Thất Thánh Tài

Cập nhật: 15/10/2022

Đức Phật tuyên bố: “Bảy tài sản này, này Ugga, không bị lửa, nước, vua quan, trộm cướp, những kẻ thừa tự không khả ái hay thù địch chi phối”.

Thất Thánh Tài

A. MỞ ĐỀ

Mọi người, ai cũng muốn mình sẽ có thêm nhiều tài sản: tiền bạc, nhà cửa, ruộng đất, xe cộ,… Tài sản giúp cho cuộc sống của chúng ta được tiện nghi, ấm no, giàu có và sung sướng. Không có tài sản, chúng ta sẽ phải sống trong khó khăn, nghèo khổ, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, bệnh không có tiền uống thuốc. Tuy nhiên, người có nhiều tài sản cũng có nhiều nỗi lo: lo đếm sót, dù chỉ một tờ; lo cất giữ, phải chôn giấu chỗ nào thật kín, thật chắc; lo người ta giết hại, cướp của; lo con mình bị bắt cóc, tống tiền; lo vợ hoặc chồng mình có tiền sinh hư,…

Đức Phật dạy rằng, tài sản của chúng ta, một ngày nào đó, có thể sẽ bị mất sạch do nước trôi, lửa cháy, trộm cắp, vợ con phá tán hoặc vua quan tịch thu. Nếu chúng ta ở gần vùng sông nước, chỉ trong một đêm, nước có thể dâng lên, cuốn trôi hết tài sản của mình. Không bị nước cuốn trôi thì có thể bị hỏa hoạn, cháy thiêu tất cả. Nếu chúng ta có vợ hoặc chồng mê cờ bạc, ăn chơi; có đứa con nghiện xì ke, ma túy thì trước sau gì cũng tán gia bại sản. Hoặc là bị trộm cướp lấy hết của cải thì chúng ta coi như trắng tay. Ngoài ra, nếu làm giàu phi pháp, sẽ có nguy cơ bị nhà nước tịch thu toàn bộ gia sản. Rõ ràng tài sản của chúng ta không bền vững và khi chết không thể đem theo được. Tuy nhiên, trên đời cũng có những tài sản không bao giờ bị mất, mà còn có thể sử dụng được cả đời này lẫn đời sau. Quý vị có biết những tài sản đó là gì không?

Trong Đại Tạng Kinh Việt Nam (1993), “Các Tài Sản Rộng Thuyết”, Phẩm Tài Sản, Chương Bảy Pháp, Kinh Tăng Chi Bộ, Thích Minh Châu dịch, NXB Tôn Giáo, đức Phật có dạy về “Thất Thánh Tài” – bảy tài sản của bậc Thánh. Đây là những tài sản tinh thần, phước đức và công đức. Thứ tài sản này là bền vững nhất, không sợ bị mất, bị phá tán hay trộm cướp như trong kinh Ugga**, Đức Phật tuyên bố: Bảy tài sản này, này Ugga, không bị lửa, nước, vua quan, trộm cướp, những kẻ thừa tự không khả ái hay thù địch chi phối”. Người có thánh tài là người giàu có đầy đủ nhất về phương diện vật chất lẫn tinh thần, bởi có thánh tài chắc chắn có thế tài (tài sản thế gian), còn có thế tài chưa chắc có thánh tài, như lời Đức Phật đã nói: Này các Tỳ-kheo, đây gọi là bảy tài sản, ai có được những tài sản này được gọi là không nghèo khổ”(Không nghèo tức là giàu có; không khổ tức là an vui, hạnh phúc).Bây giờ, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về bảy tài sản này của bậc Thánh.

B. NỘI DUNG

I. ĐỊNH NGHĨA

Thất thánh tài còn được gọi là Thất tài (Saptadhnana), tức là bảy của báu của một tu sĩ đạo Phật. Trong kinh Tăng chi bộ III, chương Bảy pháp, phẩm Tài sản, Đức Phật định nghĩa như sau: “Này các Tỳ-kheo, có bảy tài sản này, thế nào là bảy? Tín tài, giới tài, tàm tài, quý tài, văn tài, thí tài và tuệ tài. Ở đây, vị Thánh đệ tử có lòng tin, tin tưởng vào sự giác ngộ của Như Lai, gọi là tín tài. Vị Thánh đệ tử từ bỏ sát sinh, trộm cắp, tà hạnh, nói dối, say sưa, gọi là giới tài. Vị Thánh đệ tử có xấu hổ đối với thân, miệng, ý làm ác, gọi là tàm tài; có sợ hãi đối với thân, miệng, ý làm ác, gọi là quý tài. Vị Thánh đệ tử nghe nhiều, giữ gìn những gì đã nghe, đề cao đời sống phạm hạnh, đọc tụng nhiều lần, chuyên tâm quán sát, thành tựu chánh kiến, gọi là văn tài; tâm từ bỏ xan tham, ưa thích xả ly, san sẻ vật bố thí, gọi là thí tài; có trí tuệ về sinh diệt, thành tựu Thánh thể nhập, đưa đến chân chánh đoạn diệt khổ đau, gọi là tuệ tài. Này các tỳ kheo, đây gọi là bảy tài sản, ai có được những tài sản này được gọi là không nghèo khổ”.

