Chữ Hiếu Trong Đạo Phật
Con đứng giữa mù sa bơ ngơ vô tận ý, Mẹ, giọt nước đời qua, con uống ăn thiện mỹ. Nghẹn lời dòng sâu chèo chống một mình, lướt ghềnh vượt thác phù sinh nhọc nhằn. Mặt trời nắng ấm tháng năm tình cha vô lượng nói năng nghẹn lời!
A - MỞ ĐỀ
Trăng sao vẫn là trăng sao của bầu trời muôn thuở. Đạo hiếu con người vẫn là đạo hiếu của vạn đời thế nhân. Nền luân lý đạo đức hiếu đạo ấy đã được dân tộc ta ngàn đời ca tụng, hơn 4000 ngàn năm văn hiến cha ông của chúng ta đã luôn luôn lấy niềm hòa hiếu để làm nhịp cầu thông cảm, để đón nhận những tinh hoa tư tưởng vĩ đại nhất của con người từ mọi hướng.
Trên tinh thần đó Đạo Phật truyền vào Việt Nam trên dưới 2000 năm lịch sử, xuyên suốt thời gian Đạo Phật càng làm sáng tỏ nền đạo hiếu và hòa quyện vào lòng dân tộc ta như máu chảy về tim, như suối diệu tình thương rạt rào luôn rưới mát tâm hồn người con hiếu Đạo. Tình thương ấy chính là Từ bi. Từ bi là một trong những giáo lý căn bản của nhà Phật, mà hiếu chính là khởi điểm của từ bi; từ lòng thương yêu hiếu thảo với cha mẹ đến hiếu nhân với mọi người, hiếu nghĩa đến đồng loại, hiếu sinh với muôn loài.
Do đó, Đạo Phật được gọi là Đạo hiếu, đạo dạy con người trước tiên phải hiếu thảo với cha mẹ, Đức Phật trong vô lượng kiếp tu hành mong cầu Đạo quả đều lấy sự hiếu kính với cha mẹ làm đầu.
Đức Phật dạy: “Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh của Phật, muốn tu hành thành đạo đắc quả như chư Phật thì trước tiên phải hiếu thảo với cha mẹ”. Ngài lại dạy: “Cha mẹ còn sanh tiền như Phật còn ở trên đời”. Cho nên Ngài tiên cáo: “Người nào sanh thời không gặp Phật, khéo biết hiếu thảo phụng thờ mẹ cha tức là thờ Phật”.
- Sách Nho có câu: “Niên hữu tứ thời xuân tại thủ, nhân sanh bách hạnh hiếu vi tiên”. Nghĩa là: trong năm có bốn mùa, mùa xuân là trước nhất, phàm con người có trăm hạnh thì hạnh hiếu làm đầu; lại có câu: “Thiên kinh vạn điển, hiếu nghĩa vi tiên”. Nghĩa là: ngàn bộ kinh, muôn quyển sách đều lấy hiếu nghĩa làm đầu. Đạo Lão dạy rằng: “Dục tu Tiên đạo, tiên tu Nhân đạo; Nhân đạo bất tu, Tiên đạo viễn hỷ”. nghĩa là: muốn tu theo tiên đạo trước phải tu nhân đạo, nhân đạo không tròn thì con đường tiên đạo xa vậy.
Bấy nhiêu cũng đủ cho chúng ta lý hội được rằng Phật, Tiên, Hiền, Thánh đều dạy chúng ta phải hiếu thảo với cha mẹ làm đầu. Là đệ tử Phật, là người con chí hiếu, tất nhiên chúng ta phải lo tròn hiếu đạo. Bởi lẽ, hôm nay chúng tôi xin trình bày cùng đại chúng đề tài: “CHỮ HIẾU TRONG ĐẠO PHẬT”.
B - CHÁNH ĐỀ
I - Định danh và giải nghĩa
Trước khi đi vào nội dung chúng ta hiểu qua chữ “Hiếu”. Vậy Hiếu là gì ? Hiếu cũng như chữ Từ - Để - Trung - Nghĩa, đây là những danh từ tượng trưng lòng thương tưởng và niềm tri ân, báo ân của chúng đối với những người mà mình đã thọ ân, nhưng danh từ ấy tùy theo thiên tước của người thi ân mà thay đổi. Như bổn phận làm con đối với cha mẹ gọi là hiếu; tôi đối với vua, dân đối với đất nước chánh phủ gọi là trung, đối với anh em gọi là để, đối với vợ chồng bè bạn gọi là nghĩa, đối với chúng sinh gọi là từ; trong đó chữ hiếu quan trọng hơn hết chứa đựng ý nghĩa vừa yêu thương vừa tôn kính. Vì vậy, ở đây hiếu được coi như cội gốc lành trong muôn hạnh, cũng là đạo căn bản của dân tộc Việt Nam.
