Ngũ thừa Phật giáo
Ngũ thừa là năm giáo pháp tu tập, ứng hợp khắp mọi tầng lớp trong xã hội và mọi căn cơ trình độ của chúng sanh, nhằm để đạt năm quả vị giải thoát.
BÀI 1
- DẪN NHẬP
Trong tất cả tam tạng kinh điển của Phật giáo toàn bộ hệ thống giáo lý Phật dạy. Bởi vì, căn cơ chúng sanh khác nhau nên Phật phương tiện thuyết ngũ thừa Phật giáo, mục đích phát họa một bức tranh khái quát năm thừa để giới thiệu đến người học Phật giúp cho họ dần dần đạt đến chỗ cứu cánh giác ngộ. Bởi vì, Ngũ thừa là năm giáo pháp tu tập, ứng hợp khắp mọi tầng lớp trong xã hội và mọi căn cơ trình độ của chúng sanh, nhằm để đạt năm quả vị giải thoát. Vậy chúng ta cùng tìm hiểu “Ngũ thừa Phật giáo” là gì?
- NỘI DUNG
I. Định nghĩa
Ngũ: là năm
Thừa: là cổ xe chuyên chở
Phật giáo: danh từ riêng chỉ cho một tôn giáo. Chẳng hạn Phật giáo, Thiên chúa giáo, Hồi giáo ... cũng có nghĩa là những giáo pháp của Đức Phật
Ngũ thừa Phật giáo: là năm phương pháp tu tập theo giáo lý của Đức Phật nhằm đạt đến năm quả vị giải thoát.
Đức Phật là một Bậc chánh đẳng chánh giác, với trí tuệ siêu việt của một vị Phật Ngài chỉ cho chúng ta thấy con đường tu tập cũng như quả vị tu chứng của một chúng sanh theo năm cấp độ cùng với những thành quả tương xứng của mình, gồm có:
- Nhơn Thừa
- Thiên Thừa
- Thanh Văn Thừa
- Duyên Giác Thừa
- Bồ Tát Thừa
II. Thành phần của năm thừa
1. Nhân thừa
Nhân: người
Nhân thừa: pháp tu để được làm người chân chính có đạo đức. Lấy Tam Quy Ngũ giới làm căn bản.
Tam quy: quy y Phật, quy y Pháp và quy y Tăng
Ngũ giới: là: không sát sinh, không nói dối, không trộm cắp, không tà dâm, không uống rượu (không uống rượu:bao gồm cả những thứ say xưa làm cho con người thiếu sáng suốt, làm mất giống trí tuệ).
Sau khi thọ Tam quy, trì Ngũ giới, hẳn nhiên chúng ta chính thức trở thành đệ tử Phật. Do đó, cần phải tu tập phát huy tư cách đạo đức của mình. Nghĩa là cần phải thực hành theo “sự” và “lý” quy y Tam Bảo.
Sự quy y Tam Bảo:
Hành giả thường xuyên lễ bái Đức Phật và niệm danh hiệu Ngài cũng như đến chùa học hỏi giáo lý, nghe giảng Kinh, sống chân chánh, hiếu thảo với cha mẹ, thuận hoà với anh em, biết kính trọng người trên, nhường nhịn người dưới. Phải biết đời là vô thường, nên không cố chấp. Không tham lam đắm nhiễm gây tạo nghiệp nhân xấu, siêng năng tinh tấn tu tập các công đức lành như bố thí, trì giới, cúng dường, phóng sanh, tham gia các công tác công quả, từ thiện v.v...
Lý quy y Tam Bảo:
Phải luôn luôn quay về nương tựa Phật tánh thanh tịnh sáng suốt của mình, nương tựa vào pháp tánh là bình đẳng, nương tựa Tăng bảo trên tinh thần hoà hợp, lấy niềm vui chánh pháp làm hành trang trên bước đường chuyển hoá thân tâm. Đồng thời, miên mật giữ gìn năm giới điều thọ nhận.
Lợi ích:
a. Tự thân
Sống theo đúng như thế ta mới xứng đáng là người đệ tử Phật. Hiện đời, tự thân ta được lợi ích an vui, không gây tạo nghiệp nhân xấu ác,
b. Gia đình
Đối với gia đình ta làm tròn bổn phận nên được ông bà, cha mẹ thương mến, được hạnh phúc bền lâu và được sự tôn kính của con cháu.
c. Xã hội
Đối với xã hội, do đối xử tốt với mọi người xung quanh nên ta được sự yêu quý tín nhiệm, trở thành người đạo đức gương mẫu. Được thăng tiến trên cuộc đời, khi sống được an lạc, khi chết được bình an
Sau khi thân hoại mạng chung không đoạ vào ba đường ác (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh) và được trở lại làm người với nhiều điều kiện tốt lành. Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, người đệ tử Phật cần phải phấn đấu tu tập để bước lên nấc thang giải thoát thứ hai:
2. Thiên thừa
Thiên: chỉ cho cảnh giới của các cõi trời.
Thiên Thừa: pháp tu đưa hành giả sanh đến các cõi trời. Lấy mười điều thiện làm căn bản.
Một trong sáu đường luân chuyển của chúng sanh trong đó cõi Thiên là nơi có đời sống an vui, có tuổi thọ lâu dài và phước báu nhiều. Do tu thập thiện (mười nghiệp lành) và tuỳ theo hạnh nghiệp thiện nhiều ít sẽ được sanh vào các cõi trời khác nhau.
Thập Thiện Nghiệp: (mười nghiệp lành)
Thân: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm.
Khẩu: không nói dối, không nói lời thêu dệt, không nói lưỡi đôi chiều, không nói lời thô ác.
Ý: không tham, không sân, không si.
