Hạnh nguyện của người xuất gia

Cập nhật: 25/11/2020

Sau một thời gian tránh dịch Covid khá dài, nay đạo tràng một ngày an lạc tại Việt Nam Quốc Tự được hội ngộ với chủ đề: HẠNH NGUYỆN CỦA NGƯỜI XUẤT GIA. Chủ đề này là chủ đề rất lớn, vì con là người Phật tử tại gia

Hạnh nguyện của người xuất gia

Có nhiều nhân duyên, nhiều con đường để mọi người đến với đạo Phật, không con đường nào giống con đường nào: có trường hợp tin vào sự thành đạo của Đức Phật gọi là Tín Nguyện Hạnh, tin theo sự giác ngộ của Đức Phật, theo kinh Hoa Nghiêm dạy: Niềm tin (tín) là mẹ sinh ra công đức, là nền tảng phát sinh ra công đức mọi thiện pháp. Chúng ta mới có đức tin nơi Tam Bảo. Có trường hợp khác mà đôi khi chạm vào nỗi đau tận cùng của kiếp sống thi mới chợt nhận ra thực tại vốn đang là. Có hai con đường theo đạo: Một là xuất gia – Hai là phật tử tại gia.

Xuất gia là con đường đi ngược dòng sanh tử, ngược lại dòng đời, ngược lại đời sống thế tục. Trong quá trình tu tập giữ gìn ba nghiệp và hộ trì sáu căn là việc làm tối trọng để giữ gìn giới thân huệ mạng của người tu. Hộ trì ở đây chính là chánh niệm tỉnh giác, làm chủ cảm xúc với sáu trần, tự kiểm soát hành động, lời nói ý nghĩa. Khi kiểm soát rõ biết vô tham, vô sân vô si thì các thiện pháp sanh.

 

Tầm quan trọng của người xuất gia là phẩm hạnh và đạo đức. Nội tâm không dính mắc với ngoại cảnh bên ngoài và làm chủ ham muốn đối với ngũ dục. Đời sống thanh tịnh của người xuất gia được thể hiện trong bốn oai nghi, luôn sống trong tinh thần ‘ít muốn biết đủ’, không chạy theo duyên trần như người thế tục. Oai nghi cùng với chánh kiến và tịnh giới là ba yếu tố tạo nên đạo hạnh phẩm chất của người tu sĩ Phật giáo.

Nhìn vào giới luật mà Đức Phật chế định cho người xuất gia nhiều người không khỏi ‘la làng’ vì Tỳ Kheo 250 giới, Tỳ Kheo Ni 348 giới, với chừng đó điều khoản thì khó mà thuộc lòng, huống chi là phải thông suốt và hành trì. Phải thọ giới đàn mới chánh thức dự vào hàng tăng bảo. Giới Tỳ Kheo gọi là Cụ túc mang ý nghĩa đầy đủ mẫu mực của một thánh A La Hán. Giới luật của Phật chế nhấn mạnh sự tinh hoa trong đời sống xuất gia. Tất nhiên đời sống phải thanh tinh, càng giữ nhiều giới càng có nhiều thành tựu, tuy nhiên nhấn mạnh và tập trung lại thì có:

  • Giới luật và những điều cấm tội lỗi thật sự, giới này ai cũng phải giữ, và cũng như người phật tử tại gia,
  • Oai nghi là những điều cấm cử động bất xưng, trong đó có giới ba la di tội.

Người tu đạo phải học cả hai, cũng như Đức Phật Ca Diếp dạy “Chớ làm điều ác, gắng làm việc lành, giữ tâm ý trong sạch” hay Đức Phật Câu Lưu Tôn dạỵ: “Người tu đi khất thực cũng như con ong đi lấy mật, không làm tổn thương hoa sắc” Nói cho cùng, người tu đạo càng không nên ngó, không nên nói lỗi của người mà quan trọng là nhìn lại mình xem có làm được hay chưa làm được gì? Nhất là gìn giữ ý thanh tịnh không khéo làm tổn hại hình ảnh của tăng già.

