Ý nghĩa Phật Đản

Cập nhật: 15/10/2022

Cúi đầu đảnh lễ Phật Thế Tôn Ta Bà giáo chủ Đấng Thường Còn Gió từ tuệ nhật người quy đón Ân điền diễn dạy vượt ngàn non.

Ý nghĩa Phật Đản

A. DẪN NHẬP

          Một sự kiện hy hữu trong đời sống nhân loại cách đây 2641 năm, tại Thánh địa Lâm Tỳ Ni, nước Ca Tỳ La Vệ của Ấn Độ cổ đại, Thái tử Sĩ Đạt Đa (Siddhartha) xuất hiện với ánh hào quang chiếu soi rực rỡ, đã mở ra một trang sử mới trong lịch sử loài người. Ngài đã đến cuộc đời từ tỉnh thức và thiền định, từ thể nhập chân lý và đại nguyện cứu khổ chúng sinh, Ngài đã trở thành bậc thầy của Trời, Người và soi sáng con đường giác ngộ cho nhân loại ngay trong đời sống hiện tiền.

        Chính đức Phật đã từng tuyên bố hoài bão lớn nhất của Ngài là xây dựng nếp sống hạnh phúc an lạc cho mọi người ngay khi Ngài vừa thị hiện: "Ta ra đời vì sự lợi ích, vì hạnh phúc, và an lạc cho chư Thiên và loài người". Và sự ra đời của đức Phật được gọi là gì và có ý nghĩa như thế nào, chúng tôi sẽ chia sẻ đến với quý vị qua buổi chia sẻ giáo lý với đề tài về “Ý Nghĩa Phật Đản” sau đây.

B. NỘI DUNG

        I. ÐỊNH NGHĨA

    Thường trong danh từ nhà Phật, khi nói đến sự hiện diện của đức Phật Thích Ca trong cõi đời này, người ta thường dùng đến những thuật ngữ như: Đản sanh, Thị hiện hoặc Giáng sanh.

- Đản sanh: Một sự ra đời vui vẻ, làm hân hoan, xán lạn cho cõi đời.

- Thị hiện: Hiện ra bằng xương bằng thịt, cho con mắt trần của chúng ta thấy được.

- Giáng sanh: Từ một chỗ cao mà xuống một chỗ thấp để sanh ra.

    Ba thuật ngữ ấy đều có ý nghĩa khác nhau: Đản sanh dùng để ca tụng một bậc tôn quý ra đời; Thị hiện hàm ý Phật bao giờ cũng có cả, nhưng vì mắt người không thấy được, phải hiện rõ ràng ra mới thấy; Giáng sanh hàm cái ý đức Phật ở một cảnh giới cao hơn, tốt đẹp hơn mà hạ xuống cảnh giới phàm trần này.

    Ba thuật ngữ ấy mặc dù khác nhau, nhưng đều có thể dùng để chỉ sự ra đời của đức Phật. Trái lại, khi một người phàm ra đời thì gọi là “đầu thai”. Ðầu thai có nghĩa là bị nghiệp báo thiện hay ác bắt buộc phải luân hồi để chịu quả báo lành hay dữ. Còn Đản sanh, Giáng sinh hay Thị hiện thì không hàm cái nghĩa bị nghiệp nhân câu thúc, mà do nơi lòng Từ Bi, muốn làm lợi ích cho chúng sanh, nên tự nguyện ứng thân xuất hiện ra đời trong một thời gian để cứu độ chúng sanh. Sau đó thì thâu thần tịch diệt, tự tại vô ngại ra ngoài sống chết.

         II. HOÀN CẢNH RA ĐỜI CỦA ĐỨC PHẬT

   Võ Đình Cường đã dùng lời văn của mình để ca ngợi Đức Thế Tôn xuất thế như sau:

   Nhân loại ơi! Có hay chăng một vị Giác Ngộ mới ra đời?

   Chúng sanh ơi! Một đấng Đại từ, Đại bi, Đại trí, Đại đức vừa xuất hiện ở dưới trần!

   Ôi hân hoan, hân hoan cho toàn cả mấy tầng trời, vì chúng sanh ơi, một đóa hoa Đàm nở, một ánh sáng lạ chói ngời!

   Này ai ơi! Hãy đi về phía nam dãy núi Hy-mã-lạp-sơn, vì chính ở đấy đã ra đời một đức Phật.

                1. Bối cảnh xã hội Ấn Độ đương thời

   Khi nói đến điểm xuất phát của đạo Phật, không thể không đi sâu vào bối cảnh lịch sử của đất nước Ấn Độ đương thời. Đức Phật ra đời trong bối cảnh lịch sử xã hội Ấn Độ bấy giờ chia ra bốn giai cấp rõ rệt. Giai cấp Bà-la-môn là trên hết, kế đến là Sát-đế-lợi, Phệ-xá (Vệ Xá) rồi Thủ-đà-la. Sự phân biệt giai cấp và các hệ lụy của nó đã gây ra những khổ đau cùng cực cho con người.

    Trước thời Đức Thế Tôn ra đời, về tư tưởng tôn giáo, triết học cũng như về mặt chính trị, kinh tế và xã hội thật vô cùng phức tạp. Chính trị lẫn tôn giáo đã ấn định nhiều sinh hoạt đầy bất công trong xã hội đã đưa hai giai cấp thống trị Brahmana (tăng lữ Bà La Môn) cùng Kshatriya (Sát Đế Lỵ - vua quan) lên làm chủ. Hai giai cấp thuộc hàng tiện dân, bị xã hội khinh miệt, không được luật pháp bảo hộ, không được dự chung phần tín ngưỡng và tán tụng kinh điển Veda (Phệ Đà) và còn bị đối xử một cách hà khắc, đó là hai giai cấp Vaisya (Phệ Xá) và tệ hơn nữa là Sudra (Thủ Đà La).

