Quan điểm của Phật giáo về vấn đề tự tử

Cập nhật: 16/06/2019

Khi tâm tôi tràn đầy thất vọng, chán nản và ý nghĩ muốn chấm dứt cuộc sống khởi lên trong đầu, tôi có thể làm gì?

Quan điểm của Phật giáo về vấn đề tự tử

Hãy cầu cứu. Tất cả chúng ta ai cũng từng trải qua thất vọng, chán nản lúc này hay lúc khác. Khi các cảm giác này kéo dài mà ta chưa biết cách giải quyết, thì điều quan trọng cần làm là nhờ bạn bè, người thân, bác sĩ, nhà tâm lý, cô thầy, hay người nào mà ta tin cậy, giúp đỡ. Khi trạng thái trầm cảm trở nặng, ta cần đến thuốc để nâng đỡ tinh thần, để ta có thể tham gia vào sự thực hành tâm linh hay trị liệu. 
 

Hãy cầu cứu - nếu có lúc bạn thấy chán nản, thất vọng - Ảnh minh họa

Một thanh niên trẻ có lần kể rằng khi thất vọng tràn đầy, anh đã nghĩ đến việc tự tử. Theo tôi, thật ra không phải anh muốn chấm dứt cuộc đời mình, mà là anh muốn chấm dứt khổ đau. Nhưng ai mà không muốn chấm dứt khổ đau? Ước muốn đó hợp lý thôi. Vấn đề là: Chấm dứt cuộc đời có thực sự chấm dứt khổ đau? Theo quan điểm Phật giáo, thần thức chúng ta vẫn luân chuyển sau khi chết. Do đó, tự tử có thể chấm dứt khổ đau trong cuộc đời này, nhưng không chấm dứt cái khổ nói chung. Chúng ta sẽ tái sinh.

Người thanh niên trẻ sau khi hiểu biết về tái sinh, đã không còn có ý nghĩ tự tử. Thay vào đó, anh đã thay đổi cách suy nghĩ để chấm dứt khổ đau. Anh bắt đầu học và hành giáo pháp để thực hiện điều đó. Sự quan tâm, tình thương yêu dành cho người khác, hay cảm giác kết nối với người là những yếu tố quan trọng để sống an nhiên. Mặc dù ta có khổ đau hay có những cảm xúc không bình an, ta cũng nên hiểu và tin tưởng rằng bản chất con người là thiện lành, trong sáng. Con người có khả năng đặc biệt là nhờ có tâm/trí, và cuộc sống của ta không trói buộc trong sự ghét bỏ bản thân, trong cô lập, mặc cảm tội lỗi và trách hận ai. Trong Phật giáo, ta gọi khả năng đó là “Phật tánh” - bản chất biết và thanh tịnh của tâm/trí là nền tảng, dựa trên đó ta có thể phát triển những chất lượng tuyệt vời như tình thương yêu, lòng bi mẫn không phân biệt đối với tất cả chúng sinh và trí tuệ hiểu biết thực tại tuyệt đối của mọi hiện hữu. Hai yếu tố này - cảm giác kết nối với người đưa đến lòng bi mẫn và ý thức về thiện tánh hay “khả năng đạt được giác ngộ” - có ảnh hưởng đến vấn đề tự tử và việc hàn gắn sau cái chết của người tự tử.

Hãy xét xem chúng liên hệ đến việc tự tử như thế nào? Tự tử thường phát khởi từ trầm cảm. Trong khi trầm cảm có thể do sự thiếu quân bình của các hóa chất trong cơ thể hay trong một số trường hợp, có những tác động khác xen vào. Thông thường có một số ý nghĩ nổi bật, chiếm lĩnh tâm, khiến người ta chọn hành động tự tử như là một cách để loại bỏ nỗi thống khổ của họ. Những suy nghĩ như là, “Cuộc đời tôi thật vô dụng”, “Tôi không có hy vọng tìm được hạnh phúc”, và “Tôi không đáng sống nữa”.

Nhưng dựa vào đâu mà ý nghĩ như “Cuộc đời tôi thật vô dụng”, phát sinh? Nó dựa vào cảm giác cô lập, tách biệt với người khác hay với môi trường chung. Chúng ta có thể thấy rằng trong khi một tư tưởng như vậy có thể hiện hữu, nội dung của tư tưởng ấy không thực tế vì sự thật là, chúng ta liên hệ mật thiết và ảnh hưởng đến tất cả mọi chúng sinh. Chúng ta nương tựa, dựa vào nhau trong suốt cuộc sống.