Đối với người xuất gia việc thọ giới là một yếu tố rất quan trọng, kể cả trong quá trình tu tập việc này ảnh hưởng không nhỏ đến hành sự của vị tăng đó. Việc thọ giới, đắc giới rất quan trọng với người xuất gia. Nói như thế không có nghĩa là một vị tăng, hoặc ni phải bó mình theo những nguyên tắc cứng nhắc trong việc quan hệ với đời sống thế gian, thế tục. Như đã nói tu sĩ Phật giáo cần phải đi vào cuộc đời, tiếp xúc với cuộc đời, hiểu cuộc đời mới đem giáo lý nhà nhà Phật vào đời, ứng dụng trong cuộc sống. Dù ở đâu, hoàn cảnh nào quý vị cần giữ chánh niệm, thể hiện phẩm chất của người xuất gia, cho nên quý vị phải thành công trong việc nhiếp hóa con người, hòa nhập mà không hòa tan trong xã hội. Cũng như một mình không ở lại chùa ni, và ngược lại một vị ni không ở lại chùa tăng, và nhất là những việc tế nhị khác các Ngài đã nhắc. Những hành động không hợp với oai nghi của người xuất gia rất tai hại và tác động xấu đến tăng đoàn, tăng thân. Phước hay tội cũng từ đó mà ra.

Thế nhưng trong sinh hoạt hàng ngày, không gặp được thầy lành bạn tốt, vì thói quen từ trước mà không tìm hiểu đến nơi đến chốn nên có những thiếu xót, lơ là vô tình đẩy người tu quên mất bổn phận, làm sa sút. Điều này làm các bậc tôn túc lo lắng, buâng khuâng…Nên trong các buổi hội họp các Ngài đã nhắc khéo và tâm sự với người đã xuất gia là phải sống lục hòa và nhất là phải kiến hòa đồng giải. Với tinh thần này quý vị cùng tu, cùng học cùng xây dựng ngôi nhà Phật pháp một ngày một phát triển. Với tinh thần này không có gió gì lay động. Cho nên người xuất gia bị bắt buộc phải thi vào trường tuyển Phật, với điều kiện thật gắt gao gọi là Đại Giới Đàn, nên đức Phật đã nói: “Giới luật là thọ mạng của Phật pháp, giới luật còn thì Phật pháp còn.”

Trong Thiền Lâm bảo huấn có ghi: Không gì quý hơn đạo, không gì đẹp hơn đức. Ở trên thế gian này” Đạo đức” là báu vật thiêng liêng. Vẻ đẹp bề ngoài của hình sắc không thể so sánh với vẻ đẹp sâu kính bên trong. Người có đạo dức là người đẹp nhất trên đời. Đạo đức là những đức tánh đẹp, phẩm hạnh khuôn mẫu,phép tắc, khuôn vàng thước ngọc là những điều cần phải thực hành của một người tu, không chỉ giúp cho người tu sống với giá trị thật của một con người mà còn là điều kiện ắt có và đủ cho sự tu tập, trao dồi đức tính của cả người tại gia để tiến đến quả vị hiền thánh. Bồ Tát và tột cùng là địa vị Phật, vì Đức Phật đã nói: “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành.”

Điều kiện tất yếu để có trí tuệ là phải siêng học, siêng tu, học ở đây khác với cái học thế tục nên có danh từ và tri thức. Tu và học phải luôn song hành với nhau, không thể  tách rời trên con đường đưa đến giác ngộ giải thoát. Con đường thế học đưa con người đến tột cùng của sự giàu sanh, vất chất, nhưng không mang lại sự liễu sanh thoát tử, cho nên không thể nào so sánh được môn Phật học.

Chỉ có con đường chánh pháp mới có thể đưa con người đạt được trí tuệ cứu cánh, thấu suốt được chân lý sự thật vũ trụ, nhân sinh và thoát được mọi ràng buộc của khổ đau. Người ta nói: Được học Phật là sự hưởng thụ tối cao của đời người.