    Sự xuất hiện của đức Phật như một vầng thái dương xua tan mọi bóng tối của sự bất công, đem lại sự tự do bình đẳng cho toàn thể nhân loại nói chung và cho xã hội Ấn Độ nói riêng. Vì lòng từ bi, Ngài ra đời nhằm vạch ra cho chúng sanh một con đường cao quý, ý nghĩa hơn so với kiếp sống mong manh hiện tại.

    Xét về mặt xã hội, đạo Bà La Môn đã có mặt rất sớm trước đạo Phật. Nhưng cũng do sự độc quyền của tăng lữ mà đạo đức tôn giáo thời đó chỉ có nghi thức phô trương bề ngoài. Do chế độ giai cấp nên cuộc sống xã hội không công bằng, nhân dân không được tự do, mà tư tưởng yếm thế nảy sinh, nạn mê tín hoành hành trong xã hội. Ở một phương diện khác, xã hội đã phát sinh tư tưởng hoài nghi, phủ nhận tất cả những giá trị tôn giáo, nhân quả và đạo đức. Họ cổ xúy tư tưởng khoái lạc, ngụy biện, khổ hạnh, hoài nghi... tiếp tục nổi lên.

     Sống dưới một xã hội có thể chế giai cấp đầy bất công, tư tưởng tôn giáo lại rối ren như thế, con người không còn biết tin tưởng, bám víu vào đâu. Giữa hoàn cảnh bế tắc ấy, đức Phật xuất hiện như một mặt trời sáng ấm buổi ban mai, làm tan đi bóng tối của đêm đen dày đặc đã từ lâu che phủ cuộc đời. Ngài không chỉ là cứu tinh cho xứ Ấn Độ thời bấy giờ, mà còn là người vạch ra hướng đi mới của nhân loại. Đức Phật là người đầu tiên xướng lên thuyết Nhân bản, lấy con người làm cứu cánh để giải quyết hết mọi vấn đề bế tắc của thời đại.Cuộc đời Ngài là một sự biểu hiện của biển lớn Trí tuệ và Từ bi, là ánh sáng, là con thuyền, là niềm tin cho mọi người, mọi xã hội ở bất cứ thời gian và không gian nào.

             2. Nguyên nhân Bồ tát Hộ Minh giáng thế

                                   Ma Da hoàng hậu ngủ say

                         Nằm mơ chợt thấy sắc mây rạng ngời

                                     Một luồng ánh sáng từ trời

                       Lung linh chiếu xuống tận nơi giường bà

                                   Trong hào quang bỗng hiện ra

                               Voi to, màu trắng, sáu ngà đẹp thay,

                                       Voi và ánh sáng cùng bay

                               Tới gần hoàng hậu nhập ngay vào bà.

                                         Sáng hôm sau tỉnh giấc ra

                            Trong lòng hoàng hậu chan hòa niềm vui

   Căn cứ theo Kinh Phật Bản Hạnh, thì đức Phật đã nói diễn biến cuộc đời  mình qua “Bát Tướng Thành Đạo”. Nguyên lai là Bồ tát Hộ Minh từ cung trời Đâu Suất, vì lòng từ bi thương tưởng đến nhân loại đang khổ đau và cũng vì hạnh nguyện độ tha của mình nên Ngài đã thị hiện nhập thai nơi Hoàng hậu Ma Gia.

   Truyện kể rằng: Tại một vương quốc nhỏ ở phía Bắc Ấn Ðộ, Một hôm vào lễ vía Tinh Tú, vua Tịnh Phạn mở tiệc vui chơi trong thành Ca-tỳ-la-vệ. Sau khi dâng hương hoa cúng kiến trong cung điện xong, Hoàng Hậu Ma-Da cùng gia đình ra ngoài thành để bố thí thức ăn và quần áo cho dân nghèo. Khi trở về cung an giấc, Bà mơ thấy một luồng ánh sáng trắng từ bầu trời chiếu xuống thân thể mình, theo luồng ánh sáng này là một con voi trắng sáu ngà từ trên không trung bay xuống và sau đó lấy ngà khai hông bên hữu của bà mà chui vào. Lúc bấy giờ bà nghe trong người bỗng nhiên thật thanh thoát, nhẹ nhàng, chẳng còn biết sầu lo oán hận gì cả. Hoàng Hậu bèn đem điềm chiêm bao này thuật lại cho vua Tịnh Phạn nghe, vừa nghe xong, nhà vua lấy làm lạ bèn cho mời các nhà tiên tri lỗi lạc đến để đoán mộng. Các nhà tiên tri đoán rằng: “Hoàng Hậu sẽ sanh ra một quý tử có tài đức song toàn”. Nghe điều này, Vua Tịnh Phạn rất vui mừng, vì từ nay ngôi báu đã có người truyền thừa.

     Qua điều này cũng cho ta biết, nếu một người chuyên làm việc bố thí, thực hành hạnh lợi tha, thì gặp được những duyên may, phước lành sẽ đến với họ. Hoàng hậu Ma Da và vua Tịnh Phạn cũng vậy, nhờ phước lành biết bố thí cúng dường, ăn hiền ở lành nên đã hạ sinh được quý tử mà sau này làm một bậc thầy khắp cả trời người.

              3. Ngày Phật Đản Sanh

    Hoàng Hậu Ma Da mang thai đến thời khai hoa nở nhụy, theo tục lệ thời bấy giờ, Hoàng hậu phải trở về quê mẹ ở nước Koly (Câu Ly) để an dưỡng, chờ ngày lâm bồn. Trên đường đi, Hoàng hậu Màyà vào vườn Lumbini thưởng ngoạn mùa hoa đang đua nở. Bên tàng cây Vô Ưu che rợp mát, sắc màu tươi sáng, hương thoảng nhẹ bay, Hoàng hậu đưa cánh tay vịn lấy cành hoa Vô Ưu thì hạ sanh Thái tử Tất Đạt Đa. Tin lành Thái tử chào đời nhanh chóng được loan truyền trong dân chúng. Tất cả thần dân trong vương quốc đều vui mừng không xiết kể. Thái tử ra đời đúng với ý nghĩa:“Một chúng sanh duy nhất, một con người phi thường, xuất hiện trong thế gian này, vì lợi ích cho số đông, vì hạnh phúc của số đông, vì lòng bi mẫn, vì sự tốt đẹp, vì lợi ích và hạnh phúc của chư thiên và loài người.”

