Bàn về hai chữ cư sĩ trong kinh Tăng nhất A-hàm

Cập nhật: 06/07/2019

Trong kinh điển Phật giáo, hai chữ cư sĩ có tần suất xuất hiện rất cao. Theo thống kê từ công cụ tìm kiếm của phiên bản điện tử Đại tạng kinh Đại chính tân tu, thì trong toàn bộ công trình này, có đến 37.187 cụm từ có chứa hai chữ cư sĩ.

Bàn về hai chữ cư sĩ trong kinh Tăng nhất A-hàm

Tuy nhiên, chỉ tính riêng trong kinh Tăng-nhất A-hàm, hai chữ cư sĩ chỉ xuất hiện vỏn vẹn 12 lần. Mặc dù vậy, sự xuất hiện của hai chữ cư sĩ trong quyển thứ tư của bản kinh này đã tạo nên những ý kiến trái chiều từ nhiều dịch giả. Do vậy, để tìm kiếm một cách hiểu, với mong mỏi rằng sẽ tiệm cận với chân lý từ hai chữ này, chúng tôi sẽ nỗ lực trình bày qua khảo luận sau.

Xuất xứ kinh văn

Trong kinh Tăng nhất A-hàm, ở quyển thứ tư, phẩm Hộ tâm, thứ mười, kinh số bốn, có một đoạn văn chứa hai chữ cư sĩ đáng quan tâm. Nguyên văn đoạn kinh là lời trình bạch của ngài Cấp-cô-độc với Đức Phật và đại chúng:

如是,世尊!如是,如來!一切施主及與受者猶吉祥瓶,諸受施人如毘沙王,勸人行施如親父母,受施之人是後世良祐,一切施主及與受者猶如居士(1).

Từ thực tế cho thấy rằng, câu kinh này đã được nhiều chư tôn đức chuyển dịch, và chúng tôi đã chọn cách dịch thông dụng sau, như là một minh họa cụ thể:

Thật vậy, bạch Thế Tôn! Thật vậy, bạch Như Lai! Tất cả thí chủ và người thọ nhận như bình cát tường, những người thọ thí như vua Bình-sa, khuyên người hành thí (cho người khác) như chính cha mẹ mình, người nhận thí là phước lành đời sau. Tất cả thí chủ và người nhận đều là cư sĩ.

Trong nhiều dịch ngữ của những tác giả khác nhau, cách biểu đạt ý kinh có thể khác biệt một vài từ, tuy nhiên, phần đông các dịch giả đều dịch giống nhau ở câu cuối, tức là câu:

Tất cả thí chủ và người nhận đều là cư sĩ.

Phân tích cú ngữ

Trong câu kinh vừa nêu, nếu như câu cuối được dịch như thế thì quả là một thách đố đối với nhiều người đọc kinh mà trong số đó có cả chúng tôi. Thật sự ra, nếu được chuyển dịch như trên thì theo chúng tôi, câu kinh này đã chuyên chở những mâu thuẫn nội tại.

Thứ nhất, khi nói rằng tất cả thí chủ… đều là cư sĩ thì hàm ý rằng, người cúng dường là hàng cư sĩ. Ở đây, khi cho rằng, thí chủ đều là cư sĩ thì có thể tạm chấp nhận, nhưng khi gắn thêm thuộc tính tất cả thì vi phạm nguyên tắc lý do chưa đầy đủ theo logic học. Vì trong một vài trường hợp, tu sĩ vẫn có thể cúng dường.

Thứ hai, khi cho rằng tất cả… người nhận đều là cư sĩ thì quả có điều gì đó bất cập trong cách hiểu này. Vì trong thực tế, người nhận thí có nhiều hạng loại, vì ngoài hạng cư sĩ ra thì có cả những bậc tôn quý và cũng có những kẻ khốn cùng. Ở đây, khi cho rằng người nhận thí đều là cư sĩ thì không đúng với lý thuyết quy nạp.

