Vô thường

Cập nhật: 15/10/2022

Trong con người của chúng ta, ngay sát na gọi là hiện tại, nhưng dung chứa trong nó cái quá khứ. Nghĩa là, ngay cái hình thành của sự vật đã có cái biến hoại, rồi tan mất.

Vô thường

 

BÀI 1

 

A. DẪN NHẬP

Nhà triết học Heraclite đã phát biểu rằng: “Không thể tắm hai lần trong cùng một dòng sông. Hoặc trong Kinh Bát Đại Nhân Giác có dạy: “Thế gian vô thường, quốc độ mong manh….”

Và hơn thế nữa, trong con người của chúng ta, ngay sát na gọi là hiện tại, nhưng dung chứa trong nó cái quá khứ. Nghĩa là, ngay cái hình thành của sự vật đã có cái biến hoại, rồi tan mất. Qua những vấn đề đó cho chúng ta thấy nơi nào có sự vận hành, chuyển biến, đổi dời, nơi đó có Vô thường. Vì vậy Vô thường là một định luật phổ biến, bao gồm cả vũ trụ và nhân sinh.

Thân, tâm và cảnh giới là một dòng chảy từ quá khứ qua hiện tại và đi đến vị lai. Chánh báo và y báo của một chúng sinh tạo thành dòng sông sinh mệnh, lực đẩy tạo thành dòng sông sinh mệnh chính là sự khát ái vào những sở thuộc như sự nghiệp tài sản, danh vọng nhằm củng cố cái Tôi trong vòng luân hồi vô tận. Khi nào cái Tôi còn bén rễ, khi nào ý thức chấp ngã còn bén rễ, khi nào ý thức chấp ngã còn xen vào cuộc sống thì vòng luân hồi vẫn thường xoay chuyển và sự vô thường vẫn luôn chi phối chúng ta.

    B. NỘI DUNG

           I. XUẤT XỨ

Giáo lý “Vô Thường” nằm trong tất cả các kinh điển của Phật giáo. Điển hình như: Kinh Trường Bộ số 17, Kinh Tạp A Hàm, kinh “Bộ Kinh Tập”, Kinh Bát Đại Nhân Giác, Kinh Pháp Hoa ….

             II. ÐỊNH NGHĨA

Vô là không; Thường là thường còn. Vô thường nghĩa là không thường còn.

Vô thường, tiếng Phạn đọc là anitya; Pali gọi là anicca: nghĩa là "không chắc chắn", "thay đổi", "không trường tồn".

Đức Phật dạy: "Tất cả những gì trong thế gian đã là biến đổi, hư hoại, đều là Vô thường". Vậy Vô thường nghĩa là không thường còn, không mãi mãi ở yên trong một trạng thái nhất định nào, nó luôn thay đổi, hư hoại. Ðạo Phật gọi những giai đoạn thay đổi ở thực vật là: “sanh, trụ, dị, diệt”, ở khoáng vật (đất, đá, cát, đồi, núi, sông, hồ, v.v...) là "Thành, trụ, hoại, không", ở con người là “sanh, lão, bịnh, tử”.

Vô thường là một trong ba tính chất (Tam pháp ấn) của tất cả sự vật. Trong Kinh Niết Bàn, Đức Phật có dạy: “Chư hành vô thường, thị sanh diệt pháp, sanh diệt diệt nhĩ, tịch diệt vi lạc”. Nghĩa là các hành là vô thường, là pháp sanh diệt, khi sự sanh diệt này diệt rồi, thì sự tịch diệt, vắng lặng, an lạc hiện tiền.

         IIIHÀNH TƯỚNG CỦA VÔ THƯỜNG

Vô thường được chúng ta cảm nhận rõ qua 3 lãnh vực, đó là thân vô thường, tâm vô thường và hoàn cảnh vô thường.

                  1. Thân vô thường

Ðức Phật, lúc còn là một Thái Tử, đã than với công chúa Da Du Đà La trong cung vui khi nghĩ đến Vô thường của thân người: “…Chúng ta sẽ già yếu và xấu xa. Thời gian sẽ phủ lên đầu chúng ta những lớp tro bạc. Ôi! mắt trong của em rồi sẽ mờ đục! Môi đỏ của em rồi sẽ úa màu!…Ta nghe trong ta, trong em và trong cả mọi người, mỗi ngày mỗi đổ vỡ, dưới sức tàn phá của búa thời gian, tất cả những gì quý báu của đời người…chúng ta ôm giữ một cách tuyệt vọng những bảo vật ở trong ta, như ôm giữ một cái bóng, như nắm bắt một làn hương!”.

Trí huệ thay! Con người cao sang và đang trẻ đẹp, bên cạnh lại có vợ hiền sớm hôm hầu hạ, thế mà Ngài vẫn đủ sáng suốt để nhìn thấy sự sanh diệt của đời người. Những lời thống thiết ấy, chẳng những đã cảnh tỉnh Công chúa Da Du, mà còn đánh thức những ai còn say đắm trong cảnh đời giả tạm, cảnh sanh, già, bệnh, chết, là hiện thân của luật Vô thường. Có thân thì phải chịu sự chi phối của sanh già bệnh chết, chúng ta không thể có một cơ thể khỏe mạnh tồn tại mãi được. Ðức Lão Tử cũng đã nhận thấy thân là nguồn tội lỗi, là gốc khổ đau, nên đã thốt ra câu:

“Ngô hữu đại hoạn, vị ngô hữu thân,

Ngô nhược vô thân, hà hoạn chi hữu?”

(Ta có cái khốn khổ lớn, vì ta có thân,

Nếu ta không có thân thì đâu có khổ gì?)

Cổ nhơn có câu: “Quân bất kiến cao đường minh cảnh bi bạch phát! Triêu như thanh ti, mộ như tuyết?”

“Anh không thấy cha già soi gương buồn tóc bạc!

Sớm còn như tơ xanh, tối đã trắng như tuyết”

Khoa học đã chứng minh rằng, trong thân thể ta, các tế bào thay đổi luôn, và trong mỗi thời kỳ 7 năm, là các tế bào cũ hoàn toàn đổi mới. Sự thay đổi ấy làm cho thân thể chóng lớn, chóng già và chóng chết.

Vì tham lam làm vẩn đục, tối tăm lương tri, nên con người không thấy rõ được lý Vô thường của thân xác và đã tìm mọi cách để cung phụng xác thân này.

                2. Tâm vô thường

Tâm niệm cũng âm thầm dời đổi, lại có phần mau lẹ và vi tế hơn, nếu chúng ta không nhìn sâu vào, ắt khó mà thấy được.

Kinh Tạp A Hàm, T.II, Đức Phật dạy: "Này các Tỳ kheo, chấp tâm thức là thường còn thì còn sai lầm và tệ hại hơn là chấp thân xác là thường còn. Vì thân xác người còn có thể tồn tại vài chục năm cho tới một trăm năm, còn tâm thức của người thì sanh diệt đổi thay trong từng giây phút". Tâm niệm chúng ta thay đổi trong từng phút giây, theo với ngoại cảnh: chúng ta buồn đó rồi vui đó, thương đó rồi giận đó. Phút trước ta nhớ chuyện nầy, phút sau lại nghĩ chuyện khác. Hôm qua ta tinh tấn tu hành, hôm nay đã ưu phiền thối chuyển. Thật đúng như đức Phật đã nói là “tâm viên ý mã là vậy.

Tâm niệm ta sanh diệt trong từnh sát na, chính vì nó sinh diệt mau lẹ như thế nên ta có cảm tưởng như nó không thay đổi gì cả. Tâm ta được cấu tạo bởi từng niệm sanh diệt, nhưng vì chúng ta không nhận được sự biến chuyển mau lẹ của nó, nên ta cứ tưởng là nó đơn thuần và bất biến. Cái ta phút trước phải đâu là cái ta phút nầy? Và cái ta phút này đâu còn là cái ta phút sau? Vậy cái ta nào là cái ta thật? Cái ta phút trước, cái ta phút nầy hay cái ta phút sau?

Cái tâm Vô thường tạm bợ, giả tạo như thế, thế mà người đời cứ cho nó là trung tâm điểm của vũ trụ, bám víu vào nó, nhơn danh nó để tham lam, vơ vét tài sản, danh lợi ở chung quanh, và dù có dẫm đạp lên hạnh phúc của kẻ khác, gây bao đau thương cho đồng loại, cũng mặc! Thật mê mờ lắm thay!

               3. Hoàn cảnh vô thường

Sách thường có câu: “Thương hải, tang điền” (Bãi biển nương dâu). Câu ấy mới nghe như là một hình ảnh bóng bẩy về văn chương; nhưng thật ra, đó là một nhận xét rất đúng trong thực tế. Gần đây, chúng ta chứng kiến nhiều trận thiên tai, thì điều này hiện lên rất rõ, như các trận động đất, sóng thần, bão lụt….

Chúng ta, thường lầm tưởng chỉ có sinh vật là biến đổi và mau già chết, chứ những vật lớn lao như núi sông, đất cát, thì muôn đời cũng vẫn ở yên một chỗ. Nhưng chúng ta đã lầm, sông núi cũng có cái già cái trẻ, đất cát cũng có khi lở khi bồi. Không có vật gì là vĩnh viễn tồn tại. Tục ngữ ta có nhiều câu nói lên được sự Vô thường của sự vật một cách rất thâm thúy như: “Vật đổi, sao dời” hay “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”.