Theo Từ điển Phật học (Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1999) của Chân Nguyên và Nguyễn Tường Bách, Thất thánh tài bao gồm:

  1. Tín tài (P: Saddhā; Skt: Saddha): lòng tin vững chắc là của quí
  2. Giới tài (P: Sīla; Skt: Sila): lấy giới luật thanh tịnh làm của báu
  3. Tàm tài (P: Hiri; Skt: Hri): cung kính tùy thuận người có đức hạnh là tài của
  4. Quí tài (P: Ottappa; Skt: Apatrapya-, apatrapa): biết sợ quả báo của tội lỗi, biết xấu hổ
  5. Văn tài (P: Bāhusacca; Skt: Sruta): lấy việc nghe nhiều lời thuyết pháp, sự hiểu rộng làm tài của
  6. Thí tài (P: Cāga; Skt: Tyaga): hoặc Xả tài xem bố thí là tài của riêng
  7. Huệ tài (P: Paññā; Skt: Prajna): Trí huệ là tài của.

II. THÀNH PHẦN

1. Tín tài

Tín tài là tài sản có được nhờ niềm tin. Đức Phật dạy: “Niềm tin là mẹ sinh ra các công đức”. Tin mình có khả năng thành Phật thì chúng ta mới tinh tấn tu tập. Tin nhân quả thì chúng ta mới làm việc thiện. Người buôn bán tin việc làm ăn sẽ thành công thì mới bỏ tiền ra đầu tư. Một em học sinh tin mình có khả năng học hành thành tài thì mới cố gắng học… Như vậy, nhờ những niềm tin chân chính mà chúng ta tạo được nhiều phước đức và công đức.

Đối với người Phật tử, niềm tin chân chính nhất là tin vào Tam bảo: Phật, Pháp, Tăng.

  • Thứ Nhất là tin Phật: Chúng ta tin Phật vì Ngài là bậc có đầy đủ phước đức và trí tuệ. Lúc mới sinh ra, Ngài đã có 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp. Lúc còn là Thái tử, Ngài đi qua bốn cửa thành, lần lượt nhìn thấy người già, người bệnh, người chết và người tu. Ngài nhận thức được cuộc đời này là khổ, là không, là vô thường, nên đã quyết chí xuất gia để tìm cầu chân lý. Còn chúng ta hằng ngày vẫn thấy người già, người bệnh, người chết và các vị tu sĩ, nhưng có giác ngộ, có muốn từ bỏ ngũ dục để đi tìm chân lý không? Như vậy, đủ biết rằng so với Ngài chúng ta còn mê mờ lắm. Sau khi thành đạo, đức Phật đi khắp nơi hoằng pháp lợi sinh, giảng nói rất nhiều pháp môn để cho mọi người tu học. Ngài dẫn dắt chúng ta thoát khỏi sinh tử luân hồi, chứng thành Phật quả.
  • Thứ hai là tin Pháp: Pháp là những lời dạy của đức Phật giúp chúng ta chuyển hóa khổ đau, phiền não, tham, sân, si. Pháp là ngọn đuốc soi đường trong đêm tối, là thuốc hay chữa lành bệnh tật, là thuyền lớn đưa chúng ta vượt qua biển khổ sinh tử, đến bến bờ an vui, giải thoát. Thông thường, chúng ta nghĩ tiền bạc là quý báu. Thế nhưng, tiền bạc không thể giúp chúng ta thoát khỏi những khổ đau của cuộc đời. Pháp của đức Phật mới là phương thuốc diệu kỳ, giúp chúng ta chuyển hóa khổ đau, đem lại an vui, hạnh phúc.
  • Thứ ba là tin Tăng: Chư Tăng là những vị thầy xuất gia, sống đời phạm hạnh, lấy trí tuệ làm sự nghiệp, “thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh”, làm mô phạm cho trời người. Nhiệm vụ của chư Tăng là kế thừa sự nghiệp của đức Phật, thay Ngài tuyên dương, hoằng truyền Phật pháp, hướng dẫn chúng sinh đi theo con đường giác ngộ, giải thoát.

Nhờ có niềm tin vào Tam bảo – Phật, Pháp, Tăng, chúng ta mới nỗ lực tu tập, tạo được nhiều phước đức và công đức, dần đi đến thoát khổ hoàn toàn, thành tựu Phật quả. Đó là tín tài, tức tài sản có được nhờ niềm tin.

2. Giới tài

Giới tài là tài sản có được nhờ giới luật. Giới luật giúp chúng ta ngăn ngừa các điều tội lỗi, xấu xa, độc ác. Người học Phật dù là tại gia hay xuất gia cũng đều lấy năm giới làm căn bản. Năm giới đó là không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu.