Thứ ba, trong trường hợp để diễn tả ý nghĩa đều, cùng trong Tiếng Việt, thì Hán ngữ sử dụng nhiều từ khác nhau để diễn tả, và một trong số chúng thường được sử dụng là trạng từ giai (皆). Ở đây, khi dùng liên từ do như (猶如) thì câu kinh nêu trên không nhằm mục đích khẳng định mà hàm ý gợi mở, so sánh.

Thứ tư, việc sử dụng điển tích là bình cát tường (吉祥瓶)(2) nhằm chỉ cho đối tượng đáng tôn quý. Đáng chú ý là, vế trên đã sử dụng liên từ so sánh do (猶) khi nối hai mệnh đề độc lập của câu. Cách thức sử dụng liên từ so sánh do như (猶如) cũng được lập lại trong cấu trúc ở câu cuối, là những gợi mở đáng suy gẫm.

Do vậy, để hiểu rõ thêm về hai chữ cư sĩ, thì việc khảo sát những ý nghĩa cơ bản của hai chữ này, được sử dụng trong những ngữ cảnh cụ thể trong kinh điển, là những việc làm rất mực cần thiết.

Những nghĩa cơ bản của hai chữ cư sĩ

Trong Đại tạng kinh Đại chính tân tu, hai chữ cư sĩ xuất hiện trong nhiều ngữ cảnh và mang những ý nghĩa khác nhau.

Thứ nhất, theo luật Thập tụng, quyển thứ sáu: Cư sĩ là ngoại trừ vua, quan của vua và dòng tộc Bà-la-môn thì hàng bạch y tại gia đều gọi là cư sĩ(3).

Thứ hai, theo kinh Trường A-hàm quyển sáu, kinh Tiểu duyên, thì cư sĩ là giai cấp buôn bán, thương gia, trong bốn giai cấp ở Ấn Độ cổ đại. Kinh ghi lời Phật dạy: ‘Này Bà-tất-tra, có bốn chủng tánh, gồm cả kẻ ác và người lành, vừa được người trí ngợi khen, đồng thời cũng bị người trí chê trách. Bốn chủng tánh đó là: 1. Sát-đế-lợi; 2. Bà-la-môn; 3. Cư sĩ; 4. Thủ-đà-la’(4). Và cũng theo bản kinh này thì: Tích chứa nhiều tài sản quý giá, nhân vậy nên gọi những người đó là cư sĩ (5).

Thứ ba, theo kinh Tăng-nhất A-hàm, quyển thứ ba mươi ba, Phật dạy các Tỳ-kheo: Khi bậc Chuyển luân thánh vương xuất hiện trên đời, thì có bảy báu cùng xuất hiện trên thế gian. Gồm có xe báu, voi báu, ngựa báu, ngọc báu, ngọc nữ báu, cư sĩ báu, tướng lĩnh báu. Gọi đó là bảy báu(6).

Thứ tư, theo luận Đại trí độ, quyển thứ ba mươi tám, ghi lại một cuộc đối đáp giữa người hỏi và câu trả lời của luận chủ: Nếu sanh trong loài người, thì vì sao muốn được sanh vào nhà Sát-lợi cho đến đại gia mà không sanh vào những nơi khác? Đáp: Vì sanh vào nhà Sát-lợi thì có thế lực, sanh vào nhà Bà-la-môn thì có trí tuệ, sanh vào nhà cư sĩ đại gia thì giàu có, có thể đem đến lợi ích cho chúng sanh. Một khi nghèo khổ tất không thể tự lo cho mình thì làm sao có thể nhiêu ích chúng sanh?(7). Kinh Đại Bát-nhã Ba-la-mật-đa, quyển 105, quyển 378 cũng khẳng định rằng, Sát-đế-lợi, Bà-la-môn, Trưởng giả, cư sĩ… là những nhà hào quý.

Thứ năm, theo luận Đại trượng phu, quyển Thượng, ghi: Do thực hành bi tâm nên đối với hết thảy chúng sanh khởi tâm bình đẳng, người như vậy gọi là Đàn-việt(8). Và, đây cũng là tướng thứ ba trong mười tướng của tâm thanh tịnh, theo luận Du-già Sư-địa(9).

