Hai pháp lành hộ trì thế gian

Cập nhật: 16/06/2019

Biết hổ thẹn với chính mình (tàm), biết xấu hổ với người và sợ hãi quả báo về những việc xấu ác đã làm (quý) để phục thiện và chuyển hóa là hai pháp lành, thiện tâm sở.

Hai pháp lành hộ trì thế gian

Thế Tôn đã xác định nếu như cuộc đời này mà không có tàm và quý thì đại họa. Thế nên tàm và quý có thể xem là thước đo đạo đức cá nhân và xã hội đồng thời là nền tảng cho các thiện pháp.


Sám hối

Tàm quý có tác dụng diệu kỳ như thế nên Thế Tôn gọi đó là hai “pháp tịnh có thể hộ trì thế gian”. Nếu không có tàm quý thì thế gian này sẽ trở nên loạn lạc, mất hết nhân tính chẳng khác nào cầm thú. Nhờ có tàm quý nên chúng ta biết dừng lại trước mọi cám dỗ, tội lỗi, dục vọng - bản tính cố hữu của con người. 

“Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Phật bảo các Tỳ-kheo:

Có hai pháp tịnh có thể hộ trì thế gian. Những gì là hai? Đó là tàm và quý. Giả sử thế gian không có hai pháp tịnh này, thế gian cũng không biết có cha mẹ, anh em, chị em, vợ con, thân quyến, sư trưởng, tôn ti, trật tự; điên đảo hỗn loạn như hàng súc sinh. Nhờ có hai pháp tịnh tàm và quý cho nên thế gian biết có cha mẹ, anh em, chị em, vợ con, thân quyến, sư trưởng, tôn ti, trật tự; không hỗn loạn như hàng súc sinh.

Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ:

Nếu thế gian không có,

Hai pháp tàm và quý

t trái đạo thanh tịnh

ớng sanh, già, bệnh, chết.

Nếu thế gian thành tựu

Hai pháp tàm và quý

Đạo thanh tịnh tăng trưởng

Đóng kín cửa sinh tử.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 1243)

Tàm là một thiện tâm sở, chính là tâm hổ thẹn với chính mình khi tạo tác ba nghiệp thân, miệng, ý bất thiện. Mỗi người không nhiều thì ít đã từng làm những việc chẳng tốt mà không ai biết, duy chỉ có mình là người biết rõ nhất. Lẽ thường, dù việc xấu ác đến mấy mà chưa ai biết thì xem như vô tội. Với người biết tự hổ thẹn thì luôn trăn trở, dằn vặt về điều đó.

Quý là tâm sợ hãi với những ác nghiệp đã làm, tâm xấu hổ với người khác về những lầm lỗi đã tạo. Nhờ sợ hãi quả báo nên về sau không dám làm ác nữa. Biết xấu hổ với người khác sẽ giúp chúng ta phát khởi ý chí phục thiện, đoạn tuyệt với lỗi lầm.

Tàm và quý nếu được nuôi dưỡng, phát huy trong mỗi cá nhân và cộng đồng thì xã  hội ngày càng văn minh, đất nước ngày càng thịnh vượng. Người lãnh đạo có tàm quý, khi gặp sự cố liền can đảm nhận lãnh trách nhiệm, thậm chí có thể từ chức. Người lao động có tàm quý thì quyết không làm lợi mình mà hại người. Có tàm quý là một trong những ứng xử văn hóa và văn minh.

Trên lộ trình tu tập, tàm quý sẽ khiến cho sự thanh tịnh tăng trưởng, ngăn chặn các bất thiện pháp. Thân tâm thanh tịnh là nền tảng của các Thánh quả. Thế Tôn đã xác định, nếu thế gian thành tựu tàm và quý thì ngoài việc phát huy các giá trị đạo đức, thiết lập hạnh phúc an vui trong đời sống, hai pháp lành này có thể ‘đóng kín cửa sinh tử’, thành tựu giải thoát Niết-bàn.

Quảng Tánh

Chia sẻ
Phật học liên quan