Tứ Nhiếp Pháp

Cập nhật: 15/10/2022

Trong tất cả các phương tiện giáo hóa khuyến tu của Đức Phật, không một pháp môn nào ngoài mục đích chuyển hóa, thanh tịnh thân tâm và đem đến niềm an vui hạnh phúc cho nhân loại.

Tứ Nhiếp Pháp

A. DẪN NHẬP

Đạo Phật là một trong những Tôn giáo lớn của nhân loại, được tồn tại lâu dài và phổ biến một cách rộng rãi trên thế giới. Ngày nay, càng có nhiều cá nhân, tập thể, quốc gia tu theo đạo Phật. Ngay cả các nhà trí thức nổi tiếng, các nhà lãnh đạo tinh thần của nhân loại, cho đến các nhà bác học, khoa học trên thế giới đều ngưỡng mộ, quy hướng, kính phục. Bởi đạo Phật là đạo sự thật, phù hợp với chân lý, là đạo trí tuệ, đạo giải thoát và đặc biệt là đạo từ bi. Nghĩa là đạo có tình yêu thương rộng lớn, bao trùm khắp cả thiên hạ, vạn loài chúng sinh.

Trong tất cả các phương tiện giáo hóa khuyến tu của Đức Phật, không một pháp môn nào ngoài mục đích chuyển hóa, thanh tịnh thân tâm và đem đến niềm an vui hạnh phúc cho nhân loại. Ngài dạy rằng: “Trong cõi trần thế đầy dẫy những ngã chấp, ích kỷ và bất công này, không có gì quý đẹp thanh cao cho bằng sự hy sinh tất cả để trau dồi đời mình thật trong sạch, hầu mang lại hạnh phúc an lạc cho tha nhân”. Từ nền tảng này, hàng đệ tử của Ngài, trải qua các thế hệ, đã khéo léo vận dụng nhiều phương tiện quyền xảo độ sanh, và “Tứ Nhiếp Pháp” là một trong những phương pháp có hiệu quả và thành công trong việc thực hành lợi tha.

Do đó, khi nói đến đạo Phật là nói đến cả một hệ thống giáo lý uyên thâm đồ sộ, và một trong những phương pháp tu tập thu phục lòng người, hay nói cách khác là một trong những điều đem lại lợi ích an vui cho mình, cho người một cách tích cực, hiệu quả nhất đó là thực hành “Tứ Nhiếp Pháp”. Đây là pháp tu căn bản của hàng Bồ Tát nhằm cảm hóa lòng người, giúp cho con người có được cuộc sống hạnh phúc yên vui và hướng đến quả vị giác ngộ giải thoát.

“Cuộc sống cần vui xin nguyện làm chim hót

Sỏi đá khô cằn xin chuyển hóa màu xanh

Nguyện làm hoa khi vườn lá trơ cành

Làm đuốc sáng khi đêm dài tăm tối.”

B. NỘI DUNG

          I. TỨ NHIẾP PHÁP LÀ GÌ?

Tứ: là bốn; Nhiếp: là nhiếp phục, cảm hoá lòng người; Pháp: là phương pháp, là toàn bộ lời dạy của Đức Phật.

Vậy, Tứ Nhiếp Pháp: là bốn phương pháp để cảm hóa được lòng người, thâu phục được nhân tâm. Đó là:

1. Bố thí nhiếp

2. Ái ngữ nhiếp

3. Lợi hành nhiếp

4. Đồng sự nhiếp

          Đây là bốn phương pháp thực hành lợi tha để cảm hoá lòng người. Theo các kinh luận Tiểu Thừa thì giá trị của Tứ Nhiếp Pháp chỉ được giới hạn trong phạm trù nhân quả, Nhân Thiên cho cả tại gia và xuất gia mà thôi. Nhưng theo kinh luận Đại thừa thì giá trị của Tứ Nhiếp Pháp được nâng cao hơn trong việc thực hành Bồ-tát đạo để đạt đến giác hạnh viên mãn của các hàng Bồ-tát, nên tự thân giá trị của nó phải được đặt nặng trong việc lợi tha vô điều kiện dành cho cả hai hàng Bồ-tát xuất gia cùng tại gia.

          II. HÀNH TƯỚNG CỦA TỨ NHIẾP PHÁP

1. BỐ THÍ NHIẾP        

Trong hạnh Bồ tát, sở dĩ Bố thí được đặt lên hàng đầu, bởi vì trước khi muốn trải lòng thương đến tất cả chúng sanh, thì hành giả phải xả bỏ tâm tham lam, ích kỷ để thực hành hạnh Bố thí. Đây là phương pháp hữu hiệu nhất trong việc thực hành lợi tha.

          Vậy Bố thí nhiếp là gì?

Bố nghĩa là ban bố, cùng khắp; Thí là cho, là trao tặng. Bố thí là cho cùng khắp, cho tất cả mọi vật, mọi nơi. Như vậy, Bố thí nhiếp: nghĩa là nhiếp hóa chúng sanh bằng cách Bố thí. Chính do sự bố thí này mà mình cảm phục được người xung quanh, để họ gần gũi quý mến mình và mong cầu học đạo giải thoát. Đây là Bố thí có mục đích khác hẳn với Bố thí Ba la mật.

Hay nói khác hơn, Bố thí là đem cho bất cứ cái gì mình có và cái đó chúng sinh cần, sự đem cho đó xuất phát từ tình thương, được thúc đẩy bởi tâm từ bi và hạnh nguyện cứu độ. Mục đích của sự đem cho là thương nỗi khổ đau của chúng sinh, muốn cho họ thoát khỏi sự thiếu thốn, lo âu và sợ hãi, cũng là tạo điều kiện cho họ vào đạo giải thoát.