                             “Nhè nhẹ tay trên níu lấy cành,

                               Nhiệm màu hương ngát tỏa hồn thanh,

                               Trời rung đất chuyển trăm điều lạ,

                                Hớn hở chào mừng Thái tử sanh”.

   Ngày Đản sanh Thái tử, khắp xứ Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu) cảnh vật đều vui vẻ lạ thường, khí hậu mát mẻ, cây cối xanh tươi, sông ngòi mương giếng trong đầy, chim chóc reo vang, hào quang tỏa khắp. Lúc ấy khắp địa cầu tràn ngập niềm an lạc và hạnh phúc. Mọi người quên hết lo âu, xóa mọi hận thù, thương yêu lẫn nhau. Đó là ngày hội của toàn vương quốc.

   Thái tử giáng sinh vào ngày trăng tròn tháng tư (tức mùng 08 tháng 04) năm 624 BC tại vườn Lumbini (Lâm Tỳ Ni), cách thành Kapilavastu (Ca Tỳ La Vệ) khoảng 15 cây số. Người là con của vua Tịnh Phạn và Hoàng hậu Ma Gia.

    III. Ý NGHĨA VỀ NHỮNG BIỂU TƯỢNG KHI PHẬT ĐẢN SANH

               1. Ý nghĩa voi trắng 6 ngà

    Sáu ngà là tiêu biểu cho pháp Lục Độ, nghĩa là Bồ tát Hộ Minh theo hạnh nguyện thanh tịnh trắng trong của mình, giáng thế để cứu độ chúng sanh đang trầm luân trong sanh tử. Khi một vị Bồ Tát sống trong cõi đời thì các Ngài đều thực hành hạnh nguyện Lục Độ Ba La Mật, nên qua giấc chiêm bao bạch tượng sáu ngà của Hoàng Hậu Ma Da là điềm báo trước sẽ có một vị Bồ Tát giáng thế để cứu độ chúng sanh.

              2. Ý nghĩa của hai dòng nước và lễ tắm Phật

   Theo truyền thuyết, ngay khi Thái tử Tất Ðạt Ða Đản sanh, có chín con rồng đến phun nước tắm cho Thái Tử, biểu tượng rồng ở đây tức đại diện cho nền triết lý thiên mệnh, là biểu trưng cho sự thiêng liêng thù thắng. Cho nên có câu:

                       Vườn Lâm Tỳ Ni, bảy bước xưng tôn cùng vũ trụ

                        Nước Ca Tỳ La, chín rồng tắm Phật cõi Ta Bà.

    Nhưng có thuyết khác lại nói là do chư vị chư thiên đem nước nước tắm cho Thái tử, một dòng nước lạnh và một dòng nước nóng. Hai dòng nước lạnh và nóng tượng trưng cho hai cảnh giới thuận và nghịch của cuộc đời, hai cảnh giới vui buồn, sướng khổ của cuộc sống hằng ngày mà tất cả mọi người sinh ra trên thế gian này đều phải chịu đựng. Thái tử Tất Ðạt Ða đã chịu đựng được hai dòng nước lạnh nóng, cho nên sau này Ngài trở thành Ðức Phật Thích Ca. Ðức Phật dạy rằng: “Người nào chịu đựng được những sự thuận nghịch của cuộc đời, mà tâm vẫn bình thường, bình tĩnh thản nhiên, an nhiên tự tại, thì người đó sẽ là một vị Phật trong tương lai”. Ðây chính là ý nghĩa hết sức thâm sâu vi diệu của đạo Phật vậy.

    Những cảnh thuận nghịch của cuộc đời được gọi là: Bát phong. Bát là tám, phong là ngọn gió. Bát phong chia làm bốn cặp, mỗi cặp gồm hai cảnh giới đối nghịch, đó là: lợi và suy, hủy và dự, xưng và cơ, khổ và lạc. Lợi là những điều thuận lợi, đem lợi lộc, tài lợi đến cho con người. Suy là suy tàn, suy sụp, đem đến sự thua lỗ, mất mát cho con người. Cả hai điều này đều làm cho tâm của con người dao động, bất an. Hủy là hủy báng, chê bai làm cho tâm con người bị động. Dự là danh dự, khen tặng cũng làm cho tâm con người bị dao động. Kế đến là xưng và cơ, xưng  nghĩa là xưng tán, tán tụng, nói tốt. Cơ là bài bác, chỉ trích, nói xấu. Khổ là những cảm giác khó chịu như lo lắng, buồn rầu, sợ hãi… Lạc là vui vẻ, tức là những điều như ý, sự thỏa mãn… Hai ngọn gió này của cuộc đời cũng làm cho tâm con người bị dao động. Bát phong nói chung chính là những khổ nạn và lạc thú trên trần gian vậy.

   Trong lúc làm lễ tắm Phật, khi múc gáo nước đầu tiên tắm lên vai phải tôn tượng Ðức Phật Đản sanh nhỏ nhắn, chúng ta tâm nguyện rằng: dù trên đời có gặp thuận cảnh, phải lòng, tâm của chúng ta vẫn bình tĩnh thản nhiên. Khi múc gáo nước thứ hai tắm cho vai trái tôn tượng đức Phật sơ sanh, chúng ta cũng tâm nguyện rằng: dù trên đời có gặp nghịch cảnh, trái lòng, vẫn phải bình tĩnh thản nhiên. Việc làm này mang nhiều ý nghĩa vi diệu, có ích lợi lớn cho việc tu học, có thể chuyển hóa tâm trạng của con người từ phiền não khổ đau thành an lạc và hạnh phúc. Ðây chính là ý nghĩa sâu xa của nghi lễ tắm Phật vậy.

