọi là sự tập hợp. Nói khác đi, vận hành của Hành uẩn được xem là những hoạt động tâm lý của con người, và hoạt động đó bao gồm những mong ước, những ước nguyện, những suy nghĩ, những tư tưởng thiện, ác, những tâm ghét, thương, ganh tỵ, đố kỵ và các phản ứng tâm thức đối với đời sống. Chính những điều đó tạo nên đời sống hiện tại và cái nhân cho tương lai. Cho nên, chúng ta mới định nghĩa Nghiệp là hành động có tác ý, tác ý chính là Hành uẩn, và Hành uẩn ta còn gọi là ý chí - là nhân tố tạo nên Nghiệp.
Nói tóm lại, Hành uẩn là tư tưởng tâm lý của chúng ta mà chúng ta muốn biến trở thành hành động qua thân, qua khẩu và qua ý. Tất cả những cái mà ta muốn biến thành hành động qua ba nghiệp này sẽ tạo nên nhân quả trong hiện tại, và quả trong hiện tại sẽ tạo nên đời sống tương lai. Đây là chức năng của Hành uẩn, và đây là sự vận hành của Hành uẩn.
5. Sự vận hành của Thức uẩn
Theo nguyên lý Duyên khởi, Thức vận hành là Danh sắc vận hành. Hay nói khác hơn, Thức vận hành bằng toàn thể Ngũ uẩn vận hành. Vì sao vậy? Vì Danh sắc gồm danh và sắc; sắc thuộc về Sắc uẩn, Danh thuộc về Thọ, tưởng, hành, thức uẩn.
Làm sao Thức có mặt? Do căn tiếp xúc với trần tạo ra sự nhận thức. Nhãn căn thuộc về sắc. Nói khác đi, khi Sắc uẩn tiếp xúc với nhau tạo nên xúc thì Thức xuất hiện. Trước khi Thức xuất hiện có Thọ (cảm giác) xuất hiện, ta cảm nhân được đối tượng của cảm giác đó, đây chính là vai trò của Tưởng uẩn, nhưng nhận biết đối tượng là vai trò của Thức. Vậy, khi Thức xuất hiện là bốn yếu tố kia đã có mặt trước. Vì vậy Kinh nói, Thức vận hành chính là Ngũ Uẩn vận hành, cũng tức là Danh Sắc vận hành và cũng chính là Mười Hai Nhân Duyên vận hành.
Vậy, ở đây chúng ta nói đến Thức là nói đến Ngũ Uẩn. Thức không tồn tại ngoài năm uẩn. Cho nên ai nói có một cái Thức đầu thai từ kiếp này sang kiếp khác thì điều đó không hợp lý. Đức Phật nói: “Ai tuyên bố ngoài Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, có một cái Thức tồn tại độc lập, thì tuyên bố đó sai.”
Thức có 6: Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức.
Nhãn thức tùy nhãn căn và sắc trần mà có mặt. Nhĩ thức tùy nhĩ căn và thanh trần mà có mặt….Mỗi thức như vậy tùy thuộc căn trần của nó mà có mặt. Cho nên, Thức có mặt là tùy thuộc trên điều kiện của Duyên sinh, nên nói Thức là do duyên sinh.
Nói Thức là do duyên sinh, mục đích cuối cùng của Phật giáo là phủ nhận thuyết có một linh hồn, một cái Thức tồn tại từ kiếp này sang kiếp khác. Nếu có một linh hồn tồn tại từ kiếp này sang kiếp khác thì chúng ta không thể tu tập để giải thoát sanh tử luân hồi.
Ngài Phật Âm nói: Lửa, tùy duyên mà chúng ta có được tên gọi: lửa do củi sinh thì gọi là lửa củi, lửa do ga sinh thì gọi là lửa ga, lửa phân bò… chứ không hề có cái gọi là lửa ga, lửa củi… Lửa cháy hết thì ngọn lửa đi đâu? Linh hồn cũng vậy, là do duyên sinh, không hề có một cái Thức tồn tại độc lập (Đức Phật đã dạy những gì - Rahula, Chuỗi ngọc trai).
Khi nói về sự vận hành của năm uẩn là nói về sự vận hành của Danh và Sắc, và chính là sự vận hành của Mười Hai Nhân Duyên, vì không biết sự có mặt của con người và thế giới là do nhân duyên hoà hợp mà sanh khởi, luôn biến dịch và không có tự thể thường hằng, nên con người ảo tưởng về một tự ngã: đây là tôi. Chính ảo tưởng và bất giác này quấy động tâm thức đưa đến tham ái chấp thủ… sầu, bi, ưu, não. Hay nói cách khác, vì vô minh con người chấp thân sắc uẩn, chấp cảm thọ, tư duy hiểu biết của mình, là mình, là tự ngã của mình nên khi chúng thay đổi, biến dịch là nghe mình khổ đau.
Biết được sự vận hành của ngũ uẩn như vậy thì có ích gì?