Ngược lại 10 nghiệp lành là 10 nghiệp ác. Người tạo 10 ác nghiệp hậu quả chiêu cảm cảnh giới địa ngục chịu vô lượng khổ. Trong Kinh Thập Thiện Đức Phật cũng nói rõ: “Các loài trong đại hải nói riêng và tất cả chúng sanh trong ba cõi nói chung, mỗi mỗi đều mang hình tướng khác nhau có loài sống dưới nước, có loài bay trên hư không, có loài lăn lóc đi bằng bụng, có loài sống nơi ẩm thấp ăn những thức ăn dơ vv... Cho đến con người, có người cao, người thấp, người thông minh, kẻ ngu dốt, người giàu sang, kẻ khốn khổ vv... đều do tâm thiện hay bất thiện từ nơi thân- khẩu- ý gây ra.”(Thích Hoàn Quan (2009), Phật Tổ Ngũ Kinh” Kinh Thập Thiện Nghiệp”, NXB Tôn giáo Hà Nội, tr 25).
Lợi ích
Do tu 3 nghiệp của thân: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm. Hiện đời hành giả thường mạnh khoẻ, ít bệnh, ít bị mất của lại thêm có nhiều tài lộc, được gia đình hạnh phúc con cháu hiếu thảo ngoan hiền.
Do tu 4 nghiệp của miệng: không nói dối, không nói lưỡi đôi chiều, không nói lời thêu dệt, không nói lời ác độc, được tiếng tốt đồn xa, khi khởi xướng lên điều gì liền được mọi người nghe theo và ủng hộ.
Do tu 3 nghiệp của ý: không tham, không sân, không si. Được phước đức tự tại, tuỳ lòng ưa muốn vật dụng đều đủ, tâm được từ hoà, được ý vui chơn thiện, làm việc gì cũng sáng suốt, xa hẳn đường tà, thường tu hành chánh đạo. Sau khi thân hoại mạng chung không đoạ vào ba đường ác trái lại tuỳ theo nghiệp thiện nhiều ít mà được sanh lên các cõi trời khác nhau.
Tuy nhên, Nhân thừa và thiên thừa, khi hết phước báo vẫn theo nghiệp thọ sanh trong sáu đường. Do đó, đây cũng chưa phải là điểm dừng lý tưởng của Bậc thoát trần. Vì thế, chúng ta cần phải bước lên nấc thang thứ ba.
3. Thanh văn thừa
Thanh: âm thanh
Văn: nghe
Thanh văn: người nghe pháp của Phật được giác ngộ.
Thanh Văn Thừa: pháp tu đưa hành giả đến quả vị A-la-hán. Lấy pháp “Tứ Diệu Đế” còn gọi là “Tứ Thánh Đế” làm căn bản.
Nhĩa là hành giả thật sự nhận diện khổ (Khổ đế) là một thực tại gồm có bát khổ. (sanh, lão, bệnh, tử, ái biệt ly, oán tắng hội, cầu bất đắc, ngũ ấm xí thạnh khổ)| hay nói gọn lại là “Tam khổ” (khổ khổ, hành khổ, hoại khổ)
a) Khổ khổ: cái khổ này chồng chất thêm cái khổ khác. Như nghèo khó không có chổ ở, lại thêm bệnh không tiền uống thuốc.
b) Hành khổ: sự biến đổi làm cho khổ. Như ngày nào ta còn trẻ đẹp khoẻ mạnh, trải qua một thời gian già yếu tóc bạc, da mồi, lưng cong, má hóp...
c) Hoại khổ: sự hoại diệt làm cho khổ. Chẳng hạn như sự ra đi của người thân (chết) làm cho ta đau khổ.
Đồng thời, cũng thấy được những nguyên nhân đưa đến khổ, căn bản gốc là do “Tham, sân, si” dẫn đến tham ái chấp thủ nên khổ (Tập đế).
Hiểu được như thế hành giả quyết tâm dứt trừ các tập nhân phiền não trở về với tâm thanh tịnh với bốn quả vị tu chứng (Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán) (Diệt đế) qua con đường tu tập, thực hành theo 37 phẩm trợ đạo (Đạo đế) “Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định” không còn phiền não khổ đau.
Tuy nhiên, nói là Bốn Thánh Đế nhưng thật ra chỉ có một sự thật muôn thuở: ai thấy rõ khổ đế, đồng thời người ấy cũng thấy suốt Tứ Đế đúng như Thế Tôn dạy:
“Này các Tỳ Kheo! Ai thấy khổ, người ấy cũng thấy khổ tập, cũng thấy khổ diệt, cũng thấy con đường đưa đến khổ diệt. Ai thấy khổ tập, người ấy cũng thấy khổ, cũng thấy khổ diệt, cũng thấy con đường đưa đến khổ diệt. Ai thấy khổ diệt, người ấy cũng thấy khổ, cũng thấy khổ tập, cũng thấy con đường đưa đến khổ diệt. Ai thấy con đường đưa đến khổ diệt, người ấy cũng thấy khổ, cũng thấy khổ tập, cũng thấy khổ diệt” (Thích Chơn Thiện, Phật Học Khái Luận, NXB Tp. HCM, 1999, tr 248).
Lợi ích
Khi ứng dụng pháp Tứ diệu đế, gặp những trường hợp bất như ý ta biết cách đón nhận chúng một cách an ổn, không đau khổ, vì nhìn thấu những nguyên nhân dẫn đến của chúng. Do đó, đói với mọi hoàn cảnh dù thuận hay nghịch ta vẫn có thể sống an lạc trong mọi lúc, mọi nơi và biết chọn cho mình con đường chánh đạo.
Chẳng hạn như đời nay chúng ta bệnh nhiều là phải biết do đời trước mình sát hại chúng sanh nhiều. Từ đó ta vui vẻ trả nghiệp cũ, đồng thời từ nay ta giữ giới không sát sanh và còn tinh tấn phóng sanh cứu giúp muôn loài. Thực hành được như thế tức là ta thấy rõ cũng như biết áp dụng Tứ đế vào cuộc sống một cách thiết thực nhất.