1 - Hiếu là cội gốc lành trong muôn hạnh
Đạo Nho dạy rằng: “Hiếu là cội đức - hiếu đứng đầu muôn nết tốt”. Đức Phật dạy “Điều thiện tối cao không gì hơn hạnh hiếu; điều ác cùng cực không gì bằng tội bất hiếu”, tội bất hiếu là một trong năm tội ngũ nghịch. Kinh Địa Tang, Phật dạy: “Kẻ nào phạm tội ngũ nghịch thì bị đọa vào địa ngục A tỳ đời đời không ra khỏi được”.
Cho nên, hiếu ở đây cũng gọi là giới, là điều thọ trì trước nhất của người tu hành, thế nên nói:
“Ai ơi phát nguyện tu hành
Trước tiên hiếu thảo với người sanh ra
Phận làm con phải xót xa
Cù lao cúc dục mẹ cha nghìn trùng”.
Đức Phật lại dạy: “Người nào khéo biết hiếu thảo, phụng thờ mẹ cha tức là thờ Phật; thờ trời đất quỷ thần không bằng thờ cha mẹ, kẻ đó quỷ thần đều kính nể”. Trái lại dầu ta có thông minh tài trí, quán triệt huyền cơ, thông rành kinh sử đi nữa mà không có lòng hiếu thảo với mẹ cha, kẻ đó đáng bị người đời khinh khi nguyền rủa. Xem thế đủ biết hiếu là cội gốc lành trong muôn hạnh. Trong các đạo giáo, tôn giáo cao siêu thuần túy đều chú trọng vấn đề hiếu đạo và xây dựng căn bản con người trên nền tảng ấy.
Chính vì vậy tổ tiên ta xem hiếu đạo là nền tảng căn bản của dân tộc.
2 - Hiếu là đạo căn bản của dân tộc Việt Nam
Dân tộc Việt Nam rất tôn sùng hiếu đạo. Ai nấy đều nghĩ rằng nếu được sống gần gũi với cha mẹ là điều hạnh phúc nhất đời, trẻ thơ nếu thiếu vòng tay sưởi ấm của mẹ thì trẻ thơ không khôn lớn ; người lớn nếu thiếu sự dạy dỗ bảo bọc của cha mẹ thì sẽ già nua cằn cỗi mất hết ý nghĩa cuộc đời. Càng gần được dân quê chất phát chúng ta càng thấy rõ tấm lòng hiếu thảo của họ đối với cha mẹ như thế nào. Khi cha mẹ còn sanh tiền thì hết lòng phụng dưỡng , sớm chiều hầu hạ không chút nại hà, lúc cha mẹ qua đời thì khóc than thảm thiết, cư tang báo hiếu, lập bàn thờ hương khói, nơi lòng chí thành tha thiết , tin tưởng đó là nơi cha mẹ tổ tiên y cứ đi về hộ trì con cháu. Có những nơi không theo Đạo Phật nhưng trong nhà đều đặt bàn thờ cúng vái Tổ tiên, những ý nghĩ cử chỉ trên là phát xuất từ một tấm lòng chân thành thuần nhiên của dân tộc. Vào những năm 1920 Bác Hồ đã từng nói với nhà báo Pháp: “Lòng hiếu thảo là một trong những đức tính căn bản của người dân Việt chúng tôi”. Vì từ lòng hiếu thảo với cha mẹ mới đến lòng hiếu nhân giúp đỡ mọi người. Đây là một đức tánh thuần lương không vá víu. Tục ngữ Việt Nam ta có câu “Lá lành đùm là rách”, lại như câu ca dao: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương. Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Tinh thần tương thân tương ái trong tình nhân loại nghĩa đồng bào đã tạo nên một sức sống và tình thương mãnh liệt trong niệm tri ân, báo ân , gợi lại cho chúng ta ý niệm: “Cây có cội, nước có nguồn; chim có tổ, người có tông”. “Ăn trái nhớ kẻ trồng cây, uống nước nhớ người đào giếng”. Tất cả đều hàm tàng ý nghĩa luân lý đạo đức căn bản, vốn quý lâu đời của dân tộc và đạo lý ấy rất khế hợp với đạo đức Phật giáo. Đức Phật dạy: “Khi chúng ta chào đời đã chịu ơn muôn loài”. Tiêu biểu nhất là bốn ơn sâu. Đó là ân Cha mẹ, ân Tam Bảo, ơn Đất nước chánh phủ, ơn Nhân loại và chúng sanh. Trong đó ơn cha mẹ là chúng ta cảm thọ trước nhất.