Học Phật không những học ở Kinh điển, qua lời dạy của thầy, mà còn học ở xã hội, ở vạn vật, ở muôn loài, vì muôn loài đều là thầy ta, người xưa có câu: “Trong ba người đi, có người là thầy ta.” Biết hổ thẹn là biết nhìn lại lỗi của mình trong nhà Phật là biết tàm quý cũng là một đức tính của người tu. Người tu đạo phải sống chân thật với mình và với người, vì kinh Duy Ma Cật gọi đó là trực tâm, nghĩa là mình phải sống chân thật với lòng mình. Đó là một đức tính để đưa người tu tới Chân thiện mỹ. Đức Phật còn dạy thêm rằng “Thắng được chính mình, đó mới là chiến công oanh liệt nhất”. Cũng như trong kinh Lăng Nghiêm đã ghi. Đức Phật dạy không thiếu một điều gì cả.

Người trẻ mới xuất gia cũng không thể so sánh với người xuất gia lâu năm mặc dù có chức vị cao, bằng cấp ‘lớn’ hơn người già vì đó là sự kính trọng người cao niên, là lễ phép, là đạo đức cơ bản của một con người, vì “Mười phương chư Phật trong ba đời thành tựu quả vị giác ngộ cứu cánh cùng cực cũng đều do tâm thành thật, ngay thẳng mà nên”. Không thành thật, không ngay thẳng thì chắc chắn không thành tựu quả vị giác ngộ.

Người học Phật mà biết rèn luyện và khéo sử dụng được tánh khiêm cung, nhẫn nhịn trong sự tu sẽ được lợi rất nhiều. Với tâm cung kính, quý trọng, quan tâm, lo lắng của chúng ta thì mọi người sẽ hiểu nhau hơn, và thương yêu nhiều hơn, như vậy tránh được nhiều điều bất lợi, chia rẽ nội bộ, không mất tình huynh đệ và chệ độ lục hòa được thiết lập mà còn thể hiện trí tuệ vô ngã.

Phải luôn nhớ bổn phật của mình và nhớ cố gắng tu học đúng với sự chỉ dạy của những người đi trước. Càng sống khiêm tốn sẽ càng tăng trưởng công đức giác ngộ và có thể ‘thắng’ được người hơn mình vì đức khiêm cung. Trái lại có những tánh xấu như dối trá, không thành thật, vẽ vời thêm bớt…những tánh xấu không được tin dùng trong xã hội, huống chi là trong trường tuyển Phật, cho nên trong kinh Duy Ma Cật nhắc đi nhắc lại “Trực tâm là đạo tràng của Bồ Tát, vì tất cả ba đời của Chư Phật thành tựu quả vị giác ngộ cứu cánh cùng cực cũng đều từ tâm thành thật ngay thẳng mà nên”.Cái tôi hay cái ngả không có hình tướng nhưng tinh vi xảo nguyệt vô cùng, rất khó phát hiện, luôn ẩn núp trong tâm để khi chúng ta sơ xuất thì nó điều khiển cả vũ trụ, vạn vật. Mỗi lời nói, hành động của chúng ta bị nó điều khiển mà chúng ta không hay biết, người không biết tu nó sẽ sai sử. Chúng ta bị cái tôi lầm mê núp ở bên trong điều khiển chúng ta, nên có bài kệ:

Không ai ngụy biện bằng cái ngã

Không ai xảo trá bằng cái ta

Không ai xấu xa bằng bản ngã

Không ai độc ác bằng cái ta

Cúi xuống cho mau cái ngã này

Chính ngươi là kẻ làm ta KHỔ.

Người xưa có nói: “Trọng thầy mới được làm thầy”. Đây là nhân quả tất yếu từ ngàn xưa cho đến ngày nay, mạng lưới nhân quả đang xen chằng chịt với nhau một cách tinh vi nhưng vì chúng ta không nhìn thấy nên có tâm xem thường.  Từ trong kinh Hoa Nghiêm giúp cho người học tu có được cái thấy biết viên mãn: “Cái thấy biết này là cái thấy biết tròn sáng của hàng Bồ Tát, do đó chúng ta phải học ở nơi thiện tri thức là chỗ phát sanh, truyền trao, dạy dỗ cho mình nhiều nhất, dễ hiểu nhất.”