Do đó, thấy rõ Tứ Thánh Đế có nghĩa là có chánh tri kiến về Tứ Thánh Đế. Đây là pháp hành căn bản mang lại sự an lạc, hạnh phúc thật sự cho con người và đưa đến quả vị giải thoát – chứng ngộ Niết-bàn và làm tiền đề cho nấc thang thứ tư.
4. Duyên giác thừa
Duyên: nhân duyên
Giác: thức tỉnh, giác ngộ
Theo Phật học Từ điển Đoàn Trung Còn. Duyên giác còn gọi là Độc giác nhưng có một chút khác biệt
Duyên giác: là người sanh vào thời Phật, giác ngộ lý thập nhị nhân duyên. Cũng có thể hiểu: do xem các duyên, các pháp sanh diệt như hoa rơi lá rụng và giác ngộ lý vô thường, đoạn diệt mê hoặc.
Độc giác: là người sanh vào thời không gặp Phật, tự mình giác ngộ lý 12 nhân duyên.
Duyên giác thừa : pháp tu đưa đến quả vị Duyên Giác Bích Chi Phật, lấy 12 nhân duyên làm căn bản .
12 Nhân duyên:
“Vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên lão tử, sầu, bi, ưu, não”
Đức Phật dạy: “Chư pháp tùng duyên sanh. Diệc phục tùng duyên diệt” (Thích Minh Tuệ (2009), Phật Và Thánh Chúng, NXB Tôn giáo Hà Nội, tr 140). Nghĩa là các pháp do duyên sanh và cũng do duyên diệt. Sở dĩ chúng ta khổ là do tâm tham ái, chấp thủ. Hiểu được lý nhân duyên sanh diệt, khi nào tâm ta từ bỏ những tham ái chấp thủ, ta mới an lạc tự tại hết khổ.
Trong Kinh đức Phật thường dạy: “Các pháp là vô thường, có sanh ắt phải có diệt”. Cho nên “Sanh, lão, bệnh, tử” là một quy luật rất tự nhiên. Do đó, khi chúng ta đối diện với mọi sự vật hiện tượng phải biết quán nhân duyên.
Chẳng hạn như một ngày đẹp trời nào đó, tiền trong túi của ta không cánh mà bay vào trong túi người khác. Ta phải biết quán chiếu đó là do nhân duyên, do chúng hết duyên với mình và có duyên với người khác. Hiểu được như thế tâm chúng ta không còn đau khổ, có được sự an lạc giải thoát ngay trong hiện tại, thoát khổ giữa trần gian.
Lợi ích
Quán chiếu lý nhân duyên sanh diệt một cách rốt ráo, tất nhiên ta sẽ có cái nhìn chánh kiến trong mọi lúc mọi nơi, sống lạc quan trong mọi hoàn cảnh, không trách đời và biết trân trọng cuộc sống, biết buông xả vạn duyên nên thân tâm thường an lạc, khi sống được nhẹ nhàng, lúc chết được bình an thẳng tiến đến cảnh giới tự tại giải thoát an vui.
Tuy nhiên, người có tâm đại từ - đại bi lớn không cho phép mình đứng ngoài nhìn khi thấy chúng sanh còn chìm đắm giữa sông mê. Thế nên cần phải bước lên bậc tam cấp thứ năm.
5. Bồ-tát thừa
Bồ-tát: pali bodhisatta (sanskrit: bodhisattva) phiên âm: Bồ-đề-tát-đoả. “Bodhi”: giác, “satta”: chúng sinh, hữu tình.
Bồ Tát thừa: pháp tu hướng đến quả vị Phật, lấy Lục độ Ba-la-mật làm căn bản.
Ba la mật: (paramita) Ba-la-mật có thể hiểu là làm lợi ích cho chúng sanh với tâm không vụ lợi, không phân biệt, không mong cầu, làm một cách tự nhiên như hơi thở vậy.
Chẳng hạn như bố thí ba-la-mật (Tam luân không tịch) nghĩa là bố thí mà không chấp thấy mình thí, không chấp của thí và không chấp người nhận, thí với tâm không cầu danh, không đợi ai khen, không mong công đức, làm rất tự nhiên, bình thản, nhẹ nhàng.
Bồ-tát lấy Lục độ Ba-la-mật: “Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ” thực hành hạnh lợi tha.
Gương hạnh Bồ Tát
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni vô lượng kiếp tu hạnh Bồ Tát cứu độ chúng sanh.
( Dẫn chuyện:) Tiền thân đức Phật
- Vua Đại Quang Minh tu hạnh bố thí
- Thiện hữu Thái Tử tu hạnh từ bi quản đại. (Thích Chính Tiến (2008), Kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân, NXB Tôn giáo Hà Nội, tr 231- 310)
- Nai chúa, do cứu đàn nai phải bỏ mạng.
Do đó, Lục độ Ba la mật là pháp tối thắng. Thật vậy, với tấm lòng vị tha (Bố thí), luôn kiểm soát tâm mình trong tinh thần phạm hạnh (trì giới), kiên trì nhẫn nại vượt qua mọi khó khăn (nhẫn nhục), phấn đấu chuyên cần thực hiện ước nguyện (Tinh tấn), tự chủ được thân, khẩu, ý không vọng động, không đắm say ngoại cảnh (Thiền định), trở về với bản thể tâm sáng suốt thanh tịnh (Trí tuệ) làm lợi ích cho chúng sanh.