Thông thường, Người đời ai cũng tham muốn, muốn có thêm, có thêm nữa, có rồi lo cất giữ, sợ mất, không thích cho ai, dù đó là thân bằng quyến thuộc, nói chi đến người ngoài xã hội. Vậy mà Bồ tát đem cho hết: “Tất cả chúng sinh, ai ưa muốn gì, Ta đều cho hết, y phục thức ăn, của cải tài sản, đất nước vợ con, đầu mắt tủy não, máu huyết cơ thể; không kể sang hèn, phú quý bần tiện, hễ ai cần gì, xin gì cho nấy, khiến cho đầy đủ, chỉ trừ những thứ, sắc dục bất tịnh, thuốc độc hại người, thì không cho thôi” (Kinh Đại Bát Niết Bàn). Sự đem cho này, khiến chúng sinh cảm mến, rồi đến với đạo. Chúng sinh một khi đến được với đạo, mà nói đơn giản là biết trở về nương tựa Tam Bảo, là ngàn đời thoát khỏi sự khổ đau, thiếu thốn và sợ hãi.

Hành giả tu tập là chỉ muốn mỗi ngày tăng trưởng thêm thiện pháp và phát khởi từ tâm đối với chúng sanh, nên phương pháp bố thí là điều rất cần thiết cho công hạnh này. Cho nên trong Luận Đại Trí Độ nói: “Bố thí là kho tàng phước báu, là nền tảng của các thiện pháp, là con đường thanh tịnh của các bậc Thánh Tăng đã đi qua”.

Sự cho cũng có nhiều cách, không nhất thiết phải đem của cải ra mới gọi là cho. Chẳng hạn, không sát sanh, mà lại phóng sanh cũng là một cách cho, là bố thí sự sống. Không gian tham trộm cắp cũng là một cách cho. Người Phật tử luôn nghĩ rằng mình không có gì cho người ta thì thôi, đừng lấy của họ. Luôn hoan hỷ là một cách cho, cho niềm vui, cho nụ cười. Một lời thăm hỏi cũng là một cách cho, cho sự quan tâm, chăm sóc… Nói chung, mỗi chúng ta vô cùng giàu có, và ta có thể cho bớt người khác, chia sẻ với người khác bất cứ lúc nào họ cần.

          Thông thường hàng phàm phu bố thí để mong cầu danh tiếng và lợi dưỡng, hàng Thanh Văn bố thí là diệt trừ tâm chấp ngã và ngã sở, tận diệt lòng tham lam, ích kỷ hẹp hòi, còn hàng Bồ Tát bố thí vì lòng từ bi khi thấy chúng sanh khổ đau, thiếu thốn và sợ hãi. Khi bố thí phải có đầy đủ 3 yếu tố:

           -  Người thí

           -  Vật thí

           -  Người nhận thí, thì chúng ta mới hoàn thành hạnh nguyện bố thí.

- Ví dụ: Có người cầm trong tay một món đồ muốn cho mà không có ai nhận thì không có sự bố thí. Có món đồ mà không có người cho và người nhận thì cũng không có sự bố thí. Có người sẵn sàng nhận đồ mà không có ai cho thì cũng không có sự bố thí.

Bố thí có 3 phương diện: Tài Thí, Pháp Thí và Vô Uý Thí.

1. Tài Thí: là đem những tài sản của cải của mình ra giúp đỡ người khác. Người thiếu thốn vật chất thì mình cho vật chất, kẻ thiếu thốn tinh thần thì mình cho tinh thần. Dù nhiều dù ít, hễ có người cần, mình đều có thể đem chia sẽ bớt. Cho nhiều, cho ít không quan trọng lắm, mà quan trọng là thái độ cho. Phải cho bằng tất cả tấm lòng thương yêu, tôn trọng, kính mến.

Tài thí có 2 phần:

- Nội tài: Là một trong những thân phần bên trong cơ thể của mình, như sức lực, máu thịt…như cho quả thận, hiến máu nhân đạo, hoặc hiến xác cho y học… Như tiền kiếp của Đức Phật Ngài đã bố thí cả vợ con và tay chân của Ngài chỉ vì lợi ích cho chúng sanh. Ngày nay, chúng ta cũng thấy có nhiều người có tấm lòng tốt, dám hy sinh thân mạng mình để cứu người khác, như một em học sinh nhảy xuống nước để cứu những em khác đang bị dòng nước cuốn trôi…..Tuy nhiên, khi bố thí, chúng ta phải cho những gì mà người khác cần thì việc bố thí mới có ý nghĩa. 

- Ngoại tài: là đem tài sản ngoài bản thân mình như nhà cửa, ruộng vườn, cơm cháo, thuốc chữa bệnh, tiền của.v.v... để cứu giúp người qua cơn hoạn nạn. Nhưng trong sự bố thí, ngoài lòng từ bi, chúng ta còn phải có trí tuệ. Nếu chúng ta không nhìn nhận thấu đấu, mà vội vàng bỏ tiền ra giúp người một cách mù quáng, như giúp người nghiện hút, bài bạc, rượu chè… thì vô tình chúng ta càng làm hại cho họ. Mỗi người Phật tử phải là một chiến sĩ trong mặt trận đạo đức, chống lại những tệ nạn, những cái xấu ác, làm trong sạch hóa xã hội. Đó là đem đến lợi ích cho mình, cho người và cho xã hội.

Nếu bố thí mà không có trí tuệ thì sự bố thí đó đưa đến khổ đau. Khi cho thì phải biết người đó có nhu cầu không, hoặc có đưa đến kết quả tốt đẹp không? Cho nên từ bi phải đi đôi với trí tuệ, từ bi mà không có trí tuệ chỉ là lòng thương hại mà thôi.

2. Pháp Thí: Ngoài việc giúp đỡ cho người về vật chất, đức Phật dạy chúng ta cần phải biết bố thí Pháp. Bởi vì, khi chúng ta bố thí về tài vật chỉ có thể giúp họ an lạc, đầy đủ trong khoảng một bữa ăn, một tháng, một năm hay cả một đời đi chăng nữa, rồi họ lại bị sanh tử luân hồi triền miên. Còn bố thí Pháp, chúng ta có thể giúp họ an lành nhiều hơn, chẳng những trong đời này mà cả những đời sau cũng được an vui, hạnh phúc. Bố thí Pháp cũng có 2 phần: pháp thế gian và pháp xuất thế gian.