Đối chiếu và nhận định

Thứ nhất, xét về phương diện cú ngữ, cấu trúc của hai vế gần như tương đồng:

Vế đầu: 一切施主及與受者猶吉祥瓶,
Vế cuối: 一切施主及與受者猶如居士.

Ở đây, khi so sánh giống bình cát tường (猶吉祥瓶), một biểu tượng đặc thù, tôn quý thì lẽ tất nhiên cụm từ do như cư sĩ (猶如居士) cũng phải mang nghĩa tương đương.

Thứ hai, xét về phương diện logic nội tại, nếu như hai chữ cư sĩ đóng vai trò là danh từ, nhằm chỉ cho hàng tại gia bạch y như luật Thập tụng đã định nghĩa, thì vi phạm luật lý do không đầy đủ và cả nguyên lý quy nạp ưnhư chúng tôi đã phân tích.

Thứ ba, khi hai chữ cư sĩ đóng vai trò như một danh tính từ, tức là một bộ phận nhân loại có tính chất tôn quý, giàu sang như kinh Tiểu duyên ghi nhận, hoặc là một cá thể đặc thù như cư sĩ báu, một yếu tố trong bảy báu, thì hoàn toàn phù hợp trong cấu trúc và ngữ cảnh này.

Từ những phân tích về cú ngữ, văn pháp và thuộc tính của hai chữ cư sĩ trong cụm từ: 一切施主及與受者猶如居士, thì cách chuyển dịch phù hợp nhất là:

Tất cả thí chủ và người nhận là những bậc tôn quý.

Và do vậy, đoạn kinh trên được dịch là:

Thật vậy, bạch Thế Tôn! Thật vậy, bạch Như Lai! Tất cả thí chủ và người nhận thí đều tôn quý như bình cát tường. Những người nhận thí phải như vua Tỳ-sa(10), khuyên người thực hành bố thí phải như khuyên cha mẹ ruột, bởi vì người nhận thí là ruộng phước cho họ ở đời sau. Tất cả thí chủ và cả người nhận như những bậc hào quý(11).

Kết luận

Đức Phật là bậc quán thế, vì có khả năng thấy rõ những việc sẽ xảy ra hàng ngàn năm sau. Bằng chứng là, khi gặp phải những trường hợp ngữ nghĩa chưa thông đạt trong kinh điển, do quá trình giữ gìn, truyền dịch, giảng dạy… thì Đức Phật đã nêu ra những giải pháp được ghi lại trong kinh Đại-bát Niết-bàn, và nhân đây, chúng tôi cũng xem đoạn kinh này như là lời kết của chuyên khảo:

Này các Tỷ-kheo, có thể có Tỷ-kheo nói: “Tại trú xứ kia, có một vị Thượng tọa, vị này là bậc đa văn, gìn giữ truyền thống, trì pháp, trì luật, trì pháp yếu. Tôi tự thân nghe từ Thượng tọa, tự thân lãnh thọ; như vậy là Pháp, như vậy là Luật, như vậy là lời dạy của vị Ðạo sư”.

Này các Tỷ-kheo, các ngươi không nên tán thán, không nên hủy báng lời nói của Tỷ-kheo ấy. Không tán thán, không hủy báng, mỗi mỗi chữ, mỗi mỗi câu, cần phải được học hỏi kỹ lưỡng và đem so sánh với Kinh, đối chiếu với Luật. Khi đem so sánh với Kinh, đối chiếu với Luật, và nếu chúng không phù hợp với Kinh, không tương ứng với Luật, thời các ngươi có thể kết luận: “Chắc chắn những lời này không phải là lời của Thế Tôn, và Tỷ-kheo ấy đã thọ giáo sai lầm”.