Khi định giết một sinh mạng, dù là người hay vật, chúng ta nhớ đã thọ trì giới không sát sinh nên không giết nữa. Nhờ không giết hại sinh mạng mà chúng ta tránh được những quả báo đau khổ như tử hình, bệnh tật, chết yểu,...

Khi muốn lấy vật gì của người khác, nhờ đã thọ trì giới không trộm cắp nên chúng ta không lấy. Không phạm giới trộm cắp, đời này chúng ta tránh được quả báo nghèo cùng, khốn khổ, bị giam cầm, bị đánh đập; đời sau không phải làm thân trâu bò để đền trả nợ cũ.

Khi muốn xâm phạm tiết hạnh của một người khác, nhờ đã thọ trì giới không tà dâm nên chúng ta kiềm chế được mình. Không phạm giới tà dâm là chúng ta tránh được những quả báo xấu như gia đình đổ vỡ, mất hạnh phúc, bị đánh ghen hay tạt axit, bị nhiễm căn bệnh thế kỉ AIDS, bị người đời chê bai, khinh rẻ...

Khi muốn nói dối, chúng ta nhớ mình đã thọ trì giới không nói dối, nên giữ được khẩu nghiệp thanh tịnh. Nhờ giữ giới không nói dối, chúng ta được mọi người tin tưởng.

Có một chú bé chăn cừu ngoài đồng. Vì nghịch ngợm, một hôm, chú la to: “Bớ người ta, chó sói!” Nghe tiếng la, dân làng vội cầm gậy chạy ra để đánh đuổi chó sói, cứu lấy đàn cừu. Khi họ đến nơi thì thấy chú bé đang đứng cười. Biết chú bé đã lừa mình nên ai cũng bực tức bỏ về. Đến một ngày nọ, chó sói xuất hiện thật. Chú bé lại la lên, la khản cả tiếng, nhưng chẳng có ai chạy đến giúp cả, vì người ta không tin tưởng chú nữa. Rốt cuộc, đàn cừu của chú bị chó sói giết gần hết. Câu chuyện này là một bài học đắt giá cho những ai hay nói dối.

Khi muốn ăn uống, nhậu nhẹt, nhớ mình đã phát nguyện thọ trì giới không uống rượu, chúng ta sẽ không chè chén say sưa nữa. Nhờ giữ giới không uống rượu, chúng ta sẽ không bị quả báo hư thân, tổn não, mất giống trí tuệ,...

Nhờ hành trì giới luật mà chúng ta không gây tạo tội lỗi, ba nghiệp được trong sạch, gia đình an vui, hạnh phúc và được mọi người tin tưởng, kính phục. Nếu chúng ta giữ giới trong sạch, không làm điều độc ác, xấu xa, tội lỗi thì ai tiếp xúc cũng quý mến, thương yêu, kính trọng. Không những loài người mà cả trời, thần, quỷ, vật cũng kính trọng người giữ giới.

Hơn nữa, giới chính là nền tảng của định và tuệ. Người học Phật phải lấy trí tuệ làm sự nghiệp, mà muốn có tuệ thì phải có định, muốn có định thì phải có giới. Ví dụ, khi người ta nói một câu khó nghe, nếu không có giới, mình sẽ nổi sân. Khi sân lên rồi thì không có định, mà không có định thì không có tuệ, tức không có sự sáng suốt. Dẫn đến hành động chửi, đánh, thậm chí là giết, gây đau khổ cho bản thân và cho người khác. Nếu lúc nghe người ta nói mà mình biết kiềm chế thì đó là giới. Nhờ giới ngăn ngừa mà chúng ta không nổi sân, từ đó tâm được định, có thể bình tĩnh, sáng suốt xử lý mọi việc một cách tốt đẹp. Cho nên, giới tạo ra công đức, giới làm phát sinh định và tuệ. Giới chính là một tài sản rất quý báu.

3. Tàm tài

Tàm tài là tài sản có được từ sự hổ thẹn. Hổ thẹn vì ba nghiệp thân, khẩu, ý làm ác nên cố gắng tự thay đổi tâm vun trồng cội phúc.

4. Quý tài

Quý tài là tài sản có được từ sự lo sợ. Lo sợ quả báo ba nghiệp thân, khẩu, ý làm ác. Ví dụ, ý của mình tham lam, sân hận, si mê; khẩu của mình nói dối, đâm thọc, nói thêu dệt, thô ác; thân của mình sát sinh, trộm cắp, tà dâm. Khi ấy, chúng ta cần phải biết tàm và quý. Ví như biết hổ thẹn vì mình đã sát sinh, lo sợ quả báo bệnh tật, chết yểu; hổ thẹn vì mình đã trộm cắp, lo sợ quả báo bị khinh rẻ, tù đày, đời sau sẽ phải làm thân trâu ngựa để đền trả; hoặc hổ thẹn vì đã tà dâm, lo sợ quả báo bị oán giận, trả thù, sát hại…

Nhờ có tàm quý mà chúng ta không gây tạo thêm tội lỗi. Trong kinh Di Giáo, đã dạy: “Người không có tàm quý chẳng khác nào cầm thú”. Con người hơn cầm thú ở chỗ có trí tuệ, biết nhân quả, tội phước, đúng sai. Nếu không có tàm quý, tức không hổ thẹn khi tạo tội và không lo sợ quả báo khi làm sai thì chúng ta chẳng khác gì cầm thú. Người không có tàm quý thì không việc ác nào mà không dám làm. Người có tàm quý là người tiến bộ về đạo đức, không làm việc xấu ác, có thể tạo lập được sự nghiệp lớn trong cuộc đời. Nhờ có tàm quý mà chúng ta giữ được ba nghiệp trong sạch. Thế nên, tàm và quý là những tài sản rất quý báu, giúp chúng ta có được an vui ở hiện tại và giải thoát ở tương lai.

