Tứ chánh cần

Cập nhật: 17/10/2022

Tinh tấn giữa đám người buông lung, tỉnh táo giữa đám người mê ngủ. Kẻ trí như con tuấn mã thẳng tiến, bỏ lại sau lưng những con ngựa yếu hèn.

Tứ chánh cần

A - MỞ ĐỀ

Luật tuần hoàn của năm tháng trong tiếp nối của thời gian, không gian, vạn hữu luôn thay đổi, ngày tháng trôi nhanh như bóng câu qua cửa sổ. Trong cuộc sống, nhiều người đã lập nên những sự nghiệp hiển hách và có lắm người suốt đời chẳng làm được gì cả. Vì sao vậy? Chúng ta biết rằng tất cả sự nghiệp vĩ đại ở đời, cũng như kết quả vẻ vang trong Đạo , cái bí quyết duy nhất là phải siêng năng, tinh tấn là điều kiện trên hết trong công cuộc giải thoát của chúng ta. Nhất là người tu hành, mà cái quả là xuất trần, thượng sĩ cứu cánh an vui vĩnh viễn thì sự gia công, sức cố gắng lại càng phải bền bỉ, dẻo dai, vượt bực mới thành tựu được .

Hơn ai cả Đức Phật hiểu rõ sự quan trọng của việc tinh tấn, nên đã dạy bảo chúng ta trước khi đi sâu vào Đạo phải chuẩn bị những phương tiện cần thiết, phải có một thái độ quyết tâm xa lánh điều dữ và thực hiện điều lành. Đó là ý nghĩa của Tứ Chánh Cần mà chúng ta sẽ nghiên cứu dưới đây.

B - CHÁNH ĐỀ

         I - ĐỊNH NGHĨA TỨ CHÁNH CẦN

Chánh là chánh đáng, cần là siêng năng. Tứ Chánh Cần là bốn phép siêng năng, tinh tấn hợp với chánh đạo. Tất cả công việc thiện đều là chánh đáng. Tất cả việc ác đều là bất chánh. Tất cả công việc thiện đều cần siêng năng chuyên làm. Tất cả việc ác cần siêng năng dứt bỏ. Bốn pháp hạnh như sau:

    • Ác vị sanh, linh bất sanh: việc ác chưa sanh khởi cần phải ngăn ngừa đừng cho phát sanh.
    • Ác vị sanh, sử trừ đoạn: việc ác nào đã sanh cần phải dứt trừ hẳn .
    • Thiện vị sanh, sử phát sanh: việc thiện chưa sanh cần phải khiến cho phát sanh.
    • Thiện vị sanh, sử tăng trưởng: việc lành nào đã sanh cần phải làm cho tăng trưởng thêm lớn.

Người tu muốn thành tựu bốn việc trên đây, trước hết phải kèm giữ thân tâm không sinh những ác nghiệp, gắng siêng năng làm theo các thiện pháp thì mới mong đạt được kết quả tốt đẹp.

         II- NỘI DUNG CỦA TỨ CHÁNH CẦN

Nhờ sự tinh tấn từ vô lượng kiếp mà thế gian mà xuất hiện một Đấng Siêu phàm nơi xứ Ấn Độ, đã tiến lên quả vị Chánh Đẳng Giác, Bậc Cha lành của muôn loài, đã lưu lại những nét son lịch sử bất diệt với thời gian. Do đó, chúng ta thấy và ý thức rằng tinh tấn là một nghị lực tu tập mạnh mẽ, bằng tất cả nhiệt huyết, thực hiện mục đích đến thành công không bị gián đoạn; dù ở bất cứ hoàn cảnh nào cũng có thể vượt qua. Như vậy muốn tát cạn biển trầm luân, đi ngược dòng sanh tử , chúng ta phải kiểm soát chặt chẽ đường đi nẻo về của tâm tưởng, phải cảnh tỉnh trong từng sát na, chấm dứt mọi tác nhân đưa đến luân hồi.

         1 - Tinh tấn ngăn ngừa những điều ác chưa phát sanh

Khi mà tâm mình chưa mống tưởng điều ác thì mình phải giữ gìn đừng cho nó phát khởi. Cũng như sợi dây buộc mũi con trâu, kềm nó không cho nó ăn lúa mạ.

Nói cách khác, là mỗi khi tâm chúng ta mống lên một ý nghĩ sai quấy muốn thực hiện một điều ác gì; chúng ta phải tìm những lý do chánh đáng tưởng nghĩ đến hậu quả tai hại của nó để dập tắt ngay những ý nghĩ bất chánh và ngăn ngừa không để nó phát sanh ra hành động. Nên nói: “Phàm làm việc gì phải nghĩ đến hậu quả của nó”.

Người tu hành sợ các giặc phiền não, si mê len lỏi vào tâm mình cướp mất của báu công đức, nên luôn luôn cẩn thận giữ gìn. Sự ngăn chặn giữ gìn không một thời gian nhất định, mà trái lại phải tiếp tục luôn trong từng sát na cho đến khi nào tâm mình được thuần thục an nhiên, không nghĩ đến điều ác mới thôi. Công cuộc ngăn chặn này đòi hỏi một sự siêng năng tinh tấn, bền bỉ mới có hy vọng thành tựu được như ý muốn.