Làm sao chúng ta có thể đối kháng lại quan điểm thiếu thực tế này? Đức Phật đã vạch ra một số cách hành thiền nhằm phát triển tình thương và lòng bi mẫn. Nếu chỉ biết tự nhủ với bản thân để cảm thấy yêu thương người, hay được người yêu thương, gắn kết không có tác dụng, chúng ta phải huân tập tâm/trí một cách rốt ráo để quan sát cuộc đời từ một cái nhìn khác. Khi làm được điều này, các cảm xúc tích cực sẽ tự nhiên phát khởi.

Nền tảng của sự rèn luyện này là nhận ra rằng chúng ta và người khác đều bình đẳng trong sự mưu cầu hạnh phúc và trốn tránh khổ đau. Chúng ta cần quán chiếu điều này một cách sâu sắc và liên tục, không chỉ nói suông, mà phải đem chúng vào trong tâm. Bằng cách đó, chúng ta có thể huân tập tâm/trí mình đến độ mỗi khi ta thấy bất cứ người nào - bất kể họ là ai, dầu ta thích họ hay không - ý thức tự động phát khởi là “Người này cũng giống như tôi. Điều quan trọng nhất đối với họ là được có hạnh phúc và tránh khổ đau. Nhận biết điều này, tôi hiểu được một điều gì đó rất quan trọng và sâu kín về họ. Chúng tôi thực sự liên quan mật thiết với nhau”.

Có thể chúng ta chưa từng gặp người đó trước đây, nhưng ta biết rằng đây là ước muốn sâu xa nhất của họ. Ngay chính thú vật và côn trùng cũng coi được hạnh phúc và thoát khổ như là những mục tiêu quan trọng nhất của chúng. Bằng cách liên tục huân tập tâm để nhìn mọi người theo cách đó, chúng ta sẽ không còn cảm thấy bị cô lập. Thay vào đó, ta sẽ cảm thấy và biết rằng chúng ta là một phần trong bộ phận kết nối của chúng sinh. Chúng ta tùy thuộc, chúng ta hiểu người khác và họ cũng có thể hiểu ta. Các hành động của ta ảnh hưởng đến họ; chúng ta không cô lập, không khép mình trong các bức tường, mà là một phần của dòng chảy liên tục của chúng sinh xuyên suốt vũ trụ này. Các vấn đề của chúng ta không phải duy nhất và vô vọng. Chúng ta có thể vươn tay giúp đỡ người khác và đóng góp vào hạnh phúc của họ, dù chỉ bằng những hành vi đơn giản nhưng chúng trở thành có ý nghĩa sâu xa. Ngược lại, ta cũng cho phép bản thân chấp nhận sự yêu thương, giúp đỡ của người khác. Cuộc sống của ta có mục đích.

Không chỉ là cuộc sống của ta có ý nghĩa, mà ta cũng rất đáng sống. Ta là những chúng sinh có giá trị. Tại sao? Vì bản chất của ta là thuần khiết và có những khả năng vô hạn để phát triển các đức tính cao thượng. Mặc dầu các cảm xúc ô trược có phát khởi trong tâm chúng ta lúc này, lúc khác, nhưng chúng không phải là ta. Chúng là các sự kiện tâm lý, những thứ khởi lên, lướt qua, rồi rời khỏi tâm. Chúng ta không phải là tư tưởng và cảm xúc. Mà chúng cũng không phải là ta. Khi ta ngồi thiền và chánh niệm về những suy nghĩ và cảm xúc, điều này trở nên khá rõ ràng. Bên dưới chúng là trạng thái cơ bản, trong sáng, và hiểu biết của tâm/trí, không dính dáng đến bất cứ suy nghĩ và cảm xúc nào. Ở mức độ sâu xa hơn, bản tâm của ta giống như bầu trời trong sáng, rạng rỡ. Mây có thể đi ngang bầu trời, nhưng bầu trời và mây không phải là một. Ngay cả khi mây có mặt, bầu trời thênh thang, trong sáng vẫn hiện hữu; nó không bao giờ có thể bị hủy diệt. 