5. Văn tài

Văn tài là tài sản có được nhờ nghe Phật pháp. Trong Đại Tạng Kinh Việt Nam (1993), “Nghe Pháp”, Phẩm Kimbila, Chương Năm Pháp, Kinh Tăng Chi Bộ, Thích Minh Châu dịch, NXB Tôn Giáo, đức Phật dạy rằng: “Này các Tỳ-kheo, nghe pháp có năm lợi ích. Thế nào là năm? Ðược nghe điều chưa nghe, làm cho trong sạch điều đã nghe, đoạn trừ nghi, làm cho tri kiến chính trực, và làm cho tâm tịnh tín”. Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về năm lợi ích này.

  1. Thứ nhất là được nghe điều chưa nghe:
  • Trước đây, chúng ta nghĩ mình khổ là do ông trời. Bây giờ nhờ nghe giáo lý Tứ Diệu Đế, chúng ta biết rằng mình khổ là do chính mình. Tham, sân, si là nguyên nhân của khổ. Muốn hết khổ và được an vui, giải thoát, cần phải thực hành Bát Chính Đạo, nương theo lời dạy của đức Phật mà tu tập.
  • Trước đây, chúng ta nghĩ rằng con người và vạn vật là do Thượng đế tạo ra. Bây giờ nhờ nghe giáo lý Duyên Khởi, chúng ta biết được con người là do nhiều nhân duyên hợp lại mà thành. Duyên tụ thì chúng ta sống, duyên tán thì chúng ta chết.
  • Trước đây, chúng ta nghĩ chết là hết. Bây giờ, nhờ nghe giáo lý nhân quả, luân hồi, chúng ta hiểu rằng chết chỉ là sự thay đổi về thể chất và hình thái. Nếu nghĩ chết là hết, con người sẽ sống một cuộc đời buông thả, không có việc ác nào mà không dám làm. Nhờ biết chết không phải là hết nên chúng ta cố gắng tu tập và làm nhiều điều thiện để sau khi bỏ thân người, mình có một thân mới tốt đẹp hơn, có thể là thân người, thân trời hoặc thân ở cõi Phật. Thân của chúng ta giống như một ngôi nhà, khi nó cũ nát thì mình xây lại nhà mới. Người giàu sẽ xây được nhà đẹp hơn, tốt hơn; người nghèo thì nhà xấu hơn, tệ hơn. Tương tự như vậy, trong vòng sinh tử luân hồi, người nào gieo nhiều nhân lành thì đời sau sẽ có thân tướng tốt đẹp; còn người nào làm những điều tội lỗi thì đời sau sẽ phải mang thân địa ngục, ngạ quỷ hoặc súc sinh.
  • Trước đây, chúng ta nghĩ rằng ngoài đức Phật Thích Ca, không ai có thể thành Phật. Bây giờ, nghe đức Phật dạy: “Tất cả chúng sinh đều có Phật tính. Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”, chúng ta mới biết rằng ai cũng có khả năng thành Phật.
  1. Thứ hai, làm trong sạch điều đã nghe. Khi nghe Phật pháp một cách thấu đáo, chúng ta sẽ thấy được những chỗ sai sót, lầm lạc trong vốn hiểu biết trước đây của mình. Đó gọi là làm trong sạch điều đã nghe.
  2. Thứ ba là đoạn trừ nghi. Nhờ nghe Phật pháp một cách thấu suốt và rõ ràng mà tất cả nghi ngờ của chúng ta đều tan biến. Giống như khi mặt trời xuất hiện thì bóng đêm tan dần. Cũng vậy, khi chúng ta thắp lên ánh sáng trí tuệ của Phật pháp thì mọi nghi ngờ đều sẽ bị đoạn trừ.
  3. Thứ tư là làm cho tri kiến chính trực. Tri kiến nghĩa là sự thấy biết. Nghe hiểu Phật pháp một cách thấu đáo thì sự thấy biết của chúng ta sẽ chân chính, đúng đắn.
  4. Thứ năm là làm cho tâm tịnh tín. Khi đã có sự thấy biết chân chính, đúng đắn thì niềm tin của chúng ta sẽ thanh tịnh, không lạc vào si mê, tà kiến.