              3. Ý nghĩa Phật đản sanh dưới cây hoa Vô Ưu

    Vô ưu, Phạn ngữ Asoka, Hán ngữ phiên âm A du ca, A thúc ca, A thuật ca… dịch nghĩa là Vô Ưu hoa, hoa không ưu tư phiền muộn. Hoa Vô Ưu hay cũng còn gọi là hoa Ưu Đàm.

    Hoa Vô Ưu, theo quan niệm của Phật giáo là một loài hoa linh thiêng, cực kỳ quý hiếm “ba ngàn năm mới nở một lần” nên mang ý nghĩa hy hữu, hiếm có, khó gặp. Mặt khác, hoa Vô Ưu nở là điềm lành báo hiệu Đức Phật ra đời hoặc có một bậc Luân Vương xuất thế.

   Theo kinh Pháp Hoa văn cú: "Ưu đàm là loại hoa thiêng, ba ngàn năm mới nở một lần, mỗi lần hoa nở thì có Đức Phật ra đời". Do đó, hoa Ưu Đàm thường được làm ảnh dụ cho sự kiện xuất thế của Đức Thế Tôn, mà trong một số kinh khác của nhà Phật có ghi như: Tạp A Hàm (26), Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa (171), Kinh Hoa Nghiêm bản tân dịch (80), Kinh Tô Yết Địa Tất La, Thiện Kiến Luật Tỳ Bà Sa (3), Pháp Hoa Văn Cú (4), Huyển Ứng Âm Nghĩa (21), Kinh Đại Bát Niết Bàn, Kinh Pháp Hoa chương 2 và 27…

     Hình ảnh Thái tử đản sanh dưới gốc cây Vô Ưu là với ý nghĩa là mặc dù Ngài sinh ra đời và sống trong cõi đời ngũ trược nhưng tâm của Ngài đã hoàn toàn an lạc, giải thoát, không còn vướng bận bất cứ thứ gì. Và cũng chính sự ra đời của Ngài cùng với chân lý giải thoát được chuyển tải qua hệ thống giáo lý cũng đã đem đến nguồn an lạc, giúp cho mọi người không còn ưu phiền nữa.

              4. Ý nghĩa hoa sen và bảy bước chân

   Hoa sen là biểu trưng cho sắc thái rất thuần túy trong lúc Phật Đản sanh, còn các loại hoa khác thì không. Dẫu biết rằng hoa nào cũng sinh ra từ lòng đất, nhưng mỗi loài hoa có một nét đẹp riêng. Riêng hoa sen có 5 đặc tính chiếm tối ưu hơn các loài hoa khác.

1. Hoa sen từ trong bùn nhơ nước đục ngoi lên, nhưng không vì thế mà khiến nó bị phai nhạt hương sắc thanh cao. Với đặc tính này cho chúng ta thấy đức Phật tuy sống trong cõi đời ô trược, nhưng không vì thế mà bị nhiễm ô hay mất đi bản tâm thanh tịnh, Ngài “cư trần mà bất nhiễm trần”.

2. Hoa sen vừa tượng búp đã có ngay quả, quả bọc trong gương sen, nên hoa quả đồng thời kết thành và phát triển một lượt. Ý nói là nhân quả đồng thời, trong nhân đã chứa sẵn mầm móng của quả. Ý nói trong mỗi con người đều có sẵn Phật tánh bình đẳng chơn như.

3. Hoa sen không bị các loài sâu bọ, ong bướm quấy nhiễu. Ý nói đức Phật không bị các thứ về ngũ dục, lục trần lôi cuốn.

4. Hàng nữ giới không lấy hoa sen làm đồ trang sức.

5. Từ lá, gốc, rễ, thân, cành, kể cả mần tiềm tàng nằm sâu bên dưới, không có một thứ nào là vô dụng trong ý nghĩa thực phẩm.

Sự xuất hiện của Đức Phật trên hoa Sen cũng để nói cho chúng ta thấy rằng, cái chết là bắt đầu của sự sống, sự sống ở đây cũng chính là bắt đầu cho cái chết. Sự xuất hiện cũng có nghĩa là bắt đầu của một sự ẩn khuất. Như đức Phật Thích Ca, Ngài ẩn khuất ở nơi thế giới Liên Hoa Đài Tạng thì Ngài có mặt ngay nơi thế giới Ta Bà này.

    Một đặc điểm khác nữa của hoa Sen là Hoa nở Sen hiện. Nghĩa là Đức Phật dạy giáo pháp của Ngài, nếu chúng ta quyết tâm hành trì, thì sẽ có an lạc ngay, đó là “Hoa nở Sen hiện”. Tu là có hạnh phúc.

    Hoa Sen có những đặc tính tối ưu như thế, nên trong bài kệ số 58 Kinh Pháp Cú đã ca ngợi rằng:

                               “Từ vũng bùn ô uế,

                                 Vứt bỏ bên lề đường,

                                 Một đóa Sen xuất hiện,

                                 Làm đẹp ý mọi người.

  Cũng giống như hoa Sen, trong Kinh Pháp Cú số 59 Đức Phật lại dạy:

                                  “Từ vũng bùn sinh tử,

                                    Phiền não của thế gian,

                                    Bậc thánh trí xuất hiện,

                                    Làm lợi lạc quần sinh

   Hoa sen là biểu trưng cho sự thanh khiết. Như một bậc tu hành đi vào danh mà không bị danh làm cho ô nhiễm, đi vào trong lợi mà không bị lợi làm ô nhiễm. Vị đó đi vào trong những thứ cám dỗ của cuộc đời mà không bị những thứ đó làm chi phối. Tất cả những thứ ô nhiễm không trói buộc được một vị chân tu, đó là biểu tượng cho hoa Sen. Hoa Sen là vô nhiễm, là không còn mắc kẹt bởi nước, bởi bùn, mặc dù hoa Sen từ bùn, từ nước mà lớn lên và trưởng thành. Cũng như một vị tu hành từ trong những thứ ô nhiễm của cuộc đời mà đạt được sự giải thoát, lìa cuộc đời ô trược này thì không thể tìm được sự giải thoát. Cho nên nói “Phật pháp bất ly thế gian giác”.