II - Công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ
Chúng ta sanh ra cõi đời ai mà không chịu ơn sâu của cha mẹ. Tổ Quy Sơn dạy: “Bẩm phụ mẫu chi di thể, giả chúng duyên nhi cộng thành”, có nghĩa là: “nhờ cha mẹ để tạo hình, mượn các duyên mà nên thân”. Kinh Thi dạy: “Phụ hề sanh ngã, mẫu hề cúc ngã, ai ai phụ mẫu sanh ngã cù lao, dục báo thân ân, hiếu thiên võng cực”, nghĩa là: “Cha sanh ra ta, mẹ dưỡng nuôi ta, thương thương thay cha mẹ sanh dưỡng nuôi ta khó nhọc; muốn đáp đền thâm ân cha mẹ như vói lên trời cao chẳng cùng”.
Người xưa lại nói:
“Cây có cội mới tủa cành sanh ngọn
Nước có nguồn mới bủa khắp rạch sông
Hôm nay mình được thong dong
Nhờ ơn cha mẹ, dày công khai đường”.
Ca dao Việt Nam lại có câu:
“Công cha như núi Thái sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.
Chúng ta cũng nên biết rằng núi Thái tuy cao nhưng nghĩa cha còn cao hơn non Thái. Nước nguồn chảy mãi nhưng tình mẹ lại vô tận bao la. Thật vậy, công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ thậm thâm vi diệu làm sao. Mẹ thì chín tháng cưu mang, ba năm bồng ẵm, ngay khi còn thai nghén người mẹ chịu khổ nhiều bề, đứng đi nặng nhọc , kiêng ăn bớt nói như chịu cực hình; đến khi đứa trẻ chào đời mẹ chịu muôn ngàn đau đớn có khi ngất lịm, ăn đắng nuốt cay. Chắt chiu thân con từ tấm bé, mẹ nằm chỗ ướt con nằm chỗ ráo, sú nước nhai cơm những lúc nghỉ ngơi hoặc khi cơm nước con trẻ khóc đòi mẹ liền bồng bế , lỡ như đại tiện trên mình mẹ cam đành chịu không phiền lòng chi. Còn cha thì sao, nếu là gia đình khá giả chẳng nói làm chi, gặp cảnh túng cùng, cha già một nắng hai sương, chạy tảo chạy tần lo kiếm đồng tiền bát gạo bảo bọc gia đình, lo cho con chén cơm manh áo, muốn cho con có đức rộng tài cao, cha mẹ mải miết lo cho con từ khi mới lọt lòng cho đến ngày già nhắm mắt. Chính người đã vất vả vì ai mà thân xác giờ đây héo gầy, mắt mờ tai điếc, nhìn vào đôi mắt mờ lệ đăm chiêu; chúng ta cũng đoán biết nỗi lo âu đau khổ của cha mẹ khi con mình hoạn nạn đau yếu. Cha mẹ luôn nghĩ đến con sung sướng mà quên mình lam lũ đọa đày, vô tình tạo gây nghiệp dữ, vì nghĩ đến con thông minh mà quên mình dốt nát quê mùa.
“Ôi ! Hai tiếng cha mẹ thương thân cao đẹp quá
Như suối hiền mát dịu lúc trưa hè
Như gió chiều nhè nhẹ ở cành tre
Như dòng nước của đại dương vô tận”.
Nếu những ai đã từng làm cha mẹ thì mới rõ công lao của cha mẹ đối với con như thế nào rồi.
“Lên non mới biết non cao
Nuôi con mới biết công lao mẫu từ”.
Thật là cha mẹ già trăm tuổi vẫn nuôi con 80. Lòng cha mẹ thường lo cho con như thế, nhưng khi con lớn trưởng thành, thì tinh hoa sự sống lại truyền hết cho con để nhận lấy cái già cái chết. Bởi công lao của cha mẹ cao vời, nên trong Kinh Pháp Cú Phật dạy:
“ Cha mẹ là đấng Phạm Thiên
Cha mẹ là thầy đầu tiên trong đời”.