Tương tự, trạng thái của tâm không sẵn có ô nhiễm; các cảm xúc và suy nghĩ khúc mắc không chỉ là thoáng qua; mà chúng còn bị bóp méo. Chúng không phản ảnh đúng về những gì đang xảy ra mà cũng không phải là các phản ứng có ích lợi. Thay vì tin vào tất cả những gì chúng ta suy nghĩ và cảm nhận, hãy xét xem chúng có chính xác và lợi ích không. Nếu chúng không phải thế, ta áp dụng sự đối trị bằng cách huấn luyện tâm nhìn sự vật theo cách khác, thực tế hơn và hữu ích hơn. Khi làm được thế, ta sẽ thấy rằng quan điểm của ta về cuộc sống thay đổi, ta khám phá ra sự thiện lành nội tại. Chúng ta rất đáng giá và đã từng luôn như thế, chỉ có điều bây giờ chúng ta mới nhận ra.

Làm thế nào mà tôi có thể vun trồng lòng từ bi và tin vào điều thiện khi đang hàn gắn vết thương từ nỗi đau đánh mất người thân do tự tử?

Hãy xét lại các phẩm chất mà tôi đã nhắc đến trước đây - sự nối kết, lòng từ bi và khả năng đạt được giác ngộ - liên quan thế nào đến những người đang hàn gắn vết thương từ hành động tự tử của người thân. Trước tiên, ta cần có lòng bi mẫn dành cho bản thân và cho người đã có hành động tự tử. Thật dễ để tâm chấp ngã cảm thấy ân hận và tự trách mình vì người khác tự tử. Thật dễ để tâm chấp ngã trách giận người tự tử vì đã chấm dứt cuộc sống của họ, khiến ta phải khổ. Thật dễ để tâm chấp ngã đắm chìm trong nỗi đau đánh mất người thân và dìm bản thân trong sự tự thương hại. Nhưng các cảm xúc này cũng giống như mây trên bầu trời thuần khiết mênh mông của tâm/trí. Chúng không phải là ta. Ta không phải là chúng. Chúng phát khởi và đi qua tâm chúng ta. Chúng ta không cần bám víu vào chúng hay phản kháng lại chúng. Gán cho chúng một thực tại mà chúng không sở hữu thì thật vô ích.

Điều này đặc biệt đúng với sự hối hận và tự trách. Nghĩ rằng, “Giá mà tôi đã làm điều này, điều nọ, thì người thương của tôi đã không có hành động tự tử”, là không thực tế. Người kia đã chọn chấm dứt cuộc đời họ. Chúng ta không thể kiểm soát tâm và sự lựa chọn của người đó. Ta có thể ảnh hưởng họ, nhưng không thể kiểm soát họ. Ta có thể cố gắng để hướng họ theo một đường, nhưng tâm họ chọn đi theo hướng khác.

Các cảm xúc gút mắt của sự hối hận, sân hận, oán trách, thương hại, vân vân, là những hoạt động của hành vi ngã chấp. Tâm chấp ngã hay ngã mạn nhốt giữ chúng ta trong nỗi thống khổ triền miên. Loại tâm này không đem lại lợi ích cho bản thân, hay hạnh phúc cho người khác, mà nó cũng không thực tế. Có biết bao chúng sinh trong vũ trụ, vì thế hạnh phúc hay nỗi thống khổ của chúng ta không phải là duy nhất. Cái khổ của ta không phải là cái khổ duy nhất. Hãy đặt cái khổ của bản thân trong bối cảnh của tất cả các trải nghiệm khác nhau mà chúng sinh đang có ở lúc đó. Nếu tạm thời ta bị vướng mắc vào các cảm xúc bất thiện, không có nghĩa là chúng ta dở. Nhưng chớ bỏ thêm một lớp ảo tưởng trên các cảm nhận của mình bằng cách tự nhủ rằng ta ích kỷ, ta sai lầm vì trầm cảm hay chấp ngã. Thay vào đó, hãy tự hỏi mình, “Điều gì thì thực tế và thích hợp hơn?  Tôi vun trồng chúng như thế nào?”.