Nghe Phật pháp (văn) là bước đầu của suy nghĩ (tư) và tu tập (tu). Có nghe thì chúng ta mới biết pháp để suy nghĩ. Suy nghĩ thấu đáo rồi thì mình mới tu tập. Văn, tư, tu là ba bước căn bản, nếu dựa vào đó, chúng ta sẽ tránh được sai sót, lầm lạc trên con đường đạo. Tu mà không nghe, không học, không hiểu pháp là tu mù. Nhiều người tu mà không nghe pháp, không có suy nghĩ chín chắn có thể còn bị tẩu hỏa nhập ma. Nhiều người nghe pháp nhưng không chọn lọc, không hiểu rõ, không có căn cứ, ai nói sao tin vậy, dẫn đến thực hành sai, khiến cho cả cuộc đời tu rốt cuộc chẳng được lợi ích gì. Nhiều người còn đi nghe pháp của tà sư, ngoại đạo nên càng tu lại càng khổ, càng đi vào chỗ bế tắc, không tìm được an vui, hạnh phúc và giải thoát cho mình.

Thế nên, nghe Phật pháp có rất nhiều lợi ích. Sau khi nghe hiểu rồi, chúng ta mới suy nghĩ. Sau khi suy nghĩ thấu đáo rồi chúng ta mới thực hành. Phải đi theo các bước văn, tư, tu như thế, việc tu hành của chúng ta mới có được kết quả tốt đẹp. Đó gọi là tài sản có được nhờ nghe Phật pháp.

6. Thí tài

Thí tài là tài sản có được nhờ bố thí. Khi thấy một người nghèo khổ, hoạn nạn, tùy theo khả năng mà chúng ta giúp đỡ người đó bằng vật chất, tiền bạc hoặc là bằng chính công sức của mình. Đó gọi là tài thí.

Khi thấy một người si mê, tà kiến, không biết nhân quả, tội phước, không biết lục đạo luân hồi, không biết nguyên nhân của khổ đau và con đường chấm dứt khổ đau, không biết về uế độ và tịnh độ,… chúng ta khai thị cho họ hoặc biếu tặng kinh sách, băng đĩa Phật pháp để họ xem, nghe, tìm hiểu. Đó gọi là pháp thí.

Khi gặp một người mất niềm tin trong cuộc sống, sợ hãi trước những nỗi khổ đau của cuộc đời, chúng ta an ủi, động viên, giúp họ lấy lại niềm tin, loại bỏ tâm lý sợ hãi. Hoặc khi gặp một người sắp chết, lo sợ bị đọa địa ngục, lo sợ phải từ bỏ cõi đời này mà ra đi một mình, chúng ta an ủi, động viên người đó nhớ Phật, niệm Phật, để họ quên đi nỗi lo sợ kia và nhắm mắt ra đi một cách an lành. Đó gọi là vô úy thí. Vô úy có nghĩa là không lo sợ. Vô úy thí là cho sự không lo sợ, hay nói cách khác là cho một niềm tin vững chắc để người khác tiếp tục sống và vượt qua những khó khăn, thử thách, đau khổ của cuộc đời.

Trong Đại Tạng Kinh Việt Nam (1993), “Bố Thí”, Phẩm Chư Thiên, Chương Sáu Pháp, Kinh Tăng Chi Bộ, Thích Minh Châu dịch, NXB Tôn Giáo, đức Phật dạy: “Ở đây, này các Tỳ-kheo, người bố thí, trước khi bố thí ý được vui lòng, trong khi bố thí tâm được tịnh tín, sau khi bố thí cảm thấy hoan hỷ. Đây là ba lợi ích của việc bố thí”. Trước khi bố thí, chắc chắn tâm của chúng ta rất vui, sẵn sàng làm việc bố thí đó. Trong khi bố thí, chúng ta tin việc làm tốt đẹp của mình hôm nay sẽ có kết quả tốt đẹp ở tương lai. Sau khi bố thí, tự nhiên trong lòng chúng ta cảm thấy hoan hỷ vì vừa làm được một việc tốt đẹp, giúp người khác đỡ khổ; cho họ chén cơm, manh áo để vượt qua đói lạnh; tặng họ viên thuốc, chai dầu để thoát cảnh ốm đau.

Nghĩa rằng, nhờ bố thí mà chúng ta cảm thấy hoan hỷ, mở rộng được lòng thương yêu, trừ được tâm ích kỷ và xan tham, luôn được mọi người quý mến, đời sau được quả báo giàu có, sung túc. Đây là tài sản có được nhờ bố thí.

7. Tuệ tài

Tuệ tài là tài sản có được nhờ trí tuệ. Tuệ là sự sáng suốt, nhờ đó thấy biết thật tướng của vũ trụ nhân sinh là khổ, không, vô thường, vô ngã. Nói cách khác tuệ là chính kiến hay sự thấy biết đúng đắn. Khi có tuệ, chúng ta sẽ có suy nghĩ đúng đắn (chính tư duy), hướng đến con đường Niết-bàn, giải thoát. Nhờ suy nghĩ đúng đắn, chúng ta mới có lời nói đúng đắn (chính ngữ). Thay vì nói những chuyện thị phi, hay những lời làm cho người khác đi vào con đường đau khổ, dục lạc thì chúng ta nói về chân lý, về sự thật, khiến cho họ có tâm hướng về con đường giải thoát, cao thượng.