Lợi ích
Khi chúng ta tu tập sáu pháp Ba- la- mật, thực hành theo hạnh Bồ Tát, tức là ta làm cho tâm tham lam, ích kỷ, sân giận, si mê nói chung các bất thiện pháp trong ta lần lần được tiêu mòn. Đồng thời, ta được tưới tẩm hạt giống chánh niệm của sự giải thoát, được nuôi lớn tâm từ bi- hỷ xả, được gieo tạo các công đức lành, làm lợi ích cho chúng sanh. Hẳn nhiên, người như thế là mẫu người “Khi đi người ta nhớ, lúc ở người ta thương” gặp việc gì đều được mọi người giúp đỡ ủng hộ. Được chư thiên hộ trì, phước đức và trí tuệ ngày càng phát triển cho đến ngày công viên quả mãn, chứng thành Phật quả trong tương lai.
- KẾT LUẬN
Mục đích của đạo Phật là ban vui cứu khổ cho chúng sanh, đem ánh sáng giác ngộ đến cho con người, giúp cho con người đạt đến quả vị an vui giải thoát.
Ngũ thừa Phật giáo là năm nấc thang giúp cho hành giả từng bước hoàn thiện nhân cách đạo đức của mình, đồng thời thẳng tiến trên con đường giác ngộ giải thoát như trong Kinh Pháp Hoa, phẩm “Thí Dụ” thứ ba, Đức Phật dùng hình ảnh Người Cha: cho các con các loại xe như xe Hưu, xe Dê, xe Nai để dụ cho các con mau ra. Nhằm cứu đàn con thơ dạy ra khỏi nhà lữa Tam giới, nhưng thật ra chỉ có một xe duy nhất đó là xe Trâu.
Cũng như thế, tuy chia ra làm năm thừa làm phương tiện, nhằm giúp cho chúng sanh nương theo đó tu tập nhưng tựu trung chỉ có Nhất thừa, đó là “Phật thừa” hay “Tối thượng thừa”. Tuy nhiên, muốn thành tựu quả vị không phải chỉ có hiểu biết là đủ, điều quan trọng cần phải ứng dụng thực hành mới đem lại kết mỹ mãn ngay nơi hiện tại và vị lai.
Do đó, trong năm thừa chúng ta phải cố gắng phát tâm tu tập cho đến thực hành Bồ Tát thừa, đó mới chính là mục tiêu cao cả của những người con Phật mang trong mình hoài bảo “Xứ giả của Như Lai. Tác Như Lai xứ, hành Như Lai sự”. Thế thì chúng ta còn do dự gì mà không đi theo con đường Đức Phật dạy, để sống một cách có ý nghĩa, làm lợi mình lợi người và thành Phật quả trong tương lai.
BÀI 2
- DẪN NHẬP
Tất cả con người ai cũng đều cầu mong được sống trong niềm hạnh phúc và vượt qua khổ đau. Do đó mục đích giáo hóa của đức Phật là sự trợ giúp cho sự mong đợi này. Những gì đức Phật dạy đều bắt nguồn từ cuộc sống và được giải thích qua nhiều cách, và tùy theo căn cơ của của mọi chúng sanh, trình độ tiếp nhận giáo lí không đồng nhau nên sự chỉ dạy và giáo pháp của Ngài cũng khác. Có người đức Phật dạy nên quy y Tam Bảo ngũ giới, nhưng có những vị đức Phật lại chỉ dạy cho con đường đi đến quả vị Thánh, hay thực hành Bồ-tát đạo. Về sau này, các vị tổ tuỳ phương tiện mà các ngài chia lời dạy của Phật thành các thừa khác nhau. Chung quy có năm thừa: nhân thừa, thiên thưa thừa, Thanh văn thừa, Duyên giác thừa, Bồ-tát thừa. Hay còn gọi là ngũ thừa Phật giáo. Vậy những lời trình bày dưới đây sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về ngũ thừa trong Phật giáo.
- NỘI DUNG
- Định nghĩa
Ngũ thừa Phật giáo là gì?
Ngũ là năm, thừa là cỗ xe (thừa còn đọc là thặng).
Phật là chỉ cho đức Phật Thích Ca Mâu Ni, là bậc đã giác ngộ hoàn toàn về ba phương diện: tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn.
Giáo là những lời dạy của đức Phật hay còn gọi là pháp
Như vậy, ngũ thừa Phật giáo là năm cổ xe chuyên chở những lời dạy của đức Phật, dạy về phương pháp tu tập: Nhân thừa, Thiên thừa, Thanh Văn thừa, Duyên Giác thừa và Bồ-tát thừa. Thật ra có đến mười cảnh giới: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, người, trời, Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát, và Phật. Nhưng địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh là ba ác đạo, các chúng sanh tạo nghiệp ác mới đọa vào các cảnh giới này nên chúng ta cần phải tránh. A-tu-la tuy có phước báo song vì sân hận nên cứ gây chiến tranh liên tục, đây cũng là cảnh giới chúng ta cần nên tránh sinh vào. Phật là bậc đã rốt ráo chứng quả thì còn gì nữa để tu, để chứng, nên cũng không được nói trong đây. Như vậy năm cảnh giới trời, người, Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát là năm cảnh giới mà chúng sanh cần phải tái sinh để làm nhân chuyển mê thành giác, tiến lên quả vị giác ngộ là Phật. (Trước tiên tìm hiểu về nhân thừa là như thế nào?)
II. Thành phần của ngũ thừa
- Nhân thừa:
Nhân là người, thừa là phương pháp, là những giáo pháp để tu được lợi ích trong đời này và đời sau, được làm người.
Với trí tuệ của bậc đã giác ngộ, Phật biết rằng “được sinh làm kiếp người rất khó, giống như con rùa mù 100 năm dưới đáy biển nổi lên một lần làm sao trúng vào bọng cây và trôi vào đất liền !” Ngài dạy muốn được làm người phải quy y Tam bảo, và giữ ngũ giới . Vậy quy y Tam bảo là gì? Ngũ giới là như thế nào?