Và này các Tỷ-kheo, các ngươi hãy từ bỏ chúng. Khi đem so sánh với Kinh, đem đối chiếu với Luật, nếu chúng phù hợp với Kinh, tương ứng với Luật, thời các ngươi có thể kết luận: “Chắc chắn những lời ấy phải là lời dạy của Thế Tôn và Tỷ-kheo ấy đã thọ giáo chơn chánh”. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Ðại giáo pháp thứ tư, các ngươi hãy thọ trì (12).


Bài viết: "Bàn về hai chữ cư sĩ trong kinh Tăng nhất A-hàm"
Chúc Phú/ Vườn hoa Phật giáo


________________

(1) 大正新脩大藏經第 2 冊 No. 125.壹阿含經,卷第四, 護心品第十.

(2) Cát tường bình (吉祥瓶): cũng gọi đức bình (德瓶). Theo Chúng kinh soạn tập thí dụ, quyển thượng (0532a18); luận Đại trí độ, quyển 13 (154a07): Trời có một cái bình gọi là bình đức, từ trong đó sinh ra những vật cần yếu. Ai có bình này, muốn gì đều được.

(3) 大正新脩大藏經第 23 冊 No. 1435 十誦律, 卷第六. Nguyên văn: 居士者,T23n1435_p0047b03║除王,王臣及婆羅門種,餘在家白衣,是名居士.

(4) 大正新脩大藏經第 1 冊 No. 1.長阿含經, 卷第六, 小緣經. Nguyên văn: 佛告婆悉吒:有四姓種,善惡居之,智者所舉,智者所責.何謂為四?一者剎利種,二者婆羅門種,三者居士種,四者首陀羅種.

(5) 大正新脩大藏經第 1 冊 No. 1.長阿含經, 卷第六, 小緣經. Nguyên văn: 多積財寶,因是眾人名為居士.

(6) 大正新脩大藏經第 2 冊 No. 125 增壹阿含經, 卷第三十[15]三, 七. Nguyên văn: 若轉輪聖王出現世間時,便有七寶出現世間.所謂輪寶,象寶,馬寶,珠寶,玉女寶,居士寶,典兵寶,是為七寶.

(7) 大正新脩大藏經第 25 冊 No. 1509.大智度論, 卷第三十八. Nguyên văn: 問曰:若生人中,何以故正生剎利等大家,不生餘處?答曰:生剎利,為有勢力;生婆羅門家,為有智慧;生居士家,為大富故,能利益眾生.貧窮中自不能利,何能益人?

(8) 大正新脩大藏經第 30 冊 No. 1577大丈夫論, 卷上. Nguyên văn: 因T30n1577_p0259c09║修悲者於一切眾生得平等心,如是者名為T30n1577_p0259c10║檀越.

(9) 大正新脩大藏經第 30 冊 No. 1579 瑜伽師地論,卷第七十四. Nguyên văn:云何心清淨十相…三平等心而行惠施.

(10) Tỳ-sa-vương (毘沙王): cũng gọi là vua Bình-sa, vị đệ tử Ưu-bà-tắc của Thế Tôn hoan hỷ bố thí bậc nhất.

(11) Nguyên tác Cư sĩ (居士): nhằm chỉ cho giai cấp Phệ-xá (vaiśya) trong hệ thống tập cấp của xã hội Ấn Độ cổ đại, là những người hào quý luôn nhận được sự tôn trọng của nhiều giai tầng. Ngoài ra, cư sĩ còn mang nghĩa là bậc tôn quý, vì cư sĩ là một trong bảy báu. Tham chiếu: 大正新脩大藏經第 1 冊 No. 1.長阿含經, 卷第六, 小緣經. Nguyên văn: 多積財寶,因是眾人名為居士 ; 大正新脩大藏經第 2 冊 No. 125 增壹阿含經, 卷第三十三, 七. Nguyên văn: 若轉輪聖王出現世間時,便有七寶出現世間.所謂輪寶,象寶,馬寶,珠寶,玉女寶,居士寶,典兵寶,是為七寶.

(12) Kinh Trường bộ, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2013, tr.317.

Chia sẻ
Phật học liên quan