Hòa hợp là yếu tố không kém quan trọng. Vì bản chất nó gần gũi và thiết thực trong cuộc sống nhất là ở các tùng lâm tự viện, hoặc những đạo tràng tu học, cho nên có câu “Hòa hợp tăng đoàn thể đẹp, nguyện sống đời tỉnh thức”, cũng như ngoài xã hội cũng có câu “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại thành hòn núi cao”. Ở nơi đó mọi người sống chung với nhau, nương tựa, đỡ đần lẫn nhau, bao bọc lẫn nhau. Có những khi cần tâm sự trong sự tế nhị, không thể tâm sự với thầy, với các vị giáo thọ, chúng ta cũng có thể chia sẻ với các huynh đệ, cùng học cùng trao đổi và có sự cảm thông một cách dễ dàng hơn.

Là anh em học tăng cùng chung ngôi nhà Phật pháp là linh sơn cốt nhục, là quyến thuộc bồ đề chung là Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni là con của bậc Năng Nhơn Tịch Mặc thì không vì một lý do gì mà không thương yêu nhau, vì chúng ta ‘là xương là thịt’ của Pháp hội linh sơn, là bà con của giác ngộ.

 

 

Đi xuất gia là cắt ái từ thân để gia nhập vào ngôi nhà mới, với tình thân mới để tiến tới chỗ cao thượng hơn là giải thoát cuộc sanh tử luân hồi. Quyến thuộc thế gian là nơi trói buộc khổ đau, không gọi là linh sơn cốt nhục đươc. Nếu không nhận thức rõ điều này, nên sau khi xuất gia không nên nhận ba nuôi, mẹ nuôi, anh em kết nghĩa là trái với luật Phật. Tình đạo chỉ là dìu dắt nhau trên con đường giác ngộ giải thoát. Người ta đề cao Tăng bảo là một trong ba viên ngọc quý là mẫu mực của người và trời. Đối với cư sĩ họ là những người mẫu mực, đáng kính là người lãnh đạo tinh thần của họ, là thước ngọc khuôn vàng cho họ noi theo. Ví thế không vì một chút sai lệch mà phá vỡ hình tượng của người xuất gia làm ảnh hưởng không đẹp đến tăng thân tăng đoàn là điều không nên, và ngược lại chúng ta không vì một lỗi vô tình mà đánh giá cả thiền môn là không nên. Cũng vậy, ngày xưa Đức Thế Tôn nhìn thấy hình ảnh của một vị tu sĩ quá thanh thoát, tự tại mà phát tâm xuất gia, cũng vậy Ngài Xá Lợi Phất do thấy hảo tướng cùng vị Tỳ Kheo Mả Thắng mà chứng quả Tu đà hoàn vào dòng thánh, đều là do phong thái xuất trần thượng sĩ đầy từ ái cao thượng.

Mục đích xuất gia là “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh” Người được tuyển vòa trường tuyển Phật là người được gia nhập vào hàng Tăng Bảo, là người có phước báo, ra khỏi nhà thế tục, xa rời tình cảm gia đình, phải cạo tóc vào chùa ở với tăng chúng để học chánh pháp. Thường được chia ra:

  • Xuất ra khỏi nhà phiền não
  • Xuất ra khỏi nhà thế tục
  • Xuất ra khỏi nhà tam giới gia.