Biết Ngũ Uẩn là Sắc-Thọ-Tưởng-Hành-Thức, tự mỗi uẩn gồm nhiều kết hợp mà thành, rồi chúng lại tự kết hợp với nhau theo một trình tự mà ta đã biết ở trên thì biết ngay rằng chúng do duyên hợp mà thành, rồi cũng do duyên tan mà diệt. Vậy chúng chỉ là ảo ảnh, thoáng hợp thoáng tan mà ta nhận lầm là “cái ta” chân thật. Chúng chỉ là vọng tâm hay giả ngã mà thôi. Biết Ngũ Uẩn (thân-tâm-cảnh) đều không thật có (Ngũ Uẩn giai không), không phải là “cái ta chân thật”, “cái cảnh chân thật” thì có gì mà chấp, mà nắm giữ. Buông chúng, thì ta sẽ thoát khỏi mọi khổ ách, tức giải thoát (độ nhất thiết khổ ách). Đây là căn cơ của các bậc thượng căn.
Biết mà không buông được thì sao? Có phương pháp gì để buông không?
Biết mà không buông được thì từ Ngũ Uẩn này lại phát sinh một Ngũ Uẩn khác, chu kỳ kế tiếp nối nối, kết kết không ngừng, đã nghiệp lại càng thêm nghiệp, đã vô minh lại càng vô minh, dòng sinh tử cứ thế mà trôi lăn, không bao giờ ngừng.
Riêng phương pháp để buông thì có nhiều, tuy nhiên đang nói về Ngũ Uẩn thì chúng ta hãy tập trung vào đề tài này và vào phương cách nào dễ dàng, hiệu nghiệm và an toàn nhất mà phần đông đều nhận thấy.
Ngũ Uẩn, căn bản thuộc hai thức: Mạt Na Thức và Ý thức. Mạt Na gồm Thọ-Tưởng-Hành thuộc bản năng tình cảm, tượng trưng bởi con trâu đen; còn Ý thức tượng trưng là mục tử chăn dắt trâu đen. Muốn dừng sinh tử thì hãy lấy Ý thức để dẫn dắt Mạt Na Thức, để buông bỏ Thọ-Tưởng-Hành không thật. Muốn buông bỏ thì cần áp dụng pháp tu Chỉ Quán. “Chỉ” là dừng lại vọng tưởng, phải áp dụng phương pháp Thiền Tứ Niệm Xứ, hoặc Niệm Phật, hoặc Trì Chú, hoặc cả hai hay ba v.v… “Quán” là học hỏi, quan sát, suy nghiệm để thấy rõ Ngũ Uẩn vốn thật là không, chứ không phải tin suông, hầu củng cố niềm tin mà buông bỏ mạnh và nhanh hơn. Chỉ và Quán luôn luôn hỗ tương nhau để đưa ta tới đích giải thoát.
Như vậy, Ngũ Uẩn chỉ huyễn có, ta cần buông ngay thì chân tâm hiển lộ. Không buông được ngay thì dùng phương pháp “Chăn Trâu” hay “Chỉ Quán”.
V. NHẬN ĐỊNH VỀ NGŨ UẨN
Con người dưới sự phân tích của năm nhóm, thì sắc uẩn thuộc về thân thể vật lý, bốn uẩn còn lại thuộc về tâm lý: cảm giác, tri giác, ý chí và sự nhận thức. Mỗi uẩn là sự tập hợp của các yếu tố, đồng thời mỗi uẩn nương tựa vào uẩn kia mà tồn tại, mối quan hệ giữa chúng với nhau là bất khả ly. Đức Phật dạy: “Thức tồn tại nhờ sắc làm điều kiện, làm đối tượng, sắc làm nương tựa…Thức phát triển, hưng thịnh nhờ sắc. Cũng vậy, Thức tồn tại nhờ vào Thọ, tưởng, hành…Nếu ai đó nói tôi sẽ chỉ ra sự đi, sự đến, sự sinh, sự diệt của Thức biệt lập với sắc, thọ, tưởng, hành thì người đó đã nói một điều không thực.” (Tương Ưng III).
Như vậy, sự tồn tại của một uẩn là sự tồn tại của năm uẩn và năm uẩn ấy là các khía cạnh khác nhau của một thể thống nhất là con người.
Do khát ái và vô minh chi phối, con người thường chấp thủ năm uẩn ấy là một ngã thể trường tồn bất biến, họ chấp rằng, năm uẩn là của tôi, là tôi, là linh hồn, là tự ngã của tôi. Chính sự bám víu và chấp thủ ấy đã tạo ra khổ đau, lo sợ, sầu bi và thất vọng. Trong thực tế, năm uẩn luôn vô thường, biến đổi liên tục, nó giống như một dòng sông đang trôi chảy, không lúc nào, phút nào ngừng chảy. Chính vì vậy đức Phật dạy: “Đời người giống như một dòng thác, vũ trụ là dòng tương tục và vô thường”. Vả lại, sự hình thành, tồn tại và hoại diệt của năm uẩn đều theo quy luật duyên khởi:
“Cái này có mà cái kia có,
Cái này không mà cái kia không.