Quy y: Quy là trở về, y là nương tựa, còn Tam bảo là Phật-Pháp-Tăng. Quy y Tam bảo là trở về nương tựa bên ba ngôi báu Phật, Pháp, Tăng. Và quy y Tam bảo sẽ không đoạ vào ba đường khổ là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Địa ngục, ngạ quỷ khổ thế nào ta không thấy, nhưng súc sanh thì sự khổ nhan nhãn ở trước mắt, ai cũng thấy
Tại sao qui y Phật, và quy y rồi khỏi đọa địa ngục? Vì Phật là bậc giác ngộ hoàn toàn sáng suốt, và tròn đầy về trí lẫn phước đức. Và khi quy y với Ngài là ta biết hướng về con đường sáng và giác ngộ. Còn địa ngục là chốn u minh tăm tối.
Tại sao qui y pháp, và quy y rồi khỏi đọa ngạ quỷ. Vì chỉ có giáo pháp của Phật mới đủ công năng đưa chúng sanh thoát khỏi bể khổ. Ngạ quỷ là loài quỷ đói, do lòng tham, bỏn xẻn mà đoạ làm quỷ, sống lang thang khổ sở, không một ngày no đủ. Tu tập như lời dạy của Phật thì những tâm tham, sân, si được chuyển hoá. Vì thế nên không không đoạ vào loài quỷ.
Tại sao quy y Tăng, và quy y rồi không đoạ súc sanh. Vì Tăng là những bậc thực hành giáo lí của Phật để tự thanh tịnh ba nghiệp thân, khẩu, ý, giác ngộ mình, giác ngộ người. Là những bậc đại diện cho đức Phật dương cao ngọn cờ chánh pháp, soi sáng cho mọi người đi theo.
Phật dạy người đời trước do si mê nên đời này đọa làm súc sanh. Si mê là không biết rõ thế nào là thiện, thế nào là ác, thế nào là tội, thế nào là phước, thế nào là tà, thế nào là chánh. Người không phân biệt rành rõ thiện ác, tội phước, tà chánh gọi là si mê. Si mê nên chết phải đọa làm loài súc sanh.
Tu nhân thừa, trước phát nguyện qui y Tam Bảo để vạch một lối đi cho hiện tại và mai sau. Kế giữ năm giới là nền tảng tạo thành tư cách con người, là con người ai cũng xem sanh mạng mình là tối thượng, tài sản là huyết mạch, gia đình là tổ ấm an vui. Vì thế giới thứ nhất là không sát sanh, tức không giết người thì đời này được bình an, đời sau sinh ra tuổi thọ lâu dài. Giới thứ hai không trộm cướp thì đời này không bị tù tội, đời sau sanh ra có nhiều của cải. Giới thứ ba không tà dâm thì đời này nghiêm trang tề chỉnh, có phẩm chất tốt, đời sau sanh ra đẹp đẽ trang nghiêm. Giới thứ tư không nói dối thì đời này được mọi người tin tưởng, đời sau sanh ra nói năng lưu loát, ai cũng quí, cũng tin. Giới thứ năm không uống rượu mạnh, uống say, không hút á phiện xì ke ma túy, thì đời này được tỉnh táo sáng suốt, đời sau sanh ra thông minh trí tuệ. Chỉ tu năm giới thôi đời này là một con người đứng đắn trong xã hội, không ai dám khinh rẻ, đời sau sanh ra lại càng tốt đẹp hơn.
- Thiên thừa: Thiên nghĩa là trời, thừa là cổ xe, hay là phương pháp. Thiên thừa là phương pháp tu tập giúp chúng sanh được làm trời.
Chúng sanh chịu khổ ở ba đường địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh là do lúc làm người tạo nhiều nghiệp bất thiện. Khi được sanh làm người thực hành mười điều lành sẽ được sanh lên cõi trời hưởng phước vô lượng. Có 28 cõi trời: dục giới có 6, sắc giới có 18, và vô sắc giới có 4. Được sanh lên cõi trời thì hoàn toàn hưởng phước.
Ví như trong sáu tầng trời cõi dục là Tứ Thiên Vương, Đao Lợi, Dạ Ma, Đâu Suất, Hoá Lạc và Tha Hoá Tự Tại. Được sanh lên các cõi trời này thì thọ mạng rất dài (thọ mạng trời Đao Lợi là 1000, một ngày một đêm bằng 100 ở cõi người), tuy vẫn còn dục vọng nhưng rất ít, tưởng gì có nấy, không phải nhọc công vất vả để làm như ở cõi người, lầu cao, thức uống, áo đẹp, phương tiện vô cùng đầy đủ và thượng hạng . Chúng sanh ở cõi trời cũng có dung mạo rất xinh đẹp gấp trăm ngàn lần ở cõi người. Muốn được như vậy phải tu tập như thế nào?
Người muốn được sanh lên cõi trời thì ngay hiện tại cần phải tu mười điều lành, nhân lành đầy đủ sẽ được kết quả sanh cõi Trời. Mười điều lành: không giết người, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không nói ly gián, không nói thêu dệt, không nói ác khẩu, bớt tham lam, bớt nóng giận, không tà kiến. Ngược lại với mười điều lành trên là mười điều ác, nhưng mười điều lành trên mới chỉ được gọi là mười điều lành tiêu cực. Còn có mười điều lành tích cực: cứu mạng chúng sanh, bố thí, trinh bạch, nói chân thật, nói hòa hợp, nói đúng lý, nói nhã nhặn, tập từ bi, tập nhẫn nhục, chánh kiến. Mười điều này nhân thù thắng nên được quả thù thắng nhất trong sáu đường. Người thực hành tốt mười điều lành này chắc chắn sẽ dự vào cõi trời là điều không sai.