- Pháp thế gian: là dạy những nghề nghiệp, những khả năng, những kinh nghiệm hiểu biết của chính mình, để nâng cao trình độ thăng tiến cho người, và mở mang trí tuệ cho người.

- Pháp xuất thế gian: Là giảng kinh, thuyết pháp, truyền bá giáo lý, ấn tống kinh điển, khuyến hóa mọi người dứt ác làm lành, ăn chay, bố thí.v.v.

Là một hoằng pháp viên, chúng ta không nên viện cớ mình còn kém Phật pháp mà không làm công việc thí pháp. Chúng ta nên tận dụng cơ hội, miễn là có nhân duyên thì nên hành pháp thí, để mọi người hướng về với chánh đạo. Thí pháp càng lan rộng, thì người có xu hướng về với Phật pháp càng nhiều và cõi đời càng bớt đau khổ.

Pháp thí quan trọng hơn tài thí như thế nào?

Trong kinh Kim Quang Minh Tối Thắng vương, quyển ba, phẩm Diệt Nghiệp Chướng, Phật dạy pháp thí có năm điều thù thắngNhững gì là năm? – Một là, pháp thí gồm cả lợi mình, lợi người, còn tài thí không được như thế. Hai là, pháp thí hay khiến chúng sanh ra khỏi ba cõi, còn phước tài thí chẳng ra khỏi cõi dục. Ba là, pháp thí làm pháp thân thanh tịnh, còn tài thí chỉ tăng trưởng sắc thân. Bốn là, pháp thí thì vô cùng, còn tài thí có cùng tận. Năm là, pháp thí dứt được vô minh, còn tài thí chỉ khuất phục được tham ái.

Kinh Duy Ma nói: “Luận về bố thí, không có sự bố thí nào lớn hơn bố thí pháp”. Kinh Tăng Nhất A Hàm cũng nói: “Trên hết trong bố thí, không gì hơn pháp thí”. Vì sao? Bởi chỉ có Phật pháp mới đưa chúng sinh thoát khỏi khổ đau sinh tử luân hồi.

Rõ ràng công đức pháp thí vô lượng vô biên, tài thí không thể so sánh nổi. Và cách thí pháp hay nhất là tự mình ứng dụng Phật pháp vào trong cuộc sống hằng ngày, tức là tự mình tu tập làm gương cho mọi người noi theo. Khi mình tu tập giỏi, thì năng lượng từ bi, an lạc, giải thoát sẽ tỏa ra, khiến những người chung quanh sanh tâm cảm mến mà theo ta học đạo. Hành động về thân giáo là bài pháp sống động nhất không thể thiếu được đối với những người bố thí pháp.

Một người nói pháp cho người khác hiểu biết đạo lý, họ theo đó tu hành, cuộc đời họ được chuyển hóa, tâm được thăng hoa, đời sống được cải thiện, đau khổ sẽ giảm bớt.

          3. Vô úy thí: trong cuộc sống, con người luôn trải qua những cuộc bể dâu nên họ thường hay sợ sệt và lo âu. Con người có nhiều thứ để sợ, họ có cái gì thì sợ cái đó. Như Có tiền của sợ mất tiền của, có danh lợi sợ mất danh lợi.v.v… Cho nên, một nhà hiền triết Tây Phương, Ông ta nói rằng: “Tôi luôn sống trong lo sợ và chết trong hoài nghi”.

Thực tế hằng ngày, chúng ta đang sống trong hoàn cảnh rất nhiều điều sợ hải, nhưng cái sợ lớn nhất là sanh tử luân hồi. Chỉ bằng cách hướng người ta quay về quy y Tam Bảo, quay về với thiện pháp. Vì Đức Phật nói quy y Tam Bảo rồi, thì không còn đoạ vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, nên không còn sợ chết.

Vô úy thí có ba:

Tâm vô úy thí: Do không sát sanh nên tâm từ bi trang trải đến mọi người, được thể hiện rõ qua gương mặt của người đó, mỗi khi chúng ta trông thấy đều vui mừng, không sợ hãi. Trong kinh Từ Bi có nói: “Do tâm từ trang trải khắp chúng sanh, nên chúng sanh được an vui hạnh phúc, giải thoát mọi khổ đau

Thế vô úy thí: Vận dụng khả năng, thế lực của mình để bênh vực che chở cho những người sức yếu, hoặc những người bị đàn áp bất công….Tục ngữ Việt Nam có câu:

“Kiến nghĩa bất vi vô dũng giả

Lâm nguy bất cứu mạc anh hùng”

Nghĩa là thấy điều nghĩa mà không làm thì không phải người dũng, thấy người khác bị lâm nguy mà không ra tay cứu giúp thì không phải là bậc anh hùng.

Cảnh vô úy thí: Đứng trước mọi hoàn cảnh giao động, hoang mang, mất bình tĩnh…mình phải có bổn phận trấn an, làm cho họ được an ổn, không lo sợ.

4. Tuỳ hỷ thí: (đối trị lòng đố kỵ) Chỉ nằm trong Phật giáo phát triển. Tùy hỷ là vui theo, vui với cái vui của người khác bằng tấm lòng chân thành đồng cảm của mình. Ở đời có biết bao người thối thất thiện tâm và đau khổ chỉ vì lòng ích kỷ, đố kỵ của người xung quanh. Khi người khác bố thí hành thiện, ta nở một nụ cười hoan hỷ để khích lệ, tán thán và đồng cảm, sẻ chia với họ, giúp họ thêm động lực, tự tin để tiếp tục hành thiện. Trong kinh Tứ Thập Nhị Chương đức Phật dạy rất rõ: Một người phát tâm tùy hỷ sẽ có phước đức ngang bằng với người bố thí.