Cha mẹ là Bậc đáng cho con sùng bái cúng dường.
Vậy mà có lắm cảnh cha mẹ tuổi đã về chiều lại không nơi nương tựa, đời sống lang thang thiếu ăn thiếu mặc. đói rét cơ hàn; thậm chí có những kẻ bất hiếu vô nghì, chửi cha mắng mẹ, đánh chó đuổi mèo coi cha mẹ như người thuê ở mướn, nuôi cha mẹ đôi ngày lại tính từng giờ từng khắc, thật là đau đớn ngậm ngùi thay:
“Cha mẹ nuôi con như biển hồ lai láng
Con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày”.
Phật dạy: “Phàm con người được cha mẹ sanh ra nuôi dưỡng cực nhọc như thế, khi trưởng thành lại không phụng dưỡng song đường, cư xử tệ bạc với cha mẹ, kẻ đó chết rồi đọa vào địa ngục A tỳ chịu khổ trầm luân”. Chúng ta phải sống thế nào đây để không lỗi đạo vô nghì, phạm tội bất hiếu.
Vậy thì chúng ta phải noi theo những gương từ hiếu hạnh của Bậc Hiền Nhân Thánh Tiết để sống đúng bổn phận con hiền hiếu đạo như nàng Kiều bán mình để chuộc cha; Nguyễn Đình Chiểu trên đường lên kinh dự thi khi hay tin mẹ già ở quê nhà khuất núi, ông thương nhớ mẹ trên đường về khóc than đến đôi mắt mù lòa. Lòng hiếu thảo của Thầy Mạnh Tử cảm động đến lòng trời, trời đổ cơn mưa trong mùa nắng hạn. Thầy Tử Lộ thuở hàn vi đốn củi đổi gạo nuôi mẹ già với bát cơm rau lê.
“Thầy Tử Lộ là người nước Lỗ
Thờ hai thân thường bữa canh Lê
Thường khi đội gạo đi về
Xa xăm trăm dặm nặng nề mà vui”.
Khi ra làm quan thân được sung sướng, nhớ đến cha mẹ già muốn phụng dưỡng, mà cha mẹ không còn, Thầy đã than:
“Mộc dục Tịnh nhi phong bất đình
Tử dục dưỡng, nhi thân bất tại”.
Nghĩa là:
“Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng
Con muốn nuôi cha mẹ, mà cha mẹ không còn”.
Lại hơn thế nữa Đức Thế Tôn khi hay tin phụ vương lâm trọng bịnh, Ngài trở lại quê nhà thăm viếng vua cha và thuyết giảng pháp mầu cho vua cha nghe trước lúc băng hà; Đức Phật lại tự tay đỡ kim quan vua cha trên đường đến nơi hỏa táng. Tôn giả Mục Kiền Liên dâng cơm cho mẹ trong đường ngạ quỷ, đã có bài thơ thắm thiết biết bao:
“Đây bát cơm lòng nặng mong ước
Mẹ ơi đây ngọc với đây lòng
Đây tình còn đọng trong tha thiết
Ơn nghĩa sanh thành chưa trả xong”.
Ôi những tấm gương chí hiếu cao thượng làm sao. Chúng ta là người thế nào mà không lo toan học hỏi để đáp nghĩa sanh thành. Và ở đây cũng chính nhờ mẫu thân Thanh Đề chúng con mới biết bao nỗi khổ đau nhọc nhằn của mẹ và cũng nhờ Tôn giả Mục Kiền Liên chúng con mới biết ân thâm cha mẹ phải lo đáp đền.
III - Nguyên nhân và phương pháp báo hiếu
1 - Nguyên nhân
Hoài bão lớn của hàng Thích tử là trên đền bốn ơn dưới cứu giúp ba đường. Do vậy, khi Ngài Mục Kiền Liên chứng được Đạo quả, muốn báo đền công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ , Ngài dùng Đạo nhãn xem tìm cha mẹ sanh ở nơi đâu. Ngài thấy mẫu thân Thanh Đề sanh vào loài ngạ quỷ đói khổ. Ngài liền đem cơm dâng mẹ, nhưng cơm đã thành than lửa, mẫu thân Thanh Đề không ăn được. Mục Kiền Liên cảm động khóc ròng, bèn cầu Phật dạy phương pháp cứu giúp . Đức Phật dạy Pháp Vu Lan cho Ngài Mục Kiền Liên cứu mẹ. Đây là nguyên nhân Phật dạy Pháp Vu lan Báo Hiếu.