Chính lúc này, ta cần có lòng bi mẫn cho bản thân. Lòng bi mẫn không phải là sự tự thương hại. Đúng hơn, đó là chấp nhận nỗi đau, sự bấn loạn trong ta, và mong muốn cho bản thân được giải thoát khỏi chúng và sau đó buông xả chúng. Với lòng bi mẫn đối với bản thân, chúng ta có thể đi tới và nhập cuộc trở lại với cuộc sống. Chúng ta đi tới cái gì? Chúng ta cố gắng vun trồng cái gì? Một trái tim biết quan tâm đến người khác. Cảm giác nối kết và bi mẫn mà ta đã dành cho người tự tử là cho một chúng sinh. Còn có biết bao chúng sinh trong vũ trụ. Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta phá vỡ các bức tường của sự bám víu vào một người và mở rộng lòng để yêu thương tất cả chúng sinh vì họ đang có mặt? Chúng ta có thể chia sẻ tình thương mà ta dành cho một người với nhiều người khác, nhờ đó làm tăng trưởng khả năng cho và nhận tình thương.

Nhiều người khắc phục được nỗi đau sau cái chết của người thân do tự tử đã sử dụng lòng bi mẫn dành cho người khác để tự giúp bản thân. Ngay sau khi người thân tự tử, khi sự mất mát còn tươi nguyên, khi sự đau buồn - quá trình thích ứng với hoàn cảnh mới - chỉ mới bắt đầu. Có thể một số người chưa sẵn sàng để trải rộng lòng bi mẫn đến mọi người. Nhưng hãy tin ở bản thân rằng bạn sẽ đạt đến mức có thể chuyển trải nghiệm của bạn theo cách đó. Cách mà nó giúp bạn vươn ra xa và giúp đỡ người khác.

Tâm bạn dễ có khuynh hướng dính chấp vào thói quen chấp ngã, liên tục quay lại một sự kiện nào đó trong tâm. Hãy nhớ rằng người thân của bạn chết một lần và thế là hết. Nhưng mỗi lần bạn quay lại khúc phim tâm có tựa “Nếu như...” hay “Làm sao mà người đó có thể...?” bạn lại trải nghiệm nỗi đau lần nữa. Hãy tập tự bắt gặp mình khi bạn bắt đầu quay lại khúc phim tâm lý này. Hãy bấm nút “Dừng lại” trong tâm. Hãy tận hưởng giây phút hiện tại vì đó là cái đang xảy ra ngay bây giờ.

Quan trọng là bạn phải đặt nỗi đau của mình vào đúng bối cảnh. Tất cả mọi người chúng ta đều trải nghiệm những nỗi đau không thể tưởng. Không có nghĩa là ta coi thường nỗi đau của một cá nhân, nhưng ta phải đặt nỗi đau đó vào khuôn khổ của một bức tranh toàn cảnh. Bức tranh toàn cảnh đó là cái khổ vì sự có mặt của ta trên cõi đời này, và chúng không có ai là chủ. Chúng ta không độc quyền đau khổ; không có cá nhân nào độc quyền các nỗi đau. Tất cả chúng ta giống nhau, đều muốn hạnh phúc và tránh khổ đau. Hãy cảm nhận sự giống nhau đó; biết rằng bạn chia sẻ cùng niềm mong ước với tất cả các chúng sinh khác. Hãy có lòng bi mẫn đối với tất cả những ai trải nghiệm đau khổ giống như bạn. Hãy ban cho họ tình thương, sự quan tâm, lòng nhân ái và cảm thông.

Liên hệ của bạn với người tự tử không phải là mối liên hệ duy nhất trong cuộc đời. Bạn có một cuộc sống trọn vẹn và có điều thiện lành trong tim để chia sẻ với người khác. Tránh chấp vào cách suy nghĩ hẹp hòi để chỉ chú tâm duy nhất vào một người nào đó. Tương tự, khi nghĩ về người thân của mình, hãy nhớ rằng người đó cũng đã có một cuộc sống trọn vẹn. Cả cuộc đời của người đó không chỉ toàn khổ đau, và ý nghĩa, giá trị của cuộc sống của họ không phải được đánh giá bằng việc người đó đã chết như thế nào. Hãy để sự vẹn toàn của cuộc sống của người đó và của bạn lấp đầy trái tim bạn.

Vai trò của thiền như thế nào trong việc hàn gắn vết thương sau tự tử?