Cái này sanh mà cái kia sanh,
Cái này diệt mà cái kia diệt.”
Nghĩa là mỗi uẩn trong năm uẩn không tồn tại độc lập, chúng tương quan tương duyên, phụ thuộc lẫn nhau theo luật nhân quả. Không có gì là bản thể bất biến, không có một cái gì ở đằng sau năm uẩn mà có thể gọi là một cái ngã trường cửu, một cá thể, một “cái tôi” thực sự. Như vậy, năm uẩn là duyên sanh, vô thường, khổ đau, không có tự tánh cố định, là vô ngã.
Ngũ Uẩn là giáo lý rất phổ biến. Đức Thế Tôn từng giảng dạy giáo lý Vô ngã đi kèm theo với sự phân tích duyên sinh hay phân tích Ngũ Uẩn. Đức Phật đã liễu tri năm thủ uẩn theo bốn chuyển, tức liễu tri năm uẩn tập khởi, liễu tri năm uẩn đoạn diệt và liễu tri con đường đưa đến đoạn diệt. Ngài liễu tri rằng: “Sắc uẩn do thức ăn nuôi dưỡng, khi thức ăn tập khởi thì sắc tập khởi, khi thức ăn đoạn diệt thì sắc đoạn diệt. Đối với thọ uẩn và hành uẩn, do xúc tập khởi nên chúng tập khởi, do xúc đoạn diệt nên chúng đoạn diệt. Đối với thức uẩn, do danh sắc tập khởi nên thức tập khởi, do danh sắc đoạn diệt nên thức đoạn diệt. Và con đường đưa đến năm uẩn đoạn diệt là Bát chánh đạo, dẫn đến yếm ly, ly tham, giải thoát và giải thoát tri kiến.
VI. LỢI ÍCH ỨNG DỤNG KHI TU TẬP GIÁO LÝ NGŨ UẨN
Vị trí của giáo lý năm uẩn: là bài pháp thứ hai trong lần vận chuyển bánh xe pháp đầu tiên của Đức Thế Tôn tại vườn Lộc Uyển xứ Ba-la-nại sau bài Tứ Đế. Nhờ giáo lý Ngũ Uẩn này mà bốn anh em tôn giả Kiều Trần Như chứng được quả vị A-la-hán. Riêng với đức Phật, Ngài nói thế này: “Này các Tỷ-kheo, khi nào Ta chưa thật liễu tri Năm thủ uẩn này theo bốn chuyển, cho đến khi ấy, này các Tỷ-kheo, đối với thế giới chư Thiên, Ma, Phạm thiên, cùng với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, Ta không xác chứng Ta đã chứng Vô Thượng Chánh Ðẳng Giác. Nhưng này các Tỷ-kheo, khi nào Ta đã liễu tri Năm thủ uẩn này theo bốn chuyển, cho đến khi ấy, này các Tỷ-kheo, đối với thế giới chư Thiên, Ma, Phạm Thiên, cùng với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, Ta xác chứng Ta đã chứng Vô Thượng Chánh đẳng Chánh giác”. (Kinh Tương Ưng Bộ III, bản dịch của HT. Thích Minh Châu, tr. 71).
Nói khác đi, nếu như chưa thấy thật sự bốn chuyển của năm Uẩn, chưa thấy được thật tướng của năm Uẩn, đức Phật không dám tự xưng là đã chứng được Vô Thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vậy, vai trò của năm uẩn đối với trí tuệ toàn giác là vô cùng quan trọng. Vấn đề quan trọng là làm sao để liễu tri năm uẩn?
Ở đoạn kinh tiếp theo, Thế Tôn đã giải thích năm uẩn theo bốn chuyển. Liễu tri sắc (thọ, tưởng, hành, thức), liễu tri sắc (thọ, tưởng, hành, thức) tập khởi, liễu tri sắc (thọ, tưởng, hành, thức) đoạn diệt gọi là thắng trí Năm uẩn theo bốn chuyển.
Hiểu rõ Sắc uẩn là hiểu rằng sắc gồm có bốn yếu tố: đất, nước, gió, lửa, và các sắc do bốn yếu tố ấy làm nên (tư tưởng được gồm vào đây). Sắc này do thức ăn nuôi dưỡng. Khi thức ăn tập khởi thì sắc tập khởi; khi thức ăn đoạn diệt thì sắc đoạn diệt. Bát Thánh Đạo dẫn đến yếm ly, ly tham, giải thoát và tri kiến giải thoát là con đường tu tập đưa đến đoạn diệt sắc.
Về Thọ uẩn, gồm có thọ do nhãn xúc sanh, thọ do nhĩ xúc sanh, thọ do tỉ xúc sanh, thọ do thiệt xúc sanh, và thọ do ý xúc sanh. Do có xúc sanh khởi nên thọ sinh khởi; do xúc đoạn diệt nên thọ đoạn diệt. Con đường đưa đến thọ đoạn diệt là Bát Thánh Đạo dẫn đến yếm ly, ly tham, giải thoát và tri kiến giải thoát.