2 - Phương pháp
Phật dạy Ngài Mục Kiền Liên: sắm sanh hương đăng hoa quả, trai diên mùi vị thơm ngon, tứ sự cúng dường đến ngày Rằm Tháng bảy sau ba tháng an cư, chư Tăng mãn Hạ, chính là ngày Phật hoan hỷ, ngày Tăng Tự Tứ, người chí thành dâng lễ cúng dường chư Tăng; nhờ sự chú nguyện của chư Tăng mà mẫu thân Thanh Đề được rảnh rỗi tội khiên, xa miền khốc lãnh.
Ngài Mục Kiền Liên hỏi Phật về sau nếu các hàng hiếu tử thực hành theo Pháp này có được không?
Phật dạy: Nếu ai thực hành đúng pháp Vu Lan đều được rốt ráo viên mãn. Từ độ ấy đến nay trãi suốt 25 thế kỷ tinh thần Pháp Vu Lan bất diệt rạng ngời. Và cũng là phương pháp báo hiếu thù thắng nhất theo tinh thần Đạo Phật; nhưng ở đây cũng còn tùy theo người thi hành cao, thấp mà sự thành tựu có sai biệt , cho nên pháp Báo Hiếu phân định như sau: báo hiếu tiêu cực và báo hiếu tích cực.
Báo hiếu tiêu cực: Là báo hiếu cho cha mẹ hiện kiếp trên hai phương diện vật chất và tinh thần.
a/ Về phương diện vật chất
Chúng ta đã thấu hiểu được công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ là chí trọng, nên bổn phận làm con khi cha mẹ còn sanh tiền phải hết lòng hiếu thảo, phụng thờ lo cho cha mẹ từ món ngon vật lạ, ăn no mặc ấm, hết lòng hầu hạ, sớm thăm tối viếng, quạt nồng ấp lạnh, một khi cha mẹ yếu đau phải lo thuốc thang chữa trị, vâng lời dạy bảo của cha mẹ cho cha mẹ vui lòng, nói năng với cha mẹ phải thuận hòa kính thuận, lúc cha mẹ về già phải hết lòng lo toan mọi việc, gánh vác khó khăn cho cha mẹ. Rủi khi cha mẹ qua đời phải lo cư tang xây mồ, tạo mả để cha mẹ yên phần. Có thế mới gọi là một phần nào báo hiếu, song đó mới chỉ là phần vật chất thôi. Phật dạy: “Người con hiếu hạnh vai trái cõng cha, vai phải cõng mẹ đi giáp vòng hòn núi Tu Di trải trăm ngàn kiếp, cúng dường tứ sự cho cha mẹ đầy đủ, cha mẹ có đại tiện trên mình cũng không phiền trách, như thế cũng chưa đền xong hiếu đạo”. Vậy để được phúc lợi phần nào chúng ta phải lo cho cha mẹ về mặt tinh thần. Vì đời sống tâm linh yên ổn là sự cần yếu của kiếp người.
b/ Về phương diện tinh thần
Chúng ta đã biết lo vật chất, chỉ nuôi dưỡng sắc thân, nhưng thiếu phần tâm linh thì không thể được. Cho nên chúng ta phải tìm cách khuyên nhắc cha mẹ quy kính Tam bảo (nếu là cha mẹ chưa tin Phật pháp). Khuyên cha mẹ rời xa mê tín, nương về chánh đạo làm lành lánh dữ, ăn chay niệm Phật trường trai giới sát, bố thí phóng sanh trì Kinh bái sám, không sát sanh hại vật gây nghiệp chẳng lành, lúc nào cũng lo tu nhân giải thoát ngõ hầu an lạc trong hiện tại và tương lai. Khi cha mẹ qua đời, hết lòng cầu nguyện in kinh ấn tống, lại không nên sát sanh hại vật cúng tế linh đình kết nghiệp chẳng lành cho cha mẹ, chỉ nên thỉnh Tăng cung kính cúng dường, tạo mọi thắng phước nhân duyên hồi hướng siêu độ vong linh cha mẹ thoát khỏi luân hồi. Có làm được thế tinh thần cha mẹ mới được phần nào thanh thoát, song đó chỉ là báo hiếu được phần nào cho cha mẹ trong một đời, sự báo hiếu như vậy theo tinh thần Đạo Phật thì chưa được rốt ráo viên mãn. Muốn được thành tựu cứu cánh chúng ta phải báo hiếu tích cực.