Trong lãnh vực này, hành thiền có thể rất ích lợi. Trước tiên, ta phải học các phương cách để phát triển tình thương, lòng bi mẫn, trí tuệ, v.v... Sau đó chúng ta quán tưởng về chúng, áp dụng chúng vào cuộc sống. Thiền cho chúng ta thời gian tĩnh lặng một mình để tự làm quen với các quan điểm và phương cách ích lợi này.

Có nhiều phương pháp hành thiền. Một trong số đó là thiền chánh niệm. Là phương cách qua đó chúng ta có thể tập trung vào hơi thở, các cảm giác vật lý, cảm thọ, tưởng hay pháp, và chỉ cần theo dõi chúng, quan sát chúng, để chúng phát khởi và qua đi mà không bám víu vào chúng. Bằng cách đó, chúng ta thấy rằng những điều này chỉ là các sự kiện đơn giản, không có gì thường hằng hay cố định để bám víu hay chấp chặt vào. Do đó tâm chúng ta thư giãn. Chúng ta cũng bắt đầu thấy rằng các sự kiện tâm và sinh lý này không phải là chúng ta; chúng ta thấy rằng không có một “cái tôi” hay “cái của tôi” cố định, rắn chắc để kiểm soát hay sở hữu tất cả các sự kiện này. Do đó giải tỏa căng thẳng trong tâm chúng ta.

Phương pháp hành thiền thứ hai là sự “phân tích” hay “quán xét”, là phương cách “luyện tâm” hay “chuyển hóa tư tưởng” rất hiệu quả. Sự chuyển hóa tư tưởng giúp chúng ta cách để phát triển cảm giác kết nối bình đẳng đối với tất cả mọi chúng sinh. Là phương pháp để vun trồng tình thương, lòng bi mẫn, hỷ và xả. Chúng cũng dạy chúng ta khả năng chuyển hóa các hoàn cảnh khó khăn để đi đến giác ngộ.

Người vừa mất người thân do tự tử có thể thực hành loại thiền nào? Người thuộc các tôn giáo khác có thể hành thiền không?

Phật giáo là một triết lý sống, một cách sống có đạo đức và với lòng bi mẫn. Nhiều giáo lý của Phật chỉ là sự hiểu biết thông thường và có thể được áp dụng bởi bất cứ ai, không kể là người đó theo tôn giáo nào. Dưới đây là một phương cách hướng dẫn dành cho người mất người thân do tự tử.

Mỗi câu là một bước trong thiền hành, một điểm nhấn để quán chiếu. Đọc một câu, rồi dừng lại, quán chiếu điều đó. Nhìn sự vật theo chiều hướng đó. Hãy để trạng thái được diễn tả trong câu tràn đầy tâm bạn. Khi đã sẵn sàng, thực hành theo bước kế tiếp.

Tưởng tượng lại người thân lúc còn khỏe mạnh, hoạt động. Hãy nhìn họ trìu mến, và nghĩ: “Thật hạnh phúc khi mình đã được ở bên nhau đến tận bây giờ. Thật hạnh phúc khi được là một phần đời sống của nhau”. Hãy hoan hỷ vì bạn đã có duyên gặp người đó.

Hãy nói thầm trong tâm với người đã khuất: “Mọi thứ trong đời đều thay đổi - sự vật phát sinh, rồi hủy diệt và sau đó một điều gì mới lại phát sinh. Chúng ta và tất cả mọi thứ quanh ta đều ở trong trạng thái thay đổi không dừng. Do đó, chúng ta không thể ở bên nhau mãi mãi. Dầu chúng ta chia biệt sớm hơn ta nghĩ hay mong đợi, ta cũng nên vui vì đã có duyên gặp gỡ nhau”.

Bạn và người thân hết lòng thương yêu nhau. Bất kể là sự liên hệ giữa bạn và người thân thường hòa hợp hay bất hòa, tình cảm sâu kín vẫn là thương yêu, mong muốn sự tốt đẹp cho nhau. Hãy mang tình cảm đó vào tim và ý thức rắng dầu có lúc cả hai đều bị tổn thương; dầu người thân có thể đã hoang mang, rối trí; dầu người đó có thể đã hành động trong lúc rối trí và đau khổ, cơ bản sự liên hệ của bạn vẫn là tình thương yêu và lòng mong muốn những điều tốt đẹp cho nhau. Hãy cảm nhận tình thương yêu đó. Không gì có thể thay đổi được điều đó.