Và tuỳ vào khả năng tu tập mười điều lành này mà chúng ta tái sanh lên các cõi trời cao thấp khác nhau do quả lành nhiều hay ít. Song mục đích hưởng lạc ở cõi trời chưa phải là mục đích cứu cánh của đạo Phật. Trong kinh Pháp hoa đức Phật có dạy: “Ta ra đời vì đại sự nhân duyên lớn, khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến”. Nhưng vì căn cơ của con người chưa đủ lớn và lại không đồng nhau nên Phật tuỳ phương tiện mà hiển bày Niết bàn của Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát.
- Thanh văn thừa
Thanh hay thinh nghĩa là nghe chăm chú, cố ý; văn cũng có nghĩa là nghe. Bậc Thanh Văn là do nghe pháp rồi tư duy mà chứng đạo. Như vậy Thanh Văn thừa là phương pháp tu tập giúp chúng sanh chứng được quả vị Thanh Văn.
Người muốn chứng được quả vị Thanh Văn phải tu tập Tứ thánh đế (khổ đế, tập đế, diệt khổ, đạo đế).
Khổ đế: là cảnh khổ ở đời mà chúng sanh phải chịu, dù sống trong cảnh khổ của sanh, già, bệnh, chết, ái biệt li, oán tấn hoại, ngũ ấm xí thịnh, cầu bất đắt nhưng chúng sanh vẫn cho đó là vui và chấp thủ. Không những thế chúng sanh còn phải chịu ba khổ ( khổ khổ, hành khổ, hoại khổ).
Tập đế: là sự thật đúng đắn, vững chắc về nguyên nhân của những nỗi khổ đã chứa nhóm, tích trữ lâu đời, lâu kiếp trong mỗi chúng ta. Đó là sự thật về cội gốc của sanh tử, luân hồi, của bể trần gian. Những nguyên nhân gây cho chúng sanh khổ là mười phiền não: tham, sân, si, mạn, nghi, thân kiến, biên kiến, kiến thủ kiến, giới cấm thủ, tà kiến.
Diệt đế: diệt là tiêu diệt, diệt ở đây tức là diệt dục vọng mê mờ, phiền não. Đế là lí lẽ chắc chắn, đúng đắn do trí tuệ sáng suốt soi thấu và thuyết minh. Diệt đế chữ Pali gọi là “Nirodha dukkha” tức là sự thật đúng đắn mà đức Phật đã thuyết minh về hoàn cảnh tốt đẹp mà con người có thể đạt được khi đã diệt hết mọi phiền não, mê mờ.
Đạo đế: đạo đế là con đường, là phương pháp đưa đến giác ngộ. Gồm 37 phẩm trợ đạo: tứ niệm xứ, tứ chánh cần, tứ như ý túc, ngũ căn, ngũ lực, thất bồ đề phần, bát chánh đạo.
Hành giả nhận rõ được bốn sự thật này, áp dụng đạo đế vào sự tu tập, thực hành tinh tấn đúng như lời Phật dạy, vị ấy sẽ đạt quả vị của bậc thánh. Quả vị Thanh Văn có bốn bậc tu chứng từ thấp đến cao:
- Tu-đà-hoàn, còn gọi là nhập lưu hay dự lưu tức là mới nhập hàng thánh, còn phải trở lại làm người 7 lần nữa, vì thế mới có tên thất lai. Vị này đã đoạn được ba hạ Phần kiết sử: thân kiến, nghi và giới cấm thủ. Đối với Tam bảo có niềm tin tuyệt đối.
- Tư-đà-hàm, còn gọi là nhất lai, vị còn quay lại kiếp người một lần nữa. Diệt ba phần kiết sử: thân kiến, nghi, giới cấm thủ, còn tham, và sân thì giảm bớt đủ để ta không bao giờ thấy vị ấy khởi tham và si
- A-na-hàm, còn gọi là bất lai, vị này đoạn tận hoàn toàn 5 hạ phần kiết sử, không còn quay lại cõi người nữa và khi mạng chung được sanh lên cõi trời Ngũ Bất Hoàn Thiên, ở đây vị đó sẽ chứng được quả vị A la hán.
- A-la-han, còn gọi là vô sanh, đã tận diệt 5 hạ phần kiết sử và 5 thượng phần kết sử( sắc ái, vô sắc ái, mạn, trạo cử, và vô minh), tự tại trong sanh tử, chứng Niết-bàn.
- Duyên Giác thừa:
Duyên là nhân duyên, giác là ngộ. Duyên Giác là bậc tu nhờ quán nhân duyên mà giác ngộ. Như vậy Duyên Giác thừa là phương pháp tu tập đưa hành giả đến quả vị Duyên Giác.
Hành giả nhờ pháp quán mười hai nhân duyên mà chứng được quả vị Duyên giác. Mười hai nhân duyên gồm: vô minh-hành-thức-danh sắc-lục nhập-xúc-thọ-ái-thủ-hữu-sanh-lão tử. Phương pháp quán mười hai nhân duyên có thể được chia làm hai phần là: quán lưu chuyển và quán hoàn diệt.
Quán lưu chuyển là quán sát sự sanh khởi và luân lưu của mười hai nhân duyên. Quán hoàn diệt là quán sát sự tiêu diệt của mười hai nhân duyên.
Khi Phật chưa xuất hiện ở đời, có nhiều vị tu hành nhờ quán sát sự sanh hoá của vũ trụ mà được ngộ đạo. Những vị ấy được gọi là Độc giác, nghĩa là tự nghiên cứu một mình mà được giác ngộ, còn gọi là Bích Chi Phật. Các vị này dù đã giác ngộ nhưng không thể thuyết pháp và không có đồ chúng. Đến khi Phật xuất hiện, chỉ dạy pháp quán Nhân duyên nhiều vị y theo tu hành được giác ngộ nên gọi là Duyên giác (nghĩa là những vị giác ngộ nhờ pháp quán 12 nhân duyên)
Chỗ giải thoát của quả vị Duyên giác và A la hán đều giống nhau, nhưng về trí tuệ và thần thông thì quả Duyên giác cao hơn quả Ala hán.