Báo hiếu tích cực: Mục đích của Đạo Phật là muốn cho tất cả chúng sanh đều được an vui giải thoát, bởi vì chúng sanh luân hồi quanh quẩn trong ba cõi sáu đường đều là cha mẹ thân bằng quyến thuộc của chúng ta. Theo Kinh Lăng Già Phật dạy:”Lấy cây cắm xuống đất, đâu đâu cũng đụng xương thịt của cha mẹ chúng ta”.
Kinh Phạm Võng Phật lại dạy:”Tất cả người nam là cha ta, tất cả người nữ là mẹ ta, mỗi đời ta từ đó mà sanh ra nên tất cả chúng sanh trong sáu đường đều là cha mẹ của ta, tất cả nước, đất, lửa, gió là thân trước của ta…”
Vậy muốn báo hiếu cho cha mẹ trong nhiều đời nhiều kiếp chỉ có cách chúng ta xuất gia tu hành mới báo đáp hiếu thảo được trọn vẹn. Khế Kinh dạy:” Xuất gia chí hiếu, cắt ái từ thân, học đạo thâm nhập vô vi chi thượng, thù võng cực chi ân”. Nghĩa là xuất gia là việc chí hiếu, rời bỏ gia đình, học đạo thâm nhập lý pháp nhiệm mầu, mới mong đáp đền bốn ơn sâu nặng. Tổ đức lại dạy:”Nhứt nhơn hành đạo cửu huyền siêu thăng”.
Thật vậy, có xuất gia tu hành, thành tựu đạo nghiệp như chư Phật chư Tổ, sống đời xã kỷ vô ngã vị tha, đem pháp lành ban rãi khắp nơi làm cho nhân sinh đâu đâu cũng thấm nhuần ân pháp vũ, quy hướng đường lành, tu hành thiện pháp, nhà nhà được an vui hạnh phúc, chốn chốn được thái bình yên ổn, nơi nơi đều tai nạn giải trừ, chúng sanh được an cư lạc nghiệp. Như thế chúng ta mới đáp đền tứ ân một cách rốt ráo viên mãn. Bằng trái lại, nếu ta sống cho qua ngày đoạn tháng trong chốn thiền môn đạo nghiệp chẳng thành, các duyên chẳng giúp thì chẳng những lỗi đạo làm con, bởi vì cha mẹ chẳng dâng ngon ngọt, sáu thân vốn đã xa lìa, chẳng hay phò vua giúp nước, thì nói chi đến sự đáp đền thâm ân trong muôn một, chẳng hổ danh Thích Tử lắm sao!
IV - Phước lợi của hạnh hiếu và tai hại về tội bất hiếu
Khế Kinh Phật dạy: “Hiếu cảm đến trời thì mưa hòa gió thuận, hiếu cảm đến đất thì muôn vật xanh tươi, hiếu cảm đến người thì mọi phước lành đều đến”. Có lần, Đức Phật nói với các thầy Tỳ Kheo rằng: “Nếu có người nào biết đền đáp công ơn cha mẹ, người đó đáng kính đáng mến, quỷ thần đều kính nể, dù một chút ơn nhỏ còn không quên, huống là ơn lớn. Giả sử người này ở xa ta ngàn dặm vẫn như gần gũi bên ta. Vì sao? Vì ta hằng khen ngợi người biết đền đáp công ơn cha mẹ”. Như vậy chúng ta dầu ở hoàn cảnh nào, thời đại nào cũng phải lo tròn hiếu đạo, bằng trái lại sẽ mang tội bất hiếu.
Tai hại về tội bất hiếu:
Đức Phật dạy: “Điều thiện tối cao không gì hơn hạnh hiếu, điều ác cùng cực không gì bằng tội bất hiếu.” Người mang tội bất hiếu quỷ thần chẳng kính, trời đất giận hờn, bạn bè xa lánh, người đời ghét bỏ khinh khi. Kẻ đó chết rồi đọa vào địa ngục A Tỳ thọ khổ cực hình, trầm luân muôn kiếp. Là người con chí hiếu chúng ta lấy đó mà tránh ngăn.
C. KẾT LUẬN
Tóm lại, hiếu là một nền luân lý đạo đức cao thượng, dạy con người từ trong gia đình đến ngoài xã hội, thế giới và chúng sanh phải có lòng tin yêu thương kính đùm bọc lẫn nhau để xây dựng một lẽ sống tình thương công bằng, an vui hạnh phúc trong xã hội. Hiếu là nguồn sống tâm linh lành mạnh, điểm chính yếu dạy con người phải biết tri ân và báo ân.theo quan niệm chữ hiếu và báo hiếu của Đạo Phật rất tế nhị và bao la. Sự báo hiếu này đặt trên nền tảng Từ bi, trên tình thương yêu vô biên vô cùng tận.