    Khi thành đạo dưới cội cây Bồ Đề, đức Phật ngồi trên thảm cỏ, nhưng trong hình vẽ tôn tượng, đức Phật đều ngồi trên tòa sen. Qua biểu tượng đó cho ta thấy hoa sen là tượng trưng cho sự thanh khiết, gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Cho nên, đức Phật vẫn sống trong trần đời đầy dẫy các điều hệ lụy, bất an, bất như ý, mà chẳng cảm thấy phiền não khổ đau! Ngài đã dạy cho chúng ta thấy rõ, tất cả mọi chúng sanh đều có bản tâm thanh tịnh, đều có Phật tánh chơn như, cho nên đều có thể trở thành một vị Phật, nếu biết thực hành pháp môn tu tâm dưỡng tánh.

    Bản tâm thanh tịnh trong kinh sách Phật giáo được gọi với nhiều danh từ khác nhau, chẳng hạn như là: chân ngã, chân tâm, chân tánh, Phật tâm, Phật tánh, bản lai diện mục, v.v.

  • Ý nghĩa về con số 7

    Theo tư tưởng kinh Hoa Nghiêm, toàn thể vũ trụ nhân sinh từ vật nhỏ như vi trần đến vật to lớn như núi Tu Di, tất cả không ngoài con số 7:

- Thất đại: Địa, thủy, hỏa, phong, không, kiến, thức

- Thất thánh tài: Tín, giới, tàm, quý, văn, thí, huệ

- Thất chúng: Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, thức-xoa-ma-na, sa di, sa di ni, ưu bà tắc, ưu bà di.

- Thất Phật: Phật Tỳ-bà-thi, Phật Thi-khí, Phật Tỳ-xá-phù, Phật Câu-lưu-tôn, Phật Câu-na-hàm Mâu-ni, Phật Ca-diếp và Phật Thích-ca.

    Ngoài ra, 37 phẩm trợ đạo cũng chia làm 7 khoa: Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Cần, Tứ Như Ý Túc, Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Bồ Đề Phần Và Bát Chánh Đạo.

    Vậy con số 7 tượng trưng cho sự sinh hóa cả vũ trụ, ngay cả sự sống chết của con người như lập đàn Dược sư thất bảo để cầu an hay tổ chức thất thất trai tuần để cầu siêu cũng dùng đến nó. Vì thế, con số 7 mang ý nghĩa rất quan trọng đối với sự hình thành và phát triển của nhân sinh quan, vũ trụ quan qua tầm nhìn Phật giáo.

  • Ý nghĩa 7 bước chân

   Bồ Tát Tất Đạt Đa khi sanh ra, chân vừa chạm đất liền đi 7 bước.

- Bước thứ nhất: Đi bước chân thứ nhất, nhìn về phương đông, Ngài nói: “Thị Đông phương, vị chúng sanh vi đạo thủ cố”. Nghĩa là nhìn về phương đông, vì chúng sanh làm người thầy dẫn đường tối thượng.

   Phương đông là phương mặt trời mọc để phát ánh sáng đến khắp thế gian. Đây là ẩn dụ cho trí tuệ sáng suốt ở nơi mỗi chúng sanh. Đức Phật khi đản sanh với bổn nguyện khai mở trí tuệ để chúng sanh ngộ nhập tri kiến Phật của chính mình, nên trong kinh Pháp Hoa có nói: “Đức Phật ra đời vì một nhân duyên lớn, khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến”.   

- Bước thứ hai: Đi tiếp bước chân thứ hai, nhìn về phương Nam Ngài nói: “Thị Nam phương, vị chúng sanh tác lương phước điền cố”. Nghĩa là nhìn về phương Nam, vì chúng sanh làm ruộng phước tốt.

   Đức Phật là con người tối tôn tối thượng, nhờ công hạnh tu tập nhiều đời nhiều kiếp nên Ngài có đủ phước đức và trí tuệ, nên được người đời tôn xưng là bậc Đại Giác Lưỡng Túc Tôn. Ngài thấy rằng nếu chỉ có trí tuệ mà thiếu phước đức hoặc có phước đức mà thiếu trí tuệt thì cũng như con chim chỉ có một cánh không thể bay được. Nếu chúng sanh chỉ biết tu huệ mà không tu phước thì khó mà có niềm an lạc nơi thân để tiếp tục tu hành cho đến khi thành đạt được quả vị Phật. Trong quá trình tu tập hạnh Bồ Tát với pháp tu Lục Độ Ba La Mật, Ngài đã thực hành Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục… Trong kinh nói Ngài đã bố thí tất cả cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con thơ, mắt tai mũi lưỡi… đúng với nghĩa là tam luân không tịch thì Ngài mới có đầy đủ phước đức và trí tuệ vô lượng, vô biên để làm ruộng phước an lành cho tất cả chúng sanh gieo hạt giống phước đức.

       - Bước thứ ba: Đi tiếp bước chân thứ ba, nhìn về phương Tây, Ngài nói: “Thị Tây phương, vị chúng sanh dĩ tối hậu thân cố”. Nghĩa là nhìn về phương Tây, vì chúng sanh làm thân cuối cùng vậy.

   Phương Tây là biểu hiện của sự yên nghỉ lặng lẽ. Thân cuối cùng của đức Phật sẽ đi vào Niết Bàn sau khi chánh Pháp đã có người truyền thừa. Tuy hình thể trang nghiêm với 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp đã đi vào cõi vô sanh bất diệt, nhưng những viên ngọc xá lợi vẫn luôn ngời sáng trong lòng của nhân loại để họ gieo phước cúng dường.         

       - Bước thứ tư: Đi tiếp bước chân thứ tư, nhìn về phương Bắc, Ngài nói: “Thị Bắc phương, vị chúng sanh, Ngã đắc A nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề”. Nghĩa là nhìn về phương Bắc, Ngài nói vì chúng sanh mà chứng đắc quả vị Vô Thượng Bồ Đề.