Khi có tuệ, chúng ta sẽ có chính nghiệp, tức hành động đúng đắn. Chính nghiệp là thân không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm; khẩu không nói dối, không nói lời ác, không nói lời đâm thọc, không nói lời thêu dệt; ý không tham, không sân, không si.

Khi có tuệ, chúng ta sẽ có chính mạng, tức nghề nghiệp đúng đắn. Đức Phật dạy chúng ta phải tránh làm năm nghề: buôn bán vũ khí, buôn bán người, buôn bán thịt cá, buôn bán rượu và buôn bán thuốc độc. Người Phật tử sống theo chính mạng không làm năm nghề này để tránh quả báo đau khổ trong tương lai. Có nhiều người vì tham tiền mà làm năm nghề kể trên, nhưng họ không nghĩ đến hậu quả sẽ bị quả báo đọa địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, chịu đau khổ trong nhiều đời nhiều kiếp. Cho nên, nếu lỡ đã làm một trong năm nghề này, chúng ta cố gắng tìm cách chuyển nghề.

Khi có tuệ, chúng ta sẽ có chính tinh tấn: tinh tấn tránh các điều ác, tinh tấn làm các điều lành, tinh tấn giữ thân, khẩu, ý trong sạch. Nhờ chính tinh tấn, chúng ta sẽ có chính niệm, tức là lúc nào cũng tỉnh giác, làm chủ bản thân, không chạy theo những tư tưởng hay hành động xấu xa. Từ chính niệm, dần dần chúng ta sẽ đi đến chính định, tức là tâm trí luôn bình tĩnh, sáng suốt, thanh tịnh, an lạc. Đó là tuệ tài, hay tài sản có được nhờ trí tuệ.

III. GIÁ TRỊ THIẾT THỰC

Tại sao Đức Phật nói có được bảy thứ tài sản đó là có tất cả mọi thứ tài sản khác trên đời (không nghèo, không khổ)? Thứ nhất, về phương diện đời sống tâm linh: khi có đầy đủ tín, giới, tàm, quý, văn, thí, tuệ thì không coi trọng đời sống vật chất, thấy thân mình và mọi thứ tài sản khác phù du, tạm bợ, từ đó không tham ái và chấp thủ, vô cầu, vô dục, nhờ đó tâm an ổn, không lo lắng, sầu muộn, khổ não, không bị đời sống vật chất làm bận tâm. Cũng như lời kinh Bát đại nhân giác nói: “Ít muốn, vô vi thì thân tâm được tự tại” (Thiểu dục, vô vi, thân tâm tự tại). Hay trong kinh Di Giáo: Người thiểu dục, không mong cầu ham muốn thì không khổ não”, “Người thiểu dục thì tâm an nhiên không lo sợ, gặp việc có dư, thường không thiếu thốn. Người có thiểu dục thì có Niết bàn”, “Nếu muốn khỏi các khổ não, phải quán tri túc, vì pháp tri túc là chỗ giàu có, vui vẻ và an ổn. Người tri túc tuy nằm dưới đất cũng thấy an vui; người không tri túc tuy ở thiên đường cũng không vừa ý. Người biết tri túc tuy nghèo mà giàu; người không biết tri túc tuy giàu mà nghèo.

Về phương diện nhân quả đạo đức: Nhờ có Tín, Giới, Tàm, Quý, Văn, Thí, Tuệ mà chúng ta không tạo tác các nghiệp bất thiện đưa đến khổ đau, biết chọn lựa pháp lành để tạo, chọn lựa những nhân duyên tốt đưa đến an vui hạnh phúc cho hiện tại và tương lai, đời này và đời sau. Nhờ biết cúng dường, bố thí, cung kính, phụng sự các bậc tôn trưởng (các bậc thánh hiền, cha mẹ, thầy tổ…), làm lợi ích cho chúng sinh (có Thí tài) mà được sinh ra trong hoàn cảnh tốt, mang thân phận cao sang quyền quý; Nhờ siêng năng tinh tấn tu học, trau giồi phẩm hạnh, đạo đức, phát triển trí tuệ (có Văn tài, Giới tài, Tuệ tài) mà hiện đời và tương lai những đời sau sinh ra làm người tài đức vẹn toàn có ích cho xã hội; Nhờ có đạo đức (Giới tài), biết liêm sỉ (Tàm tài, Quý tài), luôn hướng đến những điều tốt đẹp, chân chánh, thiện mỹ mà nhân cách cao đẹp được mọi người kính trọng, yêu quý. Đó chính là có Thất Thánh tài là có tất cả những tài sản trên thế gian.