Trong kinh Bảo Tích, phẩm Văn Thù Sư Lợi Thọ Ký, Phật dạy: “Này Xá lợi Phất, Bồ Tát thấy người được lợi ích sanh lòng tùy hỷ có 4 điều lợi ích:

1. Thường sanh tâm này, tôi nhiếp chúng sanh phải cho họ được lợi lạc.

2. Nay họ được lợi lạc nên tôi sanh lòng vui mừng.

3. Chỗ ở có tài vật, vua quan giặc cướp, nước, la đều chẳng xâm đoạt được.

4. Tùy sanh xứ nào, của báu và các con thảy đều đầy đủ, vua còn chẳng đố kỵ huống là người khác.

Qua đó cho chúng ta thấy rằng, phước đức nhiều hay ít là tùy vào tâm lượng của hành giả chứ không phải căn cứ vào vật chất.

Ngoài các hình thức bố thí trên, còn có đỉnh cao của sự bố thí là “Bố thí ba la mật”, còn gọi là “Tam luân không tịch” Đó là:

- Không thấy mình bố thí,

- Không thấy người nhận bố thí,

- Không thấy vật bố thí.

Qua Bố thí nhiếp cho chúng ta thấy rằng, đức Đạo sư dạy cho mọi người biết được thế nào là cách để nhiếp phục người khác để đưa họ vào đạo qua phương pháp Bố thí từ thấp lên cao, từ hữu lậu đến vô lậu. Tùy thuộc vào căn tánh và những nhu cầu cần thiết của chúng sanh mà dùng những phương pháp bố thí để đưa họ vào đạo.

Như vậy, phương pháp bố thí này là đoạn trừ xan tham, khi tâm tham không còn thì ngay nơi đó có ái ngữ.

2. ÁI NGỮ NHIẾP

Ái ngữ nhiếp là nhiếp hóa chúng sanh bằng lời nói chân thật, thanh nhã, dịu dàng. Tùy theo căn tánh của chúng sanh mà dùng lời hay ý đẹp để khôn khéo nói năng, an ủi, khuyên lơn, nhân đó khiến cho họ sinh lòng thân mến, cảm phục, rồi từ đó họ mới theo ta học đạo.

Trong cuộc sống hằng ngày, ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp rất quan trọng của con người. Nhưng khi sử dụng ngôn ngữ, người ta không chỉ thuần tuý chuyển tải thông tin khách quan mà còn nhằm tác động vào đối tượng, chinh phục đối tượng hoặc thể hiện sự đánh giá tình cảm của mình... Ngôn ngữ có sức mạnh thật diệu kì. Ngôn ngữ hay lời nói có thể làm cho con người gắn bó, gần gũi, thương yêu nhau hơn, như ông bà ta có câu: “Lời nói nên vợ nên chồng”. Và lời nói cũng có thể làm cho người khác dằn vặt, đau đớn, cách xa nhau, khó hàn gắn được như câu nói: “Lời nói đau hơn roi vọt” hay “Món ngon nhớ lâu, lời đau nhớ đời”. Lời nói cũng có thể đem đến hoà bình hay gây nên chiến tranh: “Khẩu thiệt đại can qua” mà cũng có khả năng làm “sóng yên biển lặng” v.v… Cho nên, người xưa có câu: “Nhất ngôn khả dĩ hưng bang, nhất ngôn khả dĩ táng bang”. Nghĩa là một lời nói có thể đem lại sự hưng thạnh cho đất nước và cũng một lời nói mà tan nhà mất nước.

Chính vì tầm quan trọng của lời nói như thế nên mọi người khi muốn bày tỏ ý kiến, tình cảm của mình với người chung quanh đều dùng những lời hay ý đẹp để san sẻ với nhau. Một người có nỗi buồn muốn thổ lộ, phải dùng lời nói; người có niềm vui muốn san sẻ, cũng phải dùng lời nói cho người khác cảm thông. Nhưng dù vui hay buồn, cũng phải biết cách sử dụng lời nói làm sao để ai nghe cũng mát lòng đẹp ý. Tục ngữ có câu: “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.

Cho nên trong kinh A Hàm, đức Phật dạy: “Này các Tỳ kheo! có ba lọai lời nói: Một là nói như phân; hai là nói như hoa; ba là nói như mật.

Thế nào là nói như phân? – Này các Tỳ kheo! Hạng người nói không đúng sự thật, nói dối trá, nói hai lưỡi, nói thêu dệt, nói ác ngữ. Đây là hạng người nói như phân.

Và này, các Tỳ kheo! Thế nào là nói như hoa? Hạng người nói đúng sự thật, không dối trá, không nói hai lưỡi, không nói thêu dệt, không nói ác ngữ. Đây là hạng người nói như hoa.

Và này, các Tỳ kheo! Thế nào là nói như mật? – Hạng người không những nói đúng sự thật, không dối trá, không nói hai lưỡi, không nói thêu dệt, không nói ác ngữ, mà còn luôn luôn nói những lời lợi ích, nói những lời không hại, nói những lời hướng thiện, tai ưa nghe, khả ái, đi thẳng đến tâm, lễ độ, được nhiều người ưa thích, thích ý. Đây là hạng người nói như mật”.

Đức Phật ví người nói như phân là trong cơ thể, chất hạ tiện nhất, bẩn thỉu nhất là phân. Khi một người nói ra những lời ấy, người khác cũng nhờm gớm, không muốn nhìn, không muốn gần, như đối với phân vậy.

Nói như hoa là lời nói ra khiến người chung quanh muốn gần gũi, yêu mến, vì hoa vừa có màu sắc vừa có hương thơm, khiến người thích nhìn ngắm, thưởng thức.

Hạng người thứ ba đặc biệt hơn cả, họ đã thành tựu được chánh ngữ và sử dụng chánh ngữ để làm lợi ích cho người khác, giúp người khác đi vào chánh đạo, thăng hoa trong cuộc sống. Đức Phật ví hạng người này như mật, vì ngoài hương vị thơm ngon và ngọt ngào, mật còn có tác dụng trị liệu. Hạng người nói như mật, không những dùng ái ngữ khiến người khác cảm mến muốn gần, mà lời nói của họ khiến người khác bớt khổ, dứt phiền não, điều trị được tâm bệnh cho người.