Về Tưởng uẩn, có sắc tưởng, thanh tưởng, hương tưởng, vị tưởng, xúc tưởng và pháp tưởng. Do xúc tập khởi nên Tưởng tập khởi, do xúc đoạn diệt nên Tưởng đoạn diệt. Con đường dẫn đến Tưởng đoạn diệt là Bát Thánh Đạo đưa đến yếm ly, ly tham, giải thoát và tri kiến giải thoát.
Về Hành uẩn, có sáu tư (hay hành): sắc tư, thanh tư, hương tư, vị tư, xúc tư và pháp tư. Ðây gọi là Hành uẩn. Do xúc khởi nên tư khởi, do xúc diệt nên tư diệt. Bát Thánh Đạo là con đường đưa đến tư (hành) đoạn diệt, dẫn đến yếm ly, ly tham, giải thoát và tri kiến giải thoát.
Về Thức uẩn, gồm có nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, thân thức, và ý thức. Do danh sắc (hoặc hành) tập khởi nên thức tập khởi; do danh sắc đoạn diệt nên thức đoạn diệt. Con đường đưa đến thức đoạn diệt là Bát Thánh Đạo dẫn đến yếm ly, ly tham, giải thoát và tri kiến giải thoát.
Trong Kinh Tương Ưng Bộ III, Thế Tôn dạy: “Không liễu tri Năm uẩn thì không thể đoạn tận khổ đau. Do vậy cần phải liễu tri Năm uẩn: “Sự đoạn tận tham, sự đoạn tận sân, sự đoạn tận si được gọi là liễu tri”. (tr. 32)
Điều đó cho thấy, Ngũ Uẩn không đơn giản chỉ là những pháp số, mà chính là những phương pháp tu tập mà ta cần tư duy quán chiếu.
Chúng sanh trên thế gian này, có người chấp thủ sắc thân vật lý làm ngã, có người mê chấp tâm làm ngã, nhưng cũng có người chấp ngã sở làm ngã. Đức Thế Tôn đã giảng dạy và phân tích con người thành năm uẩn để giúp chúng sanh phá trừ những cố chấp mê lầm về ngã và thấy rõ được bản tánh chân thật của hợp thể thân tâm này là vô ngã. Đức Phật thường đề cập đến sự điều phục dục và tham đối với năm uẩn: “Vì ai chưa viễn ly tham dục, nhiệt tình, khát ái, thì khi năm uẩn biến hoại, đổi khác, sẽ khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não. Nếu ai đã viễn ly tham dục thì khi năm uẩn biến hoại sẽ không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não.” Do thấy sự lợi ích này mà Thế Tôn thường dạy đệ tử của Ngài hãy tu tập để điều phục dục và tham đối với sắc, thọ, tưởng, hành và thức.
Con đường tu tập dẫn đến yểm ly, ly tham, và giải thoát là Bát Chánh Đạo dựa trên nền tảng Tam Pháp Ấn. Trước hết hành giả phải thường xuyên thấy rõ sắc, thọ, tưởng, hành và thức là vô thường, vô ngã. Vì năm uẩn vô thường nên chúng dẫn đến khổ đau nếu ta chấp thủ năm uẩn. Năm uẩn là vô thường, khổ đau nên cần phải như lý tác ý năm uẩn không phải là của ta, không phải là ta, không phải là tự ngã của ta. Đây là chánh kiến về năm uẩn.
Tư niệm, tư duy về năm uẩn gắn liền với vô ngã, vô thường, và khổ gọi là Chánh Tư Duy về năm uẩn.
Nhớ nghĩ năm uẩn là vô ngã, vô thường, đem lại khổ đau chính là Chánh Niệm.
Nỗ lực để an trú niệm trên sự thật vô ngã, vô thường, khổ đau của năm uẩn là Chánh Tinh Tấn.
Do công phu tu tập mà đi vào thiền định, luôn luôn giác tỉnh năm uẩn là vô ngã, vô thường, khổ đau; năm uẩn không phải là ta, không phải của ta, không phải là tự ngã của ta, như vậy là Chánh Định.