            Về giá trị lợi ích các tài sản của bậc Thánh (tín, tàm, quý, văn, giới, thí, tuệ)bàng bạc trong nhiều kinh điển đề cập:

Kinh Hoa nghiêm dạy: “Niềm tin (Tín) là mẹ sinh ra các công đức”(Tín vi công đức mẫu); Kinh Tứ thập nhị chương: “Thấy người làm đạo bố thí, vui vẻ giúp cho họ thì được phước rất lớn. Chỉ tùy hỷ bố thí thôi còn được phước rất lớn huống chi là tự mình bố thí.

Kinh Di giáo: “Nếu người nào thường hay giữ gìn tịnh giới thì người ấy có được thiện pháp. Nếu không tịnh giới, các công đức lành đều không sinh được. Do đó phải biết, giới là chỗ ở của công đức an ổn nhất”; “Áo hổ thẹn, đối với các thứ trang sức thật là hơn hết. Hổ thẹn ví như móc sắt có thể ngăn dứt được sự phi pháp của người. Thế nên thường phải biết hổ thẹn, không được quên bỏ. Nếu xa lìa hổ thẹn thì mất các công đức. Người có hổ thẹn thì có các thiện pháp. Người không biết hổ thẹn so với loài cầm thú không khác chút nào vậy”

Kinh Bát đại nhân giác nói về văn và tuệ tài: “Bồ tát thường nhớ học rộng nghe nhiều, tăng trưởng trí tuệ, thành tựu biện tài, đều vì niềm vui lớn”(Bồ tát thường niệm quảng học đa văn, tăng trưởng trí tuệ, thành tựu biện tài, tất dĩ đại lạc), hay “An vui với cái nghèo mà giữ đạo, chỉ lấy trí tuệ làm sự nghiệp”(An bần thủ đạo, duy tuệ thị nghiệp)

IV. ỨNG DỤNG TU TẬP

Làm thế nào để có tài sản Thất Thánh tài? Trong đời sống đạo đức, cần vun bồi tài sản (Tín, giới, tàm, quý, thí, văn, tuệ) con người nên thực hiện những tâm nguyện, chí hướng cao cả để làm đẹp cuộc đời, vì mục đích an vui hạnh phúc cho cá nhân và cộng đồng, xã hội, rộng hơn nữa là nhân loại, chúng sinh (cúng dường, bố thí, phóng sinh, hoằng pháp, từ thiện, ủng hộ các công trình công ích, văn hóa, giáo dục, an sinh xã hội v.v..).

Thế cho nên chúng ta phải ý thức được sự khổ đau do sự giết hại gây ra, các em không được giết người, không được xúi bảo giết người, không vui vẻ đồng tình việc giết người và hạn chế tối đa việc giết hại các loài vật cho đến khi nào chúng ta đủ sức dứt trừ việc sát sinh hại vật. Và chiến tranh sẽ chấm dứt khi mọi người ý thức giữ giới không giết hại.

Chúng ta ý thức sự khổ đau do gian tham trộm cướp lường gạt gây ra nên quyết tâm không vi phạm và thế giới này sẽ không còn tư tưởng xâm lăng làm hại nhau. Không nói dối hại người, thì nhân loại sẽ sống bằng trái tim hiểu biết.

Không tà dâm phá hoại hạnh phúc gia đình của người khác thì mình và người dễ dàng thương yêu đùm bọc giúp đỡ trong sự quý kính tôn trọng lẫn nhau.

Không uống rượu say sưa và dùng các chất kích thích như xì ke ma túy và các chất độc tố, thì nhân loại sẽ sống với nhau bằng sự thương yêu bình đẳng. Nhờ giữ giới với tâm từ bi rộng lớn nên đã giúp cho chúng ta không rơi vào hố sâu của tội lỗi mà hay giúp người cứu vật.

Tàm là biết hổ thẹn với chính mình khi làm điều sai quấy. Biết ăn năn hối lỗi tự biết xấu hổ với chính mình, thường tôn trọng danh dự cá nhân nên không bao giờ để tái phạm lại lỗi lầm xưa.

Quý là biết hổ thẹn với người nên cố gắng không làm điều xấu ác. Khi ta lỡ làm một điều gì lầm lỗi ta cảm thấy ăn năn, ta cảm thấy hối tiếc mà cố gắng tìm cách khắc phục sửa sai.

Người biết hổ thẹn xấu hổ với lỗi lầm, tức còn thấy mình sai nên cố gắng sửa sai do đó có cơ hội làm mới lại chính mình mà vươn lên vượt qua số phận tối tăm.

Văn là học rộng nghe nhiều mở mang kiến thức để sau này lớn lên phục vụ nhân loại mà thành tựu sự nghiệp thế gian. Cho nên chúng tôi có hai câu đối để tự răn nhắc chính mình nhiều hơn:

Học mở rộng tầm nhìn kiến thức

Tu sửa tâm ngày một sáng trong.

Học là một nhu cầu cần thiết trong đời sống của chúng ta, nhỏ mà không học, lớn không làm gì lợi ích cho ai. Các bạn có thể học từ trường lớp qua sự chỉ dạy của thầy cô giáo, học từ bạn bè, học từ cha mẹ, học từ kinh nghiệm cuộc sống hay tự học qua sách vỡ.