Vậy ái ngữ nhiếp cũng quan trọng không kém gì Bố thí nhiếp. Ở đây, chúng có những giá trị thuộc tính ý nghĩa của chúng, mà qua đó lời nói được coi như là một công cụ có công năng thu nhiếp mọi người quay về chánh đạo qua phương cách biết sử dụng ngôn ngữ, lời nói làm sao cho thích hợp với tâm lý mọi người, có nghĩa là lời nói không đi ngược lại tình cảm lợi ích của mọi người, thì lời nói đó có tính cách thuyết phục lớn.

Chúng ta thực hành được ái ngữ nhiếp là đã tăng trưởng tâm từ bi của chính mình. Thực hành được ái ngữ là chúng ta dẹp được tâm sân hận, tâm ganh ghét, tâm đố kỵ, tâm ganh tị, tâm hiềm khích, tâm tật đố, tâm hơn thua… Thực hành được ái ngữ là chúng ta tu tập theo hạnh nguyện Đại từ Đại bi của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, tầm thinh cứu khổ chúng sanh. Chúng sanh đau khổ vì những lời nói của nhau. Thực hành được ái ngữ là đem lại an lạc và hạnh phúc cho mọi người chung quanh, đem nước cam lồ trong bình thanh tịnh của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, rưới vào những tâm hồn đang nhiệt não, rót vào tai những người đang phiền muộn những âm thanh dịu dàng, êm ái, có công năng chuyển hóa tâm hồn những con người đang khổ não thành tâm hồn an vui, tự tại. Đó chính là chúng ta đang tiến trên con đường chân thiện mỹ, và đem đến an lạc giải thoát cho mình và tất cả mọi người. Cổ đức đã từng ca ngợi những người biết nói lời ái ngữ như là:

“Miệng ta là đóa hoa sen,

Một khi hé nở một phen thơm lừng.

Tiếng ta là gió mùa xuân,

Một cơn thổi nhẹ muôn dân mát lòng”.

Lời nói có một sức mạnh vô cùng. Sự sống và cái chết nằm ở nơi miệng lưỡi chúng ta. Một lời động viên khích lệ cho người khác đang bế tắc, có thể giúp người ấy vượt qua những khó khăn và vương lên trong cuộc sống. Nhưng cũng một lời nói có thể giết chết mạng người trong cơn tuyệt vọng.

Tục Ngữ có câu:

“Kim vàng ai nở uốn câu

Người khôn ai nỡ nói nhau nặng lời”

          Thật vậy! Lời nói là của báu mà mọi người đều có. Nhưng ở đời phần nhiều, người ta cứ ỷ thế, cậy quyền nên nói không tao nhã, khiến cho người nghe đau khổ và sanh tâm chán ghét. Ái ngữ nhiếp là dùng lời nói mềm mỏng dịu dàng, gây được cảm tình với người khác; và từ đó, hướng dẫn họ tu tập theo chánh pháp.

Nếu đôi mắt được xem là cửa sổ của tâm hồn, thì ngôn ngữ chính là chỗ biểu hiện của tâm hồn ấy. Bởi vì, lời nói của một người có thể biểu hiện được tư cách, trí tuệ, đạo đức và đời sống nội tâm của người đó.

Lời nói cũng là phương tiện để diễn đạt chân lý. Vậy chúng ta muốn cảm hóa, dẫn dắt mọi người xung quanh về con đường chánh, trước tiên phải nói thanh nhã, nhẹ nhàng, phù hợp với căn cơ và hoàn cảnh, mới có thể xoa dịu vết thương lòng, khiến họ vô cùng cảm kích nhớ mãi trong tâm, thì mới cảm hoá được họ.

Quan trọng hơn, lời nói phát ra vì lòng từ, vì tình thương, luôn mong muốn cho người được an lành, lợi lạc. Cho nên, những ai biết nói đúng lúc, đúng với sự thật, nhu hòa, lợi ích và từ ái thì chắc chắn người này gặt hái được nhiều an vui, hạnh phúc.

3. LỢI HÀNH NHIẾP

Là làm lợi ích cho người bằng lời nói, ý nghĩ hay hành động. Mình không sống ích kỉ cho riêng mình, mà hãy sống cho tất cả mọi người, khiến cho người ta sinh lòng thân mến mà theo ta học đạo. Ta sẵn sàng bao dung, rộng lượng, tha thứ cho mọi người, nếu người mà không có tấm lòng bao dung độ lượng quan tâm đến người khác thì người đó sẽ không có cách sống tốt đẹp an vui.

Vì một trái tim không thù hận

Là một trái tim biết cảm hoá, biết bao dung

Là một trái tim trọn lành, một trái tim cao thượng

Đó là một trái tim biết nói lời yêu thương.

Trong Kinh Phổ Hiền nói: “phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật, trang nghiêm thế gian là trang nghiêm Tịnh Độ của Chư Phật”.

Cái gương sáng nhất về phương diện lợi hành là Ngài Trì Ðịa Bồ Tát. Suốt đời, Ngài thường gánh đất đắp đường, ban cho bằng phẳng, hoặc bắc cầu để cho khách bộ hành đi lại được dễ dàng tiện lợi. Ngài thay người già gánh nặng, đẩy giúp cỗ xe lên dốc cao, chèo giúp cho người lái thuyền ngược nước...

Sách thiền kể lại, nhiều vị Thiền sư dùng y thuật điều trị bệnh cho người; sau khi lành bệnh mới đưa họ về với chánh pháp. Như thế Y-phương-minh là một trong ngũ minh, phương tiện hành đạo của Bồ tát, cũng thuộc Lợi Hành Nhiếp. Hiện nay, có rất nhiều tổ chức y tế phục vụ bệnh nhân nghèo vô điều kiện, như các bệnh viện miễn phí, các tổ phẫu thuật đem lại ánh sáng và nụ cười cho những người mù và dị tật sứt môi. Tất cả cũng nhằm mục đích đem lại sức khỏe cho con người. Những công việc lành ấy sẽ cảm hóa lòng người và hướng họ trở về con đường giải thoát của đạo Phật. Đó là việc âm thầm làm phước của các bậc Bồ tát.