   Trên lộ trình tu hành Bồ Tát đạo, với trí tuệ của mình, Ngài thấy rằng Tâm của Phật và chúng sanh vốn không sai biệt. Tuy nhiên, muốn đạt đến chỗ cứu cánh giải thoát phải dẹp bỏ cái ngã ích kỷ, hẹp hòi để đi đến chân ngã, phải thực hành Lục Độ Ba La Mật rốt ráo như Bồ Tát Địa Tạng là: “Địa ngục vị không thệ bất thành Phật, chúng sanh độ tận phương chứng Bồ Đề ”. Nhưng không dừng lại ở địa vị Bồ Tát mà cần phải tiếp tục hạnh nguyện lợi tha cho đến khi đạt đến Nhứt Thừa Phật Quả mới thôi. Với tình thương vô lượng vô biên, Ngài vì tất cả chúng sanh mà tu hành để đạt đến quả vị Vô Thượng Bồ Đề.

- Bước Thứ năm: Đi tiếp bước chân thứ năm, nhìn về phương dưới, Ngài nói: “Thị Hạ phương, vị chúng sanh nhi hàng phục ma cố”. Nghĩa là nhìn về phương Dưới, vì chúng sanh hàng phục các loài ma.

   Phương dưới là nơi u tối vì ánh sáng của mặt trời không chiếu soi đến được, nên rất đáng sợ. Đây còn dụ cho cõi lòng của chúng sanh đầy rẫy phiền não chướng và sở tri chướng, lại thêm thế lực ngoại ma ở bên ngoài dụ dỗ quá mạnh nên đã che lấp đi trí tuệ quang minh ở tự tâm. Ngài phát nguyện tu hành vì tất chúng sanh mà hàng phục tất cả ma chướng này. Đây là quá trình Bồ Tát tu tập xả bỏ tất cả chấp trước nơi thân tâm và ngoại cảnh, để thành tựu Tứ Vô Lượng Tâm (từ, bi, hỷ, xả). Khi đã thành tựu bốn tâm vô lượng này thì mới có đủ sức mạnh và trí tuệ, để dẹp trừ ma chướng và làm thầy dẫn đường cho tất cả chúng sanh. Cho nên, đức Phật thấy rằng phiền não ở nội tâm và ngoại cảnh là ma chướng làm náo loạn và gây khổ đau cho chúng sanh. Cho nên, sau khi thành Phật, Ngài đã thuyết giảng giáo lý trong suốt thời gian 49 năm, nhằm giúp cho chúng sanh nương theo đó tu tập để diệt trừ các thứ ma phiền não để đạt đến cứu cánh giải thoát.

   Là đệ tử Phật, chúng ta hãy đi theo bước chân của đấng Từ Phụ là quán chiếu vào nội tâm để thấy rõ sự sanh diệt và làm chủ tâm trước khi phiền não dấy khởi. Khi sự quán chiếu được miên mật thì định lực phát sanh, trí tuệ hiển bày. Khi có trí tuệ chúng ta sẽ không bị vướng mắc vào những thứ phiền não ma chướng quấy rối, cuộc sống luôn tự tại và an vui.

       - Bước thứ sáu: Đi tiếp bước chân thứ sáu, nhìn về phương Trên, Ngài nói: “Thị Thượng phương, vị chúng sanh, Quy y thiên nhân cố”. Nghĩa là Nhìn về phương Trên, vì chúng sanh làm nơi nương tựa của trời, người.

    Với trí tuệ sáng ngời Ngài thấy rằng chúng sanh tuy Phát tâm tu hành, dùng trí tuệ Bát Nhã quán chiếu dẹp trừ ma chướng, nhưng nếu không có nơi nương tựa (quy y) cũng giống như đứa con thơ xa rời vòng tay âu yếm của cha mẹ, đời sống sẽ gặp rất nhiều khổ não, tương lai sẽ không biết về đâu?

   Đức Phật đã vì chúng sanh mà hàng phục ma chướng. Nhưng chúng sanh nghiệp chướng không đồng, người thì căn tánh đã thuần thục, kẻ lại mới phát tâm tu. Nếu không có nơi nương tựa và hướng đến, khi những bước chân đã mỏi mệt trên hành trình sanh tử thì đức Từ Phụ sẽ là nơi nương tựa cho họ, tiếp thêm năng lực cho họ, để họ có thêm nghị lực để đi đến thành trì Niết Bàn an lạc. Sự tu hành cũng vậy, có lúc thì phát tâm mạnh mẽ, nhưng cũng có những lúc chán chường mỏi mệt rối bời, do đây mà Ngài làm nơi nương tựa để che chở, dìu dắt chúng sanh, giúp họ hướng đến mục đích giác ngộ giải thoát.

    Không nơi nương tựa nào vững chắc và đáng tin cậy bằng nương tựa vào một người thầy sáng suốt, thấy rõ đường đi trong đêm dài tăm tối vô minh. Lời dạy của đức Phật là tấm bản đồ chỉ đường đi đến đỉnh cao giác ngộ, chư Tăng là những người dấn thân trọn đời đem chánh Pháp của đức Phật truyền bá và chuyển hóa chúng sanh. Đức Phật, Chánh Pháp và chư Tăng là ba ngôi báu, là nơi nương tựa và tin tưởng cho tất cả chúng sanh. Chúng sanh phải biết quy y Tam Bảo và thọ trì năm giới cấm là giữ gìn nhân cách đạo đức căn bản cho chính bản thân và tạo dựng cuộc sống gia đình và Xã hội an lành hạnh phúc. Đây cũng là nền tảng căn bản để đưa chúng sanh tìm về con đường chơn tâm Phật tánh của mình.

       - Bước thứ bảy: Đi bước chân thứ bảy Ngài dừng lại, một tay chỉ trời, một tay chỉ đất, Ngài nói kệ ngôn đầu tiên: “Thiên thượng thiên hạ, Duy Ngã độc tôn. Nhất thiết chúng sanh sanh, lão, bệnh, tử”. Nghĩa là khắp trong thế gian, chỉ mình ta tôn quý. Chúng sanh trên thế gian, đều bị chi phối bởi sự sanh, già, bệnh, chết.