Dựa trên tình cảm đó, hãy tha thứ cho người đó về những tổn thương mà họ đã gây ra bằng lời nói hay hành động trong quá trình bên nhau. Ngược lại, cũng nên tha thứ cho bản thân về những lỗi lầm mà bằng hành động hay lời nói bạn đã gây ra cho người đó trong suốt thời gian bên nhau. Hãy cho qua tất cả những tình cảm chống đối, xáo trộn. Hãy để tâm bạn được bình an.

Hãy thầm nói với người kia: “Dầu tôi không biết được nỗi đau nào đã khiến bạn phải chấm dứt cuộc đời mình, tôi biết khổ đau, bấn loạn không phải là bản chất của bạn. Tôi cũng biết sự đau buồn và cảm giác ray rứt không phải là bản chất của tôi. Nguyện cho chúng ta và tất cả mọi chúng sinh đều có nhân quả hạnh phúc. Nguyện cho tất cả chúng sinh đều thoát khỏi nhân quả khổ đau”.

Với tình thương yêu, hãy nhìn người đó, từ giã họ lần cuối, ít nhất là trong kiếp sống này. Hãy quán: “Dầu bạn đang ở đâu, mong rằng bạn được bình an, được hạnh phúc và thoát khỏi khổ đau. Giờ bạn đang có trải nghiệm mới, và tôi cũng thế. Cả hai chúng ta đều phải bước tới, tôi mong bạn an bình. Tôi luôn thương yêu bạn”.

Hãy cảm nhận tình thương yêu và lòng bi mẫn trong tim, biết rằng điều đó không giới hạn cho một người hay một nhóm người. Tình thương yêu không giới hạn số lượng. Vì thế, hãy mang tình thương yêu và lòng bi mẫn trong tim bạn, chia sẻ với mọi người. Hãy tử tế với bất cứ ai bạn gặp, ở bất cứ thời điểm nào, vì ở ngay thời điểm ấy, người đó là hình ảnh, là đại diện của mọi chúng sinh.


Cân bằng cuộc sống bằng cách rèn tâm, chánh niệm, tỉnh thức

Quan điểm của Ni sư thế nào đối với việc xem tự tử như là một hành động đáng trân trọng?

Nghĩ rằng tự tử là lối thoát đáng trân trọng duy nhất để giữ danh dự gia đình là một suy nghĩ sai lầm. Một số nền văn hóa có thể có quan điểm này, nhưng theo Đức Phật, việc tự chấm dứt cuộc sống của mình là một hành động sai lầm được thực hiện bởi vô minh. Nó không đem lại ích lợi cho bản thân cũng như gia đình.

Điều gì sẽ xảy ra đối với người tự tử? Họ sẽ đi về đâu?

Chúng ta không thể nói chung chung về các chủ đề này, vì ta không biết chắc trạng thái tâm của mỗi cá nhân ở thời điểm họ ra đi hay các nghiệp mà họ đã tạo trong quá khứ. Nhiều người tự tử vì đang ở trong một nỗi đau tinh thần rất lớn, đang sân hận hay đang trong trạng thái trầm cảm; đó có thể là một mảnh đất phì nhiêu để các nghiệp mà ta tạo ra trước đây chín muồi, và trổ ra các quả xấu.

Theo quan điểm Phật giáo, chúng ta không được thưởng, hay bị phạt do các hành động của mình. Vì nếu tin có thưởng, có phạt, vô hình trung ta tin có một đấng siêu nhân nào đó có thể quyết định số phận của tất cả chúng sinh. Ngược lại, Đức Phật dạy rằng tâm chính là kẻ tạo ra các trải nghiệm của ta. Đó là chúng ta trải nghiệm kết quả của các hành động hoặc ở thân, khẩu hay ý. Hành động xuất phát từ lòng tử tế, và các trạng thái tâm thiện mang lại hạnh phúc; hành động bắt nguồn từ sự bám víu, sân hận và các trạng thái tâm xấu ác khác sẽ đem lại khổ đau.

Dầu tự tử không hẳn là một hành động sát hại trọn vẹn, nó cũng là một hình thức cướp đi sự sống. Là hành động bất thiện, nó gieo trồng hạt giống xấu trong tâm thức để ta phải chịu khổ đau trong tương lai. Mặc dầu người tự tử muốn tìm giải thoát khỏi khổ đau, hành động tự tử kèm với trạng thái tâm của người đó ở thời điểm của sự chết thường không đưa đến việc chấm dứt khổ đau. Đó là, trong khi sự khổ đau ở kiếp sống này chấm dứt, không phải là tất cả mọi khổ đau chấm dứt.