5.Bồ-tát thừa:
Bồ-tát: chữ pali bodhisatta (sanskrit: bodhisattva) phiên âm thành bồ-đề-tát-đoả, nói tắt là bồ-tát. Bodhi là giác, satta là chúng sinh, hữu tình.
Bồ-đề tát-đoả có hai nghĩa: hữu tình giác nghĩa là một chúng sanh đã giác ngộ; giác hữu tình là người giác ngộ chúng sanh
Một vị Bồ-tát thực hiện hai mục đích chính: trên cầu đạo bồ đề, dưới cứu độ chúng sanh.
Yếu tố cơ bản của Bồ Tát là lòng Từ bi đi song song với Trí huệ. Chư Bồ Tát thường cứu độ chúng sinh và sẵn sàng thụ lãnh tất cả mọi đau khổ của chúng sinh cũng như hồi hướng phúc đức mình cho kẻ khác. Con đường tu học của Bồ tát bắt đầu bằng luyện tâm Bồ-đề và giữ Bồ-tát hạnh nguyện. Hành trình tu học của Bồ Tát theo kinh Hoa Nghiêm thì có 52 quả vị gồm Thập Tính, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập địa và hai quả vị cuối cùng là Đẳng giác(sắp thành Phật) và Diệu giác(đã thành Phật).
Tu theo bồ-tát thừa thì phải thi hành lục độ ba-la-mật: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ (mỗi chữ có chữ ba-la-mật đi theo, chữ paramita phiên âm thành ba-la-mật-đa, nói ngắn là ba-la-mật, dịch là đáo-bỉ-ngạn tức là “tới bờ bên kia”, đó là bờ giác, còn bờ bên này là bờ mê).
Ở đây ba-la-mật có thể hiểu là làm đến hết sức, không phân biệt, không mong cầu, làm một cách tự nhiên như mình thở vậy. Thí dụ: bố thí ba-la-mật là bố thí không kể thứ mình cho giá trị bao nhiêu, không cần biết người nhận là ai, không đợi ai khen, không mong công đức, làm rất tự nhiên, bình thản, nhẹ nhàng.
Hàng bồ-tát có rất nhiều bậc, từ khi mới phát tâm cho đến khi thành Phật đều được gọi là Bồ tát, vì vậy mà có phân biệt Bồ tát phàm phu và Bồ tát hiền thánh. Các Bồ tát được nói tới trong các kinh Phật thường là các vị Bồ tát hiền thánh.
Bồ-tát ngoài thực hành 6 ba la mật, còn thực hiện 10 ba la mật (phương tiện, nguyện, lực, trí ba la mật), tứ nhiếp pháp, tứ vô lượng tâm, tứ hoằng thệ nguyện…
- KẾT LUẬN:
Đường tu Phật có trăm vạn nẻo đường, đường nào đi cũng được, mục tiêu là đạt đến những gì muốn Tu. Song tuỳ vào căn cơ của chính mình mà chọn con đường tu tập cho thích hợp. Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát là những quả vị xuất thế gian, là quả vị của bậc thánh, là quả vị cao ai cũng mong đạt được, nhưng khó thành tựu, bởi công hạnh chưa đủ. Nếu với chút ít duyên lành đã gieo ở kiếp trước mà mong thành thánh trong đời này thì hoàn toàn không thể có được. Nhân thừa, Thiên thừa tuy vẫn còn sanh tử luân hồi song đó là nấc thang để được các quả vị Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát, đặc biệt chỉ có con người mới có đủ khả năng thành Phật khi công hạnh đã chín mùi mà các thừa khác không thể thành tựu được.
Vậy mỗi người tự nhận thấy mình có khả năng ở thừa nào trong năm thừa đã trình bày ở phần trên thì hãy nổ lực, tinh cần tu tập để đạt được như ý nguyện.
- Giá trị nhân văn của ngày tri ân cha mẹ - 05/07/2024
- Sự kiện tháng tư - 15/05/2024
- Người mang trí tuệ đến nhân gian - 14/05/2024
- Kính mừng Phật đản - 30/04/2024
- Phật giáo và vai trò kiến tạo giá trị đạo đức trong phát triển bền vững tại Việt Nam - 28/08/2023
- Kinh Pháp Hoa Bổn Môn - 22/10/2022
- Kinh sám hối hồng danh - 22/10/2022
- Kinh Vu Lan - 22/10/2022
- Kinh Dược Sư - 22/10/2022
- Kinh Di Đà - 22/10/2022
- Ý nghĩa xuất gia - 17/10/2022
- Tam thân Phật - 17/10/2022
- Tam pháp ấn - 17/10/2022
- Tứ chánh cần - 17/10/2022
- Bát Chánh Đạo - 17/10/2022
- Lục độ - 15/10/2022
- Đi Chùa lễ Phật - 15/10/2022
- Thất Thánh Tài - 15/10/2022
- Tứ quả Thanh Văn - 15/10/2022
- Thập Thiện Nghiệp - 15/10/2022
- Tứ Vô Lượng Tâm - 15/10/2022
- Tứ Nhiếp Pháp - 15/10/2022
- Lục Hòa - 15/10/2022
- Nghiệp báo - 15/10/2022
- Ngũ Đình Tâm Quán - 15/10/2022
- Tứ Niệm Xứ - 15/10/2022
- Ăn chay theo quan điểm đạo Phật - 15/10/2022
- Ngũ căn – Ngũ lực - 15/10/2022
- Luân hồi - 15/10/2022
- Tụng kinh – niệm Phật - 15/10/2022
- Sám hối - 15/10/2022