Người Phật tử tại gia khó ra khỏi nhà thế tục rất khó vì còn bận bịu gia đình, nên Đức Phật chế ra pháp tu Bát Quan Trai có nghĩa là xuất ra khỏi nhà thế tục tu một ngày một đêm để tạo công đức tăng trưởng phước báu gây nhân xuất gia ở mai sau. Mặc dù tu một ngày nhưng chúng ta cũng phải tuân thủ đúng qui tắc của người xuất gia như: ăn đúng giờ, chỉ tịnh đúng giờ, giờ nào tụng kinh, giờ nào niệm Phật, ngồi thiền, xả thiền…tất cả giống như người xuất gia trong 24 giờ rồi mới xả giới…Chúng ta phải phát nguyện không để ưu bi phiền não làm khổ với điều kiện chúng ta phải làm chủ cảm xúc, không để ô nhiễm bên ngoài cám dỗ…

Xuất gia đức Phật cũng chia ra như sau:

 

  1. Thân xuất gia mà tâm không xuất gia
  2. Thân không xuất gia mà tâm xuất gia
  3. Thân và tâm xuất gia
  4. Thân và tâm không xuất gia.

Người Phật tử tại gia có trách nhiệm hộ trì chánh pháp với năm giới, tám giới và thập thiện.

Người xuất gia có hình tướng khác với người tại gia còn gọi là tâm hình dị tục là phải cạo tóc, vào chùa gia nhập tăng đoàn, sinh hoạt trong chùa và học chánh pháp với tiêu chí là phải lấy trí tuệ làm sự nghiệp với ý nguyện - Thượng cầu Phật Đạo - Hạ hóa chúng sanh - Phải chuyên tu để truyền đạt lời Phật dạy lại cho Phật tử và nhất là phải độ cho tất cả chúng sanh. Người xuất gia đủ duyên vào chùa tu, bỏ lại gia đình quyến thuộc, thú vui của thế gian, cùng sự nghiệp mà không bảo hộ được sáu căn thì uổng phí lắm.

Riêng phật tử tại gia tu tương đối dễ hơn nhiều, không có trách nhiệm nặng nề, mặc dù nói như thế nhưng chúng ta cũng phải hóa độ cho người trong nhà, sau đến hàng xóm đều biết lời Phật dạy nhất là cha mẹ già chưa biết đạo, để khi chết được tự tại.

Ngày xưa đức Phật dạy cho các Tỳ kheo rất kĩ:

  • Mặc ý phục bằng vãi thô, áo hoại sắc,
  • Phải đi khất thực,
  • Phải ngủ dưới gốc cây,
  • Thuốc uống là những loại đặc dược. Những điều này Đức Phật dạy tâm bình đẳng, tâm muốn ít, biết đủ.

Bây giờ thì người xuất gia “sung sướng” hơn nhiều, không phải khất thực và ngủ trong rừng, chỉ một việc là phải học cho nghiêm túc thì sư phụ “đã mừng” rồi.

Lợi ích của người xuất gia là phải thoát khỏi phiền não, dập tắt vô minh, từ bỏ tham sân si, chứng đạt vô sanh pháp nhẫn, liễu thoát sanh tử. Đó mới là việc làm tối thắng và cũng nhờ đó mà cả dòng họ thắm nhuần đức hạnh đó.

Người xuất gia trẻ cần phải nhìn các bậc tôn túc chân chánh với cung cách khiêm cung, cảm thấy mình bé nhỏ, chớ nên tự cao tự đại khi mình có bằng cấp cao…Đại sư Liên Trì đã dạy: “Trí lực càng cao, chướng ngại chướng ngại càng lớn, tu hành càng khó thành tựu,” vì thế mà chúng ta không thể đem trí lực bình thường của thế gian mà cân đo đong đếm được, Ngài còn dạy thêm rằng: ”Người không có đạo hạnh, sao có thể làm người xuất gia tu hành

Phải có căn bản đạo đức mà xây dựng nền tảng tu học thì sẽ vững chắc, không sụp đổ về sau. Chỉ cần nhìn qua tư cách của người đó đối với những người xung quanh thì biết con người này có tu được hay không. Đạo đức không phải là việc to tát vĩ đại mà chính là những điều nhỏ nhặt nhất, gần gũi nhất trong cuộc sống của mình. Chư Tổ dạy chúng ta phải “nhai thật kĩ” để “tiêu hóa” được lớp chữ nghĩa của chư Phật, chư Tổ muốn truyền đạt. Có nhiều người vì quá thông minh nên bị sự hiểu rộng làm chướng ngại trong việc tu tập, hành trình làm đạo phải bị chướng ngại, có thể gọi đó là “sở tri chướng” không? Vì sự hiểu biết rộng rãi quá thông minh nên thường bị người cho là qua mặt…