Thật thế, một đời của chúng ta đã chứng kiến biết bao sự thăng trầm, vinh nhục, lên voi xuống chó. Giàu nghèo, sang hèn tiếp tục diễn ra trước mắt chúng ta như một bức tranh vân cẩu, như một khúc phim trong rạp chiếu. Bao nhiêu người, trước đây, nào dinh thự nguy nga, ruộng vườn cò bay thẳng cánh, thế mà sau một cơn binh lửa, sự nghiệp bỗng tan tành như mây khói. Bao nhiêu người quyền cao, chức trọng hống hách, nghinh ngang, thế mà một phút sa cơ thất thế, bỗng trở thành những kẻ tha phương cầu thực, hay vướng cảnh tù đày.

      IV. NHỮNG TÍNH CHẤT CỦA VÔ THƯỜNG

Đứng về mặt nguyên nhân và bản chất hiện tượng, thì thế gian là giả có, vô thường, dựa trên năm cơ sở để nhận định và đánh giá.

Tương Tục: vì các pháp là sanh diệt tương tục. Tức là chỉ cho các pháp nối tiếp nhau, không gián đoạn, từ sự vật này nối tiếp qua sự vật khác, sát na này nối tiếp sát na kia….

Hòa hợp: hay còn gọi là duyên thành giả. Vì các pháp thế gian do các duyên hiệp lại mà thành. Nói đến sự hòa hợp là do nhân duyên sanh như trong câu:“chư pháp tùng duyên sanh, diệt phục tùng duyên diệt”. Nghĩa là các pháp từ nhân duyên mà sanh lại cũng từ nhân duyên mà diệt.

Phân biệt: vì các pháp thế gian do nhận thức phân biệt mà có. Nhờ có phân biệt mà con người thấy được cái này tốt, cái kia xấu, cái nọ đẹp, điều này đúng, điều kia sai,…..

Đối Đãi: Hay còn gọi là quán đãi. Vì các pháp thế gian do đối đãi mà có. Cũng do có sự phân biệt nên có sự đối đãi. Đối đãi là chỉ cho những cặp phạm trù đối đãi như: có – không, sanh – diệt, còn – mất, sai – đúng, tốt – xấu …..

Thi thiết: thi là thực thi, thi hành. Thiết là hình thành nên một pháp, là tái thiết. Các pháp thế gian do giả lập danh mà có. Tất cả mọi sự vật hiện tượng đều do chúng ta đặt tên cho nó mà có, chứ nó không có một sự chắc thật và không có một thực thể tồn tại thực có.

Về mặt vô thường biến dịch thì có 5 loại:

Tương tục vô thường: vì các pháp thế gian sinh diệt vô thường. Tương tục là sự sinh diệt, băng hoại thường xuyên trong lòng sự vật, là sự chuyển biến không ngừng, nên sự tương tục ấy là thể tướng của Vô thường.

Sát na vô thường: vì các pháp thế gian hoại diệt trong từng sát na một. Sát na sinh diệt là sự vô thường ma mãnh nhất, nhỏ nhiệm nhất. Sát na là thuật ngữ nhà Phật hay sử dụng, chỉ cho đơn vị ngắn nhất của thời gian. Một niệm thoáng qua trong tâm thức có đến 90 sát na. Mỗi sát na là một tiểu niệm. Sự sinh diệt nhỏ nhiệm của mỗi sát na chỉ có Phật trí mới thấy được.

Nhất kỳ vô thường: các pháp thế gian tồn tại trong một thời gian nhất định. Nhất kỳ là thô tướng nhất của Vô thường, chỉ cho sự kết thúc của một tiến trình, như sự chết của một người, nhưng chết không có nghĩa là mất hẳn, mà chỉ là tạm vắng ở nơi này, để chuẩn bị biểu hiện thành sự sống ở nơi khác.

Hoại diệt vô thường: vì các pháp thế gian hữu hình nên hữu hoại, hữu tướng nên hữu diệt. Bởi vì trong kinh Phật dạy: “phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng.”

Không vô thường: vì các pháp thế gian cuối cùng đều trở về nơi không, vô ngã, không có tự tướng cố định.

   V. VÔ THƯỜNG VỀ THỜI GIAN VÀ KHÔNG GIAN

Khi nói đến thời gian Vô Thường là chỉ cho ngũ uẩn gồm có: sắc, thọ, tưởng, hành, thức.

Sắc là chỉ cho sắc chất, là tướng hữu vi. Phàm những thứ gì có hữu hình thì sẽ hữu hoại. Sắc chuyển biến thì thọ chuyển biến. Là thuộc về sanh - trụ - dị - diệt.

Có thọ là nhờ có tưởng. Do có tưởng mới có sự phân biệt giàu nghèo sang hèn. Sự phân biệt này cũng chỉ là giả mà thôi. Tưởng hành thức cũng thế….

Khi nói đến không gian Vô Thường là chỉ cho tứ đại tức là đất, nước, lửa, gió. Những giai đoạn thay đổi của một vật là thuộc về thành - trụ - hoại - không. Trong thành đã có chứa đựng các yếu tố trên. Như một làn sóng, khi mới nhô lên gọi là thành (hay sanh) khi nhô lên cao nhất thì gọi là trụ; khi hạ dần xuống thì gọi là hoại, khi tan rã thì gọi là không. Tất cả sự vật trong vũ trụ, từ nhỏ như hạt cát, đến lớn như trăng sao, đều phải tuân theo bốn giai đoạn ấy cả, nên gọi là Vô thường.

Vô thường thuộc yếu tố thời gian, là một diễn trình đi từ nhân đến quả. Diễn trình đó nơi chúng sanh hữu tình thì biểu hiện thành sinh, già, bệnh, chết; nơi các pháp thì có sinh, trụ, dị, diệt; nơi thế giới thì có thành, trụ, hoại, không. Sự thay đổi của bốn mùa, sự di chuyển của các hành tinh, vệ tinh cũng không ra ngoài quy luật của diễn trình đó. Hễ có thành ắt có hoại, có hợp ắt có tan. Trong đoạn thơ của Thiền sư Thanh Đàm, thuộc đời thứ 42, Tông Tào Động, khoảng đầu thế kỷ thứ 19 như sau:

"Công danh cái thế màn sương sớm
Phú quý kinh nhân giấc mộng dài
Chẳng hiểu bản lai vô nhất vật
Công phu luống uổng một đời ai"

Quá khứ là những gì đã trôi qua. Tương lai là những gì sắp xảy đến. Và hiện tại là một trạng thái không dừng trụ. Cả ba mốc thời gian đều trôi chảy bất tuyệt. Chính vì có sự trôi chảy của thời gian, mỗi vật trở thành một cái khác và trở thành cái khác mãi mãi.

   VI. LỢI ÍCH KHI QUÁN CHIẾU VỀ VÔ THƯỜNG

Vô thường là một định luật chi phối tất cả sự vật, từ thân, tâm cho đến mọi hoàn cảnh. Hiểu lý vô thường, chúng ta đã có một phương thuốc thần diệu để trừ bệnh tham ái, mê mờ và tiến tới sự an tịnh của tâm hồn.

Biết được vô thường để con người tìm về cái chơn thường. Biết thản nhiên trước cảnh thay đổi bất ngờ và lạnh lùng trước cảnh ân ái chia ly, dám hy sinh tài sản, tánh mạng để làm việc nghĩa, chán ngán với những thú vui tạm bợ.

Tuy nhiên, nếu không có vô thường thì con người sanh ra và không thể lớn lên. Nếu các động tác mà không có sự vô thường thì không thể có sự chuyển biến. Thế giới loài người không thể tiến hóa và nếu không có vô thường thì con người mãi bị vô minh, mê mờ không thể giác ngộ được. Cho nên, vô thường có mặt khuyết nhưng cũng có mặt ưu của nó.

Trong sự biến chuyển vô thường, chúng ta đem sự tu tập của của mình so sánh với khởi điểm ban đầu, xem thử nó tốt hay xấu, lúc đó bước chân của mình có đi đến cảnh giới an lạc hay không? Chúng ta đã bước được bao nhiêu bước trong Giới - Định - Tuệ, trong Văn – Tư - Tu. Như vậy chúng ta thấy vô thường có đóng góp gì trong nội lực tu tập của mình hay không?

Tất cả các pháp đều từ tự tâm, tự tánh phát sanh. Khi các pháp hiện hữu là hiện hữu trong sự giả có. Như vậy, còn một cái chân thật bất sanh bất diệt là pháp thân, pháp giới, cần phải hiểu rõ, thấy rõ và chứng nhập. Thế nên, kinh Hoa Nghiêm nói: “biết tất cả pháp, đều từ tự tâm, tự tánh phát sanh. Thành tựu huệ thân là do chính mình, chứ không phải do ai khác.”

Hay nói cụ thể hơn là “không một pháp nào không từ chơn tâm phát xuất, và không một pháp nào không trở về chân tâm”. Như thế, chứng nhập chơn tâm, thể nhập pháp giới, là trở về cơ sở đầu tiên của sự phát khởi, là bản thể của chính mình, của tất cả chúng sanh và vạn pháp trong pháp giới.

Tính Bồ đề hay Phật tánh, là những năng lực tuệ giác viên mãn, tiềm tàng trong mỗi con người và mỗi loài. Phật tánh đó, nói theo thiền, ở Thánh không tăng, ở phàm không giảm. Thể vốn mầu nhiệm, tròn đầy, không nhờ tu đắc. Kinh Pháp Hoa nói rằng: “Tất cả chúng sinh là Phật sẽ thành”. Và Kinh Đại Bát Niết Bàn giải thích: “Tất cả chúng sinh dù sinh tử luân hồi nhưng chẳng thối mất Phật tánh, nên nói tất cả chúng sinh vốn có Phật tánh, là Phật sẽ thành.” Như vậy, chúng ta cần nhận rõ cái chân thường trong sự vô thường, cái bất biến trong cái chuyển biến vậy.