     Chúng sanh vì vô minh vọng chấp nên cứ mãi trôi lăn trong sanh tử luân hồi. Chỉ có đức Phật là người đã giác ngộ, Ngài dùng trí tuệ của mình để quán chiếu và phá trừ mọi phiền não nhiễm ô, tu tập thực hành hạnh lợi tha, đạt đến quả vị Vô Thượng Bồ Đề, thành tựu được chân ngã nên không còn bị sự sanh tử chi phối. Và bất cứ chúng sanh nào khi tu tập đạt giải thoát tối thượng thì đều có thể thành tựu được chân ngã.

    Trong Kinh Thái Tử Thụy Ứng Bổn Khởi quyển thượng có ghi như sau: “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn, tam giới giai khổ hà khả lạc giả.” Nghĩa là: Trên trời dưới trời chỉ có người đạt được chân ngã mới là bậc tối thượng, ba cõi đều khổ, làm sao sướng được?.

     Qua câu nói: "Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn", có nghĩa là trong 6 cõi luân hồi: trời, người, atula, địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh hay nói gọn hơn: trên trời dưới đất, chỉ có chân ngã, tức là bản tâm thanh tịnh là đáng tôn kính. Chính cái ngã độc tôn siêu việt này là viên ngọc vô cùng vi diệu. Đây chính là viên ngọc Phật tánh thường hằng, thanh tịnh bất biến trong mỗi con người mà ngay khi vừa thị hiện, Ngài đã nhận ra được chân lý ấy. Chỉ có cái chân ngã độc tôn này con người xây dựng một cuộc sống thật sự an lạc và giải thoát. Người giác ngộ được điều này, sẽ giải thoát được phiền não khổ đau và ra khỏi sanh tử trong 6 cõi luân hồi, đứng trên tòa sen thứ bảy, tức là an trú nơi cảnh giới Niết bàn: thường, lạc, ngã, tịnh.

    Tuy nhiên, chúng ta thấy có Phật Đản sanh tại vườn Lâm Tỳ Ni và nhập diệt nơi rừng Ta La Song Thọ. Nhưng kỳ thật, sự Đản sanh và nhập diệt của Ngài mà chúng ta thấy chỉ là hóa thân sanh diệt mà thôi, còn pháp thân và báo thân của Ngài thì vẫn tự tại.

    Khi một Đấng Tuệ Giác thành tựu Phật tri kiến rồi, thì không còn mắc kẹt cái tầm thường của chúng sinh nữa. Bởi vậy, Đức Thích Ca Mâu Ni từ cung trời Đâu Suất đã hóa thân thị hiện trong cõi Diêm Phù Đề này và nằm trong bụng Ma Gia phu nhân. Ngài không phải nằm trong bụng mẹ như những thai nhi khác, mà Ngài nằm nơi đó vì đại nguyện, đại trí và đại bi.

    Bởi vậy, Đức Phật xuất hiện và Ngài đi trên bảy hoa Sen là để chứng tỏ rằng, Ngài xuất hiện trên cõi đời này với tâm vô nhiễm, với trí vô nhiễm, với tuệ vô nhiễm. Ngài thương yêu mà vô nhiễm, còn chúng ta thương là nhiễm, chúng ta không thương thì thôi, còn thương là nhiễm, thương là kẹt. Vì ý nghĩa này, mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Ngài xuất hiện trên hoa sen, Ngài ngồi trên hoa Sen, Ngài đứng trên hoa Sen.

        IV. TẦM QUAN TRỌNG CỦA Ý NGHĨA  PHẬT ĐẢN

                 1. Phật khơi mở tuệ giác cho hết thảy chúng sinh

    Tất cả chúng sinh đều có Phật tính, đều có trí tuệ, nhưng trí tuệ đã bị chôn vùi bởi hàng hàng, lớp lớp vô minh. Do đó, sự xuất hiện Đức Phật trong cõi đời này là để khơi mở trí tuệ cho hết thảy chúng sinh, phá trừ màn vô minh, để nhân loại nhận ra được Phật tính ở nơi tự thân của chính mình và Ngài khẳng định rằng: “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”.

   Qua lời khẳng định đó, cho chúng ta thấy là tất cả chúng sanh đều có khả năng thành Phật. Đức Phật nêu cao tinh thần tự lực sẵn có nơi mỗi người, khuyến khích mọi người không nên nương vào tha lực, không nương vào một sức mạnh siêu hình, mà hãy nương vào chính bản thân mình. Cho nên, trong phần cuối các thời kinh tụng của Tịnh Độ tông luôn có câu là “Tự quy y Phật,... Tự quy y Pháp,… Tự quy y Tăng,…”.

     Tự quy y Phật là mình tự trở về với Phật tánh sáng suốt của tâm mình. Tự quy y Pháp là vâng theo Pháp tánh của mình. Trong tâm của mỗi người đều có đủ pháp Từ Bi, Hỷ, Xả, Trí Tuệ, Bình Đẳng, Nhẫn Nhục, Tinh Tấn... Chúng ta cần phát huy những đức tánh ấy. Tự quy y Tăng chính là quay trở về với đức tánh thanh tịnh, hòa hợp của chính mình.

           2. Phật chỉ bày con đường hạnh phúc, an lạc

    Đức Phật ra đời là để chỉ bày cho chúng sanh nhận diện được đâu là con đường hạnh phúc, an lạc và đâu là con đường khổ đau luân hồi; đâu là giá trị cao quý trong cuộc sống của chúng ta. Ngài cũng chỉ cho chúng ta thấy rằng, một đời sống có thể trở thành cao quý khi lời nói, hành động, việc làm của họ được phát xuất từ một tâm hồn cao quý. Nếu lời nói tầm thường, hành động tầm thường, việc làm tầm thường thì có gốc rễ từ nơi một tâm hồn tầm thường.Tâm hồn tầm thường chính là tâm hồn ích kỷ, tham lam, sân si, cố chấp, kiêu ngạo. Lời nói nào phát xuất từ tâm hồn kiêu ngạo, ích kỷ, hẹp hòi... lẽ đương nhiên lời nói đó có khả năng làm phá hoại hết thảy hạnh phúc, an lạc của chúng ta, có khả năng tàn phá hết đời sống cao quý và làm mất hết công đức lành của chúng ta.