Đức Phật dạy hàng đệ tử báo hiếu không chỉ ở vật chất mà còn phải báo hiếu luôn cả tinh thần, không chỉ ở hiện đời mà còn nhiều đời nhiều kiếp về trước. Vậy chúng ta là người con chí hiếu muốn vẹn toàn hiếu đạo. Chúng ta hãy noi gương hiếu hạnh của Ngài Đại Hiếu Mục Kiền Liên và áp dụng phương pháp thiết thực trong Vu Lan, mới ngõ hầu hoàn thành nghĩa vụ của mình là đứa con chí hiếu.
NAM MÔ ĐẠI HIẾU MỤC KIỀN LIÊN BỒ TÁT
- Giá trị nhân văn của ngày tri ân cha mẹ - 05/07/2024
- Sự kiện tháng tư - 15/05/2024
- Người mang trí tuệ đến nhân gian - 14/05/2024
- Kính mừng Phật đản - 30/04/2024
- Phật giáo và vai trò kiến tạo giá trị đạo đức trong phát triển bền vững tại Việt Nam - 28/08/2023
- Kinh Pháp Hoa Bổn Môn - 22/10/2022
- Kinh sám hối hồng danh - 22/10/2022
- Kinh Vu Lan - 22/10/2022
- Kinh Dược Sư - 22/10/2022
- Kinh Di Đà - 22/10/2022
- Ý nghĩa xuất gia - 17/10/2022
- Tam thân Phật - 17/10/2022
- Tam pháp ấn - 17/10/2022
- Tứ chánh cần - 17/10/2022
- Bát Chánh Đạo - 17/10/2022
- Lục độ - 15/10/2022
- Đi Chùa lễ Phật - 15/10/2022
- Thất Thánh Tài - 15/10/2022
- Tứ quả Thanh Văn - 15/10/2022
- Thập Thiện Nghiệp - 15/10/2022
- Tứ Vô Lượng Tâm - 15/10/2022
- Tứ Nhiếp Pháp - 15/10/2022
- Lục Hòa - 15/10/2022
- Nghiệp báo - 15/10/2022
- Ngũ Đình Tâm Quán - 15/10/2022
- Tứ Niệm Xứ - 15/10/2022
- Ăn chay theo quan điểm đạo Phật - 15/10/2022
- Ngũ căn – Ngũ lực - 15/10/2022
- Luân hồi - 15/10/2022
- Tụng kinh – niệm Phật - 15/10/2022
- Ngũ thừa Phật giáo - 15/10/2022
- Sám hối - 15/10/2022
- Đạo Phật - 15/10/2022
- Tam Vô Lậu Học - 15/10/2022
- Ngũ uẩn - 15/10/2022
- Tam pháp ấn - 15/10/2022
- Mười hai nhân duyên - 15/10/2022
- Tứ Diệu Đế - 15/10/2022
- Ý nghĩa thành đạo - 15/10/2022
- Quán Từ Bi - 15/10/2022
- Vô thường - 15/10/2022
- Nhân quả - 15/10/2022
- Quy y Tam Bảo - 15/10/2022
- Tứ vô lượng tâm - 15/10/2022
- Ý nghĩa Phật Đản - 15/10/2022
- Vu lan báo hiếu - 15/10/2022
- Cắt đứt tham dục - 06/05/2022
- Hồng danh sám hối - 03/01/2022
- Lợi hành nhiếp của Phật giáo: Hiếu ứng quan tâm hạnh phúc và lợi ích - 07/05/2021
- Hạnh nguyện của người xuất gia - 25/11/2020
- Đức Phật - Mùa Phật Đản - 30/04/2020
- Tứ Vô Lượng Tâm - 28/04/2020
- Đi Chùa Lễ Phật - 26/04/2020
- Tướng tùy tâm sinh: Người có tâm từ bi sẽ được cải biến cả dung mạo lẫn số mệnh - 12/04/2020
- Hạnh phúc nhặt bên đường - 25/11/2019
- Phụ Nữ Trong Chánh Pháp - 25/11/2019
- Thánh hạnh vĩ đại của Đức Phật - 25/11/2019
- Kiểm soát sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý - 25/11/2019
- Đức Phật: Con người của mọi thời đại - 25/11/2019
- 620 câu hỏi trắc nghiệm giáo lý căn bản - 24/11/2019
- Nương theo hạnh nguyện Quán Âm - 22/07/2019