C. KẾT LUẬN

Vô thường là một nguyên lý phổ biến tất yếu, xảy ra ở mọi nơi, mọi đối tượng, bao hàm từ vật chất đến tinh thần. Cho nên, mục đích của pháp quán vô thường là nhằm hiển thị chánh kiến. Tu pháp vô thường là để diệt trừ các thái độ chán chường, yếm thế, bi quan, đề cao chân giá trị của nhận thức đánh giá sự vật một cách đúng đắn. Như Kinh Duy Ma Cật, Ngài Duy Ma Cật khẳng định:“Nói nguyên lý vô thường là nhằm lìa sự nhàm chán.”

Ðức Phật cũng như vị lương y tùy theo chứng bệnh mà cho thuốc. Với bịnh chấp vào cái thường giả tạm, thì ngài dùng phương thuốc vô thường để đối trị, khi lành bịnh thì Phật lại chỉ cho chúng ta thấy sự chơn thường bất biến, tức tìm về Phật tánh chân như.

 

 

 

 

BÀI 2

    A. DẪN NHẬP

Tất cả mọi sự vật trong thế gian này đều phải biến chuyển không ngừng. Chúng luôn luôn sanh, trụ, dị, diệt hoặc thành, trụ, hoại, không. Thế giới không một vật nào tồn tại vĩnh viễn và có thể đứng yên một chỗ; tất cả đều vô thường, không những vô thường trong từng năm, tháng, ngày, giờ mà còn vô thường trong từng sát-na sanh diệt. Cho nên nói:

                                                                            “Phú quý như phù vân

Cuộc đời là mộng ảo

Ngày tháng tợ thoi đưa.”

 

“Nước lũ không đầy mãi

Lửa dữ không cháy hoài

Mặt trời mọc rồi lặn

Trăng tròn rồi lại khuyết

Vô thường còn hơn thế.”

      Muôn loài, cảnh vật, con người (trong đó bao gồm thân và tâm) đổi thay liên tục, chuyển biến không ngừng. Ấy thế mà, suốt một đời chúng ta đã bao lần cố giữ nhưng không được, cố nắm bắt lại vuột mất; đôi lúc không mong lại đến, chẳng cầu lại có; rồi lại đau khổ bởi bao lần thất vọng vì những sự thay đổi, những cuộc chia li, những lần biến hoại… Tại sao lại có sự thay hình đổi dạng, biến chuyển di dịch như vậy? Thuật ngữ Phật giáo gọi đó là sự Vô thường - Đây chính là quy luật muôn thuở của vũ trụ nhân sinh; là chân lý cuộc sống của vạn sự vạn vật, của muôn loài chúng sanh; và Vô thường cũng chính là pháp giới tánh, là chân như, như thị…

    B. NỘI DUNG

              I. ĐỊNH NGHĨA

    Vô: là không, là chẳng, không có…

      Thường: là thường còn, thường xuyên, thường tại, tồn tại, không bao giờ thay đổi.

      Vô thường: là không thường còn, là chỉ cho mọi sự vật, hiện tượng trong cuộc đời luôn thay đổi, biến hoại, không bao giờ đứng yên ở một trạng thái nhất định.

    Điều giác ngộ thứ nhất của Kinh Bát Đại Nhân giác dạy rằng:

“Thế gian vô thường,

Quốc độ nguy thúy,

Tứ đại khổ không,

Ngũ ấm vô ngã,

Sanh diệt biến dị,

Hư ngụy vô chủ”

      Nghĩa là, thế gian vô thường, cõi nước thì mong manh tạm bợ, những cấu tạo của bốn đại đều trống rỗng và có tác dụng gây đau khổ, con người do tập hợp của năm ấm mà có, lại không có thực ngã, sinh diệt thay đổi không ngừng, hư ngụy và không có chủ quyền.

    Kinh Niết Bàn cũng có bài kệ:

“Chư hành vô thường

Thị sanh diệt pháp

Sanh diệt diệt dĩ

Tịch diệt vi lạc”

 

(Các hành vô thường.

Là pháp sanh diệt.

Sanh diệt diệt rồi.

Tịch diệt là vui.)

      Nghĩa là “Tất cả các pháp hữu vi đều vô thường, có sinh rồi thì phải có diệt. Nếu vượt được ý niệm sinh diệt thì tiếp xúc được với cái vui của Niết Bàn”.

      Từ điển Phật học Huệ Quang định nghĩa: “Tất cả pháp hữu vi sanh diệt dời đổi đều do duyên sanh, nương theo bốn tướng sanh, trụ, dị, diệt trong từng sát na, xưa không mà nay có, nay có mà về sau không, gọi chung là vô thường.”

      Trong Kinh Niết Bàn, quyển 10, Văn-thù-sư-lợi Bồ tát có bạch Phật rằng: “Như những vật ở thế gian, trước không, nay có, có rồi trở lại không. Những vật như vậy đều là vô thường”.

      Vậy, Vô thường có nghĩa là không thường còn, không trường tồn, không thường trụ, không chắc chắn, mà luôn luôn biến đổi, thay đổi, biến chuyển, dịch chuyển không ngừng, luôn sanh diệt, không ở yên một chỗ hay một trạng thái, hình tướng, khuôn mẫu nhất định nào, mà luôn thay đổi từ một trạng thái hình thành, cho đến biến hoại và tan rã. Vô thường là một trong ba hay bốn pháp ấn, còn chỉ cho chân như tánh, pháp giới tánh hay thật tánh của vạn pháp.

        II. TƯỚNG TRẠNG CỦA VÔ THƯỜNG

      Vô thường mà chúng ta cảm nhận được sẽ diễn tiến trên ba lĩnh vực: Thân, tâm, hoàn cảnh. Khi tìm hiểu về hành tướng của vô thường, chúng ta xét trên 3 đối tượng này sẽ thấy rõ.

                         1. Thân vô thường

      Thân chúng ta (hay hữu tình chúng sanh) này được hình thành trước tiên là do nghiệp thức, nghiệp lực đã huân tập, tạo tác trong quá khứ biến chuyển, rồi nhờ sự kết hợp, luân chuyển của các yếu tố như Đất, nước, gió, lửa, … mà hiện đời thọ nhận nghiệp quả, tức thọ nhận thân này. Cứ như thế, kết thành, duy trì, tạo tác, huân tập, rồi phát triển… tạo thành một chuỗi sanh - chết - sanh không ngừng của thân.

      Thêm vào đó, thân này được tồn tại là nhờ vào sự huân tập tạo tác từ cảnh sở y, tức nó nương vào các duyên khác bên ngoài, gọi là cảnh trần hay y báo; và nhờ vào sự tuần hoàn lưu chuyển của các hệ thống hô hấp, tuần hoàn, tiêu hóa, bài tiết…trong cơ thể mà tồn tại được. Khi thân này không tiếp nhận các duyên bên ngoài, hay hệ thống tuần hoàn không hoạt động nữa, đồng nghĩa với sự chấm dứt đời sống của một chúng sanh.

      Trong Quy Sơn cảnh sách, Tổ Linh Hựu dạy rằng: “Phù nghiệp hệ thọ thân, vị miễn hình lụy. Bẩm phụ mẫu chi di thể, giả chúng duyên nhi cộng thành. Tuy nãi tứ đại phò trì, thường tương vi bội”. Nghĩa là: Vì nghiệp lực bắt buộc mà phải thọ thân này, nên chưa ai thoát khỏi sự vướng bận của hình hài. Thân này do bẩm thụ di thể của cha mẹ và nhờ các duyên giả hợp mà thành. Tuy sắc tướng, sắc thân được hình thành theo pháp duyên sanh, vận chuyển theo tiến trình Thành-trụ-hoại-không, đã là duyên sanh duyên hợp thì không thể bền chắc được, nên nói thân là vô thường.

      Kiếp người, với khoảng thời gian bất định 60 năm - một cuộc đời, có thể hơn thế nữa và cũng có thể chỉ 20 năm, 10 năm… Có người chưa một lần nếm đắng cay bùi ngọt mà cuộc đời ban tặng đành chịu vùi xác thân dưới lòng đất sâu, đêm đêm nghe côn trùng rả rích.

      Với con mắt Tuệ, các vị Thiền Sư đã nhìn vào lòng vạn vật. Bằng âm sắc thi ca, bằng hình tượng nghệ thuật, các Ngài đã thức tỉnh chúng ta, chỉ cho chúng ta biết sự mong manh của kiếp người. Thân người chỉ như bóng chớp, như lá cỏ, Thiền Sư Vạn Hạnh đời nhà Lý (1010 -1225) trước giờ thị tịch đã nhắc nhở chúng đệ tử về sự vận hành của vô thường qua bài kệ:

“Thân như điện ảnh hữu hoàn vô,

Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô."

(Thân như bóng chớp chiều tà

Cỏ Xuân tươi tốt, thu qua rụng rời.)

      Và Thiền Sư Viên Chiếu cũng nói:

Thân như tường bích dĩ đồi thì

Cử thế thông thông thục bất bi”.

(Thân như tường vách thuở lung lay

Ai chẳng thương tình cuộc đổi thay)

      Chúng ta cứ mãi lo tô điểm cho cái thân giả hợp này. Đâu biết rằng, thân thể chúng ta giống như tường vách lung lay, xiêu vẹo, không biết sẽ sụp đổ cuốn đi lúc nào trước cơn lốc vô thường. Thân đã như vậy, còn tâm thì sao?