    Muốn có được hạnh phúc, an lạc, chúng ta phải nuôi dưỡng tâm hồn Từ, Bi, Hỷ, Xả. Chúng ta muốn sống một đời sống cao thượng mà không biết nuôi dưỡng và phát triển tâm hồn Từ, Bi, Hỷ, Xả, chuyên trì giới, thiền định… thì chúng ta không thể nào có đời sống cao thượng, hạnh phúc và an lạc được.

            3. Tu tập và thành tựu giác ngộ an lạc ngay trong đời sống hiện tại

    Đức Phật ra đời hướng dẫn cho chúng sinh thành tựu được giác ngộ ngay ở trong đời sống của chính mình, ngoài đời sống của chính mình ra không có đời sống giác ngộ nào để cho chúng ta đi tìm kiếm.

    Một người đau khổ tột cùng cũng có thể vươn mình đi đến đời sống hạnh phúc, an lạc nếu người đó biết chuyển hóa. Dù một kẻ rất tầm thường cũng có thể vươn mình đi đến đời sống thánh thiện, cao thượng. Bao nhiêu kẻ bất hiếu với cha mẹ, nhưng khi gặp thầy hiền, bạn tốt, sống trong một khung cảnh dễ thương, họ trở thành một con người hiếu kính, một con người thuần thiện. Điều đó đã chứng tỏ rằng, chúng ta có thể giác ngộ được, nhận ra được cái tính chất cao thượng của chúng ta ngay trong đời sống của mình.

    Ngày xưa, khi Vua A Dục chưa gặp Phật pháp thì ông là một vị vua hết sức tàn ác, ông bất chấp mọi thủ đoạn để đoạt được ngôi vua. Thế mà khi vua A Dục có duyên gặp được một vị Thánh Tăng giáo hóa, thì ông đã chuyển hóa hoàn toàn và trở thành một vị hộ Pháp đắc lực và góp công lao rất lớn trong việc hoằng truyền và xiển dương chánh pháp. Tương tự như câu chuyện vua A Xà Thế cũng vậy…

   Cho nên lời chư Tổ dạy rằng “Bất úy tham sân khởi. Duy khủng tự giác trì”. Nghĩa là:“Không sợ tham sân khởi dậy, mà chỉ sợ mình giác ngộ chậm”. Nếu mình hiểu được đạo, giác ngộ được đạo, thì bao nhiêu xấu xa, bao nhiêu cái tầm thường ở trong đời sống của mình cũng được chuyển hóa thành cái cao thượng, chuyển thành những điều có ý nghĩa.

              4. Sinh khởi tánh Phật trong chúng ta

    Chúng ta làm lễ Đức Phật đản sanh, nghĩa là chúng ta có khả năng làm cho Đức Phật trong ta Đản sanh mỗi ngày. Chúng ta làm lễ kỷ niệm ngày Đản sinh của Đức Phật thì phải cố gắng tu tập để chuyển hóa những điều xấu thành tốt, để Đức Phật trong chúng ta phải ra đời mỗi ngày, chứ không đợi 365 ngày mới đến Chùa làm lễ Đản Sinh. Đạt được như thế thì ta mới có khả năng một ngày nào đó ta sẽ đi những bước vững chãi, trên những đóa hoa sen thanh tịnh và vô nhiễm.

C. KẾT LUẬN

     Lễ kỷ niệm ngày Đản sanh của Đức Từ Phụ là nhằm nhắc nhở những người con của đức Phật hãy nhìn lại những đức tánh cao cả của Ngài để mỗi người chúng ta tự phát huy những đức tánh đó trong tự thân của chính mình. Ngài là kết tinh của muôn ngàn hương hoa Bi, Trí, Dũng; là hiện thân của chân lý giải thoát; là điềm lành cho hết thảy chúng sanh trong tam thiên đại thiên thế giới. Ngài ra đời vì một mục đích trọng đại là chỉ bày cho chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến của chính mình, "vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người".

    Cứ mỗi lần mùa Khánh Đản đến là chúng ta có dịp để nhớ lại những những hạnh nguyện xuất trần của Ngài. Ngài đã trải qua vô lượng kiếp tu hành, thực hiện hạnh nguyện Bồ Tát để độ sanh. Ngài là một bậc vĩ nhân, đã để lại một hình ảnh không bao giờ phai mờ trong lòng những người con Phật khắp năm châu bốn biển. Vì cuộc đời Ngài quá vĩ đại và tuyệt vời, nên từ xưa đến nay, biết bao người đã dùng mọi hình thức văn hóa để ca tụng cái toàn chân, toàn thiện, toàn mỹ của Ngài. Biết bao người đã nguyện noi gương Ngài, quên mình để phụng sự chúng sinh, hy sinh hạnh phúc riêng tư để lo cho hạnh phúc của muôn người.

    Đức Phật xuất hiện trên đời như một sự kiện trọng đại của lịch sử loài người. Ngài giáng sanh tại đất nước Ấn Độ như một vầng dương tỏa rạng, xua đi những bất công của xã hội. Ánh sáng đạo lý của Ngài có sức mạnh xóa bỏ những giai cấp và hàng phục tất cả mọi ngoại đạo tà giáo. Những sứ giả của Như Lai đã mang thông điệp của Đức Phật đi vào cuộc đời, làm cho con người hiểu được bản chất của kiếp sống là vô thường, là đau khổ, từ đó thúc giục con người sớm nương theo lời dạy của Ngài tu hành để được giác ngộ và giải thoát.

Chia sẻ
Phật học liên quan