- Đạo Phật - 15/10/2022
- Tam Vô Lậu Học - 15/10/2022
- Ngũ uẩn - 15/10/2022
- Tam pháp ấn - 15/10/2022
- Mười hai nhân duyên - 15/10/2022
- Tứ Diệu Đế - 15/10/2022
- Ý nghĩa thành đạo - 15/10/2022
- Quán Từ Bi - 15/10/2022
- Vô thường - 15/10/2022
- Nhân quả - 15/10/2022
- Quy y Tam Bảo - 15/10/2022
- Tứ vô lượng tâm - 15/10/2022
- Ý nghĩa Phật Đản - 15/10/2022
- Vu lan báo hiếu - 15/10/2022
- Cắt đứt tham dục - 06/05/2022
- Hồng danh sám hối - 03/01/2022
- Lợi hành nhiếp của Phật giáo: Hiếu ứng quan tâm hạnh phúc và lợi ích - 07/05/2021
- Hạnh nguyện của người xuất gia - 25/11/2020
- Đức Phật - Mùa Phật Đản - 30/04/2020
- Tứ Vô Lượng Tâm - 28/04/2020
- Chữ Hiếu Trong Đạo Phật - 26/04/2020
- Đi Chùa Lễ Phật - 26/04/2020
- Tướng tùy tâm sinh: Người có tâm từ bi sẽ được cải biến cả dung mạo lẫn số mệnh - 12/04/2020
- Hạnh phúc nhặt bên đường - 25/11/2019
- Phụ Nữ Trong Chánh Pháp - 25/11/2019
- Thánh hạnh vĩ đại của Đức Phật - 25/11/2019
- Kiểm soát sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý - 25/11/2019
- Đức Phật: Con người của mọi thời đại - 25/11/2019
- 620 câu hỏi trắc nghiệm giáo lý căn bản - 24/11/2019
- Nương theo hạnh nguyện Quán Âm - 22/07/2019
- Lời Phật dạy sâu sắc về việc hãy sống trọn vẹn hạnh phúc trong hiện tại - 18/07/2019
- Đức Phật dạy về sự bình đẳng dù sinh con trai hay con gái - 18/07/2019
- Tội nào nặng nhất, nghiệp báo đáng sợ nhất? - 18/07/2019
- Rượu gây ra 36 tội lỗi nên đức Phật cấm uống, cấm mời, cấm buôn bán rượu - 18/07/2019
- Lời Phật dạy sâu sắc về việc nhẫn nhịn trong cuộc sống - 18/07/2019
- Đức Phật dạy về cúng thí và ngạ quỷ - 18/07/2019
- Mê tín dị đoan, do đâu? - 17/07/2019
- 9 cách thay đổi số phận khi áp dụng các giáo lý nhà Phật - 15/07/2019
- Bốn hạng người luôn sống khổ - 15/07/2019
- Theo lời Phật dạy thì không có ai là đấng sáng thế - 06/07/2019
- Luận bàn về ranh giới giữa Mê và Ngộ - 06/07/2019
- Đạo Phật và nghệ thuật hóa giải sân hận - 06/07/2019
- Tôn giả Ma Ha Ca Diếp: Người dốc lòng giữ gìn phạm hạnh - 06/07/2019
- Tại sao đức Phật lại nói về thuyết luân hồi? - 06/07/2019
- Pháp tu căn bản của Phật tử - 06/07/2019
- Làm ơn hãy nghĩ đến sự tồn vong của chánh pháp và lợi ích chúng sanh - 06/07/2019
- Tu chứng - 06/07/2019
- Điều phục ý căn - 06/07/2019
- Hiểu và Ngộ - 06/07/2019
- Thiền và tâm lý trị liệu - 06/07/2019
- Tâm linh Phật giáo và xã hội đương đại - 06/07/2019
- Khái niệm giải thoát và giải thoát sinh tử trong đạo Phật - 06/07/2019
- Pythagore và thuyết luân hồi - 06/07/2019
- Đức Phật là thầy dẫn đường bậc mô phạm đạo đức - 06/07/2019
- Bàn về hai chữ cư sĩ trong kinh Tăng nhất A-hàm - 06/07/2019
- Cuộc sống hoàn toàn tốt đẹp bền vững theo Phật giáo - 06/07/2019
- Nguồn gốc và ý nghĩa của kinh Lương hoàng sám pháp và Thủy sám pháp - 06/07/2019
- Đức Phật dạy về cách xa lìa ái dục, xử lý năng lượng tình dục - 06/07/2019
- Các thiên tài nổi tiếng lý giải về Đức Phật - 06/07/2019
- Thế nào là mười nghiệp lành? - 06/07/2019
- Cuộc sống hoàn toàn tốt đẹp bền vững theo Phật giáo - 30/06/2019
- Bố thí, cúng dường cũng có năm bảy đường - 30/06/2019
- Hạnh phúc của người Phật tử - 16/06/2019
- Pháp lạc trong tu học - 16/06/2019
- Quán vô thường để chứng đạt vô ngã - 16/06/2019
- Suy nghiệm lời Phật: Khéo nghĩ - 16/06/2019
- Giết gì được Phật khen? - 16/06/2019
- Ý nghĩa bài kệ mở đầu kinh Pháp Hoa - 16/06/2019
- Bản chất cầu nguyện - 16/06/2019
- Quan điểm của Phật giáo về vấn đề tự tử - 16/06/2019
- Ý nghĩa phẩm Pháp sư thứ 10 kinh Pháp Hoa - 16/06/2019
- Suy nghiệm lời Phật: Chớ xem thường trẻ nhỏ - 16/06/2019
- Làm gì khi thất tình? - 16/06/2019
- Ý nghĩa Phẩm Bồ-tát Tùng Địa Dũng Xuất thứ 15 kinh Pháp hoa - 16/06/2019
- Suy nghiệm lời Phật: Biết cách tiêu tiền - 16/06/2019
- Pháp hành bố thí - 16/06/2019
- Hai pháp lành hộ trì thế gian - 16/06/2019
- Phép Hòa Quang Tam Muội Của Hai Thiền Sư Việt - 11/06/2019