Vì lý do đó, tự tử bị coi là một thảm kịch. Mọi người đều có Phật tánh - khả năng nội tại để trở thành một chúng sinh được hoàn toàn giác ngộ. Dầu khả năng này không chấm dứt lúc chết, có được kiếp người là một cơ hội tuyệt vời để sử dụng tốt khả năng này.

Là Phật tử, chúng ta học hỏi giáo lý của Phật và đem chúng ra áp dụng. Bằng cách đó, ta có thể xóa bỏ mọi khổ đau và nhân của khổ đau - vô minh, tâm hành và nghiệp - nhờ đó mọi luân hồi sẽ chấm dứt. Hơn nữa, ta còn có thể phát triển những phẩm chất tuyệt vời như tình thương không phân biệt, lòng bi mẫn và trí tuệ - những phẩm chất qua đó ta có thể góp phần vào việc đem lại lợi lạc cho người, và tạo nên nhân hạnh phúc của bản thân và cho người, trong hiện tại và tương lai. Nên khi tâm của ai đó quá đau khổ hay bấn loạn đến nỗi người đó tìm cách chấm dứt cơ hội quý báu để vun trồng tâm linh này, thì thật đáng buồn.

Tuy nhiên nếu người ta không thể nhìn thấy khả năng và giá trị trong cuộc sống của họ, và nếu họ đang khủng hoảng tình cảm hay đau đớn thể xác, họ có thể xem tự tử như là một phương cách để thoát khỏi khổ đau. Họ đã có sự chọn lựa này. Người chung quanh không phải chịu trách nhiệm cho hành động tự tử của người thân; do đó không có lý do gì để ta cảm thấy hối hận.

Còn về việc người tự tử sẽ đi về đâu sau khi chết, vì bản chất con người không thực sự hiện hữu khi sống, do đó không có một con người nào đã chết và được tái sinh. Đức Phật đã dạy về vô ngã; đó là không có một linh hồn hay một thực thể nào thực sự có mặt. Đừng nghĩ về người thân đã ra đi của bạn như là một người nào đó với cá tính, ký ức, v.v..., không thay đổi, nhưng bây giờ bạn không còn có thể thấy người đó. Trong khi sự tiếp nối của dòng tâm thức được tái sinh, dòng tâm thức đó thay đổi từng giây phút; đó không phải là một con người. Theo lý nhân quả - kể cả các nghiệp trước đây - dòng tâm thức luôn biến đổi, bị cuốn hút vào một sự tái sinh mới. Một khi đã tái sinh, có một con người mới - con người của một cuộc sống mới - người hiện hữu bằng tên gọi tùy thuộc vào thân và tâm của cuộc sống mới.

Hạt giống nghiệp nào sẽ chín muồi ở thời điểm cận tử?

Theo lý nhân quả, các hạt giống nghiệp có thể chín muồi ở bất cứ thời điểm nào. Ta không thể biết trước hạt giống nghiệp nào sẽ chín muồi ở cửa tử. Một số người nghĩ rằng lúc chết, tất cả các nghiệp đều được xét đến và sự tái sinh là kết quả của tổng cộng các nghiệp. Không đúng như thế. Tâm ta giống như một mảnh ruộng và hạt giống nghiệp là các hạt giống của nhiều loại cây trái khác nhau đã được gieo trồng rải rác trên đó. Tùy vào phần nào trên mảnh ruộng nhận được đầy đủ nước, ánh sáng mặt trời và phân bón, thì một số hạt giống ở đó sẽ chín trổ trước. Các hạt giống khác vẫn ở lại trên mảnh ruộng cho tới lúc chúng nhận đủ nước, ánh sáng mặt trời và phân bón.

Trong cuộc sống vô cùng tận, chúng ta đã tạo nhiều hành động khác nhau, vì thế trong tâm ta sẽ có những hạt giống chín muồi trong hạnh phúc, và có những hạt giống chín muồi trong khổ đau. Trong một ngày, chúng ta có nhiều hành động khác nhau ở thân, khẩu và ý, do đó ta đã trồng nhiều hạt giống khác nhau trong tâm. Do đó, mỗi ngày chúng ta trải nghiệm nhiều sự kiện và cảm xúc khác nhau - một số dễ chịu, thích thú, số khác thì không. Mỗi ngày chúng ta trải nghiệm kết quả của nhiều hạt giống khác nhau.