                   2. Tâm vô thường

      Tâm tánh hay tâm ý, nói đủ là tâm ý thức, là trung tâm điều khiển tất cả những cảm thọ từ niệm tưởng suy nghĩ, tiếp xúc giữa sáu căn và sáu trần.

      Tâm vô thường ở đây là chỉ cho vọng tâm, tức những nhận thức phân biệt nơi con người, chúng được hình thành dựa trên một chuỗi phản ứng, từ lúc căn trần tiếp xúc với nhau. Biểu hiện qua những trạng thái như: vui buồn, hạnh phúc, khổ đau hoặc hỷ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục (mừng, giận, buồn, sợ, yêu, ghét, muốn).

      Con người ngũ uẩn gồm hai phần, sắc thân (hình tướng) và danh thân (tâm tánh). Phần sắc thân đã vô thường như đã nói ở trên, cho nên những gì liên quan đến nó như thọ, tưởng, hành, thức cũng vô thường. Chính vì thế không chỉ có thân vô thường mà tâm niệm, suy tư, nhận thức, phân biệt của con người cũng âm thầm dời đổi, lại có phần mau lẹ và vi tế hơn.

      Tất cả các hiện tượng, hành động tạo tác, tập hợp bởi sắc và tâm không thường còn. Chúng không đứng im nhất định mà luôn ở trạng thái biến động, dịch chuyển vô tận. Sinh diệt diễn tiến mãi. Tâm ta thay đổi không ngừng, mỗi niệm mỗi khác theo dòng chảy của thời gian. Một Thiền sư có viết:

Tâm như chàng họa sĩ

Vẽ ngũ uẩn thế gian

Tất cả thế giới kia

Do tâm mà tạo tác”.

      Vô thường diễn ra một cách bình đẳng đối với tất cả chúng sanh Ngũ uẩn. Dù là kẻ sang, người hèn, kẻ trí, người ngu… thì cái tâm vẫn vậy, vẫn luôn luôn biến đổi không ngừng. Nếu chúng ta không nhìn sâu vào thì khó mà nhìn thấy được. Tâm luôn thay đổi từng giờ, từng phút cho nên đức Phật ví “Tâm viên, ý mã” tâm người như vượn chuyền cây, như ngựa rong chơi ngoài đồng nội, chẳng khác gì từng đợt sóng vỗ ngoài biển khơi, có rồi mất, mất rồi có. Con người ta buồn đó rồi vui đó, thương đó rồi giận đó, phút trước ta nhớ chuyện này, phút sau ta nghĩ chuyện khác. Hôm qua ta tinh tấn tu hành, hôm nay lại ưu phiền thối chuyển. Cũng chính ngay tâm sanh diệt biến đổi này là hiện diện của phiền não tham sân si…

      Tính chất vô thường của tâm là không thật, là duyên sanh, chợt sanh, chợt diệt cứ xoay vần mãi. Chính vì nó vi tế mà ta cứ tưởng nó không thay đổi gì. Nhưng thật ra, tâm được cấu tạo bởi từng niệm sanh diệt tương tục, cái ta phút trước không phải là cái ta phút này, cái ta phút này không phải là cái ta phút sau. Niệm trước diệt, niệm sau khởi lên, nối tiếp nhau. Dòng tâm thức sanh diệt, diệt sanh ấy chính là vọng tưởng điên đảo của lớp vô minh trùng trùng điệp điệp, cuốn hút chúng sanh vào bể khổ sanh tử. Kinh Pháp Cú Phật dạy:

“Tâm dẫn đầu các pháp

Tâm làm chủ tâm tạo

Nếu với ý ô nhiễm

Nói năng hay hành động

Khổ não bước theo sau

Như xe chân vật kéo.”

    Vì chạy theo trần cảnh nên bỏ mất đi bản tâm vốn thanh tịnh, trong sáng. Nếu xa lìa những ý niệm điên đảo, trở về sống với chơn tánh sáng suốt thanh tịnh thì sẽ không còn khổ nữa. Bởi chân tâm tức là chơn thường, không còn bị định luật vô thường chi phối. Nơi nguồn tâm ấy không còn những đợt sóng vô thường sanh diệt: hỷ nộ ai cụ ái ố dục hiện diện.

    Như vậy, sự dính mắc do các căn và trần va chạm để rồi sanh ra tâm thức. Thức tâm sanh diệt, diệt sanh đó chính là vô thường. Cho nên phải biết quán xét tu tập trong từng tâm niệm. Đừng nghe theo tiếng nói của vọng tâm điên đảo mà hãy nghe theo tiếng nói từ huyền diệu chơn tâm thì khổ não không theo ta được.

                           3. Hoàn cảnh vô thường

    Hoàn cảnh vô thường là thể hiện ở sự thay đổi lớn nhỏ, tốt xấu, trồi sụt, hợp tan… của các cảnh vật. Heraclite (544-480 Tr TL) - một triết gia Hy Lạp cổ đại nói rằng: “Không ai tắm hai lần trong một dòng sông”, dòng sông tưởng chừng như đã cũ nhưng thực ra vẫn luôn mới trong từng ngày; dòng sông tưởng chừng luôn đứng yên nhưng thật ra vẫn di chuyển không ngừng, dòng sông ngày hôm nay không phải là dòng sông ngày hôm qua, bởi vì nước trong dòng sông ngày hôm qua đã chảy ra biển cả. Một lần kia, Đức Khổng Tử đứng ngắm nhìn dòng sông và cất tiếng nói: “Thệ giả như tư phù, bất xả trú dạ”. (Cứ chảy mãi thế này ư? Chẳng kể ngày đêm). Như vậy từ dòng sông cho đến sơn hà đại địa, tất cả đều luân chuyển, thay đổi không ngừng. Nhà thơ Nguyễn Khuyến viết trong bài thơ Sông Lấp:

“Sông kia rầy đã nên đồng

Nơi làm nhà cửa nơi trồng ngô khoai

Vẳng nghe tiếng ếch bên tai

Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò

    Một đời người ta đã chứng kiến biết bao sự thăng trầm, vinh nhục, lên xe xuống ngựa, giàu sang, nghèo khó, nào là dinh thự nguy nga, ruộng vườn cò bay thẳng cánh. Thế mà một cơn binh biến, một cuộc hỏa hoạn, một trận động đất.. sự nghiệp bỗng tan tành theo mây khói! Bao người quyền cao tước trọng, uy vũ một thời… thế nhưng một phút sa cơ thất thế bỗng trở thành kẻ tha phương cầu thực…

    Về hoàn cảnh vô thường, gợi cho ta nhớ câu “thương hải tang điền”. Biển xanh một ngày nào đó trở thành bãi dâu. Mọi việc, được-mất, hơn-thua, phải-trái, ở đời rơi rụng theo hoa buổi sớm, lợi danh cũng như trận mưa rào qua đêm.

Thị phi niệm trục triêu hoa lạc

Danh lợi tâm tùy dạ vũ hàn”.

(Phải trái rụng theo hoa buổi sớm

Lợi danh lạnh với trận mưa đêm)

(Trần Nhân Tông)

      Cho nên nói, không chỉ là thân vô thường, tâm vô thường, mà kể cả mọi sự vật trên đời, từ những vật nhỏ nhất, như vi trần, vi khuẩn, đến những vật lớn nhất, như núi, sông, hồ, cho đến các đại châu, các biển cả, thậm chí đến các thế giới, đến các thiên hà… Tất cả đều chịu theo luật vô thường chi phối, nghĩa là đều biến đổi không ngừng, đều có sinh, có diệt, đều phải trải qua các quá trình sinh, thành, hoại, diệt, không có cái gì tránh được.

    Như thế, nói tách biệt từng phần thân, tâm và hoàn cảnh để cho chúng ta dễ nhận thức, dễ phân biệt và thấy rõ được sự bất thường tại trong mỗi ý niệm, suy nghĩ, tạo tác, cảm thọ của thân, tâm và hoàn cảnh. Và như đã nói, vô thường là quy luật của cuộc sống, là nguyên tắc của các pháp. Có sanh phải có diệt, có tụ phải có tán. Vì sao như vậy? Vì trong vòng sanh diệt, tụ tán đó, không có một hiện tượng nào chỉ thuần một nhân hay một duyên, cũng không có sự tương tác hòa hợp và tiêu diệt giữa chúng. Đó chính là bản chất vô thường.

    III. TÍNH CHẤT VÔ THƯỜNG

    Về mặt vô thường biến dịch, hay bản chất (tánh chất) cho chúng ta thấy tánh vô thường trong tất cả các pháp. Dựa trên 3 cơ sở hay 3 loại vô thường mà đánh giá:

               1. Niệm niệm hoại diệt vô thường
Trong từng sát na nhỏ nhất, tất cả sự vật hiện tượng đều ẩn chứa sự hoại diệt, vô thường. Vì các pháp thế gian là hữu hình nên hữu hoại, hữu tướng nên hữu diệt. Niệm niệm hoại diệt vô thường là sự sinh diệt, băng hoại thường xuyên trong lòng sự vật, là sự luân chuyển, chuyển biến không ngừng.

          Trong từng sát na nhỏ nhất đều ẩn chứa sự hoại diệt vô thường như: hơi thở ra vô, máu lưu chuyển, mạch nhảy, tim đập, tế bào sanh diệt,… Ví dụ như trong một giây có khoảng 125 triệu tế bào chết đi, nhường chỗ cho 125 triệu tế bào khác sinh ra, nhưng bất hạnh thay tế bào sau lại già hơn tế bào trước. Chính điều này làm cho chúng ta từ trẻ đi đến già và từ già đi đến cái chết.