Chúng ta có thể thường xuyên giúp đỡ, khuyên răn mọi người bỏ ác làm lành, cùng nhau sống hòa hợp và quan tâm lẫn nhau. Việc giúp đỡ người khác chính là biểu hiện lòng thương yêu, sự mong muốn giảm nhẹ những khó khăn cho họ. Vì thế, qua việc giúp đỡ người khác mà chúng ta có thể tự rèn luyện và phát triển tâm từ bi của mình. Nhưng giúp đỡ người, làm lợi cho người thì không gì bằng chỉ bày cho họ biết điều hay lẽ phải, biết con đường chân chánh để đi theo. Vì thế, lợi hành không có nghĩa là tùy tiện ủng hộ, giúp đỡ hết thảy mọi việc làm của người khác mà quan trọng nhất là phải biết làm sao để dần dần đưa họ vào con đường hướng thượng … Ý nghĩa thu phục lòng người của Lợi Hành Nhiếp luôn đúng trong mọi trường hợp là như vậy.

Lợi hành có hai loại:

1. Lợi hành trong công việc vật chất: Chia sẻ những gì mình có thể chia sẻ được qua tài vật của mình.

2. Lợi hành trong công việc tinh thần: Chia sẻ kiến thức Ðạo học, kinh nghiệm tu tập mà mình đã thành tựu được.

Tuy nhiên, khi chúng ta làm lợi hành cũng luôn tùy thuộc vào đối tượng để làm lợi trên hai phương diện: Đó là tập thiện nhiếp và ly ác nhiếp.

1. Tập thiện nhiếp: là phương pháp nhiếp phục đối với những người hiền thiện, tập cho họ làm các điều lành. Với những người chưa từng làm điều thiện, hành giả sẽ dùng phương tiện gần gũi, tùy thuận với họ, rồi tìm những cơ hội thuận tiện, thích hợp để khuyên dạy, khuyến khích họ phát tâm làm việc thiện. Nếu người biết làm thiện rồi thì chúng ta khích lệ, tán than, để cho họ tăng trưởng thêm điều thiện đó. Nhờ làm điều thiện nên người ấy có thể đạt được nhiều an vui, hạnh phúc trong đời sống.

2. Ly ác nhiếp: là phương pháp nhiếp phục đối với những người đã đi nhầm vào đường ác, nghĩa là làm cho họ phải rời xa, lìa bỏ những việc không tốt đã làm.

Có hai cách để làm được điều này:

- Một là, dùng những lời lẽ chân thật, đúng đắn để chỉ trích, quở trách hoặc dùng các biện pháp trừng phạt, nghiêm trị, làm cho họ phải nhận thấy rõ lỗi lầm mà hối cải.

- Hai là, dùng sự uy dũng, mạnh mẽ của mình để khuất phục những kẻ ngang ngạnh, cứng rắn, buộc họ phải lìa bỏ việc ác không dám tái phạm.

Người vận dụng Ly ác nhiếp phải có đủ sự hiểu biết & sức mạnh để khuất phục làm cho họ không thể chống lại được. Sau khi lìa bỏ những việc không tốt đã làm, những người ấy sẽ đạt được đời sống an ổn & hạnh phúc hơn, do đó mà họ nảy sinh sự tin phục, kính trọng đối với người đã giúp mình .

Tập Thiện nhiếp & Ly Ác nhiếp đều nhắm đến cùng một mục đích là khuyến thiện trừ ác, nhưng vận dụng cách nào là tùy thuộc vào đối tượng, có nhiều trường hợp cần phải vận dụng cả hai.

Qua Lợi hành nhiếp cho chúng ta thấy, đối với Bồ-tát muốn hoàn thành tuệ giác vô thượng của mình thì việc tự lợi cá nhân trong tu tập giải thoát mới chỉ là một nửa chặn đường đi đến giải thoát mà thôi. Ở đây, Bồ-tát muốn hoàn thành sở nguyện của mình một cách rốt ráo, thì việc thực hành lợi tha là điều rất quan trọng. Như vậy, khi thực hành pháp lợi hành, thì hành giả phải làm với tâm vô tham, vô sân, vô si. Đồng thời, đây cũng là phương pháp để hành giả tiếp tục thực hành hạnh nguyện đồng sự nhiếp. 

4. ĐỒNG SỰ NHIẾP

Đồng sự nhiếp là sống nhịp nhàng, hòa mình vào đời sống của chúng sanh, rồi tùy duyên mà hóa độ họ. Hay nói khác hơn, là nhiếp hóa chúng sanh bằng cách đồng cam cộng khổ với họ. Cuộc sống hòa mình, cùng chung buồn, vui, sướng, khổ với người là một nghệ thuật đắc nhân tâm. Nhưng muốn hòa đồng như thế, chúng ta phải có lối sống, có phong cách, có ngôn ngữ gần giống người mà mình muốn nhiếp phục. Đối với nông dân, chúng ta phải lam lũ, tay lấm chân bùn, ăn nói bình dân như họ. Đối với hạng trí thức, chúng ta cũng phải có văn hóa trình độ, phong cách tao nhã tương tự như thế. Cũng như trong kinh Pháp Hoa phẩm Tín giải, có ví dụ ông trưởng giả giàu có muốn gần gủi con mình, nhưng sợ con không hiểu mà xa lánh ông, nên ông giả làm người hốt phân để có cơ hội đến gần gả Cùng Tử, rồi từ từ dùng phương tiện để đưa con quay về với mình.