- Lời Phật dạy sâu sắc về việc hãy sống trọn vẹn hạnh phúc trong hiện tại - 18/07/2019
- Đức Phật dạy về sự bình đẳng dù sinh con trai hay con gái - 18/07/2019
- Tội nào nặng nhất, nghiệp báo đáng sợ nhất? - 18/07/2019
- Rượu gây ra 36 tội lỗi nên đức Phật cấm uống, cấm mời, cấm buôn bán rượu - 18/07/2019
- Lời Phật dạy sâu sắc về việc nhẫn nhịn trong cuộc sống - 18/07/2019
- Đức Phật dạy về cúng thí và ngạ quỷ - 18/07/2019
- Mê tín dị đoan, do đâu? - 17/07/2019
- 9 cách thay đổi số phận khi áp dụng các giáo lý nhà Phật - 15/07/2019
- Bốn hạng người luôn sống khổ - 15/07/2019
- Theo lời Phật dạy thì không có ai là đấng sáng thế - 06/07/2019
- Luận bàn về ranh giới giữa Mê và Ngộ - 06/07/2019
- Đạo Phật và nghệ thuật hóa giải sân hận - 06/07/2019
- Tôn giả Ma Ha Ca Diếp: Người dốc lòng giữ gìn phạm hạnh - 06/07/2019
- Tại sao đức Phật lại nói về thuyết luân hồi? - 06/07/2019
- Pháp tu căn bản của Phật tử - 06/07/2019
- Làm ơn hãy nghĩ đến sự tồn vong của chánh pháp và lợi ích chúng sanh - 06/07/2019
- Tu chứng - 06/07/2019
- Điều phục ý căn - 06/07/2019
- Hiểu và Ngộ - 06/07/2019
- Thiền và tâm lý trị liệu - 06/07/2019
- Tâm linh Phật giáo và xã hội đương đại - 06/07/2019
- Khái niệm giải thoát và giải thoát sinh tử trong đạo Phật - 06/07/2019
- Pythagore và thuyết luân hồi - 06/07/2019
- Đức Phật là thầy dẫn đường bậc mô phạm đạo đức - 06/07/2019
- Bàn về hai chữ cư sĩ trong kinh Tăng nhất A-hàm - 06/07/2019
- Cuộc sống hoàn toàn tốt đẹp bền vững theo Phật giáo - 06/07/2019
- Nguồn gốc và ý nghĩa của kinh Lương hoàng sám pháp và Thủy sám pháp - 06/07/2019
- Đức Phật dạy về cách xa lìa ái dục, xử lý năng lượng tình dục - 06/07/2019
- Các thiên tài nổi tiếng lý giải về Đức Phật - 06/07/2019
- Thế nào là mười nghiệp lành? - 06/07/2019
- Cuộc sống hoàn toàn tốt đẹp bền vững theo Phật giáo - 30/06/2019
- Bố thí, cúng dường cũng có năm bảy đường - 30/06/2019
- Hạnh phúc của người Phật tử - 16/06/2019
- Pháp lạc trong tu học - 16/06/2019
- Quán vô thường để chứng đạt vô ngã - 16/06/2019
- Suy nghiệm lời Phật: Khéo nghĩ - 16/06/2019
- Giết gì được Phật khen? - 16/06/2019
- Ý nghĩa bài kệ mở đầu kinh Pháp Hoa - 16/06/2019
- Bản chất cầu nguyện - 16/06/2019
- Quan điểm của Phật giáo về vấn đề tự tử - 16/06/2019
- Ý nghĩa phẩm Pháp sư thứ 10 kinh Pháp Hoa - 16/06/2019
- Suy nghiệm lời Phật: Chớ xem thường trẻ nhỏ - 16/06/2019
- Làm gì khi thất tình? - 16/06/2019
- Ý nghĩa Phẩm Bồ-tát Tùng Địa Dũng Xuất thứ 15 kinh Pháp hoa - 16/06/2019
- Suy nghiệm lời Phật: Biết cách tiêu tiền - 16/06/2019
- Pháp hành bố thí - 16/06/2019
- Hai pháp lành hộ trì thế gian - 16/06/2019
- Phép Hòa Quang Tam Muội Của Hai Thiền Sư Việt - 11/06/2019