Nhờ thấy rõ thật tướng của năm uẩn là vô thường, khổ đau và vô ngã mà sinh lòng nhàm chán, ly tham; do ly tham mà có giải thoát. Trong sự giải thoát ấy, một trí tuệ phát sinh biết rằng, đã giải thoát, gọi là Tri kiến giải thoát, “Sanh đã tận. Phạm hành đã thành. Những gì nên làm đã làm. Không còn trở lui tại đây với một đời sống khác”. (Trung Bộ I, số 22)
Hành giả có thể thực tập quán chiếu năm uẩn theo lý duyên sinh để phá chấp, đoạn diệt tham ái. Quán chiếu thân thể do bốn đại năng tạo và bốn đại sở tạo hình thành nên, nghĩa là do các yếu tố thực phẩm, điều kiện môi trường tự nhiên… thân thể mới tồn tại được. Quán chiếu cảm thọ khổ, vui, hay không khổ không vui là do sự tiếp xúc giữa sáu giác quan và các đối tượng mà phát sinh, các cảm thọ ấy phụ thuộc rất nhiều yếu tố như không gian, thời gian, điều kiện xã hội…Quán chiếu tri giác (tưởng uẩn) do giác quan tiếp xúc với các đối tượng mà phát sinh cái biết, sự phân biệt về hiện tượng sự vật, hình thành các khái niệm và tri giác ấy phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như không gian, thời gian, kinh nghiệm, tri thức, văn hóa, xã hội…Quán chiếu các hoạt động ý chí, mơ ước, lý tưởng cũng đều do sự tiếp xúc tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố bên ngoài cũng như bên trong nội tâm và cơ thể. Quán thức tồn tại là do duyên danh sắc, tức là do thân thể, cảm giác, tri giác, và tâm hành mà có mặt. Cuối cùng quán chiếu thấy rõ năm uẩn đều nương nhau mà tồn tại, tất cả đều duyên sanh, như huyễn, như hóa, như ánh chớp, như hạt sương mai trên đầu ngọn cỏ. Trong Kinh Pháp Cú số 46 và 170, đức Phật dạy:
“Biết thân như bọt nước
Ngộ thân là như huyễn
Bẻ tên hoa của ma,
Thoát tâm mắt thần chết.”
“Hãy nhìn như bọt nước
Hãy nhìn như cảnh huyễn
Quán nhìn đời như vậy
Thần chết không bắt gặp.”
Kinh Kim Cang:
“Nhất thiết hữu vi pháp
Như mộng huyễn bào ảnh
Như lộ diệc như điển
Ưng tác như thị quán.”
(Tất cả các pháp hữu vi
Như mộng huyễn, như bọt nước
Như sương, như điện chớp
Nên quán chiếu như vậy)
Kinh Hoa Nghiêm:
“Sắc như thủy tụ mạt
Thọ như thủy thượng bào,
Tưởng như dương thời diệm,
Chư hành như ba tiêu,
Chư thức pháp như huyễn.”
(Muốn chỉ rõ tánh chất của Ngũ Uẩn là không thật thì Phật dạy sắc như bọt nước. Thọ như bong bóng nước, Tưởng như sóng nắng, các hành vi như cây chuối, thức ấm ví như trò huyễn...)
Sắc giống như bọt nước (thủy mạt): sắc thân con người giống như bọt nước. Bọt nước do gió thổi nước tạo thành những bóng bọt kết tụ lại, tướng trạng của nó không có một thật thể cố định.
Thọ giống như sóng nước (thủy bào): nước bị gió thổi mạnh hoặc bị sự tác động của một lực nào đó tạo thành sóng. Sóng nước trào dâng chỉ trong tích tắc là tan ngay, nhường chỗ cho những đợt sóng khác. Sự cảm nhận khổ, lạc của chúng sanh cũng thế, khởi diệt vô thường.
Tưởng giống như sóng nắng (dương diệm): là ánh sáng mặt trời tạo thành ánh nắng, giữa đồng trống mà nhìn ánh nắng thì tự nhiên mắt thường chúng ta thấy có đợt sóng nắng lăn tăn, gồm những ngấn nước trước mắt, người khát nước tưởng là nước, kỳ thực chúng không thực thể. Vọng tưởng của chúng sanh cũng vậy, do nghĩ mà tưởng, vốn vọng và hư.
Hành giống như cây chuối (ba tiêu): khi lột vỏ bẹ không còn lại gì cả, không bền chắc. Hành nghĩa là tạo tác, chúng sanh tạo tác các hành cũng mong manh dễ nát giống như cây chuối vậy.
Thức giống như trò ảo thuật (huyễn sự): giống như nhà ảo thuật lấy khăn làm con ngựa, lấy cây cỏ làm con người, kỹ xảo mà chế tác ra chứ không có thật thể. Thức nghĩa là phân biệt. Tâm thức chúng sanh không bị các pháp, tùy cảnh mà các pháp này sanh diệt không thể có thật thể.
- Mục tiêu của pháp quán:
Chế ngự thói quen của chúng ta là luôn luôn nghĩ con người có một cái ngã tướng, tu tập giáo pháp Ngũ Uẩn vô ngã để phát triển tư duy vô ngã.
Nhận chân ra giáo lý vô ngã là vô cùng quan trọng với hành giả, chừng nào ta có chánh kiến này ta mới thấy giáo lý của Phật pháp thật nhiệm mầu. Chừng nào chánh kiến về vô ngã xuất hiện trong đời sống của chúng ta, lúc đó ta mới thật thấy:
“Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.”
Vạn Hạnh thiền sư sở dĩ có được cái nhìn này là bởi vì Ngài thấy được vô ngã trong Ngũ Uẩn. Thi kệ trên, ở câu thứ ba, Ngô Tất Tố dịch là: “Sá chi suy thịnh việc đời”, chữ “sá chi” diễn tả động thái buông bỏ, buông tay, không có chủ động. Trong nguyên âm, chữ “nhậm vận” nghĩa là nắm bắt được nguyên lý này, nắm bắt được sự chuyển vận, xoay vần này. Chính vì thế mà các Ngài có cuộc sống tự tại, giải thoát.