Nhờ có học các bạn mới biết được thiên hình vạn trạng trên thế gian này mà áp dụng vào trong cuộc sống hằng ngày. Đa số con người làm nên việc lớn là nhờ từ siêng học mà ra.

Người thiếu học thường ít thành công trên đường đời vì không đủ khả năng để gánh vác công việc cần có tri thức. Cho nên học phải đi đôi với hành, học là quá trình nghiên cứu tìm tòi, hành là đem áp dụng vào cuộc sống thực tế để phục vụ tốt cho nhiều người.

Thí là tâm biết buông xả các phiền muộn khổ đau có tính cách hại người vậy, ngoài ra còn biết bố thí cúng dường cung kính hiếu dưỡng với ông bà cha mẹ, biết ơn thầy cô giáo và sẵn sàng chia vui sớt khổ khi gặp người hoạn nạn khó khăn.

Bố thí cúng dường giúp đỡ chia sẻ là mục đích đầu tiên Phật dạy chúng ta, là nhân dẫn đến sung mãn về tài sản tiền bạc vật chất dồi dào, nhờ vậy đời sống con người được ổn định mà có cơ hội tu tâm dưỡng tính. Do đó,

Phật dạy pháp bố thí

Để chuyển hóa nghèo khổ

Để dứt trừ tham si

Nhờ vậy nên dễ tu.

Khi chúng ta có được đời sống ổn định về vật chất nên đỡ phải bận bịu lo toan việc cơm áo gạo tiền, do đó có thời gian mà làm các việc hữu ích khác. Người nghèo khổ cuộc sống khó khăn thường làm cho họ hay oán trời trách đất, đổ thừa xã hội gia đình người thân nên không có điều kiện đóng góp phúc lợi xã hội.

Huệ là trí tuệ thấy biết đúng như thật nhờ có tu tập nên dễ dàng buông xả tâm tham đắm si mê hại người vật. Làm tất cả sáu điều trên mà không có trí huệ sáng soi thì không thể thành tựu viên mãn, bởi lòng tin mà không có trí huệ dễ trở thành mê tín, có phước mà không có huệ thì phiền não tham sân si còn hoài, phước là cái đóng góp bên ngoài, huệ là quán chiếu lại bên trong để thấy rõ thật tướng của các pháp là do nhân duyên theo nguyên lý: “cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không”. Nên ta phục vụ đóng góp làm việc mà không bị các dục lạc thế gian làm mê mờ.

C. KẾT LUẬN

Đức Phật đã dạy cho chúng ta hiểu về “Thất Thánh Tài” – bảy tài sản của bậc Thánh. Người nào có được bảy tài sản này là người giàu có nhất trên cuộc đời. Đây là những tài sản phước đức và công đức, không có hình tướng cụ thể, không thấy được hay cầm nắm được như tài sản thế gian, nhưng chúng vững bền mãi mãi, không bao giờ mất và có thể mang được từ đời này sang đời sau.

Như câu chuyện hai người bạn cùng vượt biển đi qua một nước khác để làm ăn. Một người không có học thức, nhưng đem theo một rương tiền; còn người kia không đem theo tiền, nhưng có học thức và nghề nghiệp. Khi ra giữa biển, chiếc thuyền bị sóng to gió lớn làm cho lật úp. May là họ có phao cứu hộ, nên thoát chết và trôi dạt vào bờ. Tuy họ còn sống nhưng toàn bộ hành lý mang theo bị mất hết. Người đem cả rương tiền chẳng còn lại gì, người không đem theo tiền thì còn học thức và nghề nghiệp. Đó là những tài sản không thể bị nước cuốn trôi hay nhấn chìm. Như cái rương tiền kia, thế tài là những tài sản thế gian chịu sự chi phối của luật vô thường. Ngược lại, như học thức và nghề nghiệp, thánh tài là những tài sản bậc Thánh bất hoại, nước không thể trôi, lửa không thể cháy, vợ con không thể phá tán, trộm cướp không thể lấy được, vua quan không thể tịch thu.

Cho nên có thể nói, tài sản trên thế gian không gì hơn tín, giới, tàm, quý, văn, thí và tuệ. Đây là thứ tài sản không bao giờ mất, có giá trị vĩnh hằng trừ khi chúng ta hủy hoại nó. Có nghĩa là tài sản đó chỉ hao tổn, sa sút hoặc mất đi khi chúng ta không còn niềm tin, không có đạo đức, không còn tinh tấn học hỏi, tu tập, không biết xả ly tâm tham lam ích kỷ để chia sẻ với tha nhân, không biết xấu hổ, hổ thẹn khi làm điều lỗi lầm, sai trái. Tín, giới, tàm, quý, thí, văn, tuệ không chỉ là thứ tài sản làm giàu, làm đẹp cho những con người có tâm cao thượng, mà đó còn là thứ tài sản giúp con người vươn tới phẩm vị Thánh hiền.

Chia sẻ
Phật học liên quan