    Niệm trước niệm sau tiếp nối tương tục hòa hợp sanh diệt như từng điểm từng điểm của một vòng tròn, đường thẳng hay từng tế bào của một loài. Tương tục tương tác hòa hợp triệt tiêu trong quá trình duy trì, hủy diệt và phát triển.

    Sự biến chuyển liên tục tương quan tương duyên giữa các nhân (điều kiện chính) và duyên (điều kiện phụ trợ) dẫn tới sự hình thành hay biến mất dần cho một kết quả. Ví dụ như những ý muốn chợt có chợt mất trong sinh hoạt thường nhật của con người: khởi tâm trộm cắp (sanh) sợ người ta phát hiện sẽ mắc cỡ nên dừng lại (diệt), hay buồn ngủ, ngủ gật (sanh), người ngồi bên cạnh giật tai nên tỉnh ngủ (diệt). Nhờ thời gian mà ta biết được hiện tượng từ già đến trẻ.

                     2. Hòa hợp ly tán vô thường
 Mọi sự vật, hiện tượng hòa hợp để rồi ly tán, tan rã, vô thường. Thân này do tứ đại (đất, nước, gió, lửa) hợp lại mà thành. Lấy tứ đại bên ngoài để nuôi tứ đại của thân. Nếu tứ đại bên ngoài hòa hợp thì thiên nhiên an lành, hiền hòa. Nếu nó ly tán sẽ sanh ra thiên tai hủy diệt. Và nếu tứ đại của thân mà giữ được trạng thái hòa hợp thì con người mới an ổn. Nếu một trong tứ đại ly tán thì thân sẽ sanh bịnh, rồi già và dẫn đến cái chết. Kinh Lăng Nghiêm viết: “Nhân duyên hòa hợp hư vọng hữu sanh. Nhân duyên ly tán hư vọng hữu diệt”. Dù sanh hay diệt cũng là hư vọng, mà hư vọng chính là vô thường vì chúng là duyên sanh. Ví dụ: thương là hòa hợp, hết thương là li tán…

    Hiện tượng hay tướng trạng (tướng sanh, diệt) của vạn vật, con người là do sự hòa hợp tương quan tương tác hình thành. Đồng thời, trong thời điểm, khoảnh khắc tương quan tương tác đó của sự hòa hợp tạo thành cũng xảy ra sự phân hủy triệt tiêu giữa nhân và duyên. Tính hòa hợp nếu đứng yên thì không còn là sanh diệt nữa, mà lúc này, sự sanh diệt đã bị gián đoạn.

    - Hòa hợp tương tục đưa đến sự hình thành kết quả. Ví dụ: Ta thở vào thở ra, sanh rồi diệt, diệt rồi sanh liên tục. Hoặc như một dòng thác, nhìn thì ta tưởng chừng như là một dãy nước, nhưng thật sự, dòng thác đó là sự kết hợp của rất nhiều giọt nước nhỏ li ti nối nhau rơi từ trên cao xuống.

    - Tương tục đối đãi phân biệt xuất hiện sự bất hòa đưa đến sự tương tác hủy diệt. Ví dụ, nhờ sự tương tục mà ta thấy buồn, vui, thở vô thở ra, cử động tay chân. Trong tương tục có hòa hợp, ví dụ như ta thấy ngứa, đưa tay gãi, đỡ ngứa. Cũng như người cầm một cây lửa quay thành vòng lửa liên tục không dứt, kẻ nhìn vào không thấy một cây lửa mà thấy đây là vòng lửa, rồi cho đó là vòng lửa thực, ấy là nghĩa liên tục.

    Tương tác: các hệ thống cơ quan trong con người tác động qua lại với nhau. Hòa hợp là chất bổ giữ lại nuôi cơ thể, li tán là những thứ để thải ra, sổ mũi là li tán.

                      3. Tất cánh như thị vô thường

 Tất nghĩa là tất nhiên, hiển nhiên. Cánh nghĩa là cứu cánh. Tất Cánh nghĩa là chân lý, là rốt ráo. Như Thị nghĩa là đúng như vậy. Như vậy, Tất Cánh Như Thị Vô Thường nghĩa là: Chân lý về sự vô thường trong cuộc đời này là như thế. Nó như vậy phải là như vậy. Sự vô thường luôn luôn có mặt trong mọi pháp hữu vi mà không ai có thể làm cho nó mất đi hay dừng lại được. Kinh Kim Cang Phật đã dạy:

“Nhất thiết hữu vi pháp

Như mộng huyễn bào ảnh,

Như điện diệc như lộ

Ưng tác như thị quán”

    Trong mối tương quan tương duyên của các pháp cho chúng ta thấy rõ tác động chuyển biến thay đổi của chúng. Sự tương tác này chính là thật tướng, là chân lý, là thật tánh của chúng:

    - Tương tục hòa hợp trong một thời gian có thể, đối đãi phân biệt xảy ra, nhân duyên đồng thành tựu kết quả tốt - xấu như thị (nhân duyên thế nào thì quả thế đó).

“Thử hữu tắc bỉ hữu

Thử vô tắc bỉ vô

Thử sanh tắc bỉ sanh

Thử diệt tắc bỉ diệt”

    Cái bên ngoài (y báo, cảnh, đối tượng) với cái bên trong (chánh báo), có anh nên có tôi, và ngược lại, có chủ thể thì có đối tượng, hoặc có ánh sáng ta mới biết bóng tối, có màu đen mới biết sự tồn tại của màu trắng, có xấu mới có tốt..., nhưng có đối đãi mà không có so sánh phân biệt thì chưa đủ, các pháp vì đối đãi nhau mà cùng có mặt, đồng thời có sự so sánh, phân biệt, đối chiếu - Đây là ý nghĩa của phân biệt, chính vì có sự đối đãi, phân biệt nên chúng vô thường.

    Cũng vậy, nhân duyên bất đồng cũng thành tựu kết quả nhưng trong một tướng trạng theo sự huân tập, tập nhiễm tùy theo nhân và duyên đóng vai trò chủ chốt.

    Kết quả cuối cùng của nó là như vậy, niệm thiện, hành thiện, niệm ác, hành ác, hắc hay bạch thì cuối cùng vẫn như vậy. Chân lý về sự vô thường trong cuộc đời này là như thế, vô thường luôn luôn có mặt.

      Nếu không đầy đủ những tính chất trên, tức 3 loại vô thường như đã trình bày ở trên thì nhân duyên sanh diệt bị triệt tiêu, đồng nghĩa sự vô thường không tồn tại, cũng đồng nghĩa với sự không tồn tại của con người, muôn loài và vũ trụ vạn hữu. Vì các pháp vốn đầy đủ những tính chất trên, nên chúng giả có, có sanh, có diệt, có đó rồi mất đó, không tồn tại ở một dạng cố định, thay đổi liên tục, ta gọi là vô thường.

      Bài kệ duyên sanh của Ngài Mã Thắng đã nói lên điều đó:

“Chư pháp tùng duyên sanh

Diệc phục tùng duyên diệt

Ngã Phật đại Sa-môn

Thường tác như thị thuyết”

(Các pháp từ duyên sinh

Cũng do duyên mà diệt.

Thầy tôi Đại Sa Môn,

Thường dạy điều như thế.)

      Chung quy, tất cả đều tuân theo 3 quy luật trên, Niệm niệm hoại diệt vô thường, Hòa hợp ly tán vô thườngTất cánh như thị vô thường. Dù đức Phật nói hay không nói, giác ngộ hay chưa giác ngộ, nó cũng hiện hữu trên cuộc đời mãi mãi, bởi vì bản tính nó vốn như vậy.

      IV. NHẬN ĐỊNH VỀ GIÁ TRỊ VÔ THƯỜNG

      Khi nói đến Vô thường thì chúng ta liền hiểu ngay đó là luật tuần hoàn của vũ trụ. Nơi nào có sự vận hành, chuyển biến, đổi dời, nơi đó có Vô thường. Vì vậy Vô thường là một định luật phổ biến, bao gồm cả vũ trụ và nhân sinh.

          Phàm phu khi chưa hiểu đạo thì rất sợ vô thường. Họ xem vô thường là sự tang tóc, chia ly, mất mát, đau khổ. Nhưng thật ra tự thân của mọi sự vật, hiện tượng nó đâu có nói nó khổ đâu. Ví dụ mất tiền, thì tiền nó đâu có nói tôi khổ quá vì đã xa chủ, mà tâm của người mất tiền mới cảm thấy khổ. Vậy khổ thuộc về tâm lý nhận thức của mình.

       Như vậy, vô thường không phải là nguyên nhân đưa đến khổ, mà khổ chính là do ta vô minh không nhìn thấu được vô thường là pháp duyên sanh, giả hợp, nên tâm ta sanh ra tham ái để rồi chấp thủ, bám víu vào đó mà không buông xả được. Lúc này, vô thường chính là vị Bồ Tát luôn nhắc nhở ta phải biết sống trong chánh niệm, tỉnh giác. Như vậy, vô thường chính là chân lý, là một trong Tam Pháp Ấn ấy của kinh Phật vậy.

      Giáo lý vô thường rất quan trọng cho toàn bộ cơ sở triết lý và thực hành trong Phật giáo. Mặc dù chân lý này xem ra hoàn toàn hiển nhiên, có thể chứng nghiệm được ở mọi nơi, mọi lúc, nhưng chúng ta vẫn bị màn vô minh che lấp, nên không nhận thức được chân lý này một cách chính xác. Do đó, có những vọng chấp là thường nên sinh ra trìu mến, bám níu, phiền khổ. Nhận thức rõ tính chất vô thường của vạn vật là một điều kiện quan trọng để xác định con đường tu tập theo giáo lý của Phật.