Mới vào đạo, nhất là người sắp đi xuất gia rất hồi hộp…vì nhiều lý do như tìm thầy bổn sư, tu pháp môn nào họp và đúng tôn chỉ của Phật là trung đạo. Trung đạo là gì? Muốn sự xuất gia được thuận lợi thì phải theo lộ trình chỉ dẫn của các bậc Thầy mà chúng ta chọn làm bổn sư, nghĩa là tất cả phải theo ý thầy để có thành tựu:

  • Bước 1: Thanh tịnh ba nghiệp là nền tảng căn bản để vào đạo, phải luôn luôn giữ gìn, bảo hộ, phòng thân, miệng và ý được trong sạch. Đây là bước đầu quan trọng về giới học dù xuất gia hay tại gia. Các Tổ dạy: Ngày xưa tu ít, đắc đạo nhiều còn ngày nay tu nhiều nhưng ít người đắc đạo. vì không tuân thủ quy luật, vào đạo tràng tụm năm, tụm ba nói chuyện thị phi, học mà không hiểu, còn hiểu thì không thực hành.
  • Bước 2: Soi xét thân tâm. Đây là bước quan trọng, trong việc thực hành quán chiếu tu tập trong cuộc sống thực tế, Đức Phật dạy trong kinh Di giáo “Phải nương tựa vào kinh Tứ Niệm Xứ, là phải quán sát thân và tâm. Đây là cốt lõi của đạo Phật”
  • Bước 3: Giữ gìn 6 căn, trong sinh hoạt hàng ngày chúng ta cần giữ gìn, bảo vệ  sáu căn trong từng giây phút.
  • Bước 4: Chánh niệm tỉnh giác. Nhận thức được mọi việc đang xảy ra gọi là thân đâu tâm đó, vì sự tu tập được gói gọn lại nên Đức Phật còn gọi là đạo tỉnh thức. Trong tâm người tu phải tỉnh thức ngay trong giây phút hiện tại mỗi cử chỉ, hành động, việc làm đều nằm trong sự kiểm soát và nhận thức rõ ràng nên gọi là chánh niệm tỉnh giác trong bốn oai nghi. Tất cả đều do có chánh niệm tỉnh giác cùng tột nên đạt tới vô ngại của pháp giới. Chánh niệm tỉnh giác phải đi song song với hiện tại lạc trú mới thực sự đúng nghĩa. Trên thực tế chùa hay tùng lâm bây giờ cũng là nơi yên tĩnh, việc còn lại là của chúng ta có chịu tu hay không, vì đa phần chúng ta không bao giờ bằng lòng với hiện tại. Và bước cuối cùng là sống nơi xa vắng, dẹp trừ phiền não, dẹp hết chướng ngại, thành tựu rốt ráo.

Đây là đường lối tu hành của người xuất gia đi đến giác ngộ, chúng ta có thể nhuần nhuyễn để có thể ứng dụng trong sinh hoạt hàng ngày, dù chúng ta là người xuất gia hay tại gia. Tóm lại đạo đức của người xuất gia là truyền thống và nguyên lý vĩ đại của Đức Phật, chúng ta là kẻ hậu sanh cũng phải theo con đường này để đạt đến Niết Bàn, bằng ngược lại là tự đi vào nẻo sinh tử luân hồi.

Tất cả chư Phật trong mười phương cho đến Đức Phật Di Lặc cũng như các Phật tương lai đều phải thực hành như vậy, người biết tu là phải hạ thủ công phu ngay bây giờ trong mọi lúc mọi nơi.

Chia sẻ
Phật học liên quan