Ðồng sự nhiếp, là một phương pháp có hiệu quả nhất để nhiếp hóa người chung quanh quay về con đường đạo. Với đồng sự nhiếp, ta có thể giúp đỡ một cách thiết thực và thường xuyên cho những người cùng sống trong một hoàn cảnh, một nghề nghiệp với ta, nên ta thấu rõ những hoài bão, tâm trạng, nhu cầu của họ; nhờ thế ta có thể giúp ích cho họ một cách có hiệu quả hơn. Ta trở thành một cột trụ chính cho họ nương tựa; vì thế, ta có thể nhiếp hóa họ dễ dàng, tốt đẹp hơn. Chúng ta thấy, dù ở bất cứ nơi nào, hễ có một Phật tử chân chính, thuần thành, gương mẫu, thì ở nơi đó số người theo Phật càng ngày càng đông, càng mạnh.

Đồng Sự nhiếp được chia ra thành hai loại là Đồng Khổ Sự nhiếp & Đồng Lạc Sự nhiếp.

- Đồng khổ sự nhiếp: là cùng người khác trải qua gian nan hoạn nạn, khó khăn khổ nhọc, nhờ đó mà lấy sự chân thành chia sẻ, an ủi động viên, giúp sức cho họ vượt qua khó khăn, nhờ đó mà tạo được sự cảm mến, tin phục.

- Đồng lạc sự nhiếp: là cùng người khác trải qua những hoàn cảnh thuận lợi, vui vẻ, luôn thân cận gần gũi để nhắc nhở khuyên răn, giúp người không rơi vào chỗ đam mê trụy lạc. Nhờ có sự khuyên răn nhắc nhở ấy mà giúp cho họ giữ được đời sống an vui hạnh phúc. Do đó mà tạo được sự cảm mến – tin phục.

Người thực hành Đồng Sự nhiếp phải xuất phát từ sự chân thành, thật tâm chia sẻ không giả dối, ngụy tạo. Trong lòng có thực sự thương yêu, thông cảm thì mới có thể cảm hóa được người khác nghe theo mình.

Đức Phật vì muốn hoá độ chúng sanh, Ngài phải vào cõi đời ác thế ngũ trược này để gần gũi mới hoá độ được chúng sanh. Ngài Lục Tổ Huệ Năng, trong khi lánh nạn, vào rừng ở chung với nhóm thợ săn bắn tạo ác nghiệp, nhưng dần dần Tổ đã cảm hoá và thuyết phục họ trở về với con đường chánh đạo.

Đây là một phương pháp tu tập, đồng thời, cũng là hạnh nguyện của Bồ Tát đi vào đời giáo hoá chúng sanh, nhưng không rời bản vị giải thoát, mặt dù đồng sự với chúng sanh nhưng không vì cái khổ, cái vui của chúng sanh làm ô nhiễm, luôn sống với tinh thần “hoà quang đồng trần” qua bài kệ của Ngài Hương Hải Thiền sư:

Trời không cánh nhạn bay qua

Bóng in đáy nước xoá nhoà một khi

Nhạn không để dấu làm chi

Nước không giữ bóng bởi vì vô tâm”

Tinh thần và hạnh nguyện của vị bồ tát luôn hoà nhập vào cuộc đời, nhưng lúc nào các Ngài cũng thong dong tự tại, an trú trong Từ Bi, Vô Ngã và Vị Tha. Đây là nhân tố chính để thành tựu đạo quả và cũng chính là hoài bảo “Thượng cầu Phật Đạo, hạ hoá chúng sanh”.

Về phương pháp đồng sự nhiếp, chúng ta có thể vận dụng qua việc cùng chia sẻ mọi hoàn cảnh với những người quanh ta. Hạnh phúc chân thật không thể là niềm vui riêng lẻ cho mỗi người, mà phải được tạo thành từ sự an vui của hết thảy mọi người.

Cuộc sống chúng ta không phải bao giờ cũng xuôi chèo mát mái, mà cũng phải có lắm lúc gian nan, khổ nhọc. Mọi người quanh ta cũng thế. Nếu có thể chân thành cảm thông và chia sẻ với mọi người, chúng ta sẽ thấy gánh nặng của mình trong cuộc sống tự nó vơi đi, vì không còn chỉ là riêng mình ta gánh vác. Ý nghĩa tinh thần này rất quan trọng, vì nó luôn giúp ta có đủ niềm tin và nghị lực để vượt qua những hoàn cảnh khó khăn nhất. Vì như đã nói, điều đáng sợ nhất với tất cả chúng ta không phải là đối mặt với khó khăn, mà chính là sự cô độc không có người chia sẻ. Thực hành Đồng Sự nhiếp là một phương pháp tích cực giúp chúng ta loại bỏ được tâm trạng cô độc, bởi vì sự gần gũi chia sẻ cùng mọi người cũng chính là tạo ra mối quan hệ gắn kết giữa ta và những người xung quanh.

III. LỢI ÍCH CỦA SỰ HÀNH TRÌ TỨ NHIẾP PHÁP

Tứ Nhiếp Pháp mang tính tâm lý, tính thông cảm và tính xã hội rất cao. Nói rằng “mang tính tâm lý” vì cả bốn pháp nhiếp này đều đi sâu vào tâm hồn của người khác. Bồ tát sẵn sàng lăn xả vào cuộc đời, hy sinh vì mọi người để cảm hóa, thu phục người. Có thể nói đây là môn tâm lý học của Phật giáo.

“Mang tính thông cảm” vì có thông cảm với nỗi khổ đau, khó khăn, thiếu thốn của người, ta mới giúp đỡ người bằng tất cả tấm lòng, không mong cầu đền đáp. Mà muốn thông cảm, ta phải đặt mình vào hoàn cảnh của người, có như thế ta mới thương mến người một cách chân thành, đem lại lợi ích cho người một cách vô vụ lợi.

Về “Tính xã hội” thì quá rõ ràng, vì xã hội có tính cách cá thể và tập thể, mà thực hành Tứ Nhiếp Pháp là thực hành đối với một người, một tập thể nào đó. Nhờ mang tính xã hội mà đạo Phật được truyền bá rộng rãi từ thành thị đến nông thôn, tận các vùng sâu vùng xa. Nhờ tính xã hội mà đạo Phật có mặt ở mọi tầng lớp, từ giàu có đến nghèo hèn, từ trí thức thượng lưu đến bình dân thất học.