      Chính vì do con người thiếu hành trì, thiếu định tĩnh trong việc giữ giới, cho nên không thấy được tánh chân thật, chân như, thật tánh của các pháp là vô thường. Đây cũng là nguyên nhân mà ta mãi luân hồi. Theo Phật nhưng chưa làm giống Phật, Ngài “thường tác như thị thuyết”“Ngạn thọ tĩnh đằng, khởi năng trường cửu” trước mặt như vậy mà ta vẫn không lo, không tác ý với những động tác trước mặt của mình nên ta không thấy và trực nhận được vô thường.

V. LỢI ÍCH KHI QUÁN NIỆM VỀ VÔ THƯỜNG

Vô thường là tính chất cơ bản của cuộc sống, không có vô thường thì không có sự  sống, vạn vật không thể phát triển. Cho nên có vô thường thì mới có sự sống, vạn vật mới được sanh trưởng.

Có tri kiến vô thường, hành giả mới bước vào Thánh đạo. Vì thế tri kiến vô thường được xem là tri kiến của bậc Dự lưu.

Hiểu lý vô thường, chúng ta đã có một phương thuốc thần diệu để trừ bệnh chấp thường, bệnh tham ái, mê mờ của phàm phu.

Biết được vô thường, con người giữ được bình tỉnh trước cảnh đổi thay bất ngờ và giảm thiểu tối đa cường độ buồn khổ trước cảnh ân ái chia ly.

Biết vô thường, con người dám buông xả, biết hy sinh tài sản, sanh mạng để làm việc nghĩa. Biết vô thường, con người mới chán ngán với những thú vui tạm bợ, giả trá, và sáng suốt đi tìm những cái vui chân thật thường còn.

Nhờ vô thường mà ta mới có thể chuyển hóa từ khổ thành vui, dữ thành hiền, ác thành thiện, xảo trá thành chân thật, hận thù thành từ bi, vô minh thành trí tuệ, từ nghiệp lực thành nguyện lực, từ đọa lạc thành giải thoát, từ mê lầm thành giác ngộ, từ phàm thành thánh. 

            Vào thời chưa có Phật xuất thế, có nhiều Hành giả nhờ quán chiếu vô thường mà tự tu tập đắc quả Độc Giác Phật.

C. KẾT LUẬN

      Vô thường là một định luật chi phối tất cả sự vật từ thân, tâm cho đến mọi hoàn cảnh. Hiểu lý vô thường, chúng ta đã có một phương thuốc thần diệu để trừ bệnh tham ái mê mờ để đạt đến sự an tịnh của tâm hồn. Vô thường không có gì đáng sợ, mà đó chính là điều rất tốt cho ta tu tập. Nhờ vô thường mà các pháp được sanh diệt, nghiệp quả của chúng sanh được chuyển đổi từ phàm trở thành thánh, từ xấu thành tốt, từ bất thiện thành thiện. Nếu thân không vô thường thì làm sao có thể chuyển được thân phàm phu thành thân Phật? Nếu tâm không vô thường, thì tâm tham sân si sẽ mãi là tham sân si mãi. Nhờ tâm vô thường mà ta mới có thể tu tập loại bỏ mọi lậu hoặc kiết sử để được an lạc. Nhờ hoàn cảnh vô thường mà ta mới có thể hành pháp li dục, lìa sự chấp trước vào trần cảnh, không bị phan duyên và trở về sống trọn vẹn với Pháp thân thường trú bất sanh bất diệt. Vì thế, thấu triệt được lí vô thường, con người dễ giữ được tâm bình tĩnh, thản nhiên, tự tại trước bất cứ sự đổi thay bất ngờ nào:

“Nhậm vận thịnh suy vô bố úy,

Thạnh suy như lộ thảo đầu phô.”

(Xá chi suy thạnh việc đời

(Vạn Hạnh Thiền Sư)

      Vô thường là chân lý, là thật tánh, pháp giới tánh, chân như tánh của các pháp. Cho nên, hiểu được lẽ vô thường, chúng ta nỗ lực tu tập để được quay về với nguồn chơn hạnh phúc, bằng cách thắp sáng chánh niệm, đưa tâm về với thân, thấy rõ Phật tánh bất động trong ta. Tu tập thực hành và đạt được sự liễu tri vô thường thì xa rời trần cấu (viễn ly trần cấu), được con mắt thanh tịnh (pháp nhãn thanh tịnh), nhập vào dòng Thánh, Niết-bàn thanh tịnh.

      Khi đã biết vạn pháp là vô thường nhưng chúng ta lại không chịu siêng năng tu tập thì một khi thân người mất rồi không dễ gì tìm lại được, bởi “Nhất thất nhân thân vạn kiếp bất phục”. Cho nên nói:

“Phú quý trăm năm không giữ mãi

Luân hồi sáu nẻo dễ xoay vần

Khuyên ai gắng tìm đường tu tiến

Kẻo mất thân này khó gặp thân.”

"Công danh cái thế màn sương sớm

Phú quý kinh nhân giấc mộng dài

Chẳng hiểu bản lai vô nhất vật

Công phu luống uổng một đời ai"

Theo lời Phật dạy, con người là do nghiệp định đoạt tất cả. Vì vậy: "Con thiên nga chỉ bay được giữa hư không, người có thần thông chỉ bay được khỏi mặt đất; chỉ có bậc đại trí, đại hạnh dứt sạch nghiệp luân hồi mới bay được khỏi thế gian này" (Pháp Cú 175). Bay khỏi thế gian này tức giải thoát, tự tại. Nên con người tu hành là để chuyển nghiệp. Chuyển nghiệp xấu thành tốt, vô minh ra giác ngộ, trầm luân ra giải thoát. Khi chuyển nghiệp được rồi thì chính cái nghiệp đó nó trở thành một tòa lâu đài để nâng đỡ chúng sanh, giúp cho chúng sanh được an vui, giải thoát...

 

 

BÀI 3

A. DẪN NHẬP

 “Bất cứ cái gì vô thường đều dẫn đến khổ đau; Tự ngã cũng như vậy”. Do đó, chúng ta sẽ không nhầm lẫn khi nhận biết rằng vô thường – một trong ba nguyên lý của Tam Pháp ấn là giáo lý căn bản của đạo Phật, mang nét đặc thù từ tất cả hệ thống Tôn giáo trong lịch sử nhân loại.

Vạn vật trên vũ trụ luôn vận chuyển, xoay vần theo định luật: Thành – Trụ – Hoại – Không, hoặc:  Sinh – Trụ – Dị – Diệt, nên con người cũng không sao tránh khỏi sự xoay vần, biến đổi đó. Hễ có sanh thì phải có tử. Tất cả những biến chuyển, thăng trầm ấy đâu mà có? Đạo Phật gọi đó là Vô Thường. Đây là chân lý của cuộc sống, của vạn vật muôn loài, là pháp giới tánh, là chân như, như thị. Trong Kinh Niết Bàn, quyển 4, có nói:

                                    “Chư hành vô thường

                                     Thị sanh diệt pháp

                                      Sanh diệt diệt nhĩ

                                     Tịch diệt vi lạc”

Dịch nghĩa:                  Các hành vô thường

                                     Là pháp sinh diệt

                                    Sinh diệt hết rồi

                                    Tịch diệt là vui.       

B. NỘI DUNG

          I. ĐỊNH NGHĨA

    : là không

Thường: là thường còn, không biến đổi.

Vô thường nguyên âm tiếng Phạn là Anicca, nghĩa là không thường còn, không trường tồn, không chắc chắn, luôn luôn thay đổi, biến chuyển không ngừng, không mãi mãi ở yên một chỗ nhất định, luôn luôn thay hình đổi dạng, đi từ trạng thái hình thành đến biến hoại, tan rã tùy theo không gian và thời gian.

        II. TÍNH CHẤT CỦA VÔ THƯỜNG

Theo Luận Phật Thừa Tông Yếu, vạn pháp trong vũ trụ đều là giả, vô thường và vô thường biến dịch. Sự giả vô thường của các pháp được biểu hiện ở 5 đặc điểm: tương tục giả, hòa hợp giả, đối đãi giả, phân biệt giả, thi thiết giả.

          - Tương tục giả: các pháp đều sanh diệt tương tục. Như nước trong ao, hồ, sông, biển…gặp ánh nắng mặt trời, bốc hơi lên bầu trời ngưng tụ thành mây. Mây gặp điều kiện thuận lợi sẽ tạo thành mưa, từng giọt nước mưa rơi xuống đất lại chảy vào trong ao, sông, biển.

          - Hòa hợp giả: các pháp đều do sự hòa hợp giữa các nhân và duyên mà tạo thành. Không có một pháp nào chỉ do một nhân hay một duyên mà hình thành được. Ví dụ như muốn có được Lớp cao cấp giảng sư thì phải có giáo thọ sư, Tăng Ni sinh đồng thời phải có phòng, bàn, ghế, máy móc…Nếu như chỉ có một trong các yếu tố đó thì không thể có lớp học. Hay nói cách khác theo duyên sanh là “Do cái này sanh nên cái kia sanh, do cái này diệt nên cái kia diệt….”

          - Đối đãi giả: Các pháp do đối đãi mà có. Nghĩa là các pháp khi có một đối tượng để so sánh thì mới thấy được sự tồn tại của nó. (phải có năng duyên và sở duyên).