Vasubandhu, một nhà hiền triết Ấn Độ nói rằng, ở thời điểm cận tử, thứ tự chín muồi của các nghiệp sẽ ảnh hưởng đến sự tái sinh mới như sau: các hành động đưa đến quả trong vòng luân hồi - đầu tiên là các nghiệp nặng, kế đến là nghiệp trung bình, kế nữa là nghiệp do thói quen, rồi nghiệp được làm trước đó.

Loại hạt giống sẽ chín muồi đầu tiên ở thời điểm chúng ta ra đi là từ các hành động mãnh liệt (trọng nghiệp). Nếu chúng ta đã làm một hành động rất mãnh liệt, dù chỉ một lần, nó sẽ chín muồi trước. Các hành động hủy hoại nặng nề là các trọng nghiệp như : sát hại cha mẹ hay vị A-la-hán, gây chia rẽ Tăng đoàn hay làm chảy máu ở thân Phật. Các trọng nghiệp khác bao gồm trong các hành động tạo ra bởi việc phạm vào mười ác nghiệp - sát hại, trộm cướp, tà dâm, nói dối, nói lời chia rẽ, lời thô tục, nói chuyện phiếm, gian dối, và tà kiến - với chủ tâm và với tất cả mọi chi của hành động được hoàn tất - sự chuẩn bị, hành động, và kết thúc. Các hành động thiện mạnh mẽ cũng có thể chín muồi trước. Thí dụ là mười thiện nghiệp, trái với mười ác nghiệp. Những hành động được làm với tình thương yêu mãnh liệt, lòng nhân ái và vị tha, cũng như các hành động thiện lành hướng đến Tam bảo cũng là trọng nghiệp.

Nếu một số hạt giống nghiệp có sức nặng tương  đương nhau thì hạt giống của các hành động thực hiện gần đây nhất sẽ chín muồi. Các nghiệp do hành động theo thói quen được trổ kế tiếp. Chúng ta là những sinh vật của thói quen. Các hành động không quan trọng nhưng thực hiện nhiều lần thì nghiệp đó sẽ trở nên mạnh. Thí dụ, nếu thường nói “những điều gian đối vặt vãnh” thì với thời gian, sẽ tạo ra những hạt giống nghiệp mạnh mẽ trong tâm thức. Tương tự, việc kính bái, cúng dường Tam bảo mỗi sáng sẽ trở nên là một nghiệp thiện mạnh mẽ với thời gian.

Những ý nghĩ phát khởi trong tâm lúc cận tử cũng ảnh hưởng đến việc khiến nghiệp nào sẽ trổ quả trước. Điều này cũng đúng trong cuộc sống. Khi tâm ta bình an, lắng đọng, ta thường thấy mình ở trong những hoàn cảnh dễ chịu hơn là khi tâm ta bấn loạn, sân hận. Các hành vi của ta cũng ảnh hưởng đến nghiệp nào sẽ trổ quả. Thí dụ hành vi say rượu cũng khiến nghiệp xấu dễ trổ quả hơn dưới hình thức tai nạn, v.v...

Ở ngưỡng cửa tử sinh, nếu các tư tưởng bám víu, chấp chặt (không muốn rời bỏ cuộc sống này, bám víu vào thân bằng quyến thuộc, vào thân), hoặc các tư tưởng sân hận (sân hận vì phải chết, hối tiếc về những việc đã xảy ra bao năm trước) tràn đầy tâm ta thì các hạt giống của ác nghiệp sẽ dễ dàng trổ quả. Tuy nhiên, nếu người sắp ra đi biết nương trú nơi Tam bảo, nghĩ tưởng đến các bậc thầy, phát khởi tâm Bồ-tát, hay hiến tặng của cải cho các mục đích từ thiện, thì các hạt giống của thiện nghiệp sẽ dễ dàng trổ quả ở thời điểm đó.

THUBTEN CHODRON
Diệu Liên Lý Thu Linh chuyển ngữ
(từ Dealing With Life’s Issues - A Buddhist Perspective)

Chia sẻ
Phật học liên quan