Nhờ tu tập quán chiếu sâu sắc năm uẩn như vậy, thì ánh sáng sẽ phát sinh, chấp thủ và tham ái sẽ diệt, đó là mục đích tu tập quán chiếu về năm uẩn. Cũng vậy, Bát Nhã Tâm Kinh nói: “Bồ tát Quán Tự Tại thực hành trí tuệ thâm sâu, thấy rõ tự tánh của năm uẩn là Không, nên vượt thoát mọi khổ ách”.
Câu chuyện “Thế à!” thế à là cả một nội tâm, cả một trí tuệ bùng vỡ, cả một định tâm tu tập, là hệ quả của cả một tiến trình tư duy vô ngã của các Ngài. (từ bi trí tuệ vô ngã).
Giáo lý của Đạo Phật không nâng đỡ sự ngu si, sợ hãi và dục vọng, mà cốt làm cho con người giác ngộ bằng cách trừ khử và tiêu diệt chúng. Có hai ý tưởng ăn sâu vào tâm lý con người, đó là tự vệ và tự tồn. Vì tự vệ, con người đã tạo ra Thượng Đế; và vì muốn tự tồn, người ta đã tạo ra ý tưởng về một linh hồn bất tử, hay có một cái Ngã. Theo Phật giáo, những ý tưởng của chúng ta về Thượng Đế và linh hồn là sai lạc và trống rỗng, nó phát sinh ra những tư tưởng tai hại về “tôi” và “của tôi”, dục vọng, ích kỷ, khát khao ràng buộc, thù hằn, độc ác, kiêu căng…nó là nguồn gốc của mọi rối ren trong cuộc đời. Đại đa số chúng ta trong cuộc đời đều sợ giáo lý vô ngã, ta sợ không có một cái “tôi” hay “ngã” để cảm thọ và hưởng thụ hạnh phúc của cuộc đời. Nhưng với trí tuệ của đức Phật, vô ngã là thực tại, là chân lý. Giáo lý của Đức Thế Tôn về Ngũ Uẩn Vô Ngã có công năng xua tan bóng tối của tà tín, mê lầm, sợ hãi; khước từ mọi hệ lụy do ngã chấp đem lại, đập tan mọi lý thuyết thần quyền, giúp cho ánh sáng trí tuệ phát sinh, bình yên và giải thoát.
Với cái nhìn năm uẩn vô ngã sẽ giúp con người phát triển đức tính khiêm cung, điềm đạm, tôn trọng, tha thứ và yêu thương, sống một đời sống vị tha, không bảo thủ, không ích kỷ tham lam. Nhờ thấy như thật về thân năm uẩn mà con người đi ra khỏi hoang tưởng, mê tín, xóa bỏ tư duy hữu ngã vốn từ lâu ngự trị trong nhận thức và đời sống của con người.
VII. NỀN GIÁO DỤC TRONG GIÁO LÝ NGŨ UẨN
Giáo dục ngày nay là giáo dục hướng nghiệp, giáo dục ra những tuýp người có những chuyên sâu về một ngành, rất giỏi về một ngành nào đó, nhưng ngành khác thì họ không biết. Đó là kết quả, hệ quả của giáo dục từng phần, giáo dục phiến diện, thụ. Còn Đạo Phật chúng ta giáo dục con người toàn diện, giáo dục đầy đủ năm uẩn.
Giáo dục năm uẩn là giáo dục con người thể chất, tình cảm, tri giác, lý trí và nhận thức. Giáo dục con người Ngũ Uẩn là giáo dục con người đầy đủ năm phương diện trên. Con người Ngũ Uẩn gồm hai phần, thể chất và tinh thần, hai phần này liên quan và ảnh hưởng lẫn nhau. Có câu nói rằng: “không thể có một tinh thần tráng kiện trong một thể xác bệnh hoạn”, thể chất phải khỏe mạnh thì tinh thần mới minh mẫn và ngược lại, một người mà tình cảm bi lụy, tình cảm ướt át, tình cảm nô lệ thì con người đó không có sức sống. Vậy, giáo dục về thể chất (sắc) là giáo dục con người có một thể chất khỏe mạnh, tốt đẹp.
Giáo dục về tình cảm (thọ) là giáo dục cho con người biết bản chất của tình cảm gồm có lạc thọ, khổ thọ và bất khổ bất lạc thọ; giáo dục cho con người thấy được giá trị của lạc thọ, lạc thọ về vật chất và lạc thọ về tinh thần, và lạc thọ này có giá trị, có thật hay không?
Giáo dục về Tưởng uẩn là giáo dục cho con người biết cái tri giác của mình, nhận thức vấn đề, đón nhận cái gì đưa vào tâm, chứ không phải thụ động.
Giáo dục Hành uẩn là định hướng cho con người có một lý tưởng sống, ý chí sống.