          - Phân biệt giả: Các pháp đều do nhận thức, phân biệt mà có. Do thức, phân biệt nên chúng ta nói cái này tròn, cái này ngắn, đẹp…nhưng với người khác thì cái này méo, dài, thô xấu…

          - Thi thiết giả: Các pháp do giả danh mà có. Vì chúng ta đặt tên cho các pháp mà nó có tồn tại, bản chất thật sự của các pháp không phải là cái tên gọi. Ví dụ như chúng ta gọi cái này là cái bàn, cái kia là bóng đèn…nhưng người Mỹ, Âu, Úc người ta gọi cái này là table, cái kia là light. Cái bàn hay table là do chúng ta đặt tên để gọi cái pháp này, chứ bản thân nó chỉ là những mảnh gỗ ghép lại với hình dạng như vậy mà thôi.

          Sự vô thường biến dịch của vạn pháp thì được biểu hiện ở 5 đặc điểm: tương tục vô thường, sát na vô thường, nhất kỳ vô thường, hoại diệt vô thường, không vô thường.

          - Tương tục vô thường: Các pháp đều biến chuyển không ngừng, liên tục không dứt.

          - Sát na vô thường: Các pháp thay đổi trong từng niệm, cả thân, tâm của con người lẫn các sự vật, hiện tượng cũng vậy.

          - Nhất kỳ vô thường: Các pháp chỉ tồn tại trong một kỳ hạn nhất định. Tuổi thọ trung bình của con muỗi là 3 ngày, con chó là 12 năm, con người là 70 năm. Có hành tinh tồn tại 10 tỷ năm, cũng có ngôi sao chỉ tồn tại 1000 năm nhưng cuối cùng cũng sẽ có lúc hoại diệt, biến đổi.

          - Hoại diệt vô thường: Các pháp sanh rồi diệt, có rồi mất. Không một pháp nào trường tồn vĩnh cửu.

          - Không vô thường: Các pháp khi không còn hội đủ nhân duyên thì sẽ tan rã, trở về trạng thái “không” theo quy luật:  Thành- trụ- hoại- không.

Để thấy rõ hơn sự vô thường của vạn pháp, chúng ta cùng tìm hiểu về tướng trạng và bản chất của vô thường biểu hiện ngay trên con người và hoàn cảnh xung quanh con người sinh sống.

         III. TƯỚNG TRẠNG CỦA VÔ THƯỜNG

                  1. Con người vô thường.

Định luật vô thường chi phối cả vạn loại chúng sanh. Con người là một hợp thể từ 7 đại (địa, thủy, hỏa, phong, không, kiến, thức), 5 uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) mà thành, thêm vào đó là sự huân tập từ cảnh sở y (y báo, chánh báo) làm sao tránh được sự sanh, già, bệnh, chết, biến hoại của sắc thân cũng như các khổ và cảm thọ của danh thân.

                           a. Thân vô thường                                    

Dù ai cũng muốn mình trẻ đẹp hoài, không già, không chết thế nhưng có ai sống mãi được đâu, “Xưa ông Bành Tổ sống đời, Tám trăm tuổi thọ nay thời còn đâu?” 

    Thật vậy, thân tứ đại này rồi đây sẽ tan rã dưới ba tấc đất, giống như khúc cây bị mục nát không thể dùng vào việc gì được nữa. Mới hôm nào đầu xanh tuổi trẻ, mà giờ đây tóc bạc da nhăn, chân mỏi gối run, mắt mờ tai điếc. Nó mong manh quá, như bọt bèo, như dây leo miệng giếng không có chi là bền chắc. Sự vô thường của thân xác này không chỉ biểu hiện ở chỗ sanh, già, bệnh, chết mà còn biểu hiện trong từng phút giây. Mỗi giây thì có hàng tỷ tế bào chết đi và hàng tỷ tế bào mới được sanh ra, 7 năm thì tất cả tế bào mới thay hết cho tế bào cũ. Và trong cơ thể của chúng ta, luôn có sự tuần hoàn, lưu chuyển của 7 hệ thống: hệ hô hấp, bài tiết, tuần hoàn, tiêu hóa, thần kinh, hệ xương, hệ cơ… Khi các hệ thống này suy giảm hoặc không còn hoạt động nữa, sức khỏe, mạng sống con người bị đe dọa. Chúng sinh vì một niệm bất giác, nên nhận giả làm chân, cứ cố chấp giữ lấy và cứ mãi lo tô vẽ, cung phụng, bồi đắp những dục lạc nên tâm ta bị bao nỗi khổ đau bao phủ, đọa đầy.

                                    b. Tâm vô thường

Tâm nói đủ là tâm ý thức, nó điều khiển tất cả những cảm thọ từ niệm tưởng, suy nghĩ và sự tiếp xúc giữa 6 căn và 6 trần. Và Đức Phật dạy: “Không chỉ có thân vô thường, mà tâm niệm của chúng sinh cũng luôn âm thầm dời đổi, lại có phần mau lẹ và vi tế hơn”. Do đó, nếu chúng ta không nhìn sâu vào thì khó mà thấy được.

Tâm luôn luôn thay đổi từng giờ từng phút. Cho nên Đức Phật ví “Tâm như con vượn chuyền cây, như ngựa rong chơi ngoài đồng nội”, chẳng khác nào như những đợt sóng vỗ ngoài biển khơi, có rồi mất, mất rồi lại có. Cũng chính tâm sinh diệt biến đổi này là sự hiện diện của những phiền não, tham, sân, si v.v...

Tính chất vô thường của vạn vạt là huyễn hóa không thật, chợt sinh, chợt diệt, chân vọng, vọng chân cứ xoay vần mãi. Chính vì nó vi tế như thế, nên chúng ta cứ tưởng nó không thay đổi gì cả, nhưng thật ra tâm của chúng ta được cấu tạo bởi từng niệm sinh diệt tương tục. Bởi thế, chúng ta không nhận ra được, cứ tưởng nó là đơn thuần bất biến. Nhưng cái ta phút trước không phải là cái ta phút này, cái ta phút này không phải là cái ta phút sau. Bởi thế, tâm này lúc nào nó cũng sinh diệt liên miên bất tận. Trong bài văn Cảnh Sách, Tổ Quy Sơn đã chỉ rõ“Niệm niệm tấn tốc, nhất sát na gian, Chuyển tức, tức thị lai sinh, Hà nãi yến nhiên không quá”. Có nhĩa là: Niệm niệm sinh diệt qua mau, trong một sát na đã chuyển qua đời khác. Tại sao chúng ta lại khoanh tay để ngày tháng luống  trôi qua mau.

             2. Hoàn cảnh vô thường

                                  a. Hoàn cảnh xã hội

Xã hội là những quần thể cộng đồng nhiều người chung sống, sinh hoạt theo những quy luật nhất định nào đó. Theo cách đánh giá tương đối, người ta chia ra; xã hội sơ khai, bán khai và văn minh. Nhìn chung sự vận động của xã hội loài người cũng là sự thể hiện chung của quy luật vô thường. Ví dụ cái tiến bộ thay cái lạc hậu, sự thông minh thay thế tính dã man.

                           b. Hoàn cảnh tự nhiên

Như chúng ta đã thấy, luật Vô thường có mặt ở khắp mọi nơi. Chẳng những con người, cả vạn vật trong vũ trụ, từ sơn hà đại địa cho đến cây cỏ cát đá... cũng vô thường nữa.

 

“Biển hóa nương dâu rất nhiệm màu,

Sông dài núi lớn chắc gì đâu,

Rừng mây vơ vẩn chim giăng bẫy,

Đáy nước mịt mờ cá mắc câu.

Triệu phú Thạch Sùng đâu thấy nữa,

Oai quyền Tần Thủy có bao lâu,

Soi gương kim cổ mau tu tỉnh,

Thế sự công danh dập bã trầu”.

(Hương Sơn Phong Cảnh Ca của Chu Mạnh Trinh)

    Đây là một sự nhận xét thật đúng. Thực tế, hàng ngày người ta cứ lầm tưởng sự biến đổi mau già mau chết, chỉ có trong phạm vi con người, còn những vật lớn hơn như núi, sông .v.v. thì muôn đời vẫn ở yên một chỗ. Nếu nghĩ vậy thì chúng ta đã lầm, vì núi sông cũng có cái trẻ cái già, nó đều bị chi phối bởi thời gian. Đất cũng có bên lở bên bồi, không có gì là vĩnh viễn tồn tại. Tục ngữ Việt Nam đã nói lên được sự vô thường thật thâm thúy qua câu nói rất đơn giản: “Vật đổi sao dời”.  

Một đời chúng ta chỉ biết chứng kiến sự thăng trầm, vinh nhục, giàu nghèo, nó cứ mãi tiếp diễn trong cuộc sống như một bức tranh vân cẩu, hoặc như một cuốn phim. Sự vô thường đã hiện diện ngay trước mắt, mà con người vẫn chẳng chịu tỉnh ngộ, cứ mãi bám víu vào cái hào nhoáng của cuộc đời, để phải chịu khổ đau, phiền não. Lại còn những cảnh thiên tai như bão lụt, lửa cháy .v.v. làm cho cảnh vật bỗng chốc hóa tiêu điều xơ xác, của cải vật chất mà con người cố tích lũy một đời, trong giây phút chẳng còn chi, để lại bao hoàn cảnh thật vô cùng thương tâm và đau đớn:

“Tiêu điều nhân sự đã xong,

Sơn hà cũng huyễn, côn trùng cũng hư.

Phong trần đến cả sơn khê,

Tang thương đến cả hoa kia cỏ này”.