        2 - Tinh tấn dứt trừ những điều ác đã phát sanh

Trong đời sống của chúng ta nhất là khi chưa hiểu biết Phật Pháp và không tu hành, chúng ta đã phạm rất nhiều tội ác. Những tội ác này làm cho tâm của ta ngày càng tối tăm, lu mờ. Nay ta đã nhận thấy cái nguy hại của những điều ác thì chúng ta phải quyết tâm dứt trừ, điều ác không ở đâu xa, chúng phát sinh ngay trong thân, khẩu, ý của mỗi chúng ta. Vậy trừ tội ác, túc là ngăn chặn không cho thân khẩu ý chúng ta tiếp tục tạo nghiệp dữ nữa. Nhưng cái đà tội lỗi, như cái đà một chiếc xe xuống dốc, càng xuống, càng mau, càng mãnh liệt, cho nên muốn diệt trừ tội lỗi, chúng ta phải vận dụng nhiều nghị lực, nhiều cố gắng, phải luôn luôn siêng năng tinh tấn để ngăn chặn tội lỗi. Nếu tội ác đã trót lỡ sanh, thì bất cứ tội nào chẳng hạn chúng ta phải đoạn trừ tận gốc rễ, đừng cho nó đâm chồi nảy lộc nữa. Trong lúc đó, chúng ta huân tập những hạt giống lành thay thế vào tạng thức, thì lần hồi chúng ta sẽ trở thành người thuần thiện.

        3 - Tinh tấn làm phát sanh những điều lành chưa phát sanh

Một khi chúng ta có ý định hay đẹp, muốn giúp đỡ người này, nâng đỡ người kia, nhưng vì tánh giải đãi hay thiếu nghị lực chúng ta không thực hiện được những ý định tốt đẹp ấy. Như thế dù có thiện chí bao nhiêu cũng không đem lại lợi ích cho ta và người chung quanh.

Do đó, chúng ta phải luôn luôn hăng hái làm phát triển những hạnh lành. Một khi chúng ta vừa mống khởi trong tâm, đừng chần chờ, giải đãi cho đến khi tử thần đến gõ cửa, mới ân hận là mình chưa gây tạo được nhân lành nào cả, nên phải rơi vào địa ngục.

         4 - Tinh tấn phát triển những điều lành đã phát sanh

Những điều lành đã phát lộ ra hành động rồi, chúng ta đừng cho thế là vừa, là đủ không cần phải cố gắng thêm nữa.

Khi chúng ta làm trọn một điều lành, chúng ta có lợi về hai phương diện: một là ngăn chặn điều ác không cho tác hại, hai là làm điều thiện có lợi ích cho mình và cho người. Chẳng hạn như chúng ta thọ giới bớt sát sanh và thật hành theo giới ấy, là chúng ta vừa ngăn chặn sự giết hại người và vật, mà vừa chuộc người và phóng sanh nữa. Các giới khác cũng vậy, nghĩa là một mặt vừa “chỉ ác”, một mặt vừa “tu thiện”, rồi cứ như thế mà siêng năng tinh tấn luôn luôn mới được. Chúng ta phải tập làm điều thiện cho thật thuần thục, cho thành thói quen, cho đến khi mỗi ý nghĩ, mỗi lời nói, mỗi việc làm đều thiện cả mới được.

Thế thì trong mỗi con người chúng ta cần phải ý thức được bổn phận trách nhiệm nơi chính mình để từ đó vươn lên một chí hướng vững chắc kiên cố, trước những trở ngại khó khăn như người chiến sĩ ra trận cần có áo giáp sắt để chống đỡ trước làn tên mũi đạn, người Tăng lữ nhờ tinh tấn mà vượt qua được những thác ghềnh của cuộc đời.

Vì vậy, khi nói đến tinh tấn chúng ta cũng có thể mô tả trong tư tưởng một mẫu người đầy nghị lực và sức sống lành mạnh. bởi vì để chọn cho mình một lối sống thanh cao, vượt hẳn muôn ngàn cuộc sống tầm thường khác, nên họ luôn phấn đấu để thấy rằng khi mặc áp giáp tinh tấn sẽ giúp chúng ta đánh bại những tư tưởng như nhu nhược, yếu hèn.

Cho nên trong Kinh Pháp Cú Đức Phật dạy: “Tinh tấn giữa đám người buông lung, tỉnh táo giữa đám người mê ngủ. Kẻ trí như con tuấn mã thẳng tiến, bỏ lại sau lưng những con ngựa yếu hèn”.

Đặc biệt Kinh Bát Đại Nhân Giác Đức Phật còn nhấn mạnh: “Lười biếng là gốc khổ lầm than, thường tu tinh tấn nghiêm trang, dẹp tan phiền não ma quân rã hàng. Phá ấm ngục tiêu tan bốn tướng vượt ra ngoài ba cõi nhiễu nhương, siêng tu ngộ lý chơn thường, tùy duyên hóa độ vào đường tử sanh”.

C - KẾT LUẬN

Tứ Chánh Cần là bốn phép siêng năng chân chính trong công cuộc diệt trừ tội ác và phát triển điều thiện. Nó bao gồm những quy điều căn bản thiết yếu của mọi tôn giáo, đạo đức, luân lý.

Thật thế, nếu chúng ta hành đúng bốn pháp này như Kinh Trung A Hàm nói: “Siêng năng đoạn trừ những điều ác đã sanh, siêng năng phát triển những điều thiện đã sinh, siêng năng ngăn chặn những điều ác chưa sanh không cho sanh, siêng năng tìm cách làm cho những điều thiện chưa sanh được sanh”.Nếu chúng ta tinh tấn làm được như thế thì chúng ta chắc chắn sẽ đạt được địa vị Thánh Hiền.

Chia sẻ
Phật học liên quan