Giáo dục Thức uẩn là giáo dục cho con người biết nhận định, nhận thức một vấn đề đúng, sai; đâu là thật, đâu là hư, đâu là chân, đâu là ngụy.
Macxim Gorki từng nói: “Người có thể chẻ sợi tóc làm bốn nhưng không có trái tim thì đó không phải là con người”. Cho nên, giáo dục con người Ngũ Uẩn là giáo dục một con người toàn diện, đầy đủ cả tình cảm, thể chất, cả lý trí, tri giác và cả nhận thức. Do vậy, giáo dục Phật giáo là giáo dục nhắm đến giáo dục toàn diện một con người, và “toàn diện” của một con người chính là một con người có đầy đủ hai yếu tố: từ bi và trí tuệ, tình thương và sự hiểu biết, khối óc và con tim. Nếu chỉ có con tim thì trở thành nô lệ cho cuộc sống; và nếu chỉ có khối óc thôi, thì trở thành người vô cảm, không biết lắng nghe tiếng chim hót và lắng nghe tiếng suối reo, tức không biết cảm nhận sự sống và cuộc sống.
C.KẾT LUẬN
Chúng ta có thể kết luận rằng, giáo lý năm uẩn là giáo lý nền tảng của các bộ phái Phật giáo, Bắc Tạng cũng như Nam Tạng. Giáo lý này giúp chúng ta thấy một cách sâu sắc và toàn diện về con người và mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, vũ trụ; từ đó đập tan tà kiến về ngã, về linh hồn bất biến và Thượng Đế vĩnh hằng, để cho ánh sáng chân lý ngự trị trong dòng chảy nhận thức của nhân loại. Nhờ thấy biết như thật về năm uẩn mà đức Phật xác chứng rằng Ngài đã chứng ngộ Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
Là một người con Phật, chúng ta hãy thực hành theo lời bậc Đạo Sư đã giảng dạy để đạt được an lạc và giải thoát hoàn toàn, chúng ta đặt gánh nặng năm uẩn xuống và không mang thêm gánh nặng khác nữa.
- Giá trị nhân văn của ngày tri ân cha mẹ - 05/07/2024
- Sự kiện tháng tư - 15/05/2024
- Người mang trí tuệ đến nhân gian - 14/05/2024
- Kính mừng Phật đản - 30/04/2024
- Phật giáo và vai trò kiến tạo giá trị đạo đức trong phát triển bền vững tại Việt Nam - 28/08/2023
- Kinh Pháp Hoa Bổn Môn - 22/10/2022
- Kinh sám hối hồng danh - 22/10/2022
- Kinh Vu Lan - 22/10/2022
- Kinh Dược Sư - 22/10/2022
- Kinh Di Đà - 22/10/2022
- Ý nghĩa xuất gia - 17/10/2022
- Tam thân Phật - 17/10/2022
- Tam pháp ấn - 17/10/2022
- Tứ chánh cần - 17/10/2022
- Bát Chánh Đạo - 17/10/2022
- Lục độ - 15/10/2022
- Đi Chùa lễ Phật - 15/10/2022
- Thất Thánh Tài - 15/10/2022
- Tứ quả Thanh Văn - 15/10/2022
- Thập Thiện Nghiệp - 15/10/2022
- Tứ Vô Lượng Tâm - 15/10/2022
- Tứ Nhiếp Pháp - 15/10/2022
- Lục Hòa - 15/10/2022
- Nghiệp báo - 15/10/2022
- Ngũ Đình Tâm Quán - 15/10/2022
- Tứ Niệm Xứ - 15/10/2022
- Ăn chay theo quan điểm đạo Phật - 15/10/2022
- Ngũ căn – Ngũ lực - 15/10/2022
- Luân hồi - 15/10/2022
- Tụng kinh – niệm Phật - 15/10/2022
- Ngũ thừa Phật giáo - 15/10/2022
- Sám hối - 15/10/2022
- Đạo Phật - 15/10/2022
- Tam Vô Lậu Học - 15/10/2022
- Tam pháp ấn - 15/10/2022
- Mười hai nhân duyên - 15/10/2022
- Tứ Diệu Đế - 15/10/2022
- Ý nghĩa thành đạo - 15/10/2022
- Quán Từ Bi - 15/10/2022
- Vô thường - 15/10/2022
- Nhân quả - 15/10/2022
- Quy y Tam Bảo - 15/10/2022
- Tứ vô lượng tâm - 15/10/2022
- Ý nghĩa Phật Đản - 15/10/2022
- Vu lan báo hiếu - 15/10/2022
- Cắt đứt tham dục - 06/05/2022
- Hồng danh sám hối - 03/01/2022
- Lợi hành nhiếp của Phật giáo: Hiếu ứng quan tâm hạnh phúc và lợi ích - 07/05/2021
- Hạnh nguyện của người xuất gia - 25/11/2020