                      (Trích Cung Oán Ngâm Khúc- Nguyễn Gia Thiều)

    Thật vậy, vô thường đến bất cứ lúc nào, không tùy thuộc ở không gian hay thời gian. Nó chi phối tất cả những gì hiện hữu trên cõi đời này. Chúng ta tách biệt thân, tâm, hoàn cảnh để dễ phân tích, làm rõ nhưng giữa thân, tâm, hoàn cảnh không có sự phân biệt rạch ròi được. Vì sao ? Vì giữa thân tâm có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, giữa con người và hoàn cảnh xung quanh cũng có sự tác động qua lại. Tất cả vạn pháp trong vũ trụ cũng vậy, không pháp nào có thể tồn tại một cách biệt lập. Mỗi một pháp đều do trùng trùng duyên khởi mà thành, và giữa chúng luôn có sự tương tác, hòa hợp và tiêu diệt. Đó chính là tướng trạng bản chất của Vô Thường

       IV. Ý NGHĨA THỰC TIỄN CỦA GIÁO LÝ VÔ THƯỜNG

                1. Tính biện chứng khoa học.

          Giáo lý vô thường chỉ ra một cái nhìn khách quan về quy luật của muôn pháp, đó là sự vật đang tồn tại động chứ không tỉnh. Hơn nữa vô thường không có nghĩa là đoạn (mất đi) mà chỉ là sự biến đổi từ dạng thức này sang dạng thức khác của sự vật. Cho thấy đạo Phật rất khoa học, đi trước khoa khọc hiện đại.

                2. Tính thực tiễn trong đời sống tu tập.

          - Tuệ tri được thân vô thường để tu tập đến chỗ không chấp thân ta, thân người, từng bước thể nhận vô ngã tính. Như Vạn Hạnh Thiền Sư từng nói:

“Thân như điện ảnh hữu hoàn vô,

Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô,

Nhậm vận thịnh suy vô bố úy,

Thịnh suy như lộ thảo đầu phô”.

(Thân như bóng chớp chiều tà,

Cỏ Xuân tươi tốt thu qua rụng rời.

Sá chi suy thịnh việc đời,

Thịnh suy như hạt sương rơi đầu cành.)

     - Tuệ tri được tâm vô thường để điều phục tâm, thanh lọc tâm, thành tựu được định học và tuệ học.

          - Tuệ tri được thiên nhiên và đời sống vô thường để cải thiện thiên nhiên, môi trường theo hướng tích cực, xây dựng đời sống thanh thoát và góp phần phồn vinh cho xã hội.

- Tuệ tri được vạn pháp vô thường để khỏi chấp thường, chấp đoạn, biết quý trọng thời gian, quyết tâm tu tập đạt cảnh giới chơn thường bất sanh, bất diệt.

Vô thường là thật tướng, thật tánh các pháp, là chân lý. Hiểu rõ về vô thường, không phải để chúng ta bi quan chán nản. Mà chúng ta phải thường quán sát để xa lìa các sự mê đắm về vật chất, dục lạc .v.v. từ đó nỗ lực tu tập để tiến đến chân thường. Chân thường là một trong tứ đức Niết Bàn, là bản thể bất sinh bất diệt của chân tâm sáng suốt. Bài thơ của Mãn Giác Thiền Sư có thể giúp cho chúng ta hiểu rõ lý chân thường:

“Xuân khứ bách hoa lạc,

Xuân đáo bách hoa khai,

Sự trục nhãn tiền quá,

Lão tùng đầu thượng lai.

Mạc vị Xuân tàn hoa lạc tận,

Đình tiền tạc dạ nhất chi Mai.

    Dịch nghĩa:

Xuân đi trăm hoa rụng,

Xuân đến trăm hoa cười,

Sự vật đổi thay trong chớp mắt,

Già nua biểu hiện mái tóc sầu.

Đừng tưởng Xuân tàn hoa rụng hết,

Trước sân xuân nọ cành mai hãy còn.

    Hoa Mai nở rồi rụng, ví cho sự sinh diệt, diệt sinh của vạn sự vạn vật. Còn cành Mai ví cho bản thể, chân lý thường trụ bất sinh bất diệt, đó chính là chân thường. Đạt được chân thường mới chấm dứt mọi đau khổ.

    Nhưng thật ra vô thường không có gì đáng sợ, mà đó chính là điều rất tốt cho chúng ta sống và tu tập. Nếu thân không Vô thường thì không có sự hoạt động, cơ thể không vận động, không hoạt động, thân sẽ như một xác chết. Không có vô thường thân này đã không thể tồn tại, lớn lên. Quan trọng nhất, nếu không có vô thường thì làm sao có thể chuyển được từ thân phàm phu thành thân Phật. Nếu tâm không Vô thường, thì tâm tham, sân, si sẽ tham, sân, si mãi hoài sao? Nhờ có tâm Vô thường nên chúng ta tu tập mới dần dần loại bỏ được các lậu hoặc, kiết sử, để được giải thoát an lạc. Nhờ hoàn cảnh Vô thường, chúng ta mới có thể hành pháp ly dục, lìa bỏ ngoại cảnh để trở về sống trọn vẹn với pháp thân thường tru, bất sinh bất diệt.

                   3. Phật nói luật vô thường nhằm lợi ích gì?

- Nhằm ngăn chặn người đời chạy theo những điều tội lỗi để phục vụ thân xác tạm bợ, hoặc làm vừa lòng cái tâm vui buồn phút chốc, hoặc níu giữ của cải, địa vị phù du...

- Biết được luật vô thường, con người sẽ bình tĩnh trước cảnh đời thay đổi, tình cảm chia ly, dám hy sinh tài sản, sinh mạng để làm việc nghĩa, sáng suốt đi tìm con đường giải thoát giác ngộ.

Khi hiểu được vô thường thì con người sẽ sống tích cực hơn. Bởi trong đời nầy, chúng ta đừng đòi hỏi tuyệt đối ở nơi hành xử của những người khác đối với mình. Hãy nên chấp nhận sự tương đối từ những người khác để sống, thì chúng ta sẽ cảm thấy thoải mái, dễ chịu hơn là cứ bắt buột người khác phải chìu theo ý của riêng mình. Nếu hướng tới cái tuyệt đối để sống, thì chúng ta sẽ nhận lấy sự thất vọng. Nếu biết chấp nhận cái tương đối để sống, bạn sẽ có niềm tin tưởng cũng như hạnh phúc ngay trong đời sống nầy.

Nếu Bạn hãy nhìn kỹ vào những người mà bạn tôn quý và yêu thương nhất, thì bạn sẽ thấy ngay trong họ vẫn còn có những lầm lỗi, vẫn còn có những gì không phải là tuyệt đối. Nên, những cái dễ thương ở nơi những người mà bạn đang tôn quý ấy, chỉ là những cái dễ thương tương đối thôi mà!

Và bạn hãy nhìn kỹ vào những người mà bạn đang thù ghét nhất, thì bạn cũng sẽ thấy ở trong họ vẫn có những cái thật dễ thương đang tiềm ẩn. Nên, những cái dễ ghét, ở nơi những con người mà bạn đang thù ghét ấy, cũng chỉ là những cái dễ ghét tương đối.

Với cái thấy ấy, giúp cho ta có những cảm giác dễ chịu khi tiếp xúc với những người dễ thương và không dễ thương. Đối với những người dễ thương, thì “cái thấy không có gì tuyệt đối cả”, sẽ giúp cho ta tránh và thoát ra được những nhiệt tình không cần thiết; và đối với những người không dễ thương, thì “cái thấy không có gì tuyệt đối cả”, cũng giúp cho ta tránh và thoát ra được những thù ghét thậm tệ và quá đáng.

Cuộc sống của mỗi chúng ta, thoát ra được cái nanh vuốt dễ thương và không dễ thương của nhận thức, của tư duy và của hành xử, giữa ta với mọi người, thì những cảm giác dễ chịu của ta mỗi ngày sẽ tăng lên, hạnh phúc của mỗi chúng ta sẽ có mặt từ đó và cũng từ đó mà tuổi thọ của mỗi chúng ta lại được tăng lên. Tuổi thọ của mỗi chúng ta được nuôi dưỡng từ những cảm giác dễ chịu và hạnh phúc của mỗi chúng ta được nuôi dưỡng và tăng trưởng từ “cái thấy không có cái gì tuyệt đối cả”.

C. KẾT LUẬN

Vô thường là một định luật chi phối tất cả sự vật, từ thân, tâm cho đến mọi hoàn cảnh. Hiểu lý vô thường, chúng ta đã có một phương thuốc thần diệu để trừ bệnh tham ái, mê mờ. Chúng ta đã đau khổ vì tham đắm vào cảnh ngũ dục lục trần. Nay hiểu được Giáo lý Vô thường, thì cuộc đời sẽ bớt khổ, vì chúng ta biết được vạn vật muôn loài đều vô thường, sanh diệt nên không tham đắm.

Biết được vô thường, con người giữ được bình tĩnh thản nhiên trước cảnh đổi thay. Biết vô thường, con người dám hy sinh tài sản, sanh mạng để làm việc nghĩa. Biết vô thường con người mới chán ngán với những thú vui tạm bợ, giả trá, và sáng suốt đi tìm những cái vui chân thật thường còn.

Khi hiểu được lý Vô thường nó đang chi phối tất cả vũ trụ vạn hữu, thì chúng ta hãy cố gắng tiến tu, dùng nó làm liều thuốc hay để chữa trị các căn bệnh phiền não. Khi có sự sinh ly tử biệt đến, chúng ta nên bình thản đón nhận và mỗi người hãy tự nỗ lực tiến tu như lửa đốt cháy dầu.

Chia sẻ
Phật học liên quan