Khi thực hành Tứ Nhiếp Pháp, ta đã thể hiện tâm từ bi, tức ban vui và cứu khổ vào cuộc đời. Đây là pháp tu của hàng Bồ tát chứ không phải của người tầm thường, bởi đó không chỉ là tu riêng cho bản thân mình mà còn làm cho nhiều người khác cùng chuyển hóa. Hai phương diện tự lợi và lợi tha đều có đầy đủ. Tất cả các hành giả, nếu muốn thành tựu Phật quả, không có con đường nào hơn là phải đi theo lộ trình tự lợi và lợi tha của Bồ tát.

Người thực hành Tứ Nhiếp Pháp là người đang thể hiện một nhân cách đạo đức tốt. Bởi vì tất cả những lời nói cho tới việc làm đều nghĩ đến các kết quả tốt đẹp trong hiện tại cũng như trong tương lai.

Khi ta thực hành Tứ Nhiếp Pháp sẽ thấy những kết quả tốt đẹp như sau:

1. Về phương diện cá nhân:

Ta sẽ là người lắng nghe và phải đặt mình vào hoàn cảnh của người khác thì mới thông cảm với nỗi khó khăn, khổ đau, thiếu thốn của họ. Lúc đó, ta mới giúp đỡ người bằng tất cả tấm lòng thành thật của mình mà không mong cầu đền đáp. Mỗi ý nghĩ, lời nói, hành động của ta đều là một hạt giống thiện gieo vào ruộng phước mà sau này ta sẽ gặt được những kết quả quý báu, tốt lành. Những gì của ta nói ra, làm ra đều được thông cảm, tán thành, mến phục. Ta có thể thu hút nhân tâm một cách dễ dàng, rộng rãi, và mỗi khi đi đến đâu, ta đều được tiếp đón một cách chân thành, nồng nhiệt. Do đó, ta sẽ dễ dàng thành công trong mọi việc, và sẽ được trời, người cung kính.

2. Về phương diện gia đình:

Thứ nhất tu nhà, thứ hai tu chợ, thứ ba mới tu chùa. Tu nhà rất khó, nhưng nếu một khi chúng ta đã tu hành Tứ Nhiếp Pháp một cách chân chánh, đã nhiếp phục biết bao người ngoài xã hội rồi, thì lúc đó những người trong gia đình thân thuộc của ta lại không quý mến ta sao được? Do ảnh hưởng tốt đẹp và uy tín của ta, mọi người trong gia đình đều trở thành thuần lương, đức độ cả. Từ đó ta có một gia đình trên thuận dưới hòa, trong ấm ngoài êm, nghĩa là gia đình ta được hạnh phúc rồi.

3. Về phương diện xã hội:

Người tu hạnh Tứ Nhiếp Pháp sẽ gây được ảnh hưởng tốt lành và hoán cải được một phần nào hoàn cảnh xã hội. Đó là người hoàn thiện nhân cách, là mẫu người tốt đẹp, có đầy đủ uy tín, có đạo đức. Người có đạo đức, nhân cách là tiêu biểu cho một xã hội văn minh tiến bộ trong sự quan hệ giữa người và người. Cho nên, tinh thần Tứ Nhiếp Pháp là tinh thần hòa hợp, luôn thực hiện những điều tốt đẹp cho chính bản thân mình và cộng đồng xã hội.

C. KẾT LUẬN

Tứ Nhiếp Pháp là bốn phương pháp cảm hoá lòng người, hay còn gọi là bốn nghệ thuật trong đời sống hằng ngày được xuyên qua 3 nghiệp: thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp. Phải sống làm sao để mỗi lời nói, mỗi hành động của chúng ta sẽ góp phần hóa giải phiền não, khổ đau, hận thù, đem lại lợi ích, an vui cho tất cả nhân loại. Đây cũng là nền tảng của các nghiệp lành, đưa chúng ta đi vào chánh đạo, dẹp bỏ được tam độc: tham lam, sân hận, si mê. Những người muốn có cuộc sống thực sự an lạc và hạnh phúc hiện đời, phải luôn luôn quán Tứ Nhiếp Pháp một cách tường tận, sâu sắc và luôn luôn áp dụng Tứ Nhiếp Pháp trong cuộc sống hằng ngày, chắc chắn cuộc đời ta sẽ giảm bớt nhiều khổ đau và phiền não. Đây là thể hiện cái tâm vô ngã vị tha của người đệ tử Phật trong đời sống hàng ngày, mà cũng nói lên tinh thần tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn.

  Pháp môn này rất thực tiễn và cần thiết cho sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh. Người tu tập Tứ Nhiếp Pháp thì lấy lợi sanh làm căn bản, lấy hạnh phúc của chúng sanh làm mục đích. Hãy ban tặng những gì chúng sanh cần về vật chất lẫn tâm linh, miễn sao có thể đưa chúng sanh đến với đạo pháp. Hãy nói lời thương yêu để cảm hóa người ta đi theo con đường lành. Hãy làm lợi ích cho mọi người trong mọi trường hợp. Hãy đồng sự với những người chung quanh để nhận rõ được nhu cầu thiết tha của họ, hầu giúp đỡ họ một cách có hiệu quả, và đưa họ về con đường chân chính, con đường của tình thương và sự hiểu biết.

Pháp môn này, mọi người ai ai cũng có thể ứng dụng và thực hành được. Đây là những hạnh tu lợi tha của những người có tâm Bồ tát, muốn hiến dâng cuộc đời mình cho lợi ích chung của nhân loại, bởi vì “Phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật”. Nói chung, lòng từ bi và hạnh nguyện lợi tha là hai nhân tố căn bản nhất để tu tập Tứ Nhiếp Pháp.

 

Chia sẻ
Phật học liên quan