- Đức Phật - Mùa Phật Đản - 30/04/2020
- Tứ Vô Lượng Tâm - 28/04/2020
- Chữ Hiếu Trong Đạo Phật - 26/04/2020
- Đi Chùa Lễ Phật - 26/04/2020
- Tướng tùy tâm sinh: Người có tâm từ bi sẽ được cải biến cả dung mạo lẫn số mệnh - 12/04/2020
- Hạnh phúc nhặt bên đường - 25/11/2019
- Phụ Nữ Trong Chánh Pháp - 25/11/2019
- Thánh hạnh vĩ đại của Đức Phật - 25/11/2019
- Kiểm soát sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý - 25/11/2019
- Đức Phật: Con người của mọi thời đại - 25/11/2019
- 620 câu hỏi trắc nghiệm giáo lý căn bản - 24/11/2019
- Nương theo hạnh nguyện Quán Âm - 22/07/2019
- Lời Phật dạy sâu sắc về việc hãy sống trọn vẹn hạnh phúc trong hiện tại - 18/07/2019
- Đức Phật dạy về sự bình đẳng dù sinh con trai hay con gái - 18/07/2019
- Tội nào nặng nhất, nghiệp báo đáng sợ nhất? - 18/07/2019
- Rượu gây ra 36 tội lỗi nên đức Phật cấm uống, cấm mời, cấm buôn bán rượu - 18/07/2019
- Lời Phật dạy sâu sắc về việc nhẫn nhịn trong cuộc sống - 18/07/2019
- Đức Phật dạy về cúng thí và ngạ quỷ - 18/07/2019
- Mê tín dị đoan, do đâu? - 17/07/2019
- 9 cách thay đổi số phận khi áp dụng các giáo lý nhà Phật - 15/07/2019
- Bốn hạng người luôn sống khổ - 15/07/2019
- Theo lời Phật dạy thì không có ai là đấng sáng thế - 06/07/2019
- Luận bàn về ranh giới giữa Mê và Ngộ - 06/07/2019
- Đạo Phật và nghệ thuật hóa giải sân hận - 06/07/2019
- Tôn giả Ma Ha Ca Diếp: Người dốc lòng giữ gìn phạm hạnh - 06/07/2019
- Tại sao đức Phật lại nói về thuyết luân hồi? - 06/07/2019
- Pháp tu căn bản của Phật tử - 06/07/2019
- Làm ơn hãy nghĩ đến sự tồn vong của chánh pháp và lợi ích chúng sanh - 06/07/2019
- Tu chứng - 06/07/2019
- Điều phục ý căn - 06/07/2019
- Hiểu và Ngộ - 06/07/2019
- Thiền và tâm lý trị liệu - 06/07/2019
- Tâm linh Phật giáo và xã hội đương đại - 06/07/2019
- Khái niệm giải thoát và giải thoát sinh tử trong đạo Phật - 06/07/2019
- Pythagore và thuyết luân hồi - 06/07/2019
- Đức Phật là thầy dẫn đường bậc mô phạm đạo đức - 06/07/2019
- Bàn về hai chữ cư sĩ trong kinh Tăng nhất A-hàm - 06/07/2019
- Cuộc sống hoàn toàn tốt đẹp bền vững theo Phật giáo - 06/07/2019
- Nguồn gốc và ý nghĩa của kinh Lương hoàng sám pháp và Thủy sám pháp - 06/07/2019
- Đức Phật dạy về cách xa lìa ái dục, xử lý năng lượng tình dục - 06/07/2019
- Các thiên tài nổi tiếng lý giải về Đức Phật - 06/07/2019
- Thế nào là mười nghiệp lành? - 06/07/2019
- Cuộc sống hoàn toàn tốt đẹp bền vững theo Phật giáo - 30/06/2019
- Bố thí, cúng dường cũng có năm bảy đường - 30/06/2019
- Hạnh phúc của người Phật tử - 16/06/2019
- Pháp lạc trong tu học - 16/06/2019
- Quán vô thường để chứng đạt vô ngã - 16/06/2019
- Suy nghiệm lời Phật: Khéo nghĩ - 16/06/2019
- Giết gì được Phật khen? - 16/06/2019
- Ý nghĩa bài kệ mở đầu kinh Pháp Hoa - 16/06/2019
- Bản chất cầu nguyện - 16/06/2019
- Quan điểm của Phật giáo về vấn đề tự tử - 16/06/2019
- Ý nghĩa phẩm Pháp sư thứ 10 kinh Pháp Hoa - 16/06/2019
- Suy nghiệm lời Phật: Chớ xem thường trẻ nhỏ - 16/06/2019
- Làm gì khi thất tình? - 16/06/2019
- Ý nghĩa Phẩm Bồ-tát Tùng Địa Dũng Xuất thứ 15 kinh Pháp hoa - 16/06/2019
- Suy nghiệm lời Phật: Biết cách tiêu tiền - 16/06/2019
- Pháp hành bố thí - 16/06/2019
- Hai pháp lành hộ trì thế gian - 16/06/2019
- Phép Hòa Quang Tam Muội Của Hai Thiền Sư Việt - 11/06/2019